Để Tâm Được Thanh Tịnh Không Gì Tốt Hơn Niệm PhậtNiệm Phật cũng là pháp dưỡng khí điều thần, mà cũng là pháp tham cứu bản lai diện mục! Vì sao nói thế? Cái tâm của chúng ta thường luôn rối loạn, nếu chí thành niệm Phật thì sẽ thấy hết thảy tạp niệm vọng tưởng dần dần tiêu diệt. Hễ vọng tưởng tiêu diệt thì tâm quy về một mối, quy về một mối thì thần khí tự nhiên sung mãn, thông suốt.

Ông không biết niệm Phật là dứt vọng. Cứ thử niệm đi! Sẽ nhận thấy đủ mọi vọng niệm trong tâm đều hiện. Nếu niệm lâu ngày, sẽ tự chẳng còn những vọng niệm ấy. Thoạt đầu cảm thấy có vọng niệm, đấy là do niệm Phật nên mới hiển lộ được những vọng niệm trong tâm, nếu không niệm thì chẳng thấy rõ [tâm có vọng niệm]. Ví như trong nhà thanh tịnh không bụi, nhưng một tia nắng lọt qua khe cửa sổ sẽ thấy không biết bao nhiêu là bụi! Do ánh nắng thấy rõ bụi trong nhà, vọng trong tâm cũng do niệm Phật mà hiện rõ. Nếu thường niệm Phật, tự tâm thanh tịnh.

Khổng Tử hâm mộ đạo của Nghiêu, Thuấn, Châu Công, niệm niệm chẳng quên, nên thấy vua Nghiêu trong canh, thấy vua Thuấn nơi tường, thấy Châu Công trong mộng! Đấy là do thường luôn nghĩ nhớ, có khác gì niệm Phật! Do tâm miệng của chúng sanh bị phiền não, Hoặc nghiệp nhiễm ô, nên Phật dạy hãy dùng tâm miệng xưng niệm hồng danh thánh hiệu “nam-mô A Di Đà Phật”. Như người nhiễm hương, thân có mùi thơm. Niệm lâu ngày, nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận, phước cao, Phật tánh sẵn có nơi tự tâm sẽ tự hiển hiện. đức niệm Phật của chính mình hồi hướng cho hết thảy chúng sanh trong pháp giới đều cùng được vãng sanh Tây Phương. Nếu có tâm ấy, công đức sẽ vô lượng. Nếu chỉ vì một người mà niệm thì do tâm lượng nhỏ hẹp, công đức cũng nhỏ hẹp! Ví như [thắp] một ngọn đèn thì chỉ có ánh sáng của một ngọn đèn. Nếu chịu xoay vần thắp cho những ngọn đèn khác thì ánh sáng của trăm ngàn vạn ức vô lượng vô số ngọn đèn sẽ chẳng thể nào thí dụ được; thế nhưng ánh sáng của ngọn đèn ban đầu cố nhiên chẳng bị hao tổn gì! Người đời chẳng biết nghĩa này, nên chỉ biết tự tư tự lợi, chẳng muốn cho người khác hưởng lợi ích ấy.

Bản thể của cái tâm chẳng khác với Phật, cho nên đức Phật dạy con người niệm Phật, dùng lửa trí huệ từ sức thần thông, oai đức của Phật để chưng luyện Phật tâm đang bị xen tạp phiền não Hoặc nghiệp của phàm phu, ngõ hầu phiền não Hoặc nghiệp ấy đều bị tiêu diệt, rơi rớt tứ tán, chỉ còn giữ lại cái tâm thanh tịnh thuần chân thì mới có thể bảo: “Tâm tức Phật, Phật tức tâm”. Chưa đạt đến địa vị ấy [dẫu có nói “Tự tâm làm Phật, tâm Phật này độ tự tâm, ta chính là Phật, Phật chính là tâm, tâm chính là Phật”] thì chẳng qua là dạy về thể tánh [của cái tâm] mà thôi! Nếu luận về Tướng (sự tướng) và Dụng (lực dụng) thì đều hoàn toàn chẳng phải!

Trích Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục

Đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật rằng:
Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật, thì uy lực bất-khả tư-nghị của danh-hiệu khiến Tâm thể thanh-tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ-Phần Pháp-Thân, âm thầm ứng hợp với Bi-Trí Trang-Nghiêm của Phật.