Nghĩ Thiện Có Thiện Thần Theo Nghĩ Ác Liền Có Ác Thần TheoĐời Tống có An thiền-sư trụ trì chùa Thành-Thái, một hôm trong lúc thiền định thấy hai vị sư trong chùa tựa vào lan can nói chuyện với nhau. Lúc đầu có Thiên-Thần đến ủng hộ nghe pháp, nhưng chỉ trong chốc lát thì đi mất, một lúc sau thấy có ác quỷ đến chửi mắng hai người. Thiền-sư cảm thấy kỳ lạ, bèn triệu hai vị sư tới hỏi nguyên do. Hai vị sư đáp: Lúc đầu hai người bàn về Phật pháp, sau lại nói về tiền bạc.

Lời nói của người tu hành cẩn thận như vậy mà còn có chỗ sơ hở, huống chi người thường, há không cẩn thận sao!

Nguyễn Từ Thức giận người bạn họ Mâu vong ân bội nghĩa, canh năm cầm dao đến nhà để giết Mâu. Khi đi ngang một am, am chủ là Ông Hiên Viên đương lúc tụng kinh, bỗng thấy có khoảng hai ba trăm quỷ hình thù quái lạ, mặt mày dữ tợn vác búa cầm dao đi theo Từ Thức. Am chủ cảm thấy chột dạ, muốn đứng dậy đi theo để xem xét tình hình, nhưng chỉ vài phút giây thấy Từ Thức quay đầu trở về, lũ ác quỷ cũng biến mất, theo sau Từ Thức là một lớp người áo mũ cân đai, tay cầm cờ xí và hoa lạ đi theo Từ Thức với bộ mặt hoan hỉ. Hòa Thượng đem việc thấy được kể cho Từ Thức hay. Từ Thức nói:

Lúc đầu ta hận Mâu đến tận xương tủy, càng nghĩ càng giận hắn là người vong ơn phản bội, nên cầm dao đến nhà để giết hắn. Khi vừa đến cửa thấy vợ con của Mâu cùng với người mẹ già, lòng dạ tự nhiên se lại, nghĩ rằng tuy Mâu có phụ ta, nhưng mẹ già cùng với vợ con của Mâu đâu có tội gì, nếu ta giết Mâu thì cả gia đình Mâu sẽ chịu khổ, cơn giận vì thế mà lắng dịu, nên quay đầu trở lại và bỏ ý định giết người.

Hòa Thượng nói với Từ Thức: Bần Tăng chúc mừng cho các hạ, hiểu việc nghĩa mà bỏ oán thù, trên có Thần Minh giám sát, phúc của các hạ sau nay sẽ không nhỏ.

Đúng với lời Hòa Thượng đã nói, con cháu của Từ Thức về sau đều hiển đạt.

Trích: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Hội Biên
Tác giả: Đức Thái Thượng Lão Quân
Việt dịch: Cư sĩ Vô Tri

Phù tâm khởi ư thiện, thiện tuy vị vi, nhi Cát-Thần dĩ tùy chi, Hoặc tâm khởi ư ác, ác tuy vị vi, nhi Hung-Thần dĩ tùy chi.

Thích nghĩa: Nếu trong tâm có lòng hành thiện, dù việc thiện chưa làm, nhưng Cát-Thần đã theo sau, Còn như trong tâm nuôi lòng ác, dù việc ác chưa làm, nhưng Hung-Thần đã theo sau.

Chú giải: Cát-Thần là Thần gieo phúc đức, Hung-Thần là Thần giáng tai họa. Kinh Phật viết: “Vạn pháp đều do tâm sinh, vạn pháp đều do tâm diệt”. Tâm là căn nguyên của tội ác và cũng là nguồn cội của phúc đức. Tâm nảy một ý niệm tốt thì lòng sáng vằng vặc như trăng thu và Cát-Thần theo sau để hộ trì. Tâm sinh ác niệm thì lòng tối như đêm không sao và Hung-Thần theo sau làm hại.