Thiện Căn Hiện Ra Lúc Đang Công Phu

Thiện Căn Hiện Ra Lúc Đang Công PhuKhi công phu thiện căn chúng ta hiện ra. Công phu hiện ra có 3 thứ:

1- Trong khi đang niệm Phật không có ý tưởng (trong vô ý) đột nhiên trong tâm thấy Phật tu hành chứng quả, độ hóa chúng sanh và chủng chủng tướng hảo quang minh rất rõ ràng minh bạch. Đây là tướng lành niệm Phật thiện căn hiện tiền.

2- Trong định, ta tịnh tọa niệm Phật, ta không nhập định như những người tu thiền định, chúng ta đang tu Phật thất lúc tịnh, khi Phật hiệu ngưng lại, có cảm giác thân tâm thanh tịnh, đột nhiên thấy được tướng Phật hiện tiền. Đây là hiện tiền thấy được tướng lành.

3- Trong mộng thấy được Phật giảng kinh thuyết pháp hoặc thấy Phật xoa đầu thọ ký: thấy được tướng lành.

Nên nhớ, tướng thiện căn xuất hiện chớp nhoáng. Nếu thấy được lâu dài đó không phải là tướng lành mà có thể là ma hiện ra làm mê hoặc chúng ta. Dù những tướng lành thù thắng đến đâu cũng không nên sanh lòng vui mừng. Vì sao? Vì sự việc nầy rất bình thường, chẳng có gì phi thường, công phu chưa sâu lắm. Được thấy tướng thiện căn giúp chúng ta vững lòng tin mà tinh tấn tu hành.

Trích Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao Tinh Hoa
Lão hòa thượng Tịnh Không chủ giảng

Hộ Niệm Là Một Pháp Tu Từ A Đến Z

Hộ Niệm Là Một Pháp Tu Từ A Đến ZNgười ta hay nói là hộ niệm lúc lâm chung, chứ thực ra thì hộ niệm có thỉ có chung, mà tại vì người ta vô ý quên cái “Thỉ” tức là khởi đầu, mà cứ nhớ cái “Chung” tức là lâm chung. Thực ra thì phương pháp hộ niệm là một pháp tu nó có từ A tới Z. Nó là một quá trình toàn bộ.

Từ A, ví dụ cụ thể như chúng ta đi chùa bắt đầu niệm Phật là từ A. Rồi từ B là khởi tâm ăn chay, làm việc thiện lành. Rồi từ C là chúng ta bỏ cống cao ngã mạn, bỏ thị phi ganh tỵ… Nói chung, đây là một pháp tu hướng dẫn chúng ta từ khởi thỉ, cho đến lúc lâm chung cuối cùng. Tới Z tức là cái bước cuối cùng để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nhiều người không hiểu, nên cứ nói khi lâm chung thì kêu ban hộ niệm tới, cho đó là phận sự hộ niệm. Cho nên người ta cứ để cho đến mê man bất tỉnh trong bệnh viện, cái lúc mà sắp hấp hối, sắp lìa khỏi cái báo thân này mới kêu ban hộ niệm. Thực là lầm lẫn quá lớn! Ngay tại Niệm Phật Đường của chúng ta có trương một tờ thông cáo thật lớn, màu vàng, dán trên bảng trắng. Nếu người nào mới tới thì chúng ta nên hướng dẫn họ đọc cái thông báo đó. Thông báo đó nói rằng, hộ niệm là một cái phương pháp giúp cho mọi người có đầy đủ Tín – Nguyện – Hạnh. Thực hiện đầy đủ những thứ đó để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, chứ không phải là cứ đợi cho đến lúc bệnh sắp chết, sắp lâm chung hay đang hấp hối mới kêu ban hộ niệm tới. Nếu mà đợi tới lúc đó thì xin thưa thực, đã quá muộn màng!

Ở đây chúng ta thường xuyên nói về hộ niệm, thì chúng ta cũng phải hiểu một cách liễu nghĩa, rõ ràng. Hòa Thượng Tịnh-Không nói ba điều:

– Một là tỉnh táo.
– Hai là gặp thiện tri thức khai thị.
– Ba là người đó phải mau mau thực hiện liền những lời của người thiện tri thức đó hướng dẫn.

Như bây giờ chúng ta đang ở đây, chưa bệnh, chưa mê man bất tỉnh, tức là chúng ta đang “Tỉnh táo”. Điều kiện thứ nhất chúng ta có. Chúng ta đang nghe Hòa Thượng thuyết pháp, khai thị, hướng dẫn niệm Phật vãng sanh, là ta “Gặp thiện tri thức khai thị”. Cái điều thứ ba là ta có chịu mau mau “Y giáo phụng hành”, ứng dụng lời dạy của Ngài để thực hiện liền hay không? Nếu chúng ta làm được ba điều đó tức là chúng ta thực hiện phương pháp hộ niệm vãng sanh, sau cùng ta được vãng sanh.

Ta bây giờ đang tỉnh táo, hàng ngày chúng ta đang nói chuyện hộ niệm với nhau, dẫn dắt rất là kỹ, từng chút từng chút, tức là chúng ta đã có điều kiện có người hướng dẫn vãng sanh, thì gọi là gặp thiện tri thức khai thị. Ta có chịu áp dụng lời khuyên này để thực hiện liền, thì với ba điều kiện này đúng, sau cùng chúng ta vãng sanh.

Nếu ta đang tỉnh táo như thế này, đã gặp được người hướng dẫn pháp vãng sanh, nhưng ta không chịu làm. Ta cứ chờ cho đến lúc lâm chung rồi mới kêu ban hộ niệm tới, tức là hoàn toàn ta đã sai! Tức là tỉnh táo, nhưng thực ra thì ta bị lầm lẫn ở chỗ nào đó, không tỉnh táo đúng mức!

Ta nghe thiện tri thức nói chuyện về hộ niệm, mà ta không áp dụng, tại vì ta nghe lướt qua, rồi bỏ qua. Ta cho chuyện này là quá tầm thường, nên ta tiếp tục nằm ở đó để chờ chết! Sắp chết rồi mới kêu ban hộ niệm tới, thì tất cả ba điểm: tỉnh táo, gặp thiện tri thức và áp dụng ta đã bị thiếu sót quá nhiều.

Đây chính vì từ cái niềm tin không vững. Tất cả những cái đó đều là “Duyên” hết. Ví dụ như tôi từng đi các nơi, tôi gặp những người đã nghe pháp của Hòa Thượng Tịnh-Không, không phải họ ngồi để mà nghe đâu à, mà người ta sắp hàng với nhau rồi quỳ xuống, chắp tay lại để nghe suốt đoạn khai thị. Mà nhiều ngày người ta cũng làm như vậy nghen, không phải là một ngày đâu à. Người ta có những cái bồ đoàn thế này, tất cả họ quỳ dọc dọc như vậy, quỳ xuống chắp tay để mà nghe lời pháp của Hòa Thượng.

Chính vì họ có cái tâm chân thành như vậy, nên nơi đó vãng sanh rất nhiều. Ta ở đây thì trực tiếp nghe, lại gặp qua Hòa Thượng, ta nghe chính Ngài khai thị. Nhưng mà nhiều khi cái tâm chúng ta không có để ý, ta chỉ nghe cho vui! Có nhiều người mỗi khi nghe Hòa Thượng về thì tìm đến gặp Hòa Thượng cho vui. Thật ra, đâu cần cái vui này!

Ở Việt Nam người ta có gặp trực tiếp Ngài đâu à? Người ta chỉ nhìn thấy trên màn ảnh thôi. Người ta để Ti-Vi đó, rồi sắp hàng dài quỳ xuống như vậy. Một phần thành tâm, một phần lợi ích, hai phần thành tâm hai phần lợi ích; mười phần thành tâm mười phần lợi ích. Tại đây chúng ta không có đủ thành tâm, nên nhiều khi đến gặp Ngài mà ta còn lười biếng. Mà thực ra gặp Ngài để làm chi? Gặp Ngài chính là gì? Chính là nghe những lời giảng pháp của Ngài, rồi thực hiện theo cho đúng.

Pháp hộ niệm là một pháp tu có từ A tới Z. Trong đợt nói chuyện trước, ta đã nói đến đề tài này. Tại sao ở nơi đó người ta thành tựu? Thành Tâm!… Còn trong khi chúng ta ở đây trực tiếp nói chuyện với nhau, ngày ngày nói chuyện thẳng luôn hầu củng cố phương pháp hộ niệm được vững vàng, nghĩa là đường vãng sanh chúng ta không bị sơ suất. Nhưng mà coi chừng! Hễ chúng ta để ý thì chúng ta sẽ vãng sanh, còn nếu không để ý thì chúng ta mất phần vãng sanh, trong khi đó người ở xa mà lại được vãng sanh. Lạ vậy đó chư vị.

Cũng như Hòa Thượng ở tại đây, nhiều người ngày nào cũng gặp Hòa Thượng. Mỗi lần Hòa Thượng đến là tổ chức đi đón. Nhưng mà coi chừng, chưa chắc những người này sẽ được vãng sanh. Còn những người ở xa, người ta chỉ thấy trên màn ảnh thôi. Dù chỉ thấy trên màn ảnh nhưng người ta quỳ xuống lạy. Nghe pháp trên màn ảnh, mà người ta chắp tay lại, quỳ xuống, suốt một tiếng đồng hồ để lắng nghe lời pháp của Ngài. Chính cái lòng chân thành này, chính cái lòng thành kính này, khiến cho từng lời từng lời của Ngài lọt vào tâm của họ và họ đi rất vững. Họ đi liền. Họ không chần chờ. Họ được vãng sanh.

Rồi ở mỗi nơi như vậy họ sao chép giảng pháp ra, phổ biến tiếp… Họ ráng cố gắng theo dõi để ứng dụng. Thế mà, thực sự ở chỗ đó lại có người vãng sanh. Ở Việt Nam, có một ban hộ niệm đến nay hộ niệm được một trăm lẻ một người, có ban hộ niệm khác hộ niệm một trăm ba mươi mấy người… Hiện tại ban hộ niệm ở Việt Nam, bây giờ tổng kết lại, không đếm được. Có thể trên mấy trăm ban hộ niệm.

Tại sao người ta được vãng sanh? Là tại vì người ta thấy cuộc đời này khổ quá! Là tại vì khi gặp được pháp hộ niệm này làm cho người ta ngỡ ngàng! Trong suốt cuộc đời của họ, người ta không ngờ có chuyện này đâu à! Trong bao nhiêu năm tu hành, người ta không ngờ có chuyện được vãng sanh đâu à! Nhưng bây giờ gặp được rồi, người ta mừng quá. Quá vui mừng thành ra người ta mới nghiên cứu từng chút, từng chút, từng chút như vậy, rồi ứng dụng liền.

– Chính vì cái lòng Thành Tâm.
– Chính vì cái lòng Kính Cẩn.
– Chính vì cái lòng Tin Tưởng… mà họ vãng sanh.

Cho nên muốn được vãng sanh không có gì khác hơn là chúng ta phải bắt đầu đi từ A, rồi tới B, tới C, tới D… để sau cùng chúng ta tới Z. Z là lúc lâm chung. Tức là cố gắng tu hành, cố gắng buông xả, cố gắng lập nguyện. Nhiều khi mình còn phải đi làm, thì khi về nhà dành ba mươi phút… Ba mươi phút có thể niệm được hai ngàn tiếng Phật hiệu, ba ngàn tiếng Phật hiệu rồi. Chiều lại mình niệm thêm ba mươi phút nữa, ba mươi phút có thể niệm ba ngàn nữa. Sáu ngàn câu A-Di-Đà Phật. Phải làm như vậy. Để chi? Để cho đến lúc Z, tức là khi chúng ta lâm chung, chúng ta sẽ có một cái số vốn niệm Phật.

Những người không đi làm, thì khi đến Niệm Phật Đường niệm Phật, rồi về thay vì chúng ta đánh cờ tướng để làm chi? Thay vì bàn luận lý lẽ làm chi? Hãy cố gắng cầm xâu chuỗi mà niệm Phật. Ta niệm ba mươi phút rồi ta đếm thử coi? À! Ta niệm được mấy chục chuỗi. Rõ ràng ba mươi phút ta có thể niệm hai ngàn, ba ngàn câu A-Di-Đà Phật. Có người niệm nhanh, trong ba mươi phút có thể niệm tới năm ngàn câu A-Di-Đà Phật. Người ta niệm nhanh như vậy.

Niệm Phật…

– Để cho cái tâm mình hòa nhập với câu A-Di-Đà Phật.
– Để cái miệng mình mở ra là A-Di-Đà Phật.

Khi miệng mình mở là niệm A-Di-Đà Phật rồi thì…

– Nhất định những chuyện thị phi.
– Nhất định những chuyện nói người này tốt người kia xấu… sẽ xa lần, xa lần, xa lần…

Câu A-Di-Đà Phật thâm nhập vào trong tâm mình, nó đuổi những cái đó ra. Nghiệp chướng của mình cũng theo cái dòng đó mà trôi ra ngoài. Thay vì mình bệnh, mê man bất tỉnh, thì mình không còn bệnh nữa. Thay vì mình bị chướng ngại, thì mình không còn chướng ngại nữa. Nghiên cứu mười điều lợi của sự niệm Phật quý vị sẽ thấy, chư Thiên mà còn phải đảnh lễ người niệm Phật nữa.

Cho nên khi vô trong Niệm Phật Đường này, xin thưa quý vị chú ý, khi chúng ta đã là người niệm Phật rồi thì đừng nên sơ ý. Đừng nên nói chuyện trong Niệm Phật Đường. Đừng thấy rằng trong Niệm Phật Đường chỉ còn có một mình mình thôi, thì muốn làm gì làm. Không phải như vậy đâu à. Đừng bao giờ bước ngang qua khoảng giữa này, mà chúng ta phải đi vòng. Nên nhớ, “Tuy vô tân khách chí, diệc hữu Thánh Nhân hành”, chính là chỗ này. Những chỗ tu hành tinh tấn, thường có chư vị Thánh Nhân, Thiên-Long, Hộ-Pháp tới lui, các Ngài kinh hành, các Ngài niệm Phật với mình…

Nếu mà mình làm đúng như vậy thì chư vị đó sẽ hỗ trợ cho mình, phước đức của mình tăng lên, nghiệp chướng của mình giảm đi, và chúng ta sau cùng được an nhiên tự tại vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

Ngọc Hoàng Thượng Đế Vẫn Chưa Thoát Khỏi Sanh Tử

Ngọc Hoàng Thượng Đế Vẫn Chưa Thoát Khỏi Sanh TửChữ Phật có nghĩa là giác ngộ. Học Phật có nghĩa là học làm người giác ngộ, tức là “phá mê khai ngộ”. Tâm giác ngộ là tâm Bồ Tát, ngược lại, cái tâm mê hoặc điên đảo là cái tâm sinh tử luân hồi. Dùng cái tâm sinh tử luân hồi mà tu tất cả các pháp thiện thì cũng vô ích, cũng không thể thoát khỏi luân hồi. Tuy nhiên vẫn có được phước báo. Phước báo đó, theo như trong kinh nói, sẽ được sinh vào một trong sáu nẻo luân hồi nằm trong ba cõi, mà phước báo cao nhất là được sinh vào cõi Đại phạm thiên. Vua của cõi trời Đại phạm thiên vẫn là phàm phu, cũng không có cách gì để có thể thoát khỏi sự trôi lăn trong sáu nẻo. Hưởng hết phước báo rồi lại bị đọa lạc, luân hồi. Cho nên, làm Thượng đế cũng không phải là cứu cánh.

Học Phật cần phải có một cái tâm giác ngộ. Tâm giác là tâm thanh tịnh. Cho nên, người học Phật phải luôn luôn giữ cho cái tâm của mình được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chính là tâm giác ngộ, trong tâm không có nghi hoặc, không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, luôn luôn sống với cái tâm thanh tịnh, bình đẳng. Trong cuộc sống hằng ngày, bất kể chúng ta làm việc gì, ở đâu, tiếp xúc với ai, đều phải giữ cái tâm không nghi hoặc, không vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, sống với cái tâm thanh tịnh. Giữ đư?c cái tâm thanh tịnh như thế thì đó chính là “lục độ vạn hạnh” của Bồ Tát tu tập. Điều đó cho thấy Bồ Tát tu tập không tách rời cuộc sống, từ trong cuộc sống này mà tu tập thành tựu hạnh nguyện Bồ Tát một cách viên mãn. Không cần phải thay đổi cách sống và môi trường làm việc, đó mới là tinh thần của Phật giáo Đại thừa.

Trong kinh luận Đại thừa thường nói “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, chúng ta phải lãnh hội cho được ý nghĩa của câu kinh này. Hoàn cảnh xã hội, môi trường làm việc, tính chất công việc, phương pháp làm việc của mỗi người có thể khác nhau, nhưng tất cả đều có thể thực hành tu tập hạnh nguyện của Bồ Tát và thành tựu đạo hạnh như các bậc Bồ Tát. Thực hành được như vậy chính là thể hiện tinh thần “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”.

Tâm của Bồ Tát là chân thành, thanh tịnh, từ bi; hạnh của Bồ Tát là lìa tất cả các tướng, tu tất cả các điều thiện. Tu tập được như vậy thì có được an lạc, hạnh phúc mỹ mãn ngay trong hiện tại. Chỗ khác biệt giữa phàm phu với Bồ Tát là: phàm phu thì chỉ biết lo cho bản thân mình, còn Bồ Tát thì trong mỗi ý niệm đều nghĩ đến cứu độ chúng sanh, vì tất cả chúng sanh mà phục vụ. Dù làm tất cả những việc ấy, trong tâm của Bồ Tát vẫn không phân biệt, chấp trước, cho nên “làm mà coi như không làm, không làm mà làm tất cả”. Điều đó có nghĩa là tuy làm mọi công việc, nhưng trong tâm thì coi như không làm việc gì hết. Vì vậy mà tâm của các ngài luôn luôn thanh tịnh, trong sáng. Đó là chỗ khác biệt giữa phàm phu và Bồ Tát.

Kẻ phàm phu thì làm việc gì cũng đắn đo, phân biệt, chấp trước, có tu có được. Trong tâm chỉ có một ý niệm mê mờ, luyến ái, chấp thủ. Vì không thể nào thoát khỏi ý niệm vô minh, luyến ái, chấp thủ cho nên mãi mãi bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát khỏi tam giới, không bao giờ tu hành được chứng quả. Đừng nói đến là quả vị của Bồ Tát Đại thừa, mà ngay cả quả vị đầu tiên (sơ quả) của Tiểu thừa cũng không đạt được, niệm Phật cũng không thể vãng sinh. Điều kiện cần và đủ để người niệm Phật có thể vãng sinh là thân tâm phải thanh tịnh. Trong tâm nếu còn một chút tham đắm, luyến ái đối với hoàn cảnh thế giới, với tất cả mọi việc trong sáu nẻo không thể nào buông bỏ được thì không bao giờ được vãng sinh. Điều này những người mong muốn cầu vãng sinh không thể không biết. Cho đến những vấn đề như cuộc sống trong tam giới, trong lục đạo so với cuộc sống siêu thoát ngoài tam giới, ngoài lục đạo khác nhau như thế nào, chúng ta đều phải biết một cách thấu đáo, rồi sau mới làm phát khởi cái tâm từ bỏ luân hồi, cầu thành Phật đạo.

Con người nếu không thoát khỏi được tam giới thì phạm vi cuộc sống của họ chỉ luẩn quẩn trong sáu nẻo luân hồi, không gian cuộc sống rất nhỏ bé, và đương nhiên cuộc sống cũng rất khổ đau. Thí dụ, cuộc sống của trời Phạm thiên vương, mặc dù phạm vi sinh hoạt của ông ta là bao quát cả lục đạo, nhưng nói cho cùng thì cũng chỉ trong ba cõi mà thôi, không thoát ra ngoài sáu nẻo luân hồi được. Ngày nay chúng ta được làm thân người, sống trong lục đạo cũng rất đáng thương! Phạm vi cuộc sống của chúng ta không ra khỏi quả địa cầu này. Nếu như sinh vào đường súc sinh, thí dụ làm một con chó người ta nuôi trong nhà chẳng hạn, thì phạm vi sinh hoạt của nó không ra khỏi ngôi nhà của chủ. Chúng ta phải hiểu điều này, trong lục đạo, địa vị và phạm vi sinh hoạt của chúng ta rất nhỏ bé, rất đáng thương! Đó là nguyên do vì sao đức Phật dạy chúng ta phải cố gắng tu tập thành Phật, thành Bồ Tát. Mục đích là muốn chúng ta có một không gian cuộc sống bao la không giới hạn.

Trong đời này, chúng ta chỉ có một điều duy nhất để nắm giữ, một việc lớn nhất để làm, đó là cầu nguyện được vãng sinh sang thế giới Tây phương cực lạc. Sau khi sinh sang thế giới Tây phương cực lạc, phạm vi không gian cuộc sống của chúng ta, giống như trong kinh “Vô lượng thọ” đã nói, là tận cùng hư không, biến khắp pháp giới, giống như thế giới của các chư Phật. Trong mười phương quốc độ của chư Phật, nghĩ đi liền đi, nghĩ về liền về, rất tự do tự tại! Còn trong sáu đường luân hồi thì rốt cuộc không thể thoát khỏi quả báo sinh tử ‘xả thân thọ thân’, nghĩ đến thật nói không hết khổ!

Được sinh sang thế giới Tây phương cực lạc thì tuổi thọ vô lượng vô biên, mãi mãi không bị sinh tử luân hồi. Tướng mạo thân thể thì tùy theo ý niệm của tất cả chúng sanh mà biến hóa ra, giống như trong kinh “Phổ môn” đã nói: “Chúng sinh muốn được độ bằng hình thức thân thể như thế nào, liền hiện ra thân như thế ấy để độ”. Tôn Ngộ Không có 72 phép biến hóa, người đời ai nấy đều ngưỡng mộ, trong khi đó thần thông biến hóa của chư Phật, Bồ Tát thì vô lượng vô biên, không giới hạn, không phải tư duy, tưởng tượng của con người có thể hiểu hết được, lại còn có quả báo rất thù thắng và cuộc sống hạnh phúc rất mỹ mãn, tại sao chúng ta lại không muốn? Nếu như thật sự muốn vãng sinh sang thế giới ấy thì nhất định phải đem cái tâm niệm tham luyến thế giới này buông bỏ hết, lấy cái tâm thanh tịnh chân thành niệm Phật. Trong một đời này nhất định thành tựu, tuyệt đối không quá.

Trích SANH TÂM VÔ TRÚ
Nguyên tác: Tịnh Không Pháp sư
Việt dịch: Thích Nguyên Hùng

Vì Huệ Mạng Của Mình Hãy Cứu Lấy Chính Mình

Vì Huệ Mạng Của Mình Hãy Cứu Lấy Chính MìnhTrong những ngày này chúng ta hô hào chuyện phát tâm lập nguyện. Vì thực sự nhìn cho rõ ra thì cái huệ mạng của mình quá nguy hiểm rồi, không phải đơn giản đâu! Nếu mình tu mà không có lập nguyện, thì nhiều khi mình bị liệt vào cái hạng người tu thử, tu tà tà, tu lai rai, tu chơi chứ không phải tu thực! Nếu bị liệt vào cái hạng người đó, thì thường thường là nghiệp chướng của mình nặng lắm rồi! Đến lúc lâm chung xuống sợ rằng ta cự với nó không được, mà ngược lại nó hành hạ ta cho đến mê man bất tỉnh, cho đến tâm trí quay cuồng, lúc đó có hộ niệm cũng đành chịu thua!

Cho nên trước tiên mong muốn chư vị cố gắng lập công cứ. Ở đây chúng tôi có cái công cứ gọi là “Cửu Phẩm Liên Đài Vãng Sanh Tịnh Độ”, chúng ta có thể phát tâm nhận về làm. Đây giống như cái nấc thang cho mình đi vậy.

– Mình không dám nói chuyện với người ta tại vì mình trân quý từng chút thời giờ.
– Mình không dám ngồi trước bàn cờ tướng vì mình trân quý câu A-Di-Đà Phật.
– Mình không dám nghĩ này nghĩ nọ thì cái tâm sẽ nhiếp vào trong câu A-Di-Đà Phật.

Tập sự được như vậy thì trước những giờ phút ra đi mình có hy vọng được “Tâm bất điên đảo”, tâm không bị khủng bố, không bị não loạn, vì trong tâm của mình luôn luôn xuất hiện câu A-Di-Đà Phật. Và mình niệm liên tục, niệm cho đến cái giây cuối cùng trước khi mình tắt hơi ra đi vẫn còn tiếng Phật hiệu. Sau đó cái tâm thức của mình vẫn tiếp tục niệm Phật.

A-Di-Đà Phật phát cái đại thệ rằng, Người nào trước lúc lâm chung niệm danh hiệu của Ngài cầu vãng sanh về Tây Phương, dẫu cho mười niệm mà không được vãng sanh về Tây Phương thành vị Bồ-Tát bất thối chuyển ở đó, Ngài thề không thành Phật.

Ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói rằng, Một người nào mà thành tâm niệm Phật, một ngày niệm được 30.000 câu A-Di-Đà Phật, cứ giữ cái mức này mà niệm, đến cuối đời mà không được vãng sanh thì chư Phật trên mười phương nói lời vọng ngữ. Ngài nói như vậy!

Ngài Thiện-Đạo cũng nói như vậy. Ngài đưa ra cái tiêu chuẩn 30.000 ngàn câu. Người nào thành tâm niệm 30.000 câu Phật hiệu một ngày, mà đến lúc lâm chung không được vãng sanh chẳng lẽ chư Phật mười phương chịu tội vọng ngữ sao?.

Các Ngài khẳng định cho ta niệm Phật tới mức độ đó, nói chung từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng chúng ta hoan hỷ cái tâm của mình, vui tươi cái tâm của mình trong tiếng Phật hiệu, tự nhiên khuôn mặt càng ngày càng sáng ra, nghiệp chướng càng ngày càng tiêu đi, tự nhiên bao nhiêu những ách nạn, những khó khăn gì của mình trong đời nó biến đi hồi nào không hay! Rồi khi đối trước cơn hấp hối, cái bệnh khổ hình như nó không còn hiện hình nữa. Lúc đó mình mới thấy rõ rệt là một câu A-Di-Đà Phật mà chí thành niệm đã phá tan 80 ức kiếp nghiệp chướng sinh tử trọng tội. Một câu chí thành mà niệm được trong lúc lâm chung thì một người tội xuống địa ngục A-Tỳ được đi thẳng về Tây Phương thành đạo luôn.

Cái năng lực này không có cái gì có thể sánh bằng được. Có nhiều người khi bệnh xuống thì sợ bệnh, lo chạy đọc kinh này đọc kinh nọ, đọc chú này đọc chú nọ để giải nghiệp. Tốt hay xấu? Tốt! Chứ không xấu. Nhưng thực sự chư Tổ đã nói: “Đọc kinh không bằng niệm chú, niệm chú không bằng niệm Phật”. Đọc chú nhiều lắm là xóa cho mình cái nghiệp đó, còn vạn cái nghiệp khác ai xóa đây? Còn niệm Phật xóa được nghiệp thì tốt. Không xóa được cũng không sao, vẫn có thể vượt về tới Tây Phương Cực Lạc. Nên nhớ rằng, dù phá được nghiệp nhưng ta vẫn còn trong sanh tử luân hồi, vì cái nghiệp của mình đã “Năng địch Tu-Di” rồi! Mà phá làm chi? Hãy gói lại là được rồi. Lấy câu A-Di-Đà Phật gói lại. Cái năng lực của câu A-Di-Đà Phật đưa một người phàm phu, đưa một chúng sanh tội lỗi từ địa ngục A-Tỳ lên tới Tây Phương Cực Lạc. Ấy thế có nhiều người niệm Phật mấy chục năm rồi mà chưa chịu hiểu đến chỗ này!… Chính vì vậy, khi tu hành cần phải hiểu cho liễu nghĩa, hiểu cho rõ lý đạo để chúng ta áp dụng đúng đắn thì mới được vãng sanh về Tây Phương.

Chủ yếu cái chương trình chúng ta nói về “Khế Lý – Khế Cơ” là như vậy! Hiểu lý của Phật nhưng chúng ta áp dụng không đúng, nhiều khi vẫn bị trở ngại. Với hạng phàm phu tục tử như chúng ta, nếu chúng ta chú tâm diệt nghiệp thì không cách nào diệt được. Vì sao vậy? Vì trong lúc muốn diệt nghiệp tức là sợ nghiệp, sợ nghiệp chính là duyên với nhiều nghiệp khác. Cố tình diệt cái nghiệp này thì cái nghiệp khác nó tràn ra, “Duyên Khởi Trùng Trùng”. Chúng ta diệt không nổi! Nếu chúng ta không sợ nghiệp, chúng ta sẵn sàng đón nhận tất cả những nghiệp đến, nó đến nhiều ta chịu nhiều, nó đến ít ta chịu ít, an nhiên tự tại đi. Trong lúc đó là lúc tâm ta an nhiên niệm câu A-Di-Đà Phật. Câu A-Di-Đà Phật đi trên cái nghiệp đó, bao cái nghiệp lại. Thành ra, là một người phàm phu tục tử, nhưng nhờ đại lực của A-Di-Đà Phật, đại nguyện của A-Di-Đà Phật đưa ta về Tây Phương. Tuyệt vời vô cùng.

Chính vì vậy mà phát nguyện, lập nguyện hay vô cùng, tốt vô cùng. Nếu không lập nguyện coi chừng tưởng là tu giỏi, nhưng mà không đâu ạ! Oan gia trái chủ sẵn sàng tới sát bên mình, âm thầm, lặng lẽ chờ đến lúc lâm chung mới ra tay. Một sáng một chiều thì chịu thua, không còn cách nào có thể cứu vãn được nữa!

Liên quan tới chuyện lập nguyện, Diệu Âm nhớ ra một câu chuyện như thế này, có thực. Diệu Âm kể chư vị nghe thử để coi cái nguyện của mình như thế nào?…

Đó là khoảng năm 2003-2004 gì đó, thì ngày đó là cái ngày tiễn đưa anh Bốn (Anh Phước) đi về Mỹ, nên mới để cái đồng hồ báo thức reng lên lúc hai giờ rưỡi, mà quên đi không lấy lại. Đêm đó ngủ, hai giờ rưỡi nó reng lên. Thông thường thì 4 giờ rưỡi mới reng, vì bốn giờ rưỡi reng thì tôi thức dậy rửa mặt, vệ sinh, xong đi vào trong Tịnh Tông Học Hội lạy Phật, rồi năm giờ rưỡi ra tụng kinh với người ta.

Đêm đó là một đêm trăng sáng vằng vặc. Hai giờ rưỡi đồng hồ reng lên, tôi thức dậy rửa mặt đánh răng, rồi lủi thủi mở cửa, âm thầm đi ra ngoài đường, cầm xâu chuỗi trên tay cứ niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật” đi vô trong Tịnh Tông, chứ không coi giờ. Đường thì vắng teo, ánh trăng sáng vằng vặc, lại có mưa phùn phùn nữa… Khi tới cổng của Tịnh Tông thì cửa còn đóng…

Tôi lấy làm lạ! Ủa tại sao kỳ vậy? Từ trước đến nay, tới giờ này thì cửa đã mở rồi, tại sao bây giờ người mở cửa lại quên đi? Cái cổng đó rộng lắm, nên tôi lách qua được, vì tôi nhỏ con mà. Lách một cái, chen vô để vào bên trong. Khi tôi vừa vô bên trong rồi, thì có một chuyện xảy ra làm tôi ngỡ ngàng, giật mình!…

Có một ông Cụ trên 70 tuổi, ông trải cái khăn tắm(?) ra giữa đám cỏ trước căn liêu phòng số 18, ở giữa trời gần mấy cái gốc cây bự mà lạy Phật… Cứ niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”… Vừa niệm vừa lạy.

Lúc đó tôi vô đúng là 3 giờ. Vì thường khi tắm rửa xong, tôi vô đó là đúng 5 giờ. Hôm nay thức dậy 2 giờ rưỡi thì tôi vô tới đó chắc chắn là đúng 3 giờ. Tôi thấy ông ta cứ niệm: “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”… và lạy. Ông cứ tiếp tục lạy… Tôi không biết là do trời mưa hay vì mồ hôi của ông ta ra mà cả cái khăn và người ông ta đều ướt. Tôi đi ngang qua, ông vẫn làm thinh coi như không có gì xảy ra. Ông cứ tiếp tục lạy, cứ lạy xuống niệm “A-Di-Đà Phật”… Cứ lạy như vậy, lạy giữa không trung. Tôi giật mình! Sửng sốt! Một ông Cụ hơn 70 mấy tuổi, lạy Phật giữa trời qua đêm! Không biết ông đã bắt đầu lạy từ hồi nào?…

Nếu giả sử như đêm đó tôi không tới, thì chắc chắn không bao giờ phát hiện ra chuyện này!… Mà vì vô tình thức sai giờ, tôi tới đó trong lúc quá sớm, mới phát hiện lúc ba giờ sáng có một ông cụ đã thức dậy từ hồi nào, trải cái khăn giữa bãi cỏ lạy Phật qua đêm…

Quý vị nghĩ đi? Cái tâm hạnh người ta lớn như vậy, người ta quyết lòng đi về Tây Phương như vậy, mới có thể vượt qua những ách nạn để đi về Tây Phương! Còn ở đây, mình nghĩ rằng có làm được như vậy không?

Xin thưa, cái Niệm Phật Đường ở đây trang bị không phải là cao sang gì, nhưng cũng vừa đủ tiện nghi để niệm Phật, phương tiện đầy đủ. Nếu người đi làm bận bịu thì không nói gì, có những người không đi làm mà khi đến giờ niệm Phật nhiều khi cũng trằn lên trụt xuống, không chịu niệm Phật. Như vậy thì…

– Làm sao dám gọi mình là người tu thực?
– Làm sao dám gọi mình là người muốn về Tây Phương?
– Làm sao mà oan gia trái chủ thông cảm cho mình?…

Rõ rệt mà! Cho nên, hãy trực nghĩ lại, hãy thương lấy thân phận của mình, mà quyết tâm hạ thủ công phu niệm Phật. Ở đây có ai dám từ chỗ này cứ một bước một lạy, lạy ra tới cổng kia không? Mười thước thôi đó. Có ai dám không? Tôi sợ rằng không ai dám đâu à! Ấy thế mà đã có lần, cũng một lần khác đi vào hớ như vậy, tôi đã gặp một vị Sư Cô lạy chung quanh cái Niệm Phật Đường đó, lạy từ hồi nào không biết mà hai đầu gối của Cô đã rướm máu ra rồi! Cứ ba bước một lạy… Ba bước một lạy… Ngài làm như vậy đó!…

Quý vị thấy cái nguyện của người ta không? Quý vị thấy cái quyết tâm đi về Tây Phương không? Trong khi đó thì chúng ta ở đây một ngày niệm Phật đều đều như vậy, đó là cái căn bản thôi, cái tập sự thôi! Cố gắng lên chư vị. Phát tâm lên chư vị. Vì cái huệ mạng ngàn đời ngàn kiếp của mình, mình phải cố gắng cứu mình, không tự cứu mình thì không ai cứu mình được.

Cố gắng quyết lòng phát tâm, quyết lòng lập nguyện để chúng ta cùng nhau đi về Tây Phương thành đạo, cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)