Do Ưa Thích Ăn Sò Nên Không Thi ĐỗVào những năm đầu triều Tống, ở Trấn Giang, thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Thiệu Bưu, một hôm nằm mộng thấy mình đi đến Minh phủ, có vị trưởng quan ở đó hỏi rằng: “Ông có biết nguyên nhân vì sao đến giờ ông vẫn chưa thi đỗ hay không?” Thiệu Bưu đáp: “Không biết.”

Vị quan ấy liền đưa Thiệu Bưu đến một nơi, nhìn thấy có một cái chảo lớn đang nấu đầy sò. Những con sò ấy thấy Thiệu Bưu đến thì đồng thanh gọi tên ông. Thiệu Bưu sợ quá chắp tay niệm “A-di-đà Phật”. Những con sò trong chảo [nghe niệm Phật xong] đều biến thành chim sẻ vàng bay đi mất.

Từ đó về sau, Thiệu Bưu phát nguyện giữ giới không giết hại vật mạng. Sau [ông thi đỗ,] làm đến chức quan An Phủ Sứ[1].

  • Lời bàn:

Việc công danh khoa bảng của con người, tuy là do thiên tào ban xuống, nhưng nếu có oan gia cản trở chống đối, quỷ thần cũng không thể ngăn được. Những ai muốn được đường mây thênh thang, công danh rộng mở, sao có thể không suy ngẫm kỹ việc này?

Vào cuối triều Minh, có người thư sinh đất Thục (tức vùng Tứ Xuyên) tên là Lưu Đạo Trinh. Một hôm có khách đến nhà thăm, Đạo Trinh định giết một con gà đãi khách, bỗng không thấy gà đâu nữa. Khách ngồi chơi rất lâu, Đạo Trinh liền định giết một con vịt khoản đãi, lúc ấy lại cũng không thấy vịt đâu cả. Đạo Trinh đi tìm, thấy cả gà và vịt đang cùng trốn kỹ trong một chỗ tối, vịt lấy đầu đẩy gà ra, gà cũng lấy đầu cố đẩy vịt ra, hai bên cố hết sức xô đẩy nhau nhưng đều im thin thít không có một tiếng kêu nào.

Lưu Đạo Trinh quan sát cảnh ấy bỗng nhiên ngộ ra [rằng “tham sống sợ chết” là tâm lý chung của muôn loài]. Sau đó ông liền viết bài văn “Giới sát” khuyên người đời từ bỏ sự giết hại vật mạng.

Vào tháng bảy năm Tân Dậu (tức là năm 1621), có người bạn của Lưu Đạo Trinh nằm mộng thấy đi đến điện Văn Xương, gặp Đế Quân đưa cho xem một tờ giấy, bảo rằng: “Đây là bài văn Giới sát, khuyên người đời từ bỏ sự giết hại do Lưu Đạo Trinh viết ra. Khoa thi năm nay Đạo Trinh sẽ đỗ.”

Người bạn ấy tỉnh dậy vẫn nhớ, đem sự việc kể lại cho Lưu Đạo Trinh nghe, nhưng Đạo Trinh không tin. Đến khi bảng vàng đề tên, quả đúng như vậy.

  • Lời bàn:

Các loài cầm thú với con người, tuy hình thể khác nhau nhưng sự nhận biết, cảm giác thật không khác. Hãy xem khi các con thú bị đuổi bắt, chúng cũng kinh sợ trốn chạy, phát tiếng kêu la thảm thiết, cố sức vượt rào leo tường để mong chạy thoát. Nếu đem so với con người chúng ta, gặp khi bị lệnh vua bắt bớ đuổi giết, cha mẹ kinh hoàng chẳng biết phải làm sao, vợ con gia quyến bị đẩy vào cảnh chết không đường thoát, nỗi hãi hùng kinh sợ ấy nào có khác gì nhau?

Lại xem khi con vật bị giết hại, như lúc cắt tiết một con gà, cả bầy gà kinh hãi kêu la, mổ thịt một con lợn, cả đàn lợn buồn bã bỏ ăn. Nếu đem so với con người chúng ta, gặp lúc loạn lạc giặc cướp lộng hành, trước mắt nhìn thấy cha mẹ bị giết hại, vợ con bị bắt bớ đưa đi, tình cảnh bi thương ấy cũng tương đồng không khác.

Lại hãy xem khi con vật bị cắt xẻ giết mổ, ruột gan phơi ra mà nơi miệng còn thều thào hơi thở, hoặc cổ họng đã bị cắt đứt mà đôi mắt vẫn còn mở to chưa kịp nhắm. Nếu đem so với con người chúng ta, lúc lâm chung đớn đau thống khổ, toàn thân bất động, chỉ biết đưa mắt nhìn, đành cam tâm bất lực nào có khác chi nhau?

Thế nên, người đời nghe chuyện gà vịt xô đẩy nhau né tránh cái chết, phải biết đau lòng mà ghi nhớ mãi!

[1] Chức quan An Phủ Sứ vào đời Tống là người đứng đầu chịu trách nhiệm chưởng quản cả hai mặt quân sự và dân sự trong một địa phương, cũng gọi là Kinh lược An Phủ Sứ, thường do các vị Tri châu, Tri phủ kiêm nhiệm.

Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại
Nguyên tác Hán văn: Vạn Thiện Tiên Tư
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến