Thầy Thuốc Khuyên Người Bệnh Niệm Phật Ắt Vãng Sanh Thượng PhẩmCư sĩ Trầm Khải Bạch tự Trung Húc đời Thanh, người Ngô Huyện thuở nhỏ tánh hào đãng, thích giúp đỡ người hoạn nạn. Sau ông nổi danh về tài làm thuốc, càng ưa bố thí. Ðối với người nghèo, ông chẳng lấy tiền khám bịnh, hoặc còn cho thêm tiền. Năm hai mươi lăm tuổi, vợ mất, ông không tái giá, dốc lòng tu Tịnh nghiệp. Trên những tăng phường, đầu đường, thành cầu đi qua, ông đều đề danh hiệu Tây Phương Phật và những lời cảnh sách khuyên người niệm Phật. Gặp phải người bịnh nguy ngập, ông đều nghiêm nghị bảo:

– Tội nghiệt sâu nặng, sức tôi chẳng cứu nổi biết làm sao đây!

Người bịnh khóc lóc cố van nài, ông liền bảo:

– Chỉ có đức A Di Ðà Phật ở thế giới Cực Lạc nơi phương Tây, nếu ông có thể chí tâm xưng niệm một tiếng thì diệt được tội trong tám mươi kiếp sanh tử. Ông có tin nổi, niệm nổi hay không?

Kẻ ấy vâng vâng, dạ dạ. Ông bảo:

– Nếu đúng là như vậy thì bịnh có thể trị được!

Liền cắt thuốc, lần nào cũng hiệu nghiệm lạ kỳ nên từ đó, những người quy hướng Phật rất nhiều. Lúc hơn bảy mươi tuổi, ông niệm Phật rồi tịch.

(Theo sách Nhị Lâm Cư, tập cuối)

Nhận định:

Bố Thí là độ đầu trong Lục Ðộ. Ông Vương Long Thư nói: “Kẻ làm thầy thuốc nên thường tự nghĩ: Thân người bịnh khổ nào khác thân ta. Chớ nề quý, tiện, nghèo, giàu, chuyên tâm cứu người để kết nhân duyên, để tích phước cho mình. Trong chốn u minh sẽ tự được thánh hiền gia hộ. Nếu luôn giữ được tấm lòng như vậy, hồi hướng Tịnh Ðộ ắt sẽ sanh trong Thượng Phẩm.

Nếu nhân lúc người khác bị bịnh khổ mà mình khuyên dạy họ Tịnh Ðộ thì họ dễ sanh tín tâm. Lại khiến cho họ phát đại nguyện: sẽ lưu truyền rộng rãi chuyện của họ để bù chuộc túc nghiệp, cầu mong được lành bệnh thì ắt sẽ được thỏa nguyện. Nếu như tuổi thọ đã hết thì cũng nhờ vào nguyện lực ấy chóng sanh về Tịnh Ðộ.

Thường giáo hóa người khác như vậy thì chẳng những chỉ sau khi xả thân được sanh trong Thượng Phẩm mà ngay trong hiện đời cũng được hưởng phước báo vô tận vậy!”

Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Cư sĩ Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính sưu tập
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ