Vài Lưu Ý Cho Hành Giả Tịnh Độ Khi Dụng Công Niệm Phật[Niệm Phật theo lối] Truy Đảnh (1) dễ bị bệnh. Niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, niệm Kim Cang hay thầm niệm, đều tùy theo tinh thần của chính mình mà điều chỉnh để dùng. Há nên chấp chết cứng một pháp đến nỗi bị bệnh ư? Tùy Tức (2) chẳng bằng Tịnh Thính (lặng lẽ lắng nghe), bởi lẽ Tùy Tức không khéo thì cũng bị bệnh, còn Tịnh Thính thì chẳng bị bệnh!

Niệm Phật nhắm mắt dễ bị hôn trầm. Nếu không khéo dụng tâm rất có thể gặp cảnh ma! Chỉ buông hờ mí mắt (tức là giống như mắt các tượng Phật vậy) thì tâm sẽ lặng xuống, chẳng sôi động, cũng chẳng bị hỏa bốc lên đầu. Nếu ông niệm Phật mà trên đầu [dường như] có vật gì rờ đụng, hoặc lôi kéo v.v… là vì suy tưởng trong lúc niệm Phật khiến cho sóng tâm thức dâng trào đến nỗi tâm hỏa bốc lên.

Nếu buông rủ mí mắt và hướng tâm suy tưởng xuống phía dưới thì tâm hỏa chẳng bốc lên, bệnh ấy sẽ mất đi. Chớ nên lầm tưởng [hiện tượng] ấy là công phu [đã đạt đến mức], cũng đừng sợ đấy là ma cảnh, chỉ chí thành nhiếp tâm mà niệm, và tưởng bản thân đang ngồi hoặc đứng trên hoa sen, nhất tâm tưởng ta đang ngồi hay đứng trên hoa sen thì hiện tượng ấy sẽ tự nhanh chóng biến mất.

Pháp Niệm Phật há nên chấp chặt vào lề lối nhất định, cổ nhân lập ra phương pháp giống như tiệm thuốc có đủ các loại thuốc. Cách dùng của chúng ta là phải phù hợp với tinh thần, khí lực và thiện căn xưa kia của chính mình. Niệm Phật lớn tiếng hoặc nhỏ tiếng, hoặc [niệm] Kim Cang, hoặc niệm thầm, không cách nào chẳng được. Hễ hôn trầm, chẳng ngại gì niệm lớn tiếng để đẩy lùi cơn hôn trầm tán loạn thì cũng được. Nếu thường niệm lớn tiếng, ắt sẽ đến nỗi bị bệnh. Đừng nói người thông thường chớ nên thường [niệm] như vậy, dẫu là người hết sức khỏe mạnh cũng chớ nên thường như thế.

Trích Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục

(1) Truy Đảnh là niệm Phật liên tiếp, câu sau gối lên câu trước không xen hở chút nào.
(2) Tùy Tức là cứ thở ra một hơi (hay hít vào một hơi) bèn niệm Phật một câu.