An Trụ Trong Tâm Thanh Niệm Phật Chính Là Cảnh Giới Thù Thắng NhấtTiếng niệm Phật đã thuần thục, trong Lục Trần chỉ có Thanh Trần [mạnh mẽ nhất], công dụng của sáu căn toàn nhờ vào tai. Thân cũng chẳng tự nhận biết nó xoay chuyển như thế nào, lưỡi cũng chẳng tự nhận biết nó chạm, đụng ra sao, ý cũng chẳng tự nhận biết nó phân biệt thế nào, mũi chẳng tự biết nó hô hấp ra sao, mắt cũng chẳng tự biết nó nhắm mở ra sao. Hai thứ viên thông của ngài Quán Âm và Thế Chí chỉ là một. Căn tức là Trần, Trần tức là Căn. Căn hợp với Trần là Thức. Mười tám giới hòa tan thành một giới. Lúc mới thì chưa điều hòa được, lâu ngày sẽ tự nhập.

Phàm khi niệm Phật thì chọn chỗ đất sạch rộng chừng bốn năm thước, đi kinh hành xoay theo chiều phải một vòng, sau đó mới từ từ cất tiếng niệm, dần dần niệm lớn hơn.

Niệm như thế hết ba vòng xong, tự biết tiếng phát xuất từ tâm mình thấu suốt tâm linh, xoay chuyển khắp hư không, bao trùm trọn vẹn mười phương, trọn khắp pháp giới. Ðây là an trụ thân, tâm và thế giới trong câu niệm Phật để niệm Phật vậy. Ðây là một cảnh thù thắng để diệt trừ những cấu nhơ trong tâm, hãy nên siêng tu tập.

Tiếng là tiếng của tâm (tâm thanh), ánh sáng cũng là ánh sáng của tâm (tâm quang). Chỗ tâm thanh vang vọng cũng chính là chỗ tâm quang chiếu thấu. An trụ trong tâm thanh niệm Phật chính là an trụ trong quang minh niệm Phật. Ðây cũng là cảnh giới thù thắng có thể diệt được cấu nhơ trong tâm, hãy nên siêng tu tập.

Tâm thanh xoay chuyển, tâm quang chiếu rực, tâm thể tự nhiên hiển lộ. Một phiến chơn tâm này như bức gương tròn lớn, suốt tỏ không gì che lấp. Mười phương, ba đời, ta, Phật, chúng sanh, đời trược, chốn khổ, cõi tịnh, đài sen đều là hình ảnh in bóng trong gương. Thanh ở trong quang, quang lại phát xuất từ gương. Ðây là cảnh giới thù thắng nhất có thể vĩnh viễn diệt trừ được cấu nhơ trong tâm, càng phải nên lưu tâm tu tập.

Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích yếu sách Bốn Mươi Tám Pháp Niệm Phật của đại sư Diệu Không đời Thanh