Đam Mê Nữ Sắc Là Tự Làm Giảm Phước Của MìnhDương Hy Trọng quê ở Thành Đô, khi còn chưa đỗ đạt, xa quê lo việc học hành đèn sách. Có một cô gái xinh đẹp theo gạ gẫm muốn gần gũi ông, Hy Trọng không chấp nhận.

Đêm ấy, vợ ông ở quê nhà nằm mộng thấy một vị thần đến nói: “Chồng cô ở nơi đất khách quê người có thể giữ gìn tiết tháo đức độ, rồi đây sẽ được vượt trội nhất trong hàng sĩ tử.”

Người vợ tỉnh dậy hoang mang không hiểu gì cả. Đến cuối năm Hy Trọng về quê, lúc ấy bà mới biết được sự việc. Sang năm sau Dương Hy Trọng dự kỳ thi Hương, quả nhiên đỗ đầu trong toàn vùng Tứ Xuyên.

Lời bàn:

Kinh Ưu-điền vương dạy rằng: “[Đam mê] nữ sắc là điều xấu ác nhất, rất khó tạo thành nhân duyên [tốt đẹp]. Một khi đã bị sợi dây ân ái buộc vào, ắt sẽ lôi kéo người ta đi vào tội lỗi.”

Được như Dương Hy Trọng, có thể nói là bị lôi kéo mà không hề lay động.

Có người họ Tào quê ở Tùng Giang, trên đường về Nam đô dự thi ở trọ trong một nhà nọ. Trong nhà có một phụ nữ [vừa gặp ông thì nảy sinh tư tình, muốn cùng ông] dan díu. Họ Tào vội vã lánh ra khỏi nhà tìm ngụ nơi khác, trên đường bỗng gặp một toán quan quân đèn đuốc sáng rực, có kẻ quát người đi đường tránh ra nhường đường. Đoàn người ấy cùng nhau kéo vào một ngôi miếu cổ. Họ Tào liền đến gần miếu, ý muốn lắng nghe xem bên trong nói gì, liền nghe thấy tiếng hô tên những người sẽ đỗ khoa này. Hô đến tên người đỗ thứ sáu, có tiếng một viên chức bẩm lên rằng: “Người này đức hạnh suy tổn, đã gạch tên rồi, giờ sẽ thay ai vào?” Có tiếng thần đáp: “Họ Tào không chịu dâm ô với bà chủ nhà trọ, đức hạnh tốt lắm, nên ghi tên vào.”

Đến khi công bố kết quả thi, quả nhiên họ Tào đỗ thứ sáu.

Lời bàn:

Những kẻ háo sắc, nếu có phụ nữ tìm đến với họ ắt không chỉ là điềm báo tai họa. Những người đức độ, nếu có phụ nữ muốn lôi kéo chuyện mây mưa, [nhất định thế nào cũng cự tuyệt, nên] đó chính là điềm lành được hưởng phúc. Cho nên nói rằng, phúc hay họa đều do chính mình tự cầu mà có.

Lưu Nghiêu Cử là người ở Long Thư, thuê một chiếc thuyền đi lên tỉnh thành dự kỳ thi Hương. Trên đường đi đùa cợt trêu chọc người con gái của chủ thuyền, nên ông này lưu tâm đề phòng rất kỹ.

Đến khi Nghiêu Cử đã vào dự thi, chủ thuyền thấy trường thi cửa đóng then cài nhiều lớp, canh phòng hết sức nghiêm mật, nên cho rằng chẳng có gì phải lo nữa, liền vào trong phố chợ chơi một thời gian rất lâu. Không ngờ đề thi thuộc phạm vi Nghiêu Cử đã học kỹ nên anh ta làm xong và trở về thuyền rất sớm, liền [nhân cơ hội ấy] tư thông với đứa con gái chủ thuyền.

Khi ấy, ở quê nhà cha mẹ Lưu Nghiêu Cử đều nằm mộng thấy một người áo vàng mang bảng danh sách đến, báo tin Lưu Nghiêu Cử đỗ đầu. Họ vội vã chạy đến bên định xem bảng, bỗng có một người giật bảng lại, nói: “Họ Lưu gần đây làm điều gian dối, đã bị tước bỏ tư cách dự thi.” Hai người tỉnh dậy kể lại giấc mộng giống nhau, do đó đều sinh lòng lo lắng.

Không bao lâu đến lúc chấm quyển thi, Lưu Nghiêu Cử vì phạm quy nên bị tước bỏ tư cách thi, các quan chấm thi đều tiếc cho văn chương của ông.

Lúc về nhà, cha mẹ Lưu Nghiêu Cử đem chuyện trong mộng kể lại và cật vấn, Nghiêu Cử lặng thinh không dám nói lời nào.

Kỳ thi sau, Nghiêu Cử cuối cùng cũng đỗ được cử nhân, nhưng vĩnh viễn không đỗ được tiến sĩ.

Lời bàn:

Ham vui chốc lát trên thuyền mà vĩnh viễn không được thi đỗ tiến sĩ, thật không còn gì ngu xuẩn hơn!

Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Tham Dục
Nguyên tác Hán văn: Dục Hải Hồi Cuồng
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến