Hãy Nắm Vững Chữ TÍN Trong 3 Món Tư LươngChúng ta nói chuyện hộ niệm mà sao nói hoài không bao giờ hết! Ấy thế mới biết là muốn cứu một người vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc khó lắm, không có dễ đâu. Ta phải cố gắng tối đa, dùng đủ mọi cách để cho người có duyên phát được tâm nguyện đi vãng sanh về Tây Phương và người ta thực hiện đúng phương cách vãng sanh.

Nói cho rõ ra là Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ. Tất cả đều nằm trong ba điểm này chứ không có gì khác. Đến ngày nay vẫn có nhiều người khinh thường phương pháp hộ niệm, người ta cho đó là chuyện nhỏ! Trong khi ở đây chúng ta rất đề cao cái phương pháp hộ niệm này.

Tu hành là điều quan trọng. Công phu là điều cần phải chú ý thực hiện. Nhưng nếu sơ xuất không nghĩ đến vấn đề hộ niệm thì coi chừng… Dã tràng se cát biển đông!

Vì xin thưa với chư vị, tất cả cái gì cũng phải có Nhân và Duyên kết hợp lại mới thành cái Quả được. Mình quyết tâm công phu niệm Phật là mình có cái Nhân, nhưng coi chừng khi cuối đời cái Duyên chẳng lành đến với mình thì cái Nhân này cũng không thể nào kết thành Quả được. Ví dụ như khi mình nằm xuống, những người bên cạnh không biết hộ niệm, người ta khóc than, đụng chạm, ồn ào… trước cái thân xác mệt mỏi, tan rã, đau đớn của mình, khiến mình chịu không nổi! Đó là những người có Nhân niệm Phật, nhưng không có cái duyên lành thuận lợi, họ vẫn không được vãng sanh.

Nếu bây giờ chúng ta chỉ lo về hộ niệm mà không lo niệm Phật, thì chúng ta chỉ chú trọng tới cái Duyên. Khi nằm xuống, người ta tới hộ niệm thì…

– Nghiệp chướng của mình ào ào!…
– Oan gia của mình chập chùng!…
– Bệnh khổ của mình quá nặng!…

Mình cũng không đủ sức bình tĩnh để niệm theo với người hộ niệm. Như vậy mình có cái Duyên được hộ niệm, nhưng cái Nhân niệm Phật mình không tạo, mình cũng không được vãng sanh.

Cho nên mấy ngày qua chúng ta hô hào chuyện lập nguyện niệm Phật bằng hình thức là lập công cứ, thực ra là để nhắc nhở chúng ta cố gắng tăng thêm thời giờ niệm Phật, để cho quen tạo được cái Nhân, để sau này dễ kết hợp với cái Duyên mà thành ra cái Quả vãng sanh về Tây Phương.

Nhiều người sợ về lập công cứ niệm Phật. Ví dụ như hồi trưa chị Tư có nói:

– Tôi hôm nay niệm mười ngàn, ngày mai tôi niệm xuống còn có năm ngàn, như vậy tôi bị lỗi sao?

Ở đây ai bắt lỗi mình? Mình phát tâm được thì ai cũng thương, Phật cũng thương, Bồ-Tát cũng thương, chúng sanh cũng thương… Làm gì mà bắt lỗi?

Sở dĩ mình niệm Phật cần đến công cứ, là vì khi cầm cái công cứ lên thì ta phải niệm. Thay vì nghĩ tới cuộc cờ tướng, thì bây giờ nên ở nhà niệm Phật, niệm được câu A-Di-Đà Phật nào hay câu đó. Ngày nay mình niệm được mười ngàn, ngày mai chỉ còn hai ngàn… À! Tại sao hôm nay mình lại giải đãi như vậy?… Thôi! Phải tăng lên! Đó là sự tự nguyện của mình, tự mình trói mình trong câu A-Di-Đà Phật, để cho cái Nhân của mình được tròn đầy. Chứ có ai bắt tội mình? Có người nghĩ, nếu ngày mai niệm ít hơn hôm nay, thì bị phạt? Bao giờ lại có chuyện đó. Chẳng qua là sự khuyến tấn.

Muốn lập Hạnh chúng ta phải phát tâm, phải đi liền. Hễ đi được, cái bước khởi đầu thì phải chậm, nhưng mà đi được rồi thì tự nhiên nó có cái trớn để tiếp tục mình đi nhanh lên. Còn mình ngập ngừng, e ngại… thì mình cứ dậm chân tại chỗ hoài, không bao giờ đi được.

Lập Hạnh!… Hạnh này chính là một trong ba chữ Tín – Hạnh – Nguyện.

Hổm nay mình nói “Hạnh” nhiều rồi, thì hôm nay mình nói qua chữ “Tín” một chút. Chữ “Tín” nó khởi đầu cho tất cả. Ví dụ như việc lập hạnh niệm Phật mà mình sợ lên sợ xuống… Đây cũng do Tín Tâm của mình yếu quá! Mình tin rằng hôm nay nhận công cứ về mình niệm được mười ngàn một ngày, mai mình niệm xuống còn chỉ có năm ngàn, vậy là mình bị lỗi, bị tội. Tin vậy là sai! Tại vì, ví dụ như là người kia không có lập công cứ chẳng lẽ người ta khỏi bị tội sao? Đúng không? Mình lập công cứ thì mình hơn những người không công cứ chứ? Dù mình niệm chỉ có hai ngàn đi nữa, thì cũng hơn những người không niệm chứ, cớ gì lại có tội? Đây chẳng qua là cái nấc thang để mình đi thôi. Như vậy thì có công đức chứ không bao giờ là có tội được. Ít hay nhiều. Như vậy thấy người ta niệm nhiều thì mình cũng ráng mình niệm nhiều lên. Để cho cái nhân của mình nó ngon hơn người không niệm. Đúng không? Chứ có mắc mớ gì đâu…

Không nên vì một niềm tin sai lệch mà không dám nhận công cứ. Thực ra nó chỉ là cái tờ giấy mình in ra, mình copy ra chứ có gì khác đâu? Nó có lực gì đâu?

Đã tin A-Di-Đà Phật thì tin cho mạnh, tin cho vững. Thường thường những người tin vững rồi, thì người ta không còn chao đảo nữa. Ví dụ như khi mình nghe Hòa Thượng Tịnh-Không giảng, quý vị để ý coi, Ngài giảng kinh nào Ngài cũng nói cái kinh này là “Number One” hết. Giảng kinh Địa-Tạng, Ngài nói kinh Địa-Tạng là kinh số một, là một kinh nhất định chúng ta không thể nào bỏ qua được. Ngài giảng tới kinh Hoa-Nghiêm, Ngài nói kinh này cũng là kinh số một luôn, đây là chánh mạch của Phật. Rồi giảng kinh Vô-Lượng-Thọ, Ngài nói kinh Vô-Lượng-Thọ là quan trọng nhất. Rồi giảng tới kinh Thập-Thiện Nghiệp-Đạo, Thập-Thiện Nghiệp-Đạo cũng là số một luôn… Quý vị để ý coi. Có nhiều người nghe nói kinh này là kinh số một, nên quyết tâm tụng cho được kinh này. Vô tình Ngài giảng kinh Vô-Lượng-Thọ thì mình cũng tìm kinh Vô-Lượng-Thọ tụng. Ngài giảng kinh Địa-Tạng, thì mình cũng tìm kinh Địa-Tạng tụng. Giảng tới kinh Hoa-Nghiêm, mình cũng tìm kinh Hoa-Nghiêm tụng. Rồi giảng tới kinh Thập-Thiện Nghiệp-Đạo, mình cũng tìm kinh Thập-Thiện Nghiệp-Đạo tụng… Vô tình mình đi tới chỗ tạp tu rồi!…

Chính vì vậy, khi nghe pháp không kỹ, thường hay bị vướng lắm! Vì sao vậy? Xin thưa thật là tất cả kinh Phật đều do đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật từ trong chơn tâm Ngài nói ra. Mà từ trong chơn tâm của Ngài nói ra thì kinh nào, pháp nào cũng là vi diệu cả. Nhưng chúng ta quên ở chỗ đối trị của nó. Nói cho rõ ra là như vậy, chứ không có gì khác.

Giống như lên một ngọn núi, cái đỉnh là nơi mình muốn tới…

– Người ở phía nam thì Ngài giảng kinh ở phía nam, thì cái kinh ở phía nam là nhất cho người ở phía nam rồi… Bảo đảm không có cách nào khác hơn.
– Một người ở phía đông, Ngài giảng kinh đông, thì kinh đông, con đường đông là đúng nhất cho người ở phía đông rồi.

Đơn giản như vậy. “Đồng quy” là đi về một chỗ, “Thù đồ” là đường đi khác nhau. Kinh nào cũng nhất, đường nào cũng nhất. Mình đang ở phía bắc, Ngài giảng kinh phía bắc thì kinh phía bắc là nhất của mình. Nghe Ngài giảng kinh phía nam, mình thấy đường phía nam là nhất, vội chạy qua phía nam. Qua phía nam chưa đi được đường phía nam, thì lại nghe cái đường phía đông là nhất, thế là chạy qua đường phía đông… Vô tình ta cứ chạy vòng vòng. Chạy vòng vòng, vòng vòng thì không bao giờ lên được tới đỉnh núi!

Hòa Thượng nói: Nhất kinh thông, nhất thiết kinh thông. Đây là câu mình nên nghe cho kỹ. Là một bộ kinh mà thông suốt, thì tất cả các kinh đều sẽ thông suốt cả. Nghĩa là sao? Nếu mình đang ở phía bắc cứ theo con đường bắc mà đi, nhất định đi cho được, đi cho nhanh. Đi một đường gọi là “Chuyên Tu”. Đi một đường sẽ tới đỉnh. Tới đỉnh rồi thì tất cả các kinh, tất cả các đường, ở từ trên ta nhìn xuống đều thấy chúng chạy về tới đỉnh đó hết. Vậy thì, đâu có gì mà khác?

Cho nên chúng ta đừng nên nghĩ rằng kinh nào cũng là kinh Phật, thì mình phải đọc hết. Không cần. Làm sao mình đọc cho hết đây? Cuộc đời này sống bao nhiêu năm? Đã bảy tám chục tuổi rồi! Hãy đọc đi… Hai bộ kinh nữa là nhiều! Ba bộ kinh nữa là nhiều! Đọc đi. Không bao giờ được nhập tâm đâu à! Không bao giờ được thanh tịnh đâu à!… Nhưng mà:

– Thời gian đã hết rồi!
– Huệ mạng đã cạn rồi!
– Thọ mạng đã mãn rồi!…

Không còn cách nào tìm ra một đường để thành tựu hết!…

Cho nên biết được chỗ này, chúng ta phải định cái tâm lại:

– Một kinh A-Di-Đà niệm tới cùng,
– Một câu A-Di-Đà Phật niệm tới cùng…

Để nhất định trong thời gian năm năm, ba năm… khi mình chết, thời gian này đủ sức cho mình đi về Tây Phương. Hễ lên tới đỉnh rồi thì từ trên đó nhìn xuống… À! Đường này cũng đi về đây. À! Đường kia cũng đi về đây… Nhất định như vậy.

Hòa Thượng nói, những người niềm tin yếu quá thì hãy cố gắng đọc kinh cho nhiều, nghe giảng ký cho nhiều để tăng trưởng niềm tin. Có người mới nghe như vậy, lại cố gắng nghe pháp. Nghe hoài, nghe hoài… bỏ mất rất nhiều thời giờ niệm Phật. Đây cũng là điều nghĩ sai nữa rồi! Ngài nói những người mà niềm tin yếu thì nghe pháp cho nhiều để mà hiểu, hiểu để mà tin. Còn ta đã quyết lòng tin tưởng, ngày nào cũng nói về niềm tin, nhắc nhở Tín-Hạnh-Nguyện, Tín-Hạnh-Nguyện, nói mãi cho đến dẻo miệng luôn. Để chúng ta khởi một niềm tin vững vàng. Khi khởi niềm tin vững vàng rồi, thì Ngài nói sao? Những người nào mà niềm tin vững vàng rồi thì khỏi cần nghe kinh nữa. Một câu A-Đi-Đà Phật đi tới cùng.

Có những bà già không biết đọc kinh, không biết chữ nghĩa nào hết trơn, chỉ niệm một câu A-Di-Đà Phật mà đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh. Rõ ràng!

Có người nghe lời pháp của Ngài, mà nghe không kỹ! Chính vì vậy, hễ mà bệnh xuống là sợ. Sợ gì? Nghiệp của con nặng quá! Sợ lăn vào trong tam ác đạo! Cho nên khi nghe Hòa Thượng giảng tụng kinh Địa-Tạng thì khỏi vào tam ác đạo… Thế là lo trì tụng kinh Địa-Tạng…

Đâu có biết rằng, khỏi vào tam ác đạo có nghĩa là, nhiều lắm thì trở lại làm người. Trở lại cõi thiện trong tam giới, chứ có qua khỏi tam giới đâu? Trong khi một câu A-Di-Đà Phật là lên tới đỉnh thượng luôn. Ngài nói, khi chúng ta tu hành mà gặp được câu A-Di-Đà Phật, trì được câu A-Di-Đà Phật là lên tới đỉnh thượng rồi, tại sao lại có người cứ muốn leo xuống dưới này để tìm cách khác mà đi? Thành ra sẽ không bao giờ thành đạt!

Chính vì vậy mà niềm tin chúng ta cần phải vững vàng. Tôi hướng dẫn cho ông Già tôi chỉ một câu A-Di-Đà Phật. Ông tu từ một đạo khác chuyển qua niệm Phật. Khi niệm Phật rồi thì ông biết kinh nào để mà tụng. Chỉ niệm một kinh A-Di-Đà, mà niệm cũng đâu có thuộc. Sau cùng rồi cũng chỉ còn bốn chữ “A-Di-Đà Phật” Ông ta niệm tới cùng để vãng sanh.

Nếu lúc đó tôi nói:

– Cha ơi! Hãy tụng kinh Vô-Lượng-Thọ đi. Cha ơi! Hãy tụng kinh Địa-Tạng đi. Cha ơi! Hãy tụng kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ đi…

Thì làm sao còn giờ đâu nữa để ông niệm Phật vãng sanh? Bây giờ bà Già tôi cũng vậy. Má ơi! Một câu A-Di-Đà Phật… bà Già cứ vậy mà đi. Mỗi sáng bà Già lên trước chánh điện ngồi, ngồi khom khom như vầy, bà khấn nguyện…

Con xưa vốn tạo bao ác nghiệp.
Đều do vô thỉ tham sân si.
Từ thân miệng ý phát sinh ra.
.. Con xin sám hối?…

Cái câu thứ tư Bà quên mất!… Bà nói, “Con xin sám hối, xin Phật cho con về Tây-Phương”. Nói y hệt như vậy rồi, thì niệm “A-Di-Đà Phật… A-Di-Đà Phật…”. Tôi không dám lên chánh điện, vì khi bà Già thấy tôi tới thì Bà đứng lên. Bà ngại, Bà né ra… nên tôi không dám lên. Tôi nằm dưới này, tôi để cho bà Già an tịnh công phu như vậy. Bà cứ: Con xưa vốn tạo bao ác nghiệp. Đều do vô thỉ tham sân si. Từ thân miệng ý phát sinh ra. Con xin sám hối…

Câu thứ tư là, “Con xin sám hối, Nam Mô A-Di-Đà Phật cho con về Tây Phương”, rồi Bà niệm A-Di-Đà Phật. Bà cứ thế mà đi, đủ rồi! Nhất định không còn gì nữa cả, hi vọng Bà Cụ sẽ vãng sanh. Chứ bây giờ còn ép: Má ơi! Tụng kinh Địa-Tạng đi để giải cái nghiệp tam đồ ra, để khỏi xuống dưới tam ác đạo… Thì cuối cùng Bà lo tụng kinh Địa-Tạng. Nhưng làm sao tụng cho vô? Một bà già tám mươi mấy tuổi rồi, làm sao mà tụng cho vô? Nếu mà giới thiệu kinh này hay quá, kinh kia hay quá, thì ông Già làm sao tụng cho vô?

Chính vì vậy, càng nói chúng ta càng củng cố Niềm Tin vững vàng. Hòa Thượng nói, nếu người nào niềm tin đã vững vàng thì được… Xin hỏi:

– Vững chưa?…
– Vững!
– Thì sao?
– Thì một câu A-Di-Đà Phật được vãng sanh.

Mình tin chắc chắn mình được vãng sanh. Ngài nói, chỉ một câu A-Di-Đà Phật đi tới cùng…

Còn nghe pháp? Thì nghe pháp có giờ. Giờ nào nghe pháp thì nghe pháp. Hết nghe pháp rồi thì phải niệm câu A-Di-Đà Phật. Để trước giờ phút lâm chung ta niệm được câu A-Di-Đà Phật. Không được trước giờ phút lâm chung ta đọc một bài kinh. Nhớ cho kỹ, vì đây là lời Phật dạy. “Mười niệm tất sanh” chính là mười câu A-Di-Đà Phật.

Hôm nay chúng ta chuyển qua Niềm Tin. Xin chư vị càng ngày càng Tin vững vàng, để chúng ta đều được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)