Muốn Tâm Thanh Tịnh Hành Giả Phải Lịch Sự Luyện TâmTrong hiện tại ngày nay, cuộc sống khẩn trương, áp lực trầm trọng, công việc bận bịu như vậy chúng ta phải dùng phương pháp và thái độ thế nào để mà học Phật? Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử tham học 53 lần chính là 1 tấm gương tốt cho chúng ta noi theo, đó là khi đãi người tiếp vật cần phải làm cho được “ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm”, thì câu Phật hiệu chúng ta niệm đó mới được đắc lực.

Nếu như khi tiếp xúc với hoàn cảnh bên ngoài, mà ngoài thì chấp tướng, trong lại động tâm thì dẫu 1 ngày niệm 10,000 câu Phật hiệu, cổ nhân gọi là “gió thổi chẳng lọt, mưa táp chẳng thấm”, thì cũng uổng công, chúng ta chẳng thể nào vãng sanh. Vì sao vậy? Vì tuy niệm Phật hiệu nhiều nhưng không có hiệu quả, câu Phật hiệu niệm ra đó chẳng thể đắc lực. Chúng ta ở nơi đây bình tĩnh mà suy xét, chúng ta niệm Phật rốt cuộc để làm gì? Là để cầu Nhất Tâm Bất Loạn. Thế nhưng chúng ta lại đi dùng nhị tâm, tam tâm mà niệm, nên dẫn đến miệng tuy niệm Phật nhưng khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng thì trong tâm liền động loạn, vậy thì làm sao có thể đi đến Nhất Tâm Bất Loạn đây? Do đó, tuy rằng niệm nhiều mà cũng vô ích.

Do vậy, chúng ta cần phải luôn ghi nhớ rằng chúng ta niệm Phật là để tu tâm thanh tịnh, chỉ khi tâm thanh tịnh thì cõi nước sẽ tịnh. Khi chúng ta tiếp xúc với xã hội bên ngoài, thì người và sự việc cứ luôn ồ ạt kéo đến quấy nhiễu chúng ta, điều này với chúng ta mà nói là 1 ân huệ rất lớn. Vì sao? Trong cảnh giới ấy, chúng ta có thể thời thời khắc khắc khảo nghiệm công phu tu tập của chính mình xem đã đắc lực hay chưa.

Nếu ta thấy hay nghe trong tâm vẫn còn rất nhiều phiền não, vậy thì công phu vẫn chưa đắc lực. Những người và sự việc đến đến quấy nhiễu ta là Bồ Tát, là thầy của ta, họ đến bảo với ta: “Ngươi chưa được đâu! Công phu vẫn chưa thể đắc lực”.

Nếu chúng ta khi đối diện với người và việc mà trong chẳng động tâm, ngoài chẳng chấp tướng, trong tâm rất thanh tịnh thì họ bèn bảo với ta: “Khá lắm! Công phu của ngươi đã đắc lực rồi”.

Điều này trong nhà Phật gọi là “Lịch Sự Luyện Tâm”, tức là trải qua sự việc để rèn luyện cái tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình. Do vậy, chúng ta tu hành là tu ở ngay trong hoàn cảnh đời sống của mình. Nay nếu như quý vị nghĩ rằng chỉ có tách rời khỏi con người và tất cả sự việc thì mới có thể an ổn tu hành, nên đợi đến khi nào chính mình chẳng còn bất cứ buộc ràng nào nữa thì mới tiến tu, vậy thì quý vị phải đợi đến bao giờ? Nói thật là ngày ấy chẳng bao giờ đến.

Ngay cả Đức Phật Thích Ca khi xưa cũng chẳng thể làm được như vậy, huống chi là phàm phu chúng ta nghiệp dày, phước mỏng mà mong có thể làm được hay sao? Trong Tăng đoàn của Phật, chúng ta thấy ngoài thì có Đề Bà Đạt Đa, trong thì có lục quần Tỳ Kheo, ngay chính trong số những đệ tử luôn theo Ngài học vẫn có không ít kẻ chẳng vâng lời, luôn khấy động sóng gió. Đức Phật Thích Ca mà còn chẳng có lấy 1 ngày thanh tịnh, nay quý vị mong muốn có được 1 ngày thanh tịnh để tu thì phải cần nhiều phước báo đến dường nào? Điều này chúng ta chẳng thể không giác ngộ.

Lão pháp sư Tịnh Không