Lâm Chung Bệnh Khổ Bức Bách Dũng Mãnh Niệm Phật Được Vãng SanhCư sĩ Văn Trọng Tử, tự Tử Dữ, hiệu Khải Sơ và Ðại Thịnh đời Minh, người huyện Tiền Ðường. Thuở bé lắm bịnh, chí muốn thoát sanh tử, không có ý định lập gia đình. Ông quy y với Tổ Vân Thê, thọ trì pháp môn Niệm Phật, dốc lòng tin, cật lực tu hành.

Em rể là cư sĩ Hoàng Nguyên Phù tự Thừa Huệ, hiệu Tịnh Minh tính người khẳng khái, thanh cảnh, không thích bon chen cõi tục, hiếu thuận, thích bố thí. Ông Văn thấy em rể thanh bần như thế bèn hướng dẫn đến quy y với tổ Vân Thê. Sau ông Hoàng mửa ra máu, lâu ngày càng nặng, ông Văn lại dạy em rể hãy niệm Phật. Ông Hoàng càng thống khổ; vừa mới tỉnh, Văn cư sĩ đã lớn tiếng hỏi:

– Lúc mắt chú dại đi thì lúc ấy mới biết khổ, rốt cục sẽ đi về đâu?

Ông Hoàng run sợ:

– Phải làm thế nào đây?

Ông Văn bảo:

– Chẳng gì bằng niệm Phật!

Ông Hoàng hỏi:

– Bác dạy em niệm tự tánh Di Ðà hay là niệm Cực Lạc Di Ðà?

Ông Văn bảo:

– Chú cho là có hai hay sao?

Ông Hoàng có phần tỉnh ngộ, liền thỉnh Tăng, bày tượng Phật, giảng nhân duyên Tịnh Ðộ, xuống tóc, thọ giới Sa Di và trợ niệm cho mình; tự suất lãnh cả nhà niệm Phật suốt bảy ngày. Chợt nghe mùi hoa sen, ông Hoàng mỉm cười, nói kệ, ngồi ngay ngắn qua đời.

Ðến khi ngài Hám Sơn Ðức Thanh đến điếu tang ngài Vân Thê, ông Văn cũng đến lễ thỉnh, xin được thế phát. Ðại Sư bảo:

– Tứ đại chẳng thể ngăn trở được Phật tánh, râu tóc có trở ngại chi! Cha mẹ còn, Phật tử đành cam bất hiếu hay sao?

Ông mới thôi. Về sau, bị bịnh nặng, ông tự thị mình tín lực mạnh mẽ, vãng sanh chẳng khó khăn gì. Ðến lúc bịnh gần chết, bao nhiêu nghiệp tích tập hiện tiền, tâm thần hoảng hốt, ông mới biết là Tịnh nghiệp chưa thuần, vãng sanh chẳng dễ dàng, bèn cố nhỏm dậy, kêu ầm lên:

– Mau thỉnh thiện tri thức niệm Phật giúp ta!

Bạn bè nhóm lại, niệm Phật suốt mấy ngày, nhưng những nghiệp cảnh tập khí vẫn vần vũ, ông lại kêu:

– Căn bản sanh tử không người nào khác dẹp nổi!

Liền đứng dậy, mặc áo, tắm gội, đối trước Phật đốt hương trên cánh tay, buồn thương, thành khẩn sám hối, niệm Phật suốt đêm không chút mệt mỏi. Ông tự biết túc chướng đã băng tiêu, tâm an thần sảng, Tịnh Ðộ hiện tiền, hoan hỷ tịch định, vội cạo tóc, khoác cà sa ra dáng tăng sĩ, từ biệt mọi người, ngồi ngay ngắn qua đời.

(theo Mộng Du Tập)

Nhận định:

Ông Hoàng bịnh càng ngày càng nặng, chợt được nghe khai thị bèn tỉnh ngộ, liền nhất niệm kiên quyết nên bèn có thể buông xuống vạn duyên, niệm Phật bảy ngày, vãng sanh ngay chẳng trở ngại gì.

Ông Văn tuy sớm dốc lòng tin, tận lực tu hành, nhưng tự thị mình tín lực mạnh mẽ, vãng sanh chẳng khó khăn; đến lúc nguy ách, tập khí hiện tiền, mới biết Tịnh nghiệp chưa thuần, vãng sanh chẳng dễ! Cho đến khi nhờ tri thức trợ niệm suốt mấy ngày vô hiệu mới rõ căn bản sanh tử không ai bạt trừ giùm mình được nổi!

Ðại sư Hám Sơn nói:

“Tập cảnh hiện tiền lúc lâm chung há chẳng phải là để thấy trước ác đạo ư? Sao chẳng dũng mãnh, phấn khởi, hô to một tiếng giận dữ, bạt trừ cội gốc sanh tử bao kiếp, biến nẻo khổ thành Tịnh Ðộ, há chẳng phải là những bậc trượng phu hay sao? Ðạo lý ấy há có thể dùng âm thanh, vẻ mặt cười cợt để thực hành nổi ư?”

Nếu tự thị là dễ thì sẽ lười nhác, còn biết là khó thì sẽ dũng mãnh, tinh tấn!

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập