Hòa Thượng Ngốc Niệm Phật Được Thần Hộ Pháp Báo Trước Ngày Vãng SanhHòa thượng Hải Hiền thường xuyên, thậm chí không sợ phiền mà kể câu chuyện của Hòa thượng Lão Đức cho mọi người nghe.

Hòa thượng Lão Đức và Hòa thượng Hải Hiền là người đồng liêu, từ nhỏ mất cha, theo mẹ ăn xin qua ngày. Vào ngày đông vô cùng lạnh giá, hai mẹ con Lão Đức vừa đói vừa rét đi đến chùa Kim Sơn ở huyện Chí Đồng trấn Bình Thị, van nài Pháp sư trụ trì Hải Tham từ bi thu nhận, và hy vọng Pháp sư có thể thu nhận Lão Đức làm đệ tử. Pháp sư Hải Tham không nhận lời cho Lão Đức thế độ, mà đưa đến trước tượng Vi Đà Bồ Tát, để Ngài bái Vi Đà Bồ Tát làm thầy.

Bởi vì Lão Đức đần độn, cho nên mẹ của Ngài gọi Ngài là “Lão Ngai”, ngôn ngữ của bên Nam Dương “Ngai” và “Đức” đồng âm, cho nên truyền lâu, “Lão Ngai” đã biến thành “Lão Đức” rồi.

Lão Đức đã xuất gia như vậy, Ngài không có sư phụ thế độ, cũng không có pháp danh, càng không được thọ giới. Từ đó, người dân trấn Bình Thị xa mấy chục dặm đều nhớ Hòa thượng Ngai – một người mỗi ngày vác túi vải trên vai ra ngoài hóa duyên.

Pháp sư Hải Tham dạy Ngài khi đi đường niệm “A Di Đà Phật”, quả nhiên Ngài thành thật vừa đi vừa niệm. Những người phụ nữ và đứa bé nghịch ngợm trong thôn thấy Ngài đần độn, thường lấy Ngài làm trò cười. Hòa thượng Lão Đức cũng không giận, chỉ là chấp tay thi lễ với người, trong miệng vẫn là không ngừng mà niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật…”.

Có người trêu chọc Ngài nói: “Lão Đức, ông cúi lạy một lạy, tôi cho ông lương thực.”

Lão Đức nói: “Không có Phật, tôi không cúi lạy.”

Người ta chỉ vào một tảng đá nói: “Bên trong đó có Phật.”

Hòa thượng Lão Đức buông túi vải xuống, quỳ xuống đất dập đầu lạy tảng đá. Mọi người cảm thấy trò này vui, nên thường xuyên trêu chọc Ngài. Thời gian lâu rồi, trán của Hòa thượng Lão Đức dập thành cái bao trứng gà lớn.

Có một số người càng quá đáng hơn, chỉ vào phân trâu nói với Hòa thượng Lão Đức nói: “Bên trong này có Phật.”

Hòa thượng Lão Đức nói: “Có Phật tôi lạy Phật.” Nói xong, dập đầu xuống lạy phân trâu.

Có một lần, có người để sợi dây lên tai của Ngài, rồi nói: “Lão Đức, tôi cột ông ở đây rồi, ông không động đậy được đâu!” Hòa thượng Lão Đức liền đứng ở vị trí đó khóc, Ngài cứ đứng như vậy dưới nắng mặt trời rất lâu không động đậy.

Sau này có người đi qua nơi này, hỏi Ngài vì sao khóc, Ngài nói: “Bị người khác cột lại rồi.”

Người ta hỏi Ngài: “Dùng cái gì cột lại?” Ngài nói: “Dùng dây.”

Người đó nói: “Cột ở đâu?” Ngài nói: “Cột cái lỗ tai rồi.”

Người qua đường lấy sợi dây từ trên tai Ngài xuống, nói với Ngài: “Tôi cởi ra cho Ngài rồi, Ngài có thể đi.”

Lão Đức lập tức ngưng khóc mà cười, rồi chấp tay niệm Phật thi lễ với người đó.

Mỗi lần Hòa thượng Lão Đức hóa duyên trở về tự viện, nhất định đến quỳ lạy Vi Đà Bồ Tát trước tiên, nói với Bồ Tát: “Sư phụ, con về rồi.” Sau đó đem những đồ vật hóa duyên được đem đến Chánh Điện cúng Phật.

Ban ngày Ngài ra ngoài hóa duyên, ban đêm lạy Vi Đà Bồ Tát, quanh năm suốt tháng, ngày nào cũng vậy.

Tháng Chạp năm 1954, Hòa thượng Lão Đức bị bệnh, nhưng mà từ chối thuốc thang, Ngài liền hỏi: “Ngày nào là mùng 8 tháng chạp?” Mỗi ngày đều hỏi mấy lần.

Pháp sư Hải Tham hỏi riêng Ngài: “Thầy cứ hỏi mùng 8 tháng chạp, làm gì vậy?” Hòa thượng Lão Đức trả lời rằng: “Sư phụ tôi nói với tôi, ngày mùng 8 tháng chạp A Di Đà Phật đến rước tôi đi.” Pháp sư Hải Tham thầm nhớ trong tâm, âm thầm tán thán.

Chẳng mấy chốc đã tới mùng 8 tháng chạp, ngược lại Hòa thượng Lão Đức không hỏi nữa. Có người nói với Ngài: “Hôm nay chính là mùng 8 tháng chạp, rốt cuộc thầy muốn làm gì vậy?” Lão Đức nghe xong câu này, hình như rất ngạc nhiên mà nói: “Vậy sao? Vậy tôi đi đây.” Ngài nhờ người đem đến một bồn nước tắm, tắm rửa sạch sẽ thay y phục, ngồi ngay ngắn niệm Phật mà tịch.

Hai năm sau khi Hòa thượng Lão Đức vãng sanh, vẫn có một truyền thuyết được lưu truyền như vầy. Có vài thương gia đến Vũ Hán làm ăn, họ ở đầu phố Vũ Hán gặp được Hòa thượng Ngai đang vác túi vải trên vai đi hóa duyên, mọi người nói giống Lão Đức, nên đã tiến tới chào hỏi nói: “Lão Đức, sao Ngài lại đi đến Vũ Hán vậy?”

Hòa thượng Ngai nhìn họ, cười mà nói: “Hóa duyên mà!”

Mọi người nói: “Cùng chúng con đi về thôi.”

Hòa thượng Ngai nói: “Mấy ngày nữa tôi mới về.”

Khi mấy thương gia từ Vũ Hán trở về, khi họ nói với người dân trấn Bình Thị ở đầu phố Vũ Hán gặp được Lão Đức, mới biết rằng Lão Đức đã vãng sanh hai năm rồi. Nhưng mà họ một mực khẳng định rằng, người họ gặp được là Hòa thượng Lão Đức.

Câu chuyện của Hòa thượng Lão Đức chúng xuất gia ở Nam Dương không ai không biết. Trong Đồng Bách Huyện Chí cũng có ghi chép lại vị Hòa thượng Lão Đức này: “Hòa thượng Lão Đức, tự Truyền Thực, ở chùa Kim Sơn trấn Bình Thị, bản tính ngây ngô, đi vệ sinh không biết tránh né người khác, không biết đói khát, đi thẳng về phía trước, không quay đầu lại, không dừng lại nhìn, hành tích kỳ lạ, khiến người ta khó đoán. Hằng ngày đi hóa duyên trong thôn, làm trò cười cho phụ nữ và trẻ con, buổi tối lễ bái Vi Đà, cả đêm không ngủ, mỗi lần lạy Phật đầu đụng đất phát ra tiếng, đến nổi sưng trán, cứ vậy mười mấy năm, quanh năm suốt tháng. Vào mùa đông năm 1954 bị bệnh nằm trên giường, từ chối thuốc thang, mỗi ngày đều hỏi ngày nào là mùng 8 tháng chạp, mọi người thành thật trả lời, cho đến ngày mùng 8 tháng chạp, Lão Đức tắm rửa thay y phục, ngồi ngay ngắn niệm Phật viên tịch.”

Hòa thượng Lão Đức, lão Hòa thượng Hải Hiền, Hòa thượng Hải Khánh (sư đệ của lão Hòa thượng Hải Hiền), các Ngài đều một đời một câu Phật hiệu, phương pháp tu hành của các Ngài đều là lạy Phật, niệm Phật, nhiễu Phật. Cuộc sống của các Ngài không rời Phật hiệu, công việc cũng không rời Phật hiệu, đối người tiếp vật, Phật hiệu không gián đoạn. Chỉ có lúc ngủ không niệm Phật, nhưng mà sau khi tỉnh dậy, Phật hiệu lại tiếp nối. Các Ngài niệm Phật thành thói quen, trong tâm thật sự có A Di Đà Phật. Đây là tấm gương của người niệm Phật!

Trích Cuộc Đời Hòa Thượng Hải Hiền
Chuyển ngữ: Diệu Âm Diệu Hiệp