Người Quân Tử Sống Vì Đức Hạnh Không Vì Địa VịĐặng-Thông làm quan dưới triều Hán, được Hán Văn-Đế sủng ái. Có một lần Đặng-Thông nhờ thầy tướng số xem tướng,thầy tướng nói rằng sau này Đặng-Thông sẽ bị chết đói. Hán Văn-Đế biết được chuyện này bèn nói với Đặng-Thông:

– Trẩm đem cả núi đồng ở đất Thục ban cho khanh, và cho khanh được phép đúc tiền, như thế khanh sẽ giàu sang mãi mãi, làm sao có thể chết đói được?

Đặng-Thông từ đó trở nên cự phú, nhưng chỉ ỷ vào thế lực và sự che chở của vua mà không biết tu thân tích đức, khi Hán Văn-Đế chết, vua Cảnh-Đế lên ngôi, nhiều vị quan trong triều vì đố kỵ Đặng-Thông nên gièm tâu cùng vua Cảnh-Đế. Vua Cảnh-Đế vốn không thích Đặng-Thông nên nhân cơ hội này bèn tịch thu tài sản và truất hết quyền hành của Đặng-Thông. Đặng-Thông vì thế trở nên nghèo phải đi ăn xin. Về sau quả nhiên bị chết đói.

Thục nhục bất oán, Thục sủng nhược kinh, Thí ân bất cầu báo, Dữ nhân bất truy hối.

Thích nghĩa: Một khi chịu sự khinh khi hay nhục mạ của người, không sinh lòng oán hận, khi được cấp trên đoái hoài, sủng ái, phải tỏ lòng cung kính lo sợ, chớ nên kiêu hãnh tự hào, mà phải xét xem tài đức của mình có tương xứng hay không, Một khi có thí ân hay giúp đỡ người, cũng không mong người báo đáp, khi biếu tặng đồ vật cho người, không nên hối hận mà đòi trở lại.

Chú giải: Người quân-tử vì đức-hạnh mà không vì địa-vị, vì thực chất chứ không vì hư danh, vì nghĩa mà không vì lợi. Nên xem việc vinh sủng như là một nỗi lo âu, là một gánh nặng, như người trèo cao té nặng, trong lòng lúc nào cũng dè dặt can thận. Vì thế người quân-tử tuy ở địa vị cao mà vẫn xem như thấp hèn, nên ở thế cao mà không nguy hiểm. Một khi công thành danh toại thì lo nghĩ đến thối ẩn. Tri thối nên bất nguy, tri chỉ nên bất trụy, tri túc nên thường lạc. Đó là thuật xử thế cao-minh của bậc quân-tử.

Trích Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên