Niệm Phật Như Pháp

Niệm Phật Như PhápĐã tu tịnh nghiệp (niệm Phật Pháp môn), phải giữ luân thường đạo lý, làm hết bổn phận với đạo với đời, dứt niệm tà, giữ lòng thành kính, trừ bỏ các điều ác, năng làm những việc lành, đừng giết hại gắng ăn chay, thương tiếc hộ trì mạng sống loài vật cũng là ý tưởng cao đẹp mang lại sự sống an lạc cho loài người, một lòng tin tưởng phát nguyện niêm Phật cầu vãng sanh Tây phương. Bên trong phải vì ông bà, cha mẹ, anh em, chị em, bên ngoài vì thân thích, bạn bè hàng xóm láng giềng, bá gia bá tánh, nhân vương làng nước, đem pháp môn niệm Phật Tịnh Độ này mà phụng hành và sách tấn, hướng dẫn chẳng luận người có tin tưởng hay không tin tưởng, chỉ hết sức mình khiến cho mọi người biết pháp môn mầu nhiệm này và thực hành đúng pháp mà thôi.

Người niệm Phật, nếu tấm lòng chân thiết, tự có thể nhờ từ lực của Phật, khiến cho khỏi tai nạn đau binh nước lửa. Dù có bị ức nghiệp sâu dày, hoặc trường hợp chuyển quả nặng địa ngục thành ra quả báo nhẹ nay mà ngẫu nhiên bị tai nạn ấy. Nếu lúc bình nhựt có lòng tín nguyện chơn thiết, quyết định lúc bấy giờ sẽ được nhờ Phật lực phóng quang tiếp dẫn.

Đã tín sâu, nguyện thiết, phải tu chánh hạnh niệm Phật, Sự tu trì đây tùy theo thân phận, hoàn cảnh, môi trường sống của mình mà lập, không nên chấp và cố định theo một phương thức nào như người không việc chi hệ lụy. Nên từ sớm mai tới buổi chiều, rồi chiều lại đến mai, lúc nào đi đứng, nằm ngồi, nói năng hoạc không nói chuyện phào…khi ăn cơm mặc áo cùng đại tiểu tiện, tất cả thời, thất cả chỗ, nhất nhất cử động đều giữ chính niệm một câu hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” không rời tâm niệm. Nếu khi thân mình sạch sẽ, y phục chỉnh tề, chỗ ở tinh khiết, thì niệm thầm hay niệm ra tiếng thì được. Nhưng lúc ngủ, nghỉ lõa lồ tắm gội, đại tiểu tiện hoặc ở chỗ không sạch, chỉ được niệm thầm niệm không ra tiếng, niệm thầm công đức phước huệ vẫn đồng, nếu niệm ra tiếng thì có lỗi không cung kính. Chớ cho rằng lúc ấy không nên niệm, chỉ e niệm Phật không được mà thôi. Lại khi nằm nếu niệm ra tiếng, chẳng những không cung kính mà còn bị tổn hơi, chư liên hữu phải biết điều này.

Muốn cho tâm không luyến tiếc việc ngoài, chuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật, được quý nhứt, cũng không có phương pháp chi kỳ lạ, chỉ đừng quên việc sinh tử rình rập bên mình, thời điểm không biết xảy ra tự lúc nào. Phải nghĩ rằng: Ta từ trước tới nay tạo ra vô lượng vô biên nghiệp ác, như trong kinh nói: “Giả sử như nghiệp ác kia có hình tướng thì khắp mười phương hư không cũng chẳng dung chứa duyên đâu may mắn, nay được thân người được nghe Phật pháp. Nếu không một lòng chuyên niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương. Khi cái chết đến thình lình, chắc chắn phải bị đọa vào ác đạo,. Chừng ấy nếu đọa vào địa ngục thì bị non đao, rừng kiếm, lò lửa, vạc dầu, một ngày đêm sống chết đến vạn lần, sự khổ cùng cực không thể diễn tả. Nếu đọa vào ngạ quỷ thì thân hình bị xấu xa, bụng lớn như cái trống, cổ họng nhỏ như cây kim, thấy cơm nước thì những vật ấy hóa thành than lửa, chịu đói khát lăn lóc, khóc la thảm thiết trong vô lượng kiếp. Nếu đọa vào súc sanh, thì hoặc bị chở kéo nặng nề, hoặc bị người giết ăn thịt, hoặc bị người mạnh ăn nuốt người yếu thật kinh khủng chẳng lúc nào yên nghỉ, Chịu khổ như thế có khi vô lượng chư Phật ra đời mà vẫn còn xoay dần trong ác đạo, không được thoát ly. Nghĩ đến thân người mong manh, cái chết bất kỳ lúc nào cũng rình rập, nghĩ mình đời trước đời này đã tạo ra vô lượng nghiệp ác, nghĩ đến sự khổ tam đồ mà tĩnh ngộ sợ hãi, tất không còn ham luyến cảnh ảo huyền mộng du bên ngoài, công trình niệm Phật được chuyên nhứt.

Khi niệm Phật cần phải chí thành, hoặc có lúc trong tâm khởi ra bi cảm, đó là tướng căn lành phát hiện. Nhưng phải đề phòng đừng nên thường thường như thế, chẳng vậy thì bị loài ma bi thương nhập vào phàm gặp việc chi vừa ý cũng đừng quá vui mừng, vui mừng quá tất bị loài ma hoan hỉ ám nhập.

Khi niệm Phật, mí mắt nên sụp xuống một phần ba đôi mắt, nếu mở lớn thì tán loạn, nhắm mắt thì hôn trần ngủ gục, đừng nên quá dùng tinh thần, nếu dùng tinh thần quá hỏa khí sẽ bốc lên, làm cho nhức đầu choáng váng, hoặc mang các chứng bệnh : lên máu, đầu tê rần ngứa nhức, máu bầm tụ trên đỉnh đầu. Vậy phải điều hòa cho có chừng mực, vừa phải. Nếu thấy đầu óc nặng nề nóng bừng, bần thần dã dượi, phải trấn định tinh thần, lắng nghe, lắng tâm mà niệm Phật, hoặc chú tưởng nơi lòng bàn chân, thì hỏa khí sẽ hạ xuống.
Bịnh cùng ma phá, đều do túc nghiệp gây ra. Người nên chí thành khẩn thiết niệm Phật, thì bệnh tự an lành, ma tự xa lánh. Nếu lòng không thành khẩn mà còn khởi niệm tà dâm bất chánh, thì tâm người toàn thể đã sa vào nơi tối tăm, làm sao khỏi chiêu cảm loài ma đến khuấy rối.

Từ nay sau mỗi thời khóa tịnh niệm, người ta nên hồi hướng cầu nguyện cho oan gia, oan trái đời trước, khiến cho bọn kia nhờ công đức niệm Nam Mô A Di Đà Phật của người mà được giải thoát khổ, sanh về cõi lành.
Người niệm Phật nếu dụng công siêng năng tinh tấn, thì niệm sẽ thuần thuc quy nhứt, được cảm thông với Phật, tự có thể thấy cảnh lành, dù không thấy cũng không ngại. Nếu bỏ sự chuyên dụng công tu, công phu mà vội vàng gấp muốn được nhất tâm, được tương ứng, được thấy cảnh lành, thì vọng tưởng rối ren, tâm niệm cấu mong cố kết nơi lòng. Đây là chứng bệnh lớn lao nguy hiểm của người tu hành. Như thế lâu ngày, những oan gia đời trước nương theo vọng tưởng của hành nhơn, hóa làm thân Phật, hoa sen hoăc các cảnh tốt lạ, để mong báo oán. Lúc ấy tự mình đã không có chính kiến, toàn thể là khí phần của ma. Một khi thấy cảnh ấy tất sanh lòng hoan hỉ, ma nương theo đây mà vào tâm phủ làm cho hành nhơn, điên cuồng. Dù có Phật sống cũng không cứu được.

Người tu pháp môn niệm Phật không phải chỉ tu theo sự tuớng bên ngoài. mà con phải để ý trừ phiền não từ thô đến tế, từ trong đến ngoài và từ bên ngoài vào trong. Nếu phiền não bớt một phần thì công tu niệm Phật tăng thêm một phần, trái lại để phiền não tăng, tất công hạnh phải lui dần, làm cho đời tu tránh nghiệp phan duyên lôi kéo vào hố thẳm phiền não, rốt rồi tu không ra tu, đời không ra đời, uổng phí sanh kiếp làm người vô tích sự.

Khi người niệm Phật, trong tâm hôn muội, không phải do nơi sức yếu mà chính là nghiệp chướng xui nên. Vậy nên phải khẩn thiết chí thành mà niệm, nếu niệm không ra câu, thì tâm thường tưởng nhớ Phật, khi nào niệm được thì dùng miệng mà niệm, như thế lâu ngày nghiệp sẽ tiêu trừ. Từ khi bước vào đường tu, phải cẩn trọng đề ý đến tâm niệm hành vi, cử chỉ luôn phải giữ cho hiền hòa, thuần hậu, đối đãi với người như nước mát thanh lương, mới đủ duyên lành dự tăng luân nhập pháp lưu, Nếu chẳng được như vậy, lại huân tập thêm tánh gian tham, xảo quyệt, khắc kỷ hiểm độc, thì cũng như chót núi đá trơ vơ, mưa bao nhiêu cũng không đọng lại chút nào, dù loại cây cỏ chi cũng không sanh trưởng nỗi.

Giữ niệm một câu A Di Đà nhặt nhiệm nối nhau, thường nhớ, thường niệm. Khi những tâm tham lam bỏn sẻn hờn giận dâm dục, háo thắng kiêu mạn thoạt nổi lên, phải suy niệm : “Ta là người tu pháp niệm Phật, cầu học đạo giải thoát, không nên có tâm niệm như vậy” Nghĩ rồi liền trừ diệt đi. Như thế lâu lâu, những niệm lao thần tổn thân đều không do đâu mà khởi, sẽ được công đức không thể nghĩ bàn của Phật lực gia trì nơi thân tâm mình, dám đảm bảo trong mười ngày sẽ thấy đại hiệu, Nếu tu hành lôi thôi muốn được công hiệu. đó là khi mình, khi người, tuy cũng có công đức, nhưng muốn do đó mà lành bệnh, thì quyết không thể được.
Người tu tịnh nghiệp (tu niệm Phật) phàm việc chi cũng phải lấy lòng thành làm gốc, tu hành nếu không dùng tâm chí thành, làm sao được sự lợi ích lành bệnh dứt khổ?

Người tu tịnh nghiệp (tu niệm Phật) nếu có mảy may công đức lành đều đem hồi hướng vãng sanh. Như thế thì tất cả hành môn đều là trợ hạnh của Tịnh Độ. Lại phải phát lòng bồ đề, thề nguyện độ muôn loài, đem công đức mình tu hồi hướng cho bốn ân ba cõi cùng chúng sanh trong pháp giới. Làm như thế như đèn thêm dầu, như mạ được mưa, đã kết pháp duyên sâu cùng pháp giới chúng sanh, lại mau thành tựu thắng hạnh đại thừa của mình, Nếu chẳng hiểu nghĩa này, tất thành ra thấy chỗ cạn hẹp tư lợi của hàng phàm phu, nhị thừa tuy tu hạnh mầu căn quả rất thấp kém.

Người tu tịnh nghiệp (pháp môn niệm Phật) nên ăn chay trường, nếu chưa được như thế, thì giữ thập trai, lục trai, tứ trai, ít nhất là nhị trai để lần bỏ hẳn việc ăn uống các thứ thịt của chúng sanh, mới là hợp lý. Nhị trai là các ngày rằm (15 âl), mùng một; tứ trai là các ngày ba mươi (nếu tháng thiếu là hai mươi chín) mùng một, mười bốn, rằm (15 âl), lục trai là các ngày mùng tám, mười bốn, rằm (15 âl) hai mươi ba, hai mươi chín và ba mươi (nếu tháng thiếu là hai mươi tám, hai mươi chín) nếu thêm vào các ngày mùng một, mười tám, hai mươi bốn, hai mươi tám thì thành ngày thập trai. Những tháng thiếu nên ăn trước một ngày. Lại tháng giêng, tháng năm, tháng chín là ba trai ngoạt, nên ăn chay trường và làm các việc công đức. Dù chưa ăn chay được cũng nên mua thịt cá đã làm sẵn, chớ làm việc sát sinh trong nhà, những người đã quy y Tam Bảo rồi mà vẫn còn ăn mặn, nên tập lần không giết hại mạng, cướp mạng chúng sanh thượng cầm, hạ thú, loài thủy tộc nữa. Nếu mỗi ngày sát sinh thì cái nhà ấy trở thành lò sát sinh, là chỗ của oan hồn yểu tử tụ hội, không được an lành. Cho nên sát sanh trong nhà là đều rất cấm kỵ.

Người tu tịnh nghiệp (pháp môn niệm Phật) khuyên cha mẹ niệm Phật cầu sanh Tây phương, Muốn cho cha mẹ khi lâm chung quyết định được vãng sanh, thì phải dặn trước người quyến thuộc về cách trợ niệm và chớ nên khóc lóc cùng bày vẽ những điều mê tín dị đoan vô ích. Lại lúc sinh thời phải vì cha mẹ giảng rõ sự lợi ích của Pháp môn niệm Phật khiến cho song thân thường niệm không quên. Thế thì cha mẹ chẳng những được lợi ích, mà quyến thuộc hiện tại hoặc con cháu đời sau cũng được ảnh hưởng giải thoát an lành. Về phương pháp trợ niệm khi lâm chung, không luận già trẻ đều phải làm đúng như thế.

Đối với những nữ sĩ tu pháp môn niệm Phật, hoặc không tu có gia đình, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đến bảo sanh viện không kịp thời, khi sắp sanh thường đau khổ không kham. Có khi vài ngày sanh không được, hoặc chết vì khó sanh. Có người tuy sanh được hưng lại bị huyết băng và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Đứa con sinh ra thì bị các chứng, nạn kinh phong…cho nên người nữ lúc sinh sản, nên chí thành khẩn thiết niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Khi niệm cần phải to tiếng, không nên niệm thầm, vì niệm thầm do lực kém, nên sức cảm ứng cũng kém. Lại trong lúc ấy sản phụ đang dùng sức sanh đứa bé, nếu niệm thầm thì bị ép nín hơi phải mang bệnh khác (Lời dạy của Đại Sư rất có khoa học). Nếu chí thành khẩn thiết mà niệm quyết không có sự đau đớn, khó sanh, huyết băng, đứa con sẽ khỏi bệnh kinh phong và các chứng nguy hiểm khác. Dù gặp trường hợp khó sanh, có nguy hiểm đến tánh mạng, sản phụ cùng những bà hộ sanh, cũng phải đồng to tiếng niệm Quán Thế Âm Bồ tát. Người quyến thuộc tuy ở nơi khác, đều phải vì sản phụ liền được yên ổn mà sanh. Kẻ ngoại đạo không rõ lý này, chấp chặc một việc cung kính, chẳng biết căn cứ theo sự mà luận lý, khiến cho mấy bà lão niệm Phật xem việc sanh sản là việc đáng sợ, cho đến dâu con của mình sanh cũng không dám qua săn sóc, huống chi là vì niệm Quan Âm? Nếu biết Bồ tát lấy sự cứu khổ làm lòng, lúc sanh sản tuy lõa lồ không sạch, nhưng dó là việc dĩ nhiên không phải tự ý buông lung, nên niệm đã không có tội lỗi, mà lại khiến cho sản phụ gieo trồng căn lành. Nghĩa này trong kinh Dược Sư đã có nói, không phải tự tôi đưa ra điều ức kiến riêng tư. Ấn Quang này chỉ là người đề xướng mà thôi.

Người nữ từ mười hai, mười ba tuổi đến bốn mươi tám, bốn mươi chín tuổi đều có kinh nguyệt. Có người bảo : Trong lúc kinh nguyệt, chẳng nên lễ bái trì tụng. Lời này rất không hợp tình lý. Thời kỳ có kinh, mau thì hai ba ngày, lâu đến sáu bảy ngày mới dứt, Người nữ tu trì cần phải niệm Phật không xen bỏ, đâu nên vì một chút bệnh nhỏ thiên nhiên mà bỏ lãng thời tu niệm? Khi có nguyệt kỳ chỉ nên lễ bái ít – Lễ bái ít chớ chẳng phải tuyệt nhiên không lạy, Còn sự tụng niệm kinh Phật đều chiếu theo lệ thường. Nên thường thay giặt quần áo, phải rửa tay cho sạch sẽ, đừng dùng tay dơ mà lần chuỗi, lật kinh và đốt hương. Trong Phật pháp đều viên thông, hàng ngoại đạo chỉ chấp một bên lý, người đời phần nhiều ưa tin ngoại đạo và tà kiến nên không được thấm nhuần lợi pháp (An Quang Đại Sư). Tổn hại chúng sanh vô cùng. lại còn phân biệt nam chướng ít, nữ nhân nghiệp chướng dẫy đầy, suy niệm ngược lại với giáo pháp từ bi bình đẳng của Phật.

Đại Sư Ấn Quang là bậc đạo sư đương thời Dân Quốc, công hạnh của Ngài vang lừng khăp Quốc gia Phật Giáo Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Tăng Ni Phật Tử Việt Nam tuy ở xa xôi ngàn dặm song rất cảm kích về đạo đức, trí tuệ của đạo sư , Đai sư nói giảng, viết sách Tịnh Độ xương minh Tịnh Độ làm hữu dụng cho Tăng Tục, nam nữ, trẻ già trong đạo, ngoài đời đều được nương từ lực của Đai Sư mà tu hành đạt thành chánh quả. Trong các trường Phật Học Việt Nam, tại Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão, tông môn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng., nhất là Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác, lúc nào cũng tán thán công hạnh lành từ bi quãng đại, xương minh lời Pháp, tư tưởng tu hành phóng khoáng, yếu chỉ, quy cách tu hành của đại sư đến với đại chúng liên hữu hậu tấn của tông phong, Thật hy hữu thay, một bậc tu hành đắc đạo thời cận đại.

Lời dạy của Ấn Quang đại sư

Niệm Phật Không Khen Chê

Niệm Phật Không Khen ChêĐiều kiện niệm Phật:

Niệm Phật mà không phát lòng Bồ Đề, thì không tương ứng với bổn nguyện của Đức A Di Đà Phật, tất khó được vãng sanh, thành tựu sở nguyện. Lòng Bồ Đề là tâm lợi mình, lợi người, trên cầu thành quả Phật, dưới nguyện độ chúng sanh “thượng cầu hạ hoá”, tế khổ quần mê. Tuy phát lòng Bồ Đề mà không chuyên trì niệm Phật, không thành nhất phiến, thì không được vãng sanh. Nên các liên hữu cần phải lấy sự phát lòng Bồ Đề làm chánh nhân, niệm danh hiệu Phật làm trợ duyên, rồi sau mới cầu sanh Tịnh Độ. Người tu tịnh nghiệp (tu pháp niệm Phật) cần phải hiểu biết điều nầy thật sâu rộng, cần thiết phải vừa tu niệm vừa nghiên cứu nghiêm tầm giáo lý pháp môn tu càng thêm hiệu quả.

Hành trang để phát tâm tu niệm Phật:

Một chữ nguyện bao gồm cả tín và hạnh. Tín là tin; tự tha, nhân, quả, sự, lý không hư dối (Tín tự là tin tất cả do tâm tạo. Mình niệm Phật sẽ được tiếp dẫn. Tín tha: tin Phật Thích Ca không nói dối, Phật A Di Đà không nguyện suông. Tin nhân: khi niệm Phật là nhân vãng sanh, giải thoát. Tin quả: tin sự vãng sanh thành Phật là kết quả. Tin sự: tin cảnh giới Tây Phương, tất cả sự tướng đều có thật. Tin lý: tin lý tánh duy tâm, bao trùm Phật độ. Mỗi điều trên đây đều xác thật nên gọi là không hư dối).

Hạnh là chuyên trì danh hiệu không xen tạp, không tán loạn. Nguyện là mỗi tâm ưa thích, mỗi niệm mong cầu. Trong ba điều kiện nầy, người tu tịnh nghiệp (tu pháp niệm Phật) cần phải đủ, không thể thiếu một, mà nguyện là điểm cần yếu. Có thể có tin, hạnh mà không nguyện, chưa từng có nguyện, mà không tin, hạnh.

Trong đời mạt pháp, người phát tâm tu niệm Phật, vẫn có nghiệp trần dấy động, ma sự nhiễu dương, nguyên do bởi ba nguyên nhân : không rõ giáo lý, ít học kinh điển, nhất là pháp môn tu; không nhất tâm tìm cầu, phát tâm tu cho lấy lệ, để được ca tụng tán thán là Đại Sư Tịnh Độ, chỉ nghiên cứu xem chừng năm ba câu pháp, vội cho là người tu của pháp môn niệm Phật, do ngã mạn, nên không gặp thầy lành bạn sáng; thiếu tự tin, xem lại những hành động không tốt của mình, hay thích nói lỗi người, khoe khoang điều tốt của mình, hay chê Tông phái nầy khen Tông phái nọ, rốt cuộc mình không tu được ở đâu, ai nói hay cũng được, nói quấy cũng xong; họ có tu hành gì đâu mà nói hay nói quấy, biết gì mà nhận định, cuộc đời tu của họ không lúc nào tự soi xét lại chính mình, xem mình đã làm được gì, tu được gì, làm được gì cho Thầy Tổ, cho pháp môn, cho Phật pháp?

Với ba điều trên, sự tự xét chỗ sai lầm của chính mình là điều mà người liên hữu Tịnh Độ rất cần thiết trong lúc thực tập, hành pháp. Đại để muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, không phải dùng chút phước lành, chút công đức lơ là là được; muốn thoát sự khổ sống chếtn luân hồi trong muôn vạn kiếp, không phải dùng tâm dần dà, hẹn hò, hứ khả, rồi lo rong chơi du hý, không lo tự cảnh tỉnh, trở về với cuộc sống hiện thực để có cơ hội tìm cầu giải thoát, vãng sanh Tây phương theo sở nguyện ban đầu! Họ đâu rõ chiếc bóng vô thường cô liu lặng lẽ, mới sớm mai thấy đó, rồi hoàng hôn phủ mất đó, đâu nên không siêng năng lo dự phòng giữ tịnh tâm gìn chánh niệm trước ư? Còn e sức chí nguyện không thắng nổi sức tình ái trong tam giới buộc ràng. Lúc bấy giờ tâm niệm Phật không hơn nổi tâm dục trần, như những kẻ niệm Phật, tu nhơn hạnh kém, lơ là biếng trể, nữa tin nữa nghi ngờ pháp Phật, thì ta cũng đành không biết làm sao vậy.

Đại Sư có bài kệ khuyến tấn :

Nam Mô A Di Đà,
Người nào không biết niệm?
Tuy niệm, chẳng tương ưng
Mẹ con khó hội kiến
Khi đi đứng ngồi nằm
Đem tâm nầy thúc liễm
Mỗi niệm nối tiếp nhau
Niệm lâu thành nhứt phiến
Như thế, niệm Di Đà
Di Đà tự nhiên hiện
Quyết định sanh Tây phương
Trọn đời không thối chuyển

Niệm Phật cần phải có niềm tin sâu nguyện thiết, như Đại Sư Tĩnh Am từng khuyến tấn : đi đứng nằm ngồi luôn gìn chánh niệm, hoặc kiết thất thực tập thúc liễm thân tâm, hoặc kinh hành vào đại định, lực Phật gia trì thành nhứt phiến, như kim cang bền chắc, một đời không thối chuyển, niềm tin yêu pháp môn, lục độ vạn hạnh ảnh hiện, lợi ích khắp mười phương, chúng sanh nương nhờ oai đức, làm bạn thánh hiền, dự hội hải chúng liên trì nơi thế giới Tây phương mầu nhiệm.

Lời dạy của Tỉnh Am đại sư
Trích: Tịnh Độ Giảng Lược
Tác giả: Hòa Thượng Thích Giác Quang

3 Cách Niệm Phật

3 Cách Niệm PhậtMặc trì thì niệm Phật bằng ý, thường thường trong đời sống thì ý thức con người hay bị dong rủi theo duyên, ngoại cảnh chi phối đủ điều, không bao giờ dừng nghỉ. Lúc gặp chánh pháp, có đủ duyên lành gặp đúng pháp môn tu. Thời gian thực tập chuyên tu tịnh nghiệp, tam nghiệp được phục chế, nghiệp lực không còn lừng lẫy, lửa tham sân si cạn dần theo sự thuần thục công đức siêng tu. Lúc hành đạo, chư liên hữu thực hiện ngồi bán già hay kiết già, kiết ấn tín (như hình ảnh Đức Phật ngồi thiền và thành Đạo dưới gốc cây Tất Bát La) qua thời gian khởi động ban đầu, hành giả bắt đầu dùng ý niệm Phật, tức niệm Phật bằng ý thức, không niệm Phật ra tiếng đọc tiếp ➝

Tóm Lượt Đơn Giản Về Pháp Môn Tịnh Độ

Tóm Lượt Đơn Giản Về Pháp Môn Tịnh ĐộPháp môn niệm Phật không chỉ kỳ lạ, chỉ tín sâu nguyện thiết, gắng sức thực hành mà thôi. Điều cần yếu là tin cho thấu đáo, giữ chí cho bền lâu, một lòng chuyên niệm, mỗi ngày đêm hoặc mười muôn, hay năm muôn câu, lấy số quyết định không thiếu làm ước lệ. Hành trì như thế trọn một đời, thề không thay đổi, nếu không được vãng sanh, thì chư Phật ba đời thành ra nói dối. Khi được chứng vãng sanh, tất không thối chuyển, bao nhiêu pháp môn đều được thực hiện tiền. Rất kỵ tâm không thường hằng, nau vầy mai khác, thấy ai nói pháp chi huyền diệu liền xu hướng theo, thì không môn nào thành tựu. Đâu biết nếu phát tâm niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật niệm được thuần thục, thì ba tạng, mười hai loại kinh những giáo lý cực tắc đều ở trong đó; ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, ba tu tịnh giới cũng ở trong đó.

* Người chăm niệm Phật, buông bỏ cả thân tâm thế giới là đại bố thí; không còn khởi tâm tham giận mê là đại trì giới; không so đo phải quấy hơn thua là đại nhẫn nhục, không gián đoạn xen tạp là đại tinh tấn; không để vong tưởng buông lung là đại thiền định, không bị đường lối khác làm mê hoặc là đại trí tuệ. Thử tự nghiệm xét, nếu đối với thân tâm thế giới còn chưa buông bỏ, niệm tham giận mê vẫn còn hiện khởi, việc phải quấy hơn thua còn đeo nơi lòng, tâm vọng tưởng buông lung còn chưa trừ diệt, các đường lối khác còn làm mê hoặc ý chí, như thế không gọi là chơn niệm Phật.

* Muốn được cảnh giới “một lòng không loạn” cũng chẳng có phương chước chi lạ, lúc mới dụng công, cần phải lần chuỗi ghi số, mỗi ngày đêm định khoá là bao nhiêu câu đừng cho thiếu xót. Giữ đúng như thế, lâu ngày niệm lực sẽ thuần thục, thành ra cảnh “không niệm tự niệm”, chừng ấy ghi số hay không cũng được. Nếu lúc ban sơ muốn vội nói lời cao siêu, muốn không trước tướng, muốn học viên dung tự tại thì niệm lực khó thành. Như thế là tin không sâu, hành trì không hết sức, dù cho người có giảng được mười hai phần giáo, tỏ được một ngàn bảy trăm công án, đều là việc bên bờ sống chết luân hồi, khi lâm chung quyết định không dùng được.

* Niệm Phật có sự trì, lý trì. Sự trì là tin có Phật A Di Đà ở phương Tây, mà chưa hiểu lý tâm nầy của Phật, tâm nầy là Phật, chỉ quyết chí cầu sanh, niệm Phật như con nhớ mẹ, không lúc nào tạm quên. Lý trì là tin Phật A Di Đà ở Tây phương là tâm mình sẵn có đủ, là tâm mình tạora, đem hồng danh sẵn đủ, tạo ra của tâm mình mà làm cảnh buộc tâm, khiến cho không tạm quên niệm Phật. Sau đây là bài văn Phát nguyện của Đại Sư:

Con nguyện lâm chung không chướng ngại
A Di Đà Phật rước từ xa
Quan Âm cam lồ rước nơi đầu
Thế Chí kim đài cho đỡ gót
Trong một sát xa lìa ngũ trược
Khoãng co tay duỗi đến Liên Trì
Khi hoa sen nở thấy Từ Tôn
Nghe được pháp âm liền hiểu rõ
Nghe rồi tỏ ngộ vô sanh nhẫn
Không rời an dưỡng tại ta-bà
Khéo dùng phương tiện độ chúng sanh
Hay lấy trần lao làm Phật sự
Con nguyện như thế Phật chứng tri
Tất cả về sau được thành tựu

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Đại Nguyện Đại Lực tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Trên đây là bài văn phát nguyện của Đại Sư, xưa nay có nhiều linh nghiệm. Các liên hữu đang lúc phát nguyện thấy các điềm lành. Có người trong lúc quán tưởng suy niệm thấy Phật phóng quang. Chư liên hữu nên niệm tưởng ân đức Phật A Di Đà với một lòng thành kính, tức là tự thương mình chướng sâu không được thấy Phật, nay sanh lòng hổ thẹn, tự sám hối ăn năn thống trách mình chướng sâu tội nặng, si mê lầm lạc, nên một lòng chí thành niệm Phật, để mong được thấy Phật. Làm như thế tất lâu ngày tâm tánh thuần thục, lục căn được phục chế, ắt đặng thấy được Phật phóng quang tiếp độ.

Pháp môn niệm Phật trong tông Tịnh Độ là một pháp môn tối thắng và cực tắc; tối thắng vì lợi lạc ba căn thiện tri thức nghiệp dứt tình không, bậc trung căn tuy có nghiệp lực song do sự tỉnh thức mà giác ngộ quay đầu, bậc hạ căn suốt đời đắm chìm trong bể khổ sông mê, lấy ác làm sự nghiệp… nếu biết giác ngộ hồi đầu, đều có thể tiếp nhận học tập và thực hành niệm Phật mà không phải gặp những điều kiện khó khăn, cho đến khi công viên quả mãn đều được vãng sanh như ý nguyện. Trong tông phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng từ 75 năm qua nhiều người quy thú tu hành chuyên cần niệm Phật, khi lâm chung đều hiện điềm lành, được đại chúng, chư liên hữu trợ duyên, tự chứng vãng sanh, thân an lạc mà hoá.

Pháp môn niệm Phật là một pháp môn không chỉ dành riêng cho giới thượng lưu tri thức, những bậc xuất gia cắt ái từ thân, vào tu trong non núi, chốn tòng tâm an lan nhã. Mà còn tiếp nhận một cách dễ dàng đối với những vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, các vị nếu quyết tâm đều có thể tu chứng quả không kém bậc xuất gia. Như trong đời nhà Minh, không chỉ riêng cómột số các bậc Đại Sư Vân Thê, Trí Húc… mà còn có các vị tiên sinh trí thức cư sĩ nguyện tu tịnh nghiệp, chứng đắc có điềm lành tại tiền, trí tuệ rất siêu xuất hơn người, như Cư Sĩ Viên Hoành Đạo, Viên Trung Đạo… chẳng hạn, là một số nhà trí thức ở thế gian, nghiên cứu kinh Phật lão thông, các vị sớm quy y Tam Bảo, một lòng tin tưởng pháp môn niệm Phật, tu cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Nhân nói về Tịnh Độ Tông thời nhà Minh, trong đó có nhắc đến Cư Sĩ Viên Hoành Đạo là người Cư Sĩ có công tu hành niệm Phật, xương minh Tịnh Độ, xiển dương chánh pháp qua cửa ngõ pháp môn niệm Phật, Cư Sĩ còn biên soạn bộ sách Tịnh Độ có giá trị lưu truyền trong đời. Trung Phước tôi xin được trích một vài ý tưởng của Cư Sĩ bàn về thế giới Tây phương là gia hương của chư liên hữu. Một cõi nước mà thân khắp cả chỗ, chỗ nào cũng có Phật pháp, lại còn có vô biên cõi nước, có Đức Phật A Di Đà phóng quang tiếp độ.

* Pháp thân Phật bình đẳng y báo, chánh báo đan xen lẫn nhau. Mười phương cõi Phật nhơ sạch, không có sai biệt. Chỉ vì hạnh nghiệp của chúng sanh bất đồng, nên các Đức Phật hoá hiện có khác nhau, hoặc nói quyền thừa, hoặc nói pháp tạng, hoặc nói pháp thông, hoặc nói pháp viên đốn, hoặc giảng nói tiệm tiến, hoặc nói pháp bí mật, bất định giáo, vũ hành nhiều phương tiện độ sanh.

Bức thông điệp của Phật trôi theo dòng chảy thời gian, dù trải qua trên 2000 năm, nhưng chân lý tuyệt vời của Ngài thì chỉ có một, mà giáo tướng của có đến tám muôn bốn ngàn pháp môn. Công cuộc hoằng đạo của Đức Phật, rất khéo vận dụng dòng pháp đúng người, đúng thời điểm, hợp phương hướng xứ sở từng cá nhân, từng cộng đồng, nhất là những cộng đồng ngoại đạo ngự trị thời gian dài trên đất Ấn xa xưa, nên giáo pháp của Ngài đi đến đâu, mọi người dễ tiếp nhận, và thuận lợi trong thực hành. Cuộc hoằng truyền ấy, đã thấm nhuần con người trên đất Ấn mênh mông, trải qua những sa mạc hoang sơ vùng Bamiyan. Đến sau khi Ngài tịch diệt, thì chư Tổ Sư tiếp thu, rất thuận lợi hoằng truyền đến tận vùng cao nguyên Tây Tạng, đài nguyên Thanh Hải vượt núi non trùng điệp đến các quốc gia bên bờ biển Đông, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, hay ở thế giới Phương Tây.

Điều nầy cũng dễ hiểu khi Phật Pháp đến với con người, không chỉ kiến tạo con người từ Vua Chúa đến hàng thứ dân trở thành người xuất gia đạt đến chổ làm hạnh Sa Môn như Phật, mà còn được người thế gian từng mỗi thế hệ đón chào, tiếp nhận những tư tưởng từ bi trí tuệ, những trào lưu học đạo giải thoát gần như muốn biến các quốc gia có tín ngưỡng trở thành quốc giáo của quốc gia đó; huống chi là con người.

Trên đất nước Trung Hoa hay Việt Nam; từ Hàn Quốc đến Nhật Bản có biết bao nhiêu người phát tín tâm nhiếp nhận tư tưởng hiếu hoà của đạo Phật; họ trở thành những Cư Sĩ chân tu thạc đức như Sa Môn, họ thật học không kém người xuất gia, họ tu phạm hạnh, gần như có một đôi khi người xuất gia cũng không sánh bằng.

Từ những sự hội nhập như thật của Đức Phật Thích Ca, cũng như đệ tử của Ngài từ suốt trên hai ngàn năm qua, đã đem Phật pháp cống hiến cho con người những tinh hoa giáo lý qua cửa ngõ pháp môn niệm Phật, để lại biết bao môn học kinh luận, thi kệ, sách sử nói về Tịnh Độ đã từng làm hài lòng các học giả, nhà nghiên cứu khó tính, những người đã giác ngộ hoặc chưa giác ngộ, những người còn trầm nịch trong thế giới phàm phu. Chúng tôi xin giới thiệu một số tinh hoa những kinh, sách, những bài luận, yếu chỉ, bài thuyết giảng nói về thế giới Tây Phương Cực Lạc, pháp môn niệm Phật Tịnh Độ Tông thật vi diệu để làm tiền đề và phá nghi trong tu học và tiện việc nghiên cứu xiển dương (phần giới thiệu nội dung tam kinh Kinh Vô Lượng Thọ (Đại bổn A Di Đà) – Kinh A Di Đà (Kinh Tiểu Bổn A Di Đà) – Thập Lục Quán Kinh (Kinh Quán Vô Lượng Thọ) Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự Phẩm (trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa) đã nói ở chương trước)

Nay xin giới thiệu các bộ sách luận giải, như :

Đại Trí Độ Luận : “Phật là Vô Thượng Pháp Vương, chư Đại Bồ Tát làm Pháp Vương thần của Ngài. Bậc mà quần thần tôn trọng đó, duy có Đức Pháp Vương mà thôi”. Có những vị Bồ Tát tự xét rằng : “Thuở xưa, vì mình chê bai pháp Bát Nhã, cho nên bị sa đoạ vào nẽo ác chịu vô lượng thống khổ. Lại phải trải qua vô lượng kiếp rồi, tuy tu các hạnh lành, cũng chẳng đặng ra khỏi biển khổ. Sau nhờ gặp chư Thiện tri thức dạy cho niệm danh hiệu Phật A Di Đà, liền được diệt trừ tội chướng, vãng sanh Tịnh Độ. Nay nên tự lễ tạ Đức Phật A Di Đà. Tại sao vậy? Là vì tất cả cha mẹ, bà con, bạn lành, đồng loại, thiên thần, Vua Chúa, không ai độ được mình ra khỏi biển khổ. Chỉ có nguyện lực của Đức Phật A Di Đà nhiếp thọ cho mình mà thôi. Nhờ vậy, mình được ra khỏi biển khổ…”

Có bài kệ nói:

Nếu ai nguyện làm Phật
Tâm niệm A Di Đà
Phật liền hiện thân đến
Nên nay tôi quy mạng…

Cũng trong Đại Trí Độ Luận có dạy rằng : Vào thời Đức Phật, có một người già xin cho mình được xuất gia, Ngài Xá Lợi Phất không cho. Đức Phật nhìn thấy người ấy kiếp trước đi hái củi bị cọp rượt, bèn trèo lên cây mà niệm Nam Mô A Di Đà Phật chẳng ra tiếng. Nhờ có điều lành nhỏ ấy, người được gặp Phật và đắc quả A La Hán.

Chỉ xưng danh hiệu Phật một lần mà còn được giải thoát, huống chi trọn đời niệm Phật ?

Liên Tông Bảo Giám: Trong hằng hà sa số Như Lai, Đức A Di Đà là đệ nhứt; trong thập phương vi trần số cõi Phật, cảnh Cực Lạc là nơi về. Tin sâu Cực Lạc thiệt là cửa mầu giải thoát; tưởng thấu A Di Đà, thiệt là cha lành của chúng sanh. Bởi vậy cho nên : một ý nghĩ khởi lên, mà vạn linh đều hay; một lòng tin sanh ra, mà chư Phật đều hiện. Mới vừa xưng Bảo hiệu (danh hiệu Phật A Di Đà) đã gieo giống vào Liên Thai (Liên Hoa hoá sanh); một khi phát lòng Bồ Đề, liền được nêu tên ở Kim Địa (cõi nước Cực Lạc). Người chỉ lo tự ngộ, tự tu, thiếu niềm tin sâu, nguyện thiết thật rất tiếc lắm thay.

Than ôi, đời mạt pháp, có nhiều ý quấy dòng mê: biếm Tịnh nghiệp làm quyền thừa (tạm), chê tụng là thô hạnh (nết thô tu hướng) ! Há chẳng phải đắm chìm “hoả trạch”, tự cam chịu nhiều kiếp trầm luân; trái ngược từ thân, rất đau lòng một đời mất uổng ? Nên tin rằng: chẳng nương tha lực, không do đâu dứt nghiệp mê lầm, không gặp pháp môn tu niệm Phật, chẳng có đường thoát khỏi luân hồi sanh tử.
Thế nên, người khinh chê pháp môn niệm Phật, chính là khinh chê tự thân mình. Tình quấy dễ tập, pháp lành khó nghe, luân chuyển trong ba đường dữ, kiếp dài chẳng đặng thoát ra…!

Tịnh độ cảnh quán yếu môn: Nầy, pháp môn tu Tịnh Độ, đối với chúng sanh mạt thế là con đường ra khỏi luân hồi, là chiếc thuyền vững đưa người qua khổ ải. Một khi sanh về cõi kia, mãi mãi chẳng hề thối chuyển. Được thân màu sắc vàng, bay đi tự tại, tự nhiên có cơm ăn áo mặc, thân được thấy Phật mà nghe pháp; nhờ vậy nên rất mau vào ngôi Thánh. Cõi đó không cọp, sói, sư tử, muỗi, ruồi, sâu bọ, bức não; không có sấm sét mưa gió lạnh nóng, đói khát nấu nung. Hoa sen hoá sanh, thọ mạng vô lượng, đã không có mọi thống khổ về sanh già bệnh chết, đó là thế giới Cực Lạc. Cho nên Đức Phật Thích Ca Như Lai, muốn khiến cho chúng sanh mê muội ở cõi nầy rời khỏi mọi nỗi khổ, bèn mở cửa pháp môn chiết nhục. Đức A Di Đà Từ Phụ chỉ cho con đường nhiếp thọ. Sỡ dĩ ta mõi miệng đinh ninh, riêng khen Tịnh độ phổ khuyến vãng sanh, thiệt bởi vì đó. Cho nên thánh hiền, đạo, tục những người niệm Phật được vãng sanh, chẳng biết bao nhiêu mà kể số! Chỉ vì kẻ phàm phu thấp kém, say đắm vương vít trần lao, chẳng cầu ra khỏi, mà cam tâm trôi dạt trong biển luân hồi. Đau thương lắm thay!

An lạc tập : Người nào hay niệm Phật A Di Đà thì dứt hết thảy nghiệp chướng và được vãng sanh về Tịnh Độ. Tại sao vậy ? Ví như có người dùng gân sư tử mà làm dây đàn, tiếng đàn ấy vừa tấu lên thì hết thảy dây đàn khác đều đứt. Nếu người nào đã phát Bồ Đề tâm, mà hay niệm Phật A Di Đà thì chướng nặng phiền não đều dứt đứt tất cả. Lại ví như người lấy sữa bò, dê, lừa, ngựa mỗi thứ đổ vào một cái chén; nếu đem một giọt sữa sư tử mà pha vào đó, thì các thứ sữa hoá ra nước. Nếu người nào đã phát bồ đề tâm, mà hay niệm Phật A Di Đà, thì hết thảy các chướng ác ma tự nhiên tiêu diệt, và người ấy được sanh về Tịnh Độ.

Quyết Nghi Luận: Thân người khó được, Tịnh Độ dễ sanh. Tại sao vậy?

Năm giới mà chẳng giữ, thì dứt đường nhân loại, bặt nẻo thượng nhiên. Năm giới được thanh tịnh, mới có thể sanh lại làm người. Huống chi năm giới đã khó trì, lại chẳng có nguyện lực nhiếp thọ? Đó gọi là thân người khó được vậy.

Người tu Tịnh Độ, chẳng nói việc trì giới trọn, chẳng trọn, chỉ niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà mà thôi. Dầu cho có tội nghiệp, pháp môn cũng cho sám hối. Tới lúc mạng chung được Đức Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và Thanh Tịnh Hải chúng đều có nguyện lực, lai đáo tiếp dẫn, nhiếp thọ, đó gọi là Tịnh Độ dễ sanh.

Tịnh hạnh pháp môn: Sám hối, tự siêng chùi gương xưa, tiêu lần bụi mờ bao kiếp. Niệm Phật như riêng gặp Vua sáng, bỗng được cứu vớt lúc sau. Trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông – ở những lúc đi đứng nằm ngồi, siêng nghĩ cảnh Tịnh Độ trang nghiêm, thường nhớ Đức Phật A Di Đà. Niệm Phật được như vậy, thì tam muội hiện tiền, vãng sanh Tịnh Độ chẳng còn ngờ gì.

Đại tập Nguyệt Tạng kinh: Trong thời mạt pháp, ức ức chúng sanh khởi phát tu tập, nhưng chưa có người nào đắc đạo. Đó đều bởi ở đời ác thế ngũ trược, tu học tạp pháp khó thành. Duy có một môn niệm Phật, có thể thông thoáng đường về. Phật biết rằng: tự hạnh khó tròn, tha lực dễ đến. Tỷ như kẻ sĩ yếu dựa thế Luân Vương du hí cõi tứ Thiên. Lại như chất phàm tục mượn công Tiên dược, phi thăng miền Tam Đảo, thật là đạo dễ hành mau được công tương ứng. Ý lành đã bày tỏ đinh ninh, vậy khá khắc cốt ghi tâm.

Bảo Vương Luận: Kẻ tắm ở biển cả, người trì nước ở trăm sông; người trì niệm danh hiệu Phật, ắt thành công phép Tam muội. Tỷ như hạt châu trong bỏ xuống nước đục, nước đục liền trở nên trong. Cũng thế, tiếng niệm Phật gieo vào lòng loạn, lòng loạn hoá thành lòng Phật.

Pháp Hoa Kinh: Nếu những người lòng tán loạn, bước vào trong vòng tháp miếu, xưng một tiếng Nam Mô A Di Đà Phật, thảy đều đã thành Phật đạo.

Lại nói: Danh Phật nghe khắp mười phương, nhiêu ích cho các chúng sanh, đủ hết thảy các căn lành, dễ hỗ trợ tâm vô thượng.

Hoa Nghiêm Kinh: Trong tất cả oai nghi, thường niệm công đức Phật, ngày đêm không tạm dứt, hạnh nghiệp ấy nên làm.

Kinh dạy tiếp: Thà chịu cảnh khổ ở địa ngục, mà được nghe danh hiệu chư Phật, chớ chẳng chịu cảnh vui vô lượng, mà chẳng được nghe danh hiệu Phật.

Chánh Pháp Nan Văn phẩm: Đức Phật dạy rằng: Nhân dân trong thế gian được nghe danh hiệu Đức Phật A Di Đà, nếu họ từ tâm hoan duyệt, chí ý thanh tịnh, lông tóc dựng lên, đôi tròng rơi luỵ, đó đều là những người đã bao đời thường hành Phật Đạo. Hoặc đó là những vị ở các phương Phật khác, từng hành Bồ Tát đạo, chớ chẳng phải là hạng phàm phu.

Nếu những kẻ nào chẳng tin lời Phật, chẳng tin niệm Phật, chẳng tin vãng sanh, đó là hạng từ nơi nẻo sanh tử sanh lên tai ương thừa chưa hết, tánh ngu si vẫn còn, chưa có thể giải thoát.

Có nhiều vị Bồ Tát muốn nghe kinh nầy, mà chẳng đặng nghe. Chừng nghe được rồi đối với quả vô thượng, mãi mãi chẳng hề thối chuyển. Vậy nên phải tín thọ trì niệm, theo như thuyết mà tu hành. Nay Ta giảng cả pháp ấy cho các người nghe. Vì thương xót chúng sanh, nên ta riêng lưu lại pháp nầy.

Kệ rằng:

Nếu chẳng thuở xưa tu phước huệ
Tới nay chánh pháp dễ gì nghe
Đã từng khâm phụng chư Như Lai
Vậy có nhơn duyên nghe nghĩa ấy
Kìa cõi Phật kia vui vô hạn
Chỉ Phật với Phật biết mà thôi
Thinh văn, Duyên giác đầy thế gian
Dùng hết thần trí chẳng lường được
Đại thánh Pháp vương tuyên Diệu pháp
Tế độ hết thảy thoát trầm luân
Nếu có ai thọ trì, đương thuyết
Thiệt là bạn tốt đắc bồ đề.

(Những bài kinh, luật, luận trên đây được trích từ Quy Nguyên Trực Chỉ của Ngài Nhứt Nguyên Tông Bổn, trang 93-99, bản dịch Đoàn Trung Còn năm 1958, để cống hiến liên hữu độc giả).

Đến như, trong Long Thơ Tịnh Độ, Tiến Sĩ Vương Nhật Hưu, một cư sĩ trí thức phát tín tâm tu Tịnh Độ và xiển dương pháp môn Tịnh Độ, một pháp môn mà người tu Phật không ai có thể bỏ qua. Đến như những bậc Thiền Sư đã có trình độ tu chứng, đạo hạnh khả phong, oai nghi lẫm liệt, song con đường giải thoát chính nhân chính đẳng của các Ngài vẫn là niềm tin, niệm danh hiệu Phật A Di Đà, nguyện cầu sanh Tây phương Tịnh Độ.

Pháp môn niệm Phật là gối đầu giường của người con Phật chăng? Nếu không chẳng còn ý nghĩa của người tu hành gì cả!

Thuyết Tịnh Độ thường thấy ngươi thực hành trong mỗi ngày, mà bao nhiêu công niệm Phật bèn thấy kết quả nơi đời sau, lúc vãng sanh về Tịnh Độ. Người không biết tưởng niệm Phật là việc của đời sau, nào ngờ đâu công đức niệm Phật lại rất có lợi ích ngay trong đời nầy nữa vậy. Vì sao? Phật sở dĩ tha thiết dạy người làm lành, cũng như nhà Nho dạy người lánh dữ, nào có khác chi? Khác là khác có danh từ Phật với Nho vậy thôi. Thế cho nên người niệm Phật tu Tịnh Độ thường thấy trong mỗi ngày, ý tưởng Phật, miệng niệm Phật, thân làm việc Phật, thì đâu không phải là ba nghiệp thanh tịnh? Ba nghiệp thành tịnh là việc lành, làm lành thời là quân tử, là trang đại hiền, đương đời ai cũng quý mến phục luỵ. Thánh thần phò hộ phước lộc được tăng trưởng, sống lâu vô cùng tận. Do đây mà nói, thời để tâm nghe theo lời Phật dạy, thực hành theo pháp môn niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ, thì ai dám bảo rằng không lợi ích ngay trong đời nầy ư? (Long Thơ Tịnh Độ trang 25, bản dịch HT Hành Trụ).

Trong lúc biên soạn quyển sách Hoa Sen Vi Diệu Pháp nầy, tôi thường nghe bên tai, một Thiền Sư hiện đại rất già dặn, trong thuyết giảng sử dụng ngôn từ văn hoa lưu loát nhằm thu hút cho đệ tử thính pháp càng nhiều càng đông cho hơn các Chùa khác, không hiểu Ngài tu thiền có nghiệp dứt tình không chưa? Mà lại đi chê “pháp môn Tịnh Độ là thấp, tu không thành Phật, vì còn tu tướng”… Lại chê pháp môn Tịnh Độ của Phật, của Tổ Sư … Nên nay, nhân nói về pháp môn niệm Phật niệm danh hiệu A Di Đà Phật ở thời điểm cực thịnh, người trí thức, kẻ hàn nhân người người tu niệm Phật, mọi người tu niệm Phật, trai gái trẻ già đồng tu niệm Phật, chư Thiền Sư chuyển pháp tu niệm Phật, người Trung Hoa niệm Phật, người Triều Tiên niệm Phật, người Nhật Bản niệm Phật, người Việt Nam niệm Phật, người của tây bán cầu niệm Phật, soạn giả xin phép trích một đoạn sách Tịnh Độ “Vạn Thiện Đồng Quy Tập” của Ngài Vĩnh Minh : “Luận Trí Độ nói : ví như trẻ thơ nếu không gần cha mẹ thì sẽ sa hầm, sụp hố, bị những tai nạn nước lửa, thiếu sữa mà chết. Thế nên, cần phải thường gần gũi cha mẹ, được nuôi dưỡng khôn lớn mới có thể thừa kế gia nghiệp…”

Bồ Tát mới phát tâm phần nhiều nguyện vãng sanh Tịnh Độ, thân cận chư Phật, tăng trưởng Pháp thân, vậy mới có thể thừa kế gia nghiệp của Phật, cứu tế chúng sanh trong mười phương. Có sự lợi ích như thế nên chư Bồ Tát phần nhiều nguyện vãng sanh”.

Hơn nữa xét trong các kinh, vãng sanh về cõi an dưỡng thì duyên lành mạnh mẽ, hoàn cảnh thù thắng, phước đức đầy đủ, tuổi thọ lâu dài, liên hoa hoá sanh. Được Phật đón rước liền lên bậc Bồ Tát. Nhanh chóng sanh vào nhà Như Lai, ở mãi nơi bậc bất thối chuyển, đều được thọ ký đạo Bồ Đề, thân đầy đủ tướng hảo ánh sáng, dạo nơi cây báu đài hương, cúng dường mười phương chư Phật, tinh thần an trụ nơi chánh định thanh nhàn, bên tai thường nghe pháp đại thừa, sánh vai cùng hàng nhất sanh bổ xứ, niệm niệm rỗng lặng, tâm tâm tịch tĩnh, ngọn lửa phiền não tắt ngắm, dòng suối ái dục cạn khô, tên gọi đường ác không còn, lẽ nào lại có sự luân hồi sanh tử ?

An Quốc Sớ nói, gọi là Cực Lạc bởi vì có hai mươi bốn điều vui :

1. Lan can bao quanh
2. Lưới báu giăng trên hư không
3. Bóng mát che đường đi
4. Ao tắm bằng bảy báu
5. Nước tắm công đức lắng trong
6. Thấy tận cát vàng
7. Bậc thềm lấp lánh ánh sáng
8. Lâu đài ở giữa hư không
9. Bốn loại hoa sen toả hương ngào ngạt
10. Đất bằng vàng ròng
11. Thường tấu diễn tám âm thanh
12. Mưa hoa ngày đêm
13. Sáng sớm đã được nhắc nhở tu hành
14. Nhặt những hoa đẹp
15. Cúng dường chư Phật các phương
16. Đi kinh hành nơi cõi nước mình
17. Các loài chim cùng hót vang hoà điệu
18. Nghe pháp sáu thời
19. Thường nghĩ nhớ Tam Bảo
20. Không có ba đường ác
21. Có Phật biến hoá
22. Cây lay động dưới lau
23. Ngàn cõi nước đồng thinh khen ngợi
24. Hàng Thanh văn phát tâm đại thừa.

Lại nữa, sách Tịnh Độ Quần Nghi Luận nói, Tây phương Tịnh Độ có 30 điều lợi ích:

1. Thọ dũng cõi Phật thanh tịnh
2. Được niềm vui Phật pháp rộng lớn
3. Tuổi thọ gần bằng Phật
4. Dạo khắp mười phương cúng dường chư phật
5. Được chư Phật thọ ký
6. Tư Lương phước huệ chóng được viên mãn
7. Mau chứng đắc đạo giác ngộ ngân chánh vô thượng
8. Cùng chúng Bồ Tát dự chung pháp hội
9. Thường không thối chuyển
10. Vô lượng hạnh nguyện tăng tiến trong mỗi niệm
11. Chim anh vũ, xá lợi tuyên dương pháp âm
12. Gió mát lay động cành cây như diễn tấu các loại âm nhạc
13. Dòng nước có ngọc ma ni lượn vòng, diễn thuyết các giáo nghĩa
khổ không
14. Các loại nhạc khí tấu vang âm thanh vi diệu
15. Bốn mươi tám nguyện của Phật, dứt hẳn ba đường ác
16. Đạt được thân sắc vàng
17. Hình tướng tốt đẹp
18. Đầy đủ năm thứ thần thông
19. Thường trụ nơi chánh định tụ
20. Không có các điều bất thiện
21. Mạng sống lâu dài
22. Y phục và thức ăn tự nhiên hoá hiện
23. Chỉ hưởng thụ những điều vui
24. Đầy đủ ba mươi hai tướng tốt
25. Không có người nữ thật
26. Không có hạng tiểu thừa
27. Xa lìa tám nạn
28. Đạt được ba pháp nhẫn
29. Thân tướng thường có ánh sáng
30. Được thân Na La Diên bền chắc.

(Vạn Thiền Đồng Quy Tập, bản dịch Thích Minh Thành, trang 107-111)

Qua những lời phán dẫn chứng về thế giới tây phương Tịnh Độ trên, chúng ta thấy rằng, nơi có Đức Phật kiến tạo nên một cuộc sống an bình cho con người và chúng sanh, một người phát tín tâm niệm Phật thì sẽ được an lạc, sống vui sống khoẻ trong môi trường tinh khiết, không “có ngựa xe như nước, áo quần loè loẹt như nêm”; gió bụi, khói công nghiệp của nền văn minh bằng khoa học thật mịt mờ làm đen tối cả bầu trời, ô nhiểm sinh thái đời sống con người.

Cũng không có những tình cảm riêng tư, cục bộ, không đấu tranh lẫn nhau, vì tất cả chỉ là một, một tâm thanh tịnh niệm Phật, cùng chung ý tưởng chơn như Phật, không tranh chấp đồ đệ, môn phong, hệ phái; hằng ngày chỉ có những người tu toàn đạo hạnh liêm khiết, sống đạo không vướng chút bụi nhơ, không lắm những điều tình ái, cờ bạc rượu chè, khoe khoang, chê bai giỏi dở, tâm ai nấy giữ thân ai nấy trao dồi, không xem người kia làm việc gì, mà chỉ trông vào mình đã làm được gì, tu được bao nhiêu, có tu không, có thực hành không, đắc đạo đến đâu ? – Người có muốn chê bai ai, cũng không chê được, vì miệng thì hôi nhơ, nhưng tâm họ đã thanh tịnh! Nên lời chê bai thị phi trở thành những bài pháp lành, cuộc đấu tranh chống chọi người khác trở thành những cuộc đấu tranh chống lại những tham sân si của chính mình… Ngài Lục Tổ Huệ Năng dạy phải tự trở về xem lại những hành vi cử chỉ chơn tâm của chính mình, chính là “bản lai chân diện mục”.

Người sống ở thế giới Tây phương Cực Lạc, Niết Bàn, giải thoát của Đạo Phật là như thế!
Với thâm ý của Đức Lục Tổ Huệ Năng ở thời xa xưa, người tu đã là nghiệp dứt tình không, nhứt thời tỏ ngộ bỏ phàm làm Phật trong lúc hiện tiền, ở đây và bây giờ thân tâm toàn chơn Phật, không một mãi mai bợn nhơ nhiễm bẩn.

Tôi nhớ lại những năm còn tu ở núi, lúc bay giờ cảm nghĩ người liên hữu Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, được sinh ra trong thời mạt pháp, gặp Phật Pháp muộn màng, được Tôn Sư giáo hoá học đạo niệm Phật pháp môn chốn non xanh Bồng Đảo; nhưng ý chí quyết tâm một đời học đạo giải thoát, không xa rời pháp môn một ly tấc, với lời dạy của Đức Tôn Sư, hằng ngày ngoài thực tập công phu, tụng kinh niệm Phật còn phải tự kiểm điểm thân tâm mình: Một là thấy mình – Hai là biết mình – Ba là xem mình – Bốn là nhớ mình – Năm là nghe mình – Sáu là xử mình – Bảy là học mình – Tám là tu mình – Chín là phân biệt mình – Mười là thương mình. Phải chăng đây cũng chính là lời dạy trùng hợp với tư tưởng của Ngài Huệ Năng, được áp dụng cho Tăng Ni, Phật tử phát tâm tu hành ở thời mạt pháp.

Trong tam kinh Tịnh Độ của Phật thuyết và một bộ Luận Ngài Thiên Thân Bồ Tát giảng thuyết, minh triết và Tịnh Độ: “chúng ta thử xem như Ngài Văn Thù, kiết tập kinh giáo Đại Thừa, trụ thế lưu thông đã bốn trăm năm mươi năm. Còn sau khi Phật nhập Niết Bàn cách ba trăm bảy mươi năm thì Ngài Mã Minh Bồ Tát ra đời; cách năm trăm ba mươi năm, thì Ngài Long Thọ Bồ Tát xuất thế; đến sau khoảng chín trăm năm, thì Ngài Thiên Thân Bồ Tát hiện thân giáo hoá. Các Ngài ấy đều là bậc Đại Thánh nhơn ở Tây vực, mà cũng đều là Tổ Sư bên Tịnh Độ Tông cả. Vậy chỗ phát nguyện của Tịnh Độ Tông có từ thời xa xưa và y cứ của Tịnh Độ Tông rất xác đáng, chuẩn mực.

Huống chi chẳng những kinh giáo ấy chuyên nói về Tịnh Độ Tông, lại như các kinh Đại Thừa kiêm nói thuyết Tịnh Độ, hay là nói các pháp khác mênh mông cao viễn, mà khi kết luận thì thú hướng về pháp môn thù thắng tông chỉ Tịnh Độ, rất nhiều vô số.

Tại sao? Vì pháp môn tịnh độ là một pháp môn rất viên đốn, cực tắc, thiệt trong phương tiện mà phương tiện tột bực, trong thiệp cảnh mà thiệp cảnh cực điểm, cao hơn các pháp, lợi khắp các căn; có năng lực đưa chúng sanh ra khỏi tam giới, người tu tiến thẳng bồ đề, chẳng những chúng ta là hạng chúng sanh khổ não, thấp hèn ở trong đời ngũ trược nầy phải tín thọ phụng hành mà thôi, mà cho đến hết thảy chúng sanh trong mười phương pháp giới, nếu bỏ Tịnh Độ mà cầu giải thoát, thì trên không thể viên mãn đặng Phật quả, dưới không thể độ được hàm linh.

Cho nên, nói gì thì nói, tu theo pháp môn nào rồi thì cuối cùng cũng phát nguyện cầu sanh Tây phương Cực Lạc, và hạnh môn nào cũng do đó mà an trú, cho đến chư Phật trong mười phương đều dùng tướng lưỡi rộng dài mà tán thán tuyên pháp môn nầy và lấy cõi Tịnh Độ của Đức A Di Đà là chỗ quy hướng cho thế giới của mình.

Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: Ngài Thiện Tài đồng Tử đi du phương học đạo trải qua năm mươi ba người thầy, thiện tri thức vĩ đại đã chứng đặng phẩm vị đẳng giác, nhưng cuối cùng, đồng với bốn mươi mốt vị pháp thân đại sĩ hồi hướng phát nguyện vãng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc Thế Giới, để có cơ sở quyết định cho Phật sự viên mãn.

Chúng ta liên hữu Tịnh Độ nào dám khinh thường pháp môn tu, mà lại là lời dạy của Phật, Tổ Sư… đến nay vẫn còn gía trị và pháp môn vẫn phù hợp, rất phù hợp với thế giới hiện đại của thế kỷ 21!
Tịnh Độ Tông thời nhà Minh, không chỉ có bấy nhiêu chư Tổ Sư, chư Đại Sư như đã nói trên. Còn rất nhiều những bậc chân tu thật đức, thạc học, tu chứng có điềm lành; từ giới xuất gia đến hàng tại gia. Trong giới Cư Sĩ thời điểm nầy, nghiên cứu qua sách Tịnh Độ, chúng ta còn thấy có Cư Sĩ Viên Hoành Đạo, một liên hữu vừa hộ thế, vừa tu tập pháp môn niệm Phật, hộ Phật, hộ Tăng khiến cho Tăng tục đồng quy hiệp nhứt, chuyên tu tịnh nghiệp, xương minh Tịnh Độ. Cư Sĩ biên soạn bộ “Tây Phương Hiệp Luận” dẫn chứng pháp môn tu, công nhận pháp môn tu có hiệu quả thực tiễn, giới thiệu pháp môn đến với các hàng thiện hữu tri thức và các giới sĩ, nông, công, thương, để lại cho hàng Cư Sĩ đời sau có phương tiện duyên tu tuyệt vời.

Viên Trung Lang tên thật là Hoành Đạo, hiệu Thạch Đầu, ở huyện Công An, tỉnh Hồ Bắc. Anh là Bá Tu, tên Tông Đạo, hiệu Hương Quang. Em là Tiểu Tu, tên là Trung Đạo, hiệu là Thượng Sinh. Cả ba anh em đồng một mẹ sinh ra. Thời niên thiếu nổi tiếng về văn học, lớn lên có duyên Phật pháp tín ngưỡng Thiền Tông. Niên hiệu Vạn Lịch thứ 42 (1573), đời Vua Thần Tông, nhà Minh, ba anh em đều đỗ tiến sĩ. Bá Tu làm quan đến chức Hữu Thứ Tử, Trung Lang làm quan tri huyện ở Ngô Giang. Ông giải quyết việc công rất sáng suốt, mau lẹ. Khi rảnh rỗi, Trung Lang thích ngao du sơn thuỷ. Sau được thăng chức lễ bộ chủ sự, lấy cớ bệnh, xin nghĩ việc hồi hương.

Ở Thành Nam, Cư Sĩ có lập một khu vườn trồng muôn cây liễu xanh tươi, gọi cảnh trí nầy là Liễu Lãng. Cư Sĩ thường cùng với các thiền nhân tham quan ở trong đó. Đầu tiên Cư Sĩ học Thiền với Lý Trác Ngô, tin hiểu thông suốt, biện tài vô ngại. Sau đó Cư Sĩ tự nghiệm xét: “bàn luận về cái không nầy chẳng phải thiết thực”, liền đổi pháp tu, hướng về Tịnh Độ, sớm hôm siêng năng lễ tụng và giữ gìn cấm giới. Bá Tu, Liễu Tu cũng đồng thời phát tâm niệm Phật. Trung Lang tuyển chọn trong các kinh giáo, biên soạn bộ “Tây Phương Hiệp Luận”. Nội dung bộ luận bàn về tánh, tướng đến chỗ viên dung, đi sâu vào pháp môn bất nhị. Viết xong Bá Tu ghi lời tựa. Sau đó Trung Lang nhận giữ lại chức cũ, rồi thăng tiến đến chức vụ Huân Ty Lang Trung. Chẳng bao lâu lại cáo bệnh, xin nghĩ về nhà chẳng mấy ngày rồi vào thành Kinh Châu, ở tạm trong Chùa chư Tăng lo bề tu niệm, tinh tiến niệm Phật, không bệnh mà quy Tây. Tiểu Tu làm quan đến chức Lễ Bộ Lang Trung ở phương Nam cũng xin nghỉ việc. Về già, Cư Sĩ siêng năng cần mẫn với việc lễ tụng kinh bái sám. Một buổi tối, khi khoá tụng xong, thần thức tham quan Tịnh Độ (trích Tây Phương Hiệp Luận, bản dịch Thích Trí Thông, trang 235, 236).

Thật là một gia đình có ba anh em, một đời tài hoa, tri thức vẹn toàn, tước quyền đầy đủ, gia phong nho nhã, nhàn hạ tiêu dao lại noi gương Phật Tổ từ bỏ thế sự, quyền lực thế gian phát khởi tâm tu Tịnh Độ niệm Phật, hiệu quả vô lường.

Xin trích một đoạn trong “Tây Phương Hiệp Luận”, bản dịch Thích Trí Thông, Cư Sĩ Viên Hoành Đạo tán thán công đức cõi Tịnh Độ Tây Phương của Đức Phật A Di Đà: “Tịnh Độ Tây Phương của Đức Phật A Di Đà có công đức rộng lớn như biển cả, có bi trí rộng lớn như biển cả, có nguyện lực rộng lớn như biển cả. Nếu nói đầy đủ thì giả sử trên từ các Đức Phật, Bồ Tát, Thinh Văn, Bích Chi Phật, trời, người, ma, quả, súc sinh khắp cả mười phương thế giới, dưới đến loài sâu bọ và tất cả vật vô tri như cỏ cây, ngói đá, mảy bụi cực nhỏ, mỗi mỗi đều có đầy đủ vô lượng miệng, trong mỗi miệng đều có vô lượng lưỡi, trong mỗi lưỡi đều có phát ra vô lượng âm thanh, nói mãi, nói nhiều… Nói như vậy trải qua vô lượng trăm ức vạn thời kỳ vô số như cát bụi cũng không thể nào nói hết được…” (Tây Phương Hiệp Luận, trang 45).

Một người phàm phu, quanh năm suốt tháng, suốt đời làm điều thiện, một người phàm phu, quanh năm suốt tháng, suốt đời không làm điều thiện, một người phàm phu sống trong thế giới dẫy đầy những khổ đau oằn oại, một người cũng như thế và ngược lại, một khi đã giác ngộ, lìa bến mê nguyện sanh về cõi giác, tất cả đều thọ hưởng chung một phước huệ khôn lường, không thể nói hết được. Vì do chính tự họ kiến tạo cho mình một thế giới an lạc, một thế giới hạnh phúc, trang nghiêm, đẹp đẽ và vững niềm tin yêu nơi giáo pháp của Phật; chính họ đã nắm bắt hạnh nguyện ngàn đời của chư Phật, họ bước đi theo dấu chân của chư Phật, ý tưởng của họ một lòng trong sạch với Phật, lúc nào cũng tán thán ca tụng thế giới Phật, thế giới đó chính là thế giới nội tại của người con Phật mà Viên Hoành Đạo đã làm và thốt lên được trong “Tây Phương Hiệp Luận”.

Lại trong “Tây Phương Hiệp Luận”, Cư Sĩ Viên Hoành Đạo đã nghiên cứu về pháp môn niệm Phật rất sâu tế, Cư Sĩ đã làm một việc hy hữu trong một thời điểm đưa Tịnh Độ Tông đến thời cực thịnh, người người, nhà nhà tu niệm Phật. Cư Sĩ đã tiếp nhận và biên soạn lại từ Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới nói về pháp môn niệm Phật và an trú trong pháp môn để tu hành. Lúc bấy giờ Ngài Đức Vân Tỳ Kheo bảo Thiện Tài Đồng Tử rằng : “Thiện Nam Tử ! Ta được năng lực trí giải quyết định, tín căn thanh tịnh, trí tuệ sáng tỏ, quán khắp cảnh giới, xa lìa tất cả chướng ngại, đầy đủ hạnh thanh tịnh, tham quan khắp mười phương để cúng dường các Đức Phật, thường niệm tất cả các Đức Như Lai, ghi nhớ chánh pháp của tất cả các Đức Phật, thường thấy tất cả Đức Phật thuận theo các thứ tâm ưa thích của mỗi loài chúng sanh mà thị hiện các thứ để thành tựu tuệ giác vô thượng, ở trong đại chúng rống tiếng sư tử. Thiện Nam Tử, ta chỉ được pháp môn ánh sáng trí tuệ thấy khắp tất cả cảnh giới của các Đức Phật được ức niệm nầy”.

1. Pháp môn nầy mệnh danh là môn niệm Phật ánh sáng trí tuệ chiếu khắp, vì chúng sanh niệm Phật, thường thấy các cung điện trong cõi nước của tất cả các Đức Phật đều thanh tịnh, trang nghiêm.

2. Pháp môn làm cho tất cả chúng sanh niệm Phật, vì tuỳ theo sở thích của tâm chúng sanh đều làm cho họ thấy Phật, tâm họ được thanh tịnh.

3. Pháp môn làm cho chúng sanh an trụ nơi niệm Phật, làm cho họ nhập vào thập lực của Như Lai.

4. Pháp môn làm cho chúng sanh an trụ nơi pháp niệm Phật, vì họ thấy được vô lượng Phật, nghe được pháp vi diệu.

5. Pháp môn niệm Phật chiếu sáng rực rỡ khắp các phương, vì chúng sanh niệm Phật thấy cõi Phật trong tất cả thế giới đều rộng lớn như biển cả, bình đẳng không sai biệt.

6. Pháp môn niệm Phật là pháp nhập vào chỗ không thể thấy, vì chúng sanh niệm Phật thấy các việc thần thông tự tại của các Đức Phật trong tất cả cảnh giới vi tế.

7. Pháp môn niệm Phật trụ vào các kiếp, vì tất cả kiếp chúng sanh niệm Phật thường thấy các việc làm của Như Lai không ngừng nghỉ.

8. Pháp môn niệm Phật trụ tất cả thời gian, chúng sanh niệm Phật thường thấy Như Lai thân cận ở chung, không hề xa cách.

9. Pháp môn niệm Phật trụ ở tất cả cõi, vì tất cả cõi nước, chúng sanh niệm Phật đều thấy thân Phật vượt trội hết thảy.

10. Pháp môn niệm Phật trụ vào tất cả đời, vì tuỳ theo điều ưa thích của tâm chúng sanh mà họ thấy khắp cả các Đức Như Lai trong ba đời.

11. Pháp môn niệm Phật trụ tất cả cảnh giới, vì trong tất cả cảnh giới, chúng sanh niệm Phật đều thấy các đức Như Lai lần lượt xuất hiện.

12. Pháp môn niệm Phật trụ vào chỗ tịch diệt, vì trong một niệm, chúng sanh niệm Phật thấy tất cả cõi, tất cả Đức Phật thị hiện Niết Bàn.

13. Pháp môn niệm Phật trụ vào xa lìa, vì ở trong một niệm, chúng sanh niệm Phật thấy tất cả Đức Phật từ chỗ trụ của Ngài rồi ra đi.

14. Pháp môn niệm Phật trụ vào chỗ quảng đại, vì tâm của chúng sanh niệm Phật thường quán sát thân Phật nào cũng đều đầy khắp hư không pháp giới.
15. Pháp môn niệm Phật trụ vào vi tế, vì ở đâu một mảy lông có Đức Như Lai xuất hiện, không thể nói hết, chúng sanh niệm Phật đều đến chỗ ấy để phụng sự.

16. Pháp môn niệm Phật trụ vào cảnh giới trang nghiêm, vì ở trong một niệm, chúng sanh niệm Phật thấy tất cả cõi đều có các Đức Phật thành tựu tuệ giác vô thượng hiển hiện thần thông.

17. Pháp môn niệm Phật an trụ nơi Phật sự, vì chúng sanh niệm Phật thấy tất cả Phật xuất hiện ở thế gian, phóng ánh sáng trí tuệ, chuyển pháp luân.

18. Pháp môn niệm Phật trụ vào tâm tự tại, vì tuỳ theo điều ưa thích của chúng sanh mà tất cả Đức Phật thị hiện các thứ thần thông.

19. Pháp môn niệm Phật trụ vào tự nghiệp, vì biết tuỳ theo nghiệp chúng sanh đã tích tập mà Phật hiện thân khiến họ được giác ngộ.

20. Pháp môn niệm Phật trụ vào thần thông, vì chúng sanh niệm Phật thấy Phật ngồi trên hoa sen rộng lớn, nở xoè trùm khắp pháp giới.

21. Pháp môn niệm Phật trụ vào hư không, vì chúng sanh niệm Phật quán sát Như Lai có thân như vầng mây để trang nghiêm pháp giới hư không giới. (Tây Phương Hiệp Luận, bản dịch Thích Trí Thông, trang 78-80).

Nhằm để phổ cập sâu rộng pháp môn tu niệm Phật vào trong quảng đại quần chúng Trung Hoa thời bấy giờ, Cư Sĩ Viên Hoành Đạo lại nói tiếp về pháp tu niệm Phật của Bồ Tát nghiên cứu trích từ trong Kinh Tịnh Danh như sau:

“Nầy Bảo Tích! Tâm ngay thẳng là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh không tâm dối trá được sanh về nước kia”.
– Tâm thâm sâu là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh công đức viên mãn sanh về nước kia.
– Tâm Bồ Đề là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh tu pháp đại thừa được sanh về nước kia.
– Bố thí là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh có thể xả bỏ tất cả được sanh về nước kia.
– Giữ giới là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh tu tập mười nghiệp lành được sanh về nước kia.
– Nhẫn nhục là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh ba mươi hai tướng trang nghiêm được sanh về nước kia.
– Tinh tiến là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh siêng tu tất cả công đức được sanh về nước kia.
– Thiền định là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh tâm không loạn động được sanh về nước kia.
– Trí tuệ là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành phật, chúng sanh chánh định được sanh về nước kia.
– Bốn tâm vô lượng là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh thành tựu từ bi hỷ xả được sanh về nước kia.
– Tứ nhiếp pháp là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh thuộc về giải thoát được sanh về nước kia.
– Phương tiện là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành phật, chúng sanh có phương tiện vô ngại đối với tất cả pháp được sanh về nước kia.
– Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh có bốn niệm xứ, có bốn chánh cần, có bốn thần túc, có năm căn, có năm lực, có bảy tuệ giác, có tám đường chánh được sanh về nước kia.
– Tâm hồi hướng là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, thì được cõi nước đầy đủ tất cả công đức.
– Khéo nói để loại bỏ tám tai nạn là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, cõi nước khôn có ba đường dữ, tám tai nạn.
– Tự giữ giới hạnh, không nói lỗi người là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, cõi nước không có danh từ phạm giới.
– Mười nghiệp lành là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh không chết yểu lại rất giàu có, đủ phạm hạnh, nói thành thật nói hoà nhã, quyền thuộc không lìa nhau, khéo hoà giải người thưa kiện, nói hữu ích, không ganh ghét, không giận dữ, chánh kiến, được sanh về nước kia (Tây Phương Hiệp Luận, bản dịch Thích Trí Thông, trang 81-83).

Chuyên tu sâu vào pháp môn niệm Phật, chúng ta mới thấy được pháp môn tu là tối thắng thượng của các Đức Như Lai, không như những hạng phàm phu lòng trần còn mãnh liệt, ham thích lợi danh, bon chen từ lời nói, việc làm, tranh lần từ quyền thế đến tiền bạc… mà lại đi đánh giá chê bai pháp môn niệm Phật; thấy người tu niệm Phật thì tìm cách vu khống cho là tu theo tà kiến, mê tín dị đoan! Chỉ có những hạng ngu phu ngu phụ mới xem thường pháp môn niệm Phật, vì họ có tu bao giờ đâu mà rõ; chỉ có điều tâm họ không an, vọng niệm dẫy đầy, không rảnh rang mà thực hành tu niệm, ít nhất cũng làm gương cho đoàn hậu tấn! Những người có tánh hay chê khen, chê người khen mình, thường là chẳng có quan đến việc tụng niệm công phu công quả gì cả, chỉ làm tổn hao tiền của đàn na tín thí, uổng phí công sức Tổ Thầy của họ mà thôi!

Vào năm 1971, lúc bấy giờ có chư Tăng Khất Sĩ thường xuyên đến học Phật Pháp với Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước, có cả chư Tăng Ni của Sư Trưởng Thiền Đức, Đức Tôn Sư có bài thuyết giảng về pháp môn niệm Phật cho chư Tăng Ni, Phật Tử tại Tịnh Xá Thắng Liên Hoa. Sau thời thuyết giảng có lưu ký lại một số Phật sự quan trọng cho chư Tăng Ni trên bước đường hoằng hoá pháp môn:

– Quyết định thứ nhất: Non Bồng Tịnh Độ Chánh Tông, pháp môn niệm Phật kể từ ngày nay đến vô lượng nghìn thu vị lai bất thối chuyển.
– Quyết định thứ hai: Thủ trì kinh Đại Thừa Đại Tạng của Phật Tổ Như Lai bất thối chuyển, vô lượng nghìn thu bất thối chuyển. Kinh Đại Thừa của Từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết tại xứ Ấn Độ cách đây 2515 (tính từ năm 1971).
– Quyết định thứ ba: Non Bồng thủ trì thần chú Đại Bi của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát vô lượng nghìn thu bất thối chuyển. Kể từ ngày hôm hay đến vô lượng nghìn kiếp vị lai bất thối chuyển.
– Quyết định thứ tư: Phạm hạnh, Tịnh hạnh, Bồ Tát hạnh, thủ trì cội Bồ Đề bất thối chuyển, năng tác Phật sự, năng hành pháp lục độ bất thối chuyển, đời đời kiếp kiếp bất thối chuyển.
– Quyết định thứ năm: Chín tuổi đạo trọn lành, trường chay niệm Phật, hoặc tại gia, hoặc ly gia, mới được quy y Tam Bảo. Không phạm năm tội ngũ nghịch. Ly gia mười tám tuổi đạo trọn lành mới được thọ giới Sa Di (không được phạm năm tội ngũ nghịch) không được phạm giới cấm. Ly gia hai mươi bảy tuổi đạo trọn lành (không được phạm năm tội ngũ nghịch), không phạm thập giới, mới được thọ Cụ Túc giới Tỳ Kheo.
– Quyết định thứ sáu: của Non Bồng Y Bát Đầu Đà, khất thực lập hạnh giải thoát là duy nhất của Non Bồng. Phạm hạnh trang nghiêm là tối thượng của Non Bồng, Bồ Tát hạnh, Bồ Tát đạo, Bồ Tát giới, Bồ Tát tánh là cốt tỷ của Non Bồng.
– Quyết định thứ bảy: Tín, Hạnh, Nguyện Thệ và Nguyện Hải của Như Lai, bổn hạnh nguyện của thập phương Bồ Tát là nền tảng giáo lý Tịnh Độ Non Bồng vô lượng nghìn thu bất thối chuyển.

Trích: Tịnh Độ Giản Lược
Tác giả: Hòa Thượng Thích Giác Quang

Niệm Phật Nhưng Vì Sao Chẳng Thể Vãng Sanh?

Niệm Phật Nhưng Vì Sao Chẳng Thể Vãng SanhCó những kẻ cả đời niệm Phật nhưng chẳng thể vãng sanh, nguyên nhân nói đại lược gồm 4 điều:

1. Một là vì niệm Phật chẳng tinh thành, niệm thứ nhất vừa mới tinh thuần, niệm thứ hai bèn xen tạp. Lịch đại tổ sư đại đức đều là bậc thông Tông, thông Giáo, sau khi hiểu rõ Tịnh Độ bèn buông bỏ hết những thứ khác, chuyên tu Tịnh Độ.

Trong những trước tác của đại sư Liên Trì, tinh hoa là bộ Di Đà Sớ Sao; trước tác tối trọng yếu của đại sư Ngẫu Ích là Di Đà Yếu Giải, Ấn Quang đại sư vào tuổi già chỉ dùng một bộ kinh A Di Đà, một câu Phật hiệu, ngoài ra chẳng còn có gì khác nữa.

2. Hai là vì sanh nghi, chẳng dốc lòng tin.

Tuy tu Tịnh Độ, cũng chịu niệm Phật, nhưng chẳng thể hoàn toàn tin mình có thể vãng sanh. Chỉ cần có một điểm nghi tình, lúc lâm chung dù có phước báo, thân không bệnh khổ, trí não sáng suốt, nhưng chỉ có thể sanh về biên địa. Kẻ phước báo kém hơn, thần trí chẳng sáng suốt, nghi chướng nổi lên, liền chẳng được vãng sanh. Nếu muốn phá trừ những nghi chướng ấy, hãy nên thâm nhập, nghiên cứu kinh giáo và tìm đọc những chuyện vãng sanh thật sự.

3. Thứ ba là do chẳng có nguyện vãng sanh.

Chẳng nguyện vãng sanh là mâu thuẫn với niệm Phật, dùng việc niệm Phật để tu phước, tương lai làm một con quỷ giàu có, có kẻ còn mong sanh lên trời, hy vọng tương lai hưởng phước trời, cầu phước báo trong cõi trời, cõi người.

4. Điều thứ tư là vì chẳng thể đoạn tham ái.

Tham cầu các thứ hưởng thọ trong tam giới lục đạo, phàm phu tham ngũ dục lục trần thế gian, người cõi trời tham phước báo thanh tịnh cõi trời, người Sắc Giới, Vô Sắc Giới tham hưởng thọ Thiền Định. Có tham ắt thành chướng ngại, chẳng thể vãng sanh.

Người tu Tịnh Độ chân chánh, ma chẳng dám đến nhiễu loạn. Thứ nhất là do niệm lực, tức là như kinh này nói: “Nhớ Phật, niệm Phật”. Thứ hai là bổn nguyện có Phật tánh lực, điều được niệm là tự tánh Phật, thanh tịnh bình đẳng đại từ bi là Phật. Thứ ba là được bổn nguyện của chư Phật gia trì. Với sức bổn nguyện oai thần gia trì của mười phương ba đời hết thảy Như Lai, ma dù có sức cũng chẳng thể đến nhiễu loạn.

Lão hòa thượng Tịnh Không

Làm Thế Nào Niệm Phật Được Tương Ứng?

Làm Thế Nào Niệm Phật Được Tương ỨngGiáo lý phải thông đạt thì niệm Phật mới được tương ứng. Cổ nhân thường nói: “Nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Vậy thì anh phải làm đến tương ứng, cái giáo lý này không thể không biết. Không biết giáo lý rất khó tương ứng, người không hiểu giáo lý cũng có tương ứng rất là ít. Rất là ít, đó là người gì? Thường ngôn nói rất hay: “Người thật thà”. Chân chánh thật thà có thể không cần hiểu giáo lý.

Cái gì gọi là thật thà? Dạy họ niệm A Di Đà Phật, họ liền niệm đến cùng, họ niệm A Di Đà Phật nhất định chẳng có vọng tưởng, quyết định chẳng có hoài nghi, quyết định chẳng có gián đoạn. Hạng người này gọi là người thật thà, người thật thà khó được. Có lẽ hiện nay, trong một vạn người khó mà tìm được một người. Người đó có thể không cần học giáo, có thể không cần nghe kinh, họ có thể thành tựu.

Cho nên trong Phật môn, bất luận là tông phái nào, một pháp môn nào, thật sự có thành tựu, một là người thượng trí, một là người hạ ngu. Hai hạng người này dễ dạy, người thượng trí họ hiểu được, họ thông minh, họ đối với giáo lý thông đạt cho nên họ không có hoài nghi, họ không có xen tạp, không có gián đoạn.

Còn cái hạng ngu này thì cổ nhân thường nói: “Ngu bất khả cập”. Chúng ta người thông thường so với họ không bằng. Tâm địa của họ thanh tịnh, trung hậu, lão thành, họ chẳng có tạp niệm, họ chẳng có dục vọng…

Dạy cho họ một câu Phật hiệu, họ liền niệm đến cùng, họ chẳng có hoài nghi, họ không có xen tạp, thường thường hai ba năm họ thành công rồi, họ vãng sanh biết trước ngày đi, họ không sanh bệnh, rõ rõ ràng ràng, minh minh bạch bạch. Lúc sắp ra đi Phật đến tiếp dẫn, vui mừng mà ra đi, chúng tôi nhìn thấy không ít.

Hạng người trình độ như chúng ta rất là khó độ, lên không lên, xuống không xuống, suốt ngày đến tối, khởi vọng tưởng, trong khi niệm Phật có xem tạp vọng tưởng, trong lúc học giáo cũng có xen tạp vọng tưởng, cho nên học giáo không thể khai ngộ, niệm Phật không được nhất tâm. Căn bệnh ngay tại chỗ này, bệnh của mình phải tự mình đối trị, người khác không thể giúp được.

Tự mình phải có quyết tâm, đem cái căn bệnh của mình sửa đổi trở lại. Cổ nhân nói rất hay: “Ngu bất khả cập”. Chúng ta muốn học hạng ngu rất khó, rất khó. Chúng ta muốn đem thân tâm thế giới, tất cả buông xuống, không thể không đi theo con đường giáo lý này. Thật sự thông đạt giáo lý cũng tức là nói cứu cánh nhân sanh vũ trụ này là sự việc gì? Nếu không thể triệt để thông đạt, nhưng đại khái cũng phải hiểu rõ.

Sau khi hiểu rõ anh mới biết buông xuống, anh mới biết được buông xuống là chính xác. Buông xuống đối với ta mới thật sự có lợi, nếu như không buông xuống thì một đời này của chúng ta dĩ nhiên là luống qua. Đời sau vẫn còn tạo luân hồi, ra không khỏi lục đạo luân hồi, vậy thì chúng ta phải ghi nhớ.

Trong kinh Phật , Phật nói với chúng ta: Lục đạo chúng sanh thời gian trong tam ác đạo thì dài, thời gian trong tam thiện đạo thì ngắn. Phật thường dùng thí dụ nói: Tam ác đạo là quê hương của anh, tam thiện đạo là anh đi ra ngoài du lịch. Anh đi ra ngoài du lịch ngắm cảnh thời gian ngắn tạm.

Tam ác đạo là quê hương của anh, thật rất đáng sợ! Đời đời kiếp kiếp chúng ta là người niệm Phật cùng với Phật có duyên rất sâu, vì sao không thể thành tựu? Tức là không chịu buông xuống, không có đem thân tâm thế giới triệt để buông xuống, cho nên Tây phương Cực Lạc thế giới đi không thành…

Những năm gần đây, chúng tôi đề xướng thuần tịnh thuần thiện. Tâm địa phải thuần tịnh, hành vi phải thuần thiện thì niệm Phật mới được vãng sanh. Vì sao? Tây phương Cực Lạc thế giới giai thị chư thượng thiện nhân tụ hội nhất xứ. Tâm của chúng ta không thanh tịnh, tâm không hiền lương, anh nghĩ xem anh làm sao có thể đi? A Di Đà Phật rất từ bi tiếp dẫn anh đến Cực Lạc thế giới rồi, anh đến Cực Lạc thế giới cùng với người này ở không quen, cùng với người kia trái mắt. Đây là cái chánh nhân của anh không được vãng sanh.

Cho nên tại thế gian này trong mấy chục năm, ngắn ngủi…Giống như chúng tôi là người đã lớn tuổi, đại khái chỉ còn trong vài năm hoặc trong mười mấy năm, người trung niên trở lên phải có cảnh giác cao độ, thời gian không nhiều, anh phải thật sự nắm lấy thời gian làm cái việc đời đời kiếp kiếp của chúng ta, hi vọng cầu một sự việc lớn này, không phải là một đời một kiếp, cơ hội lần này không thể bỏ qua…

Kinh Kim Cang Phật nói rất hay: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh…”. Anh mà đem những thứ này để ở trong tâm thì sai rồi, không nên còn lo lắng. Triệt để buông xuống, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, chỉ có Cực Lạc thế giới. Thật sự người cầu vãng sanh, trong một đời của anh, một bộ kinh Vô Lượng Thọ đủ rồi. Nếu chê kinh Vô Lượng Thọ quá nhiều, không cách nào thọ trì, vậy thì anh học kinh A Di Đà.

Kinh A Di Đà phân lượng ít, trước kia tại Trung Quốc chúng ta đều biết Ngài Liên Trì Đại Sư, đời cận đại Ấn Quang Đại Sư, các Ngài một đời chỉ thọ trì một bộ kinh A Di Đà, một câu lục tự hồng danh, thành Phật làm tổ. Nhất là Ngài Liên Trì Đại Sư nói rất hay: “Tam tạng mười hai bộ nhường cho người khác ngộ. Quý vị nào ưa thích thì quý vị đi ngộ. Tám vạn bốn ngàn hạnh (là tám vạn bốn ngàn pháp môn) nhường cho người khác hành, quý vị ưa thích tu pháp môn nào thì quý vị đi tu”. Ngài tự mình hết lòng hết dạ một bộ kinh Di Đà, một câu Phật hiệu thành Phật làm Tổ cũng dư thừa. Cái tâm vĩnh viễn là thanh tịnh, vĩnh viễn là chí thiện. Chúng tôi nói thuần tịnh thuần thiện, ngài hoàn toàn đã thực hiện được, hoàn toàn đã làm được cho nên ngài đã thành tựu.

Cái sự việc này nói thì dễ, lúc làm thì khó. Chỗ khó ở chỗ nào? Cái khó ở chỗ cái lý chúng ta không thấu triệt, phương pháp chưa tìm được tỉ mỉ tường tận. Nhất định phải biết rõ từ trong nội tâm của mình làm công phu, Phật pháp gọi là nội học, thời thời khắc khắc tự mình quán sát, không nên đi nhìn người khác, phải tiêu trừ mâu thuẫn trong nội tâm thì tâm của anh mới được thanh tịnh – Ngẫu Ích Đại Sư nói rất hay: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu tại nơi tâm”…

Hòa thượng Tịnh Không