Muốn Vãng Sanh Về Tây Phương Cực Lạc Phải Làm Sao?Hỏi: Nay tôi quyết định phát tâm cầu vãng sinh Cực Lạc, nhưng chưa biết phải thực hành những công hạnh gì, phải phát khởi những tâm nguyện gì để được vãng sinh? Lại nữa, người thế tục thảy đều có vợ con, chưa dứt trừ chuyện dâm dục, không biết rằng như thế có được vãng sinh hay chăng?

Đáp: Người quyết định cầu vãng sinh Tây phương Cực Lạc, ngoài việc trì niệm danh hiệu Phật, nếu có đủ hai tâm niệm mạnh mẽ khác nữa thì chắc chắn sẽ được vãng sinh. Thứ nhất là tâm niệm chán lìa đối với cõi thế gian uế trược. Thứ hai là tâm niệm mến mộ, ưa thích đối với thế giới Cực Lạc.

Lại cũng nên phát tâm Bồ-đề, tùy theo khả năng mà làm các việc thiện, hồi hướng về cho việc vãng sinh Tịnh độ. Được như vậy thì chưa từng có ai không được vãng sinh.

Đến như duyên nợ với vợ con nơi chốn thế tục, điều đó cũng không ngăn ngại. Chỉ cần có thể khiến cho vợ con cùng được hưởng lợi lạc từ giáo pháp, cùng biết tu trì, dứt trừ việc gieo trồng nhân xấu ác.

Về việc chán lìa cõi thế gian uế trược, đó là nói trong đời uế trược này, nhất cử nhất động đều là gai góc hầm hố dễ rơi vào sa đọa. Người đời chỉ vì hai chữ cơm áo mà khốn khổ suốt đời, chạy theo hai đường danh lợi mà bôn ba trọn kiếp, tay chân rối rít bận rộn không ngừng, cam chịu vì vợ con làm thân tôi tớ, ngày trăm mối nghĩ, đêm vạn mộng mơ, hết thảy đều là đem thân thể hình sắc này mà tìm cầu chuốc lấy phiền não.

Hãy tự hình dung, tấm thân cao chừng bảy thước này, dáng vẻ bên ngoài chỉ nhờ vào lớp da mỏng bao bọc, lại lấy đó vọng xưng là cao quý lớn lao, ví như có thể dùng thiên nhãn xem qua một lần, ắt sẽ thấy bên trong bất quá chứa đầy một bụng phẩn uế, cùng những máu mủ đờm dãi nhơ nhớp. Cho nên kinh Niết-bàn dạy rằng: “Thân này như một cái thành, là chỗ cư trú của những quỷ la-sát ngu si.” Như vậy, liệu có người trí tuệ nào lại ưa thích đắm say thân này mà không chán lìa?

Về việc mến mộ ưa thích thế giới Cực Lạc, đó là nói sự vui thích ở cõi Tây phương Cực Lạc dù cung điện cõi trời cũng không sánh kịp, không thể hình dung mô tả bằng ngôn ngữ. Mỗi ngày chỉ cần nhớ nghĩ đến những lời trong kinh, đem tâm tĩnh lặng mà suy xét từng lời, lại nghĩ rằng trong tương lai nhất định mình sẽ sinh về nơi ấy, thì tự nhiên tâm niệm mến mộ sẽ khởi sinh, nhân duyên Tịnh độ cũng tự thành thục.

Thế nào là phát tâm Bồ-đề? Luận Vãng Sinh nói rằng: “Tâm Bồ-đề tức là thệ nguyện sẽ thành Phật. Thệ nguyện thành Phật, đó là khởi lòng thương xót đối với hết thảy chúng sinh trong sáu đường luân hồi, đang chịu khổ não không cùng cực, nên mới phát tâm cứu độ, muốn giúp cho tất cả đều được vượt thoát ra ngoài ba cõi, đều được vãng sinh về Tây phương Cực Lạc, được như vậy mới tròn thệ nguyện.”

Người niệm Phật nếu có đủ hai tâm niệm mạnh mẽ như trên, lại thêm đã phát tâm Bồ-đề, cung kính nương theo tâm nguyện cứu độ của Như Lai, nếu như lại không được vãng sinh, không được Phật thọ ký, đó là việc chưa từng có vậy.

Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Niệm Phật Cầu Sinh Tịnh Độ
Nguyên tác Hán văn: Tây Quy Trực Chỉ
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến