Muốn Tiêu Nghiệp Chướng Phải Cảm Ơn Người Hủy Báng TaHọ hủy báng ta, hãm hại ta, tại vì sao họ không hủy báng người khác hãm hại người khác? Cho nên chúng ta nhất định phải chính mình phản tỉnh, chính mình tư duy, quả báo này ắc có nhân trước. Nhân phía trước, hoặc giả là ngay trong đời quá khứ ta đã từng dùng thái độ này đối với họ, ngày nay nhân duyên hội đủ họ hồi báo đối với ta, ta hiểu rõ ta phải nên thừa nhận, không nên so đo, ân oán của chúng ta liền được hóa giải ở ngay đây.

Phật dạy cho chúng ta “oan gia nên giải không nên kết”, đây là khai thị rất là quan trọng. Chúng ta quyết định không nên kết oán với người, bị oan ức quyết định không nên né tránh, vì sao vậy? Trong đời quá khứ đến nay ngu si không biết, chúng ta đã kết oán với biết bao nhiêu chúng sanh, ngày nay bị những tai nạn này nghĩ lại phải nên chịu, không có lời gì để nói. Cho nên ở ngay trong tất cả nghịch cảnh không được như ý, chúng ta liền thản nhiên tự tại mà trải qua, cũng hoan hỷ tiếp nhận, đây chân thật gọi là tiêu tai giải nạn, nghiệp chướng của bạn, tai nạn của bạn cứ như vậy mà tiêu trừ. Đời sau? Đời sau thì không còn nữa, đã trả hết nợ rồi, cái điểm này rất quan trọng.

Cho nên người học Phật nếu muốn học Bồ Tát quyết định không nên kết oán thù với bất cứ chúng sanh nào, chúng ta chỉ có hóa giải, quyết định không nên tạo thêm oán kế tiếp. Bất cứ tai nạn gì, bất cứ khổ báo gì đều chấp nhận. Đại Sư Ấn Quang gọi là, “cho dù người khác ngũ mã phân thây, hình phạt tàn khốc mà chết cũng không có chút tâm oán hận”. Không những không có ý niệm báo thù, một ý niệm oán hận cũng không có, cho nên Phật nói đó là hiện tượng nhẫn nhục Ba La Mật viên mãn.

Do đó, người khác vô duyên vô cớ đến hãm hại chúng ta, đó chẳng phải là thành tựu nhẫn nhục Ba La Mật cho chúng ta hay sao? Nếu bạn hiểu rõ được đạo lý này, không những không có tâm oán hận mà còn cảm tạ, cám ơn họ đã tạo cơ hội để cho ta tu nhẫn nhục. Nếu như không có những người ác và nghịch cảnh dày vò thì nhẫn nhục Ba La Mật của ta không có chổ để tu. Hiểu rõ cái đạo lý này, thấu đáo chân tướng sự thật này, thì những người này là đại thiện tri thức của chúng ta, là đại ân nhân của chúng ta, làm sao chúng ta có thể dùng tâm ác để đối đãi với ân nhân chứ?

Cũng cùng đồng một đạo lý, Phật dạy: Người khác đối đãi tốt với ta, thường hay chăm sóc ta, quan tâm đến ta đó là thuận cảnh, thuận cảnh cũng phải nhẫn nhục Ba La Mật, tại vì sao vậy? Nếu như không tu nhẫn nhục bạn sẽ tăng thêm lòng tham, bạn sẽ sanh tham luyến, tham luyến là sanh phiền não tạo nghiệp. Nghịch cảnh sanh sân hận, thuận cảnh sanh tham luyến, đều đọa lạc. Các bạn không nên cho rằng, người ác đáng ghét, người thiện cũng đáng ghét! Nếu bạn không có trí tuệ, hai bên đều đọa lạc, không phải đọa lạc bên đây thì cũng đọa lạc bên kia, thuận cảnh luôn luôn dẫn đến đọa lạc lớn hơn rất nhiều so với nghịch cảnh, bạn phải hiểu đạo lý này.

Cho nên, đời người đích thực là hiểm đạo, trong thuận cảnh phải nắm chặc lấy chính mình, quyết định không thể đọa lạc, không thể khởi lên tâm tham luyến. Trong nghịch cảnh không nên nổi tâm sân hận hay oán hận, vậy thì bạn mới có thành tựu hạnh nhẫn nhục Ba La Mật.

Hòa Thượng Tịnh Không