Niệm Phật Công Đức phần 3

Niệm Phật Công Đức phần 3III. HIẾU DƯỠNG CHA MẸ, TÔN KÍNH SƯ TRƯỞNG LÀ CĂN BẢN TU HÀNH TRONG PHẬT PHÁP.

1. Sinh mệnh đổi thay theo nhân quả. Nhân quả là chân lý.

Định nghĩa sự tu hành, chúng ta phải làm sáng tỏ. “Tu” là sửa cho ngay; “Hành” là hành vi. Tu hành chính là tu sửa những hành vi sai lầm đã qua. Phạm vi của hành vi rất rộng lớn. Đức Phật xếp hành vi vào ba loại lớn: Thân, khẩu, ý.

“Thân” là sự tạo tác của thân. Nhất cử nhất động của chúng ta là hành vi của thân.

“Khẩu” là chỉ cho lời nói, lời nói là hành vi của miệng.

“Ý” là tư tưởng, kiến giải, chính là cách nghĩ, cách nhìn của chúng ta đối với tất cả sự vật và con người. Những hành vi này có sự sai lầm, thiên lệch thì sẽ chiêu cảm lấy những quả báo không như ý. Hành vi là nhân của tạo tác. Có nhân nhất định có quả; hành vi thiện cảm được quả báo thiện. Hành vi ác cảm lấy quả báo ác. Nhân duyên quả báo là chân tướng của sự thật, cũng chính là chân lý mà người thời nay đã nói.

Pháp thế gian bao gồm sáu đường, mà loài người là cao nhất. Thành phần trí huệ phước báo lớn hơn là thiên nhân; cõi trời có: Trời Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Chúng sinh trong sáu đường này không thể vượt qua phạm vi nhân quả. Pháp giới tứ thánh của xuất thế gian: A-la-hán, Bích-chi-phật, Bồ-tát, Phật vẫn nằm trong định luật nhân quả, không thể vượt qua. Vì vậy, “nhân duyên quả báo” là chân lý của thế gian và xuất thế gian, cũng là chân tướng của sự thật. Kinh Hoa Nghiêm nói “nhân quả của năm vòng”. Kinh Pháp Hoa nói “nhân quả của Nhất thừa”, cho đến Phật pháp cao tột vẫn không rời phạm vi nhân quả. Chúng ta nên nhận rõ sự thật này, sau đó mới biết tu sửa hành vi là điều tất yếu.

a) Nghiệp nhân trong sáu đường.

Chư Phật và Bồ-tát đều là phàm phu tu chứng, không phải tự nhiên trời sinh ra; chư thiên thần tiên cũng là chúng sinh tu hành thành tựu. Đức Phật nói pháp thế gian cho chúng ta, Ngài lấy riêng từng loại lớn để phân lập thành mười loại lớn. Chúng ta gọi là “Thập pháp giới”. Nghiệp nhân của mười pháp giới, nếu giảng kỹ thì giống như trong kinh Hoa Nghiêm đã nói. Bất luận một pháp giới nào cũng đều có vô lượng nhân duyên, vô lượng nhân duyên đó chúng ta rất khó hiểu, không cách nào thể hội. Bấy giờ từ trong vô lượng nhân duyên, Đức Phật đã nêu ra nhân tố quan trọng nhất, làm thế nào tránh khỏi tạo ra nhân duyên ác? Làm thế nào để tu học nhân duyên thiện? Những điều này Đức Phật đều giảng cho chúng ta nghe rất rõ ràng. Những điều mà Đức Phật nói không phải là dựa vào sự tưởng tượng rỗng không, hoặc là căn cứ vào lý luận, số học để suy đoán[24] mà Đức Phật hoàn toàn tận mắt nhìn thấy, trong nhà Phật giảng đây là cảnh giới hiện lượng, hoàn toàn chính xác. Trong pháp giới, pháp giới khổ nhất là địa ngục. Thật sự có địa ngục, chẳng phải là không. Vậy cõi người có không? Nếu chúng ta thừa nhận đời sống hiện tại là sự thật; nói cách khác, địa ngục, ngạ quỷ cũng là chân thật. Kinh Địa Tạng tuyệt đối không phải là dựa vào cái không mà nói, đều là chân tướng sự thật. Nghiệp nhân đọa địa ngục là “tâm sân hận”. Ý niệm tật đố, sân hận rất mạnh. Chúng sinh mà không vượt khỏi chính bản thân mình, thường dùng tâm sân hận tột đỉnh để báo thù. Ngay ý niệm này chính là nghiệp nhân đọa địa ngục. Thật là đáng sợ! Trong kinh Lăng-nghiêm, Đức Phật đã dạy cho chúng ta nghe cảnh tượng của sáu đường, đặc biệt là cõi địa ngục, Ngài nói rất tỉ mỉ. Trong văn kinh còn đề cập đến chân tướng địa ngục đã chiếm phân nửa quyển kinh. Đức Phật đã đem quyển sách lớn như vậy để nói rõ, chính là hy vọng chúng ta nhận thức rõ sự thật, quyết định không tạo nghiệp nhân này. Không tạo nghiệp nhân ấy, thì sẽ không thụ quả báo. Đây là tấm lòng chân thành của Đức Phật.

Nghiệp nhân của đường ngạ quỷ là “tâm tham”, người có tâm tham sẽ biến thành ngạ quỷ. Người Trung Quốc thường nói: “Người ta chết thành quỷ”. Thật ra, lối nói ấy hình như không hợp lý. Sáu nẽo luân hồi ngoài ngạ quỷ còn có năm đường khác, tại sao phải bắt buộc sinh vào ngạ quỷ? Nhưng mà nhìn lại các trạng thái xã hội thì lời nói ấy cũng không phải là vô lý. Các vị thử nghĩ xem: Ai mà không có tâm tham? Của tiền, sắc đẹp, tiếng tăm, miếng ăn, ngủ nghỉ, năm thứ đó nó làm phát khởi tâm tham lam, gian xảo rất nghiêm trọng, chắc chắn tương lai sẽ có phần nào tương ưng với đường ngạ quỷ.

Các vị đồng tu học Phật đến nghe Phật pháp, hiểu rõ một ít đạo lý thì năm dục, sáu trần trong thế gian bỏ hết không tham luyến, mà lại đi tham Phật pháp. Chúng ta nghĩ xem, tham Phật pháp rồi sẽ ra sao? Rồi sẽ đi vào đường ngạ quỷ, bởi vì nghiệp nhân của đường ngạ quỷ chính là lòng tham, hưởng được một chút phước trong đường ngạ quỷ. Trong đường ngạ quỷ có quỷ vương, được dân gian cung phụng cho chính là thổ địa, sơn thần, thành hoàng. Tham Phật pháp thì sẽ là quan chức quỷ vương trong đường ngạ quỷ. Vì vậy, pháp Phật cũng không thể tham. Đức Phật dạy chúng ta đoạn tâm tham, không phải là dạy chúng ta đổi đối tượng của tâm tham. Đổi đối tượng vẫn không cách nào vượt qua quả báo.

Nghiệp nhân của đường súc sinh là “ngu si”. Đối với tà chính, thị phi, thiện ác, lợi hại, không có năng lực phân biệt, xem giả thành thật, xem thật thành giả, tà trở thànhchính,chính thành tà, đây chính là ngu si. Người thế gian giống như kẻ ngu si đó. Chúng ta có thể nhìn thấy được khắp nơi, cho dù là học Phật. Phật pháp cũng có chân-giả, pháp đại thừa cũng có tà chính. Thật ra không phải là pháp có chân-giả, tà chính mà do tâm của người tu học có chân-giả, tà chính. Cho nên Phật pháp đã không còn thuần nhất. Nếu như chúng ta không thể phân biệt rõ, chính là ngu si. Quả báo của ngu si là rơi vào đường súc sinh.

Tóm lại, nghiệp nhân của ba đường ác là tham, sân, si. Tham, sân, si là “tam độc”. Trong lòng của chúng ta có tham, sân, si, thì tâm sẽ nhiễm độc. Tâm có độc thì thân không khoẻ mạnh, đời sống không được an vui. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật đã dạy rõ ràng, chúng ta phải “sái tâm dịch hành”, nghĩa là tẩy sạch ba độc trong tâm, sửa đổi tất cả những hành vi sai lầm.

Thật ra, sự mê hoặc của ngoại cảnh hoàn toàn không đáng sợ. Tam độc ở trong tâm mới là thứ đáng sợ nhất. Nội tâm không có tam độc, ngoại cảnh cũng không cách nào mê hoặc được bạn. Nội tâm có tam độc sẽ rất dễ bị ngoại cảnh lôi cuốn. Bên trong là Nhân, bên ngoài là Duyên. Nhân ác gặp duyên ác sẽ tạo nghiệp ác. Tạo nghiệp ác liền chiêu cảm quả báo ác, khổ báo của ba đường được chiêu cảm như thế.

Nghiệp nhân của cõi người là năm giới. Năm giới là: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Trên thực chất cần phải thực hành đúng đắn, không phải là tìm vị pháp sư để truyền giới, trao giới trên hình thức thì tự mình được giới. Chân chính đắc giới, không nhất định phải có hình thức này. Bạn đã hiểu rõ, thật sự chịu y giáo phụng hành, có thể làm được một điều thì sẽ được một điều giới; có thể làm được hai điều thì sẽ được hai điều giới. Lúc tôi bắt đầu học Phật, đại sư Chương Gia đã truyền dạy giới cho tôi. “Giới” phải do tự mình phát nguyện thụ trì, biết được sự thù thắng lợi ích của công đức mà Đức Phật đã dạy, nghĩ đến sự lợi ích của công đức đó, tự mình suốt đời này dốc lòng thụ trì. “Thụ” là tiếp nhận. “Trì” là giữ gìn. Dốc lòng thực hành, quyết định không bỏ giới. Đó mới là chân thật thụ giới.

Nội dung tinh thần của “năm giới” và “ngũ thường” của Nho gia Trung Quốc hoàn toàn giống nhau.

“Thường” là thường đạo, chính thường, lìa bỏ năm loại thường đạo này thì không bình thường, khi không bình thường thì vấn đề sẽ nảy sinh. Ngũ thường là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

“Nhân” là nhân từ, không giết hại là nhân. Không trộm cắp là nghĩa; không tà dâm là lễ; không uống rượu là trí; không vọng ngữ là tín. Người đọc sách thời Cổ đại thực hành theo cách dạy của Nho gia, có thể được thân người, không rơi vào ba đường ác. Công phu tu học của Nho gia mà tiến lên cao thì có thể sinh lên cõi trời. Đây là pháp tu của trời người, tương đương với Nhân thừa, Thiên thừa trong Ngũ thừa Phật giáo.

Nghiệp nhân của cõi trời là Thập thiện nghiệp đạo, hết lòng thụ trì, học tập mười nghiệp lành, tương lai sẽ được sinh lên trời. Thọ mạng của cõi trời thì lâu dài. Ông trời mà người Trung Quốc nói đến hay Ngọc Hoàng đại đế mà người Đài Loan lễ bái, chính là thiên chủ Đao Lợi[25] đã từng tu mười nghiệp lành. Những tôn giáo khác như: Cơ đốc giáo, Thiên chúa giáo, những pháp mà họ đã tu học từ nội dung của kinh điển, và công phu tu hành để quan sát thì ước chừng họ cũng sinh về cõi trời Đao Lợi, vì “Mosheh thập giới” rất giống với “Thập thiện nghiệp đạo”. Cơ đốc giáo nói “Tin Thượng đế đều lên Thiên đường”. Câu nói này có vấn đề, dẫn dắt chúng sinh một cách sai lầm, đáng lẽ nói: “Tin thượng đế phải tuân thủ “Mosheh thập giới”, nghiêm chỉnh tu hành, quyết định lên thiên đường”.

Đây là điều mà chúng ta có thể tin. Nếu như không thụ trì thập giới thì lên thiên đường là điều không thể mong đợi. Trời vẫn có tầng trời cao hơn, như trời Sắc giới, trời Vô sắc giới, là phàm phu bậc cao trong sáu đường này; họ không những phải tu thập thiện mà còn phải tu thiền định và tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả, mới có thể lên đến thiên đường cao cấp.

b) Nghiệp nhân của Tứ Thánh đạo.

Phàm thánh lấy luân hồi làm giới hạn.

Lên cao hơn sáu đường là pháp giới của thánh nhân, không phải là phàm phu. Phàm thánh lấy luân hồi làm giới hạn. Cho dù phàm phu sinh lên cõi trời cao cấp, cũng không vượt khỏi luân hồi. Tuổi thọ ở cõi trời rất dài nhưng cũng sẽ có lúc hết. Lấy thọ mạng của con người chúng ta để xem tuổi thọ. Cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng[26] dài đến 80 nghìn đại kiếp. Đây thật sự là điều không thể nghĩ bàn!

Chúng ta hãy nghĩ xem, nếu lấy con phù du trên mặt nước để xem tuổi thọ của con người chúng ta, có lẽ cũng giống như chúng ta nhìn cõi Phi tưởng phi phi tưởng. Tuổi thọ của con phù du chỉ có mấy giờ, mấy tiếng đồng hồ là một đời của nó. Nó nhìn chúng ta sống đến mấy mươi năm, một trăm năm, há không phải là giống như chúng ta nhìn cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng hay sao?

Tuy thọ mạng của con người thời hiện đại đã đến 100 tuổi, nhưng chỉ khoảnh khắc thì qua đời. Dù cho chúng ta đến được cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, cũng sẽ giống như cảm giác hiện tại, dường như thời gian qua rất nhanh, chưa sống được bao nhiêu thì đã hết tuổi đời. Chúng ta phải quán sát rõ chân tướng của sự thật này. Giác ngộ được sự đáng sợ của luân hồi. Luân hồi đúng thật là mê hoặc đảo điên, việc này không thể nào làm lại được nữa. Muốn vượt qua khỏi luân hồi cần phải dùng phương pháp tu hành của bậc cao.

Tại sao có luân hồi? Luân hồi xưa nay không hề có, chỉ vì có vọng tưởng, chấp trước mới biến thành hiện tượng này, giống như giấc mộng dữ. Muốn vượt qua khỏi luân hồi, Đức Phật bảo chúng ta: Hãy bỏ chấp trước, chấp trước là phiền não.

Bậc A-la-hán dùng pháp tu thiền định. Định là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh đạt đến trình độ khá thì vọng tưởng chẳng sinh. Tham, sân, si, mạn, tất cả những kiến giải hiểu biết đều không có hành vi sai lầm, như hành vi của khẩu nghiệp và thân nghiệp đều do ý nghiệp làm chúa tể. Tâm đã thanh tịnh thì thân, khẩu nghiệp đương nhiên thanh tịnh theo. Thân, khẩu, ý nghiệp hiện tiền thanh tịnh thì luân hồi không xảy ra.

Công phu thiền định loại này lại cao hơn cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ một tầng. Trong Phật pháp gọi là “Cửu thứ đệ định”. Bốn loại thiền định của trời Sắc giới, gọi là Tứ thiền; bốn loại thiền định của trời Vô sắc giới gọi là Tứ không định, tổng cộng là tám loại định. Tám loại định này là thiền định của thế gian, không thể vượt ra khỏi luân hồi, đến “Cửu thứ đệ định” thì mới vượt ra khỏi được. Định mà bậc A-la-hán đã tu chứng là “Cửu thứ đệ định”. Các ngài có công phu như thế này: Phiền não kiến, tư đã đoạn hết.

“Kiến” là kiến giải sai lầm. “Tư” là tư tưởng sai lầm, tất cả cách nhìn, cách nghĩ sai lầm đối với người, sự vật, đối với vũ trụ nhân sinh, bậc A-la-hán đều không có, đều xả bỏ. Tư tưởng kiến giải chính xác, không sai lầm, Phật pháp gọi là “Chính giác”[27]. Bậc A-la-hán là “Chính giác”. Còn pháp mà Đức Phật tu chứng là “Vô thượng Chính đẳng Chính giác”.

Kinh điển bảo chúng ta, khuyên chúng ta không nên tin vào ý mình. Nếu không sẽ rất nguy hiểm, vì cách nhìn cách nghĩ của bạn không được chính xác. Vậy lúc nào mới có thể tin vào ý mình? Đến khi chứng A-la-hán, Đức Phật mới gật đầu nói: “Ông có thể tin vào ý mình rồi”. Ngay cả thánh nhân chứng quả A-na-hàm, Đức Phật vẫn không chấp nhận vị ấy tin vào ý mình, huống gì phàm phu chúng ta. Đức Phật khai thị những điều này, đáng cho chúng ta phản tỉnh sâu sắc.

Bậc A-la-hán chứng đắc quả vị nhờ tu tứ đế “khổ, tập, diệt, đạo”. Nhân của Duyên giác là thập nhị nhân duyên. Hàng Duyên giác nhờ quán sát pháp nhân duyên mà giác ngộ, trí huệ cao hơn A-la-hán, đoạn kiến tư phiền não cũng triệt để hơn A-la-hán. Kinh Phật ghi: “A-la-hán phiền não đã đoạn sạch, nhưng vẫn còn tập khí”. Ví dụ, thấy sự việc không hay vẫn còn nổi giận. Họ có thật sự nổi giận không? Không có! Một chút cũng không có, nhưng vẫn còn dáng giận. Đó là tập khí[28]. Bậc A-la-hán quả thật không có tham, sân, si. Bích-chi-phật đã đoạn sạch phiền não hơn A-la-hán, tập khí đều không có. Chúng ta quan sát năm trăm pho tượng của A-la-hán, có rất nhiều hình dáng kỳ quái, biểu thị vẫn còn tập khí. Thật ra, tâm của các Ngài thanh tịnh, bình đẳng. Bích-chi-phật ngay cả tập khí cũng đều không có, hiện tướng từ bi viên mãn giống như Bồ-tát. Bậc cao hơn Bích-chi-phật là Bồ-tát, gọi là “Chính đẳng Chính giác”[29].

“Chính” là chính xác không có sai lầm. “Đẳng” là bằng với Phật; Bồ-tát chưa được như Phật, chỉ có một chút tương tự như Phật. Tư tưởng kiến giải của Bồ-tát không những chính xác mà còn có lòng từ bi thương xót tất cả chúng sinh, chủ động đi giáo hoá, giúp đỡ chúng sinh, không giống như A-la-hán và Bích-chi-phật. Các vị ấy tuy cũng rất từ bi, cũng thích giúp đỡ người nhưng chúng sinh không cầu mong họ, họ không thể chủ động đến giúp đỡ.

Bồ-tát tự hành hoá tha không ngoài sáu cương lĩnh lớn, gọi là lục độ[30].

Nhân của Bồ-tát là lục độ, tâm trụ trong lục độ, chính mình tu học lục độ, cũng khuyến hóa hướng dẫn tất cả chúng sinh tu học lục độ.

Độ thứ nhất “Bố thí”. Bố thí không phải đơn giản chỉ bỏ ra tiền của, điều đó không đủ, bố thí như vậy, quả báo đời tương lai là cái gì? Nói thật, đó là phước báo hữu lậu trong sáu đường, ý nghĩa bố thí này sai lầm. Ý nghĩa của bố thí là buông xả. Buông xả cái gì? Buông xả cách nhìn, cách nghĩ sai lầm; buông xả tâm tham lam, sân giận, ngu si; buông xả tâm hoài nghi thánh giáo. Đức Phật dạy bạn buông xả những thứ này, đây là sự bố thí đúng đắn. Bố thí như thế mới có thể thành Bồ-tát, xả bỏ một chút tiền của nào có gì đâu! Lại có người ngu si, nghe nói trong cửa Phật xả một được hàng nghìn phước báo, hôm nay vừa bố thí một trăm đồng, họ lại nghĩ đến ngày mai, Đức Phật và Bồ-tát có thể đáp lại cho họ mười nghìn đồng. Điều này quả là buôn bán, mặc cả giá với chư Phật và Bồ-tát, thật là ý tưởng sai lầm mà Đức Phật đã nói trong kinh điển. Vì vậy, bố thí là buông xả. Buông xả tất cả thân tâm và thế giới, thì tâm thanh tịnh sẽ hiển bày.

Độ thứ hai “Trì giới”. Trì giới là tuân thủ pháp luật. Trì giới trong lục độ là nghĩa rộng. Sự răn dạy của Đức Phật là tam tạng kinh điển. Lời giáo huấn, phương pháp, lý luận trong đó, đều phải tuân thủ. Đó là trì giới. Hành Bồ-tát đạo, Bồ-tát phải tự lợi, lợi tha, không thể xa rời xã hội, không được lìa đại chúng. Bồ-tát không những phải thông đạt Phật pháp, mà còn phải thông đạt thế gian pháp. Pháp luật, đạo đức, phong tục của thế gian đều phải hiểu rõ và tuân thủ, mới có thể sống hoà hợp với người thế gian, phá mê khai ngộ. Vì vậy, nội dung của sự trì giới rất rộng lớn.

Độ thứ ba “Nhẫn nhục”. Nhẫn nhục là vừa có thể nhẫn nhục vừa có tâm nhẫn nại. Bất luận chính mình tu hành, hay giúp đỡ người khác, đều phải có tâm nhẫn nại, phải có tâm nhẫn nại không giới hạn mới có thể thành tựu.

Kinh Kim Cang ghi: “Tất cả pháp thành tựu đều nhờ nơi nhẫn”. Nếu không thể nhẫn nhục thì không thành tựu.

Độ thứ tư “Tinh tấn”. “Tinh” là tinh thuần. Thuần là không lẫn lộn; “Tấn” là tiến bước. Bản thân tu hành phải thâm nhập nhất môn, giúp đỡ người khác, trước tiên phải nhận rõ căn tính của đối phương, giới thiệu pháp môn mà họ thích tu học, dạy cho họ thâm nhập một pháp môn. Đây là sự hành trì của Bồ-tát, hàng đệ tử chúng ta nhất định phải hiểu rõ… ( trên chỉ lược nêu bốn độ ).
2. Đạo tràng – Tòng lâm thời xưa, truyền hình vệ tinh thời nay.

Thời quá khứ và hiện tại cho đến thế kỷ 21 hoàn toàn không giống nhau. Do đó, hình thức phương pháp giáo hoá chúng sinh cũng khác nhau. Giao thông, xã hội nông nghiệp và tin tức thời quá khứ đều không phát triển, sự dạy học của Phật pháp cần phải thiết lập những đạo tràng nhỏ ở mỗi địa phương. Thành lập đạo tràng thuận lợi cho đại chúng tu học. Vì sao phải thiết lập nhiều đạo tràng như thế? Vì mỗi đạo tràng đều là trường học chuyên khoa, pháp môn trong Phật pháp rất nhiều, không thể tu lẫn lộn, tu lẫn lộn nhất định không thể thành công, cho nên phải đề xướng chuyên tu. Sở thích của mỗi người chúng ta không giống nhau. Thí dụ, người thích niệm Phật thì thành lập đạo tràng niệm Phật, thích tham thiền thì thành lập đạo tràng tham thiền; muốn nghiên cứu dạy học thì thành lập đạo tràng nghiên cứu dạy học, mỗi đạo tràng phải phân chia ra, không thể hợp lại một chỗ. Nếu không sẽ quấy nhiễu nhau, tâm thanh tịnh sẽ bị phá hoại, không thể thành tựu.

Thời đại Tùy Đường, các tông phái Phật pháp mọc lên như rừng. Mỗi tông phái đều có đạo tràng của mình chọn lựa một bộ kinh trong Phật pháp để tu học. Tất cả những người đồng học yêu thích những bộ kinh này, họ cùng tụ hợp một chỗ cùng tu. Bấy giờ, Ngũ Đài Sơn là đạo tràng của kinh Hoa Nghiêm, giống như trường đại học Hoa Nghiêm. Những người thích Hoa Nghiêm đến Ngũ Đài Sơn để học. Thiên Thai Sơn ở Triết Giang đề xướng kinh Pháp Hoa, những người thích kinh Pháp Hoa thì đến Thiên Thai để tu học. Những người yêu thích pháp tướng Duy Thức thì đến học ở chùa Từ Ân. Vì vậy, mỗi đạo tràng là trường đại học chuyên khoa. Trong “chuyên” còn chia ra nữa, càng chia nhỏ ra càng tinh thuần, giống như các phân hệ trong học viện hiện đại, trong các phân hệ lại có những phân khoa, chính là ý nghĩa này.

Ví như tông Tịnh Độ, kinh điển tu học của tông này gồm năm kinh một luận. Tôi thích kinh Vô Lượng Thọ, người khác thích kinh A-di-đà. Tuy cả hai đều là tông Tịnh Độ, nhưng hai người không hợp nhau. Thế thì phải làm sao? Tịnh Độ tông sẽ thành lập hai đạo tràng. Đạo tràng này chuyên tu kinh Vô Lượng Thọ. Đạo tràng kia chuyên tu kinh A-di-đà. Đồng chuyên tu kinh A-di-đà, có người theo bản Sớ sao của đại sư Liên Trì; có người theo Di-Đà Yếu Giải của đại sư Ngẫu Ích. Hai người này ở cùng một chỗ lại không hợp nhau, phải chia ra, lại thành lập hai đạo tràng. Các vị phải hiểu rõ nguyên tắc này. Ví như kinh Vô Lượng Thọ, hiện tại có người thích bản hội tập; có người thích bản của Khương Tăng Khải; có người thích bản kinh Hán dịch “Vô Lượng-Thanh Tịnh-Bình Đẳng Giác”. Như thế lại phải kiến lập đạo tràng khác.

Mỗi đạo tràng đều có học phong và đạo phong của nó. “Học phong” chính là kinh điển mà họ y cứ. “Đạo phong” là phương pháp tu hành. Phương pháp tu hành giống như là niệm Phật. Có người niệm danh hiệu Phật theo bốn chữ hiệu Phật; có người niệm theo sáu chữ hiệu Phật. Vì vậy niệm Phật đường cũng phải xây dựng hai cái. Người thích niệm Phật theo bốn chữ thì vào niệm Phật đường bốn chữ. Người thích niệm theo sáu chữ thì vào niệm Phật đường sáu chữ. Như vậy, họ mới có thể thành tựu, chỉ có chuyên tinh, mới có thể được lợi ích, mới có thể được tâm thanh tịnh, chứng đắc niệm Phật tam muội[31]. Vì sao đạo tràng nhà Phật nhiều như thế? Vì phải chuyên tu, chuyên nghiên cứu.

Cũng giống như thế, các vị đại pháp sư thời xưa không chỉ chuyên thông một bộ kinh, một bộ luận mà những bộ khác các ngài cũng thông suốt, đều có thể hướng dẫn chúng sinh. Đó gọi là Thông tông Thông giáo. Chúng ta mời pháp sư đến nơi này giảng kinh, hướng dẫn chúng ta tu học. Những điều pháp sư đã giảng nhất định phải tương ưng với pháp môn mà chúng ta đã học. Chúng ta mới có được lợi ích. Nếu như những điều đã giảng trái ngược với điều chúng ta tu học thì đạo tràng của chúng ta sẽ bị hỏng. “Đạo phong” và “Học phong” sẽ bị hư hoại. Thí dụ, đây là đạo tràng niệm Phật, mọi người niệm Phật đã nhiều năm, đều có một chút tâm đắc. Bây giờ chúng ta thỉnh một vị đại đức Thiền tông đến khai thị. Ông ta nói niệm Phật không tốt, rồi đề xướng tu thiền. Thế thì công phu niệm Phật mấy mươi năm của chúng ta, há chẳng phải là uổng công sao? Đó có phải là thiện tri thức không? Không phải.

Nếu là Thiện tri thức thì vị pháp sư này đến giảng đường niệm Phật khai thị. Nhất định cũng phải tán thán niệm Phật, tán thán kinh A-di-đà, tán thán kinh Vô Lượng Thọ, khiến chúng ta đối với những kinh luận mình đã tu học, đối với thầy và bạn học của mình càng tăng trưởng lòng tin. Vị pháp sư này chính là thiện tri thức đúng đắn. Nếu vị ấy phá hoại đạo tràng của chúng ta thì chính là ác tri thức. Đây là Phật học thường thức cơ bản nhất.

Tôi tu pháp môn Tịnh Độ niệm Phật. Năm 1977, tôi giảng kinh ở Hương Cảng, Pháp sư Thánh Nhất ở núi Đại Tự Hương Cảng mời tôi đến đạo tràng Thiền Tông của ông khai thị. Tôi đến thiền đường sẽ giảng cái gì? Quá khứ, tôi đã từng giảng qua các kinh như: Lục Tổ Đàn kinh, kinh Kim Cang nên vẫn có thể nói một chút về Thiền. Tôi tán thán pháp môn Thiền tông, tán thán pháp sư Thánh Nhất của họ, tán thán những người tu học thiền. Nếu nói Thiền không bằng Tịnh. Tịnh Độ mới chắc chắn. Đây chẳng phải là đã phá hoại sự tu hành mấy mươi năm của người ta sao? Đó là đã phạm lỗi lầm rất lớn, quyết định không thể được.

Lúc tôi ở Singapore, pháp sư Diễn Bồi mời tôi đến đạo tràng của ông diễn giảng. Đạo tràng của ông tu học pháp môn Di Lặc, còn tôi tu học pháp môn Tịnh Độ Di Đà. Tôi đến đó, một chữ Tịnh Độ Di-đà cũng không nhắc đến, chỉ tán thán Tịnh Độ Di Lặc; pháp môn Tịnh Độ Di Lặc, tôi chưa hề học qua. Tôi chỉ học kinh Hoa Nghiêm. Lầu các của ngài Di Lặc trong kinh Hoa Nghiêm không gì sánh bằng. Tôi tán thán Tịnh Độ của ngài Di Lặc, khiến cho đồ chúng của ông càng tin tưởng, càng tôn kính ông hơn. Đức Phật thường nói: “Muốn cho Phật pháp hưng thịnh, chỉ có tăng khen ngợi tăng”. Chúng ta đến đạo tràng của người khác, tán thán đạo tràng của họ, tán thán thầy và bạn đồng tu của họ. Đây là “Tăng khen ngợi tăng”. Không thể nói pháp môn Tịnh Độ tốt, đáng tin cậy vãng sinh. Điều kiện nơi nội viện Đâu Suất của Bồ-tát Di Lặc rất nghiêm khắc, không dễ thành tựu. Nếu bạn giảng như thế thì sẽ phá hoại niềm tin của người khác.

Tu học nhất định phải thâm nhập một pháp môn. Pháp môn trong Phật pháp rất nhiều. Kinh Đại thừa nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Tùy theo căn tính của mình để chọn pháp môn. Sau khi chọn xong, quý là ở chỗ thâm nhập một pháp môn. Quả nhiên có thể nương vào một vị thầy, nương vào một đạo tràng, thâm nhập một pháp môn để tu học, quyết định một đời thành tựu. “Nhất” này là thứ nhất trong nhiều môn, chúng ta cần phải hiểu rõ. Hoa Nghiêm là kinh điển mẫu của chúng ta. Thiện Tài đồng tử tham học 53 vị. Mỗi vị thiện tri thức mà đồng tử tham học đều không giống nhau. Nhưng mỗi vị thiện tri thức đều khiêm tốn, tán thán người khác. Bây giờ, bậc thiện tri thức không giống như vậy, họ đều đưa cao mình lên, chê bai người khác, hoàn toàn trái ngược với các bậc thiện tri thức đã thị hiện trong kinh Hoa Nghiêm.

Phật pháp ở Đài Loan rất ồn ào náo nhiệt trên hình thức. Trong pháp thế gian, mọi người so nhau tiền bạc. Phòng tôi lớn hơn phòng anh, xe của tôi cao cấp hơn xe của anh, chùa của tôi xây dựng đẹp đẽ và to lớn hơn chùa anh, cứ thi đua làm những việc này thì tu và học đạo sẽ lơ đãng. Làm thế nào kiến lập học phong và đạo phong? Đây mới là trách nhiệm quan trọng nhất trong việc hoằng pháp lợi sinh của người đệ tử Phật.

Thế kỷ 21 là thời đại khoa học kỹ thuật thông tin phát triển. Đạo tràng trong Phật pháp không phải là chùa tự viện trên hình thức. Hình thức của đạo tràng nên làm như thế nào? Sử dụng thông tin vi tính để truyền tải Phật pháp. Thời đại của thế kỷ 21, hầu như mỗi gia đình, mỗi người đều có vi tính. Vi tính là dụng cụ liên lạc khắp thế giới. Khi cần đọc kinh, bất luận kinh điển được cất giữ trong thư viện nào trên thế giới, chúng ta chỉ cần đến máy vi tính vừa nhấp chuột vào thì mục lục sẽ tìm ra hết; chúng ta muốn xem bộ kinh nào thì màn hình vi tính lập tức hiện lên, nâng cao sự tu học của bạn, không cần phải đến các chùa để tham học. Chúng ta có thể nghĩ xem đến thế kỷ sau, con người sẽ sống như thế nào? Phật pháp phải hoằng dương như thế nào? Hiểu được những sự thật này, tương lai nhân tài của Phật pháp sẽ bồi dưỡng ở đâu? Họ sẽ nghiên cứu ở các trường đại học mà không phải là Phật Học viện. Chúng ta phải có tầm nhìn trước mắt, xem hình thái phát triển của Phật pháp ở thế kỷ sau. Hiện tại thông tin vi tính ngày càng mới mẻ khác lạ, chắc chắn sẽ chạy theo xu thế như vậy. Hiện giờ ở Mỹ quốc, Đài Loan, đại lục Trung Quốc, có nhiều địa phương đã đem toàn bộ Đại Tạng kinh lưu vào vi tính, làm thành phần mềm của vi tính. Công cuộc hoằng pháp tương lai nhất định cũng là trên mạng vi tính. Mạng vi tính thay thế truyền hình. Chúng ta muốn nghe vị pháp sư nào giảng kinh, chỉ cần đưa vào tư liệu, bất luận ở địa phương nào, hình dáng pháp sư lập tức hiện ra trước mặt bạn. Còn có âm thanh, văn tự, quả là vô cùng tiện lợi. Phật pháp chân chính mãi mãi đi trước thời đại, lãnh đạo thời đại này.

“Thiền định” là chính mình có chủ tể, có lòng tin, có phương hướng, vị ấy không phải là tiến lên một cách hỗn loạn, mà có phương hướng, mục tiêu, bởi vì có đầy đủ “trí huệ”. Bồ-tát dùng lục độ tự hành hóa tha, đạt đến đỉnh cao cùng tột, chính là Vô thượng Chính đẳng Chính giác, tức thành Phật, thành tựu trí huệ, rốt ráo viên mãn. Phật pháp ngay cả nội dung dạy học không có một chút mê tín, rất phù hợp với khoa học, không hề trái với nguyên tắc, nguyên lý của khoa học. Nói thật, khoa học vẫn không đuổi kịp Phật pháp. Đây là những điều mà khi tu học, chúng ta cần nhận biết rõ.

Nhân thành tựu Phật quả là “Tâm bình đẳng”. Lục đạo[32], thập pháp giới[33], muôn pháp đều bình đẳng. Không một pháp nào không bình đẳng. Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Viên là viên mãn, đồng viên chủng trí chính là vạn pháp bình đẳng, đây là địa vị quả chứng của Như Lai.

Đức Phật chia tất cả chúng sinh thành mười loại lớn. Mỗi nghiệp nhân quan trọng của từng loại, chúng ta cần phải biết, nắm vững nguyên tắc trọng yếu và tiền đề lớn lao này thì tu học mới có thể thành tựu. Tìm và phát hiện được căn bệnh tập khí của mình, đó là “khai ngộ”; có thể sửa đổi là “tu hành”. Đây chính là “công đức”. Tu hành là “công”, bạn có công phu tu tập, kết quả của sự tu hành là “đức”. “Đức” và “ đắc” ý nghĩa giống nhau. Bạn thật sự có thu hoạch kết quả, vừa cày bừa vừa thu hoạch; nhân thiện có quả thiện, nhân ác có quả báo ác. Những nguyên lý, nguyên tắc này, chúng ta phải hiểu rõ.
3. Thâm tín Tịnh Độ thật không dễ dàng.

Trong vô lượng pháp môn, chúng ta vô cùng may mắn nhận ra Tịnh Độ. Nhận thức được Tịnh Độ rất khó, người niệm Phật rất đông nhưng người thật sự nhận thức được Tịnh Độ thì không bao nhiêu. Nhận thức không rõ ràng thì niệm câu danh hiệu Phật không đắc lực. Vì sao? Vì bạn hoài nghi cho nên lòng tin không vững chắc! Gặp phải nghịch duyên, niệm “A-di-đà Phật” không linh cảm sẽ hoài nghi, sẽ thoái tâm, gặp pháp môn khác tâm liền dao động. Thấy người học thiền thành tựu liền muốn tham thiền; thấy người tu Mật tông lại muốn đi niệm chú. Trong lòng do dự không quyết đoán. Do đó, tuy niệm Phật nhưng chẳng có được công phu, tất nhiên không có thu hoạch. Nhận thức Tịnh Độ là điều kiện tiên quyết của người tu học Tịnh Độ. Nhưng muốn nhận thức rõ vô cùng khó khăn.

Đối với sự nhận thức về pháp môn Tịnh Độ, tôi đã tốn thời gian ba mươi năm, từ trong nhiều kinh luận đại thừa, tôi mới nhận thức rõ chân tướng của pháp môn Tịnh Độ. Tôi tâm đắc các kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng-nghiêm, Bát- nhã”. Từ trong những kinh điển này, tôi đã phát hiện sự thù thắng đệ nhất của tông Tịnh Độ. Vì vậy, tôi quay lại chuyên tu và chuyên hoằng dương Tịnh Độ.

Ngài Ngẫu Ích giảng “Tín-Hạnh-Nguyện” trong Di-Đà Yếu Giải chính là hướng dẫn chúng ta, lòng tin phải thanh tịnh, nguyện lực phải kiên định. Hạnh của chúng ta tương ưng thì niệm Phật sẽ tương ưng. Tôi giảng giải Tịnh Độ cho mọi người, nếu như các bạn vừa nghe liền tin, vậy là các bạn đã tiết kiệm thời gian hơn tôi ba mươi năm. Nếu như không tin, dẫm theo lối mòn của tôi. Nói thật, các vị bỏ mất thời gian hơn ba mươi năm, chưa chắc có được vận may như thế! Biết bao người cả đời nghiên cứu kinh luận, vẫn còn sơ sót, có thể biết chính xác được điều này thật không dễ dàng. Đã thật sự nhận thức rõ ràng, phải nhất tâm nhất ý chuyên tu.

Tu học nhất định phải hiểu rõ lý luận của kinh điển. Lý luận là nền tảng tin sâu không hoài nghi. Lý lẽ đã rõ ràng, phương pháp cũng rất quan trọng, phải bắt đầu từ chỗ nào?

Kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Sao gọi là phát Bồ-đề tâm? “Bồ-đề” tiếng Phạn, nghĩa là giác ngộ, không mê hoặc. Chúng ta có giác ngộ không? Người giác ngộ và người không giác ngộ, ý tưởng, lời nói và việc làm không giống nhau. Người mê mờ sống qua ngày theo mê tình của mình, tạo tác biết bao tội lỗi mà không biết; người giác ngộ hiểu rõ ràng đối với tất cả người, vật, sự việc. Đời sống của họ như lý như pháp, trong đời sống được tự tại an vui.

Thật sự giác ngộ không dễ dàng! Vì vậy, bồ-đề tâm cũng không dễ phát. Đức Thế Tôn dùng phương tiện khéo léo để dẫn dắt chúng ta, khai mở tính giác trong đời sống. Do đó, bồ-đề tâm không phải là lý luận, không phải là đàm luận nghĩa mầu, mà thuộc vào đời sống thực tế, đó là sự tu hành đúng đắn.
4. Nền tảng của Tịnh Độ là hiếu dưỡng cha mẹ và tôn kính sư trưởng.

Chúng ta bắt đầu tu từ điểm nào? Tu từ “Tam Phước” trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Đức Phật hướng dẫn chúng ta nền tảng của tu học là: “Hiếu dưỡng cha mẹ và tôn kính thầy”. Tại sao phải lấy điều này làm nền tảng? Cách giáo dục của Phật pháp là khôi phục Đức năng-Trí huệ, bản tính vốn có của chúng ta, cũng chính là “Triệt ngộ tự tính” mà thiền tông đã nói. “Hiếu kính” là tính đức, hiện tại chúng ta đã quên lãng điều này, không chỉ trong hành trì không thực hành mà ngay cả ý nghĩa cũng không hiểu rõ. Đây chính là “mê mất tự tính” mà Đức Phật đã nói. Chúng ta đã mê mờ đánh mất tính đức mới có sinh tử luân hồi, mới có biết bao khổ nạn. Chúng ta muốn khôi phục tính đức thì phải bắt đầu từ “Hiếu kính”, dốc sức để thực hành.

Thể tính của “hiếu”, chính là “Bản tính chân như” mà Phật pháp đã nói đến. Pháp Đại thừa nói: “Pháp thân thanh tịnh”; “chân thật trí huệ, vô vi pháp thân” mà Vãng Sinh Luận nói đến. Vô vi pháp thân là bản thể của hiếu đạo; trí huệ thanh tịnh là sự nhận thức và thực tính của hiếu đạo. Từ đó có thể biết, toàn bộ Phật pháp của đại thừa được xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo. Sự viên mãn đại thừa chính là sự hoàn thành đạo hiếu.

Giảng đến tận cùng chữ ‘hiếu’ thật sự không dễ, ‘hiếu đạo’ viên mãn phải đến quả vị Phật mới rốt ráo. Bồ-tát Đẳng giác vẫn còn một phẩm sinh tướng vô minh chưa phá, tức là hiếu đạo chưa đạt đến rốt ráo viên mãn. Vì vậy, vô lượng pháp môn đường lối tu hành trong Phật pháp đều là để hoàn thành trong sự việc này.

Từ “hiếu kính tôn sư” phát triển cao hơn chính là “Từ bi”. Từ bi chính là “Bác ái” mà người thời nay đã nói. Bác ái, danh từ này đã sớm xuất hiện trong kinh Phật. Trong kinh Vô Lượng Thọ có câu nói “Nhân từ bác ái”. Từ bi với tất cả! Có sự thôi thúc của sức mạnh này, bạn mới thích thú tu hành thập thiện nghiệp đạo; nếu không, sẽ cho rằng làm thiện là khổ. Người thế gian cho rằng trì giới tu thiện là việc rất khổ sở, chịu rất nhiều ràng buộc, không được tự tại mà không biết trì giới tu thiện là sự tự tại, mát mẻ đúng đắn, an vui chân thật. Sau đó lấy điều này làm căn bản, như thế mới có thể bước vào sự tu học Phật pháp. Vì vậy, người thật sự phát Bồ-đề tâm, thật sự giác ngộ, nhất định hiếu thuận cha mẹ. Nếu như thấy cha mẹ mà hết sức chán ghét, đây là mê lầm điên đảo. Những người trẻ tuổi hiện nay không bằng lòng sống chung với ông bà cha mẹ, như vậy là mê muội. Người đã thật sự giác ngộ, sẽ thích sống chung và hiếu thuận với mọi người.

Câu thứ nhất trong Tam phước là “Hiếu dưỡng cha mẹ”. Người không hiếu dưỡng cha mẹ, dù một ngày niệm danh hiệu Phật, lễ bái mười nghìn lạy cũng phải luân hồi trong sáu nẽo, vẫn phải đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, không thể vãng sinh thế giới Tây phương Cực Lạc. Tại sao? Vì không phát Bồ-đề tâm, vì mê hoặc điên đảo.

Câu thứ hai là “Phụng sự sư trưởng”. Thầy đối với chúng ta có ân đức dạy dỗ. Ân đức của thầy và cha mẹ không sai khác. Dù thầy không còn nữa nhưng đối với ân đức của thầy cũng phải niệm niệm không quên. Lúc trước ở Đài Trung, tôi theo tôn sư Lý mười năm, giờ thầy đã không còn nhưng tôi đã xây nhà tưởng niệm ở tại quê hương của ngài. Chúng ta báo ân thầy, từng niệm không quên ân đức dạy dỗ của thầy, là đem sự dạy dỗ của thầy xiển dương mạnh mẽ rực rỡ.

Phật pháp được thiết lập trên nền tảng “Hiếu đạo”. Những bạn đồng tu thụ Bồ-tát giới, Thầy trên giới đàn sẽ nói cho các bạn “Phật pháp đại thừa, hiếu gọi là giới”. Hiếu thuận chính là giới đại thừa Bồ-tát. Hiếu thuận cha mẹ, hiếu thuận sư trưởng, hiếu thuận tất cả chúng sinh, đây là tinh thần của giới Bồ-tát. Sự giác ngộ chân thật, từ điểm này mà trí huệ phát sinh. Nếu như bạn nói: “Tôi không thể ở chung với người già, vì người già rất khó sống chung”. Nhưng người già là đại thiện tri thức của bạn, giúp bạn thành tựu nhẫn nhục Ba-la-mật, không có môi trường này thì bạn đến nơi nào tu nhẫn nhục Ba-la-mật? Không nhẫn nhục Ba-la-mật sẽ không có tinh tấn, thiền định và trí huệ. Người không thể nhẫn, vẫn phải đọa vào súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Không những Phật đạo không thể thành mà cõi người, cõi trời đều không có phần. Khuyên bạn sống chung với người già phải hiếu thuận, đó là tu hạnh nhẫn nhục Ba-la-mật. Người già là đại thiện tri thức, khiến cho bạn làm hết đạo hiếu, đem tập khí tri kiến sai lầm, bệnh hoạn mài giũa cho sáng rực rỡ. Như thế mới là Bồ-tát, tương lai mới có thể thành Phật.

Sự giáo dục của Trung Quốc được thiết lập trên nền tảng đạo hiếu. Sự giáo dục của đạo Phật cũng được thiết lập trên nền tảng đó. Phật pháp truyền vào Trung Quốc, lập tức nhận được sự hoan nghênh của các tầng lớp quan lại, trí thức, dân chúng khắp mọi nơi. Cổ nhân nói: “Chỗ thấy của anh hùng khá giống nhau”. Thánh nhân của Trung Quốc và thánh nhân của Ấn Độ không gặp nhau, không đàm luận, không có trao đổi ý kiến, nhưng nền tảng dạy học, điều kiện căn bản để bám trụ hoàn toàn giống nhau, đó là trí huệ chân thật.

“Hiếu” là chữ hội ý, từ phù hiệu này mà chúng ta thể hội được ý nghĩa của nó, phía trên là chữ “Lão”[34], phần dưới là chữ “Tử”[35], ý nghĩa là đời trên và đời dưới hợp thành một thể, không thể tách rời. Người ngoại quốc thời nay gọi là phân chia giới tuyến giữa các đời, hễ có ngăn cách thì không có đạo hiếu.

Người ngoại quốc không có đạo hiếu, nên họ học Phật, học thế nào cũng không thành, vì họ không có nền tảng này. Người Trung Quốc kỷ niệm tổ tiên, người ngoại quốc cảm thấy không thể hiểu được. Trong nền văn hóa của Trung Quốc, quá khứ vẫn có quá khứ, tương lai vẫn có tương lai. Quá khứ không có khởi đầu, vị lai không có kết thúc, là toàn thể một sinh mạng. Cha mẹ tổ tiên chính là mình, con cháu nam nữ chính là mình. Đối với cha mẹ, gái trai đều chăm sóc, thương nhớ, cũng giống như thương yêu chăm sóc bản thân mình, đây gọi là hiếu thuận.

“Hiếu” nhìn thẳng dọc thì không đầu không cuối, nhìn ngang thì rộng khắp mười phương. “Dọc cùng ba cõi, ngang khắp mười phương”, đó là toàn thể một pháp giới. Toàn thể pháp giới tức là toàn thân mình. Trong Vãng Sinh Luận của Bồ-tát Thế Thân có hai câu nói: “Chân thật trí huệ, pháp thân vô vi” hay tận hiếu là chân thật trí huệ, còn bản thể của hiếu chính là pháp thân vô vi. Trong nhà Phật, niệm Phật là niệm “Pháp thân Phật”. Nếu muốn chứng được pháp thân thanh tịnh mà ngay cả cha mẹ cũng bất hiếu, thì cũng không chứng đắc pháp thân thanh tịnh gì, vì đã quá đỗi điên đảo mê lầm.

Phật pháp tu hành được thiết lập trên nền tảng đạo hiếu này. Hiện giờ mấy ai hiểu được hiếu thuận cha mẹ? Mấy ai hiểu được tôn sư trọng đạo? Những vị thầy mà tôi học thuở nhỏ ở Đại lục, hiện nay vẫn còn hai vị. Mỗi lần đến Đại lục, tôi đều đi thăm thầy, vào ngày lễ tết, tôi đều gởi một ít phẩm vật cúng dường thầy. Tôi biết báo ân là tận hiếu. Trong Phật pháp tôi có được thụ dụng một chút là thực hành ngay, không phải chỉ nói miệng mà thôi.

Từ nền tảng hiếu đạo, mới có thể thực hành được “Tâm từ không sát, tu mười nghiệp thiện”. Đây là căn bản cơ sở của nền tảng tu hành. “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng. Tâm từ không sát, tu mười nghiệp thiện”. Làm được bốn câu này thì có thể được phước báo của trời người. Nói cách khác, nhất định bạn không rơi vào ba đường ác. Đó chính là thực hành “Phước thứ nhất”.

Tóm lại, cách dạy học của Phật pháp hoàn mỹ, sự giáo dục rất viên mãn, chính là được thiết lập trên nền tảng hiếu đạo.

Phước thứ hai là “Thụ trì tam quy, các giới cụ túc, không phạm oai nghi”. Đây là tiếp nhận sự giáo dục của Đức Phật. Sự giáo dục của Đức Phật được thiết lập trên nền tảng giáo dục của thế gian. Giáo dục của thế gian dựa theo tinh thần hiếu kính tôn sư. Vì vậy, kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện là bộ kinh số một của sự tu học tất cả các kinh điển đại thừa. Đây là bộ kinh hiếu của nhà Phật. Người không biết tận hiếu thì tu học Phật pháp chỉ tu suông, là giả dối.

Phước thứ ba là “Phát Bồ-đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyên người tu hành”.

Pháp môn niệm Phật lấy phước thứ ba làm nền tảng, thì sau đó niệm danh hiệu Phật mới có được công phu. Cổ nhân nói: “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Vì sao chúng ta niệm Phật từ sáng đến chiều lại không được tương ưng? Vì chúng ta không có nền tảng của tam phước. Đạo lý của tam phước chúng ta không hiểu rõ, phương pháp tu hành cũng không thực hiện, vì vậy niệm danh hiệu Phật không được tương ưng.

“Tam phước” là nền tảng của sự tu hành, có thể làm được thực sự thì sự tu hành của chúng ta mới có hiệu quả, công phu niệm Phật có đắc lực, học Phật pháp sẽ rất vui. Mục tiêu tu học Phật pháp là hiện tiền được lợi ích thù thắng, thân tâm mình được vui vẻ, gia đình hạnh phúc mỹ mãn, sự nghiệp thành công. Tiến thêm một bước là đạt đến xã hội huy hoàng, thế giới hòa bình, không những niệm Phật có thể đạt đến mục tiêu này mà bất kỳ một pháp môn nào của Phật pháp đại thừa cũng đều có thể đạt đến mục tiêu ấy. Chỉ cần tu học đúng như lý như pháp và tương ưng với phương pháp, lý luận mà Đức Phật đã giảng thì nhất định có thể đạt được.

Niệm Phật Công Đức phần giới thiệu
Niệm Phật Công Đức phần 1
Niệm Phật Công Đức phần 2
Niệm Phật Công Đức phần 3
Niệm Phật Công Đức phần 4
Niệm Phật Công Đức phần phụ lục

Niệm Phật Công Đức phần 4

Niệm Phật Công Đức phần 4IV: TÂM HỌC PHẬT VỚI NGUYỆN-GIẢI-HÀNH
1. Đạo Phật là sự thực tiễn của Tam quy y “Giác, Chính, Tịnh”.

Phật pháp tu học, ngay bước đầu là truyền thụ Tam quy y. Tam quy y là sự nhập môn của Phật pháp. Vì vậy, chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng ý nghĩa của Tam quy y.

Tại sao học Phật phải quy y? Quy y ở đâu? Quy y cái gì? Mục đích của quy y ở đâu? Điểm tốt của quy y ở chỗ nào? Nếu như không nhận thức rõ được những điều này, quy y một cách mơ hồ, thụ giới một cách hồ đồ. Nói thật, đó là hồ đồ quy y, hồ đồ thụ giới, tương lai thành Phật hồ đồ!

Mới vào cửa Phật, thầy sẽ truyền thụ Tam quy y. Tam quy y chính là đem cương lĩnh chung, phương hướng chung truyền trao cho bạn. Sau này, bất luận bạn y cứ kinh điển nào, tu học pháp môn nào cũng đều không thể trái với cương lĩnh này, không thể tách rời phương hướng này. Vì đây là cương lĩnh thành Phật, phương hướng thành Phật.

“Tam quy y” là chỉ cho quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Một số người cho rằng: Phật là tượng Phật, Pháp là kinh điển, Tăng là người xuất gia, mà không hề biết đây là một nhầm lẫn rất lớn.

Trong sự ghi chép của kinh điển, chúng ta có thể phát hiện nguồn gốc của sự sai lầm đã lâu. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, đại sư Huệ Năng, tổ thứ sáu Thiền tông đã giảng Tam quy y, ngài không dùng “Phật, Pháp, Tăng” mà dùng “Quy y Giác, quy y Chính, quy y Tịnh”. Lục Tổ đại sư đã thay đổi những danh từ này, chúng ta nghĩ xem, nhất định là đã có sự sai lầm ở thời đại nào đó.

Ý nghĩa của Tam bảo: Phật là “Giác”, Pháp là “Chính”, Tăng là “Tịnh”. Giảng từng từ như thế chúng ta sẽ không đến nỗi sinh ra sự hiểu lầm. Đây là Tự tính Tam bảo, là nơi quy y đúng đắn của chúng ta. Phật pháp được gọi là “ Nội học”, là tìm cầu ở bên trong, không phải tìm cầu ở bên ngoài; nếu tìm cầu ở bên ngoài thì gọi là “ngoại đạo”. Tam quy y, nếu như quy y tượng Phật, kinh điển và người xuất gia ở ngoài tâm, thì quy y như thế chính là quy y ngoại đạo. Ngoại đạo hoàn toàn không phải là chỉ cho tôn giáo khác, mà là chỉ cho sự cầu pháp ở ngoài tâm. Phật pháp là dạy cho bạn tìm cầu ở trong tâm.

“Phật” là tự tính giác; giác ngộ là chính mình giác chứ không phải người khác. Người khác giác ngộ không liên quan gì đến ta. Đức Thích-ca Mâu-ni, Ngài đã giác ngộ, còn ta chưa giác ngộ. Quy y Ngài, ta không thể giác ngộ, quy y chính mình mới có thể giác ngộ. Vì vậy, Phật dạy chúng ta quy y tính của mình, không được quy y Đức Phật ở ngoài. Nếu các vị quán sát, tư duy kỹ sẽ biết không dối gạt người. Phật pháp là khai phát tự tính cho chúng ta, tuyệt đối không dạy ta chạy theo người khác. Đức Phật không hề dắt mũi chúng ta đi. Phật dạy mỗi người đội trời đạp đất. Tam quy chính là dạy bạn đội trời đạp đất. Vì chúng ta vốn là Phật, chẳng qua vì mê mà thôi. Đức Phật đến giúp đỡ chúng ta khôi phục tự tính. Cho nên, “Phật” chính là ý nghĩa của giác ngộ, chúng ta phải quy y tính giác của mình.

Quy là trở về, quay đầu lại. Chúng ta quay đầu từ chỗ nào? Quay đầu từ chỗ mê hoặc, điên đảo để nương về tính giác của mình. Đây là quy y Phật chân chính. Nói thì rất dễ nhưng trên thực tế chúng ta không hề quay lại; đối người, đối sự, đối vật, chúng ta vẫn cứ mê mờ không tỉnh giác.

Tiền đề lớn, phương hướng lớn mà Đức Phật dạy chúng ta, chúng ta phải tuân thủ ra sao? Làm thế nào để tu học. Thí như, Đức Phật dạy chúng ta hiếu cha mẹ, kính tôn sư, chúng ta không hiếu kính. Đây là mê mờ; hiếu kính chính là tính giác của mình; không tôn sư trọng đạo, đó là mê mờ. Tôn sư trọng đạo chính là tính giác của mình; đối với tất cả chúng sinh ta không có lòng từ bi, đó là mê muội; từ bi với tất cả chúng sinh chính là giác. Những điều này hoàn toàn thực hiện trong đời sống mới là sự tu học chân chính.

Tất cả những điều Đức Phật dạy chúng ta, tất nhiên là đạo lý cho tính giác của mình. Trái với lời dạy của Phật chắc chắn là mê hoặc điên đảo. Như vậy, những sự việc ấy chúng ta cần phải hạ thủ, biết cách làm thế nào để phá mê khai ngộ trong đời sống hằng ngày.

“Pháp” là chính tri kiến, chính là trí huệ Bát-nhã vốn có đủ của tự tính. Người xưa giảng “Chân thật trí huệ” chính là Pháp, pháp không phải từ bên ngoài đến. Kinh Pháp Hoa giảng “Nhập Phật tri kiến”. Tri kiến Phật chính là pháp, Phật là tính giác của mình, tự tính bản giác. Trí huệ sinh ra từ trong bản giác chính là Pháp.

“Tăng” là thanh tịnh, tự tính xưa nay thanh tịnh, thanh tịnh tức là Tăng bảo. Lục Tổ đại sư khi khai ngộ đã trình bày chỗ tâm đắc cho thầy Ngũ Tổ. Câu thứ nhất nói: “Nào ngờ tự tính, vốn sẵn thanh tịnh”. Tự tính xưa nay vốn thanh tịnh chính là Tăng bảo. Trong tự tính của chúng ta có đầy đủ Tam bảo. Đây là sự quy y đúng đắn, chúng ta nhất định phải hiểu rõ.

Ngày nay có nhiều người tu phát tâm làm đệ tử Phật, phát tâm học tập theo Phật, lĩnh thụ Tam quy y, chúng tôi có băng ghi âm và một quyển sách nhỏ “Truyền thụ tam quy”, hy vọng các vị nghe nhiều, xem nhiều. Quy y về đâu, nương vào cái gì, đều phải hiểu rõ ràng triệt để, mới có thể đạt được lợi ích công đức chân thật của Tam quy y.

Hình tượng Phật, kinh sách, người xuất gia, chính là hình tượng của Tam bảo, dáng dấp của Tam bảo. Nội dung thực chất đúng nghĩa của Tam bảo, tức là “giác, chính, tịnh” của tự tính. Hình thức cũng rất quan trọng, nó là sự truyền thừa của Phật pháp, một hình thái truyền nối.

Nếu như không có hình thức này tượng trưng cho sự tồn tại thì Phật pháp sẽ biến thành một cái hang rỗng không, trở thành học phái thần bí.

Đối với hình thức Tam bảo, chúng ta cũng phải tôn trọng. Tôn trọng Tam bảo chính là tôn trọng đạo. Nếu như chúng ta mong mỏi giáo pháp của Đức Phật Thích-ca, sự giáo dục của Ngài có thể thường trụ nơi thế gian, có thể lợi ích chúng sinh rộng khắp cả, thì hình thức của Tam bảo vô cùng quan trọng. Bất luận tượng Phật đúc hay vẽ, chúng ta đều phải tôn trọng, kinh sách và người xuất gia chúng ta cũng phải tôn trọng.

Cúng dường Tam bảo, nếu biết cúng dường như thế nào thì chính mình được lợi ích. Thấy tượng Phật, nhắc nhở mình phải giác ngộ tự tính, giác tỉnh không còn mê. Thấy kinh sách hoặc quyển kinh, tự thức tỉnh chúng ta phải chính tri, chính kiến, tư tưởng kiến giải phải chính xác, không thể có sai lầm. Thấy hình tượng của người xuất gia, thì phải thức tỉnh chính mình: “Sáu căn thanh tịnh, mảy trần chẳng nhiễm”, phải thanh tịnh, không được ô nhiễm. Nếu người xuất gia không thanh tịnh thì họ chẳng liên quan gì đến chúng ta. Cho nên công đức của trụ trì Tam bảo đối với chúng ta là vô lượng vô biên.

Từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, chúng ta luân hồi trong sáu nẽo, mê mờ không tỉnh thức, sai lầm không chính kiến, nhiễm ô không thanh tịnh. Dù cho ngày nay đã thụ tam quy y nhưng thói xấu của chúng ta vẫn còn khá nặng, rất dễ bị lôi cuốn. May mà có Trụ trì Tam bảo thường xuyên, từng giờ từng khắc nhắc nhở chúng ta, giúp chúng ta giác không mê muội, chính kiến chẳng tà vạy, thanh tịnh không ô nhiễm, thử hỏi làm sao mà chúng ta không cung kính? Đây chính là lợi ích chân thực của Trụ trì Tam bảo đối với chúng ta.

Hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng và tôn trọng đạo, đây là bước khởi đầu của sự tu hành, phải tiến thẳng đến bồ-đề viên mãn, thì “giác, chính, tịnh” của chúng ta mới viên mãn. Vì thế, tu “giác, chính, tịnh” là bắt đầu từ hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng và tôn trọng đạo.

Tu hành là sửa đổi những hành vi lỗi lầm. Đối với thực chất, nội dung tu hành, chúng ta phải hiểu rõ nghìn vạn lần không được lầm lẫn, cho rằng tu hành là mỗi ngày đọc bao nhiêu bộ kinh, niệm bao nhiêu tiếng, lễ bao nhiêu lạy. Lầm rồi! Đó chỉ là hình thức mà thôi.

Nếu mỗi ngày đọc mười bộ kinh Vô Lượng Thọ, niệm mười nghìn danh hiệu Phật, lễ ba nghìn lạy, nhưng vẫn không hiếu dưỡng cha mẹ, không kính trọng sư trưởng thì tu hành kiểu này hoàn toàn là tu giả dối, không phải chân thật. Cổ nhân thường nói: “Hét bễ cuống họng cũng uổng công”! Nếu người này hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng và tôn trọng đạo, ghi nhớ sự hiếu thuận của chư Phật vào lòng, trong cuộc sống hằng ngày, đối người, xúc sự, tiếp vật, đều thực hành đúng như lý, như pháp thì dù cho người này cả ngày không đọc một bộ kinh, không niệm một câu Phật, Đức Phật vẫn nói người ấy là đệ tử chân thật; người ấy thật sự đang học Phật.

Các vị nên biết, tu hành không phải nơi hình thức mà quý nơi thực chất. Nói cách khác, trong cuộc sống hằng ngày, xử lý sự việc, đối đãi với người, tiếp xúc sự vật đều phải giống như Bồ-tát. Phật và Bồ-tát ứng sự, tiếp đãi người như thế nào? Đời sống của các ngài ra sao? Chúng ta phải học tập giống như Phật và Bồ-tát. Đức Phật dạy bạn đọc kinh, lễ Phật, đó là bài tập của lớp học trò tiểu học. Sự hành trì của sinh viên đại học không phải giống như thế. Các vị xem thấy 53 lần tham học với 53 vị Thiện tri thức của Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm, họ đều là sinh viên đại học. Họ rất ít có hình thức kiểu này, họ hoàn toàn nói đến hành vi thân, khẩu, ý thanh tịnh, chính tri chính kiến và sự giác ngộ được biểu hiện trong đời sống. Đây mới là vị Bồ-tát chân chính.
2. Năm năm học giới, vâng theo lời dạy của sư trưởng.

Người mới học, nhất định phải hạ thủ công phu từ “trì giới”. Giới đây chính là lời răn dạy của thầy, Đức Phật dạy chúng ta, đạo nghiệp, học nghiệp, sự nghiệp có thành tựu hay không, then chốt ở nơi thầy! Nếu có sự hướng dẫn của vị thầy tốt thì nhất định chúng ta sẽ thành tựu. Vậy vị thầy nào là thầy tốt nhất?

Đại sư Thiện Đạo nói: “Vị thầy nào có duyên với bạn chính là vị thầy tốt”. Sao gọi là “có duyên”? Vị thầy mà trong lòng bạn tôn kính, ngưỡng mộ nhất, chính là vị thầy có duyên với bạn. Vì những lời thầy nói, bạn có thể tiếp nhận. Sự dạy dỗ của thầy, bạn sẽ cố gắng thực hành, đây gọi là có duyên. Với vị thầy không có duyên, dù cho vị ấy có học vấn, đạo đức cao hơn, bạn vẫn không tin tưởng. Sự hướng dẫn của vị ấy, sẽ trở thành gió lướt qua bên tai bạn, bạn không để ý, căn bản là không thực hành. Thế thì chẳng được lợi ích gì, và cũng không thể thành tựu.

Thiện tri thức của mỗi người không giống nhau, như tôi tôn kính người này, bạn tôn kính người khác. Vì vậy, chư Phật, Bồ-tát phải thực hiện nhiều thân phận khác nhau. Bồ-tát Quán Thế Âm trong phẩm Phổ Môn, thị hiện ba mươi hai loại thân tướng. Bạn thích thân tướng nào thì ngài sẽ hiện thân tướng đó, đây là có duyên với bạn. Nếu bạn thích Bồ-tát mà Phật thị hiện đến thì bạn không thích, đối với Phật, bạn sẽ không cung kính. Việc này xảy ra rất nhiều.

Có rất nhiều người không cung kính Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và Phật A-di-đà nhưng lại cung kính Bồ-tát Quán Thế Âm. Những lời Bồ-tát Quán Thế Âm nói, họ liền nghe theo, còn những lời Đức Phật nói, họ không nghe. Bạn muốn tìm thầy thì phải biết nguyên tắc này. Phải tìm vị thầy mà trong lòng bạn yêu thích nhất, tôn kính nhất. Vì trong sự yêu thích và tôn kính có một điều kiện rất quan trọng, chính là bạn tin tưởng, chịu thực hành theo những lời vị thầy ấy đã nói. Đây là một nhân tố rất quan trọng. Học như thế bạn sẽ có sự thành tựu.

Vẫn còn một nguyên tắc rất quan trọng khác, đây là đặc biệt nói với người mới học. Người mới tu học, không có chính tri, chính kiến, không có khả năng phân biệt tà chính, đúng sai. Đối với một số việc, cách nói dường như đúng mà lại sai, bạn không biết nó là tà pháp lại xem nó là chính pháp. Một khi thiệt thòi bị lừa thì rất khó dứt ra. Đây là nhân tố chủ yếu không cách nào thành tựu cho sự tu học đời đời kiếp kiếp của chúng ta, hy vọng đời này chúng ta không phạm nữa.

Tà chính rất khó phân biệt, trong kinh Lăng-nghiêm, Đức Phật giảng về năm mươi loại ấm ma, loại ma bậc cao hơn, thoạt nhìn không khác gì Phật và Bồ-tát, mà xem nó là Phật, Bồ-tát, thế thì đã hỏng rồi. Ma nói pháp, trong một trăm câu chỉ có một câu không giống với Phật. Một câu giả này tức là độc tố. Chúng ta có năng lực gì để phân biệt?

Vì vậy, người mới học không rời thầy giống như trẻ con không được rời mẹ hiền. Vì sao mẹ hiền phải mang con theo mình đến ba bốn năm? Trong ba bốn năm này, đứa trẻ không thể rời mẹ, vì nó còn nhỏ quá, không hiểu việc, giờ phút nào cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng, nên cần người chăm sóc kỹ, một khắc cũng không được rời khỏi mẹ. Chúng ta mới học Phật pháp, cũng không khác gì trẻ con, chỉ cần trong một tích tắc không cẩn thận, bất tri, bất giác, liền bị yêu ma quỷ quái lôi kéo vào đường tà. Điều này thật đáng sợ! Vì thế ta nhất định phải nương theo bậc thiện tri thức.

Thời xưa, người học Phật phải 5 năm học giới, và trong 5 năm không được rời khỏi thầy. Vì người mới học tu không có chính tri, chính kiến, rất dễ bị ngoại cảnh mê hoặc. Năm năm học giới, không phải là học giới luật mà là học lời răn dạy của thầy. Học trò thời nay muốn họ 5 năm không được rời khỏi sự răn dạy của thầy thì khó quá! Thế nên, ngày nay học Phật khó, khó ở điểm không có thầy, không có bậc thiện hữu tri thức. Tại sao không có thầy? Vì không có học trò. Tất cả học trò miệng đều nói muốn học, thực tế trong lòng hoàn toàn không muốn. Đây là phước báo của chúng sinh trong thời đại này không bằng quá khứ.

Vào năm Dân quốc thứ 42 (1953), tôi tiếp xúc Phật pháp, vẫn còn thời vận rất may mắn, có thể nương tựa một chút bên thầy. Vị thầy mà tôi gặp vẫn dùng phương pháp cổ điển dạy cho tôi, tôi có thể tiếp nhận. Môn triết học tôi học đầu tiên nhất, do tiên sinh Phương Đông Mỹ dạy, ở tại nhà ông, một tuần gặp một lần, học trong hai giờ. Sau khi nhận thức Phật pháp, tôi gặp được đại sư Chương Gia. Đại sư rất từ bi, giống như thầy Phương Đông Mỹ. Mỗi ngày chủ nhật, thầy dạy tôi hai tiếng đồng hồ. Đại sư viên tịch, tôi đến Đài Trung lễ thầy, thân gần lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thầy đã đưa ra cho tôi 3 điều kiện:

1. Bắt đầu từ hôm nay, ông chỉ có thể nghe một mình tôi giảng kinh thuyết pháp. Ngoài tôi ra, bất kỳ pháp sư, đại đức, cư sĩ nào giảng kinh thảy đều không được nghe.

2. Bất luận là sách Phật hay sách thế gian, nếu không qua sự đồng ý của tôi thì tất cả đều không được xem.

3. Những pháp ông đã tu, đã học trước đây, tôi không thừa nhận, thảy đều bỏ qua, bắt đầu từ ngày hôm nay phải học theo tôi.

Ba điều kiện này, thoạt nghe dường như rất hà khắc, tôi cảm thấy vị thầy này rất ngang ngạnh, giống như ngoài ông ta ra thì không có người nào khác. Bấy giờ, tôi suy đi nghĩ lại nhưng vẫn cứ tiếp nhận. Về sau, tôi mới biết, 5 năm học giới trong cửa Phật chính là học ba điều kiện này. Ba điều kiện này chính là phương pháp của mẹ hiền vỗ về con trẻ. Học trò phải nghe lời, phục tùng một trăm phần trăm. Thầy dẫn bạn đi trên con đường chính đáng, phụ trách bồi dưỡng nền tảng “giác, chính, tịnh” cho bạn, thời hạn là năm năm. Sau 5 năm, bạn có năng lực phân biệt tà chính, đúng sai thì thầy sẽ giải phóng bạn. Lúc này, bất luận người nào giảng kinh thuyết pháp bạn đều có thể nghe. Sách vở xuất thế gian, bạn đều có thể xem, vì bạn có năng lực phân biệt, nên nó không có tác hại cho bạn. Bạn có thể phân biệt tà chính, đúng sai, chân vọng, bạn có thể đi khắp nơi nghe pháp, thành tựu trí huệ viên mãn cho mình.

Năm năm học giới, thầy là người vận dụng tâm này bồi dưỡng chính tri, chính kiến cho bạn. Nếu bạn không vâng theo, không chịu nghe lời, thì không có pháp tử. Học sinh thời hiện đại không được như vậy. Thấy vị thầy đề xuất điều kiện này, họ sẽ nói: “Cái này không thể được, thiện tri thức rất nhiều”. Tâm trạng của học sinh thời nay không giống như chúng tôi ngày trước. Chúng tôi rất thật thà luôn vâng theo sự dạy dỗ của thầy. Thầy yêu cầu 5 năm đó, tôi rất cảm kích thầy, tự mình lại tăng thêm 5 năm, vì thế tôi hoàn toàn tuân thủ theo thầy trong vòng mười năm.

Chúng ta hãy xem giáo trình dạy học của kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử đã là tấm gương cho chúng ta thấy. Thầy của đồng tử là Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ-tát Văn Thù đã dạy đồng tử như thế nào? Cũng là ba điều kiện của thầy Lý. Đợi đến khi đồng tử có năng lực phân biệt tà chính, đúng sai thì thầy của ông mới chủ động cho ông ra ngoài tham học. Đó chính là 53 lần tham học. Ra ngoài tham học, người nào đồng tử cũng có thể tiếp xúc, pháp môn nào cũng có thể nghe, kinh sách nào cũng có thể xem. Những điều đó đã thành tựu trí huệ viên mãn cho Thiện Tài đồng tử. Vì thế, 5 năm học giới được trích từ kinh Hoa Nghiêm, nó là điều có căn cứ rõ ràng. Đây là giáo trình dạy học truyền thống của Phật môn, chúng ta không hiểu đạo lý, ý nghĩa, công đức chân thật của nó liền không chịu tiếp nhận, ấy là chúng ta không có tâm nhẫn nại học tập chân chính. Nói cách khác, căn cơ học Phật của chúng ta không tốt, thậm chí có thể nói là hoàn toàn không có căn cơ học tập. Vậy thì làm sao có thể thành tựu được? Người xuất gia học Phật không thể trái với nguyên tắc này. Người tại gia học Phật muốn thành tựu cũng không thể trái với nguyên tắc này. Người học Phật thời nay nhiều hơn thời xưa. Vì cơ hội học Phật nhiều hơn ngày xưa, theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, kinh điển không thiếu thốn. Thời xưa muốn có được một bộ kinh, thật sự không dễ dàng chút nào. Hiện tại dường như mỗi gia đình đều có thể cúng dường một bộ Đại Tạng kinh. Người xưa nào có phước báo nhiều như thế!

An Huy, quê hương tôi có một ngôi chùa, là đạo tràng rất cổ kính, thời kỳ hưng thịnh nhất có năm, sáu trăm người xuất gia ở đó. Đạo tràng ấy rất rộng lớn biết bao mà chỉ có một nửa bộ Đại Tạng kinh. Người xưa muốn đọc Đại Tạng kinh, đều phải đến chùa ở lại mấy ngày tìm kinh, mượn Đại Tạng kinh rồi chép ra. Họ chép kinh là nghĩ đúng, tu hành đúng. Người thời nay có thể thỉnh Đại Tạng kinh về nhà cúng dường. Tuy tiện lợi nhưng xem ra vẫn là uổng công. Người bây giờ phước báo rất lớn nhưng đó là cái lớn trên hình thức, trên thực chất vẫn là nông cạn, vì không có sự khiêm tốn, chân thành, cung kính của người xưa, cho nên sự học tập và thành tựu, tự nhiên không bằng người xưa.

Hiện giờ, thiện hữu tri thức đã ít, dù cho có thiện hữu tri thức cũng rất khó tìm được học trò. Sau khi tôi học thành tựu, quanh năm hoằng pháp ở nước ngoài, không có bạn học, bạn tu nên cảm thấy rất cô đơn. Sau đó, tôi gặp được cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, thật là vui sướng. Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ gặp được tôi cũng rất vui, vì ông đang hoằng dương kinh Vô Lượng Thọ ở Trung Quốc, tôi cũng đang hoằng dương kinh Vô Lượng Thọ ở nước ngoài, cả hai đều là người lẻ loi trơ trọi, nên vừa gặp nhau cảm thấy vô cùng may mắn có một người bạn đồng hành.

Mỗi lần từ nước ngoài trở về, tôi luôn đến Đài Trung thăm thầy Lý. Mỗi lần gặp thầy, tôi đều cầu thỉnh thầy bồi dưỡng thêm cho mấy đứa học trò. Huynh đệ cùng thầy chúng tôi ngày càng nhiều, lực lượng hoằng Phật pháp ở bên ngoài đã rộng lớn. Những lời này có lẽ đã nói mười mấy lần. Lần sau cùng, dường như thầy đã chán nghe, thầy nói: “Không phải là tôi không dạy học trò, ông hãy thay tôi tìm học trò đi”.

Sau khi nghe câu nói này, tôi không còn lý do gì để nói. Tôi thầm nghĩ, quả là tìm không được! Biết đến nơi nào để tìm được một người thật thà, hoàn toàn nghe lời thầy? Thử nghĩ xem tìm một người có thái độ tu học và cung kính đối với thầy giống như mình. Thật sự tìm không được! Tôi đã hiểu ra. Từ đó về sau, tôi không nói nữa, vì biết việc này rất khó khăn!

Người chân chính thích học, người chân chính muốn học, đương nhiên có, chỉ là tôi không gặp được. Hiện giờ, thầy cũng không còn nữa, làm thế nào đây? Tìm người xưa, làm đệ tử tư thục của bậc cổ đức, từ xưa đến nay đều chọn lấy phương pháp này. Vị thứ nhất là Mạnh Tử ở Trung Quốc. Mạnh Tử rất ngưỡng mộ đức Khổng Tử, ông phát nguyện làm học trò của Khổng Tử, nhưng Khổng Tử đã từ trần! Song những trước tác của Khổng Tử còn trên thế gian, ông liền đọc sách của ngài, tuân theo cố gắng thực hành đạo lý những lời dạy mà Khổng Tử đã nói, có chỗ nào không hiểu, ông liền thỉnh giáo học trò của Khổng Tử. Nhờ vậy sự học tập của ông đã thành tựu. Đó gọi là “đệ tử tư thục”. Ở Trung Quốc, Khổng Tử được tôn xưng là bậc “Chí Thánh Tiên Sư”. Mạnh Tử được gọi là “Á Thánh”, đây là ví dụ về các bậc cổ nhân làm thầy đứng đầu ở Trung Quốc.

Chúng tôi có ví dụ này để nêu ra, thầy giáo nhiều, cổ thánh tiên hiền do bạn chọn lấy, bậc đại đức nào bạn thích, có duyên với bạn thì bạn hãy theo vị ấy học tập, bạn sẽ thành công. Trong lịch sử, những ví dụ về thành công rất nhiều. Người nổi tiếng nhất là Tư Mã Thiên, tác giả bộ Sử Ký của triều Hán, ông cũng học theo người xưa, tôn Tả Khưu Minh, tác giả bộ Tả Truyện làm thầy, chuyên học Tả Truyện và ông đã thành công.

Trong nhà Phật, Ngẫu Ích đại sư tôn đại sư Liên Trì làm thầy. Ông vô cùng ngưỡng mộ, sùng kính đại sư Liên Trì, chuyên đọc sách của đại sư Liên Trì, làm học trò của ngài, ông cũng đã học thành công. Thầy Lý ở Đài Trung dạy tôi học theo đại sư Ấn Quang, tôn đại sư làm thầy, chuyên học “ Văn sao” của ngài, tu học theo những lời dạy trong “Văn sao”, và làm đệ tử của ngài. Thầy Lý là đệ tử của đại sư, thầy dạy tôi cũng làm đệ tử của ngài. Khuyến khích hướng dẫn tôi như vậy, đây là sự khiêm tốn của thầy, cũng là cách dạy dỗ từ bi chân thật của ông.
3. Tôn Phật A-di-đà làmThầy.

Vị đại thiện tri thức mà hôm nay tôi sẽ giới thiệu đến quý vị là Đức Phật A-di-đà, hy vọng mọi người có thể nương vào lý luận và sự giáo huấn trong kinh Vô Lượng Thọ, nỗ lực tu học, làm đệ tử của Phật A-di-đà, Đức Thích-ca Mâu-ni rất khâm phục Đức Phật A-di-đà đến nỗi năm vóc gieo sát đất. Ngài tán thán Đức Phật A-di-đà là “Vua của tất cả chư Phật, bậc tối tôn trong các ánh sáng”. Đức Phật giới thiệu Đức Phật A-di-đà cho chúng ta, tại sao chúng ta không làm đệ tử của Đức Phật A-di-đà?

Mọi người đã phát tâm quy y thì nên thực hiện sự quy y ngay trong đời sống. Quy y Phật là quy y Đức Phật A-di-đà, quy y Pháp là quy y kinh Vô Lượng Thọ, quy y Tăng là quy y Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí. Nếu như đem Tam bảo quy về tự tính để nói thì quy y Phật, Phật A-di-đà là tự tính giác, vô lượng giác. Đây là tự tính Phật bảo; quy y pháp, kinh Vô Lượng Thọ là bộ kinh nói rõ về thể, tướng, dụng của tự tính; quy y tăng, Bồ-tát Đại Thế Chí biểu hiện trí huệ, Bồ-tát Quán Âm biểu thị cho từ bi. Chúng ta phải học trí huệ của Bồ-tát Đại Thế Chí, lòng từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm, và thực hiện ngay trong đời sống thường ngày, đối người, đối sự, đối vật đều phải từ bi. Từ bi phải nương vào trí huệ, không được nương vào tình cảm. Từ bi mà nương vào tình cảm tức là phiền não. Nhà Phật thường nói: “Từ bi là gốc, phương tiện là cửa”. Còn nói: “Từ bi nhiều tai họa, phương tiện sinh kém hèn”. Nguyên nhân nào khiến cho từ bi, phương tiện biến thành tai họa, kém hèn? Vì xử lý việc bằng tình cảm làm hư việc. Từ bi nhất định phải nương vào lý trí, như thế mới chính xác, đó là giác mà không mê.

Các bạn tu học Tịnh Độ, trong nhà đều thờ cúng Tây phương Tam Thánh, ý nghĩa ở đây không phải là nhìn Bồ-tát, Phật thành thần minh để tôn thờ; chúng ta phải hiểu ý nghĩa chân thật của sự cúng dường. Đó là từng giờ từng khắc nhắc nhở chúng ta, sớm tối lễ Phật, chiêm ngưỡng hình tượng Phật sẽ nhắc nhở chính mình, hôm nay ta phải tỉnh thức không được mê, phải có từ bi, phải có lý trí. Đứng trước tượng Phật cung kính hành lễ là biểu hiện sự tôn trọng đức tính của chúng ta, xem trọng đạo đức của mình. Đây không phải là mê tín. Chúng ta tu học phải bắt đầu hạ thủ công phu từ điểm này, sau đó mới có thể tu học Đại thừa.

Pháp Đại thừa và pháp Tiểu thừa không giống nhau, tâm lý cũng khác, pháp Tiểu thừa không có sự phát Bồ-đề tâm, pháp Đại thừa phải phát Bồ-đề tâm. Trong “Tam phước” điều thứ ba là pháp Đại thừa. Câu thứ nhất chính là phát Bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm là tâm giác ngộ chân thật. Dáng vẻ của giác ngộ chân thật là cái gì? Một người giác ngộ chân thật, quyết định sẽ thành Phật, đây mới là chân giác ngộ. Chúng sinh trong chín pháp giới đều mê mờ không tỉnh thức. So với Phật, Bồ-tát vẫn còn mê, Đức Phật mới thật sự giác. So với chúng ta, Bồ-tát đã giác còn chúng ta mê. Sự sai biệt của mười pháp giới, chính là do mức độ sâu cạn không đồng của mê và ngộ. Trình độ giác ngộ càng cao thì cảnh giới càng cao; mức độ mê mờ càng nặng thì càng rơi xuống thấp.

Người thực sự giác ngộ, chỉ có một mục tiêu, họ phải làm Phật, đây là người tu Đại thừa. Muốn làm Phật thì phải học Phật. Đức Phật là người đã giác ngộ. Đi theo dấu chân của Ngài, tuân theo phương hướng của Ngài, chúng ta làm rất ít việc, có thể thu được hiệu quả gấp đôi. Vì vậy, tôi đề nghị các vị hãy học tập theo Đức Phật A-di-đà của chúng ta.

Bản kinh Vô Lượng Thọ mà chúng tôi đã hiệu đính mới lại khác với tất cả bản tụng đang lưu hành. Một số kinh có trong tất cả bản tụng sáng, tối không áp dụng được trong đời sống hiện tại, vì vậy việc học tập rất khó được lợi ích.

Chúng ta tu học Tịnh Độ, học tập Đức Phật A-di-đà, kinh văn của khóa niệm buổi sáng nên chọn lấy 48 lời nguyện trong phẩm thứ 6 của kinh Vô Lượng Thọ. Mục đích của việc đọc 48 lời nguyện không phải là một mực tôn kính Đức Phật A-di-đà mà phải học tập Ngài. Đức Phật phát nguyện gì, chúng ta cũng phải nguyện như thế ấy. Nguyện của ta phát không được thì hãy đọc lời nguyện của Phật để dẫn phát ra lời nguyện của ta, dụng tâm ngay điểm này. Tâm nguyện của chúng ta và Phật A-di-đà cùng phát giống nhau, mục đích của bài kinh buổi sáng là ngay nơi lời nguyện này.

Tâm giống Phật, nguyện giống Phật. Phật A-di-đà là tấm gương của chúng ta, là bậc mô phạm cho chúng ta noi theo đó xây dựng bản thân mình, tạo cho mình một khuôn mẫu giống như Đức Phật A-di-đà. Các vị nghĩ xem, đạo lý ấy có vãng sinh không?

Bài kinh tụng buổi chiều, chúng tôi chọn sáu phẩm kinh văn. Từ phẩm thứ 32 đến phẩm thứ 37. Đoạn kinh văn này dạy chúng ta rất tỉ mỉ, trong cuộc sống hàng ngày nên dùng thái độ nào để đối nhân, đối sự, đối vật, dùng tâm thái nào để sống qua ngày, đây là giải-hạnh.

Chúng ta phải học làm Phật và Bồ-tát ngay trong hoàn cảnh hiện thực (giác mà không mê, chính mà chẳng tà, tịnh mà chẳng nhiễm), trải qua đời sống Giác- Chính-Tịnh, tâm nguyện giải-hạnh đều giống như Đức Phật, đây là học theo Phật A-di-đà. Sự học thành tựu, bạn chính là Đức Phật A-di-đà. Đó là thực sự tu học Phật pháp ngay trong đời sống thực tế. Bài khóa tụng của chúng tôi là y cứ vào cách ấy mà sửa chữa hiệu đính.

Nếu như công việc của các vị bận rộn, không có thời gian đọc tụng toàn bộ kinh điển thì có thể chọn lấy phương pháp này. Thời buổi sáng đọc tụng 48 lời nguyện, thời buổi chiều đọc tụng từ phẩm 32 đến phẩm 37. Thời buổi sáng phải phát nguyện nhắc nhở chính mình, ngày hôm nay không được quên lời dạy của Tam bảo, phải nương theo nguyên lý, nguyên tắc lời dạy của Tam bảo để tu hành. Thời buổi chiều phải nương vào kinh văn để kiểm thảo, phản tỉnh một cách cẩn thận: Ngày hôm nay ta có phạm lỗi gì không? Nếu có thì cần phải sửa đổi. Đức Phật dạy chúng ta những việc nào không nên làm, có phải là chúng ta đã không làm không? Đức Phật dạy chúng ta những việc nào nên làm, có phải chúng ta đã làm chưa? Những bài kinh sáng và chiều, chúng ta đọc tụng trước hình tượng Phật và Bồ-tát, cầu xin các Ngài chứng minh cho chúng ta, chúng ta phải sửa đổi để làm với mình ngày càng đổi mới. Thực hành công phu như vậy mới đúng pháp, mới có công đức.

Trong tất cả pháp môn, pháp môn niệm Phật của tông Tịnh Độ thù thắng nhất. Đây là pháp môn Đức Thế Tôn dạy chúng ta. Chúng ta phải nghe lời Đức Phật A-di-đà. Theo sự chỉ dạy của Ngài cố gắng thực hành. Điều này gọi là “Học Phật, niệm Phật”.

Niệm Phật không phải niệm trên đầu môi, mà phải thường ghi nhớ lời dạy của Phật trong lòng. Niệm là tâm niệm. Phần trên của chữ ‘niệm’ là chữ kim 今, phần dưới là chữ tâm 心, chỉ cho tâm hiện tại, trong tâm hiện tại thật sự có Phật. Những lời dạy của Phật, Ngài giảng đạo lý cho chúng ta nghe, mỗi niệm ta đều không quên, mỗi niệm tồn tại trong lòng, niệm để thực hành, đây gọi là niệm Phật, không phải là niệm trên đầu môi, niệm ngoài miệng, còn trong tâm thì không, cái đó không cần đến, nhất định phải thật sự có Phật ở trong tâm.

Bình thường tôi giảng kinh không có pháp tử, chỉ dùng những lời nói thông dụng dạy bảo mọi người, hy vọng các bạn tôn Phật là bậc thượng nhân trong tâm, được vậy tức là đã thành công. Miệng không chấp trước, tâm thực sự có Phật. Chúng ta thường niệm A-di-đà Phật, phát nguyện như thế, phát tâm như thế, tu hành như thế. Chúng ta thường niệm điều này, học tập theo Ngài. Đó là chân niệm Phật, công đức lợi ích không thể bàn, cũng là điểm tốt đẹp của sự niệm Phật.

Có nhiều người nói: “Tôi niệm Phật đã lâu lắm rồi mà không có được một chút gì tốt đẹp”. Như thế là bạn đã niệm sai. Bạn chỉ niệm bằng miệng, trong tâm không hề niệm. Nếu trong tâm thực sự có Phật, rồi niệm theo những phương pháp mà tôi giảng đây, cảm ứng thật không thể nghĩ bàn. Chúng ta niệm Phật có cầu cảm ứng hay không? Không cầu cảm ứng. Tuy không cầu cảm ứng, nhưng nhất định có cảm ứng. Bạn gieo trồng nhân nào thì nhất định có quả báo ấy.
4. Tất cả pháp từ tâm sinh, niệm Phật rốt ráo thành Phật.

Câu thứ hai trong điều thứ ba của Tam phước là “Tin sâu Nhân Quả”. Khi xưa, lúc tôi cầu học, câu nói này đã làm khổ tôi suốt ba, bốn năm trường, không biết câu nói này có ý nghĩa gì? Nếu câu: “Tin sâu Nhân Quả” đặt vào điều thứ nhất, thì tôi không hoài nghi. Chúng ta đều biết “Nhân lành có quả báo lành, nhân ác có quả báo ác”, chúng ta đều hiểu đạo lý này, lẽ nào Bồ-tát không hiểu?

Điều thứ nhất, trong Tam phước là phước báo của người trời; điều thứ hai là phước của Bồ-tát tiểu thừa; điều thứ ba là phước của Bồ-tát đại thừa; Bồ-tát đại thừa làm sao không hiểu lý nhân quả mà vẫn có Phật đến giáo hóa? Sau đó giảng kinh Hoa Nghiêm, tôi mới vỡ lẽ ra, hiểu được chân tướng sự thật: Tin sâu nhân quả, không phải là loại nhân quả “Làm lành có quả báo lành, làm ác có quả báo ác”. Loại nhân quả này, Bồ-tát vẫn còn phải học ư? Vậy nó là nhân quả gì? Đó là “Niệm Phật là Nhân, thành Phật là Quả”, loại nhân quả này có nhiều Bồ-tát vẫn không biết!

Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật đã nói: “Nếu Bồ-tát không niệm Phật thì không thể thành Phật”. Trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta cũng đã xem qua, Bồ-tát Thập địa tu hành, chuyên niệm pháp môn niệm Phật, Bồ-tát Thập địa hiểu rõ nhân quả này. Tin sâu nhân quả chính là tin “Niệm Phật là Nhân, thành Phật là Quả”. Chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật này. Hơn nữa nghĩ lại đạo lý mà Đức Phật nói, trong kinh điển Đại thừa đã nói rất nhiều, đáng tiếc chúng ta đều sơ ý, bỏ lỡ cơ hội. Nguyên lý của nó chính là “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”. Trong kinh Vô Lượng Thọ Phật, Đức Phật nói: “Khi tâm tưởng Phật, tâm ấy tức là ba mươi hai tướng, tám mươi loại tùy hình tốt đẹp”, tưởng Phật thì làm Phật, điều này rất quan trọng! Đức Phật dạy chúng ta niệm Phật, nếu trong tâm bạn thật sự có Phật thì đã thành Phật rồi.

Trong tâm nghĩ gì sẽ hiện ra cái ấy, đây là chân tướng sự thật. Trong tâm của người thế gian, nếu là tham, sân, si thì quả báo chính là ba đường ác. Trong tâm chúng ta có tứ đế thì sẽ biến thành A-la-hán; trong tâm có lục độ thì sẽ biến thành Bồ-tát; trong tâm có Phật sẽ biến thành Phật. Tin sâu nhân quả là quay lại sự việc ấy. Trong cuộc sống thường ngày, ứng sự, đối người, tiếp vật, chúng ta hành đạo Bồ-tát, tự mình giữ tâm, một mực niệm Phật, chuyên niệm Phật A-di-đà, thì vãng sinh thành Phật sẽ nắm chắc trong tay.

Đạo lý nhân quả đã rõ ràng, phương pháp cũng đã rõ, phải nỗ lực hết mình thực hành. Điểm chính của nỗ lực thực hành, điều quan trọng là “đọc tụng đại thừa”. Đọc tụng làu thông kinh điển đại thừa thì tâm bạn mới có thể giống như Phật. Nếu không làu thông, không nhớ, dù cho có lòng muốn học Phật nhưng trong tâm lại lộn xộn, mơ hồ, không rõ ràng, như thế làm sao tu học?

Vì vậy, kinh văn phải đọc thuộc, hiểu rõ ràng, thông suốt. Người học Phật A-di-đà, giữ trong tâm chính là kinh “Vô Lượng Thọ”; kinh Vô Lượng Thọ chính là chân tâm của chúng ta. Thế nên, đọc tụng kinh điển đại thừa rất quan trọng.

Bản thân mình đã thành tựu thì phải giúp đỡ người khác. Bản nguyện của Đức Phật A-di-đà, chính là phải tiếp dẫn tất cả chúng sinh trong pháp giới vãng sinh Tịnh Độ, đồng thành Phật đạo. Vì thế chúng ta nhất định phải phát tâm rộng lớn, phải phát tâm thanh tịnh, bình đẳng giúp đỡ tất cả chúng sinh khổ nạn. Chúng ta khuyên người học pháp môn này thì phải đầy đủ ba nghiệp thân, khẩu, ý. Tâm chân thành khuyên dạy họ, đó là ý nghiệp; miệng dùng lời nói giới thiệu rõ ràng pháp môn này, khiến người nghe được hoan hỷ, không nghi ngờ, đây là khẩu nghiệp; thân phải thanh tịnh, tâm thanh tịnh biểu hiện ra ngoài, dáng vẻ hạnh phúc an vui, tự nhiên, đó là thân nghiệp. Đời sống nơi Cực Lạc sẽ hiện ngay trong cuộc sống hiện tại của chúng ta, rất an vui, rất hạnh phúc. Mọi người nhìn thấy dáng vẻ này của bạn, họ sẽ tin tưởng ngay. Khuyên người niệm Phật, nếu mọi người nhìn thấy vẻ mặt rầu rĩ, khổ sở quá mức của bạn thì dù cho có khuyên dạy như thế nào, người ta cũng không tin.
5. Niệm Phật, hiện đời được sống lâu, thanh tịnh, an vui.

Khi tôi ở (Daldas) nước Mỹ, láng giềng là người nước ngoài. Họ hỏi thăm thầy Ngộ Học: “Các vị đã tu hành nghiệp gì, vì sao mỗi ngày đều được sự an vui như thế?” Họ rất hâm mộ, chúng tôi liền giới thiệu pháp môn Tịnh Độ cho họ, họ rất hoan hỷ, vui vẻ tiếp nhận. Chúng tôi mời họ đến tham quan đạo tràng. Nhìn thấy tượng Phật chúng tôi đang thờ, họ hỏi đó là Đức Phật nào? Phật có ý nghĩa gì? Họ cũng biết Thiền tông, thiền ở Mỹ rất hưng thịnh. Họ hỏi có phải chúng tôi tu Thiền không? Tôi liền nhờ thầy Ngộ Học nói với họ. Tôi bảo thầy không cần giảng Tịnh Độ, giảng Tịnh Độ người nước ngoài nghe không hiểu, sẽ làm cho họ mờ mịt, không thu được hiệu quả gì.

Thầy Ngộ Học bảo họ: “Pháp môn mà chúng tôi học là tông của A-di-đà Phật”.

Người ngoại quốc liền thỉnh giáo: “Đức Phật A-di-đà là ý nghĩa gì?”.

Phật A-di-đà có ba ý nghĩa:

1. Trường thọ.

2. An vui.

3. Thân tâm rất thanh tịnh.

Ba thứ này chúng tôi đều cần, họ nói.

Tôi bảo họ: “Thứ bảy, chúng tôi rảnh rỗi, hoan nghênh quý vị đến, tôi sẽ dạy quý vị phương pháp trường thọ, thanh tịnh, an vui”.

Vì họ là tín đồ của Cơ-đốc giáo, ngày chủ nhật phải đến giáo đường. Thứ bảy đến chùa, không có sự xung đột nhau.

Bạn đến chùa của chúng tôi, có thể học được sự thanh tịnh, trường thọ, an vui. Hình dáng của chúng tôi được thể hiện hôm đó, làm tự nhiên họ tin. Họ hiếu kỳ hỏi tuổi của tôi. Tôi đáp: “Tôi đã 70 rồi”. Vừa nghe, họ đều ngẩn ngơ, không dám tin! Đây chính là sự thật chứng minh, tôi học được pháp môn của Đức Phật A-di-đà. Vì vậy phải biểu hiện ngoại hình cho mọi người thấy họ mới tu. Ngoại hình hiện ra không đạt, dù có nói thế nào, mọi người cũng không thể tin.

Trước đây, lúc tôi ở Đài Trung thân cận thầy Lý, ngài đã 71 tuổi mà nhìn ngoại hình vẫn còn rất trẻ. Lúc ngài làm việc nơi giảng đường Phật học, học sinh đều còn rất trẻ. Khi ấy tôi cũng xấp xỉ 40 tuổi. Họ nhìn tôi tưởng là gần bằng tuổi họ, còn cho rằng thầy Lý giống như người 50 tuổi, tuyệt đối nhìn không ra ngài 70 tuổi. Ngài đi rất nhanh, người trẻ tuổi không bằng ngài. Lúc đó, chúng tôi dạo chơi vùng ngoại thành leo lên núi Bát quái. Thầy Lý là người đầu tiên lên đến đỉnh núi. Những học trò ở phía sau còn cách ngài rất xa. Công phu từ đâu đến? Đến từ niệm Phật.

Trong kinh Đại Tập, Đức Thế Tôn nói: “Đời mạt pháp có hàng ức người tu hành, nhưng hiếm người đắc đạo. Chỉ nhờ nương vào niệm Phật mà được độ”. Hơn nữa trong kinh Vô Lượng Thọ tán thán Đức Phật A-di-đà: “ Tột cùng trong mọi ánh sáng, vua của tất cả chư Phật”. Pháp môn niệm Phật của tông Tịnh Độ được mười phương chư Phật cùng khen ngợi. Đệ tử niệm Phật của tông Tịnh Độ được sự hộ niệm của tất cả chư Phật trong mười phương. Pháp môn thù thắng, dễ học, dễ tu như thế phải là người có đầy đủ nhân duyên, phước đức, thiện căn mới có thể tin nhận. Hôm nay, ba điều kiện này, chúng ta đều có đủ, chỉ cần chúng ta nương theo Đức Phật A-di-đà làm thầy, tu học theo kinh Vô Lượng Thọ, thanh tịnh, an vui thì vãng sinh thành Phật tự nhiên sẽ nắm chắc trong tay! Chúc mọi người sớm thành Phật!

Niệm Phật tức là tu Giới-Định-Huệ.

Đại sư Liên Trì nói: “Chỗ thiếu của Đại Tạng kinh chẳng qua là Giới-Định-Huệ mà thôi”. Niệm Phật tức là Giới-Định-Huệ, cần gì đuổi theo văn tự, xem qua tạng kinh này. Thời gian trôi nhanh, mạng sống không bền, xin các nhân giả hãy lấy Tịnh Độ làm sự nghiệp, chóng lo tu hành.

Niệm Phật Công Đức phần giới thiệu
Niệm Phật Công Đức phần 1
Niệm Phật Công Đức phần 2
Niệm Phật Công Đức phần 3
Niệm Phật Công Đức phần 4
Niệm Phật Công Đức phần phụ lục

Triệt Ngộ Đại Sư Thị Chúng phần 1/2

Triệt Ngộ Đại Sư Thị Chúng phần 1Đại sư húy Tế Tĩnh, tự Nột Đường, hiệu Mộng Đông, người ở huyện Phong Nhuận, Kinh Đông,Trung Quốc; họ Mã, cha húy Vạn Chương, mẹ họ Cao. Đại sư là Tổ thứ 12 của tông Tịnh độ. Lúc nhỏ Sư rất thông minh, dĩnh ngộ. Lớn lên Sư theo Nho học, làu thông kinh sử. Năm 22 tuổi, sau một cơn bệnh nặng, Sư ngộ được thân này là vô thường, nên phát chí xuất thế. Hết bệnh, Sư đến huyện Phòng Sơn lễ ngài Vinh Trì ở am Tam Thánh xuất gia, năm sau đến chùa Tụ Vân cầu Luật sư Hằng Thật thọ giới Cụ túc. đọc tiếp ➝