Thề Trọn Đời Quyết Không Buông Bỏ Câu Phật Hiệu Lâu Ngày Dài Tháng Tất Được Phật Âm Thầm Trợ GiúpNiệm Phật chính là phải ở chỗ ồn náo để rèn luyện, chẳng câu nệ đi đứng nằm ngồi. Ở nơi huyên náo có thể nhất tâm không loạn, một tiếng niệm Phật ấy còn hơn niệm nhiều tiếng ở nơi yên tịnh. Đó gọi là “tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh”.

Trọn ngày tuy bận rộn, lẽ nào lại không có một chút thời giờ rảnh rỗi? Sao không bớt thời gian uống trà, nói chuyện phiếm, để thâu nhiếp tâm tư mà niệm Phật? Người nhọc nhằn về tâm tư có thể nhờ đây để dưỡng tâm; người nhọc nhằn về sức lực cũng có thể nhờ danh hiệu Phật tích chứa sức mạnh. Việc ấy có lợi ích không tổn hại, còn có điều nào hơn đây nữa?

Phải nên gấp rút khẩn thiết chân thật, phát khởi sức lực dũng mãnh, duyên đời có thể buông bỏ thì buông bỏ, mạng người vô thường quyết đừng lưu luyến mà tự làm lầm mình. Dù có điều chưa có thể buông bỏ cũng chẳng ngại ông niệm Phật. Ví như có một việc khẩn thiết ở nơi lòng, tuy làm việc khác nhưng vẫn không sao quên được. Có thể niệm Phật như thế tự nhiên không có tạp niệm, cũng không đến nỗi một ngày nóng mười ngày lạnh. Còn có người tâm chân thật khẩn thiết, do thuở xưa nghiệp nặng nên bị ma nhiễu loạn. Có ma bên trong, ma bên ngoài. Ma bên trong là trong tâm khi tỉnh lúc mê, tất cả tham sân si ái, tâm này vừa lìa thì tâm kia lại khởi. Ma bên ngoài là gặp cảnh khó khăn đủ mọi chướng duyên, bức hại thân tâm, chẳng được an ổn, liền đối trước Phật phát nguyện, siêng năng cầu sám hối. Song, quan trọng ở chỗ tâm niệm Phật chẳng do ma sự mà thối lui, mặc cho mọi thứ chướng duyên, một câu Phật hiệu này quyết chẳng rời tâm ta. Sức ma tuy mạnh, dựa vào Vạn đức Hồng danh này chống cự với nó, chẳng tính lợi hại sống chết chỉ lo chuyên niệm, thề không thối lui, lâu ngày dài tháng tất được lòng từ bi của Phật âm thầm trợ giúp, chướng duyên tiêu tan, Tịnh duyên thành tựu. Phật chẳng phụ lòng người, ắt làm mãn nguyện chúng sinh.

Phương pháp niệm Phật quý ở chỗ đóng cửa âm thầm tu trì. Không luận là ngồi xếp bằng hay kinh hành niệm, trì thầm hay niệm ra tiếng, đều phải nhất tâm nắm chặt danh hiệu Phật, mỗi chữ mỗi chữ rõ ràng, vừa cảm thấy lờ mờ liền gấp rút đề khởi sự tỉnh giác soi chiếu. Hoặc rơi vào vô ký, hoặc sa vào vọng tưởng, luôn luôn tỉnh giác, luôn luôn đề khởi, đem một câu Phật hiệu này huân vào áp bức ý căn, đoạn dứt hôn trầm tạp niệm, đó là con đường chân chánh của pháp niệm Phật. Không thể quá gấp, gấp thì khó được lâu dài; không thể quá hưỡn, trì hưỡn thì dễ rời rạc. Lại không thể trông mong nhập định, hoàn toàn chẳng để khởi ý niệm.

Nếu buông bỏ không niệm nơi miệng rất dễ rơi vào chỗ hôn trầm nhẹ. Bởi vì niệm Phật quan trọng ở nơi nhất tâm không loạn, lúc lâm chung hoàn toàn nhờ vào niệm này vào thẳng thai sen. Đến khi đạt đến chỗ nhất tâm cùng cực, chẳng mong Thiền định hiện tiền cũng tự hiện, đây là khi công phu thuần thục, hoàn toàn khác xa với người buông bỏ không niệm nơi miệng rơi vào chỗ hôn trầm nhẹ.

Còn như Thể cứu, niệm tức vô niệm thì không ngại vô niệm mà niệm. Một niệm này tức là Tam đế: Không, Giả, Trung; tức là bốn pháp giới Sự Lý; tức là hai môn quán Duy thức, Duy tâm; tức là tâm mầu nhiệm Niết-bàn, Thật tướng Vô tướng. Đó chính là pháp niệm Lý nhất tâm của bậc thượng căn, nhưng cũng không rời nhất tâm nắm chặt câu Phật hiệu, mỗi chữ mỗi chữ rõ ràng mà niệm. Đây là điều trọng yếu của phép tắc Trì danh nơi chánh hạnh.

Trích Khuyến Tu Tịnh độ Thiết Yếu
Cư sĩ Chân Ích Nguyện