Chồng Giết Dê Hóa Ra Giết VợĐời Bắc Tống, Lưu Đạo Nguyên từng làm quan huyện lệnh Bồng Khê. Sau khi thôi việc về quê, một hôm đến chơi nhà họ Tần, nghỉ lại một đêm. Nửa đêm nằm mộng thấy một phụ nữ khóc nói với ông rằng: “Tôi là vợ của chủ nhà họ Tần này, từng đánh chết một người thiếp của chồng, âm phủ xử tôi sau phải chết để đền mạng, lại phải đọa làm thân dê. Hiện đang bị nhốt trong chuồng, sáng mai sẽ bị giết để đãi ông. Thân tôi dù chết cũng đáng tội chẳng tiếc gì, hiềm vì trong bụng đang có dê con, nếu lại vì tôi mà chết thì tội của tôi càng thêm nặng.”

Lưu Đạo Nguyên đợi đến sáng mới đem chuyện ấy ra nói thì dê đã bị giết rồi. Cả nhà họ Tần nghe chuyện đều hết sức kinh sợ, liền đặt dê con trở lại vào bụng mẹ rồi mang ra đồng chôn cất.

Lời bàn:

Xưa, ở thành Xá-vệ có một vị trưởng giả tên là Đô-đề. Một hôm, lúc ông ấy đi vắng, đức Thế Tôn đến nhà ấy nhìn thấy một con chó trắng đang nằm trên giường, ăn vụng thức ăn lấy trên bàn ăn. Con chó thấy Phật đến liền nhảy xuống giường mà sủa. Đức Phật bảo nó: “Đời trước ngươi tham tiếc tài sản, không chịu bố thí giúp người, nên ngày nay phải chịu đọa như vậy.”

Con chó nghe vậy ra vẻ buồn giận, nằm lỳ dưới đất không chịu ăn. Ông Đô-đề quay về nhà, thấy [con chó như] vậy thì khởi tâm sân hận, liền tìm đến chỗ đức Phật. Phật dạy: “Con chó ấy vốn là cha ông ngày trước. Nếu ông không tin cứ về nhà hỏi nó, bảo nó chỉ chỗ giấu vàng bạc châu báu thì biết.” Ông Đô-đề nghe vậy thì vừa thẹn vừa sợ, liền theo đúng lời Phật dạy về nhà hỏi con chó chỗ giấu vàng bạc châu báu. Con chó lập tức chạy nhanh đến chui vào dưới giường, dùng chân ra sức bới đất, quả nhiên đào chỗ ấy lên tìm được rất nhiều vàng bạc châu báu. Ông Đô-đề khi ấy mới tin lời Phật dạy, phát tâm quy y Tam Bảo [chuyện này được ghi chép trong kinh Trung A-hàm].

Vì thế nên đức Phật dạy rằng, các loài có mạng sống đều có thể là cha mẹ, thân quyến từ nhiều đời trước của chúng ta. Mỗi kiếp sinh ra làm người, tất nhiên đều có cha mẹ, quyến thuộc. Từ vô thủy đến nay, nếu chúng ta thác sinh qua số kiếp nhiều như số cát một sông Hằng, ắt phải từng có số cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của số kiếp nhiều như số cát một sông Hằng; nếu thác sinh qua số kiếp nhiều như số cát trăm ngàn sông Hằng, ắt phải từng có số cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của số kiếp nhiều như số cát trăm ngàn sông Hằng, lẽ nào có thể mê muội giết bừa được sao?

Lấy như việc con dê của nhà họ Tần, trong lúc bị giết, cả nhà đều chỉ cho đó là một con dê. Người chồng không biết là đang giết vợ để đãi khách, con không biết là đang giết mẹ để vui chén cùng người, người giúp việc cũng không biết là đang giết bà chủ mình để làm vật nấu nướng. Cho đến khi thân thể bị cắt lìa, đầu với thân mỗi thứ một nơi, chồng mới biết đã băm vằm trên thớt kẻ trước đây từng chung chăn gối, con mới biết đã cắt xẻ thân thể người trước đây từng thương yêu bảo bọc mình, người giúp việc mới biết con vật có miệng không nói được, phải ôm hận mà chết kia chính là bà chủ trước đây từng lo liệu đảm đang việc nhà. Nhưng đến lúc ấy thì dù có tan xương nát thịt cũng không thể nào chuộc lại được lỗi lầm, vãn hồi sinh mạng cho dê kia.

Giá như nhà họ Tần có giữ giới không giết hại, ắt là chồng đã cứu được vợ, con đã cứu được mẹ, người giúp việc đã cứu được bà chủ, đâu đến nỗi chỉ vì một người khách quen biết sơ sài mà giết hại chính người thân cốt nhục của mình!

Cho nên, những ai thường giết hại vật mạng để đãi đằng quan khách phải biết đau lòng mà nhất thiết từ bỏ không làm nữa.

Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại
Nguyên tác Hán văn: Vạn Thiện Tiên Tư
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến