Niệm Phật Không Hôn Trầm Tán Loạn Thì Chỉ Quán Định Huệ Viên Thành Trong Mỗi NiệmChẳng tạp là Chỉ, Chỉ là cơ sở của Ðịnh vì tạp niệm dứt thì chánh niệm hiển hiện. Tạp niệm có ba loại: một là thiện niệm, hai là ác niệm, ba là vô ký niệm (không thiện, không ác). Trừ sạch ba thứ ấy thì mới là chẳng tạp. Tâm phải vắng lặng, có vắng lặng thì thiện niệm, ác niệm mới chẳng sanh. Tâm cần phải tỉnh thức, tỉnh thức thì vô ký niệm mới chẳng sanh. Ngoài Phật không có niệm nên thường vắng lặng; trong niệm có Phật nên thường tỉnh thức.

Chẳng trụ là Quán. Quán là cốt lõi của Huệ. Một câu trước đã qua, một câu sau chưa tới, một câu hiện tại cũng chẳng trụ, phân minh rành rành nhưng bất khả đắc; tuy bất khả đắc nhưng phân minh rành rành. Nếu khi niệm Phật chẳng hôn trầm, chẳng tán loạn thì Chỉ, Quán, Ðịnh, Huệ viên thành trong mỗi niệm.

Trì giới cấm của Phật để trị thân, trì danh hiệu Phật để trị tâm. Trì lâu ngày thì tâm thuần, trì lâu ngày thì tâm rỗng không; tánh của niệm và tánh của giới chẳng có hai vậy. Khư khư trì giới chẳng để sơ xảy, khắng khít niệm Phật thì lúc lâm chung sẽ đánh nát Quỷ Môn Quan, trốn khỏi tam giới. Nếu trì giới đến mức sâu dày thì đem [công đức ấy] hồi hướng Tây Phương, ắt sanh Trung Phẩm. Nếu chưa làm được như vậy thì hãy siêng niệm Phật như cứu đầu cháy.

Phải biết rằng người niệm Phật thì tâm kẻ ấy chính là tâm từ của Phật, hành bi hạnh của Phật, phát nguyện rộng lớn tế độ chúng sanh, vì khắp hết thảy các cấu nhiễm oán triền mà sám hối, hết thảy công đức dù nhỏ nhặt hay to lớn đều hồi hướng Tây Phương. Như vậy mới là chánh nhân của Niệm Phật vậy.

Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích yếu sách Bốn Mươi Tám Pháp Niệm Phật của đại sư Diệu Không đời Thanh