Khi Niệm Phật Thấy Thắng Cảnh Hiện Ra Không Nên KhoeNiệm Phật, có người cảm ứng được cảnh giới Tây-phương Cực-lạc. Được như vậy là điều tốt. Thấy cảnh giới tốt đẹp thì biết sự dụng công tu hành của mình có được chút ít thành quả, tâm có một mức thanh tịnh nào đó. Tuy nhiên cũng nên nhớ, cái gốc của thắng cảnh này chính là tâm chân thành thanh tịnh cảm ứng ra, chứ không phải là một quyền lợi nào đó bên ngoài ban cho. Nghĩa là, ta thu lại được một chút ít vốn luyến sẵn có của chính ta chứ không có gì khác. Vậy thì, phải hàm dưỡng công phu tu tập, giữ tâm càng thêm thanh tịnh hơn, tin tưởng vững chắc hơn, niệm Phật tinh tấn hơn, buông xả nhiều hơn thì chắc rằng sẽ hưởng được thêm nhiều lợi ích.

Nhưng nếu vội vã tham đắm vào đó, chạy đi khoe rằng mình đã chứng đắc, đã thấy Phật, đã được Phật thọ ký rồi, v.v… thì lại biến ra một vấn đề khác. Đây chính là người có sức định chưa đủ, không chịu đựng nổi sự khảo nghiệm của cảnh giới, nên mới vừa thấy một điều gì lạ thì mừng khấp khểnh mà tham chấp vào. Vừa mới tham chấp, thì tánh kiêu mạn nổi lên, tâm liền bị thối chuyển, từ chỗ chân thành, thanh tịnh đã nhanh chóng biến thành loạn động! Tâm tịnh quốc độ tịnh, tâm loạn quốc độ loạn. Cảnh giới trang nghiêm bỗng chốc biến thành hư vọng, bây giờ còn chăng chỉ là dư vang của cái phút chốc tâm thanh tịnh trước đây mà thôi. Nhưng khổ nỗi, vì tâm đã loạn thành ra không còn đủ sáng suốt để nhận ra điều thực hay giả, cảnh đã biến thành hư vọng từ lâu mà vẫn cứ đinh ninh tưởng rằng cảnh chơn chánh thù thắng. Đây là một thiệt hại lớn lao khá đáng tiếc! Ấn Tổ nói: “… Dù có thấy thắng cảnh, nếu sanh lòng vui mừng tham trước cũng bị tổn hại, huống chi vị tất quả thật là thắng cảnh ư?”. Lời dạy này rất quí giá, nên để tâm suy nghiệm. Cho nên, tốt nhất vẫn là luôn luôn bình tĩnh, giữ tâm thật thanh tịnh, đừng nên vọng động mà ảnh hưởng không tốt đến con đường tiến tu đạo nghiệp của mình.

Phật dạy, “Tất cả đều do tâm tạo”. Cảnh vọng hiện ra thì biết rằng chính tâm ta đang vọng. Cảnh tùy tâm hiện, thì khi gặp cảnh giới xấu, chúng ta cũng không cần sợ, đừng nên chạy trốn. Ngộ được đạo lý duy tâm, thì từ những cảnh vọng này chúng ta hãy biết giựt mình tỉnh ngộ, mau mau quán chiếu lại tâm, hãy mau quay đầu hồi tâm tu sửa, đừng để tâm vọng tưởng nữa. Vậy thì, cảnh giới dù cho giả vọng, hư huyễn tới đâu cũng có thể lợi dụng để tăng thượng duyên cho mình tu tiến, nghĩa là vẫn được lợi lạc chứ không có hại. Ví dụ, khi mộng thấy một điều xấu ác, thì biết ngay sự tu tập của mình còn yếu hoặc có điều sai lạc. Hãy mau tìm cách điều chỉnh lại, chứ không phải sợ nó. Ấn Tổ nói: “Người có công hàm dưỡng, dứt hẳn tâm vọng động, khi thấy các cảnh giới, không vui mừng tham trước, hoặc sợ hãi nghi ngờ, thì dù có gặp cảnh ma vẫn được lợi ích, nói chi là cảnh nhiệm mầu?”. Quả thật chí lý.

Trích Khuyên Người Niệm Phật
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)