Chúng Ta Phải Làm Thế Nào Để Chánh Pháp Tồn Tại Lâu Dài?Thế Tôn từ vô lượng kiếp, vì tất cả chúng ta mà tu đạo Bồ đề. Ngài làm được việc khó làm, nhẫn được điều khó nhẫn. Cho nên, khi nhân quả tròn đủ, Ngài mới thành Phật. Sau khi thành Phật, giáo hóa hoàn tất, Ngài vào Niết bàn. Nay thời chánh pháp đã qua, thời tượng pháp đã hết; dù Phật và pháp vẫn còn đó, mà không có người tu hành. Tà chánh chẳng phân, phải trái lẫn lộn. Tranh đua nhân ngã, toàn phường lợi danh. Ngước mắt nhìn quanh, mọi người đều như vậy, chẳng ai thoát khỏi. Mịt mù chẳng biết Phật là ai? Pháp là gì? Tăng nghĩa ra sao? Suy tàn đến thế, không thốt nên lời! Nhưng mỗi khi nghĩ đến những việc ấy, thì bất giác lệ tuôn. Ta là Phật tử mà không thể đền đáp công ơn Phật? Trong vô ích cho mình, ngoài chẳng lợi cho người. Sống vô ích cho đời, chết vô ích cho hậu thế. Trời tuy cao không che nổi ta, đất tuy dày không chở nổi ta. Người mang tội nặng, không phải ta thì là ai? Do đó, lòng đau không thể chịu nổi, toan tính cũng chẳng đề xuất được kế gì. Bỗng nhiên, vụt quên rằng mình quê mùa, chợt phát tâm trí rộng lớn. Tuy chưa thể kéo mạt vận trở lại ngay trong lúc này, nhưng quyết định phải hộ trì được chánh pháp mai sau. Cho nên, cùng các Thiện hữu dắt nhau đến đạo tràng, soạn thuật sám pháp, lập pháp hội này. Phát bốn mươi tám đại nguyện, nguyện nào cũng nhằm hóa độ chúng sinh, cầu trăm ngàn kiếp thâm tâm, tâm nào cũng hướng đến chỗ làm Phật. Kể từ hôm nay cho đến tận cùng đời vị lai, thề hết thân này, thề quyết phải sinh về An Dưỡng. Sau khi lên xong chín phẩm, trở lại Ta Bà(*), khiến cho mặt trời Phật pháp sẽ được sáng lại, cửa vào chánh pháp phải được mở toang. Tăng chúng thanh tịnh ở cõi này, nhân dân được độ khắp tất cả. Kiếp vận nhờ đó kéo dài, chánh pháp do đây bền vững. Đây là tâm nguyện chân thành, từng được thiết tha ấp ủ!

Cúi xin đại chúng xót thương cho tấm lòng thành ngu muội của tôi, thương tiếc xét cho cái chí nguyện khổ sở của tôi, để cùng nhau cùng lập nguyện ấy, cùng phát tâm này. Ai chưa phát thì nay phát, ai phát rồi thì nên tăng trưởng, ai tăng trưởng rồi thì nay cứ tiếp tục. Đừng thấy khó mà sợ hãi lùi bước, đừng cho dễ mà khinh thường, đừng ham mau mà không giữ được bền lâu, đừng lười nhác mà mất lòng dõng mãnh, đừng rụt rè mà giảm khí thế đang lên, đừng vì chần chờ mà hẹn nay, hẹn mai. Đừng tự cho mình ngu mà buông thả tất cả, đừng vì căn cơ chậm lụt mà mặc cảm rằng mình không được dự phần. Ví như trồng cây, trồng lâu thì rễ lần càng ăn sâu. Lại ví như mài dao, mài hoài thì dao cùn cũng phải bén. Đâu nên vì cạn mà không trồng, để mặc cho cây khô héo; hay vì cùn mà không mài, để mặc cho dao sét rỉ, thành vật vô dụng. Lại nữa, nếu bảo tu là khổ, đâu biết lười biếng lại khổ hơn. Tu chỉ nhọc nhất thời mà an vui vĩnh viễn, lười biếng thì tạm thong thả một đời mà chịu khổ muôn kiếp. Huống nữa, lấy pháp môn Tịnh độ làm tàu thuyền, thì lo gì thối chuyển; lại thêm có trí tuệ vô sinh làm sức đẩy, thì ngại gì gian nan. Nên biết, tội nhân ở Địa ngục còn phát tâm Bồ đề từ kiếp trước; nay được làm người lại là Phật tử, sao không lập đại nguyện ngay trong đời này?

Vì hôn mê từ bao kiếp trước, nên những gì qua rồi không thể cản ngăn. Nhưng ngày nay đã tỉnh ngộ, thì những gì sắp đến còn có thể đón bắt. Còn nếu mê mà chưa tỉnh đương nhiên là việc đáng thương, nhưng biết mà không làm mới thật là điều đáng tiếc. Nếu sợ cái khổ Địa ngục thì tự sinh khởi tinh tấn, nếu nghĩ cái chết gần kề thì sẽ không còn lười nhác.

Lại nữa, phải lấy Phật pháp làm roi giục, lấy bạn lành làm tay dắt. Vội mấy cũng không rời, trọn đời luôn bám chặt. Như vậy, không còn lo gì thối chuyển nữa. Chớ bảo rằng một niệm chẳng đi đến đâu, đừng cho rằng nguyện suông chẳng ích gì. Tâm chân thì việc thật, nguyện rộng lớn thì tâm hạnh sâu xa. Hư không chẳng có rộng lớn, tâm vương mới là rộng lớn; kim cương chẳng bền chắc, chỉ nguyện lực mới bền chắc.

Nếu đại chúng thật tâm, không vứt bỏ lời tôi, thì xin nguyện cùng làm quyến thuộc Bồ đề, bạn lành Tịnh độ. Nguyện cùng sinh Tịnh độ, cùng thấy Di Đà, cùng độ chúng sinh, cùng thành Chánh Giác.

Biết đâu, ba mươi hai tướng tốt và trăm phước trang nghiêm sau này, chẳng phải bắt đầu từ buổi phát tâm lập nguyện hôm nay! Nguyện cùng đại chúng cùng nhau gắng sức!

Rất mong lắm thay! Rất mong lắm thay!

CHÚ THÍCH:

(*) Ta Bà: Chỉ cho thế giới Ta Bà, tức là thế giới hiện thực do đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa. Chúng sinh trong thế giới này làm mười điều ác, chịu đựng các phiền não mà không muốn lìa bỏ, vì thế gọi là nhẫn. Lại khi chư Phật, Bồ tát làm việc lợi lạc ở thế gian này, các ngài phải chịu mọi thứ phiền não, để biểu thị lòng vô úy và từ bi của các ngài, cũng gọi là nhẫn. Ta Bà còn được dịch là tạp ác, tạp hội, nghĩa là cõi Ta Bà là chỗ Tam ác, Ngũ thú tụ hội phức tạp.

Ngoài ra danh từ Ta Bà chỉ cho cõi Diêm Phù Đề, nơi cư trú của chúng sinh. Đời sau, Ta Bà trở thành một thế giới Tam thiên đại thiên do đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa, cho nên gọi chung thế giới có trăm ức núi Tu Di là Ta Bà.

Trích LIÊN TÔNG BẢO GIÁM
Đại Sư Ưu Đàm
Thích Minh Thành dịch