Nhận Tiền Của Người Nhưng Không Giúp Khiến Người Tự Vẫn Chịu Quả Báo Tự Treo CổVào triều Thanh, ở huyện Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy có người họ Hứa, vốn là dòng dõi danh giá. Người anh của ông từng được bổ làm quan Học chính ở một tỉnh nọ, có viên học sĩ trong tỉnh ấy mang 200 lượng bạc đến nhờ họ Hứa nói giúp với anh đề bạt phẩm trật cho được lên ngạch thứ ba. Ông nhận tiền, đồng ý sẽ nói giúp, nhưng rồi sau đó vì nhiều việc quá lại quên đi, chẳng nói gì về việc ấy cả. Đến khi sắp xếp ngạch trật, ông học sĩ này xếp tận dưới hàng thứ sáu. Ông ta tự thấy mình bị mất cả danh lẫn lợi nên uất ức quá treo cổ tự vẫn. Người vợ ông ta cũng đau buồn quá mà thành bệnh rồi chết.

Đến năm Canh Ngọ thuộc niên hiệu Khang Hy [tức là năm 1690] họ Hứa vào trường thi, bỗng thấy viên học sĩ đã chết kia đứng ngay trong phòng dành cho thí sinh. Họ Hứa ngay lúc ấy liền hôn mê không còn biết gì nữa, tự đi đến lấy những sợi chỉ hồng trên bàn quan giám khảo, nối từng sợi một lại cho dài ra rồi buộc vào cổ mình, tự đến treo mình lên chỗ cửa phòng. Quanh cổ chỉ quấn mỗi một sợi chỉ nhỏ, nhưng hai chân vẫn rời lên khỏi mặt đất cả thước[thước cổ của Trung Hoa, bằng khoảng 33 cm], lưỡi cũng theo đó mà lè ra thật dài. Quân canh lập tức bẩm báo lên quan giám khảo, lúc bấy giờ chính là quan Tổng hiến Truyền Công. Ông liền ra lệnh cho quân canh gấp rút cứu xuống. Khi ấy, họ Hứa bỗng trở nên cuồng loạn, nói lảm nhảm như ma quỉ, rồi kể rõ đầu đuôi câu chuyện năm trước đã nhận tiền nhưng không lo xong việc. Kể chuyện rồi, lại chờ khi cửa vừa mở đã hối hả chạy như bay về chỗ trọ. Không lâu sau, họ Hứa treo cổ tự vẫn trong phòng trọ.

  • Lời bàn:
Câu chuyện này những người trong trường thi đều tận mắt chứng kiến. Một sợi chỉ nhỏ mà treo được thân người lên, chẳng phải là hết sức vô lý sao? Nhưng chuyện của họ Hứa thì chính mắt bao nhiêu người trong trường thi khi ấy đều nhìn thấy. Cho nên có thể thấy rằng, khi nghiệp quả đã chín mùi, sự báo ứng thật không thể dùng lý lẽ suy diễn để hiểu hết.

Lại suy cho cùng, đến lúc khởi sinh ba tai kiếp của giai đoạn kiếp mạt, cành lá của cây cỏ đều hóa thành như dao sắc nhọn, người chạm vào liền bị thương tích, nhưng không ai tránh khỏi được kiếp nạn đó. Như khi đức Thế Tôn chịu nạn giáo gỗ đâm chân, cây gỗ ấy chỉ dài một thước mà có thể xuyên qua hòn đá xanh lớn, lại đi theo đức Phật từ nơi này sang nơi khác, chẳng phải càng đáng tin chắc hơn sao?

Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến