Thân Quang Của Phật A Di Đà Chiếu Khắp Nhưng Tâm Quang Của Phật Chỉ Nhiếp Thủ Người Niệm PhậtTuy mỗi chúng sanh đều được ánh sáng của Phật A-di-đà chiếu khắp, nhưng chỉ có chúng sanh niệm Phật mới có thể được ánh sáng nhiếp thủ không bỏ. Vì thế, ‘chiếu khắp’ và ‘nhiếp thủ’ có những điểm sai khác.

Điều này đều chẳng phải tâm của Phật A-di-đà có sai khác, không bình đẳng, không phải như vậy. Bi tâm của Phật A-di-đà trước sau đều bình đẳng, không sai khác gì cả, chẳng qua là căn cơ của chúng sanh không giống nhau. Cái gọi là không giống nhau, đó là có chúng sanh thiện căn đời trước tương đối sâu dày, nghe nói sự cứu độ của Phật A-di-đà ngay lập tức, hoặc không bao lâu thì có thể tiếp nhận; có những chúng sanh tiếp nhận tương đối chậm, thậm chí không thuộc dạng căn cơ này, chuyển qua tu pháp môn khác, thậm chí ngay cả giáo lý cơ bản của Phật pháp, thiện ác báo ứng, nhân quả ba thời, luân hồi sáu đường cũng đều không tin. Căn cơ của chúng sanh có sai khác, khiến cho Đức Phật A -di-đà nhiếp thủ chúng sanh cũng đều có trước có sau không giống nhau.

Thông thường mà nói, ánh sáng của Phật có hai loại: Một là thân quang, hai là tâm quang. Thân quang thì giống như ánh sáng chiếu khắp, chiếu khắp mười phương thế giới và cả vũ trụ, nhưng nếu không niệm Phật thì không thể tương ưng với tâm quang của Phật A-di-đà, vĩnh viễn không được tâm quang của Ngài nhiếp thủ, mãi mãi không xa lìa. ‘Nhiếp thủ’ chính là hiện đời đến bảo hộ người ấy, khi lâm chung khiến người ấy đến thế giới của Phật A-di-đà, đây gọi là nhiếp thủ.

Bản thể của Phật A-di-đà là câu danh hiệu sáu chữ ‘Nam-mô A-di-đà Phật’ này, ngoài câu danh hiệu này ra thì bạn muốn tìm Đức Phật A-di-đà cũng không được. Bởi vì câu danh hiệu này là bản thể của Ngài, là bản thân của Ngài; ngoài bản thân của Ngài ra thì bạn muốn tìm sáu chữ danh hiệu ‘Nam-mô A-di-đà Phật’ cũng tìm không được. Vì thế, sáu chữ là bản thể của Ngài, bản thể của Ngài tức là sáu chữ này.

Chúng ta xưng niệm sáu chữ này, thì tự nhiên bản thể của Ngài nằm ở ngay nội tâm của chúng ta, thân ngũ ấm, ngu si này của chúng ta cũng nằm ở trong tâm của Phật A-di-đà, cho nên tương ưng với tâm quang của Ngài. Bởi vì sáu chữ danh hiệu này chính là nguyện thứ 18 được thành tựu, hợp với bản hoài độ sanh của Ngài.

Sáu chữ danh hiệu là bản thân của Phật A-di-đà, đồng thời, bản thân của Ngài là cảnh giới Niết-bàn, mà Niết-bàn chính là Cực Lạc, chính là Tịnh Độ. Vì thế, chúng ta xưng niệm câu danh hiệu này thì hiện đời tương ưng với tâm nguyện và tâm quang của Phật A-di-đà, khi lâm chung thì tự nhiên sẽ tiến vào Tịnh Độ Cực Lạc Niết-bàn, cho nên đấy là điều rất tự nhiên, không miễn cưỡng. Vì thế, pháp môn Tịnh Độ là pháp môn tự nhiên, xưng niệm danh hiệu thì tự nhiên thọ nhận sự nhiếp thủ của công năng danh hiệu mà tiến vào thế giới danh hiệu.

Trích: Đại Ý Ba Kinh Một Luận Tịnh Độ
Nguyên Tác: Pháp Sư Huệ Tịnh
Người Dịch: Nhuận Hà
Hiệu Đính: Định Huệ