Sư Bà Thấy Phật & Cảnh Tây Phương Vãng Sanh Để Lại Nhiều Xá Lợi

Sư Bà Thấy Phật & Cảnh Tây Phương Vãng Sanh Để Lại Nhiều Xá LợiĐược Phật A Di Đà gia hạn sống thêm 5 năm. Sư Bà Thích Như Phụng thấy Phật, thấy cả cảnh giới Tây Phương Cực Lạc và được chết trong mùi thơm đúng như ước nguyện.

NHƯ Lai trưởng tử trụ Ta bà,
PHỤNG sự nhân quần dĩ lợi tha,
TÂY xứ phu tòa quy bỉ ngạn,
HƯNG Thiền châu kết độ hà sa,
NI đồ phổ nhuận Tôn Sư đức,
TRƯỞNG ấu đồng triêm pháp lục hòa,
MINH hiển từ tâm hành lục độ,
CẢNH huyền cao chiếu nhứt thiền gia.

Tháng 10 năm 2002, chúng tôi có việc phải về Việt Nam, trong thời gian mười ngày bên đó, chúng tôi được nghe quý Sư và Phật tử thường nhắc về hạnh tu của Sư Bà Như Phụng. Chúng tôi rất muốn được đến thăm Sư Bà nhưng vì lý do đặc biệt khiến chúng tôi không thể rời khỏi nhà. Sau khi trở về bên này, trong câu chuyện tham khảo ý kiến với Bác Tịnh Hải về vấn đề vãng sanh, chúng tôi có trình bày với bác rằng: “Dựa theo sách Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá Lợi của bác, cháu nghĩ tại Sa Đéc sẽ có hai vị cao tăng Ni sau này sẽ vãng sanh lưu Xá lợi”. Dự đoán ấy nay đã trở thành sự thật!

Mấy tuần trước, chúng tôi được gia đình cho biết, Sư Bà Như Phụng đã thị tịch và để lại rất nhiều xá lợi. Chúng tôi liền báo tin cho Bác Tịnh Hải rõ, bác yêu cầu chúng tôi liên lạc về Sa Đéc để thu thập hình ảnh và bài tiểu sử của Sư Bà do liên hữu Thiện Thành gởi qua, chúng tôi đã liên lạc trực tiếp với Sư cô Thích nữ Như Hiền thuộc chùa Tây Hưng để xin thêm những chi tiết về công hạnh tu tập và trường hợp vãng sanh của Sư Bà.

Sư Bà Thích nữ Như Phụng tự Diệu Thành, pháp hiệu Giác Mỹ, sinh năm 1911 tại làng Tân Vĩnh Hòa, Quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc. Là đệ tử xuất gia của Hòa Thượng Thích Vạn Ân thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41. Thân phụ là cụ Phạm Văn Lắm, người rất hiền hòa phúc hậu, thân mẫu là bà cụ Huỳnh Thị Trúc, một người mẹ đảm đang đức hạnh. Sư Bà là con thứ sáu trong gia đình có tám anh chị em và là chị của cố Ni Trưởng Thích nữ Như Lan, trụ trì chùa Thanh Thiền ở Sa Đéc và Ni Trưởng Thích nữ Như Hiếu, đương kiêm trụ trì chùa Tây Hưng.

Thuở thiếu thời, Sư Bà thường xuyên lui tới chùa Tây Hưng, tụng kinh niệm Phật, công quả sớm hơm và quy y Tam Bảo. Càng ngày Sư Bà nhận thức sâu sắc về cuộc đời giả tạm, khổ nhiều hơn vui, từ đây chí xuất trần tu thiện pháp càng mãnh liệt. Khi duyên lành đã sẵn đủ, lại được sự chấp thuận của song thân, Sư Bà lên đường tầm sư học đạo. Năm 1929, lúc vừa tròn 19 tuổi, Sư Bà đến chùa Tây Hưng cầu Hòa Thượng Thích Vạn Ân xin được thế phát xuất gia tu học. Tháng 11 năm 1945, Hòa Thượng Bổn sư viên tịch, Sư Bà được giao phó trọng trách.

Sư Bà chuyên tu theo pháp môn niệm Phật A Di Đà. Thuở ban đầu, ngay sau khi xuất gia, Sư Bà niệm Tam Thiên Phật, rồi Vạn Phật, Ngũ Bách, tụng Sám Hối Hồng Danh, nhưng về sau Sư Bà chỉ niệm thánh hiệu “A Di Đà Phật”. Ngay cả khi Sư Bà kết hạt chuỗi bo bo, mỗi hạt bo bo là một biến “A Di Đà Phật”.

Công phu niệm Phật của Sư Bà không bao giờ dãi đãi, thời khóa niệm Phật hàng ngày bắt đầu từ 2 đến 4 giờ sáng; 7 đến 9:30 giờ; 2 đến 4 giờ chiều; 5:30 đến 7 giờ tối. Sư Bà ngọ trai lúc 12 giờ trưa và sau đó tụng Kinh A Di Đà, việc này Sư Bà đã thực hành nghiêm chỉnh ngay từ lúc mới xuất gia.

Sư Bà đã niệm Phật miên mật như thế trong suốt thời gian dài làm cho chúng tôi nhớ đến lời dạy của Ngài Ngẫu Ích Trí Húc Đại Sư mà Hòa Thượng Minh Tâm đã ghi trong Lời Bạt của sách Những Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi: “Đời mạt pháp, ức vạn người tu hành, ít có một người đắc đạo. Chỉ còn nhờ phép Niệm Phật mới được độ thoát. Than ôi, nay chính là đời mạt pháp rồi mà bỏ pháp môn niệm Phật này thì còn pháp môn nào tu học được nữa”. Vì vậy trường hợp vãng sanh lưu lại Xá lợi của Sư Bà Như Phụng đối với hành giả chuyên tu theo pháp môn Niệm Phật chắc cũng không có gì ngạc nhiên.

Ngoài công phu niệm Phật, Sư Bà đã thực hành hạnh của Bồ Tát mà ít có người làm được. Như trên đã nói, Sư Bà kết chuỗi bo bo, mỗi hạt là một biến “A Di Đà Phật”, mỗi ngày kết hai tràng để tặng cho chúng sanh Phật tử, nguyện của Sư Bà là mong cho mọi người đều niệm Phật. Sư Bà phát năm cầu nguyện khi thí chuỗi là:

Cầu cho Phật tử dồi sào sức khỏe
Cầu cho người niệm Phật tài vật đầy đủ
Chí niệm thường tinh tấn
Thực hành hạnh nguyện Bồ Tát
Khi bỏ thân được vãng sanh Cực Lạc.

Ngày nay nhiều Phật tử ở hải ngoại có dịp về thăm lại chùa Tây Hưng vẫn thường nhớ đến những tràng chuỗi bằng hạt bo bo và ao ước có được xâu chuỗi như thế để tưởng Phật, niệm Phật.

Với tâm nguyện cứu độ chúng sanh, phát nguyện cầu siêu cho chư hương linh được siêu sanh lạc quốc, Sư Bà đã bỏ ra bốn năm trời, cứ vào mùa Thanh Minh, thường đến hết nghĩa trang này lại qua nghĩa địa khác để trì chú Tán Sa cho hương linh, mỗi phần mộ ba vòng. Năm 1948, Sư Bà cùng với Sư Bà viện chủ chùa Thiền Quang ở Sài Gòn tổ chức kỳ siêu, vớt vong bằng giàn Thủy Lục, trong đêm các Ngài tụng Kinh Địa Tạng, niệm Hồng danh “A Di Đà Phật” để hồi hướng cho chư hương linh.

Sau đó Sư Bà nhập thất ba năm. Trong thời kỳ nhập thất này, Sư Bà rất ít nói chuyện, thị giả hay Phật tử chỉ mang thức ăn vào thất rồi trở ra. Sư Bà chú tâm vào việc tụng Kinh niệm Phật để hồi hướng cho hương linh các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn.

Năm 1964, Sư Bà lại nhập thất tịnh tu ba năm, tiếp tục nhứt tâm niệm Phật và tụng Kinh để hồi hướng cho ngôi Tam Bảo sung túc, huynh đệ tu hành tinh tấn, đàn na hưng thịnh. Và trong suốt thời gian sau này, Sư Bà vẫn thường xuyên nhập thất niệm Phật.

Năm vừa qua, thấy tuổi hạc đã cao, Sư Bà phát nguyện trước chư Phật: “Con nay đã trên 90 tuổi rồi sao lại chưa đi, nếu như thọ mạng chưa dứt, xin chư Phật cho con ở lại thế gian 5 năm nữa để con gieo trồng bo bo, kết chuỗi hầu khuyến khích Phật tử niệm Phật”. Mấy hôm sau, bên tai Sư Bà nghe có tiếng nói: “Thôi, mãn nguyện rồi, con nên đi đi”. Ở đây, Sư Bà xin thêm 5 năm nữa, chúng tôi vẫn thắc mắc, không rõ trước kia Sư Bà có nguyện gì nữa không, nếu là có thì có thể đã có sự cảm ứng đạo giao mà Sư Bà thường ít nói nên không ai biết được chăng ?

Sư Cô Như Hiền có kể lại, là cách đây gần một năm, khi ngồi trước chánh điện niệm Phật, Sư Bà ngửi được mùi hương thơm phảng phất rất là dễ chịu và nhìn thấy được cảnh giới tốt đẹp với những thứ cỏ lạ đều đặn, thẳng tấp trên cát mịn màng, thoáng xa xa người người lui tới trong y phục đẹp, trang nhã và lịch sự nhưng Sư Bà chưa được vào cảnh giới đó. Bỗng chốc Sư Bà nhớ ra là mình đang niệm Phật và đang ngồi ở chánh điện.

Những giờ phút sau cùng của đời người, trước khi được về với Phật, Sư Bà rất tỉnh táo, vui vẻ, hay hỏi han vuốt ve các Phật tử tới viếng thăm. Sanh tiền Sư Bà thường nguyện với Đức Phật A Di Đà, xin “được chết thơm”, xin đến lúc lâm chung được ra đi nhẹ nhàng, tinh thần minh mẫn. Nay nguyện của Sư Bà đã được thành tựu như ý.

Sư Cô Như Hiền nhớ lại lần thân bệnh vào năm trước, đôi lúc Sư Bà còn kêu than đau đớn nhưng lần sau cùng này, Sư Bà không kêu rên hay than đau và luôn luôn giữ thế nằm nghiêng về phía tay phải, thế nằm của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật khi nhập diệt.

Hơn chín mươi năm trụ thế, tấm thân ngũ uẩn được sử dụng để phụng sự Đạo pháp và chúng sanh đã hao mòn theo năm tháng, thân thế tuy mỏi mệt nhưng tinh thần luôn luôn trong sáng và tinh tấn niệm Phật. Khoảng bốn ngày trước khi vãng sanh, Sư Cô thị giả bạch thỉnh ý Sư Bà xin tụng bộ Kinh Đại Bi Đạo Tràng Sám Pháp – Lương Hoàng Sám để hồi hướng công đức cho Sư Bà, Ngài hoan hỷ chấp nhận, và thời gian này Sư Bà còn lên chánh điện để quan sát. Khi bộ Kinh được tụng đến quyển thứ bảy, qua phần Chú Vãng Sanh, đang tụng thời Sư Bà đã xả báo thân, thu thần viên tịch. Trong giây phút cận tử nghiệp này, Sư Bà vẫn còn nhép môi để niệm Phật, niệm thầm trong tư tưởng. Ngài ra đi với nét mặt hồng tươi khác lạ, da mặt căng thẳng và đầy nét hoan hỉ, trên tay vẫn còn cầm xâu chuỗi, cho đến lúc tay dũi thẳng ra xâu chuỗi mới rớt xuống một cách tự nhiên, nhẹ nhàng trước mặt quý Sư Cô. Lúc đó là 5 giờ chiều ngày mồng 8 tháng 9 năm Quý Mùi tức ngày 3 tháng 10 năm 2003. Nơi tịnh thất, trên chánh điện chùa Tây Hưng tiếng niệm “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” vang lên. Sư Bà trụ thế 92 tuổi, hạ lạp trải qua 63 mùa an cư kiết hạ.

Với hạnh nguyện lợi tha cao cả, Sư Bà đã cống hiến cả cuộc đời mình một cách thầm lặng cho đời và đạo. Việc làm của Sư Bà tuy đơn giản nhưng nếu không có Bồ Đề tâm, không có Bồ Tát hạnh thì cũng không dễ gì làm được. Công đức và đạo hạnh của Sư Bà vẫn còn sống mãi trong lòng người con Phật, nhất là Ni giới và hàng Phật tử tại gia. Đặc biệt nhất vẫn là vô số xá lợi đủ màu mà Sư Bà đã lưu lại cho hậu thế, trong đó có 5 viên XÁ LỢI NGỌC. Theo lời Sư Cô Như Hiền, Sư Bà Như Hiếu chỉ giữ lại một số xá lợi như đã thấy trong hình để khuyến khích Phật tử tu hành niệm Phật, số còn lại được đem đi rải trên sông.

Sư Cô Như Hiền còn cho biết, sau lễ trà tỳ tại lò hỏa táng Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh – Sài Gòn, Xá lợi được đem về thất để lựa trong tối hôm đó. Đến 2 giờ khuya, giờ mà Sư Bà bắt đầu cho ngày tu niệm Phật, Sư Cô thị giả nghe thấy có luồng gió mát với hương thơm ngào ngạt giống như hương thơm của hoa sứ (ngọc lan). Mùi thơm này lưu lại cho đến mười phút.

Sư Bà Như Hiếu cho biết: “Sở cầu sở nguyện của Sư Bà Như Phụng đã được như ý nên Sư Bà đã trở về với Đức Từ Phụ A Di Đà Phật”.

Bốn năm trước đây, tại Sa Đéc, hàng Phật tử tại gia có cụ bà Diệu Thành đã vãng sanh để lại xá lợi với sự nhiệm mầu là từ chín viên nhỏ đã tự kết hợp lại thành ba viên xá lợi lớn (*), nay là Sư Bà Thích Nữ Như Phụng đã vãng sanh để lại nhiều xá lợi đủ màu và năm viên NGỌC XÁ LỢI. Sự vãng sanh của hai vị Bồ Tát nói trên thật là một tấm gương sáng, một bài học quý báu, giúp cho Phật tử ở Sa Đéc có lòng tin sâu xa vào sự thù thắng của Pháp môn Niệm Phật và nhứt là lời dạy vô cùng quan trọng của Đức Bổn Sư trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật nói phẩm thứ hai: “Bởi vậy mà Ta, Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn hôm nay trân trọng xác quyết rằng: VÃNG SANH ĐỒNG Ý NGHĨA VỚI THÀNH PHẬT, VÌ VÃNG SANH TỨC LÀ THÀNH PHẬT”. Chắc chắn là trong tương lai nơi đây sẽ còn có thêm nhiều vị được vãng sanh!

Thiện Thành và Minh Thịnh cẩn ghi.

(*) Đây là lời thuật của vị Sa Môn đã trường chay trong suốt hơn hai mươi năm trước khi được đắp y vàng từ ba mươi năm qua. Ngài nay đã chín mươi tuổi, có lòng tin sâu xa vào Pháp môn niệm Phật, đã và đang thực hành pháp môn này một cách rốt ráo.

Lời Tịnh Hải:

Xin chư vị lưu ý, trong tập sách này có rất nhiều chuyện vãng sanh. Và toàn là những người chết đẹp bởi sau khi được Phật A Di Đà rước, mọi nghiệp chướng đều được Phật A Di Đà dùng Phật lực xóa hết, nên đã để lại những gương mặt thật đẹp.

Tại sao mỗi vị được vãng sanh, Đức Phật A Di Đà phải tốn công như vậy?

Bởi đó là đại nguyện của Ngài. Ngay trong nguyện thứ nhứt, Ngài đã nói: “Hết thảy chúng sanh, sanh vào nước con đầy đủ thân sắc, chân kim vàng tía, băm hai vẻ đẹp, tướng đại trượng phu, đoan trang nghiêm chánh, tinh khiết thanh tịnh, đều đồng một loại.

Thân xác của chư vị được vãng sanh, lưu lại ở đây đẹp đẽ như vậy, chỉ là một chuyện rất tầm thường. Theo tinh thần lời Kinh, khi Sư Bà Như Phụng đến Cực Lạc liền được thân kim vàng tía và đổi sang tướng trượng phu, tức thân nam và hình dạng tướng mạo đều giống Đức Phật A Di Đà.

Tại sao được vậy?

Tại vì, người tu pháp môn niệm Phật đều gọi Phật A Di Đà là Từ phụ. Đây là đức cha hiền từ thương tất cả các con.

Chúng ta khi nhập thai ở cõi này, đâu từng thấy trước mặt mũi cha mẹ, vậy mà khi được sanh ra còn giống cha hay giống mẹ. Còn bây giờ, chúng ta thờ Ngài, ngày đêm lại tưởng nhớ, niệm danh hiệu Ngài. Do thần lực của Ngài, nên về đến Cực Lạc tất cả đều giống cha như khuôn đúc.

Có dịp chúng tôi sẽ trình bày điều này nhiều hơn.

Cuộc đời Sư Bà là tấm gương tu hành kiên trì, đúng đạo pháp và pháp môn niệm Phật. Ngoài việc tự lực niệm Phật cầu vãng sanh, Sư Bà còn có tinh thần lợi tha. Sư Bà đặc biệt lo cho sự siêu thoát các vong linh tử nạn vì chiến tranh. Chẳng rõ Sư Bà Như Phụng có khả năng cầu cho người chết siêu thoát được hay không. Nhưng hành động và tinh thần của Sư Bà không trục lợi là điều chúng ta khâm phục.

Đối với người sống, Sư Bà gieo trồng bo bo lấy hạt và mỗi ngày đều ngồi kết hạt bo bo làm chuỗi để tặng Phật tử. Một hạt bo bo được kết, Sư Bà lại niệm một câu hồng danh A Di Đà Phật. Do tâm không chạy theo trần cảnh, mà suốt ngày chỉ niệm A Di Đà Phật, quả chính là Sư Bà đã niệm Phật mà trong tâm có Phật, như Hòa Thượng Tịnh Không nói.

Theo chúng tôi, Sư Bà đã diện kiến Phật A Di Đà một lần. Đó là lần Sư Bà yêu cầu cho hoãn lại ngày vãng sanh với hạn kỳ 5 năm. Căn cứ vào lời nguyện của Sư Bà và câu nói thầm lặng: “Thôi, mãn nguyện rồi, con nên đi đi” mà chúng tôi tin tưởng như vậy.

Ngoài ra, Sư Bà Như Phụng còn thấy cả cảnh giới Cực Lạc và được chết trong mùi thơm, đúng như Sư Bà ước nguyện.

Hòa Thượng Tịnh Không thường giảng: “có cầu sẽ có ứng”. Xin chư vị đọc kỹ cung cách tu hành của Sư Bà và hành động đúng theo Sư Bà, chắc chắn chư vị cũng được toại nguyện y như vậy.

Trích Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi
Cố cư sĩ Tịnh Hải

Cả Đời Không Biết Phật Pháp Cuối Đời Gặp Thiện Tri Thức Khai Thị Được Vãng Sanh [Video]

Cả Đời Không Biết Phật Pháp Cuối Đời Gặp Thiện Tri Thức Khai Thị Được Vãng SanhMột Phật tử tại Hoa Kỳ suốt đời lo tạo dựng sự nghiệp cho gia đình và con cái, đến cuối đời lâm bệnh nặng may nhờ phước lành nhiều đời còn sót lại nên gặp được vị thiện trí thức khai thị cho pháp môn Niệm Phật để vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Nghe xong Phật tử này liền tin nhận và nghe theo, thực hành tinh tấn nên thành tựu quả vãng sanh.

Sư cô thích nữ Như Lan

 

 

Ba Câu Chuyện Vãng Sanh Biết Trước Ngày Giờ

Ba Câu Chuyện Vãng Sanh Biết Trước Ngày GiờHỏi: Trong nhà chỉ mình con là người tu hành, xin hỏi hiện chúng con phải tu nhân như thế nào để đến khi lâm chung không phải chịu cảnh sắp đặt vãng sanh tự tại?

Đáp: Câu hỏi này rất hay. Người tu hành nên có chí hướng như vậy. Chúng tôi thấy quá khứ có rất nhiều người tu tập có hiệu quả, để khi lâm chung biết trước ngày giờ, vãng sanh tự tại. Thời cận đại cũng có, có thể thấy việc này là thật chứ không phải giả.

Muốn biết cách tu hành như thế thì chúng ta phải xem xét kỷ lại, những người được thành tựu đây, cách thức mà họ tu hành rất đáng để chúng ta tham khảo. Trong ký ức của chúng tôi có mấy vị ấn tượng sâu sắc nhất. Đệ tử của pháp sư Đế Nhàn niệm Phật. trước khi xuất gia ông có làm nghề vá nồi, bạn cũng biết rồi đấy ông ấy chỉ có niệm 3 năm mà đứng ra đi, ra đi rồi, còn đứng thêm 3 ngày nữa. Đợi sư phụ mình lo hậu sự cho mình xong. Đây mới thực sự là có tu tập. Ông cả đời sinh sống bằng nghề cu li, không biết chữ, chưa từng đọc sách, vì đời sống quá khổ, nên ông tìm đến người bạn đã chơi từ thuở nhỏ của mình, Pháp sư Đế Nhàn là bạn của ông ấy đã cùng chơi chung với nhau, đều sinh trưởng ở miền quê, ngài xuất gia làm một vị sư phụ, cũng không dễ gì tìm được ngài, theo ngài để xuất gia. Biết được nhân gian này quá khổ rồi, lão hòa thượng thấy ông ấy không có biết chữ lại rất đần độn, hai thời công phu sớm tối cũng học không thuộc nữa, cho nên ông ấy không ở chốn chùa chiền, đạo tràng, vì ở lại sẽ gây phiền, ngài cạo tóc cho ông ấy, cũng bảo rằng không cần phải thọ giới và cũng không cần phải học kinh, không cần phải học cách sám pháp, đến miền quê Ninh Ba, tìm một ngôi chùa nhỏ không có người ở, ngài bảo ông ấy đến đấy ở, ông trụ ở đây rồi, ngài chỉ dạy cho ông một câu Nam mô A Di Đà Phật, chỉ dạy có một câu này, ngài dạy ông phải niệm cho chân thành, niệm mệt rồi thì ông đi nghỉ, nghỉ khỏe rồi dậy niệm tiếp, tương lai nhất định sẽ có lợi ích. Ông ấy cũng không biết là có lợi ích gì. Sau này có thể thành tựu thực sự, ông nghe lời. Sau khi ở lại ngôi chùa nhỏ này. Lão pháp sư Đế Nhàn có thâm danh và cũng có đạo hạnh có tín đồ nên tìm 1 tín đồ ở gần đấy đến chăm sóc cho ông ấy hộ trì ông ấy đem gạo dầu ăn muối cho ông ấy chăm lo đời sống cho ông ấy ông ấy chỉ chuyên sâu vào pháp môn này suốt ngày từ sáng đến tối chỉ niệm nam mô A Di D Phật niệm mệt rồi thì nghỉ nghỉ rồi niệm tiếp đúng 3 năm thì thành công. Ông ấy biết trước ngày giờ trong ngôi chùa nhỏ đó có 1 vị hộ pháp đó là bà cụ nấu cơm cho ông ăn nấu 2 bữa trưa và chiều, buổi sáng ông tự nấu lấy. Một bữa nọ ông rời ngôi chùa nhỏ vào thành đi thăm bạn bè họ hàng của mình. Sau khi về chùa ông nói với bà lão hộ pháp rằng ngày mai bà không cần nấu cơm cho tôi ăn nữa. Bà lão này trong lòng nghĩ rằng thông thường sư phụ không có ra khỏi cửa hôm qua vừa mới đi ra ngoài rồi chắc bạn bè mời ăn cơm nên ngày mai không cần phải nấu cơm. Sang ngày thứ 2 lúc đến giờ ngọ bà lão không yên tâm nên sang chùa xem thử, kết quả là bà thấy sư phụ đang đứng tại nơi đó bà gọi mà không thấy trả lời, bà đến trước mặt nhìn kỹ thì đã thấy chết rồi, đứng mà chết. Bà vội đi tìm các cư sĩ khác bàn bạc bẩm báo cho pháp sư Đế Nhàn ở chùa Quán Tông hay, lúc đó không có phương tiện giao thông như bây giờ chỉ đi bộ. Đi bộ qua rồi đi bộ về mất 3 ngày, ông đứng suốt 3 ngày. Tại sao người ta lại tu thành công? Vì họ không có vọng tưởng, không có tạp niệm nhất tâm xưng niệm 3 năm thì thành công nghiệp chướng tiêu trừ. Đây quả thật là có bản lãnh, quả thật có công phu, nguyên nhân cũng không có gì khác buông bỏ vạn duyên, nếu còn có chút vấn vương trong long, bạn có chút đeo mang thì coi như chịu thua, bạn sẽ không được tự tại cái lý đơn giản như vậy, xem thử coi chúng ta có chịu làm hay không?

Người thứ 2 mà chúng tôi ấn tượng rất sâu sắc là pháp sư Tu Vô ở chùa Cực Lạc Cáp Nhỉ Tân. Bạn xem lại trong ấn trần hồi ức lạc có ghi lại trước khi xuất gia ngài là 1 người thợ nề, cũng là thành phần xuất thân từ lao động khổ cực. Sau khi xuất gia ngài làm công việc thường trụ hầu đại chúng, thường thì chúng ta gọi là tu khổ hạnh. Bình thường ngài chỉ niệm 1 câu Phật hiệu. Pháp sư Đàm Hư có tạo mấy ngôi chùa ở niềm Bắc, chùa Cực Lạc cũng là Ngài tạo dựng nên, sau khi ngôi chùa xây dựng hoàn thành, ngài mở ra 1 pháp hội truyền giới đây là lần truyền giới lớn nhất trong Phật giáo. Thích lão hoà thượng Đế Nhàn làm hoà thượng đàm đầu, khi truyền giới phải có người trợ giúp. Mọi người tìm khắp nơi, ngoài pháp sư Tu Vô đến gặp mặt pháp sư Đàm Hư còn có hoà thượng Giáng Điền. Sư trụ trì là pháp sư Định Tây, pháp sự Định Tây hỏi ông có thể làm được việc gì, ông phát tâm chăm sóc người bệnh trong thời kỳ thọ giới, công việc này cũng rất quan trọng, trong thời kỳ thọ giới những bệnh lặt vặt như trúng gió cảm mạo đây cũng cần người chăm sóc. Thế là ông đến phục vụ, ông ở được khoảng 2 tuần thì ông lại đi tìm pháp sư Đàm Hư. Khi ấy pháp sư Định Tây cũng đang ở bên cạnh. Ông xin pháp sư Đàm được nghỉ, ông nói là ông phải đi, pháp sư Đàm Hư là người rất có đạo hạnh, rất từ bi. Nếu bạn có việc phải đi thì Ngài cũng không quở trách. Pháp sư định Tây ở bên cạnh nghe vậy, không nén nỗi cơn giận. Ông đến đây phát tâm chăm sóc người bệnh, đến được có 2 tuần, mà viện truyền giới phải mất khoảng 2 tháng, ít nhất là đợi đến kỳ thọ giới ông mới được đi. Tại sao ông lại không có lòng kiên nhẫn như vậy chứ?

Pháp sư trách móc ông ấy, sau cùng ông ấy nói: Không phải là tôi đi đến nơi khác mà là tôi sắp vãng sanh sang thế giới Cực Lạc rồi.

Hai vị hòa thượng này nghe rồi biết việc này quan trọng, không phải việc bình thường đâu, bèn hỏi ông ấy:

– Hôm nào ông đi?

– Ngài đáp: Chắc khoảng nữa tháng. Tôi định đến từ biệt trước, không quá nửa tháng đâu.

Ông lại còn thỉnh cầu pháp sư Định Tây chuẩn bị cho ông 200kg củi chẻ, tức là củi lửa để hỏa táng sau khi vãng sanh. Vị pháp sư thường trụ này nhận lời hết.

Sáng hôm sau ông lại đến tìm vị Hòa thượng

– Có chuyện gì thế?

– Thưa pháp sư hôm nay con phải ra đi rồi.

Lão hòa thượng vội tìm cho ông một phòng ở phía sau chùa, tạm thời kê một chiếu giường, ông ngồi trên đó và nói với pháp sư Đinh Tây:

– Pháp sư có thể thỉnh cho mấy vị pháp sư trợ giúp niệm Phật tiễn tôi đi được không?

Đương nhiên là có rất nhiều người hoan hỷ, có rất nhiều người giúp ông ấy trợ niệm. Thế là trong khi trợ niệm người trợ niệm nói với ông ấy:

– Xưa kia những người trợ niệm thường làm những bài thơ, bài kệ để lưu lại cho đời sau làm kỉ niệm. Pháp sư Tu Vô ông cũng làm vài bài kỉ niệm cho chúng tôi đi? Pháp sư Tu Vô nói:

– Tôi đâu có đi học, tôi đâu có biết chữ đâu, tôi cũng không biết làm thơ, cũng không biết làm kệ. Nhưng sau cùng ông nói một câu rất thành thật, ý của ông chính là nói: Tu hành nhất định phải chăm chỉ, việc tu hành này nhất định không được giả.

Vậy thì mấy câu khai thị này, tuy là nói rất đơn giản nhưng khi mọi người nghe rồi cũng thấy rất là có ích. Thế là liền niệm Phật cho ông, niệm chưa đầy 15 phút thì ông ra đi.

Đây là câu chuyện thuộc về hiện đại, cận đại hơn là: Xưa kia lúc còn ở Đài Loan, chúng tôi cũng có nghe, có mấy vị cư sĩ tại gia niệm Phật, biết trước giờ khắc, tự tại vãng sanh.

Đai khái là khoảng 30 năm trước, có lần tôi ở Phật Quang Sơn, Phật Quang Sơn cử hành buổi tọa đàm tuyên về Phật học, tôi có tham gia. Buổi tối, ánh trăng rất đẹp, tôi đứng bên bờ hồ phóng sanh ngắm trăng, có một số khoảng mười mấy vị bạn học cùng đi theo tôi, chúng tôi ở đó thảo luận về Phật pháp. Không bao lâu sau, có một anh công nhân đi đến nhóm của chúng tôi, công trình của Phật Quang Sơn rất nhiều cho nên anh ấy có thâm niên làm công. Anh công nhân này đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện. Lúc bấy giờ anh kể cho chúng tôi nghe mới vừa năm rồi, thời gian gần đây, ở miền quê của anh – làng Tương Vưng, ở miền quê đó có một bà lão, lòng dạ của bà rất lương thiện, rất từ bi, thích giúp đỡ người khác. Thuở còn sanh tiền, bà cũng không phân biệt rõ thế nào là thần, hễ bất cứ nơi nào có chùa thì bà đi đến lễ, dâng hương, lễ Phật, bái thần. Ba năm trước bà cưới vợ cho con, cô con dâu này là người hiểu biết Phật pháp, khuyên mẹ chồng không nên đi lung tung, cô lập bàn thờ cho bà và khuyên chân thành niệm A Di Đà Phật cầu sanh tịnh độ.

Bà lão này rất là có thiện căn, nghe cô con dâu nói vậy nên không đi lễ lung tung nữa, nhất tâm niệm A Di Đà Phật suốt 3 năm trời. Con trai và con dâu của bà rất hiếu thảo, hôm đó đến giờ cơm tối bà nói 2 con cứ ăn trước đi, đừng đợi mẹ để mẹ đi tắm. Tất cả mọi người vẫn đơi bà ăn cơm, họ đợi rất lâu, họ lấy làm lạ sao bà tắm lâu thế. Họ đi xem thử quả thật bà đã tắm xong, trong phòng tắm không có bà, phòng ngoài cũng không có bà, sau cùng họ thấy bà đang ở phòng niệm Phật, mặc chiếc áo tràng ngay ngắn, chỉnh tề, tay cầm xâu chuỗi, đứng trước tượng Phật, đứng im nơi đó không nhúc nhích, gọi bà cũng không trả lời. Đến khi nhìn lại thì bà đã vãng sanh, đi rồi. Đứng vãng sanh, một bà lão tại gia niệm Phật 3 năm đứng vãng sanh.

Anh ấy đã kể câu chuyện này cho chúng tôi nghe, anh ấy nói đây là câu chuyện có thật chứ không phải giả.

Buổi tối hôm ấy, chúng tôi quá lại nói chuyện Phật pháp nghe anh ấy kể, khiến mọi người ấn tượng rất sâu sắc.

Niệm như thế nào để biết trước ngày giờ tự tại vãng sanh, đứng ra đi, ngồi ra đi, tự tại vãng sanh không có gì khác. Vạn duyên buông bỏ, nhất tâm hướng Phật thì thành công.

Nếu còn chút xíu không buông bỏ được thì đó là nghiệp chướng, làm chướng ngại bạn vãng sanh, thậm chí làm chướng ngại bạn niệm Phật. Những thí dụ này chúng tôi đã tận mắt thấy qua, tận tai nghe qua có mười mấy vị, mà việc nghe nói thì càng nhiều hơn. Những câu chuyện này xảy ra gần đây, chúng tôi đã chứng kiến trong còng 30 năm qua, cho nên câu chuyện này là thật, không có chút gì giả dối.

Trích Pháp sư Tịnh Không khai thị lúc lâm chunng

Cụ Bà 100 Tuổi Vãng Sanh Lưu Xá Lợi

Cụ Bà 100 Tuổi Vãng Sanh Lưu Xá LợiCụ Ngô Thị Y pháp danh Diệu Cẩn (tên chứng minh thư: Ngô Thị Ý), sinh năm 1913 vừa vãng sinh vào ngày 8/4 (nhuận) năm Nhâm Thìn. Hơn 60 năm tín hạnh nguyện sâu theo pháp môn niệm Phật, Cụ đã trở thành tấm gương niệm Phật không mệt mỏi cho biết bao thế hệ Phật tử chùa Giác Tâm, quận 5, TP.HCM.

Sau khi hay tin Cụ mất, Đại đức Thích Giác Đạo và đạo tràng Phật tử chùa Giác Tâm đã đến tư gia tại số 22/1/34B Nguyễn Văn Săng, Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh cùng con cháu hộ niệm cho Cụ.

Kết quả sau hơn 4 tiếng Đại đức Thích Thanh Thắng khai thị, niệm Phật và cùng đại chúng nhất tâm quán tưởng Đức Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn, với tiếng niệm Phật tha thiết không ngừng nghỉ, toàn thân cụ bà mềm trở lại, gương mặt tươi rạng, môi đỏ, hơi ấm tụ trên đỉnh đầu.

Niềm tin mách bảo cụ bà Ngô Thị Y pháp danh Diệu Cẩn sẽ được vãng sinh, Đại đức Thích Giác Đạo, Đại đức Thích Thanh Thắng và Phật tử chùa Giác Tâm cùng con cháu sau khi làm lễ hoả táng xong đã quyết định xin đem toàn bộ tro cốt của cụ từ Đài hỏa táng Bình Hưng Hoà về chùa Giác Tâm để nhặt cốt.

Cụ Ngô Thị Y dự lễ tắm Phật tại chùa Giác Tâm

Sau 2 tiếng sàng lọc tro cốt, quý Thầy, Phật tử chùa Giác Tâm và con cháu cụ đã nhặt được nhiều viên xá lợi trong như thuỷ tinh, đặc biệt có một viên như người đang quỳ chắp tay và một viên màu đen, một viên tròn màu trắng đục và 2 cục trắng như vôi bên trong chứa rất nhiều những hạt xá lợi nhỏ, một mảnh xương sọ có màu hồng và một số sợi xá lợi nổi màu ngọc bích.

Con cháu Cụ cho biết, khi mất, Cụ không mang theo bất cứ đồ trang sức nào, ngoài điệp quy y và chuỗi tràng bằng gỗ mà Cụ vẫn thường đeo.

Cụ Ngô Thị Y và Đại đức Thích Giác Đạo, trụ trì chùa Giác Tâm. Ảnh PhatTuVietNam.net

Việc Cụ bà kiên trì tu theo pháp môn niệm Phật không ngừng nghỉ sau khi vãng sinh để lại xá lợi đã tạo nên niềm hoan hỷ, cũng như sự phát tâm kiên cố của tất cả Phật tử chùa Giác Tâm.

Dưới đây là một số hình ảnh xá lợi của cụ bà Ngô Thị Y, pháp danh Diệu Cẩn:

Hộp đựng xá lợi cụ Y. tại chùa Giác Tâm (Ảnh: Ngọc Lài)








Văn Hiền

Tính Trọng Yếu Của Sự Phát Nguyện & Câu Chuyện Vãng Sanh Biết Trước Ngày Giờ Do Phát Nguyện

Tính Trọng Yếu Của Sự Phát Nguyện & Câu Chuyện Vãng Sanh Biết Trước Ngày Giờ Do Phát NguyệnNgài Ngẫu ích Đại sư nói: “Được vãng sanh hay không là do Tín Nguyện có hay không; còn phẩm vị vãng sanh cao hay thấp là tùy việc trì danh sâu hay cạn”

Ở đây, chưa bàn đến phẩm vị cao thấp sau khi vãng sanh. Vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết là có được vãng sanh hay không đã. Vì vậy mà chưa bàn đến vấn đề hành trì sâu hay cạn, mà chỉ nên bàn đến tín nguyện có hay không mà thôi.

Tín, Nguyện, Hạnh là ba tư lương sanh về Tịnh độ. Nếu tư lương không đủ, quyết không được vãng sanh. Sở dĩ vì thế mà sự phát nguyện chiếm một địa vị tối quan trọng trong pháp môn tu Tịnh độ.

Đức Phật A Di Đà ngày xưa phát 48 lời nguyện làm duyên khởi tạo thành Thế giới Cực lạc. Từ đó về sau, chúng sanh trong mười phương đều lấy sự phát nguyện vãng sanh làm căn cứ tu hành của tông Tịnh độ. Một đằng Phật nguyện tiếp dẫn, một đằng chúng sanh nguyện vãng sanh, hai nguyện gặp nhau, hai lực lượng tự, tha, hỗ trợ nhau mới đủ sức kết thành quả vãng sanh. Vì thế, người tu tịnh nghiệp quyết phải phát nguyện dũng mãnh.

Trong 48 lời đại nguyện của đức A Di Đà, lời đại nguyện thứ 19 nói một cách rõ ràng, rằng nếu có người chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước Ngài, lúc lâm chung nhất định Ngài sẽ đến tiếp dẫn. Cho nên, hễ có phát nguyện là quyết định phải được vãng sanh.

Lại nữa, trong kinh “Phật thuyết A Di Đà” đức Phật Thích Ca bảo ngài Xá Lợi Phất: “Nếu có người đã phát nguyện, đương phát nguyện, sắp phát nguyện, nguyện sanh về thế giới đức Phật A Di Đà, các người ấy tất đã sanh, hoặc đương sanh hoặc sắp sanh tại thế giới kia, và, hết thảy đều được quả bất thoái chuyển vô lượng Chánh đẳng Chánh giác.” Đoạn trích dẫn đây cũng thuyết minh rằng phàm hễ có nguyện tức có vãng sanh vậy.

Lại nữa, trong kinh Hoa nghiêm cũng từng dạy rằng: “Người ấy khi gần lâm chung, trong sát na tối hậu, tất cả các căn thảy đều bại hoại, tất cả thân thuộc thảy đều xa rời, tất cả uy thế đều tan rã … chỉ còn nguyện vương là hằng cùng theo dõi, hướng dẫn trước mắt; trong một khoảnh khắc, liền được vãng sanh thế giới Cực lạc.” Căn cứ vào các kinh văn trích dẫn trên đây, ta thấy công dụng của phát nguyện là như thế nào rồi vậy.

Bây giờ, trên thực tế, đây là câu chuyện mà thầy Bạch Sa ở Quy Nhơn đã kể cho tôi nghe:

Bà Thái Xương, vợ một Hoa kiều nguyên buôn bán ở Quy Nhơn, là một đàn việt chùa Bạch Sa và đã giúp thầy ấy kiến tạo ngôi chùa Bạch Sa hiện nay. Bà chuyên tu pháp môn niệm Phật và chỉ phát nguyện khi thọ chung được gặp ngày vía đức A Di Đà (tức là ngày 17 tháng 11 âm lịch) và được biết trước giờ phút thọ chung ấy. Năm bà mất, đã 80 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Đầu tháng 11 năm ấy, bà đến xin thầy Bạch Sa tụng cho một bộ kinh Thủy Sám và một bộ kinh Pháp Hoa để kịp đến ngày 17 tháng ấy bà về chầu Phật. Thầy Bạch Sa lấy làm kinh ngạc vô cùng, nhưng vì bà là bổn đạo thuần thành đã lâu năm nên thầy cũng phải chiều theo. Cái tin ấy đã làm cho bà con và đạo hữu kinh ngạc. Đến ngày 17, họ tu tập đến nhà bà rất đông để thỏa mãn tánh hiếu kỳ. Suốt buổi sáng hôm ấy, bà vẫn khỏe mạnh và bình tĩnh như thường ngày, khiến thầy Bạch Sa trong thâm tâm e sợ, không khéo phen này làm trò cười cho thiên hạ. Bỗng đâu đến khoảng quá 10 giờ sáng, bà bảo người giúp việc in một in cơm đem lên nhờ thầy cúng Phật rồi đem xuống cho bà, bà chắn in cơm làm hai phần, tự mình ăn một nửa, còn một nửa bảo người giúp việc ăn mà từ tạ rằng: “Gọi là đền đáp công ơn mụ giúp đỡ tôi trong mười mấy năm trường, nay đến ngày vĩnh biệt, xin biếu mụ ăn nữa phần cơm này để sau nhờ Phật tiếp dẫn mụ về Tây phương.” Nói xong, rửa mặt súc miệng và thay áo quần thì đúng 12 giờ trưa, bà chào tất cả mọi người, ngồi xếp bằng, hai tay chấp trước ngực mà hóa một cách vui vẻ trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người trong nhà. Năm ấy ở Quy Nhơn, thiên hạ xôn xao bàn tán rất nhiều về cái chết của bà Thái Xương, tiếng đồn bà thành Phật lan ra khắp các tỉnh.

Xem đó đủ biết sự phát nguyện vãng sanh Cực lạc là một điều tối cần thiết cho người tu theo pháp môn Tịnh độ. Phát nguyện là một nhu kiện không thể không có, ta không nên suất lượt để phải mất công hiệu và lợi ích rất đồng, nhưng lớn về sau.

Từ xưa nay, người tu theo pháp môn Tịnh độ đã làm ra rất nhiều bài văn phát nguyện vãng sanh Cực lạc. Mỗi bài đều có một ý nghĩa hoặc sâu hoặc cạn nhưng mục đích chung vẫn là: “Nguyện khi thân mạng gần chung, biết trước giờ chết mà thân tâm vẫn được an vui, được thấy Phật và Bồ tát đến tiếp dẫn.”

Trong các bài phát nguyện, nổi tiếng nhất là bài “Khể thủ Tây phương” của ngài Liên Trì đại sư, bài “Nhứt tâm quy mạng” của ngài Từ Vân Sám chủ, bài “Thập phương tam thế Phật” của ngài Đại Từ Bồ Tát. Bài nào bài nấy, lời văn rất hay, ý nghĩa rất đầy đủ và hàm xúc. Trong quốc văn ta thì có bài “Đệ tử chúng con tư vô thủy” và bài “Đệ tử kinh lạy.” Sau một thời kinh và trì niệm danh hiệu Phật, ta nên vận hết thành tâm đọc một trong những bài ấy, hoặc đọc tiếp hai ba lần cũng được. Đọc như thế tức là mượn lời văn để tự mình phát lời nguyện rồi vậy. Lúc lâm chung, nhất định sẽ được nhờ Phật tiếp dẫn vãng sanh Thế giới Cực lạc

Nếu không muốn lắp theo khuôn cơ sẵn, ta có thể tự mình viết lấy bài phát nguyện riêng cho thích hợp cũng được. Đại cương lời phát nguyện không ngoài việc cầu vãng sanh, cầu Phật tiếp dẫn, cầu chứng quả, để trở lui tam giới cứu độ chúng sanh đồng sanh Lạc quốc. Còn nếu muốn thêm những chi tiết nào thâm thiết khác, ấy là tùy hoàn cảnh và sở nguyện riêng từng người.

Trong văn phát nguyện bao giờ cũng có câu cầu Phật và chúng Bồ tát đến tiếp dẫn là vì lẽ gì ? Xin thưa: Người tu Tịnh độ, nếu công phu chưa được thuần thục, thường hay bị hãm vào trong những trạng thái sau đây, nên khi lâm chung không niệm được, hoặc lắm khi cũng không kịp mời người khác hộ niệm giùm. Các trạng thái ấy có thể là: hoặc vì bệnh khổ bức bách nên sinh hôn mê, hoặc bị bà con thương tiếc khó bề xả bỏ nên sinh si luyến, hoặc vì sự nghiệp của tiền khó đứt lòng tham đắm nên sinh bi ai, hoặc vì thù hận đầy dẫy khó giải nỗi lòng nên sinh sân hận v.v… Đó là chưa kể cả trường hợp hoạnh tử, miệng chưa kịp niệm đã vong.

Nếu lúc gần lâm chung mà không được Phật hiện đến tiếp dẫn thì không được vãng sanh, lại còn vì các sự đau khổ tham sân luyến tiếc mà bị đọa lạc ba đường dữ nữa là khác. Vì các lý do ấy nên trong văn phát nguyện, bao giờ cũng phải cầu Phật đến rước để tiếp dẫn mới là chu đáo. Sự phát nguyện hằng ngày có thể ở tại chùa vào bất luận giờ nào cũng được, miễn là sau khi lễ Phật xong thì quỳ ngay trước điện Phật mà đọc lời phát nguyện. Nếu ở nhà có bàn thờ Phật thì hằng ngày nên đốt hương lạy Phật rồi phát nguyện. Hoặc giả, nếu không tiện thờ Phật thì viết câu: “Nam mô Thập phương Tam thế Phật Bồ tát” dán lên trên vách, hằng đêm trước khi đi ngủ, đối mặt vào vách mà đốt hương phát nguyện. Gặp khi đi đường, chưa kịp trở về thì nên xây mặt về hướng tây chắp tay niệm năm, mười hiệu Phật rồi lâm râm đọc lời phát nguyện. Ta lại có thể phát nguyện mỗi khi làm được một việc thiện nào, bất luận lớn nhỏ v.v…

Trong nghi lễ phát nguyện, điều tuyệt đối cấm hẳn là không được đối trước đền tháp thờ thần thánh ma quỷ mà phát nguyện.

Trích Pháp Môn Tịnh Độ
HT. Thích Trí Thủ

Ung Thư Gan Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng Sanh

Ung Thư Gan Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng SanhKính bạch thầy!

Con được sống an lành đến hôm nay cũng chính vì nhờ biết niệm Phật. Nên khi được nghe quý thầy giảng những lời Phật dạy, con luôn ghi nhớ và hành trì theo. Nhờ thế trong lòng con rất an lạc. Con hoàn toàn tin tưởng vào sự nhiệm mầu của Phật pháp.

Trước đây, chồng con bị chứng ung thư gan di căn lên phổi, định sẽ chết trong vòng một tháng nữa. Vì mong cha có nơi nương tựa tâm linh, các con của con đã chọn nơi chùa Hoằng Pháp, dù rất xa xôi để xin được quy y. Khi ấy, còn hơn một tháng nữa mới tới khóa quy y nên chúng con xin thầy cho quy y ngoại khóa. Với tâm tư lúc nào cũng nghĩ đến chúng sinh, thầy đã chấp thuận.

Từ ngày quy y, nhờ hồng ân của đức Phật gia hộ và đức độ thầy dắt dìu, và cũng nhờ vào sức niệm hồng danh A-di-đà mà chứng ung thư của chồng con không hề gây đau nhức, vẫn có thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Hai ngày trước khi chết, chồng con vẫn vui vẻ, tỉnh táo nói rằng “Vài ngày nữa tôi sẽ ra đi. Bà ở lại gắng tu, niệm Phật và sống vui vẻ với con cháu”. Hai ngày sau, buổi sáng chồng con còn ăn hủ tiếu bình thường như mọi ngày, đến xế chiều ăn một chén cháo. Ăn xong, đi tắm rửa sạch sẽ và lên giường nằm nghỉ. Vì đã có lời trăng trối từ hai ngày trước nên con cháu đều về đủ. Các con đứng trang nghiêm chắp tay niệm Phật. Chồng con cũng niệm theo đến khi máy đo huyết áp chỉ còn 6, con của con hỏi: “Ba ơi! Có thấy Phật A-di-đà cầm bông sen về chưa ba?”. Chồng con nói “chưa”. Đến hơn hai giờ sáng hôm sau, mạch nhảy rồi ngưng, rồi nhảy lại. Con hỏi: “Ông ơi! Có thấy Phật A-di-đà cầm bông sen về tiếp dẫn chưa ông? Chồng con gật mạnh đầu và O tròn cái miệng nói “có”.

Thường người sắp chết thường mê man nhưng chồng con lại rất tỉnh táo. Trả lời xong thở nhẹ hai cái là nhắm mắt ra đi. Nhà có thờ Phật Quan Âm lộ thiên, khi con ra thắp hương thấy có chim sẻ từ đâu bay về. Lúc lịm trong quan tài có chim thật to đậu trên nóc nhà kêu thánh thoát. Cây mai ngay cửa sổ chồng con nằm chẳng biết ra hoa khi nào mà nở vàng rực, và lần lượt nguyên vườn mai cây nào cũng nở hoa. Cả xóm ai cũng bảo thật là lạ. Có sư cô ở Tịnh xá Ngọc Bát nghe tin đồn cũng cùng Phật tử vào thăm và cúng thất cho mỗi tuần.

Kính lạy thầy,

Giờ đây, trong lòng con tràn trề niềm an lạc vô biên, và một niềm tin vững chắc rằng chúng con sẽ về được thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà nếu biết tu tập tốt.

Phật tử Liên Nga