Vì Huệ Mạng Của Mình Hãy Cứu Lấy Chính MìnhTrong những ngày này chúng ta hô hào chuyện phát tâm lập nguyện. Vì thực sự nhìn cho rõ ra thì cái huệ mạng của mình quá nguy hiểm rồi, không phải đơn giản đâu! Nếu mình tu mà không có lập nguyện, thì nhiều khi mình bị liệt vào cái hạng người tu thử, tu tà tà, tu lai rai, tu chơi chứ không phải tu thực! Nếu bị liệt vào cái hạng người đó, thì thường thường là nghiệp chướng của mình nặng lắm rồi! Đến lúc lâm chung xuống sợ rằng ta cự với nó không được, mà ngược lại nó hành hạ ta cho đến mê man bất tỉnh, cho đến tâm trí quay cuồng, lúc đó có hộ niệm cũng đành chịu thua!

Cho nên trước tiên mong muốn chư vị cố gắng lập công cứ. Ở đây chúng tôi có cái công cứ gọi là “Cửu Phẩm Liên Đài Vãng Sanh Tịnh Độ”, chúng ta có thể phát tâm nhận về làm. Đây giống như cái nấc thang cho mình đi vậy.

– Mình không dám nói chuyện với người ta tại vì mình trân quý từng chút thời giờ.
– Mình không dám ngồi trước bàn cờ tướng vì mình trân quý câu A-Di-Đà Phật.
– Mình không dám nghĩ này nghĩ nọ thì cái tâm sẽ nhiếp vào trong câu A-Di-Đà Phật.

Tập sự được như vậy thì trước những giờ phút ra đi mình có hy vọng được “Tâm bất điên đảo”, tâm không bị khủng bố, không bị não loạn, vì trong tâm của mình luôn luôn xuất hiện câu A-Di-Đà Phật. Và mình niệm liên tục, niệm cho đến cái giây cuối cùng trước khi mình tắt hơi ra đi vẫn còn tiếng Phật hiệu. Sau đó cái tâm thức của mình vẫn tiếp tục niệm Phật.

A-Di-Đà Phật phát cái đại thệ rằng, Người nào trước lúc lâm chung niệm danh hiệu của Ngài cầu vãng sanh về Tây Phương, dẫu cho mười niệm mà không được vãng sanh về Tây Phương thành vị Bồ-Tát bất thối chuyển ở đó, Ngài thề không thành Phật.

Ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói rằng, Một người nào mà thành tâm niệm Phật, một ngày niệm được 30.000 câu A-Di-Đà Phật, cứ giữ cái mức này mà niệm, đến cuối đời mà không được vãng sanh thì chư Phật trên mười phương nói lời vọng ngữ. Ngài nói như vậy!

Ngài Thiện-Đạo cũng nói như vậy. Ngài đưa ra cái tiêu chuẩn 30.000 ngàn câu. Người nào thành tâm niệm 30.000 câu Phật hiệu một ngày, mà đến lúc lâm chung không được vãng sanh chẳng lẽ chư Phật mười phương chịu tội vọng ngữ sao?.

Các Ngài khẳng định cho ta niệm Phật tới mức độ đó, nói chung từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng chúng ta hoan hỷ cái tâm của mình, vui tươi cái tâm của mình trong tiếng Phật hiệu, tự nhiên khuôn mặt càng ngày càng sáng ra, nghiệp chướng càng ngày càng tiêu đi, tự nhiên bao nhiêu những ách nạn, những khó khăn gì của mình trong đời nó biến đi hồi nào không hay! Rồi khi đối trước cơn hấp hối, cái bệnh khổ hình như nó không còn hiện hình nữa. Lúc đó mình mới thấy rõ rệt là một câu A-Di-Đà Phật mà chí thành niệm đã phá tan 80 ức kiếp nghiệp chướng sinh tử trọng tội. Một câu chí thành mà niệm được trong lúc lâm chung thì một người tội xuống địa ngục A-Tỳ được đi thẳng về Tây Phương thành đạo luôn.

Cái năng lực này không có cái gì có thể sánh bằng được. Có nhiều người khi bệnh xuống thì sợ bệnh, lo chạy đọc kinh này đọc kinh nọ, đọc chú này đọc chú nọ để giải nghiệp. Tốt hay xấu? Tốt! Chứ không xấu. Nhưng thực sự chư Tổ đã nói: “Đọc kinh không bằng niệm chú, niệm chú không bằng niệm Phật”. Đọc chú nhiều lắm là xóa cho mình cái nghiệp đó, còn vạn cái nghiệp khác ai xóa đây? Còn niệm Phật xóa được nghiệp thì tốt. Không xóa được cũng không sao, vẫn có thể vượt về tới Tây Phương Cực Lạc. Nên nhớ rằng, dù phá được nghiệp nhưng ta vẫn còn trong sanh tử luân hồi, vì cái nghiệp của mình đã “Năng địch Tu-Di” rồi! Mà phá làm chi? Hãy gói lại là được rồi. Lấy câu A-Di-Đà Phật gói lại. Cái năng lực của câu A-Di-Đà Phật đưa một người phàm phu, đưa một chúng sanh tội lỗi từ địa ngục A-Tỳ lên tới Tây Phương Cực Lạc. Ấy thế có nhiều người niệm Phật mấy chục năm rồi mà chưa chịu hiểu đến chỗ này!… Chính vì vậy, khi tu hành cần phải hiểu cho liễu nghĩa, hiểu cho rõ lý đạo để chúng ta áp dụng đúng đắn thì mới được vãng sanh về Tây Phương.

Chủ yếu cái chương trình chúng ta nói về “Khế Lý – Khế Cơ” là như vậy! Hiểu lý của Phật nhưng chúng ta áp dụng không đúng, nhiều khi vẫn bị trở ngại. Với hạng phàm phu tục tử như chúng ta, nếu chúng ta chú tâm diệt nghiệp thì không cách nào diệt được. Vì sao vậy? Vì trong lúc muốn diệt nghiệp tức là sợ nghiệp, sợ nghiệp chính là duyên với nhiều nghiệp khác. Cố tình diệt cái nghiệp này thì cái nghiệp khác nó tràn ra, “Duyên Khởi Trùng Trùng”. Chúng ta diệt không nổi! Nếu chúng ta không sợ nghiệp, chúng ta sẵn sàng đón nhận tất cả những nghiệp đến, nó đến nhiều ta chịu nhiều, nó đến ít ta chịu ít, an nhiên tự tại đi. Trong lúc đó là lúc tâm ta an nhiên niệm câu A-Di-Đà Phật. Câu A-Di-Đà Phật đi trên cái nghiệp đó, bao cái nghiệp lại. Thành ra, là một người phàm phu tục tử, nhưng nhờ đại lực của A-Di-Đà Phật, đại nguyện của A-Di-Đà Phật đưa ta về Tây Phương. Tuyệt vời vô cùng.

Chính vì vậy mà phát nguyện, lập nguyện hay vô cùng, tốt vô cùng. Nếu không lập nguyện coi chừng tưởng là tu giỏi, nhưng mà không đâu ạ! Oan gia trái chủ sẵn sàng tới sát bên mình, âm thầm, lặng lẽ chờ đến lúc lâm chung mới ra tay. Một sáng một chiều thì chịu thua, không còn cách nào có thể cứu vãn được nữa!

Liên quan tới chuyện lập nguyện, Diệu Âm nhớ ra một câu chuyện như thế này, có thực. Diệu Âm kể chư vị nghe thử để coi cái nguyện của mình như thế nào?…

Đó là khoảng năm 2003-2004 gì đó, thì ngày đó là cái ngày tiễn đưa anh Bốn (Anh Phước) đi về Mỹ, nên mới để cái đồng hồ báo thức reng lên lúc hai giờ rưỡi, mà quên đi không lấy lại. Đêm đó ngủ, hai giờ rưỡi nó reng lên. Thông thường thì 4 giờ rưỡi mới reng, vì bốn giờ rưỡi reng thì tôi thức dậy rửa mặt, vệ sinh, xong đi vào trong Tịnh Tông Học Hội lạy Phật, rồi năm giờ rưỡi ra tụng kinh với người ta.

Đêm đó là một đêm trăng sáng vằng vặc. Hai giờ rưỡi đồng hồ reng lên, tôi thức dậy rửa mặt đánh răng, rồi lủi thủi mở cửa, âm thầm đi ra ngoài đường, cầm xâu chuỗi trên tay cứ niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật” đi vô trong Tịnh Tông, chứ không coi giờ. Đường thì vắng teo, ánh trăng sáng vằng vặc, lại có mưa phùn phùn nữa… Khi tới cổng của Tịnh Tông thì cửa còn đóng…

Tôi lấy làm lạ! Ủa tại sao kỳ vậy? Từ trước đến nay, tới giờ này thì cửa đã mở rồi, tại sao bây giờ người mở cửa lại quên đi? Cái cổng đó rộng lắm, nên tôi lách qua được, vì tôi nhỏ con mà. Lách một cái, chen vô để vào bên trong. Khi tôi vừa vô bên trong rồi, thì có một chuyện xảy ra làm tôi ngỡ ngàng, giật mình!…

Có một ông Cụ trên 70 tuổi, ông trải cái khăn tắm(?) ra giữa đám cỏ trước căn liêu phòng số 18, ở giữa trời gần mấy cái gốc cây bự mà lạy Phật… Cứ niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”… Vừa niệm vừa lạy.

Lúc đó tôi vô đúng là 3 giờ. Vì thường khi tắm rửa xong, tôi vô đó là đúng 5 giờ. Hôm nay thức dậy 2 giờ rưỡi thì tôi vô tới đó chắc chắn là đúng 3 giờ. Tôi thấy ông ta cứ niệm: “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”… và lạy. Ông cứ tiếp tục lạy… Tôi không biết là do trời mưa hay vì mồ hôi của ông ta ra mà cả cái khăn và người ông ta đều ướt. Tôi đi ngang qua, ông vẫn làm thinh coi như không có gì xảy ra. Ông cứ tiếp tục lạy, cứ lạy xuống niệm “A-Di-Đà Phật”… Cứ lạy như vậy, lạy giữa không trung. Tôi giật mình! Sửng sốt! Một ông Cụ hơn 70 mấy tuổi, lạy Phật giữa trời qua đêm! Không biết ông đã bắt đầu lạy từ hồi nào?…

Nếu giả sử như đêm đó tôi không tới, thì chắc chắn không bao giờ phát hiện ra chuyện này!… Mà vì vô tình thức sai giờ, tôi tới đó trong lúc quá sớm, mới phát hiện lúc ba giờ sáng có một ông cụ đã thức dậy từ hồi nào, trải cái khăn giữa bãi cỏ lạy Phật qua đêm…

Quý vị nghĩ đi? Cái tâm hạnh người ta lớn như vậy, người ta quyết lòng đi về Tây Phương như vậy, mới có thể vượt qua những ách nạn để đi về Tây Phương! Còn ở đây, mình nghĩ rằng có làm được như vậy không?

Xin thưa, cái Niệm Phật Đường ở đây trang bị không phải là cao sang gì, nhưng cũng vừa đủ tiện nghi để niệm Phật, phương tiện đầy đủ. Nếu người đi làm bận bịu thì không nói gì, có những người không đi làm mà khi đến giờ niệm Phật nhiều khi cũng trằn lên trụt xuống, không chịu niệm Phật. Như vậy thì…

– Làm sao dám gọi mình là người tu thực?
– Làm sao dám gọi mình là người muốn về Tây Phương?
– Làm sao mà oan gia trái chủ thông cảm cho mình?…

Rõ rệt mà! Cho nên, hãy trực nghĩ lại, hãy thương lấy thân phận của mình, mà quyết tâm hạ thủ công phu niệm Phật. Ở đây có ai dám từ chỗ này cứ một bước một lạy, lạy ra tới cổng kia không? Mười thước thôi đó. Có ai dám không? Tôi sợ rằng không ai dám đâu à! Ấy thế mà đã có lần, cũng một lần khác đi vào hớ như vậy, tôi đã gặp một vị Sư Cô lạy chung quanh cái Niệm Phật Đường đó, lạy từ hồi nào không biết mà hai đầu gối của Cô đã rướm máu ra rồi! Cứ ba bước một lạy… Ba bước một lạy… Ngài làm như vậy đó!…

Quý vị thấy cái nguyện của người ta không? Quý vị thấy cái quyết tâm đi về Tây Phương không? Trong khi đó thì chúng ta ở đây một ngày niệm Phật đều đều như vậy, đó là cái căn bản thôi, cái tập sự thôi! Cố gắng lên chư vị. Phát tâm lên chư vị. Vì cái huệ mạng ngàn đời ngàn kiếp của mình, mình phải cố gắng cứu mình, không tự cứu mình thì không ai cứu mình được.

Cố gắng quyết lòng phát tâm, quyết lòng lập nguyện để chúng ta cùng nhau đi về Tây Phương thành đạo, cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)