Muốn Độ Người Khác Trước Tiên Phải Thành Tựu Chính MìnhThực tế mà nói, muốn giúp người khác trước tiên phải thành tựu chính mình. Trong hàng Bồ Tát, ai không thành tựu chính mình sau đó mới giúp người? Bản thân thành tựu, bất luận nhiều hay ít, cần phải có một chút thành tựu, như vậy mới có thể giúp người. Nếu bản thân không có chút thành tựu nào, ta không sao giúp được người khác. Không những không thể giúp người khác, ngược lại còn sợ bị chúng sanh độ mất; quý vị không độ được chúng sanh, còn bị chúng sanh độ. Hôm nay tôi nghe một đồng tu nói có một vị xuất gia tu hành rất tốt, ở trên núi đã nhiều năm không nói một câu, đúng là “thiện hộ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”, tịnh ngữ được bao nhiêu năm. Về sau bị người phát hiện, mời ông hạ sơn. Nghe nói không bao lâu ông hoàn tục hạ sơn, còn sanh con đẻ cái, chẳng phải đã bị người độ mất ư? Có thể thấy vấn đề này không dễ, khó khăn vô cùng! Cho nên chúng ta tu hành, nền tảng không vững vàng không được xa thầy, xa thầy liền xảy ra phiền phức. Lúc tôi học Phật, thầy Lý yêu cầu tôi học với thầy 5 năm, tôi nhận ân đức của thầy sâu sắc, được lợi ích của ngài. Thầy yêu cầu tôi 5 năm, tôi tự động kéo dài thêm 5 năm, vậy là theo thầy mười năm, mười năm mới xa thầy. Bản thân nhất định phải biết, nền tảng phải vững chắc, phải ổn định. Lìa xa thầy, quý vị đi vào xã hội, xã hội muôn màu muôn vẻ, có thể nói là môi trường quần ma loạn vũ, quý vị có thể chống chọi được hoàn cảnh này, không dao động, không thoái chuyển, không dễ chút nào.

Đương nhiên thuyết pháp phải quán cơ, ở đâu có duyên thì đi đến đó, duyên chưa thuần thục, giúp họ, thúc đẩy họ, duyên thuần thục, giáo hóa, độ thoát họ, rất linh động. Tuy nhiệt tâm giáo hóa chúng sanh như vậy, “mà không động vô sở y*”, chúng ta phải học điều này. Đặc biệt không được để cảnh duyên làm dao động, nếu bị cảnh duyên làm dao động sẽ bị đọa lạc. Từ xưa đến nay rất nhiều pháp sư giảng kinh thuyết pháp bị đọa lạc, vì sao bị đọa lạc? Chính là do không tuân thủ nguyên tắc này. Bất luận xuất gia hay tại gia, đặc biệt quý vị giảng kinh giáo không tệ, thính chúng rất hoan nghênh, tiếp xúc với nhiều người, con người có tình cảm, nếu ta không cẩn thận, không thận trọng để rơi vào trong lưới tình là xong, không sao thoát ra được, quý vị độ chúng sanh ai ngờ cuối cùng bị chúng sanh độ mất tiêu, rất nhiều. Lúc tôi học kinh giáo với thầy Lý, thầy hạn chế tôi trước 40 tuổi không được ra bên ngoài giảng kinh thuyết pháp, vì sao vậy? Sợ bị người độ mất, sau 40 tuổi hơi có chút định lực, tôi tuân thủ nguyên tắc này. Trước 40 tuổi học giảng kinh ở đâu? Giảng ở nhà, không được ra bên ngoài giảng. Như chư vị đồng học hiện nay, quý vị có thể giảng tại Cư Sĩ Lâm, không được đi giảng bên ngoài, ra bên ngoài giảng rất nguy hiểm, đây là nói đến tình cảm con người, cửa ải đó rất khó vượt qua. Thứ hai, hoàn cảnh có thuận cảnh có nghịch cảnh, nghịch cảnh dễ thoái chuyển, thuận cảnh dễ đọa lạc, rất phiền phức.

Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu 2014
Báo cáo tâm đắc của học sinh lớp Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú
Thích Tự Liễu soạn
Hòa thượng Tịnh Không giám định
Bích Ngọc chuyển ngữ
Như Hòa giảo duyệt

* Ở đây Đức Phật dạy chúng ta, “thuyết pháp khắp mười phương mà bất động vô sở y”. Bất động là gì? Là tâm bất động, bình thản trước nhân tình thế thái, không bị nó làm dao động. Người này tốt với mình, thường thân cận cúng dường mình, ta có thể ứng phó họ, không được động tâm. Hoàn cảnh cũng như vậy, ngày nay hoàn cảnh rất thù thắng, hoàn cảnh không tệ cũng không được động tâm.