Bài Học Quý Giá Từ Những Tấm Gương Niệm Phật Không Vãng SanhChuyện này xảy ra vào năm 1996 lúc tôi đang ở Úc Châu, một vị tín đồ người Mã Lai kể với tôi một chuyện thật người thật. Ở Mã Lai có một vị sư cô, từ mười mấy tuổi đã thế phát niệm Phật, không có thọ giới, tự mình xây lên một gian miếu để thanh tu. Vị sư cô này thường ngày niệm Phật rất tinh tấn, một câu Phật hiệu thường luôn ở đầu môi, thế nhưng không có nền tảng về kinh điển, chỉ là thích niệm Phật. Cho dù sanh bệnh, cũng niệm Phật đến hết bệnh, rất ít khi xem bác sĩ. Từ mười mấy hai mươi tuổi niệm đến năm 1996, thì đã tám mươi mấy tuổi rồi. Lúc cô lâm mạng chung, có nhiều bạn bè và tín đồ đến trợ niệm. Bởi vì cô thường luôn niệm Phật rất hay, cho nên khi bệnh cũ vừa phát, rất tinh tấn niệm Phật, niệm đến A Di Đà Phật đến, cô cũng đã thấy nhưng lại nói: “Không đi! Tôi không đi!” Cái ý niệm này vừa khởi lên, A Di Đà Phật liền không thấy nữa. Người khác vẫn trợ niệm giúp cô, nhưng cô lại nghĩ ngợi lung tung, mắt cứ mở to, nhìn bên đây, nhìn bên kia, ba ngày sau chết đi, sắc mặt đen ra, mười phần rất khó coi.

Một người niệm Phật nếu như không thật sự vì cầu sanh Tịnh độ mà niệm, đến khi lâm mạng chung thì không dùng được rồi. Thật ra nguyên nhân là tại sao? Thì ra cô không có kết hôn, nhưng có một người con gái nuôi, cảm tình rất tốt, lúc cô lâm chung không gặp được người con gái nuôi, do đó niệm niệm nhớ người con gái này, như thế cơ duyên vãng sanh của đời này bị lỡ mất. Không hiểu cô phải luân hồi sau bao nhiêu kiếp mới có thể được lại thân người, lại nghe Phật pháp, tin tưởng Tịnh độ?

Niệm Phật để liễu thoát, chỉ giữa một niệm mà thôi! Trong Văn sao Ấn Tổ cho chúng ta biết, khi một người lâm chung niệm Phật mà người nhà làm chướng ngại không được vãng sanh, đây là quả báo vì quá khứ đời đời kiếp kiếp của mình đã chướng ngại người ta vãng sanh, cùng người ta kết oán thù. Nghiệp chướng của chúng ta tạo là vô lượng vô biên, phải thật sự phát tâm sám hối mà niệm Phật, sau này thừa nguyện trở lại phổ độ chúng sanh.

Công đức duy nhất, mục tiêu duy nhất của niệm Phật chính là cầu sanh Tịnh độ. Xin khuyên mọi người, đời này chúng ta quyết định không nên bỏ qua, một khi mất thân người, vĩnh viễn không ra khỏi. Chúng ta thử nghĩ xem, ngày nay chúng ta học vất vả như vậy, cầu vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc cũng không có chắc chắn gì. Nguyên nhân ở đâu? Là chúng ta đối với thế giới này chưa buông bỏ được, vẫn còn có dục vọng mạnh mẽ, không thể xa rời được thế gian này. Cho nên tin tức đối với thế giới Cực Lạc tương đối mịt mù.

Chúng tôi lúc còn trẻ, cũng bốn năm mươi tuổi rồi, thỉnh giáo một vị lão hòa thượng tu hành nghe nói cũng rất tốt. Tôi thỉnh giáo với ngài, lão hòa thượng ngài tu pháp môn Tịnh độ, ngài có tin tức gì về vãng sanh không, có chắc chắn gì không? Ngài lắc đầu. Chúng tôi cảm thấy đã rất tốt rồi, lão hòa thượng nói lời chân thật. Vì sao vậy? Chưa triệt để buông bỏ. Xây dựng đạo tràng là vì sao? Chùa của người khác xây lớn hơn chùa tôi, trang nghiêm hơn chùa tôi, tôi không bằng họ dường như mất mặt lắm. Đây là gì? Thể diện chưa buông bỏ, tôn nghiêm chưa buông bỏ, đây là đại chướng ngại! Cho nên với thế giới Cực Lạc chưa liên thông được, có chướng ngại. Đây đều là nói phải thiểu dục. Thiểu dục đến vô thượng bồ đề cũng không để trong tâm, trong tâm cũng không có nữa, thực sự thanh tịnh!

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, phải nuôi dưỡng tập khí niệm Phật, khi lâm mạng chung mới dễ niệm ra danh hiệu Phật. Bình thường không niệm Phật, đến lúc lâm chung e không niệm được. Niệm Phật suốt một đời, mà đến cuối đời không niệm được thì thật đáng tiếc!

Khi tôi mới xuất gia, gặp được một vị cư sĩ, tôi không nhớ tên của vị này là gì. Khoảng hơn 50 năm trước, tôi xuất gia ở chùa Lâm Tế. Chùa Lâm Tế có một hội niệm Phật, ông ta là phó hội trưởng. Một tuần lễ, họ tổ chức niệm Phật ở chùa Lâm Tế một lần, ông ta làm duy na, dẫn chúng rất tốt, rất kiền thành. Nhưng khi lâm mạng chung, tướng của ông ta rất khó coi, ông ta sợ chết. Lúc đó ông bảo người nhà không được niệm Phật A Di Đà, mà niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, ông ta còn muốn được sống. Cho nên người này không vãng sanh được, thật đáng tiếc. Quý vị xem, phó hội trưởng của hội niệm Phật, đến lúc đó còn tham sống sợ chết. Mỗi tuần dẫn chúng niệm Phật, bản thân ông ta cũng niệm, vậy mà không thể nuôi dưỡng tập khí niệm Phật. Vì thế khi lâm mạng chung không thể làm chủ, bao nhiêu người đều cảm thấy tiếc cho ông ta.

Trích lục từ những lời pháp vàng ngọc từ các buổi giảng của lão hòa thượng Tịnh Không