Giết Sinh Vật Nhỏ Bé Bị Đòi Mạng Rơi Vào Cảnh Giới Hỏa NgụcThang Sính là người huyện Lật Thủy (thuộc tỉnh Giang Tô), vào năm Giáp Ngọ thuộc niên hiệu Thuận Trị (tức là năm 1654, niên hiệu Thuận Trị năm thứ 11) dự khoa thi Hương, vừa thi xong thì ngã bệnh. Đến khoảng nửa đêm ngày 6 tháng 10 năm ấy thì toàn thân lạnh cóng, cứng đơ, rồi bao nhiêu sự việc đã làm trong đời đều tự nhiên hiện ra rõ ràng trước mắt. Ông nhớ lại thuở nhỏ đùa nghịch có bắt một con gà đem giấu dưới rãnh nước, kết quả sóc đất cắn nó bị thương. Lại có lần ông giết chết cả một tổ dơi. Một lần khác, có người giúp việc trong nhà ngủ mê, ông nghịch lấy giấy dầu đốt làm bỏng tay người ấy.

Thế rồi trong giây lát bỗng thấy cả bầy dơi kéo đến đòi mạng, trong lòng ông hết sức kinh sợ. Nhưng rồi ông cũng chợt nhớ lại hết thảy những việc thiện đã làm, dù nhỏ nhặt cũng nhớ lại hết. Bỗng nhiên ông chợt nhớ đến một câu trong Tâm kinh “vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố” (tâm thức không chướng ngại nên không có sự sợ sệt hoảng hốt), có chút nhận hiểu, trong lòng liền được dần dần an ổn. Chợt ông nhìn thấy đức Đại sĩ Quán Thế Âm hiện ra trên cao, tay cầm nhành dương vẩy nước xuống, liền tỉnh lại. Về sau, đến năm Tân Sửu (1661) ông đỗ tiến sĩ.

  • Lời bàn:

Họ Thang nhốt gà, giết dơi, đều là những việc đùa nghịch thuở còn thơ ấu. Nhưng khi đến cõi âm, những con vật bị giết liền hiện ra đòi mạng, nên có thể biết được rõ ràng là tội giết hại vật mạng thì dù trẻ thơ cũng không được dung thứ. Huống chi bọn trẻ đùa nghịch gây hại, đâu chỉ với một con gà, một con dơi? Những ai thực sự biết thương yêu con em mình thì phải gấp rút suy ngẫm đến mối họa này mà sớm lo liệu ngăn ngừa.

Vào khoảng cuối đời nhà Minh, huyện Vô Tích tỉnh Giang Tô có người họ Dư, từ năm hơn hai mươi tuổi đã bắt đầu ăn chay, thờ Phật. Chỉ có điều tính ông rất ghét các loài ruồi, kiến, cứ nhìn thấy là giết hết.

Đến năm bảy mươi hai tuổi, ông bệnh rất nặng, bỗng nhiên hét to với người chung quanh rằng có vô số kiến chui vào miệng mình, lại nói có ngàn vạn con ruồi cùng kéo đến đòi mạng. Lát sau, nhìn thấy có đồng tử dẫn hồn đi đến, liền bỏ mạng.

  • Lời bàn:

Xét việc họ Dư ưa giết ruồi, kiến cùng với những nghiệp báo xấu ác lúc lâm chung thì chắc rằng việc ăn chay, thờ Phật của ông ấy chỉ là sơ sài hình thức mà thôi. Nếu không phải vậy, thì đức Như Lai vốn có đủ vô lượng oai lực, chỉ cần chí tâm niệm Phật một tiếng còn có thể miễn trừ tội nặng trong nhiều đời, huống chi ông ấy suốt đời tu trì, sao không miễn trừ được tội nghiệp trong hiện tại. Hơn nữa, nếu đã chân thành thờ kính Phật, làm sao còn có thể [nhẫn tâm] muốn giết ruồi diệt kiến?

Ở huyện Ký Châu tỉnh Hà Bắc có một đứa trẻ thường tìm kiếm các tổ chim rồi bắt lấy trứng đem về ăn. Một hôm, có người nói với nó: “Chỗ kia có trứng chim, cháu có thể đi cùng ta đến bắt.” Đứa trẻ liền đi theo người ấy đến một ruộng trồng dâu. Bỗng nhiên nó nhìn thấy phía bên trái đường có một cái thành, trong thành có nhà cửa đường sá hết sức đẹp đẽ đông đúc, lại có tiếng ca nhạc rộn ràng huyên náo. Đứa trẻ lấy làm lạ, liền hỏi: “Cái thành này có từ lúc nào?” Người cùng đi quát bảo im không được nói, rồi dẫn nó vào thành. Vừa bước vào thì cửa thành đột nhiên đóng lại, trong thành đầy những sắt nóng lửa hồng dưới chân, nóng hực không sao chịu nổi. Đứa trẻ gào khóc la thét chạy nhanh về cổng thành phía nam, vừa đến nơi thì cửa thành liền đóng lại. Lại chạy về cửa thành phía đông, rồi phía tây, phía bắc, mỗi khi vừa đến nơi cũng đều thấy cổng thành tự nhiên đóng chặt lại.

Bấy giờ, trong ruộng dâu có một người đang hái lá dâu, nhìn thấy đứa trẻ ấy vừa chạy vừa gào khóc la thét trong ruộng dâu nên nghĩ là nó bị điên, liền chạy về báo với cha nó. Người cha ra đến nơi, cất tiếng gọi tên đứa trẻ, nó vừa đáp lại liền ngã lăn ra đất, cả tòa thành với lửa nóng đều không còn thấy nữa. Người cha nhìn hai chân con thì thấy từ đầu gối trở xuống cháy khét như bị nướng trên lửa. Gạn hỏi, nó liền kể lại những gì đã xảy ra. Người cha đưa về nhà lo việc chữa trị, cuối cùng đôi chân đứa bé từ đầu gối trở xuống chỉ còn như hai que xương khô.

  • Lời bàn:

Khổ não ở địa ngục đều do tâm tạo ra, cũng do nơi tâm mà hiển hiện. Người có phước đức sâu dày thì địa ngục cũng chính là cung điện cõi trời. Kẻ tạo nghiệp ác nặng nề thì cung điện cõi trời liền hóa thành địa ngục. Cũng giống như người mắc bệnh sốt rét tuy ở cùng một nơi với người không có bệnh, nhưng người không có bệnh thì không thấy lạnh, còn người bệnh kia thì rét run cầm cập như đang ở giữa nơi băng giá. Lại có lúc người không có bệnh thì không thấy nóng, mà người bệnh kia thì mồ hôi tuôn như tắm, khác nào đang ở nơi lửa nóng. Đó là một lẽ để chứng minh.

Lại như chư thiên ở các cõi trời Lục dục[*],1 tuy cùng thọ hưởng các món ăn cõi trời như nhau, nhưng các vị nào phước đức nhiều hơn thì nhìn thấy món ăn ấy hoàn toàn trắng sạch, còn những vị phước đức kém hơn thì tùy theo mức độ mà nhìn thấy món ăn ấy có màu ít nhiều sậm đỏ hơn. Cho đến các thứ như y phục, châu báu, cung điện… cũng đều khác biệt theo cách như thế. Đó lại là một lẽ khác nữa để chứng minh.

Lại như người đời khi ở trong bụng mẹ, hết thảy đều bị ngũ tạng, máu huyết bao quanh, nhưng đức Thế tôn khi ở trong bụng thánh mẫu Ma-da, nhập Tam muội Ly cấu thì liền có các thứ gỗ thơm chiên-đàn, châu báu vi diệu, vô số cung điện đều hiện ra để tự trang nghiêm. Đó chẳng phải là tất cả đều do tâm thức tạo ra đó sao?

Vì thế biết rằng, đứa trẻ nghe tiếng người bảo “chỗ kia có trứng”, ấy là do chính từ trong tâm nó hiện thành, là trứng của vô minh. Nơi ruộng dâu lại có thành quách, đó cũng là do tự tâm nó hiện ra, là thành quách của những oan nghiệp đã tạo. Khắp trong thành đều có lửa nóng, cũng từ trong tâm nó hiện ra, là lửa nóng phiền não. Bốn cửa thành đều tự đóng chặt, cũng là do tự tâm nó mà hiện ra những cửa lao ngục. Cho nên có câu: “Địa ngục không xa, chính ở ngay trước mắt, tùy theo nghiệp báo của mỗi người mà hiện ra đó thôi.”

Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại
Nguyên tác Hán văn: Vạn Thiện Tiên Tư
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến

[*] Các cõi trời Lục dục: chỉ 6 tầng trời thuộc Dục giới, bao gồm: 1. Tứ đại vương chúng thiên; 2. Tam thập tam thiên; 3. Dạ-ma thiên; 4. Đâu suất thiên; 5. Lạc biến hóa thiên; 6. Tha hóa tự tại thiên.