Trong Các Khóa Lễ Cầu An Hay Cầu Siêu Nên Niệm PhậtĐối với việc cầu an cho người bệnh, tiến vong(1), người đời nay hay chú trọng tụng kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục(2) v.v… Quang đều bảo những bạn bè quen biết nên niệm Phật, bởi niệm Phật lợi ích hơn tụng kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục nhiều lắm. Vì sao vậy? Tụng kinh thì người không biết chữ chẳng thể đọc theo. Dù biết chữ nhưng tụng nhanh như nước chảy thì người miệng lưỡi hơi chậm chạp cũng không tụng được. Người biếng nhác tuy tụng được nhưng cũng không chịu tụng, thành ra hữu danh vô thực. Bái sám, làm đàn Thủy Lục cũng cứ theo đó mà suy!

Niệm Phật thì không một ai chẳng thể niệm được, dẫu cho kẻ biếng nhác không chịu niệm, nhưng mọi người đồng thanh cùng niệm, nếu kẻ ấy không bịt tai thì một câu Phật hiệu cố nhiên sẽ rành rẽ phân minh rót vào tâm, tuy chẳng niệm mà cũng chẳng khác gì niệm. Như người nhiễm hương, thân có mùi thơm, tuy không cố ý muốn thơm mà ngờ đâu lại được như thế. Vì thân quyến đảo bệnh, cầu siêu, chẳng thể không biết điều này.

Trong lúc ma chay, cúng tế, toàn dùng đồ chay, đừng bị thế tục xoay chuyển. Dẫu bị kẻ chẳng hiểu thời thế chê là không đúng, cũng cứ mặc cho họ cười chê. Tang ma, chôn cất, chớ nên bày vẽ phô trương quá mức. Làm Phật sự chỉ nên niệm Phật, đừng làm Phật sự gì khác, cũng như bảo cả nhà đều khẩn thiết niệm Phật thì đối với mẹ ông, đối với quyến thuộc và thân thích, bằng hữu của các ông đều có lợi ích thật sự.

Trích Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục

(1)Tiến vong: Cầu siêu cho người đã khuất.

(2)Còn gọi là Thủy Lục Trai, Thủy Lục Đạo Tràng, Bi Trai Hội. Đây là pháp hội thí thực cho tất cả hữu tình sống trong nước (thủy) trên đất liền (lục) và các loài ngạ quỷ. Nguyên khởi do Lương Võ Đế (Tiêu Diễn) mộng thấy có vị Tăng dạy lập đàn Thủy Lục, cúng thí cho lục đạo tứ sanh. Vua bèn ra lệnh cho biên tập khoa nghi từ các kinh điển, dựa theo chuyện A Nan gặp Diện Nhiên ngạ quỷ (quỷ mặt bốc lửa cháy bừng bừng), được Phật dạy tạo Bình Đẳng Hộc để thí cho ngạ quỷ, soạn ra khoa nghi, tu Thủy Lục Trai Hội tại chùa Kim Sơn khoảng năm 504. Khoa nghi này được các đời sau bổ sung chi tiết hơn.