Vì Sao Chư Cổ Đức Khuyên Chúng Ta Nên Ít Nói Chuyện?Cổ đức thường dạy chúng ta: “Ít nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật”. Đây là lời chân thật, không dư thừa chút nào. Chúng ta ngày nay tu hành tại sao công phu chẳng thể thành tựu? Đều do mãi lo, mãi bàn chuyện của thế gian. Mỗi ngày, miệng chúng ta tuy niệm Phật đó, nhưng tâm thì luôn chạy đuổi ra bên ngoài theo sắc trần. Niệm Phật như vậy, dù có niệm đến bể cả cổ họng cũng là uổng công. Vì tâm không thể quy nhất trên câu Phật hiệu đó mà.

Quý vị nên biết rằng tất cả những chuyện trên thế gian này đều là giả, không có cái gì là chân thật. Cho nên, thay vì dành nhiều thời gian để nói những chuyện nhảm nhí của thế gian, sao không dùng thời gian đó mà niệm Phật? Niệm Phật thì thành Phật, còn nói chuyện nhảm nhí của thế gian thì là đang tạo nghiệp. Tạo nghiệp gì vậy? Là nghiệp của địa ngục. Chúng ta phải hiểu rằng chuyện thế gian không ngoài tài, sắc, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ. Đây chính là 5 sợi căn của địa ngục, là gốc rể tạo ra địa ngục. Hằng ngày những chuyện mà chúng ta nói đó, đều không ngoài 5 thứ này. Đã niệm tưởng đến địa ngục, tất phải đi đến địa ngục. Vì sao? Vạn sự tuỳ tâm tưởng sanh, hễ tâm tưởng Phật thì thành Phật, tâm tưởng địa ngục thì đi vào địa ngục chứ sao.

Chúng ta ai cũng muốn tiêu tai giải nạn, nghiệp chướng tất cả đều tiêu trừ sạch sẽ. Nhưng từ sáng đến tối, khởi tâm động niệm, khởi dậy vọng tưởng đều là tạo nghiệp, nói chuyện vô ích lại càng không ngừng tạo nghiệp, nghiệp cũ chưa tiêu, nghiệp mới lại chất chồng lên, vậy làm sao có thể tiêu trừ nghiệp chướng cho chính mình được chứ? Vậy dùng phương pháp gì để tiêu trừ nghiệp chướng? Dùng một câu A Di Đà Phật chân thật mà niệm, khi niệm Phật chúng ta không khởi vọng tưởng, cũng không nói chuyện vô ích, như vậy không phải nghiệp chướng của chúng ta đều tiêu trừ hết đó sao?

Niệm Phật phải biết cách niệm, nếu không cũng chỉ uổng công. Vậy niệm như thế nào? Miệng niệm Phật, trong tâm phải thật có Phật. Miệng niệm câu Phật hiệu, tai lắng nghe rõ ràng. Từ tai tiếng niệm đi vào tâm, rồi từ tâm khởi lên, miệng liền niệm Phật hiệu. Với cách niệm này vọng tưởng không thể xen vào, cũng không thể nói chuyện phiếm, nghiệp chướng cũng theo đó mà được tiêu trừ.

Chúng ta phải biết giác ngộ, phải biết vận dụng thời gian sẵn có của mình để chuyên tâm niệm Phật, đừng tiếp tục bàn chuyện thế gian, đừng tiếp tục lo chuyện thế gian nữa, thì quả báo mà chúng ta nhận được đó sẽ hết sức thù thắng. Thế mới biết, chúng ta tu học có thành tựu hay không, quả báo gặt hái có thù thắng hay không đều do một niệm giác hay mê của chúng ta mà thôi.

Pháp ngữ của Pháp sư Tịnh Không