Niệm Phật Hiểu Theo 37 Phẩm Trợ Đạo

Niệm Phật Hiểu Theo 37 Phẩm Trợ Đạo Trong giáo lý đạo Phật, 37 phẩm trợ đạo là thành phần rốt ráo nhất giúp hành giả đoạn diệt mọi tham chấp phiền não, vô minh. Thành phần này là con đường chính trong Tứ Diệu Đế mà được biết là đạo đế; 37 phẩm trợ đạo được chia ra như:

– Tứ Niệm Xứ

– Tứ Chánh Cần

– Tứ Như Ý Túc

– Ngũ Căn

– Ngũ Lực

– Thất Bồ Đề Phần

– Bát Chánh Đạo

Đối với pháp môn Tịnh Độ, 37 phẩm trợ đạo lại được xem là phương tiện trợ duyên tác động thêm năng lực cho người niệm Phật. Vì tu niệm Phật phải có đủ ba tư lương là Tín, Nguyện, Hạnh và để có được tín tâm vững chắc làm nền tảng cho Nguyện và Hạnh hẳn phải thông hiểu phần nào thành phần 37 phẩm trợ đạo làm căn bản trên đường tu niệm.

Sau đây xin đi vào từng thành phần một, trong cái hiểu đại cương của người niệm Phật.

1) Niệm Phật với Tứ Niệm Xứ

Tứ Niệm Xứ được đức Phật dạy là pháp môn quan trọng, giúp hành giả quán xét được tính chất của kiếp sống con người về thân và tâm.

Nghĩa của Tứ Niệm Xứ là bốn điều ghi nhớ, quan sát hay còn gọi là bốn lãnh vực cần ghi nhận.

Bốn điều ấy là:

– Quán thân bất tịnh

– Quán tâm vô thường

– Quán pháp vô ngã

– Quán thọ thị khổ

a) Quán thân bất tịnh để đừng quên niệm Phật

Trong kinh Vô Lượng Thọ đức Phật có giảng cho các hàng đệ tử nghe về y báo và chánh báo ở cõi Cực Lạc. Nói về chánh báo là hình tướng thân thể của các bậc thượng nhơn, tất cả đều được hóa sanh từ ao sen thất bảo, đầy đủ cả ba mươi hai tướng tốt, thân tâm thường nhu nhuyễn thanh tịnh. Lại theo lời nguyện của Tỳ kheo Pháp Tạng tức tiền thân của Phật A Di Đà trong quá khứ: “Ví con được thành Phật, các Bồ Tát trong cõi nước con nếu chẳng được thân kim cương Na La Diên, thời con không thành bậc chánh giác (26).” Nay thì Ngài đã thành Phật tính hơn đã mười kiếp theo trong kinh A Di Đà. Vậy điều nguyện của Ngài đều đã thành tựu và tất cả là sự thật.

Sắc thân kim cương, trang nghiêm thanh tịnh như thế hẳn phải khác rất nhiều so với thân thể con người ở cõi Ta Bà được kết tinh bằng tinh huyết của cha mẹ tạo thành. Như thế suy ra được thân thanh tịnh vậy là do phước báo, phát sanh từ sự tu hành, thanh lọc ba nghiệp thân khẩu ý.

Chúng ta mang xác thân máu mủ này là cũng do phước báo, nghiệp báo mà ra. Nghiệp báo có thiện có ác, nghiệp thiện là sự may mắn ta vẫn còn mang được thân người, vì trong lục đạo (thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) thân người khó được, mà nay ta đã được. Nghiệp ác là ta đã vụng tu trong muôn kiếp, để phải trôi nổi mãi cho đến nay mới thức tỉnh nhận ra thân người là khổ là ô uế.

Vậy để tìm phương pháp xa lìa thân bất tịnh này, ta hãy nghĩ về thân kim cương, thanh tịnh của các vị thượng thiện nhơn ở cõi Cực Lạc. Nghĩ mong được như thế chỉ có cách là phải sanh về nước đó, và con đường về Cực Lạc đã được đức Phật Thích Ca chỉ bày; lại có đấng từ phụ A Di Đà đang đưa tay đón nhận, chúng ta chỉ việc cất bước đi thôi.

Trì danh niệm Phật, thật tướng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật… là phương tiện vận chuyển cho chúng ta sanh về đất Phật.

Đối với pháp quán thân bất tịnh ai cũng thấy hiểu, rõ ràng thân người chứa đựng cả một túi đồ dơ ghê tởm. Chính sự nhận ra việc thân bất tịnh này mà nên nhàm chán cầu cho được thân thể bằng chất kim cương trong sáng. Để được như vậy phải nhiếp tâm niệm Phật, quán chiếu về thân thể. Quán chiếu để thấy rằng thời kỳ hư hoại, bệnh chết của thân đang dần dần phát triển trong thân thể, và nay mai đây một điều chắc chắn thân ta sẽ bệnh, sẽ chết, sẽ sình ươn, hôi thối, ghê tởm không ai dám nhìn.

Quán sát nhận hiểu được như vậy, câu niệm Phật của ta mới phát được định lực. Mỗi khi thân di động, đi, đứng, nằm, ngồi ta đều rõ biết. Rồi lấy câu niệm Phật để giữ gìn mỗi động tác, khiến cho thân đi trong câu niệm Phật, đứng trong câu niệm Phật, nằm trong câu niệm Phật, ngồi trong câu niệm Phật. Niệm một câu Phật ta nhận ra rằng thân này là bất tịnh. Niệm hai câu Phật ta hiểu được rằng thân này là một đảy đựng đồ dơ, và càng niệm nhiều câu Phật, ta càng thấy rõ cái thân sống này toàn là thứ ô trược không có gì đáng ưa muốn.

Khi thấy lẽ thật đó rồi, ta càng chí tâm niệm Phật mạnh hơn nữa để cầu mong đạt được thân kim cương bất hoại.

Lòng chí thành tha thiết đó tạo cho việc định tâm, nhiếp niệm thêm vững vàng. Bây giờ ta chỉ còn một niệm ở vào câu Phật cho đến bất loạn. Nhờ vậy thân tâm ta sẽ đi vào câu niệm Phật một cách nhẹ nhàng nhất tâm.

b) Quán tâm vô thường để tinh tấn niệm Phật

Chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay vì ôm chấp cái giả dối, hư vọng của muôn sự muôn vật. Xem tâm này là thật có, là bất diệt… Vì sự ngoan cố bám chặt cho tâm là thật là trường tồn, trường cửu. Từ đây sinh ra bảo thủ, chấp chặt sở kiến của mình, rồi phân biệt mọi người đều có tâm riêng biệt không thể hoán chuyển được. Do đó tạo ra muôn nghiệp. Nghiệp quá khứ chưa trả hết, nghiệp hiện tại lại chất chồng rồi tiếp tục làm nhân cho nghiệp tương lai. Cứ thế mà trôi lăn không sao thoát ra được vòng kiềm tỏa của sinh tử.

Để phá vỡ sự mê lầm vọng chấp về tâm là thật có, Phật dạy về phép quán tâm vô thường. Hiểu tâm vô thuờng để thấy rằng tâm con người ta luôn luôn chuyển dời, biến đổi tạo ra không biết bao tư tưởng sai biệt. Nay nghĩ này mai nghĩ khác. Khi gặp cảnh đẹp việc vui tâm sanh mừng ham thích. Gặp cảnh xấu việc buồn tâm buồn giận, sầu lo. Trong một ngày tâm khơi động không biết bao nhiêu lần cứ lăng xăng, rộn ràng như khỉ gặp rừng cây, như ngựa sẩy cương trên đồng trống. Kìm hãm được sự giao động, nhộn nhịp của tâm là việc rất khó. Cũng vậy mà trong kinh Mạ Ý dạy rằng: “Làm trăm ngôi chùa Phật không bằng làm sống một người. Làm sống người trong mười phương thiên hạ không bằng gìn giữ tâm ý một ngày (27).”

Nay muốn dừng lại cái tâm lăng xăng, vô thường ấy ta phải tìm về cái chân tâm, thực tại. Dùng câu niệm Phật để nhiếp phục những giao động của vọng tâm, gột sạch những vọng tưởng điên đảo mà từ lâu nay đã dung dưỡng trong tâm, tự cho cái ta này là thật có, lại nghĩ rằng mọi người đều có một số mạng an bày…

Khi chí tâm niệm Phật, ta sẽ ngừng lại nhịp đập của vọng tâm, cùng theo đó những ác tâm trong ta sẽ mờ dần cho đến khi mất hẳn. Bấy giờ trong tâm ta chỉ còn câu niệm Phật. Vậy thì dùng câu niệm Phật chẳng những gạt bỏ được việc điên đảo vọng tưởng của tâm mà còn huân tập vào tâm thức chủng tử Phật.

Như thế quán tâm vô thường để tự dứt trừ tri chướng chấp vào bản ngã là trường tồn, và rồi sẽ quay về với bản tâm chân thật bằng sự nhiếp niệm vào hồng danh Phật. Cuối cùng hòa nhập vào tự tánh chơn thường không sanh không diệt như đi vào tâm Phật.

c) Quán pháp vô ngã để nhiếp tâm niệm Phật

Pháp được hiểu là mọi sự mọi vật, những gì có hình tướng, tên gọi hay cả những việc không nhìn thấy được, rờ mó được mà chỉ nhận thức bằng tư duy, tất cả cũng đều gọi là pháp.

Con người chúng ta sở dĩ có vui buồn, thương ghét, yêu, giận… là do sự nhận thức sai lầm về các pháp. Nhìn nhận pháp thật có là nguyên nhân tạo ra phiền não, bởi phải sống chết với sự mất còn của chúng.

Thử nhìn xem cõi Tà Bà này mọi vật đều ở trong vòng tương đối, giả tạm, vô thường. Tất cả đều nương nhau để hình thành, tồn tại nhưng rồi cũng phải tan vở để tiếp tục tồn tại bằng dạng thức khác cứ như vậy mãi đến vô cùng. Tìm đâu thấy sự vật, sự việc nào là thật có, khi chúng phải trải qua bốn thời kỳ Thành, Trụ, Hoại, Không (sanh ra, có được, tồn tại thời gian nào đó, thời kỳ hư hại, tan rã mất đi) .

Ngày xưa khi Ngài Xá Lợi Phất còn là ngoại đạo, chỉ nghe qua câu nói của Tỳ Kheo A Thị Thuyết lập lại từ lời dạy của đức Phật “Các pháp do nhân duyên sinh, và cũng lại do nhân duyên diệt” mà giác ngộ tức thời. Phải chăng câu nói ấy quá đầy đủ để không còn gì biện minh cho cái giả dối của các pháp.

Luận Trí Độ cũng đã nói “Các pháp từ nhân duyên sinh, không có bản tánh, không có tự tánh nên rốt ráo là không. Đã rốt ráo là không, thì các căn bản từ xưa đến nay là không, đó chẳng phải Phật làm, cũng chẳng phải người khác làm (28).”

Vậy thì xưa nay vì không hiểu các pháp, hay nói rõ là mọi sự, mọi vật là giả cho nên chúng ta phải đau khổ khi bị lệ thuộc với chúng quá nhiều. Nói một cách sâu hơn nữa, ngay chính giáo pháp chúng ta học đây cũng không là tuyệt đối. Vì Phật đã dạy hãy xem như chiếc bè đưa qua sông, hãy xem như ngón tay chỉ mặt trăng. Chỉ khi qua đặng sông mới là thật, cũng như nhìn mặt trăng mới là tự tánh.

Nhận được cái giả của pháp rồi, chúng ta sẽ không còn kẹt nhiều vào sự đối đãi, và khi thực hành một việc nào, ta vẫn xem đó là phương tiện để đạt đến cứu cánh thanh tịnh.

Với công phu niệm Phật dựa vào tướng pháp vô ngã, ta sẽ dễ định tâm, không còn phải lo lắng quan tâm đến những vọng động, lăng tăng nhảy múa trong tâm tưởng xen vào câu niệm Phật hay những ngoại cảnh âm thanh khuấy động, rộn ràng lấn át đi tiếng niệm Phật. Từ đó công phu niệm Phật dễ dẫn đến nhiếp tâm hơn.

d) Quán thọ thị khổ để tha thiết niệm Phật hơn

Chân lý của khổ đến từ nguyên nhân thọ mạng này. Hễ có thân là có khổ, vì khổ do sự thọ nhận của thân. Dù là một niềm vui một điều hạnh phúc, một việc dễ chịu cũng vẫn là khổ. Bởi vì sự vui, hạnh phúc, dễ chịu kia không thể kéo dài lâu được. Nên khi mất đi sẽ để lại đau khổ. Nói đúng ra ngay trong lúc vui đã ngấm ngầm có mặt sự khổ trong đó.

Trong kinh Tương Ưng Bộ III, Phẩm Gánh Nặng Phật dạy “Này các Tỳ kheo, thế nào là gánh nặng? Năm thủ uẩn là câu trả lời. Thế nào là năm? Sắc thụ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ kheo, đây gọi là gánh nặng (29).”

Việc thọ nhận lớn nhất là mang thân này, mà đức Phật đã dạy là một gánh nặng. Chính gánh nặng này đã làm xao động tâm tư gây ra bao xung đột trong tâm thức.

Vậy quán thọ thị khổ cho chúng ta hiểu rằng, sự khổ đến từ sự thọ lãnh, thọ nhận. Việc thọ nhận thân ngũ ấm đã đành là khổ rồi, chúng ta còn lãnh thọ biết bao sự việc chung quanh, chẳng hạn của cải, địa vị, công danh…những lãnh thọ này làm cho gánh nặng của ta vốn đã nặng lại càng thêm nặng.

Người thực hành pháp niệm Phật, dùng câu niệm Phật làm hành trang, mà không phải mang theo những gánh nặng của trần cảnh Ta Bà. Lại quán tưởng đến cảnh giới Cực Lạc trang nghiêm, nơi ấy không có sự lãnh thọ, thọ nhận những gánh nặng ô trược ở cõi Ta Bà nơi ta đang ở. Quán tưởng và niệm Phật luôn luôn để gánh nặng trong ta, ngoài ta được nhẹ nhàng thanh tịnh.

Thực hành được như vậy sẽ thấy an vui trong câu niệm Phật như lời Phật dạy tiếp theo: Phẩm Gánh Nặng “Này các Tỳ Kheo thế nào là đặt gánh nặng xuống? Đây là sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn, sự từ bỏ, sự xả ly, sự giải thoát, sự không chấp thủ. Này các Tỳ Kheo, đây gọi là đặt gánh nặng xuống (30).”

Do đó quán thọ thị khổ để thức tỉnh diệt đi sự tham muốn, là làm vơi đi gánh nặng của kiếp người như Phật đã dạy. Và ở đây câu niệm Phật lại là hành trang thay thế tất cả để hướng về một thế giới thanh tịnh trang nghiêm hơn.

Thích Phổ Huân

Những Hình Ảnh Cảm Động Chứng Tỏ Loài Vật Cũng Có Cảm Xúc

Những Hình Ảnh Cảm Động Chứng Tỏ Loài Vật Cũng Có Cảm XúcKhi một người gặp tai nạn, người khác vội vàng đến giúp đỡ. Vậy tại sao khi loài vật gần gũi nhất với con người gặp nạn, chẳng ai chạnh lòng đến cứu chúng? Ôi, từ bi tâm của chúng ta ở nơi đâu?

Tình bạn cảm động của hai chú chó

Trên con đường đông đúc xe cộ, một con chó không ngừng lay bạn của nó đang nằm bất động rồi chạy quanh cầu cứu mọi người giúp đỡ. Con chó bị xe đâm nằm bẹp giữa đường. Một con khác trông rất buồn thảm, dùng mõm và chân lay liên tục mong bạn nó hồi tỉnh. Sau đó, nó chạy quanh ngỏng cổ lên cầu khẩn người qua đường giúp đỡ. đọc tiếp ➝

Vì Sao Có Cách Niệm A Mi Đà Phật?

Vì Sao Có Cách Niệm A Mi Đà Phật?Sáu chữ hồng danh đây nguyên là Phạn âm (tiếng Thiên Trúc). Hai chữ đầu (Nam Mô) nguyên âm là Namo, ta quen đọc liền vần Nam mô, là lời tỏ lòng thành kính, có nghĩa là Quy y (về nương) và Quy mạng (đem thân mạng gởi về).

Chữ thứ sáu (Phật) nguyên âm là Buddha (Bụt Đa hay Bụt Thô), ta quen đọc gọn là Phật, chỉ cho đấng hoàn toàn giác ngộ (Đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).

Ba chữ giữa (A Mi Đà) là biệt danh của đấng Cực Lạc giáo chủ, dịch nghĩa là Vô Lượng (Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ) Như trong kinh, đức Bổn Sư tự giải thích rằng: “Đức Phật ấy, quang minh vô lượng, soi suốt các cõi nước ở mười phương không bị cách ngại. Đức Phật ấy và nhơn dân trong nước của Ngài thọ mạng vô lượng vô biên vô số kiếp “.

Trong Quán Kinh nói : “ Nếu người chí tâm xưng danh hiệu của Đức Phật đây, thời trong mỗi niệm diệt được tội sanh tử trong 80 ức kiếp và được vãng sanh …”

Trong Kinh Chư Phật Hộ Niệm nói: “Nếu người nghe danh hiệu của Đức Phật đây mà chấp trì trong một ngày đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn thời được thành tựu nhiều thiện căn phước đức. Đức Phật ấy và Thánh chúng sẽ hiện đến nghênh tiếp… “

Kinh Văn Thù Bát Nhã nói: “Nếu người chuyên xưng danh hiệu thời đặng chứng Nhất Hạnh Tam muội và chóng thành Phật…”.

Xem như lời của Đức Bổn Sư Thích Ca, đấng chân thật ngữ phán trên đây, thời thấy rằng ba tiếng hồng danh của đức Giáo chủ Cực Lạc có những năng lực bất khả tư nghị. Muốn được kết quả to tát như lời trong kinh, hành nhơn phải chí tâm xưng niệm, và phải xưng niệm đúng âm vận, chớ không nên như người Pháp goi Chợ Lớn là Sôlông, hay Bà Rịa là Baria.

Ba chữ A- mi- Đà nguyên là Phạn âm. Người Tàu đọc là A- mi- thô, và họ tụng xuôi là Á- mi -Thồ. Danh hiệu ấy truyền qua xứ Việt ta bằng chữ Tàu, biên sẵn trong các pho kinh sách Tàu. Người Việt ta cứ theo lệ phổ thông, chữ đâu đọc đó nên đọc là A-di-đà. Như đọc Nã Phá Luân để kêu Hoàng đế Napoleon (Na-po-lê-ông), cùng đọc Ba-Lê để kêu kinh đô Paris (Pari).

Với sự phiên âm bằng chữ Tàu, người Tàu đọc giống gần với nguyên âm, mà người Việt ta đọc sai quá xa. Giá như ta gặp hoàng đế Pháp mà gọi ông ta là Nã Phá Luân thời thật là đáng buồn cười. Với A-di-đà để gọi đức Giáo chủ Cực Lạc cũng theo lệ đó.

Nhiều năm về trước, trong thời gian niệm Phật theo thông lệ Nam Mô A Di Đà Phật, khi chuyên nhiệm nhiều (mỗi ngày từ hai vạn câu trở lên), tôi bị sự chướng là trệ tiếng trong lúc niệm ra tiếng và lờ mờ trong lúc niệm thầm. Giữa lúc đó tiếng “Di” là chủ của sự chướng. Vì thế, tôi mới để ý đến chính âm vận của sáu tiếng hồng danh. Đồng thời lời của Tổ Vân Thê trong sớ sao nói: “Hồng danh Nammô A-mi-đà Phật toàn là tiếng Phạn, chuyên trì không quên, thời cùng với pháp trì chú của Mật tông đồng nhau”, lại thúc đẩy tôi vào sự khảo cứu.

Với vần La Tinh, người Anh ghép Amita, mà tôi được thấy ở bộ Phật Học Đại Tự Điển.

Tôi đem ba chữ A-mi-đà ra hỏi, thời các Sư Tàu cũng như Cư sĩ Tàu đều đọc gằn từng tiếng một trước mặt tôi : A-mi-thô.

Hai tiếng đầu “A”và “Mi” đã nhất định, và đồng thời quyết chắc đọc “di” là sai. Tôi còn thắc mắc ở tiếng thứ ba, vì nếu dọc Amita như vần Anh, cùng A-mi-thô như người Tàu thời với tiếng Việt có hai điều bất tiện:

1. Nghe không nghiêm và không êm.

2. Khác với thông lệ từ xưa.

Một học giả Bali và Phạn ngữ giải thích: chữ “đà” của tàu dùng phiên âm Phạn ngữ có hai giọng:

1. Thô như danh từ “Bụt Thô” mà người tàu đọc xuôi là “Bù Thồ”.

2. Đa cũng như danh từ “Bụt Đa” (Buddha)

Với giọng “đa” để đọc chữ “thô”, nó mở đường cho tôi ghép 3 chữ lại: A-mi-đa và theo cách đọc xuôi đánh dấu huyền: A-mi-đà.

Ghép luôn cả sáu tiếng nam mô A-mi-đà Phật, tôi nhận thấy rằng tránh khỏi cái lỗi quá khác với nguyên Âm, dù vẫn chưa được hoàn toàn, nhưng có thể gọi là nhiều phần đúng và không quá cách biệt với cách đọc phổ thông theo cổ lệ, vì trong sáu tiếng đây chỉ có đổi “di” thành “mi” mà thôi.

Sau khi tham cứu như trên xong, tôi bắt đầu chuyên chí niệm Nammô A-mi-đà Phật, và cũng bắt đầu từ đó tôi liền nhận được kết quả.

1. Sáu tiếng hồng danh đây nổi rõ nơi tai cũng như nơi tâm, khác hẳn sự mờ mờ lọt sót của tiếng “di” trong thời trước.

2. Khi niệm ra tiếng, từ năm ngàn câu mỗi thời trở lên, môi lưỡi càng lúc càng nhại, càng chuyên, càng lanh. Khác hẳn sự trệ môi cứng lưỡi của những ngày niệm khi xưa.

3. Niệm ra tiếng với A-mi khỏe hơi hơn niệm ra tiếng của A-di khi trước, nhờ vậy mà mỗi thời niệm được lâu và nhiều.

Người chuyên niệm danh hiệu của Phật, tầng cấp đầu tiên là đến mức bất niệm tự niệm, hay niệm lực tương tục. Nếu khi niệm mà bị trệ, và tiếng Phật lại lờ mờ không nổi rõ nơi tâm thời khó mong được kết quả trên. Còn nếu trái lại thời mới có hy vọng đến đích.

Biết rằng niệm A-mi-đà được nhiều phần đúng với nguyên âm, nó sẽ đem đến cho mình cái mãnh lực bất tư nghì, diệt vô số kiếp tội thành đại thiện căn phước đức giống như pháp trì chơn ngôn (thần chú) của Mật tông mà Tổ Vân Thê đã phán. Nó sẽ đưa mình đến mức bất niệm tự niệm, vì tiếng niệm không bị trệ lụt và nổi rõ nơi tâm. Nhất là niệm A-mi-đà được khỏe hơi, nhờ đó nên được niệm lâu và nhiều. Niệm Phật được thuần thục là nhờ niệm nhiều câu, nhiều giờ và tiếng niệm nhấn rõ nơi tâm. Và mức bất niệm tự niệm đây là phần bảo đảm vãng sanh Tịnh Độ cho người chuyên niệm. Tôi tin rằng niệm gần với nguyên âm, tức là gần đúng với thật danh của Đức Giáo chủ Cực Lạc, tất dễ được tương ưng và chóng được cảm thông với Phật. Và tôi đã tự cảm thấy có lẽ đúng như thế.

Nhưng trong kỳ kiết thất 49 ngày ở tịnh thất nơi chùa Linh Sơn Cổ Tự, một hôm tôi bỗng có ý nghĩ: “Mình dù thiển trí bạc đức, song cũng là người tai mắt trong Tăng giới, và cũng có đôi phần uy tín đối với gần xa, riêng mình tự tu đã đành không ngại gì, song rồi đây, tất có người tin tưởng nơi mình, mà họ sẽ tự noi theo chỗ làm của mình, nghĩa là họ sẽ niệm Nam mô A-mi-đà Phật. Một người như thế, lần lần sẽ có nhiều người như thế, tất sau này khó khỏi đôi điều thắc mắc:

1. Bàn quan sẽ cho mình lập dị, riêng phái, phá sự đã phổ thông của cổ lệ.

2. Đem sự ngờ vực cho người đã niệm A-di khi những người này chưa hiểu thế nào là A-di và thế nào là A-mi. Và sự ngờ là điều rất chướng của pháp môn niệm Phật

Tôi tự giải thích: “ Cổ lệ đã sai thời sự sửa đổi là điều cần (tôi tự sửa đổi riêng tôi). Mình không có quan niệm lập phái riêng hay lập dị, thời cũng không ngại gì với chuyên thị phi phê bình của bàn quan”. Và với sự ngờ của những người chưa nhận chơn, sẽ giúp họ tìm tòi khảo cứu, nhờ tìm xét họ sẽ thấu rõ sự sai với đúng, và họ sẽ thâu hoạch được kết quả tốt cũng như mình.

Mặc dù tôi tự giải thích với tôi như thế, nhưng trong thâm tâm vẫn mãi băn khoăn gần suốt ngày.

Chiều hôm ấy, khi đứng dựa cửa sổ ngó mong về phía mặt trời sắp lặn, tôi bỗng thấy chữ A-mi nổi bật giữa khung trời xanh sáng, gần như chữ điện ở trước cửa của những hiệu buôn chiếu sáng trong đêm. Tôi thử ngó qua hướng khác thời không thấy, khi ngó trở lại hướng Tây thời chữ A-mi vẫn nổi y nơi chỗ cũ, khổ chữ lớn lối bốn tất Tây bề cao, và hiện mãi đến trên 30 phút mới ẩn..

Tối hôm ấy, tôi chiêm bao thấy mình đi vào một khu vườn cây cao cảnh đẹp. Giữa vườn, một dãy nhà cất theo kiểu trường học, và nghe rõ trong ấy một người xướng và số đông người hòa: Nam mô A-mi-đà Phật! Tôi tự bảo: “Ủa lạ! Câu Nammô A-mi-đà Phật tưởng là chỉ của riêng mình cải cách, riêng mình tín hướng và riêng mình chuyên niệm. Bất ngờ ở đây, người ta cũng đồng niệm như vậy rồi”. Tôi đứng dừng trước ngõ trường chăm chú nghe xướng hòa như thế hơn 10 lần mới choàng tỉnh. Bấy giờ mới biết là mình nằm mơ.

Do hai điềm trên đây (chữ A-mi hiện giữa trời và chiêm bao nghe xướng hòa nam mô A-mi-đà Phật), bao nhiêu nổi thắc mắc và băn khoăn nơi lòng tôi đều tan rã như khối tuyết dưới ánh nắng trưa hè…

Từ hồi nào, dù với hàng đệ tử, tôi chưa từng bảo ai bỏ niệm A-di mà niệm A-mi. Song, do ảnh hưởng ngấm ngầm mà lần lần có một số đông người xuất gia cũng như hàng tại gia niệm A-mi-đà. Đó phải chăng là do cơ duyên thời tiết nó nên như thế! Và cũng vì cớ ấy mà hôm nay có bài thuyết minh và tự thuật này.

Tôi viết bài này chỉ với mục đích giúp thêm sự nhận chơn về câu Nammô A-mi-đà Phật cùng lịch sử của nó, cho các bạn đồng tu đã chuyên niệm như thế. Và bài này cũng chỉ truyền bá trong phạm vi các bạn đây thôi.

Tôi xin khuyên nhắc các bạn, đối với những vị đã quen niệm hay đã sẵn tín tâm nơi câu Nam mô A-di-đà Phật, nhất là người ở trong hoàn cảnh thiếu tiện lợi, các vị nên để yên cho các vị ấy niệm theo sự phổ thông cổ lệ để tránh sự ngoại chướng cho họ và cho họ khỏi sự do dự trên đường hành trì mà họ có thể vướng phải.

Cố hòa thượng Thích Trí Tịnh

Phá Nghi Về Pháp Môn Tịnh Độ (Tịnh Độ Nghi Biện)

Phá Nghi Về Pháp Môn Tịnh Độ (Tịnh Độ Nghi Biện)Khách hỏi: Pháp môn Tịnh độ chỉ chuyên sự tướng, người trí Tuệ y Thiền tông Tu tập một niệm liễu ngộ, liền siêu “thập địa”, sao lại riêng tán dương Tịnh độ? Há đó chẳng phải là trước tướng, không hiểu rõ lý tánh sao?

Liên Trì Đại Sư đáp: “Quy nguyên vốn không hai, phương tiện có nhiều cửa.” Hiểu được ý này thì Thiền tông và Tịnh độ, tông tuy khác nẻo mà đồng quy. Nay ông đã có lòng nghi, tôi sẽ vì ông giải thích.

Pháp môn Tịnh độ từ xưa đến nay, Thánh hiền nối nhau xiển dương không phải một. Ngài Trung Phong đại sư dạy: “Thiền tức là Tịnh độ, Tịnh độ chính là Thiền. Tuy nhiên, khi Tu tập điều thiết yếu, y một môn thâm nhập.” Lời này dù ngàn đời vẫn không thay đổi.

Ngài Đại Thế Chí Bồ-tát khi Tu nhân, chứng niệm Phật tam muội dạy rằng: “Dùng tâm niệm Phật mà chứng vô sanh.” Phổ Hiền Bồ-tát nhập Hoa Nghiêm Bất khả tư nghì cảnh giới nói: “Nguyện con lâm chung, vãng sanh An Dưỡng.” Hai vị đại sĩ, một làm thị giả Đức Thích Ca ở cõi Ta-bà, một làm thị giả đấng từ phụ cõi Liên Bang. Mỗi vị các cứ mỗi phương, nhưng đồng giáo hoá chúng sanh quy về An Dưỡng. Mỗi người lập một chí mà vẫn hằng dung thông, chưa từng chướng ngại, đó là tùy căn cơ sở thích Tu tập, há là thiên chấp hay sao?

Ông nói: “Niệm Phật là chấp tướng” Vậy lẽ nào Phật tổ các Ngài không biết “Tịnh tâm tức là Tịnh độ.” hay sao lại nói thất bảo thế giới làm gì? Cũng như nói: “Thiện tâm tức là thiên đường” sao còn trời Dạ Ma, Đao Lợi. Ác tâm tức địa ngục, sao còn đao kiếm, chảo dầu sôi? Tâm ngu si tức súc sanh, sao còn thêm đeo lông đội sừng? Nay ông ưa nói lý tánh, chán ghét sự tướng, chẳng qua là muốn cho mọi người biết, ta đây là hạng thượng căn thượng trí và sợ người ta nói mình không thông lý tánh vậy.

Than ôi, nếu thật thông lý tánh, phải biết ngoài sự không có lý, ngoài tướng chẳng có tánh. Tánh tướng, sự lý hổ tương cho nhau, cần chi bỏ sự cầu lý, bỏ tướng tìm tánh? Huống chi, Tịnh độ phân làm bốn tầng, nói như ông thì chỉ có Thường Tịch Quang mà không có Thật Báo Trang Nghiêm, Phương Tiện Hữu Dư và Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh độ sao?

Nếu khăng khăng bảo, không có tướng mới cao. Tư chất hơi có chút lanh lợi, xem hết hai tạng Kinh Luận, nhớ hết một ngàn bảy trăm công án, những việc ấy có chi đáng gọi là khó?! Nếu ông quả thật đã thấu triệt tự tâm, nơi nơi đều là Tịnh độ.

Vậy, xin hỏi ông có thể ở nơi nhà xí, dơ dáy hỗn tạp tự mình làm chủ không? Lại có thể ở chuồng trâu, ngựa và chó, cùng máng ăn chăng? Lại có thể ở gò mã, cùng thi hài rã nát hôi thối ngủ không? Lại có thể nhận cơm bú mớn từ những người bị bệnh già-ma-la (có lẽ bệnh cùi?) đầy máu mũ, nước tiểu v.v… ăn được không? Lại có thể ở nơi ấy, lắm tháng nhiều năm không? Nếu có thể ở những nơi ấy, tâm thật an nhiên tự tại, không chút phiền lòng thì ngươi có thể nói non cao, vực thẳm, gò mã, nhà xí, cũng như đất bằng chỗ nào cũng là Tây Phương.

Bằng không như vậy, nghĩa là đối cảnh bên ngoài phải cố nhẫn, trong tâm thì khởi lòng oán ghét và không vừa ý. Nơi cảnh tịnh- uế, sanh tâm phân biệt, thương ghét còn để trong lòng mà mở miệng luận thánh cảnh, phí báng cho rằng không có Tịnh độ, khinh thường vãng sanh, dối mình gạt người, cam lòng mê muội, đáng thương, đáng thương!

Nếu như ông thật có đại lực, đại thệ nguyện, nguyện vào trong sanh tử, lên xuống sáu đường, hành Bồ-tát hạnh, tâm không chút sợ hãi, thì cõi Tịnh độ có vãng sanh hay không cũng chẳng ngại. Nếu sợ sống trong cõi này, trong cảnh nóng lạnh, không thể tự chủ, lại sợ chư Phật ra đời không gặp và đường Tu khó tiến.

Lại ngại đạo lực chưa kiên cố, không thể ở trong tam giới, tự tại hoá độ chúng sanh, mãn báo thân này chưa thể vĩnh viễn thoát ly sanh tử, phải chịu vào ra thai bào, lên xuống sáu nẻo. Khi xả thân thọ thân, đường trước mờ mịt, chẳng biết về đâu, mà muốn phế bỏ Tịnh độ, không cầu vãng sanh thì chỉ mất đi lợi ích lớn vậy!

Pháp môn Tịnh độ tợ như cạn mà thật rất sâu, tợ gần mà xa, tợ như khó mà thật rất dễ, tợ dễ mà thật khó. Ngày nào đó, ngươi chứng niệm Phật tam muội sẽ tự biết! Ngươi nay Tham Thiền hay niệm Phật tùy ý chọn lấy một môn, Tu cho đến khi thâm nhập chẳng nên nhận sắc là vàng, được ít cho là đủ, nhìn trời qua miệng giếng, tùy ý vọng đàm, phỉ báng Tịnh độ.

Như đứa con ngu chửi mắng, phỉ báng cha mẹ, cha mẹ thương xót tuy không trách mắng nhưng thiên lý quyết chẳng dung tha! Vương Pháp há không trị phạt sao? Ngươi nay vọng bàn luống dối, quả báo kia cũng lại như vậy, lẽ nào không sợ sao? Ta thật xót thương lắm lắm vậy!

Liên Trì Đại Sư

Giữ Trẻ

Giữ Trẻ“Cần người baby sit ở tại nhà ,trông 3 đứa trẻ 7, 6, và 5 tuổi, làm vài công việc vặt. Có phòng riêng, lương hậu hỉ . Xin mời ”

Đọc hàng loạt mục cần người đến nhà giữ trẻ, tôi dừng lại ở đây, sao mà thích hợp với tôi đến thế, tôi đang tìm một nhà có đông trẻ con để đến giúp việc, vì tôi cô đơn quá đổi. Cái nghề baby sit này tôi đã nghĩ tới với rất nhiều hứng thú sau những tháng năm dài mấy lần vấp ngã trong cuộc đời.

Tôi gọi phone ngay:

– Hello, chào chị, tôi có đủ điều kiện để xin làm baby sit cho nhà chị đây.

Giọng hớn hở bên kia đầu dây :

– Chị trẻ không? khoẻ không? Em có 3 thằng con trai quậy dữ lắm, đến nỗi bác Ba hiện thời đang baby sit tụi nó chịu không thấu, bác quá mệt đòi thôi việc nên em mới đăng báo kiếm người thế vô, bác Ba làm nốt 2 tuần nữa cho tròn tháng rồi mới ra….

Chị ta nói dài quá tôi phải ngắt lời :

– Tôi hiểu rồi, năm nay tôi 40 tuổi, sức khoẻ tốt. Được không?

– Vậy thì tốt quá, coi như em nhận lời mướn chị, bữa nào mời chị đến nhà, coi những công việc bác Ba làm sao chị làm vậy.

Tôi đồng ý, Hai tuần nữa tôi lại có một cuộc sống khác.

Một cuốn tiểu thuyết có bao nhiêu trang buồn vui thì cuộc đời tôi cũng có bấy nhiêu trang. Tôi là một đứa trẻ không có cha ngay từ trong bụng mẹ, nghèo khổ và lam lũ tôi sống với mẹ bữa đói bữa no trong một xóm lao động ở Việt Nam, năm tôi 12 tuổi mẹ tôi bị bệnh chết, không thân bằng quyến thuộc. Tôi bơ vơ.

Tôi được một bà hàng xóm tốt bụng mang tôi đến một gia đình họ hàng của bà. Đó là chủ hãng nước mắm ở bến Chương Dương, Sài Gòn, để tôi làm việc vặt gì thì làm, mục đích chính là họ nuôi tôi làm phước.

Ông bà chủ có hai người con gái tuổi mười tám đôi mươi, đa số tôi làm việc vặt cho hai cô. Biết thân phận mình tôi làm việc rất chăm và ngoan ngoãn nên cả ông bà và hai cô đều thương. Được sống ở thành phố, bên cạnh hai cô chủ, tôi phổng phao khoẻ mạnh và đầu óc khôn ra, những sinh hoạt của họ cũng cho tôi nhiều kiến thức. Lúc nào rảnh hai cô thay phiên nhau dạy tôi học chữ.

Tôi quý mến ông bà chủ hãng nước mắm lắm, tôi hay nói với ông bà con mong mau lớn con sẽ khuân nước mắm từ kho ra xe, ông bà đỡ phải mướn người ta. Nhưng chưa đến cái ngày tôi được làm công việc đó để đền ơn đáp nghĩa chủ, thì năm 1980 cả nhà ông bà tổ chức vượt biên, và tôi nghiễm nhiên đã là một thành viên của gia đình họ nên cũng được đi theo. Năm đó tôi 18 tuổi.

Sang đến Mỹ tôi vẫn tiếp tục làm người giúp việc cho họ. Vài năm sau hai cô học hành xong và lập gia đình, cuộc sống của tôi vẫn êm đềm theo gia đình chủ, nhưng hai cô nói tôi không thể suốt đời làm thuê làm mướn cho nhà cô mãi được, tôi đã trưởng thành cấn có một cuộc sống riêng, có vợ có chồng như người ta. Hai cô thương tôi mà nói thế, chia tay hai cô tôi buồn lắm và không tự tin chút nào, vừa xấu vừa không trình độ thì ai dám lấy tôi?

Thế mà có người thương tôi, lấy tôi, làm tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên, anh quê ở Long Đất, Vũng Tàu, làm tài công chở người vượt biên từ ghe nhỏ ra ghe lớn, một hôm anh liều mình lên ghe lớn đi luôn, qua đây tứ cố vô thân. Anh cũng bơ vơ.

Gia đình ông chủ hãng nước mắm ở California, còn tôi và chồng rủ nhau về tiểu bang Texas, nghe nói cũng đông người Việt Nam và nhà cửa thì rất rẻ so với Calif.

Sau này tôi hỏi chồng tôi với vẻ cảm động và vô vàn biết ơn rằng em xấu, em quê mùa thế tại sao anh lấy em, anh yêu em ở điểm nào ?? Anh đáp thản nhiên thời điểm đó ít người Việt Nam, đàn ông thì thừa , đàn bà thì thiếu, thà lấy em còn hơn ở giá, chứ có yêu thương gì đâu.

Sự thật mất lòng, nhưng chứng tỏ là anh thành thật, thôi thì “ bèo dạt mây trôi” gặp nhau, cho đời bớt buồn, bớt khổ. Chúng tôi an phận sống bên nhau và mong muốn có một đứa con, nhưng chờ hoài hết năm nọ, năm kia, hai vợ chồng tôi mới đi bác sĩ để biết một sự thật đau lòng tôi không có khả năng sinh con. Chồng tôi thất vọng, chán nản sinh ra nhậu nhẹt say sưa, một hôm tôi biết được anh đã ăn ở với một cô gái, và cô đang mang bầu, tôi hiểu phận mình thua thiệt, tự nguyện rút lui, trả anh cho cuộc đời mới đang mở ra cho anh.

Vài năm sau tôi lập gia đình với một ông lớn tuổi, bị vợ bỏ, ông chấp nhận hoàn cảnh tôi, không cần con cái, hình như ông dị ứng với vấn đề này, ông nói con cái ở Mỹ chỉ là một lũ mất dạy. Tôi an lòng sống với ông, tưởng sẽ được hạnh phúc cho đến tuổi già. Nhưng ông bị chết đột ngột vì bệnh tim, không kịp một lời trăn trối, nhưng cũng kịp để lại cho tôi một món tiền khá lớn….phải trả nợ cho credit card, không biết ông đã vay mượn từ lúc nào, mang tên hai vợ chồng , chỉ để đánh cá football (sau này tôi mới biết đó chính là nguyên nhân ông bị vợ bỏ, con khinh, và vất va vất vưởng như lục bình trôi sông rồi tấp vào đời tôi, để tôi phải trả một giá rất đắt cho cái hạnh phúc mà tôi chưa hề được hưởng).Tôi đã cần cù đi làm lương vài đồng một giờ trong vài năm để trả món nợ đó, tôi suy luận theo thuyết nhà Phật, có lẽ kiếp trước mình mắc nợ ông ta ? Bây giờ nợ trả hết rồi, tôi không oán hận gì ông đâu, ông hãy thanh thản giấc ngàn thu, chỉ mong rằng kiếp sau nếu có tái sinh , dù lấy ai cũng xin ông chừa thói cờ bạc, chừa đánh cá football cho vợ con ông nhờ.

Vừa xấu người, vừa xấu số, qua hai đời chồng mà chẳng được gì ngoài thất vọng khổ đau.Tôi quyết tâm an hưởng cuộc sống độc thân, tưởng rằng sẽ thanh thản mà sao buồn thế! đơn độc thế! Đôi lúc tôi muốn quay về tìm hai cô chủ cũ đang sống ở California, nhưng lại tự ái, và phụ lòng tin tưởng của người ta nên đành thôi. Tôi cũng là một người đàn bà như bao nhiêu người đàn bà khác, cũng thèm khát một mái gia đình, những đứa trẻ thơ, để được săn sóc chúng, thương yêu chúng. Thế là tôi nghĩ đến nghề baby sit, tôi muốn được ở tại nhà chủ, sống hàng ngày với họ, để hưởng lây không khí gia đình, để gần gũi những đứa trẻ mà đáng lẽ tôi cũng có.

******

Tôi đã đến nhà cô chủ mới để quan sát tình hình, vợ chồng chú An giới thiệu tôi với bà Ba và 3 đứa trẻ rồi họ vội vã rời khỏi nhà, họ đang kinh doanh một nhà hàng lớn rất đông khách nên bận túi bụi, việc nhà cửa, con cái giao phó hết cho người baby sit.

Lần đầu nhìn 3 thằng ranh tôi đã thích, còn chúng nhìn tôi với vẻ tò mò .Hôm nay ngày nghỉ nên chúng ở nhà đủ, bà Ba vừa làm việc vừa nói chuyện với tôi, bà hơn 65 tuổi, nhưng chưa có quốc tịch nên chưa được hưởng tiền già. Ôi, ở cái tuổi này mà phải quản lý 3 thằng vừa ăn khoẻ vừa nghịch ngợm như thế kia thì mệt thật ! Tôi bỗng thấy mình còn trẻ quá, sẽ đủ sức làm nữ tướng điều khiển 3 thằng lính quèn đó.

Tôi tiếp tục công việc của bà Ba không khó khăn gì, sáng dạy lo cho 3 đứa đi học, trưa lần lượt đón về, chiều nấu cơm, tắm rửa cho chúng, rồi dọn dẹp nhà cửa…Tôi vừa nghiêm vừa thân thiện để chúng không ăn hiếp và không quá sợ tôi. Ai như bà Ba muốn làm cái gì cũng phải năn nỉ nào ăn cơm đi, nào tắm đi, nào thay đồ đi.v..v..rồi bà thương, chúng nó đâu cần cái tình thương hứa hẹn của bà để phải đánh đổi những trò chơi hứng thú của chúng. Mỗi lần cho lũ trẻ tắm là một cuộc chơi “trốn tìm” và “đuổi bắt” đầy ngoạn mục, quần áo dơ thay ra, chúng không để vào rổ trong phòng tắm mà cố tình quẳng vào kẹt tủ, gầm giường, hay góc bếp cho bà Ba tìm mệt nghỉ, bà Ba đi khắp nhà tìm quần áo dơ của chúng như tìm chiến lợi phẩm sau một cuộc giao tranh. Xong, thì 3 thằng lại xổng mất, bà phải chạy từ phòng nọ đến phòng kia, từ tầng lầu xuống tầng dưới, và ngược từ tầng dưới lên tầng lầu để tóm chúng lôi vào phòng tắm…Bà mệt và căng thẳng đến nỗi có đêm bà thấy ác mộng, 3 đứa chạy nhảy bừa bộn trong phòng tắm, nước văng tung toé, nước tràn lan lênh láng, trôi bà đi khắp nhà…Giật mình tỉnh dậy người bà còn đẫm mồ hôi, bà không tin là mình vừa ngủ mê, lò dò bật đèn ra phòng tắm, thấy mọi sự yên tịnh bình thường bà mới yên tâm vào ngủ tiếp.

Khi bố mẹ chúng ra khỏi nhà, căn nhà rộng 4,000 sqft, đẹp đẽ sang trọng, trên khu đất rộng, vườn tược xinh tươi, hàng tháng có người đến làm vườn cắt cỏ này là của tôi, tôi tha hồ ra mà đi trên cỏ non xanh mướt, ngắm hoa lá, nhìn chim bay…Những giây phút thú vị đó, tôi tin chắc rằng vợ chồng cô chủ chưa bao giờ biết đến.

Vào nhà tủ lạnh đầy ngập đồ ăn, tôi muốn ăn, muốn bày món gì có mà trời biết.Tôi đã làm những món ăn, bánh trái khiến lũ trẻ thích mê, tôi kể cho chúng nghe những đứa trẻ bằng tuổi chúng đang ở Việt Nam, đang thiếu ăn, thiếu mặc, hay không được học hành gì cả…tôi kể về tuổi thơ nghèo khổ của tôi, chúng cảm động nghe tôi kể như nghe chuyện cổ tích, tôi dạy chúng phải biết quan tâm và giúp đỡ người khác, biết nhường nhịn thương yêu nhau. Dần dần 3 đứa đều quý mến tôi, ngoan ngoãn nghe lời tôi, chúng không nghịch phá nữa, tự mình làm những gì có thể được, tôi không phải hầu hạ chúng như bà Ba, trái lại tôi còn sai chúng làm được khối việc vặt, khi quần áo đã xấy khô, chúng gấp lại, của đứa nào đứa nấy mang về phòng, chúng vui thích vì được tự tay xếp quần áo vào tủ theo ý mình, tôi sai chúng nó lấy báo cho tôi đọc hay rót nước cho tôi uống là chuyện thường tình ở nhà, không biết bố mẹ chúng nhìn thấy có xót ruột không? chứ chúng làm với tất cả lòng hăng hái, mà tôi cũng thương yêu chúng biết bao nhiêu, không phải là nhiệm vụ của một baby sit đâu, mà bằng tấm lòng của một người mẹ.

Tôi và 3 đứa trẻ đã có những ngày êm đềm hạnh phúc, những bữa cơm chiều đầm ấm, những buổi trưa 3 đứa thì ngủ, còn tôi nằm khểnh nghe nhạc, thảnh thơi như một kẻ vô công rỗi nghề, tôi mở máy nghe Chế Linh và Tuấn Vũ, hai giọng ca mùi mẫn là thần tượng của tôi, họ hát bài gì tôi cũng thuộc dù tôi không nhớ tên tác giả, nhưng chắc chắn là không có nhạc Trịnh công Sơn, dù ai cũng khen nhạc ông ta, có nhiều câu nhạc của Trịnh công Sơn nghe “mơ hồ” quá tôi không hiểu nổi: “tóc em từng sợi nhỏ rớt xuống thành hồ nước lênh đênh.” Hay “ Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…” thà cứ cụ thể, huỵch toẹt như “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…” hay “Đêm đêm một mùi hưong, mùi hoa sứ nhà nàng…” nghe mà thấm tới tim tới phổi, nghe mà rơi lệ.

Nằm nghe nhạc đã, tôi ngủ thiếp đi, tỉnh dậy 3 đứa trẻ vẫn nằm ngủ bên tôi trong căn nhà sạch sẽ thơm tho, chẳng có chuyện gì phải làm, tôi vẩn vơ nghĩ tới vợ chồng cô An, không biết ngay giây phút này họ đang làm gì nhỉ ? Tội nghiệp ! chắc chú An đang bù đầu trong khói bếp mịt mù, trước kia chú có thuê đầu bếp, nhưng đứa thì làm mình làm mẩy, đi trễ về sớm, đứa thì chuyên môn ăn cắp mang về nhà toàn những món đồ biển đắt tiền .Thế là chú vừa là ông chủ vừa kiêm luôn chức đầu bếp cho chắc ăn, khỏi phải trả tiền công đầu bếp mà lại quản lý được cả đám nhân viên dưới bếp, không thất thoát hao phí đồ ăn, thực phẩm. Còn cô An cũng bù đầu không kém, như tất cả những người Châu Á làm kinh doanh, khâu tiền nong thì chỉ có ngưòi nhà hay chính chủ nhân quản lý, cô An ngồi trong quầy thu tiền, mỗi ngày phải mỉm cuời không biết bao nhiêu lần, phải Hello, Thankyou với không biết bao nhiêu người, kể cả những người có bộ mặt đáng ghét nhất.

Chín mười giớ tối cô chú An mới về tới nhà, tắm rửa và hỏi thăm con cái qua loa xong là lăn vào phòng ngủ, nếu có động đất hay trời xập chắc họ cũng không biết.

Làm gì cô chú An dám mơ tới một giấc ngủ trưa thanh bình nhàn hạ như tôi? nằm nghe nhạc lâm ly sướt mướt như tôi?

Làm chủ nhà hàng, khách tới ăn tấp nập, nhưng cô chú An thường không ăn nổi những món ăn của mình, ngày nào cũng ngửi, cũng nhìn thấy, họ ngán quá rồi, cô An thường mang đồ ăn do tôi nấu ở nhà , tôi làm món dưa cải muối chua với củ hành đỏ thật thơm ngon, cô An rất thích.

Từ ngày làm baby sit, ăn, ở, chủ bao nên đồng lương tôi hầu như không dùng tới, dư được bộn tiền, tôi không có họ hàng gần xa ở Việt Nam để mà giúp họ. Tôi nghĩ đến những đứa trẻ nghèo-như tôi ngày xưa- và muốn đồng tiền của tôi được hữu ích tôi liên lạc với một ngôi chùa ở Việt Nam, thông qua đó, hàng tháng tôi gởi tiền về để chùa mang đến những cô nhi viện, những nhà nuôi trẻ em khuyết tật, cho các em được thêm manh áo mới, thêm miếng ăn ngon. Nếu quả thật kiếp này làm điều lành kiếp sau được hưởng thì tôi mong sẽ có một mái gia đình và những đứa con như 3 thằng mà tôi đang baby sit là đủ rồi, chẳng mong giàu có sang trọng gì.

Một hôm cô An mang về một tờ báo xuất bản ở Việt Nam, do người bạn cô mới đi chơi Việt Nam và mang về. Cô An chỉ cho tôi bài viết về một bà người Việt sống ở Mỹ có lòng từ tâm, hàng tháng gởi cả ngàn đô về Việt Nam để giúp các trẻ em nghèo.

Cô An chặc lưỡi:

– Làm điều thiện mà dấu tên, ngu thật. Người ta đâu biết mình là ai, thì hãnh diện với ai đây?

Rồi cô so sánh, nửa đùa nửa thật:

– Chắc bà này giàu lắm mới chi ra như thế. Mà có giàu hơn tôi được không?

Mỗi ngày nhìn vợ chồng cô An ra đi, lao vào cuộc sống, tôi biết họ kiếm ra rất nhiều tiền, bằng sức lực mồ hôi và bằng cả sự khôn ngoan sống ở đời như cô An đã từng hãnh diện khoe với tôi, chị biết không, buôn bán kiếm lời là chuyện dĩ nhiên, ngoài ra phải biết kiếm thêm, mỗi bill tính tiền ăn của khách đều cộng thuế, nhưng tôi đâu có ngu mà khai thật lợi tức của mình với sở thuế, nên hầu hết tiền lời, tiền thuế của người ta trả đều vô túi mình.

Còn tôi, lương tháng 1,200 đồng, không kiếm thêm được đồng nào như vợ chồng cô chủ. Nhưng nếu so sánh giữa tôi và họ ai giàu hơn ? Thì …tôi chứ ai! Vì tôi còn có tiền phân phát cho người khác.Và ai sướng hơn? Thì….cũng tôi chứ ai ! vì tôi có niềm vui khi đã mang lại niềm vui cho người khác.,.

Nguyễn thị Thanh Dương

Tha Thứ

Tha ThứThử một lần trượng phu

Một giai thoại kể rằng, chú tiểu nọ có tật xấu hay ăn cắp vặt và lúc nào cũng cãi chối. Nhiều lần các huynh đệ trình báo cho sư phụ biết nhưng không thấy sư phụ nói năng gì cả. Một hôm bắt gặp quả tang, các sư huynh đệ liền áp giải chú đến trước sư phụ và đều cùng quỳ xuống thưa: “Nếu sư phụ không đuổi sư em này đi thì chúng con sẽ bỏ đi hết”. Nhìn qua một lượt thấy nét nặt người nào cũng rất căng thẳng vì ấm ức còn riêng sư em thì rơm rớm nước mắt vì lo sợ, vị sư phụ liền ôn tồn nói: “Ta thấy các con đã đủ khôn lớn để chọn lựa việc phải trái nên các con muốn đi đâu thì đi, ta không ngăn cản vì không phải bận tâm nữa. Riêng sư em này còn nhỏ dại quá, chưa biết tội phước là gì nên phải cần ở lại với ta”. Khi ấy chú tiểu bật khóc nức nở và các huynh đệ kia ai nấy cũng đồng cảm kích trước tấm lòng vị tha cao cả của sư phụ. Các huynh đệ đó đã hiểu ra rằng nếu có người phạm lỗi là đón nhận bản án bị đuổi đi ngay lập tức thì chắc chắn trong tương lai sẽ khó có ai được ở lại để tu tập bền lâu với sư phụ vì ai mà không có những giây phút lỗi lầm. Về sau, chú tiểu kia trở thành một thiền sư lỗi lạc và danh tiếng.

Sống mà chỉ biết dựa vào những nguyên tắc cứng nhắc thì làm sao điều phục được con người, vì nguyên tắc vốn cố định còn bản chất con người thì muôn hình vạn trạng và liên tục đổi thay.

Phải có một nhận thức thấu đáo và nội lực vững vàng thì ta mới làm được cái quyết định sấm sét như vị sư phụ đó. Ông đã không ngại người đời hiểu lầm ,chê trách cũng không sợ các môn đồ bất mãn bỏ đi. Ông thà chịu mất lòng người khác chứ không chịu làm trái với đạo lý từ bi mà ông đang sống và giảng dậy cho môn đồ.

Mà cũng không phải vì đạo lý hay nguyên tắc nữa, đó chính là tình thương vô điều kiện của một người đã vuợt thoát ra ngoài sự khống chế và trói buộc của phiền não.

Ta có làm được như vị sư phụ đó không? Chỉ cần một nhận thức đứng đắn về nguyên nhân sâu xa của kẻ gây ra lỗi lầm, có một trái tim đủ lớn để chứa đựng thì tha thứ sẽ không còn là sự thực tập khó khăn nữa vì bản chất của nó tùy thuộc rất ít vào đối tượng. Biết đâu nhờ vào lòng vị tha của ta mà kẻ kia tỉnh ngộ và thay đổi cuộc đời, đó chẳng phải là việc làm cao cả của một bậc trượng phu sao?

Lỗi lầm này của ai?

Đời sống với khuynh hướng hưởng thụ đã khiến cho ta không có nhiều cơ hội để nuôi dưỡng và bảo vệ những đức tính quý báu trong tâm hồn, thậm chí ta còn liều lĩnh chấp nhận chịu hư hao những hạt giống tốt đẹp ấy để đổi lấy những thỏa mãn, tiện nghi. Khi đời sống tinh thần trở nên yếu kém thì chắc chắn ta sẽ gây ra ít nhiều những vụng về trong cách hành xử với người chung quanh hay lỡ chân trượt vào cạm bẫy.

Lúc đầu ta hay có thói quen đổ thừa cho hoàn cảnh, trách đời trách người nhưng khi tâm tư lắng đọng ta mới thấy rõ chính nhận thức sai lầm và nội lực yếu đuối của ta mới là nguyên nhân gốc rễ gây ra tất cả những vụng về, lầm lỡ đó.

Vừa mặc cảm ăn năn, vừa hốt hoảng lo sợ, tâm tư vốn sa sút giờ lại càng sa sút hơn. Nếu không có cánh tay hết lòng nâng đỡ của người thương yêu đưa tới, mà còn phải chịu thêm áp lực của những người chưa hiểu, chưa cảm thông thì có thể ta sẽ lún sâu vào vũng lầy lầm lỗi hay sẽ chọn giải pháp tồi tệ nhất để mong tìm một lối thoát thân.

Tôi được nghe kể về một em sinh viên vì không được toại ý về kết quả điểm thi, cho rằng các thầy cô đã cố tình chèn ép mình nên đã đối xử rất hung bạo với Ban Giám Hiệu nhà trường. Sự việc đáng tiếc này đã gây xáo trộn rất lớn trong dư luận. Thầy cô và bạn bè gần như tẩy chay em, gia đình đã trách giận và không muốn nhìn mặt em, những người chung quanh đã không tiếc lời cay đắng buộc tội và háo hức muốn trừng phạt em với một bản án tù xứng đáng. Kết quả là vài tuần sau đó, em đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng và trở thành bệnh nhân tâm thần cho đến nay.

Đúng là em đã phạm sai lầm, em đã từng là người của công chúng, là học sinh gương mẫu, đại diện thế hệ trẻ năng động và sáng tạo qua cuộc thi tài năng trẻ… Nhưng nếu nhìn cho thấu suốt, ta sẽ thấy hành động sai lầm của em hôm nay không chỉ của riêng bản thân em thôi , nó còn liên hệ sâu xa đến nhiều đối tượng đã và đang ảnh hưởng đến đời sống của em. Ta không thể nào nói em là một cá thể biệt lập, không có liên can gì tới ta. Không đâu, tất cả chúng ta đều có một phần trách nhiệm trong đó hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.

Nếu gia đình chăm sóc đời sống tinh thần của em kỹ lưỡng hơn, bạn bè và môi trường chung quanh tiết chế được những năng lượng tiêu cực hơn, tôn giáo kịp thời đem tới cho em những phép thực tập có khả năng chế ngự những cảm xúc trong lòng hơn, học đường trao truyền cho em đầy đủ vốn liếng đạo đức và có tình thầy trò hơn, an ninh xã hội quản lý chặt chẽ hơn các nguồn phim ảnh hay trò chơi điện tử có tính chất bạo động, kinh tế phát triển cân đối hơn để con người bớt bận rộn, có nhiều cơ hội tìm hiểu và thương nhau nhiều hơn… thì chắc là em không dễ lạc vào nẻo đường tăm tối như vậy.

Ta nỡ đổ hết trách nhiệm này lên vai em thì sao em gánh nổi. Em sẽ gục ngã và mất hết tương lai và ta cũng sẽ mất dần những người em tiếp nối ta đi về tương lai. Những người em đó là tương lai của chúng ta. Em đã mắc phạm sai lầm và em cần được cứu giúp, đó là con đường thoát cho em và cho cả chúng ta. Ta đừng nên để sự giận hờn và thất vọng quá mức khiến ta trở thành kẻ thờ ơ, vô trách nhiệm, để rồi ngoảnh mặt quay đi hay thẳng tay trừng trị hết những người em nhất thời non dại.

Xin cho một con đường

Ta cũng chớ nên cho mình cái quyền lên án, buộc tội kẻ khác. Nếu chúng ta vẫn còn có những vụng về, mắc phải những lầm lỡ, dù người đời chưa biết đến thì chúng ta cũng không thể nào tự cho mình là trong sạch mà tùy tiện dán nhãn hiệu xấu xa lên đầu kẻ vừa phạm lỗi. Hãy cho người kia một cơ hội để chuyển hóa, vì như vậy cũng chính là ta đã tự cho mình một con đường thoát trong tương lai.

Vậy nên tha thứ là chất liệu quan trọng của bản chất thương yêu. Khi thiết lập bất cứ một liên hệ tình cảm nào, nếu ta ngây ngô nghĩ rằng người kia chắc chia từng lầm lỗi thì ta sẽ khổ và sẽ làm người thương của ta khổ. Đời sống còn chìm trong vô minh thì không thể tránh khỏi hành vi không tự chủ. Vấn đề là ta có khả năng chấp nhận và tha thứ rồi tìm cách giúp họ vượt thoát tình trạng hay không chứ không phải mong muốn người kia toàn hảo thì ta mới có thể yêu thương.

Tất nhiên là tùy vào mức độ sai lầm của người kia mà ta nên thể hiện cách tha thứ nào hiệu quả nhất, tại vì điều đó cũng có tính chất quyết định cho sự chuyển hóa hay khinh lờn của đối tượng. Cho dù cách thức nào đi nữa, thậm chí ngay cả sự lựa chọn không tha thứ ngay thì ta cũng đừng quên tự hỏi mình một câu hỏi quan trọng: Ta làm vậy vì người kia hay vì chính ta? Coi chừng ta đang bị thúc đẩy bởi sự tự ái hay tổn thương của bản ngã ích kỷ mà cứ ngỡ là vì người kia.

Nếu thật sự vì tương lai của người kia thì ta phải đủ sáng suốt và can đảm để thu gọn cảm xúc buồn giận trách móc của mình, tìm cách ứng xử với người kia như thế nào để họ sớm hồi phục. Chỉ cần kiểm tra lại tâm ý, lời nói và hành động của mình có xuất phát từ tình thương hay không là ta đủ yên tâm để làm quyết định.

Cho dù người kia có đứng ra bày tỏ sự ăn năn hối cải một cách thành khẩn hay không thì ta cũng nên nhớ rằng đó chỉ là hình thức để ta thấy được thái độ muốn sửa chữa sai lầm và cũng nên xem đó là một biên bản ngầm ký kết cho sự hợp tác giúp đỡ nhau. Ta đừng để mình bị kẹt vào những hình thức thể hiện bên ngoài mà không thấy được trái tim của người kia. Ta đã từng chứng kiến có rất nhiều người sẵn sàng buông xuôi tất cả nếu kẻ phạm lỗi chịu quỳ xuống cầu khẩn thiết tha, nhưng họ lại sẵn sàng đóng chặt trái tim khi người kia không biết đem sự hối cải trong tâm ra trình diễn cho đẹp lòng họ.

Khó vượt qua chính mình

Ta có thể đặt cho mình câu hỏi tại sao ta khó có thể tha thứ cho người kia? Ta chỉ thường chỉ nghĩ một chiều là do mức độ vi phạm của họ quá lớn nhưng tại sao cũng có trường hợp như vậy mà có người lại hành xử khác ta?

Có khi ta chịu nhiều áp lực từ những khó khăn trong cuộc sống hoặc đang bế tắc khổ đau vì những phiền não trong lòng, nên ta không còn đủ năng lượng để ngồi xuống lắng nghe hay không còn đủ thiện chí để tìm hiểu về lỗi lầm của người kia nên ta đã có những phán xét rất vội vàng.

Trường hợp này do ta sa sút về nội lực

Có khi người kia đã cố gắng hết sức nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm và chưa đủ cứng rắn nên để điều đáng tiếc phải xảy ra. Trong khi đó, ta lại tưởng là người kia đã không nhiệt tình; hoặc người kia do họ vụng về nhất thời mà buông ra những hành vi thất lễ nhưng ta lại cho rằng người kia đang rất khinh thường và có ý muốn loại trừ ta. Trường hợp này ta bị vướng vào trí tưởng tượng sai lầm.

Có khi người kia vì u mê dại dột hay vì yếu đuối nên không thoát khỏi vũng lầy đam mê để cho lỗi lầm cứ lập lại nhiều lần như một điệp khúc; hoặc ta chưa từng chứng kiến một người có thể gây ra lầm lỗi tày trời như vậy; hoặc ta chưa có thói quen tha thứ cho kẻ có quá nhiều ân tình với ta như vậy mà lại đang tâm phản bội ta. Trường hợp này, khả năng chứa đựng tình thương của trái tim ta còn quá nhỏ, chưa có cơ hội mở rộng ra.

Có khi người kia mắc những sai lầm không đáng kể nhưng vì tính ta vốn quá chỉnh chu, đòi hỏi mọi việc phải hoàn hảo nên lúc nào cũng canh chừng lỗi lầm của người khác để kết tội; hoặc do ta không hề quan tâm đến hoàn cảnh hay trình độ nhận thức của người khác, chỉ muốn áp đặt theo hình thức của riêng mình. Trường hợp này, ta bị kẹt vào sự cố chấp và định kiến, đó một loại bản năng tự vệ rất cổ hủ.

Có khi sự việc diễn ra ta đã liền bực tức và vội vàng tuyên bố đoạn tuyệt, sau khi điềm tĩnh nghĩ lại thì thấy mình cũng hơi quá đáng, nhưng muốn kẻ phạm lỗi kia phải thành khẩn biểu lộ sự ăn năn thì ta mới chịu bỏ qua. Lỡ như người kia thiếu ý thức hay cứng đầu thì lỗi lầm ấy sẽ biến thành bản án treo không rõ ngày kết thúc. Trường hợp này, ta là kẻ yếu đuối, hành xử theo cảm tính.

Có khi người ta phạm những lồi lầm với ta vô cùng nghiêm trọng, hay có ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của ta; hoặc ta đã muốn tha thứ rồi nhưng lại sợ người khác cười chê ta thiếu kỷ cương nề nếp hay dung túng cho kẻ làm điều xấu; hoặc ta e ngại nếu tha thứ quá dễ dàng thì người kia sẽ ỷ lại, chẳng coi ta ra gì.Trường hợp này, ta bị kẹt vào danh dự, thực chất cũng là một loại nghiện cảm xúc, một loại tôn thờ chủ nghĩa cá nhân.

Tất cả những trường hợp không thể tha thứ vừa nêu đếu có cùng một nguyên do chính là sự vướng kẹt vào bản ngã. Vì quá nâng niu bản ngã nên ta chỉ nghĩ đến những điếu có thể đem lại lợi ích thiết thực cho chính ta thôi. Đó chính là căn bệnh vị kỷ truyền kiếp, hành tung của nó hết sức tinh vi và phức tạp, nếu thiếu quan sát tinh tế thì ta rất dễ bị nó đánh lừa là ta đang vì kẻ khác.

Càng vị kỷ thì càng không thể vị tha trong khi tình thương phải bắt nguồn từ trái tim biết buông bỏ bớt những cái riêng của mình để chia sẻ đến tha nhân, vì tha nhân cũng chính là một phần đời sống của ta. Không có tha nhân thì không có tình thương, làm sao ta sống nổi khi đời sống không có tình thương?

Thà là ta cứ tha lầm thì mức độ hối tiếc sẽ thấp hơn nhiều so với chấp lỡ. Bởi khi nhận ra chính thái độ cố chấp của ta ngày ấy đã đẩy người kia rớt xuống vực thẳm của khổ đau thì ta sẽ gánh chịu mặc cảm ăn năn suốt đời. Còn khi phát hiện ra quyết định tha thứ của ta đã không mang tới hiệu quả thì ta vẫn còn nhiều cơ hội để cứu được, vì trái tim ta đang trong chiều hướng nở ra và mạnh mẽ chứ không co rút lại.

Điều đáng sợ nhất là trong quá trình thương yêu, ta đã để cho trái tim mình trở nên bé nhỏ và không còn là vật rung cảm linh thiêng nữa.

Này bạn! Tôi không có ý khuyên bạn hãy trở thành bậc thánh để sẵn sàng tha thứ hết mọi lầm lỡ của con người. Nhưng nếu trái tim bạn còn sức chứa đựng thì đừng suy tính gì nữa, hãy tha thứ cho nhau đi. Tha thứ luôn là linh dược màu nhiệm có thể trị liệu mọi nỗi khổ niềm đau cho người được tha thứ và cho cả người tha thứ.

Mắm muối không hề mặn
Với lượng cả dòng sông
Lỗi lầm kia bé nhỏ
Với cõi lòng mênh mông…

Hoài Niệm