Sự Thật Cụ Quả Thảo Vãng Sanh Về Đâu?

Sự Thật Cụ Quả Thảo Vãng Sanh Về ĐâuĐây là cuộc tiếp xúc với cô Quả Lạng, là con gái của bà cụ Quả Thảo. Bà tên Phạm Thị Cúc, pháp danh Quả Thảo, cư ngụ tại San Jose, CA, USA vãng sanh lúc 4 giờ 10 phút sáng ngày 28 tháng 12 năm 2003 âm lịch, hưởng thọ được 83 tuổi.

Bà Quả Thảo rất mạnh khỏe, ít có bệnh. Đến một ngày nọ, bà cảm thấy đau ở ngực. Các con đưa bà đi bác sĩ. Bác sĩ cho biết bà bị ung thư gan đợt cuối, bà sẽ không sống được bao lâu. Gia đình con cái đều giấu không cho bà biết, nên bà tưởng bệnh nhẹ thôi. Đến hai tuần sau, bà bị đau nặng, các con đưa bà vào nhà thương. Sau đó bốn ngày thì bà vãng sanh. đọc tiếp ➝

Y Pháp Bất Y Nhân (Tu Theo Giáo Pháp Của Phật Chứ Đừng Nương Tựa Vào Người)

Y Pháp Bất Y Nhân…Con gái tôi hằng ngày thường đi chùa gần nhà và có một vị … ở trong chùa lại bảo với con gái tôi rằng má con làm như vậy coi chừng “Dục Tốc Bất Đạt”, câu nói này làm cho tôi hơi thối chí. Vậy kính mong chư vị là người đã tu theo pháp môn Tịnh Độ này thời gian dài và có nhiều kinh nghiệm, xin hãy cho tôi một lời khuyên là tôi làm như vậy là đúng hay là sai, có phải dục tốc bất đạt không?

Trả lời:

Ngài Ấn Quang Đại Sư dạy, người tu hành mà không nguyện vãng sanh, thì dù cho tu hành có giỏi cho mấy thì thời nay cũng không thể thoát ly sanh tử luân hồi. Người không nghe lời Tổ Sư thì tự mình tu theo đường ma đạo vậy.

Ngài dạy, người niệm Phật mà chỉ lo cầu phước báu nhân thiên thì chẳng khác gì kẻ đem viên ngọc như ý, đáng giá liên thành, đổi lấy tán kẹo của con nít. Thật quá oan uổng! Ngài dạy, chân tâm chúng ta là Phật mà không chịu nguyện về Tây-phương, mà chỉ lo mấy thứ phước báu hữu lậu, thì thật quả là kẻ vô minh!

Ngài Tĩnh Am Đại Sư dạy, người lo tu hạnh làm phước, dù cho phước báu lớn tới đâu thì việc thoát ly sanh tử cũng không thể thực hiện. Ngài nói: Việc thiện càng lớn, sanh tử càng nặng, khi chết một niệm luyến ái nổi lên nhất định bị vạn kiếp trầm luân. Tổ Sư dạy người niệm Phật cầu vãng sanh, người mà chỉ lo tu thiện phước mà không cầu vãng sanh thì đáng thương hại lắm vậy!

Ngài Thiện Đạo Đại Sư dạy, niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì vạn người tu vạn người vãng sanh, gọi là muôn người tu muôn người chứng. Ngài nói, dù niệm Phật chưa được nhất tâm bất loạn, nhưng nếu tổ chức hộ niệm cẩn thận thì người nào cũng được vãng sanh. Là Tổ Sư đâu thể nói giỡn chơi!

Ngài Trung Phong Pháp Sư dạy, người niệm Phật mà không cầu vãng sanh, thì dù công phu có cao cho mấy cũng chỉ là hư vọng, vì đã làm sai lời Phật dạy. Chúng ta tu theo lời Phật dạy, hay tu theo người nói sai lời Phật dạy?

Ngài Liên Trì Đại Sư dạy, ba tạng kinh, mười hai phần giáo ai muốn nghiên cứu cho ngộ đạo thì cứ việc nghiên cứu, tám vạn bốn ngàn pháp môn ai muốn tu trì thì cứ việc tu trì, riêng Ngài chỉ niệm câu Phật hiệu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-độ. Ngài còn nói, người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ chính là người thượng căn, còn những người tu theo các cách khác, nếu không là hạ căn thì cũng chỉ trung căn là cùng. Tại sao vậy? Vì chỉ có người niệm Phật cầu vãng sanh mới một đời thoát ly sanh tử luân hồi, bất thối thành Phật. Tổ Sư dạy vậy, tại sao chúng ta còn ngồi đây lý luận làm gì? Không có đường tu nhất định, rõ ràng, khi luống qua đời này (nghĩa là chết, mất phần vãng sanh) thì biết kiếp nào gặp lại Phật pháp nữa để lo chuyện giải thoát đây?

Ngài Quán Đảnh Đại Sư dạy: Thời mạt pháp này tất cả kinh sám không còn có khả năng cứu độ nổi chúng sanh, chỉ còn câu Phật hiệu A-Di-Đà Phật mới làm nổi. Tại sao vậy? Vì nghiệp chướng chúng sanh trong thời mạt pháp này quá nặng, nhất định không thể tự chứng đắc, nếu không niệm Phật thì quyết chắc sẽ bị lọt lại trong sáu đường đau khổ. Bây giờ nói giỏi nói hay, đến khi chung cuộc (tức là lúc sắp chết) đành phải khóc ròng! Lúc đó dẫu cho ân hận cũng đâu còn kịp nữa?…

Ngài Lý Bỉnh Nam dạy, người thời này mà không chịu niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì nếu không phải kẻ ngu si cũng là thứ cuồng vọng!

Ngài quyết lòng dạy người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Trong đời Ngài đã cứu rất nhiều người vãng sanh Tây-phương Cực-lạc.

HT Tịnh Không nói, người nào không chịu niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, nếu không phải là kẻ ngu si thì cũng là người cuồng vọng! Nhưng xét cho cùng, cuồng vọng cũng là ngu si…

Vì thiếu trí huệ mới nghi ngờ lời Phật. Vì cống cao ngã mạn mới chống lại lời Phật. Người không theo pháp Phật làm sao gọi là đệ tử Phật? Không phải đệ tử Phật thì muốn nói sao nói, muốn làm sao làm, muốn đọa lạc ở đâu lại chẳng được! Trong những đạo tràng của Ngài, ngoài việc niệm Phật cầu vãng sanh, tuyệt đối Ngài không cho phép bất cứ một hình thức tạp tu nào. Trong những năm qua, vô số người niệm Phật vãng sanh ở khắp nơi, hầu hết suy cho cùng đều nương nhờ vào lời pháp của Ngài.

Tất cả chư Tổ Sư đều dạy chúng sanh trong thời mạt pháp này hãy niệm Phật cầu sanh Tây-phương Cực-lạc để vãng sanh một đời thành đạo. Chúng ta nên thành tâm nghe theo lời chư Tổ Sư dạy để tu hành là an ổn nhất.

Thực ra, không phải chỉ có chư Tổ Sư dạy, mà đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật cũng dạy rất nhiều trong kinh điển.

Kinh A-Di-Đà, bốn lần Phật dạy rằng, phải phát tâm nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc. Người nào nghe Ngài thuyết về cõi Tây-phương mà tin tưởng, phát nguyện vãng sanh, rồi chấp trì danh hiệu A-Di-Đà Phật niệm từ một ngày đến bảy ngày chuyên lòng nhất tâm thì khi lâm chung A-Di-Đà Phật và chư Thánh chúng sẽ hiện ra tiếp dẫn về Tây-phương Cực-lạc quốc. Phật dạy rõ ràng, tại sao không tin theo? Phật không bao giờ vọng ngữ, tại sao người Phật tử lại nghi?

Kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói không biết bao nhiêu lần, dạy chúng sanh phải một lòng niệm câu Phật hiệu cầu vãng sanh. Nếu người nào tin tưởng, phát nguyện vãng sanh, và chuyên nhất niệm câu Phật hiệu thì dẫu mười niệm (trước phút lâm chung) mà không được vãng sanh thì A-Di-Đà Phật thề không thành Phật. Tại sao ta không y giáo phụng hành để vãng sanh thành Phật, mà lại chạy theo người thế tục nói?

Kinh Đại Tập Phật dạy, thời mạt pháp này (dù cho) vạn ức người tu hành, khó tìm thấy một người chứng đắc (nghĩa là khó vượt sanh tử luân hồi). Nhưng Phật lại nói, chỉ có người nào trì giử pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì được thoát luân hồi.

Kinh Hoa Nghiêm, Thiện-Tài Đồng Tử đã chứng đắc pháp thân, người thầy căn bản là Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-tát dạy niệm Phật. Thiện Hữu Tri Thức mà Ngài đi tham phỏng, thì vị đầu tiên là ngài Đức-Vân dạy niệm Phật, vị cuối cùng là Phổ-Hiền Bồ-tát dạy mười đại nguyện vương cầu sanh Tây-phương Cực-lạc (Nghĩa là cũng niệm Phật cầu vãng sanh). Bồ tát minh Tâm kiến tánh mà còn phải niệm Phật, tại sao chúng ta không chịu niệm Phật?

Nhiều lắm, nhiều lắm. Tất cả kinh điển đều dạy chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Nhất là thời mạt pháp này, Phật dạy, nếu không chịu niệm Phật thì nhất định khó có thể thoát ly sanh tử luân hồi. Không thoát ly sanh tử luân hồi, thì tu có giỏi cho mấy vẫn phải chết trong sanh tử luân hồi. Quyết định khó có thể thành đạo giải thoát!

Tu mà không thành đạo thì tu làm chi cho uổng sức vậy?

Phật dạy đường thành đạo cho chúng sanh, ta tu hành mà không theo pháp Phật, không theo lời Phật, lại dạy chúng sanh đi ngược lời Phật dạy, làm cho chúng sanh mất phần giải thoát, mất phần thành tựu, thì tội lỗi này ai sẽ chịu thay cho mình đây?

Cho nên, dạy người tu không đúng theo kinh Phật rất có tội. Tội lớn lắm!

Phật dạy thời mạt pháp tu hành phải “Y pháp bất y nhân”. Nghĩa là, phải y đúng theo pháp Phật tu hành, không được theo bất cứ người nào cả. Nói rõ hơn, người nào nói đúng kinh pháp thì nghe, người nào nói ngược kinh pháp thì tuyệt đối không được nghe. Nếu ai nhẹ dạ nghe theo thì bị đọa lạc ráng chịu.

Lúc ta bị đọa lạc, nhất định không ai cứu nổi ta đâu.

Như vậy ta phải theo lời Phật để một đời này vãng sanh thành đạo, chứ tại sao lại theo những người nói ngược lời Phật, mà đành phải mất phần về Tây-phương, bị kẹt lại trong cảnh vô thường chịu nạn?

Đạo Phật là đạo cứu chúng sanh thoát vòng sanh tử, vãng sanh thành Phật, chứ đạo Phật đâu phải bắt chúng ta phải ở lại cõi Ta-bà này chịu cảnh ngũ trược ác thế để bị đọa lạc. Vậy thì người tu học Phật sao không lo chuyện thành đạo, lại cứ nắn né ở lại chốn vô thường này để tiếp tục chịu vô thường?

Tu theo đúng pháp Phật tại sao lại nói là “Dục tốc bất đạt”. Không cầu về Tây-phương, tức là muốn chúng sanh ở lại cõi vô thường này vô lượng kiếp để chịu nạn à? Chư Tổ Sư đều dạy: Sanh tử sự đại, phải quyết lòng thoát ly sanh tử. Rõ ràng việc sanh tử là điều tối hệ trọng, cần phải giải quyết. Muốn giải quyết sanh tử trong một đời này chỉ có Niệm Phật cầu vãng sanh, thì mười niệm tất sanh. Phật đã cho chúng sanh một con đường thẳng tắt để thành đạo, tại sao lại không đi?

Không đi mà còn cản ngăn người khác con đường thành đạo, thì thật là đại tội! Đại tội!

Trong kinh Phật dạy, “Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp, thì danh ma nghiệp”. (Quên đường thành đạo, mà lo tu các thứ thiện pháp thế gian, thì dù có làm thiện lành cho mấy đi nữa cũng chỉ là ma nghiệp). Tại sao vậy? Vì đánh lạc mất hướng vãng sanh thành đạo của chúng sanh, dẫn dắt chúng sanh trong các ngã đường sanh tử luần hồi, xui khiến họ không theo đường Phật dạy, lại đi theo con đường lẩn quẩn để sau cùng chịu nạn. Đây chính là ma nghiệp, ma đạo chứ còn gì nữa?

Thôi, xin đạo hữu hãy sáng suốt tự quyết định lấy. Đạo hữu hãy tự quyết định đường tu. Chỉ có chính đạo hữu quyết định tương lai của chính mình. Không ai giúp được đạo hữu đâu.

A-Di-Đà Phật.

Diệu Âm

Trí Không Thể Nghĩ Bàn

Trí Không Thể Nghĩ BànHành giả nghi rằng: Nhớ niệm Phật A Di Đà, không chắc được vãng sanh về An Lạc. Vì sao? Trong kinh nói: “Đạo lý của nghiệp như quả cân bên nào nặng sẽ kéo nghiêng về bên đó”.

Vì sao có người trọn đời, hoặc trăm năm, hoặc 10 năm, hoặc một tháng không có ác nào không tạo, chỉ nhờ có 10 niệm liên tục, liền được vãng sanh, liền vào chánh định tụ, cứu kính không thối chuyển, cùng các khổ của ba đường ác cách xa vĩnh viễn.

Nếu như thế cái nghĩa phía nặng kéo về làm sao có thể tin. Lại nữa, từ vô lượng kiếp đến nay, tạo đủ các pháp hữu lậu, bị ràng buộc vào ba cõi, vì sao không cắt đứt kiết hoặc của ba cõi, chỉ trong thời gian rất ngắn niệm Phật A Di Đà liền được ra khỏi ba cõi. Như thế nghĩa bị nghiệp trói buộc làm sao giải thích được? Đối trị với điều nghi này nên Phật dạy: Trí không thể nghĩ bàn. Trí không thể nghĩ bàn là năng lực của Phật trí. Năng lực này có thể lấy ít làm nhiều, lấy nhiều làm ít, lấy gần làm xa, lấy xa làm gần, lấy nhẹ làm nặng lấy nặng làm nhẹ, lấy dài làm ngắn lấy ngắn làm dài.

Phật trí như thế vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Ví như, có trăm người, suốt trăm năm đốn củi, chứa đống cao ngàn trượng, chỉ cần cho một mồi lửa, nửa ngày là cháy sạch. Đâu có thế nói rằng đống củi trăm năm mà đốt nửa ngày không cháy hết. Lại như có người què được lên thuyền gặp gió thuận buồm căng, một ngày vượt xa ngàn dặm, đâu có thể nói người què một ngày không đến nơi cách xa ngàn dặm ư! Lại như có một người nghèo hèn, nhặt được vật quý của nhà vua, nhà vua mừng tìm được lại vật cũ, liền thêm trọng thưởng, người ấy chỉ trong khoảnh khắc giàu sang đầy dẫy. Đâu có thể nói người muốn được vua ban phải mười năm đèn sách khó nhọc còn không đạt được, huống hồ người kia chỉ có chút việc mà có được giàu sang như thế.

Lại có người yếu đuối, gắng sức leo lên con lừa còn không nổi, được lên xe chuyển luân Thánh vương, liền bay trên hư không, bay lượn tự nhiên. Đâu có thể nói người yếu đuối sức leo lên con lừa còn không nổi kia không thể bay được trên hư không ư! Lại như có một sợi dây thừng trói mười dũng sĩ, không làm sao dùng sức thoát khỏi, chỉ cần một đứa trẻ con dùng thanh gươm bén chém một nhát là dây đứt làm hai đoạn.

Đâu thể nói sức chú nhỏ không thể cắt được sợi dây thừng kia sao? Tất cả muôn pháp đều có tự lực và tha lực, tự nhiếp và tha nhiếp. Nghìn mở muôn đóng vô lượng vô biên, đâu có thể đem chỗ hiểu biết có trở ngại của mình mà nghi pháp vô ngại của người kia. Lại nữa, trong năm thứ không thể nghĩ bàn, Phật pháp là pháp không thể nghĩ bàn hạng nhất. Chúng ta không thể cho làm ác trăm năm là nặng, lại nghi mười niệm niệm Phật là nhẹ không được vãng sanh về thế giới An Lạc, vào chánh định tụ việc ấy hoàn toàn không đúng.

Đàm Loan Đại Sư

Câu Chuyện Nhân Duyên

Câu Chuyện Nhân DuyênHữu duyên thiên lý năng tương ngộ,Vô duyên đối diện bất tương phùng. Âu đó cũng là sự thường, để mọi người đến được với nhau, để mọi sự đến được với mọi sự và người người hữu duyên với mọi sự. Giống như câu chuyện tôi sắp kể dưới đây,đều bắt đầu từ duyên.

Mỗi buổi sáng ngày Tết nguyên đán, có một vị khách viễn xứ về thăm quê nhà. Vị khách đã đến chùa Kim Liên (Nghi Tàm, Hà Nội) lễ Phật, vãn cảnh chùa. Trong sân chùa, một bé trai nhỏ đang ngồi trên chiếc xe bé xinh chơi cùng mẹ như để hưởng được phúc ấm đầu năm. Bỗng đâu, một bé gái cùng đi lễ với gia đình, bước vào cửa chùa. Thấy có em bé, cô bé chạy ùa tới rồi đẩy chiếc xe nôi chạy chơi quanh sân chùa. Trong sáng, hồn nhiên như những thiên thần, chúng vui đùa với nhau như thể đã thân từ nhiều năm trước. Đó chẳng là duyên sao? Vị khách thấy cảnh đó bất chợt thốt lên: “Hai đứa bé này thật có duyên với nhau. Không biết sau này chúng có gặp lại nhau không nhỉ?”.

Nghe thấy vậy, bỗng tôi nhớ về câu chuyện cách đây hơn 30 năm, khi tôi còn rất trẻ. Năm đó tôi mới chừng đôi mươi.

Phải nói thêm rằng, từ nhỏ tôi cũng đã có chút nhân duyên với Đạo Phật, thường xuyên được đi chùa với bà ngoại, theo bà đi làm những việc công đức nhà chùa, ngồi tụng kinh cùng bà….Về duyên, thì như vậy tôi cũng đã bắt đầu được tạo nhân đạo Phật trong tâm trí từ ngày ấy. Thế rồi, khi đã có chút nhận thức, có chút lý lẽ trong đầu, mọi chuyện đã không còn đơn giản. Cuộc sống thực tế khách quan đã tác động tới trực giác của tôi, khiến nhiều thắc mắc về Đạo phật nảy sinh.

Nếu chẳng phải duyên, thì sẽ chẳng có sự trở lại của người thứ hai để “dẫn dắt” tôi đến với Đạo Phật, điều mà cho đến hôm nay, sau 31 năm tôi mới nhận ra. Dạo đó, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi cùng với bố vào TP.Hồ chí Minh (ngày ấy vẫn còn mang tên Sài gòn) thăm các bác (anh ruột của bố). Trong số các anh chị em, có một người anh họ, người mà tôi luôn yêu quí và kính trọng, đã khai tâm cho tôi ít nhiều về Đạo Phật. Ông đã nghiên cứu, thực hành Đạo Phật và Thiền nhiều năm, nên kiến thức thừa đủ để giải thích cho đứa em mới “nứt mắt” như tôi. Và câu chuyện của anh em tôi với Đạo Phật bắt đầu từ đó.

Bố tôi, xa gia đình bên nội đã lâu, còn tôi lần đầu tiên gặp họ, đáng lẽ có khối chuyện để nói với nhau, nhưng quả thực, tôi không biết từ đâu khiến câu chuyện lại dẫn anh em tôi đến Thiền và Đạo Phật. . . Anh tôi nói rằng, Đạo Phật là giúp cho con người ta thoát khỏi mọi nỗi khổ. Ông giải thích cho tôi mọi điều. Nào là nhân – quả, nào là duyên sinh, luân hồi… ông còn khuyên tôi, nếu có ai đó không tốt với mình, có thể mình không giao thiệp với họ nữa, mà lòng không thù hận gì, khi ấy mình sẽ thấy thanh thản vô cùng. . . Rồi anh tôi nói rằng, con người ta vì cảm nhận được cái ngon, cái đẹp mới đem lòng mê đắm và từ đó mới sinh lòng tham muốn chiếm hữu thành của mình, thế mới có giành giật, đánh giết lẫn nhau để mà chiếm hữu, mới sinh lòng căm ghét, thù hận… vân vân. Nếu bây giờ mình thấy đẹp nhưng chẳng màng, thấy ngon chẳng thèm. . . , thì đâu cần phải tranh giành làm chi. Khi đó làm gì có chiến tranh, như thế sẽ sống thoải mái, nhẹ nhàng sung sướng. Sống ở cuộc đời mà tựa Niết bàn đó. Thế nên Đức Thế Tôn mới dạy: Không tận diệt năm uẩn (là sắc, thụ, tưởng, hành, thức) sẽ không đoạn tận được khổ đau.

Tôi đã không cho là như vậy và thắc mắc: Đã không chơi với người ta, có nghĩa là mình thù hận rồi còn gì, làm sao lại nói là không. Và rằng người ta không tốt với mình, hà cớ gì mình cứ phải nhịn, phải tốt với họ; Hay như phàm đã là con người thì phải có cảm xúc; Phải có yêu, có ghét, có tham vọng và phấn đấu . . . Rất nhiều thắc mắc nảy sinh đối lập với những gì anh tôi đã giải thích. Ngày đó tôi đã khẳng khái nói với ông rằng: Em thấy đạo Phật không tích cực chỉ toàn khuyên con người ta sống thụ động mà thôi. Khi đó ông nói: chừng nào cô thấy không còn “thắc mắc nữa, và cô nhận ra, tin tưởng rằng đạo Phật hoàn toàn đúng. Ấy là cô đã theo được Đạo Phật rồi đó.

Nghe anh tôi nói vậy, nhưng tôi chẳng để tâm. Và dẫu vẫn năng đi chùa với bà,với mẹ, nhưng để nhất tâm đến với Phật thì quả là chưa thể.

Thời gian thấm thoắt quan đi. Khi mái tóc đã điểm sương, và cuộc đời đã cho tôi thấy nhiều điều hơn, giao du rộng hơn và đặc biệt thực tế khách quan cũng được đập vào trực giác tôi nhiều mầu sắc, nhiều hoàn cảnh hơn…thì tôi đã nhận ra rằng anh tôi nói đúng.

Cuộc đời thật khó dự đoán. Tôi chợt nhớ tới một câu hát của Jay Livingston and Ray Evans: “Que sera sera? Que’ sera’ sera’? What ever will be, will be. The futures not ours to see…” – ( lời dịch) Biết ra sao ngày sau? Đời luyến lưu vui cười, khổ đau…Vì sắc duyên là sóng bể dâu… Nào ai biết ngay sau”..

Tôi đã hiểu ra nhiều. Theo giáo pháp của Đức Phật, thì con người ta sống ở đời tất thảy đều là nhân duyên. Và như vậy, là trong mỗi chúng ta, ai ai cũng đều hội tụ 12 nhân duyên: Vô Minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão và cuối cùng là Tử. Chiêm nghiệm từ câu chuyện của mình, tôi đã cảm nhận được điều đó.

Ví như cái duyên đã dẫn tôi sớm đến với Đạo Phật. Song vì Vô minh, nên đã chẳng nhận ra cái đúng của Đạo là vị tha, là xả, mà chỉ thấy cái dở của đời là chấp ngã, nên trong lòng luôn thấy bức xúc, bực bội. Thấy người ta không công bằng với mình thì đem lòng oán hận; thấy mình không được may mắn như người ta thì lấy làm phiền não; Luôn tự phụ, cho mình là giỏi hơn người nên đem lòng khinh miệt…

Từ sự Vô minh ấy mà hành không thuận, tạo nên ác nghiệp cho mình. Bởi luôn cảm thấy bất bình, cộng với bản tính cương trực, nên lời ăn tiếng nói không biết dung hoà. Kết quả là suốt một thời gian dài làm việc trong một cơ quan, tôi đã không được xem là người tiến bộ và không được hưởng những gì đáng lẽ mình được hưởng. Nhưng rồi mọi chuyện đã qua đi. Một cơ may, và cũng lại là nhân duyên đưa tôi sang một bước ngoặt khác trong cuộc đời. Đó là thời điểm tôi chuyển nghề. Tôi đã tưởng mình nằm mơ khi sang làm công việc mới, công việc mà suốt một thời trẻ tôi ngưỡng vọng, ao ước. Đến bây giờ tôi mới lý giải được vì sao tôi gặp được cơ duyên đó, âu cũng là nhân – quả mà thôi. Thân thiện, cư xử tốt với mọi người, đến khi mình cần, sẽ có người giúp đỡ.

Ở công việc mới, tôi có nhiều điều kiện đi đây, đi đó, học hỏi nhiều, mắt thấy tai nghe cũng lắm. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là thế. Thêm nữa, mỗi độ tuổi, con người ta cũng có những thay đổi, nhận thức cũng khác, và dần dần tôi đã bớt sân hận, bớt đòi hỏi và đã biết thoả hiệp với cuộc đời… Có thể, vì đã nhận thức được lẽ đó, mà cuộc sống của tôi thật vui vẻ, thoải mái và cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn.

Và rồi mỗi ngày, duyên đến với Đạo Phật như càng gần với tôi, được lân mẫn với các vị tăng, ni để trao đổi, học hỏi; gặp gỡ nhiều Phật tử, được giới thiệu, thậm chí có cư sỹ còn tặng những cuốn sách quí về Đạo Phật… Đọc, chiêm nghiệm đã giúp tôi nhìn nhận lại mình rõ ràng hơn.

Cuộc sống thật khó khăn. Chẳng thể ngày một ngày hai mà đến được với Đạo Phật, chẳng phải đã đến rồi mà theo được. Theo rồi chưa chắc đã giác ngộ được …Tất thảy còn phải do duyên nghiệp mà nên. Ấy mới cần phải tu hành, và quan trọng hơn cả phải nhất tâm tin tưởng con đường mình chọn là đúng đắn, tin tưởng rằng, con đường ấy dẫu “xa” hay “gần” thì kiên trì sẽ tới đích. Đó chính là điều tôi nhận ra sau 30 năm, kể từ ngày hai anh em tôi trò chuyện với nhau về Đạo Phật.

Giờ đây, dẫu tôi chưa hiểu Đạo Phật bao nhiêu, và càng chưa tu tập được gì nhiều, bởi cuộc sống còn quá nhiều gian truân buộc mình phải đối mặt. Song, có một điều tôi đã thấy rất rõ ràng, trong cuộc sống hàng ngày, càng xả được nhiều, mình càng thanh thản và thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa.

Thích Châu Triêm

Pháp Môn Một Đời Thành Tựu

Pháp Môn Một Đời Thành TựuChỉ nương pháp niệm Phật sẽ được qua biển sinh tử.

Kinh Đại Tập nói rằng: ”Thời đại mạt pháp hàng trăm triệu người tu hành, ít có một người đắc đạo, chỉ nương niệm Phật sẽ qua được biển sinh tử”.Thời đại mạt pháp, căn khí chúng sinh ngu si yếu đuối. Không nương tựa vào sức đại từ, đại nguyện của đức Phật A Di Đà mà có thể đời này thành tựu sự giải thoát sinh tử, trong ức ức vạn người khó có một. Vậy hãy cẩn thận tuân theo lời chỉ dạy của đức Phật. Xin khuyên các vị hãy thành thật niệm Phật, một cửa thâm nhập, bằng không thì khó lo xong việc lớn sinh tử!

Chẳng biết tốt xấu

Thời mạt pháp nếu bỏ đi pháp môn niệm Phật thì không có bất cứ pháp môn nào có thể giải thoát được sinh tử. Bạn chẳng biết được tốt xấu, chẳng biết mình là phàm phu ngã mạn, trí tuệ mờ tối, chướng sâu, phước mỏng, nghiệp dày. Không chịu căn cứ vào lời dạy của đức Phật, thành thật tu hành nương nhờ sức Phật cứu giúp. Pháp môn niệm Phật không thể nghĩ bàn. Lại theo ý riêng tu hành các pháp môn khác thì không có cách gì đạt được lợi ích và thọ dụng chân thật, lại không thể giải thoát khổ đau sinh tử trong đời này!

Nguyên nhân Như Lai ra đời

Đại sư Thiện Đạo nói rằng: ”Nguyên nhân Như Lai ra đời chỉ nói bản nguyện của Phật A Di Đà“. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại đời ác năm trược nói pháp 49 năm, điều quan trọng nhất là dạy chúng ta niệm Phật một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, giới thiệu cho chúng ta pháp môn Tịnh Độ thù thắng, có thể một đời thành tựu việc giải thoát sinh tử.

Người niệm Phật có đại phước báo

Người có thể nghe và tin đến được một câu Nam Mô A Di Đà Phật này, họ đã nhiều đời nhiều kiếp đến nay tích lũy bao nhiêu nhân duyên căn lành phước đức, mới có thể đời nay gặp nghe và thọ trì pháp môn Tịnh Độ. Vì thế, người hay niệm Phật đều có phước báo lớn.

Phước báo trời, người

Đời nay nếu không niệm Phật cầu vãng sinh, tất cả sự nỗ lực chỉ là phước báo nhân thiên, không có cách gì đời nay thoát khỏi sinh tử, vẫn còn trở lại luân hồi nơi sáu đường, quả thật đáng tiếc.

Tro tàn

Tro tuy đã tàn nhưng hơi nóng vẫn còn ngấm ngầm bên trong, chỉ cần một làn gió thoảng qua cũng làm nó lóe sáng lên, rồi sau đó trở lại nguội như trước. Tâm của người tu hành cũng nên tập như đống tro tàn, không sinh thêm chuyện phiền phức, khởi tâm phân biệt phải trái. Chỉ cần một câu A Di Đà Phật giữ vững đến cùng!

Thiền thâm diệu vô thượng

Kinh Đại Tập nói rằng: ”Người tu hành chỉ niệm A Di Đđà Phật, đó gọi là thiền thâm diệu vô thượng. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật chính là thiền, mà thiền này lại là vô cùng sâu xa”.

Thần chú thật đơn giản và chân thật

Một câu Nam Mô A Di Đà Phật chính là mật. Sáu chữ hồng danh này y theo phạn văn, chưa phiên dịch một chữ, nên sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật là thần chú rất đơn giản và chân thật.

Niệm Phật bằng với việc tụng hết thảy Kinh

Trọn bộ kinh Đại Bát Nhã cô đọng lại chính là một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Lại còn nói thêm rằng: ”Tam tạng mười hai bộ kinh gói gọn trong một câu Nam Mô A Di Đà Phật”. Vì thế, niệm Phật liền bằng với tụng hết Tam tạng kinh điển.

Niệm Phật không thể nghĩ bàn

Một câu Nam Mô A Di Đà Phật đã là thiền, là mật rồi, lại còn tổng quát hết Tam tạng kinh điển. Nên pháp môn niệm Phật thật không thể nghĩ bàn.

Niệm Phật là hạnh chánh

Kinh Di Đà nói rằng: ”Không thể dùng chút ít nhân duyên căn lành phước đức mà được sinh về cõi Cực Lạc”. Nên người niệm Phật phải thường niệm Phật để làm hạnh chánh, lấy sáu độ và vạn hạnh làm phụ thêm. Không nên để tâm phan duyên. Đối với các duyên xấu cần phải hết sức tránh xa, đối với các duyên tốt cần phải nỗ lực tùy duyên mà làm. Nhưng cần phải có trí tuệ cân nhắc và có chừng mực. Không nên bỏ gốc theo ngọn, các hạnh chánh và hạnh phụ lộn xộn. Chỉ đuổi theo phước báu trời người mà quên mất việc lớn giải thoát sinh tử của chính mình.

Một môn thâm nhập

Thời đại mạt pháp, người học Phật nên dùng tâm thành thật niệm Phật làm phép tắc. Duy chỉ dùng một môn trì danh niệm Phật để thâm nhập. Khởi phát phải dính dáng tới quán tưởng hay quán tượng Phật. Nhân vì chúng sinh thời mạy pháp căn cơ chậm lụt, nên việc quán tưởng và quán tượng chẳng phải người thượng căn thì không thể thành tựu. Chỉ có hết lòng chân thật tụng một câu Thánh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” sẽ vô cùng bảo đảm.

Niềm tin sâu

Chúng ta là những người tu học theo pháp môn Tịnh Độ. Đối với thế giới Cực Lạc ở Tây phương, không những chỉ có niềm tin mà cần phải tin cho thật sâu. Đối với thế giới Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà và pháp trì danh hiệu Phật, có được niềm tin sâu sẽ vãng sanh không nghi. Dù cho bất kỳ sự cản trở phỉ báng nào, đều không dao động đến tín tâm, cầu sinh Tịnh Độ của chúng ta. Được vậy mới gọi là người có niềm tin sâu.

Nguyện cấp thiết

Chúng ta đã tin sâu lòng đại từ đại bi không bờ bến của đức Phật A Di Đà. Chúng ta nên phát nguyện cầu sinh về thế giới Cực Lạc. Không chỉ là nguyện thôi, mà phải nguyện cấp thiết. Trong tâm phải hết lòng thiết thực chán chia lìa cái khổ vô cùng của thế giới Ta Bà, vui mừng cầu cái vui vô cùng của thế giới Cực Lạc. Lập nên nguyện rộng lớn, chắc chắn cầu sinh về cõi Cực Lạc ở phương Tây. Dù cho bất cứ tiếng tăm và lợi dưỡng nào, hoặc bệnh khổ hành hạ đều không thể thay đổi tâm nguyện cầu sinh Tịnh độ của chúng ta. Được vậy mới gọi là người có nguyện tha thiết.

Tự hỏi lương tâm

Nếu hiện tại đức Phật A Di Đà hiện thân trước mặt chúng ta, mở rộng cánh cửa của thế giới Cực Lạc ở phương Tây để tiếp dẫn chúng ta đi về với Ngài, ngay tại đây, người có nguyện đi ít lại càng ít. Đây là do người tu học pháp môn Tịnh Độ có niềm tin nhưng không được sâu, có nguyện nhưng nguyện không tha thiết, có thực hành nhưng thực hành không đủ sức, y như cứ quyến luyến cõi Ta Bà. Đối với danh lợi thế tục, tình duyên con cái nhiều thứ ràng buộc. Vẫn còn nhiều duyên không buông xuống. Mọi người tự hỏi lương tâm mình. Đối với thế giới Cực Lạc, ba món tư lương “Tín, Nguyện và Hạnh” của các bạn đầy đủ được bao nhiêu? Đối với danh lợi trần duyên của thế giới Ta Bà, bạn đã buông bỏ được bao nhiêu?

Thành thật niệm Phật

Chân thật niệm Phật chính là thành thật đem một câu A Di Đà Phật làm “bổn mạng nguyên thần” của chính mình. Cần phải rành mạch, rõ ràng, miên mật, khít khao mà trì niệm. Tuyệt đối không vì bất cứ phương pháp huyền diệu, thần kỳ nào hay bất cứ người có danh vọng học vấn làm cho dao động.

Sống chuyển thành chín, chín chuyển thành sống

Người hành trì pháp môn niệm Phật cần phải thực hành hai nguyên tắc lớn “chỗ sống chuyển thành chín, chỗ chín chuyển thành sống”, nghĩa là phải đem một câu Nam Mô A Di Đà Phật niệm cho thật nhiều. Luôn thúc giục chính mình trong bốn oai nghi đi đứng, nằm ngồi; luôn để khởi một câu Phật hiệu. Lâu ngày dài tháng niệm thành thói quen tốt niệm Phật. Đến phút lâm chung rất quan trọng, Phật hiệu tự nhiên liền có thể đề khởi lên được, lúc này nguyện vãng sinh đã có phần nắm chắc trong tay.

Tức một tức ba

Niệm Phật chính là tịnh, là thiền mà cũng chính là mật. Một tức ba, ba tức một. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật bao gồm tất cả tinh hoa mà Thế Tôn thuyết pháp trong 49 năm. Niệm Phật đích thực là không thể nghĩ bàn. Hãy hết lòng thành thật, đem một câu Nam Mô A Di Đà niệm liên tục đều đặn. Tất cả tinh túy của Phật giáo trọn ở trong đó.

Nương tự lực hay nương Phật lực?

Học thiền, mật sở dĩ khó thành tựu là do nương tựa ở sức mình. Điều đó chỉ có căn cơ bậc thượng mới có thể thành tựu. Nguyên nhân niệm Phật dễ thành tựu là biết nương vào sức Phật. Đức Phật A Di Đà có đại từ, đại bi. Hãy nương vào bổn nguyện tiếp dẫn chúng sinh của Ngài. Đã nương vào sự gia hộ của Phật, các bậc thượng, trung, hạ căn đều được nhiếp thọ. Cắt ngang sinh tử hèn hạ, một đời thành tựu vượt phàm vào thánh.

Niệm Phật mới là chân chánh cứu cảnh, lại còn bủa khắp cả ba căn thượng, trung, hạ. Không có hạng nào không thu nhiếp. Thử xem kinh Hoa Nghiêm, ngài Thiện Tài Đồng Tử qua 53 lần tham học, về sau ngài Bồ Tát Phổ Hiền còn dạy lấy mười Đại Nguyện Vương dẫn dắt quay về Cực Lạc. Bởi thế, kinh Hoa Nghiêm là vô thượng kinh vương. Sau khi Thế Tôn thành đạo, vì 41 vị pháp thân Đại sĩ ở nơi hội Hoa Tạng Hải, dạy dỗ và dẫn dắt, đều khuyên Đại Bồ Tát niệm Phật cầu sinh Tây Phương để viên mãn Phật quả. Chúng ta là hạng phàm phu, lại coi thường niệm Phật, cho niệm Phật là cạn cợt, bảo đó là chỗ hành trì của hành nam nữ ngu si. Chúng ta thật quá ngu si mê muội, thật đáng thương không thể cứu được!

Bí quyết niệm Phật

Bí quyết niệm Phật không gì lạ, chính là cần nhiều niệm. Niệm từ lúc thô sơ cho đến khi thuần thục, nuôi dưỡng thành thói quen niệm Phật. Đem một câu Nam Mô A Di Đà Phật hết lòng cung kính niệm, ứng dụng vào các việc như ăn mặc, đi đứng thường ngày. Lâu ngày như thế, tự mình có thể biết được sự mầu nhiệm trong câu niệm Phật.

Niệm Phật lớn tiếng

Khi niệm Phật nếu vong niệm dấy khởi liên miên, tâm thức tạp loạn, không thể chuyên chú, ắt cần phải niệm lớn tiếng để nhiếp tâm. Dùng tai lắng nghe có thể trừ được vọng niệm. Kinh Nghiêp Báo Sai Biệt nói rằng: ”Niệm Phật lớn tiếng có 12 thứ công đức. Một, có thể trừ bệnh ngủ gật. Hai, thiên ma kinh sợ. Ba, tiếng biến khắp mười phương. Bốn, dứt khổ trong ba đường ác. Năm, âm thanh bên ngoài không lọt vào tai. Sáu, tâm chẳng toán loạn. Bảy, tinh tấn dũng mãnh. Tám, Chư Phật hoan hỷ. Chín, Tam Muội hiện tiền. Mười, vãng sinh Tịnh Độ”.

(Tam muội: Còn gọi là Tam Ma Đề hoặc Tam Ma Địa. Trung Hoa dịch là Chánh Định, tức là lìa các tà niệm, tâm trụ một chỗ không các tà niệm).

Cách hành trì của người học Phật

Điều tối quan trọng trong cách hành trì của người học Phật là cần phải thâm nhập một môn, thành thật chấp trì Thánh hiệu A Di Đà Phật. Dù cho biển động, núi tan hoặc trải qua thời gian lâu dài, tuyệt không hề thay đổi. Mọi hành vi trong cuộc sống đều không nên sát sinh, ăn chay làm đầu cho hạnh đoạn các điều ác. Lấy việc chuộc mạng phóng sinh làm trước cho hạnh làm các điều thiện.

Nội công và ngoại công

Phần nội công và ngoại công của người học Phật cần phải song song và được coi trọng. Nội công chấp trì danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật đến chết giữ không quên. Khi đi đứng, nằm ngồi luôn nhớ niệm. Ngoại công là Lục độ vạn hạnh, đoạn ác tu thiện, không sát sinh, ăn chay, phóng sinh và giúp đỡ mọi người. Nội công là chính, ngoại công là phụ. Nội công là chủ, ngoại công là kẻ tùy tùng. Tiếc cho người đời chỉ trọng ngoại công mà quên nội công, bỏ gốc theo ngọn, ngu si điên đảo thật đáng tiếc lắm vậy!

Khó hành đạo – dễ hành đạo

Ước muốn được thành Phật, chúng ta chọn pháp tu như Thiền tông, Mật tông hay Luật tông đều phải trải qua ba đại A tăng kỳ kiếp, ròng ra tu hành mới có thể thành công, bởi chỉ nương vào tự lực nên rất khó. Khi chọn tu pháp môn Tịnh Độ, chúng ta nương vào một câu thánh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, liền có thể một đời thành tựu vượt phàm vào Thánh. Nguyên do là chúng ta nương tựa vào sức bổn nguyện của Ngài sẽ được Ngài gia hộ cho nên dễ dàng thành tựu.

Đại sư Liên Trì dạy: ”Giúp cha mẹ giải thoát sinh tử, mới tròn bổn phận làm đạo con”. Hạnh hiếu lớn nhất ở thể gian không gì hơn khuyên cha mẹ niệm Phật, phát nguyện vãng sanh thế giới Cực Lạc. Giả sử chúng ta cúng dường cha mẹ rất nhiều vàng ngọc châu báu, xây nhà cao đẹp lộng lẫy cho cha mẹ ở, nhưng lúc già chết đến, cha mẹ không thể mang theo được. Trong cuộc sống dẫu nhiều năm được gần gũi bên cha mẹ, ân cần thăm hỏi với tâm mến thương, tất cả đều chỉ là hư giả, tạm thời. Chỉ có khuyên cha mẹ thường niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật mới tròn đạo hiếu thảo. Đây mới thật sự mời đón cha mẹ đến chỗ hoàn toàn lợi ích. Nguyện khắp thiện hạ, những người con có tâm hiếu thảo, cố gắng phụng dưỡng và báo đáp công ơn cha mẹ với tâm hiếu thảo này.

Tự thanh tịnh ý mình

Giáo nghĩa chư Phật dạy không ngoài 16 chữ “việc ác chớ làm, siêng làm việc lành, thanh tịnh ý mình, lời chư Phật dạy”. Trong 16 chữ ấy quan trọng nhất là bốn chữ “thanh tịnh ý mình”. Với người niệm Phật để thanh tịnh được ý mình, phải bền vững nắm chắc một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Dùng nhất tâm niệm Phật để chặt đứt và hàng phục muôn vàn vọng niệm, thanh tịnh từ tâm. Nếu niệm Phật không gián đoạn, sẽ hiện rõ tánh Phật xưa nay có sẵn nơi mỗi chúng ta.

Chỉ và quán

Có người nói rằng: Thế nào gọi là Chỉ và Quán? Quả thật chỉ niệm một câu A Di Đà Phật chính là chỉ và quán rồi. Có thể chuyên niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật đến khi không còn khởi niệm, vọng niệm không sinh gọi là chỉ. Khi niệm danh hiệu Phật thường biết từng niệm, từng niệm rõ ràng đều đặn gọi là quán. Có thể nương vào chương đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm: ”Thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Chân thật chấp trì danh hiệu Phật chính là Chỉ và Quán vậy.

Tức tâm tịnh độ

Dù bạn dốc sức nghiên cứu các pháp môn Chỉ Quán, có thể nơi giáo chỉ tông Thiên Thai đã dung hội và quán thông. Thậm chí còn có thể tụng thuộc làu làu Tam tạng kinh điển, đều không có chỗ dùng. Bạn vẫn là kẻ phàm phu còn trói buộc trong vòng luân hồi sinh tử. Muốn thành Phật phải trải qua ba đại A tăng kỳ kiếp. Tuy cái gì bạn cũng không biết, nhưng chỉ cần bạn thành thật chấp trì danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật với lòng tin sâu xa và tâm nguyện tha thiết cầu sinh về cõi Cực Lạc, là có thể thành tựu việc giải thoát sinh tử một đời, sẽ vượt phàm vào thánh. Pháp môn niệm Phật thật không thể nghĩ bàn. Xin khuyên tất cả Phật tử hãy biết tâm mình là cõi Tịnh Độ, nên an tâm niệm Phật chớ để thời gian qua suông, vì mạng người có hạn!

Thời mạt pháp niệm Phật dễ thành tựu

Đức Phật là bậc thông suốt Tam Giới. Ngài dạy rằng: ”Thời đại chánh pháp giải thoát thành tựu. Thời đại tượng pháp thiền định thành tựu. Thời đại mạt pháp niệm Phật thành tựu”. Những lời này chúng ta đã hiểu biết rõ ràng. Thời đại mạt pháp ngày càng xa cách Thánh nhân. Vận mạng pháp môn ngày càng suy giảm. Căn cơ chúng sinh ngày càng châm lụt, phước báo mong manh, trí tuệ thô thiển, tội nghiệp sâu nặng, không đủ tư cách để nói đến trì giới và thiền định. Chỉ còn nương tựa vào nguyên lực đại từ đại bi của đức A Di Đà. Nương tựa vào một câu Thánh hiệu hết sức cao thượng, hết sức đơn giản và chân thật, mới có thể vượt thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi

Niệm Phật càng về sau càng quan trọng

Thời mạt pháp tương lai sẽ đến đoạn cuối cùng. Pháp môn niệm Phật nhất định càng về sau càng quan trọng. Chúng sinh đời vị lai phước báu mỏng dần, nghiệp chướng nặng thêm. Như ngày này một bộ kinh điển quý báu, để mặc cho hư hết, không xem tới. Có thể đến cuối cùng, Phật giáo tại thế gian còn lưu truyền một câu thánh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Chúng sinh đã quá đau khổ, nương tựa một câu Phật hiệu là nương tựa vào sức thệ nguyện đại từ đại bi của Phật A Di Đà. Chỉ cần đơn giản chấp trì danh hiệu Phật, tin và nguyện vãng sinh, liền có thể nương nhờ sức Phật cứu vớt thoát khỏi biển khổ sinh tử. Như đây có thể thấy một câu Nam Mô A Di Đà Phật thật tinh hoa vô cùng trong Tam tạng kinh điển của Phật giáo.

Thành thật niệm Phật

Đại sư Liên Trì là bậc Tổ sư của tông Tịnh độ vào đời nhà Minh. Trước khi vãng sinh Cực Lạc đại chúng cầu thỉnh để lại lời di chúc. Đại sư dạy rằng ”Thành thật niệm Phật”. Tổ sư một đời tu hành chỉ để lại bốn chữ đơn giản, nhưng bốn chữ ấy đã nhiếp tất cả cương lĩnh của người tu hành thật sự bên trong. Vào thời mạt pháp, ma mạnh pháp yếu, chúng tà đầy dẫy. Chúng ta chỉ cần nắm chắc bốn chữ “thành thật niệm Phật” này làm nguyên tắc cho việc tu hành thì không bị tất cả tà ma ngăn trở, mê hoặc điên đảo.

Đệ tử Phật chân chánh

Tất cả việc tu hành không nên xa rời pháp niệm Phật, tất cả sự hành trì không nên trái với sự thành thật. Không niệm Phật, tu hành không thể thành tựu; không thành thật, tu hành không thể được đắc lực. Nhớ kỹ lời giáo huấn để lại của Đại sư Liên Trì; “Thành thật niệm Phật”. Chúng ta chỉ có thành thật trì danh hiệu Phật mới đúng là đệ tử chân chánh của Ngài.

Học Phật chân chánh

Nếu chúng ta đã chân chánh học Phật thì càng học càng đạt đến chỗ đơn giản và thuần thục, càng học nhất định càng khiêm tốn và luôn biết hổ thẹn. Đơn giản và thuần thục đến mức trong sinh hoạt chỉ là một câu thánh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật tràn ngập trong tâm; tâm khiêm tốn đến lúc chỉ thấy tất cả mọi người đều là Bồ Tát, duy chỉ có mình ta là phàm phu. Lòng hổ thẹn nên tất cả việc tốt chỉ hướng cho người khác, nếu có việc xấu, lỗi lầm mình nhận lấy hết. Người có tâm lượng cao cả này trên đường học Phật sẽ đạt được thành tựu chân chánh.

Đầy đủ lòng tin và tâm nguyện

Đại sư Ngẫu Ích trong “Di đà yếu giải” giảng rất rõ ràng: ”Được sinh Cực Lạc hay không, phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn do nơi niệm Phật sâu hay cạn”. Người niệm Phật chỉ cần đầy đủ niềm tin và tâm nguyện, khiến khi lâm chung mười niệm cũng quyết được vãng sinh. Nhưng sao hiện nay người niệm Phật rất nhiều mà người vãng sinh thì rất ít? Then chốt chính là niềm tin và tâm nguyện không rõ ràng, sự tu hành quá thô thiển không cố gắng tới cùng.

Một câu niệm Phật nhiếp hết tất cả

Đại sư Ngẫu Ích nói: ”Niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật thuần thục, thì tất cả tinh hoa của Tam tạng kinh điển đều ở trong ấy. Một ngàn bảy trăm công án, các cơ quan hướng thượng cũng ở bên trong, ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, Tam tụ tịnh giới cũng ở trong ấy”. Một danh hiệu Phật đầy đủ tất cả thiền, giáo, mật chú và tất cả phương pháp tu hành. Một danh hiệu Phật đầy đủ tất cả Giới, Định, Tuệ pháp môn Tịnh độ đích thực không thể nghĩ, không thể bàn!

Niệm Phật chính là thiền

Bạn nghĩ cần phải học thiền ư? Hãy niệm Phật đi! Vì trong kinh Đại Tập dạy chúng ta rằng: ”Niệm Phật chính là thiền vô thượng thậm thâm vi diệu”.

Niệm Phật chính là mật

Bạn nghĩ cần phải học mật tông ư? Hãy niệm Phật đi! Bởi một câu thánh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, sáu chữ hồng danh này nương vào Phạn văn chưa phiên dịch một chữ. Đó là mật chú đơn giản, chân thật nhất.

Niệm Phật chính là giáo

Bạn nghĩ cần phải học kinh giáo ư? Hãy niệm Phật đi! Vì niệm Phật chính là tụng hết thảy kinh. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật là tinh hoa cô đọng của ba tạng kinh điển.

Niệm Phật chính là Giới, Định, Tuệ

Giải thích và phát huy hết ý nghĩa của ba tạng kinh điển chẳng qua chỉ có ba chữ Giới, Định, Tuệ mà thôi. Nhưng một câu Nam Mô A Di Đà Phậtđầy đủ và viên mãn phước đức và trí tuệ. Nói hết tất cả lời tốt trong thiên hạ chẳng bằng không nói một lời mà chỉ thầm niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Làm hết tất cả việc tốt trong thiên hạ chẳng bằng không làm gì, chỉ chuyên niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Học hết tất cả học vấn của thế gian không bằng không biết một chữ, chuyên niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật.

Đại Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền đều niệm Phật

Trong kinh Quán Phật Tam muội, ngài Bồ Tát Văn Thù nói kệ rằng:

Nguyện tôi khi mạng chung,
Diệt hết các chướng ngại.
Đối diện Phật Di Đà,
Sinh về nước Cực Lạc.

Trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện kinh Hoa Nghiêm, ngài Bồ Tát Phổ Hiền nói kệ:

Nguyện cho tôi khi sắp lâm chung
Trừ sạch tất cả các chướng ngại.
Mắt thấy rõ đức Phật Di Đà,
Tức được sinh về nước Cực Lạc.

Đến như những bậc đại Bồ Tát như Ngài Văn Thù, Phổ Hiền còn niệm Phật, nguyện cầu sinh về thế giới Cực Lạc. Ngày nay không ít người coi thường việc niệm Phật phát nguyện vãng sinh. Thật đáng tiếc! Đáng thương thay! Bạn tự cho mình là hạng người gì? Đức Phật chỉ dạy, khuyên bảo chúng sinh sinh về cõi Cực Lạc Phương Tây, bạn lại không chịu nghe lời Phật dạy. Đem “giá trị Liên Thành” vô giá đổi một văn tiền có giá trị vứt bỏ bên đống rác. Đáng trách bạn không biết tốt hay xấu. Có mắt không tròng, nên nhìn không thấy Thái Sơn, nghiệp chướng quá nặng, phước báu lại mong manh!

Pháp môn đặc biệt

Đại sư Ấn Quang tán thán pháp môn Tịnh độ: ”Chín cõi chúng sinh lìa pháp môn này không thể viên thành quả Phật, mười phương chư Phật bỏ pháp môn này dưới không thể lợi khắp các hạng chúng sinh”. Niệm Phật là pháp môn đặc biệt. Đức Phật một đời chỉ dạy, căn cơ thượng, trung và hạ đều được lợi ích. Tất cả chúng sinh trong pháp giới đều nên tu tập. Trên đến Bồ Tát Đẳng Giác, dưới đến kẻ buôn bán nhỏ, hạng đầy tớ thấp hèn, chỉ cần chịu niệm Phật đều giống như nhau; thừa cơ nương vào sức Phật cứu độ, chót vót vượt phàm vào Thánh thoát khỏi sinh tử. Niệm Phật là pháp môn vô thượng, rất cao siêu, huyền diệu không thể nghĩ bàn, chỉ trong một đời là thành tựu.

Bình thường rất cao, thành thật rất diệu

Tâm bình thường thì đạo càng cao, lòng thành thật thì pháp phật mầu nhiệm. Pháp môn tu hành cao siêu, mầu nhiệm chính là giữ tâm rất bình thường. Tu hành và học vấn sâu xa chính là hết lòng thành thật. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật rất bình thường nhưng rất cao siêu và mầu nhiệm. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật rất thành thật nhưng rất sâu xa. Chúng ta có thể giữ tâm như ngu, nhưng bình thường và thành thật, thường niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Từ thủy đến chung, vĩnh viễn không thay đổi, chính là hạng người bậc nhất trong số người tu tập Phật pháp.

Tu pháp niệm Phật là vững vàng nhất

Thiền sư Bách Trượng nói rằng: ”Tu hành, dùng pháp môn niệm Phật là vững vàng nhất”. Đây là một trong 20 điều phép tắc. Thiền sư Bách Trượng là bậc cao đức trong Thiền Tông, vì dạy dỗ đệ tử mà đề xuất ra. Pháp niệm Phật là con đường tu hành rất an ổn, vì niệm Phật được nương vào sức đại từ đại bi của Phật A Di Đà và sẽ được Ngài nhiếp thọ. Đây là con đường tu hành thành công tuyệt đối có bảo chứng. Tham thiền, học giáo và các pháp môn khác chỉ nương tựa vào sức mình. Chúng sinh thời mạt pháp căn cơ ngu đần và yếu đuối, nghiệp chướng sâu nặng, không nương sức bồn nguyện của Phật làm sao mà hành cho thông!

Hãy nhanh quay về niệm Phật

Quá trình lịch sử là một tấm gương. Bao nhiêu thí dụ về sự tu hành của chư vị cổ đức đều để cảnh giác chúng ta. Hiện tại, người tri thức về học vấn rất thích tham thiền và nghiên cứu giáo lý, lại coi rẻ việc niệm Phật, xem niệm Phật là cạn cợt, là pháp môn của kẻ nam nữ ngu si. Xin những người này hãy tự hỏi lại lương tâm. Trí tuệ của quý vị có sánh được Thiền sư Bách Trượng, Đại sư Liên Trì, Triệt Ngộ hay không? Sự tu hành tinh tấn của quý vị có vượt trội như chư vị cổ đức hay không? Chư vị cổ đức với nghị lực và trí tuệ hơn người, đã tiêu phí tâm huyết hơn mấy mươi năm đều không có cách gì ở trong tham thiền đạt được thành tựu. Quý vị tự cho mình là hạng người gì, còn lớn tiếng không thẹn thùng, chỉ muốn tham thiền không nguyện niệm Phật? Có thể nói rõ với quý vị, tất cả sự nỗ lực đều phí tổn tâm huyết mà thôi, tuyệt không có cách gì thành công được. Hãy nhanh quay về niệm Phật đi, chớ nên coi thường việc này. Rất mong! Rất mong!

Phương pháp tiêu trừ nghiệp chướng

Nghĩ muốn tiêu trừ nghiệp chướng phải cần nội công và ngoại công song hành, hạnh chánh và hạnh phụ gồm tu. Nội công là hạnh chánh, đó là niệm Phật lễ Phật . Niệm Phật trong sinh hoạt phải luôn nhớ thầm niệm một câu thánh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Dùng nhất niệm vạn đức hồng danh chí tôn vô thượng để trung hoà tất cả vọng niệm và thói xấu tham, sân, si từ vô thủy kiếp đến nay. Những nghiệp chướng nặng nề này sẽ dung hòa vào một câu thánh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, và được đức Phật A Di Đà đại từ đại bi và tất cả chư Phật trong mười phương hộ niệm, che chở và bao bọc, giúp tiêu trừ nghiệp chướng của chính mình. Lạy Phật chính là kính lễ chư Phật để sám hối nghiệp chướng của chúng ta. Mỗi ngày lễ 88 vị Phật hoặc chuyên lạy Phật A Di Đà để sám hối. Trong quá trình lễ lạy, ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh nương vào sức bồn thệ nguyện của chư Phật, dùng sức mạnh sám hối để diệt trừ tội lỗi và tiêu trừ nghiệp chướng. Ngoại công là hạnh phụ có thể giúp thành tựu đạo nghiệp của chúng ta. Ngoại công chính là ăn chay và phóng sinh. Chúng ta trong sinh hoạt hàng ngày không nên làm điều ác, nhớ phải tu nghiệp lành. Việc cực ác chính là ăn thịt và giết hại. Vì thế, muốn dứt điều ác trước hết phải ăn chay. Việc thiện lớn nhất là chuộc mạng phóng sinh. Vì thế, muốn tu điều thiện, trước phải lo chuộc mạng phóng sinh. Ăn chay và phóng sinh là hai bài tập quan trọng nhất của người tu Phật

Nếu như có thể nội công và ngoại công cùng tu, thì dùng nội công niệm Phật, lạy Phật làm chính; lấy hạnh ăn chay và phóng sinh làm phụ. Cần phải hết lòng chí kính nỗ lực tinh tấn thì sẽ thành tựu nhanh chóng.

Một câu danh hiệu Phật

Trong Phật giáo, pháp tu đơn giản nhất chính là một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Pháp tu sâu xa nhất cũng là một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Rất đơn giản chỉ dành cho hạng người buôn bán nhỏ, người bình dân, kẻ tôi tớ. Quá sâu xa thì trên đất Bồ Tát Đẳng giác cũng không thể hiểu hết. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật cũng rất đơn giản, rất sâu xa, tột cùng viên mãn những thuần thục, hết sức bình thường nhưng huyền diệu, dễ hành trì nhưng cũng khó giải thích. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật là mục đích chủ yếu mà Phật thị hiện nơi cõi đời ô trược này cũng là đại pháp vô thượng thông suốt bổn nguyện của đức Phật. Đó cũng là tinh hoa trí tột của ba tạng giáo điển. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật vượt lên tất cả pháp Giáo, Thiền, Mật và Luật học, nhiếp hết tất cả pháp môn.

Trích Liên Trì Cảnh Sách
Việt dịch: Thích Quảng Ánh