Đốt Giấy Có Chữ Viết Đổ Tro Bừa Bãi Bị Giảm Tuổi ThọỞ trấn Tra Khê, huyện Tân Hóa thuộc tỉnh Hồ Nam có người tên Chu Ninh Ước, tự là Sỹ Phong, rất thích môn thư pháp. Trong khoảng niên hiệu Khang Hy triều Thanh, vào tháng 2 năm Ất Sửu [1685] ông bất ngờ mắc bệnh nhẹ rồi chết, bạn bè thân thiết đều đến khóc thương.

Bỗng nhiên ông sống lại, bảo mọi người rằng: “Tuổi thọ của tôi vốn được 42 năm, nhưng vì thường ngày chuyên cần luyện viết chữ, viết rồi tùy tiện đốt bỏ, mang tro đổ bừa bãi, không có sự kính trọng quý tiếc. Âm ty ghi chép lỗi lầm đó của tôi, giảm bớt 5 năm tuổi thọ, nên nay 37 tuổi mà số mạng đã dứt. Quý vị nên biết, khi đốt giấy có chữ viết, phải cẩn thận không đổ tro bừa bãi.” Nói xong thì nhắm mắt qua đời.

  • Lời bàn:
Nếu nói rằng chữ viết đã đốt thành tro có thể vứt bỏ, thì các đạo sĩ đốt tấu chương cũng xem như vứt bỏ. Đến như các loại đồ dùng bằng tre, gỗ, sành sứ mà có chữ viết trên đó, hay các loại gạch ngói có in những chữ phúc, thọ làm hiệu, lại để chôn vùi lâu ngày trong những chỗ phẩn dơ ô uế, những việc như vậy cũng cần phải ngăn cấm.

Ở Tường Sinh, Côn Sơn có người tên Cát Tử Hòa. Vào triều Thanh, niên hiệu Khang Hy năm thứ 26 [1687] thường đọc sách dưới lầu phía tây điện Dược Sư, phía trên là phòng nằm nghỉ. Một hôm ở phòng trên lỡ tay làm nghiêng đổ nước trong bô phẩn, nước phẩn dơ theo kẽ ván sàn chảy xuống nhằm chỗ quyển sách Tử Hòa đang đọc, làm nhớp một đoạn có mấy chữ “Thành Gián nói với Tề Cảnh Công”. Tử Hòa bèn xé trang sách bị dơ ấy ra, nhúng vào nước, nhưng chưa rửa thật sạch đã lấy ra rồi để khô mà đốt bỏ.

Không ngờ đến kỳ thi, đề mục thứ ba lại rơi đúng vào đoạn “Thành Gián nói với Tề Cảnh Công”. Tử Hòa viết bài này, đến câu “Chu Công há lại dối gạt ta sao?” chẳng biết vì sao lại vô ý bỏ sót mất một chữ, do đó mà bị đánh rớt.

  • Lời bàn:
Giấy có chữ viết bị dơ nhớp mà mang đốt, tội ấy không nhỏ. Đúng ra phải rửa cho thật sạch, sau đó mới có thể để khô rồi đốt, mang tro rải xuống sông, biển.

Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến