Hành Giả Tịnh Nghiệp Nên Khởi Lòng Từ Bố Thí Cho Tất Cả Loài Hữu Tình Trong Pháp GiớiSa môn Thích tử, Bồ tát tại gia đã tu Tịnh nghiệp Tây phương, nên vận dụng lòng từ bi rộng lớn, đúng như pháp tiến tu, khéo làm theo lời Phật dạy, biết rõ nhân quả, phân biệt phải trái, chứa nhóm tư lương phước đức và trí tuệ xuất thế gian, tròn đầy công đức của bậc Đại trượng phu, bậc Đẳng giác(1), Diệu giác(2). Thế nên, đức Thế Tôn răn dạy nhiều lần: “Các đệ tử của ta tùy ở nơi nào thì nên bố thí giáo pháp và thức ăn, cứu tế tất cả loài hữu tình trong pháp giới, giải trừ nỗi cực khổ đói khát của chúng sanh, giáo hóa khiến họ đồng tiến đến Bồ đề. Nếu không bố thí thức ăn thì không có tâm từ bi, người ấy chẳng phải đệ tử của ta mà là đồ chúng ác”.

Trong kinh có nói rõ ràng: “Xét kỹ tất cả chúng sanh không rõ tự tánh nên sinh khởi tham lam, tật đố, sân hận, ngu si. Trong các loài Trời, Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh bị đói khát nung nấu ưu sầu khổ não, ở trong đêm dài tăm tối, dù mong cầu ra khỏi nhưng chẳng biết đến bao giờ. Xét theo lý, mọi chúng sanh là cha mẹ đời trước của ta. Như lời Phật nói, họ đều là kẻ oán người thân của chúng ta trong nhiều kiếp. Thế nên, vận dụng lòng từ bi của Quán Âm, tu hạnh nghiệp Phổ Hiền, thệ đều cứu tế tất cả cứu thoát khỏi trầm luân. Người có khả năng thì thiết lập trai đàn cúng dường, người không có khả năng thì trì chú thí thực, phóng sanh. Công đức của việc thí thực thù thắng rộng lớn vô biên, đầy đủ những lợi ích nhiệm mầu nói không thể hết. Nay nêu sơ lược vài điều bày tỏ cùng các bậc Hiền nhân rằng:

Vừa phát tâm bố thí, hạnh vi diệu toàn bày, đầy đủ Tam đàn, tu trọn Lục độ, lợi mình lợi người, tự giác giác tha. Khéo tập hợp phước đức và trí tuệ xuất thế, mãi làm tư lương Tịnh Độ, bồi đắp nền tảng rộng lớn, thành tựu thể dụng trọn vẹn. Cho đến việc chôn lấp xương khô, mai táng tử thi vô chủ, vì mọi u hồn thay thế tỏ bày sám hối; bắc cầu, đào giếng, giúp đỡ khách vãng lai; ẩm thực, tiền tài tùy sức mình mà ban ân bố thí. Mỗi khi thấy người nghèo túng cơ hàn, thống thiết xót thương, đến như người già cả cô độc bệnh hoạn, càng thêm thương xót, thường tìm cách giúp đỡ, uyển chuyển vận dụng lòng từ bi chân thật.

Phàm tu tất cả các căn lành đều nguyện chúng sanh thành Phật, đem việc lợi ích thù thắng ấy hướng về Tây phương, mong mọi loài hữu tình cùng lên bờ giác. Thế nên, do trong nước rối loạn mà Lương Võ Đế tu nghì Thủy Lục, Tam Tạng Bất Không có pháp cứu tế cô hồn”.

Như thế, thật đáng gọi là:

Một trận mưa khắp cùng pháp giới
Bao tâm hồn khô khát thắm tươi.

CHÚ THÍCH:

(1) Đẳng Giác: Cũng gọi là Đẳng chánh giác, một trong mười tôn hiệu của Phật. Đẳng giác là sự giác ngộ chân chánh bình đẳng, tức giác ngộ chân lý hoàn toàn, chỉ cho sự giác ngộ của chư Phật.

Cũng gọi Đẳng Chánh Giác, Hữu Thượng Sĩ, Nhất Sanh Bổ Xứ, Kim Cương Tâm, Lân Cực.

Về nội dung thì ngang hàng với Phật, nhưng về mặt tu hành thực tế còn kém Phật một bậc, gọi là Đẳng giác. Trong năm mươi hai giai vị tu hành của Bồ tát, Đẳng giác ở giai vị thứ 51; trong sáu chủng tánh thì thuộc chủng tánh thứ năm. Đây là giai vị tu hành cùng tột của Bồ tát.

(2) Diệu Giác: Một trong năm mươi hai giai vị, một trong bốn mươi hai giai vị tu hành của hàng Bồ tát Đại thừa, chỉ cho quả Phật rốt ráo giác hạnh viên mãn, bởi thế, Diệu giác cũng là tên khác của quả Phật. Còn gọi là Diệu giác địa, biểu hiện cảnh giới lý tưởng cùng tột. Bồ tát ở giai vị Đẳng giác, đoạn trừ một phẩm vô minh cuối cùng mà được vào giai vị Diệu giác. Ở giai vị này, Bồ tát đã dứt sạch tất cả phiền não, trí tuệ viên mãn vi diệu, đã giác ngộ lý Niết bàn.

Khi phân tích sự sai khác giữa giai vị Diệu giác của Biệt giáo và Viên giáo, Thiên Thai tứ giáo nghi cho rằng, vị Diệu giác của Biệt giáo hiên báo thân viên mãn, ngồi ở tòa Đại Bảo Hoa Vương dưới cây bồ đề thất bảo trong thế giới Liên Hoa Tạng, vì các Bồ tát độn căn mà quay bánh xe pháp vô lượng Tứ Đế. Còn vị Diệu giác của Viên giáo thì thành tựu pháp thân thanh tịnh, ở trong cõi Thường Tịch Quang, lấy hư không làm tòa ngồi.

Trích LIÊN TÔNG BẢO GIÁM
Đại Sư Ưu Đàm
Thích Minh Thành dịch