Cách Niệm PhậtChúng ta có thể trì danh niệm Phật bằng:

1. “Cao thanh niệm” nghĩa là niệm lớn tiếng. Cách này chúng ta có thể dùng mõ để phụ lực, hoặc giữ trường canh mà lấn áp tiếng động bên ngoài và đánh tan sự buồn ngủ của chúng ta.

2. “Ðê thanh niệm” nghĩa là niệm nhỏ tiếng. Nếu niệm lớn tiếng nghe hơi mệt, thì nên dịu lại để giữ tâm khỏi sự tán loạn, giải đãi.

3. “Kim cang niệm” nghĩa là niệm chỉ nhép môi, động lưỡi mà không có ra tiếng như hai cách vừa nói trên.

4. Mặc niệm” nghĩa là niệm âm thầm. Ðến đây môi, lưỡi không còn động, chỉ dùng trí để nhớ câu niệm Phật mà thôi.

KINH NGHIỆM.

Chúng ta có thể dùng bốn cách trên đây mà thay đổi. Không nên cố chấp một pháp niệm nào nhất định. Nghĩa là nếu niệm thầm (mặc niệm) có hơi năng đầu, buồn ngủ, thì trở lại niệm lớn tiếng và tuần tự, hoặc đê thanh niệm, v.v…

Ngài Luật Hàng Pháp sư dạy chúng ta có thể trong khi dùng bốn cách “Trì danh niệm Phật”:

1. Hoặc là niệm đủ sáu tiếng “Nam mô A Di Ðà Phật”.

2. Hoặc chỉ niệm bốn tiếng “A Di Ðà Phật”.

3. Hoặc cho câu niệm Phật theo hơi thở ra vào tùy theo sức mà niệm nhiều câu hay ít câu, gọi là “Xuất nhập tức niệm”.

4. Hoặc khi niệm Phật, luôn luôn trụ tâm nơi đỉnh đầu để tâm khỏi duyên cảnh khác mà bị tán loạn.

Ngoài ra, người niệm Phật phải chú trọng đến ý căn bản của mình, nghĩa là phải gom thâu tư tưởng lại mà đặc biệt để ý đến bốn điểm cần thiết:

1. Phải kiên thành nghĩa là cung kính, thành khẩn, kỵ sự khinh mạn, không tôn kính.

2. Phải thống thiết nghĩa là tỏ vẻ đau khổ, kỵ sự trống không, không thiết thực.

3. Phải kiên chí nghĩa là ý chí vững vàng, kỵ sự gián đoạn, đứt khúc, không nối tiếp nhau.

4. Phải chuyên nhất bấy giờ là chỉ theo một chiều, kỵ sự xen tạp lộn xộn.

Ý căn được kềm vào bốn điểm này thì các căn khác như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân khó duyên ngoại mà phát thức vọng động.

Muốn cho được kết quả chắc chắn, trong khi niệm, hoặc lớn tiếng, nhỏ tiếng, chúng ta còn phải luôn luôn kiểm điểm những việc như sau:

1. Giữ miệng niệm cho rành rẽ.

2. Kềm hai lỗ tai nghe cho rõ ràng.

3. Giữ tiếng niệm cho trong trẻo, đều đều.

4. Nhất là cái ý phải cẩn mật, kim chỉ cho thật khít khao mà dày dặn đừng để một tà niệm nào xen vào.

Trong Kinh Di Giáo, Ðức Phật dạy chúng ta khi niệm Phật phải chăm chỉ, chẩm bẩm như mèo rình chuột, như viên tướng soái giữ cửa thành. Nếu được như thế, thì chúng ta sẽ thành công “Niệm Phật Tam muội” vậy.

Cực Lạc Thù Thắng
Dịch giả: Hòa Thượng Thích Hân Hiền