Niệm Phật Có Tâm Như Mẹ Chôn Con Như Rồng Mất Châu Thì Chẳng Mong Nhất Tâm Mà Tâm Tự NhấtNếu như trong lúc niệm Phật, tuy vận dụng cả thân lẫn miệng mà tâm niệm rối bời chẳng thể tự chế thì nên dụng tâm như thế nào để khỏi tán loạn?

Ðáp: Nên vận dụng thân khẩu mà niệm, chẳng cần luận đến tán loạn, cứ chẳng gián đoạn, tự có thể một lòng mà niệm thì cũng gọi là Nhất Tâm. Chỉ lấy việc thực hành chẳng ngơi làm chừng, bất tất phải lo đến tán loạn! [Nghĩ đến Phật hiệu] như mẹ chôn con yêu, như rồng mất mạng châu[*] thì chẳng mong nhất tâm mà tâm tự nhất, cần gì phải chế ngự tâm cho nó quy nhất? Tâm này vốn chẳng thể chế ngự, thật chỉ là do hành nhân siêng hay lười mà thôi!

Nếu như có tu mà vô hiệu thì là do tín căn cạn mỏng, tu nhân chẳng thật, chưa từng lập hạnh, chưa gì đã muốn được người khác biết, trong tâm kiêu căng, ngoài thích phô trương để người khác cung kính cúng dường hòng được của cải. Thậm chí vọng ngôn thấy được tịnh cảnh, hoặc thấy tiểu cảnh và tướng lành trong mộng, chưa biết đúng sai đã toan giảng trước. Những bọn hèn kém như vậy ắt bị bè bạn ma mê hoặc, nguyện hạnh thối thất, lại đọa trong nẻo khổ sanh tử, chẳng nên dè dặt sao?

Dẫu có nghi thức trì tụng, sám nguyện trong đạo tràng cũng chẳng nên để người khác biết, nếu phải trình bày ra thì chỉ là chuyện bất đắc dĩ, há nên phô phang hình tích khiến cho quán hạnh bị bại hoại ư! Hãy nên tự xét kỹ điều ấy, kín đáo, chân thật ngầm tự hành, ôm lòng hổ thẹn, chẳng phô đức mình, tận cho đến lúc về nhà (vãng sanh) chẳng bị hai thứ ma mạnh bạo hay mềm mại làm lầm lạc!

Trong lúc tu tập, lúc túc chướng sắp diệt sẽ thấy vài tướng hảo nho nhỏ, nếu chẳng biết tích đức, khoe cho người khác biết thì hạnh mình lại bị vùi lấp. Bởi thế, ngài Huệ Viễn ba lần thấy thánh tượng mà lúc bình thời chẳng hề nói, chỉ trừ lúc lâm chung mới thố lộ thôi!

[*] Mạng châu: Theo truyền thuyết dưới cổ con rồng có một viên ngọc. Nếu viên ngọc ấy mất thì không lâu sau rồng cũng sẽ chết.

Trích dẫn Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ của Tứ Minh Diệu Hiệp đại sư thời Minh