Khi Sống Ưa Thích Ăn Thịt Trâu Chết Làm Quỷ Đói Kém PhướcVào triều Thanh, tại huyện Vô Tích, tỉnh Giang Tô có một viên thư lại họ Vương. Vào năm Đinh Dậu thuộc niên hiệu Thuận Trị (1657 ), vì chuyện ghi chép lương tiền có sai sót nên bị giam rồi chết trong ngục Bắc Đô. Đến tháng tư niên hiệu Khang Hy năm thứ hai (1663), có con trai của Kim Thái là Hán Quang, người Tô Châu, từ kinh thành đi thuyền về quê. Thuyền vừa đi qua bến Trương Gia bỗng nghe có tiếng người gọi: “Tôi là người họ Vương ở Vô Tích, xin được đi nhờ thuyền.” Hán Quang đồng ý, cho thuyền ghé vào, nhưng chẳng thấy ai cả. Thuyền ra đi, lại nghe có tiếng gọi như trước. Hán Quang lên tiếng hỏi, liền nghe tiếng họ Vương đáp thật rằng: “Tôi là quỷ chết oan, thuyền ông đậu xa bờ quá nên tôi không lên được.” Người trên thuyền nghe như vậy đều kinh hãi. Quỷ họ Vương liền nói: “Không sao đâu, cho tôi ngồi ở mạn thuyền là được.”

Hán Quang cho ghé thuyền vào sát bờ, liền nghe như có người nhảy lên thuyền. Thuyền vừa đi chưa bao lâu, chợt lại nghe tiếng quỷ kêu lên. Hán Quang hỏi việc gì, quỷ đáp: “Tôi bỏ quên cái túi nhỏ trên bờ sông rồi. Trong đó có sổ ghi chép lương tiền các khoản, về nhà có người tra hỏi, cần phải lấy đó làm bằng chứng. Xin cho tôi trở lại để lấy.” Hán Quang liền chiều ý. Sau đó thuyền đi tiếp được ba ngày, lúc trời sắp tối bỗng nghe quỷ nói: “Xin tạm dừng thuyền, trên bờ chỗ kia có đàn phổ trai, tôi muốn đến dự.” Hán Quang không hiểu, hỏi: “Phổ trai là gì?” Quỷ đáp: “Người đời thường gọi là thí thực, tức là bố thí thức ăn.” Hán Quang liền ghé thuyền cho quỷ đi. Vừa đi được chốc lát đã trở lại ngay, nói: “Bồ Tát Quán Âm làm chủ đàn, không có phần cơm cho tôi, vì ngày trước tôi thích ăn thịt trâu. Mỗi khi Bồ Tát chủ đàn, tất cả những người ham thích thịt trâu đều không được vào ăn.” Hán Quang nghe như thế kinh hãi nói: “Có chuyện như vậy thật sao? Tôi vốn thường ăn thịt trâu, từ nay xin chừa bỏ.”

Chốc lát sau, nghe tiếng quỷ khóc lớn. Hán Quang hỏi việc gì, quỷ đáp: “Vì ông phát tâm giữ giới không ăn thịt trâu, nên thần chứng giới đàn từ cõi trời sắp đến, tôi không thể ở đây được nữa.” Hán Quang liền hỏi: “Vậy ông làm sao về nhà?” Quỷ đáp: “Tôi phải chờ thuyền khác thôi.” Hán Quang dừng thuyền, quỷ lẳng lặng rời đi.

  • Lời bàn:

Pháp vị Du-già thí thực của nhà Phật có khả năng cứu tế khắp hai cõi trời, người: trên là tám bộ trời, rồng (thiên long bát bộ: chỉ chung 8 cảnh giới chúng sinh bao gồm: chư thiên, loài rồng, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, con người và loài phi nhân), dưới cho đến chúng sinh trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hết thảy đều nằm trong phạm vi rộng thí của pháp thí thực này, lẽ nào lại có việc Bồ Tát làm chủ đàn mà người ham ăn thịt trâu không được thí thực? Quỷ họ Vương kia không được ăn, đó là do nghiệp riêng chiêu cảm mà thành chỗ thấy riêng mà thôi. Thí như loài quỷ đói, trải qua nhiều kiếp không được nghe đến tên gọi “nước”, dù có đi trên mặt nước, đưa mắt nhìn cũng chỉ thấy đó toàn là máu mủ, chẳng phải là do nghiệp lực của họ mà thành như thế đó sao?

Thuở xưa, Tôn giả Mục-kiền-liên dùng thiên nhãn nhìn khắp thế gian, thấy được người mẹ đã qua đời của ngài đang ở trong cảnh giới của loài quỷ đói, liền mang đến cho bà một bát cơm. Mẹ ngài nhận được liền dùng tay trái che bát [vì sợ những quỷ khác nhìn thấy], tay phải bốc lấy cơm. Bà vừa đưa cơm vào đến miệng, cơm ấy liền lập tức hóa thành than lửa. Ngài Mục-kiền-liên đau đớn khóc than, tìm đến cầu cứu với đức Phật. Phật dạy: “Mẹ của ông tội nặng, không phải sức một người có thể cứu độ được. Lòng hiếu thảo của ông tuy cảm động trời đất, nhưng dù trời đất quỷ thần cũng không thể giúp được việc này. Ông nên nhờ cậy đến sức oai thần của chư tăng trong mười phương, mẹ ông mới có thể được giải thoát.”

Ngài Mục-kiền-liên liền tổ chức Phật sự lớn lao, cúng dường tất cả chư tăng mười phương. Mẹ ngài ngay trong ngày ấy liền được thoát khỏi cảnh khổ trong loài quỷ đói (chuyện này được kể trong kinh Vu Lan Bồn). Theo đó mà xét thì việc quỷ họ Vương không được ăn, lẽ nào không phải do nghiệp báo tự thân của ông ta chiêu cảm?

Có người hỏi: “Nếu đã như vậy thì việc thí thực ở thế gian thật cũng chẳng ích lợi gì?” Đáp rằng: “Mối tương quan giữa chúng sinh với Phật pháp phân thành hai hạng: một là có duyên, hai là vô duyên. Những chúng sinh có duyên ắt sẽ được thấm nhuần ân huệ. Nếu không thể tiếp nhận được, ấy là vô duyên. [Như vậy, có vô duyên, cũng có hữu duyên,] không thể cố chấp vào một lẽ duy nhất mà luận việc.” Chỉ cần có lòng tin nơi Phật pháp, ắt thành người có duyên. Không có lòng tin nơi Phật pháp, ấy là vô duyên. Lẽ nào có thể không sớm phát khởi lòng tin vào Phật pháp?

Có nhiều công lao với con người nhất, thật không loài vật nào hơn trâu, chó. Hao tổn âm đức nhiều nhất cũng không gì bằng ăn thịt trâu, chó. Thế mà người đời lại cứ muốn ăn thịt trâu, thịt chó, thật không hiểu vì sao?

Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại
Nguyên tác Hán văn: Vạn Thiện Tiên Tư
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến