Xin Hãy Cứu Hành Tinh Chúng Ta

Xin Hãy Cứu Hành Tinh Chúng TaGiờ đã trễ, đã đến lúc quyết định. Khủng hoảng khí hậu hiện nay là tình trạng khẩn cấp của hành tinh. Chúng ta đang rất gần báo động đỏ, có thể một sớm mai thức dậy, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình không còn gì để cứu vãn nữa. Chúng ta đã đến mức khẩn cấp thực sự. Thông điệp phải rõ ràng: Thay đổi khí hậu phải được xếp chung với các mối đe dọa khác như sự xung đột, nghèo đói. Thay đổi khí hậu tạo những xung đột vốn chỉ có thể tăng thêm trong tương lai nếu chúng ta không hành động gấp rút. Thay đổi khí hậu có khả năng kết liễu toàn bộ nền văn minh hiện thời của chúng ta. Sẽ có những tai ương này đến những tai ương khác. Thay đổi khí hậu có nghĩa là thời tiết thảm khốc vô cùng, như cháy rừng và sự tàn phá, mực nước biển dân cao, giá thực phẩm leo thang, bệnh tật lan tràn. Nếu tương lai thế giới tùy thuộc vào bạn, thì bạn sẽ làm gì?

 

Chư Phật 10 Phương Do Niệm Phật Mà Chứng Đắc

Chư Phật 10 Phương Do Niệm Phật Mà Chứng ĐắcKinh Hoa Nghiêm nói trong thập địa Bồ Tát, địa nào cũng chẳng bỏ niệm Phật. Phẩm Ðại Giáo Duyên Khởi kinh này cũng bảo: ‘Quá khứ, vị lai, hiện tại, vị Phật đều nghĩ đến nhau’.

Kinh Quán Phật Tam Muội cũng chép: ‘Khi ấy, trong hội liền có mười phương các đại Bồ Tát số đến vô lượng, mỗi vị tự thuật bổn duyên ai ai cũng đều do Niệm Phật mà chứng đắc’ và: ‘Phật bảo A Nan: “Ông nay khéo trì cẩn thận chớ để quên mất. Quá khứ, hiện tại, vị lai tam thế chư Phật đều nói Niệm Phật tam muội như vậy. Ta và thập phương chư Phật và ngàn đức Phật trong Hiền kiếp từ lúc mới phát tâm đều do sức của Niệm Phật tam muội mà đắc Nhất Thiết Chủng Trí”. Vì vậy, Phật Di Ðà cũng như đức Thích Ca và mười phương Như Lai từ khi mới phát tâm đều do Niệm Phật tam muội mà chứng vô thượng Bồ Ðề cho nên ‘chỉ thích ức niệm chư Phật’.

‘Căn lành đã tu’ là công đức của chư Phật đã tu. Nghĩ nhớ Phật đức, cảm ân mưu toan báo đáp, mong được như các ngài v.v.. đấy gọi là ‘nhớ Phật’. Trong các thiện căn của Phật, niệm Phật là tối thắng, nay muốn được như các ngài thì cũng phải nên trì danh niệm Phật. Danh hiệu Phật có đủ vạn đức, bao trùm hết thảy thiện căn nên nếu niệm Phật nhuần nhuyễn thì thật là khéo phù hợp với việc ‘nhớ nghĩ công đức của Phật’.

Trích lục
Chú Giải Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác
Vận Thành Hạ Liên Cư hội tập
Hoàng Niệm Tổ chú giải
Như Hòa dịch Việt

Cách Thức Để Được Sinh Ra Ở Cực Lạc

Cách Thức Để Được Sinh Ra Ở Cực LạcCách thức để được sinh ra ở Dewachen (Cực Lạc) là lập một niềm tin và ước nguyện mạnh mẽ đối với cõi Tịnh Độ, và khát khao được sinh ra ở đó. Khi bạn sinh ở cõi đó, bạn không sinh bằng một tiến trình bình thường. Trong thế giới của ta, hết thảy chúng ta đều tới đó trong sự khổ nhọc và làm việc trong sự buồn phiền. Ở nơi đây sự sinh ra là một tiến trình đau đớn.

Ở Cõi Dewachen, bạn không sanh ra nhờ một thai tạng, mà đúng hơn bạn được sinh một cách kỳ diệu trong nhụy một hoa sen nở. Nếu bạn cầu nguyện với sự nhất tâm và niềm tin nhiệt thành mãnh liệt được sinh ra ở đó thì bạn sẽ được như ý. Nếu bạn nuôi dưỡng bất kỳ mối nghi ngờ nào thì bạn vẫn được sinh ở đó nhưng sẽ sinh trong một bông sen chưa nở. Bạn được tắm trong ánh sáng chói ngời của Đức Phật nhưng bạn không thể nhận ra mọi phẩm tính của cõi Tịnh Độ và không thể tùy ý du hành đây đó. Bạn ở trong một bông sen khép miệng cho tới khi những vết tích sau cùng của sự hoài nghi và tiêu cực bị tẩy trừ. Khi ấy bông sen sẽ nở ra. Nếu bạn không có chút nghi ngờ nào thì bạn được sinh trong một bông sen nở. Điều này gắn liền với loại nguyện ươc được tái sinh trong Cõi Tịnh Độ mà bạn đã lập nên vào lúc chết. Hãy lưu giữ trong tâm sự phân biệt hết sức quan trọng này giữa hai loại sinh ra khác nhau trong cõi Tịnh Độ. Điều tối quan trọng là phải lập nguyện ước đúng đắn được tái sinh vào lúc chết. Hãy làm điều này một cách mạnh mẽ không chút nghi ngờ.

Nếu bạn cho phép sự hoài nghi đi vào tâm bạn thì bạn sẽ sinh trong một bông sen khép miệng. Nếu vào lúc chết bạn lập nguyện ước mạnh mẽ này thì khi ấy, không phải trải nghiệm bất kỳ điều gì, bạn được sinh trong nhụy một bông sen nở trước sự hiện diện của Đức Phật Vô Lượng Quang A Di Đà. Một trong những phẩm tính kỳ diệu của việc được tái sinh trong Cõi Cực Lạc là nếu bạn từng đọc những quyển sách mỏng về việc du hành tới những cõi Tịnh Độ khác thì bạn có thể đi tới đó lập tức ngay khi ước muốn điều đó. Bạn có thể di chuyển một cách thần diệu tới bất kỳ cõi Tịnh Độ nào khác chỉ bằng cách lập nguyện tới nơi đó. Từ thế giới này, bạn không thể tức thì đi tới cõi Tịnh Độ khác, nhưng từ cõi Tịnh Độ Cực Lạc thì bạn có thể. Bạn có passport, visa, và mọi loại vé cần thiết để đi tới mọi Tịnh Độ của bất kỳ Đức Phật nào, ở mọi phương và bất cứ khi nào bạn muốn.

Khi bạn sinh trong một hoa sen nở, bạn vẫn chưa viên mãn. Bạn đã tẩy trừ khỏi dòng tâm thức của bạn mọi điều tiêu cực, mặc dù bạn chưa là Phật nhưng bạn được sinh trong một hình thức có nhiều phẩm tính tích cực giống như những phẩm tính của một vị Phật. Bạn được sinh ra với một thân sắc vàng rực rỡ. Bạn có những năng lực siêu nhiên và siêu giác. Bạn được thụ hưởng năm loại năng lực siêu giác. Phẩm tính khác mà bạn có như một hài nhi là mọi vật bạn cần để cúng dường chư Phật mà hiện nay bạn nhận thức bằng đôi mắt vật lý của bạn thì ở cõi Tịnh Độ, chúng sẽ tự động hiển lộ trong đôi bàn tay bạn. Bằng cách ấy bạn có thể dễ dàng tích tập công đức và hoàn thiện nó để tích tập trí tuệ. Hơn nữa, cuối cùng thì sự tích tập công đức và trí tuệ đưa tới Phật Quả sẽ xảy ra rất nhanh chóng trong Cõi Tịnh Độ Cực Lạc.

Trái nghịch với những cõi Tịnh Độ khác, trong cõi Dewachen (Cực Lạc) tiến trình tích tập công đức và trí tuệ rất nhanh chóng. Chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói: “Do đó việc cầu xin được tái sinh ở cõi Dewachen tích tập công đức nhiều như thể con cúng dường bảy loại ngọc quý và những châu báu khác đầy tràn ba ngàn thế giới (được đề cập trước đây).” Nói chung, chúng ta có thể nói rằng bất kỳ chúng sinh nào nghe danh hiệu của Đức Phật A Di Đà (phù hợp với những Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà) lập nguyện tái sinh trong cõi Dewachen và dấn mình vào thực hành đó đều có thể được tái sinh trong cõi Dewachen. Những người từng tích tập sự tiêu cực của năm trọng tội thì khó đạt được điều đó. Mặc dù thế, ngay cả đối với những người tội lỗi nặng nề như thế, nếu họ thực hành mãnh liệt thì họ vẫn có thể được tái sinh trong cõi Dewachen.

Tóm lại, về những giáo lý của Đức Phật A Di Đà và Cõi Tịnh Độ Cực Lạc thì thực hành này rất phổ biến trong tất cả những quốc gia theo Phật Giáo Đại thừa. Tại sao thế? Đó là bởi tính chất của những lời nguyện của Đức Phật A Di Đà. Thực hành Đức Phật A Di Đà và Cõi Tịnh Độ thích hợp với những người bình thường và ai cũng có thể thực hành. Bạn không phải là một đại nhân cao quý đã từ bỏ mọi ác hạnh. Bạn không phải là một hành giả tuyệt vời. Tùy thuộc vào năng lực những lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, bạn có thể dấn mình vào thực hành này. Đây là một thực hành Kinh thừa. Do đó, nó là Pháp môn mọi người có thể thực hành. Nó rất dân chủ và được dành cho tất cả mọi người.

Đức Phật A Di Đà & Cõi Tịnh Độ Cực Lạc
DRIKUNG KYABGON CHETSANG RINPOCHE

Không Phát Tâm Bồ Đề Không Vãng Sanh

Không Phát Tâm Bồ Đề Không Vãng SanhNiệm Phật mà không phát lòng Bồ Đề, thì không tương ứng với bổn nguyện của Đức A Di Đà Phật, tất khó được vãng sanh, thành tựu sở nguyện. Lòng Bồ Đề là tâm lợi mình, lợi người, trên cầu thành quả Phật, dưới nguyện độ chúng sanh “thượng cầu hạ hoá”, tế khổ quần mê.

Tuy phát lòng Bồ Đề mà không chuyên trì niệm Phật, không thành nhất phiến, thì không được vãng sanh. Nên các liên hữu cần phải lấy sự phát lòng Bồ Đề làm chánh nhân, niệm danh hiệu Phật làm trợ duyên, rồi sau mới cầu sanh Tịnh Độ. Người tu tịnh nghiệp (tu pháp niệm Phật) cần phải hiểu biết điều nầy thật sâu rộng, cần thiết phải vừa tu niệm vừa nghiên cứu nghiêm tầm giáo lý pháp môn tu càng thêm hiệu quả.

Trong đời mạt pháp, người phát tâm tu niệm Phật, vẫn có nghiệp trần dấy động, ma sự nhiễu dương, nguyên do bởi ba nguyên nhân : không rõ giáo lý, ít học kinh điển, nhất là pháp môn tu; không nhất tâm tìm cầu, phát tâm tu cho lấy lệ, để được ca tụng tán thán là Đại Sư Tịnh Độ, chỉ nghiên cứu xem chừng năm ba câu pháp, vội cho là người tu của pháp môn niệm Phật, do ngã mạn, nên không gặp thầy lành bạn sáng; thiếu tự tin, xem lại những hành động không tốt của mình, hay thích nói lỗi người, khoe khoang điều tốt của mình, hay chê Tông phái nầy khen Tông phái nọ, rốt cuộc mình không tu được ở đâu, ai nói hay cũng được, nói quấy cũng xong; họ có tu hành gì đâu mà nói hay nói quấy, biết gì mà nhận định, cuộc đời tu của họ không lúc nào tự soi xét lại chính mình, xem mình đã làm được gì, tu được gì, làm được gì cho Thầy Tổ, cho pháp môn, cho Phật pháp?

Với ba điều trên, sự tự xét chỗ sai lầm của chính mình là điều mà người liên hữu Tịnh Độ rất cần thiết trong lúc thực tập, hành pháp. Đại để muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, không phải dùng chút phước lành, chút công đức lơ là là được; muốn thoát sự khổ sống chếtn luân hồi trong muôn vạn kiếp, không phải dùng tâm dần dà, hẹn hò, hứ khả, rồi lo rong chơi du hý, không lo tự cảnh tỉnh, trở về với cuộc sống hiện thực để có cơ hội tìm cầu giải thoát, vãng sanh Tây phương theo sở nguyện ban đầu! Họ đâu rõ chiếc bóng vô thường cô liu lặng lẽ, mới sớm mai thấy đó, rồi hoàng hôn phủ mất đó, đâu nên không siêng năng lo dự phòng giữ tịnh tâm gìn chánh niệm trước ư?

Còn e sức chí nguyện không thắng nổi sức tình ái trong tam giới buộc ràng. Lúc bấy giờ tâm niệm Phật không hơn nổi tâm dục trần, như những kẻ niệm Phật, tu nhơn hạnh kém, lơ là biếng trể, nữa tin nữa nghi ngờ pháp Phật, thì ta cũng đành không biết làm sao vậy.

Đại Sư có bài kệ khuyến tấn :
Nam Mô A Di Đà,
Người nào không biết niệm?
Tuy niệm, chẳng tương ưng
Mẹ con khó hội kiến
Khi đi đứng ngồi nằm
Đem tâm nầy thúc liễm
Mỗi niệm nối tiếp nhau
Niệm lâu thành nhứt phiến
Như thế, niệm Di Đà
Di Đà tự nhiên hiện
Quyết định sanh Tây phương
Trọn đời không thối chuyển

Niệm Phật cần phải có niềm tin sâu nguyện thiết, như Đại Sư Tĩnh Am từng khuyến tấn : đi đứng nằm ngồi luôn gìn chánh niệm, hoặc kiết thất thực tập thúc liễm thân tâm, hoặc kinh hành vào đại định, lực Phật gia trì thành nhứt phiến, như kim cang bền chắc, một đời không thối chuyển, niềm tin yêu pháp môn, lục độ vạn hạnh ảnh hiện, lợi ích khắp mười phương, chúng sanh nương nhờ oai đức, làm bạn thánh hiền, dự hội hải chúng liên trì nơi thế giới Tây phương mầu nhiệm.

Tĩnh Am Đại Sư khai thị

Phải Giải Thoát Nơi Đời Hiện Tại Này Mà Thôi

Phải Giải Thoát Nơi Đời Hiện Tại Này Mà ThôiCảnh Ta-bà thời ngắn khổ,
Cõi trời vui sướng nhưng không bền,
Miền Cực lạc thuần vui lại bất thối,
Thế nên Cực lạc quyết được về!

Người mới học đạo, nhẫn lực chưa thuần nên phải mượn tịnh duyên để giúp phần tinh tiến. Bởi ở cõi Ta-bà Phật Thích-ca đã nhập diệt, Ðức Di-lặc chưa giáng sanh; miền Cực lạc thì đấng Từ phụ A-di-đà hiện đương thuyết pháp. Với đức Quán Âm, Thế Chí và vô số bậc thượng thiện nhân đều là bạn tốt.

Ở Ta-bà các loài ma nổi dậy, làm não loạn người tu; trái lại, nơi cõi Cực lạc trong ánh đại quang minh đâu còn ma sự! Ở Ta-bà dễ bị tiếng tà quấy loạn, sắc đẹp mê tâm; miền Cực lạc thì chim nước rừng cây đều tuyên diệu pháp, chánh báo thanh tịnh, đâu có nữ nhân! Thế thì duyên tu hành thuận tiện đầy đủ không đâu hơn cõi Tây phương.

Sự vui ở Cực lạc mầu nhiệm không cùng, đâu phải chỉ như cảnh chùa thanh tịnh. Vì vậy, xuất gia là tốt mà không chịu cầu vãng sanh, đó là điều lầm thứ nhất.

Nguyện tham phỏng bậc tri thức mà không muốn thấy Phật, là điều lầm thứ hai.

Muốn gần gũi chùa lớn mà không mến hải chúng thanh tịnh ở Tây phương là điều lầm thứ ba.

Người ở Tây phương thọ mạng không lường, một khi gởi chất nơi hoa sen thì không còn sự khổ sanh già bệnh chết. Ở nơi đây tu hành tiếp tục mãi cho đến khi chứng quả Bồ-đề. Cam chịu luân chuyển ở cảnh Ta-bà ngắn khổ, mà quên miền Cực lạc trường xuân, đó là điều lầm thứ tư.

Thế nên những người chẳng tin lời Phật, khinh rẻ sự cầu sanh Tịnh độ há chẳng phải là mê lầm ư? Than ôi! Người không biết lo xa ắt có sự buồn gần, một khi mất thân này muôn kiếp đành ôm hận, chừng ấy hối sao cho kịp!

Vĩnh Gia Thiền sư nói: Người tu phước sanh lên cõi trời sẽ chiêu vời quả khổ ở tương lai, như bắn mũi tên lên hư không, khi sức đã mãn tên lại rơi xuống đất.

Trong kinh có lời: Chư Thiên cõi Dục vì cảnh ngũ dục quá thắng diệu dồi dào làm cho say mê, lại không có sự thống khổ làm cho thức tỉnh, nên khó phát tâm chịu nhọc, chịu khổ mà tu hành đạo hạnh. Vì hưởng phước vui mãi mà không tu, tất có ngày hết phước phải sa đạo. Còn chư Thiên trong cõi Sắc và Vô sắc lại vì mãi an trụ trong cảnh giới thiền định, khó tấn tu đạo giải thoát. Lúc sức thiền định đã mãn, vẫn y nhiên trở lại luân hồi.

Do đó, sanh lên cõi trời thời không bảo đảm giải thoát.

Người tu phước sanh trở lại cõi người, dầu cho thân người đời sau của ta do căn lành mà ở ngoài những chướng nạn (tàn tật, ngoại đạo, tà giáo, không gặp Phật, không nghe đặng pháp, v.v…) nhưng theo lời Phật, Phật pháp càng ngày càng đi sâu vào thời mạt, bậc minh sư, thiện hữu chân chánh tu hành có đạo đức tất là khó có, khó gặp. Thầy bạn giải thoát đã không, ai là người dẫn đường cho ta đắc đạo. Lại đương nhằm kiếp giảm, tuổi thọ con người càng lúc càng bớt lần, đời sau tu học chưa được gì rồi kế chết, đời thứ ba, thứ tư sẽ ra thế nào? Ta sẽ đi vào đâu?

Lại nữa, Phật đã nói: “Chúng sanh được thân người như đất dính móng tay, còn sa vào ác đạo như đất toàn cõi đại địa”. Sau khi bỏ thân này, ta dám cả quyết là không đi xuống ư?

Thế là dầu được sanh làm người trở lại cũng không thể bảo đảm là sẽ giải thoát.

Lại còn e rằng một bước trật chân chắc chắn là lăn xuống đến hố sâu. Ðây là điều đáng lo sợ cho đời sau mãi mãi phải bị trầm luân.

Vậy chúng ta phải quyết tâm tấn tu để kịp lo sao cho được giải thoát, và phải giải thoát nơi đời hiện tại này mà thôi.

Sự lợi ích hiện thế về pháp môn niệm Phật
Hòa Thượng Hồng Đạo