15 07 2010 | Gương Vãng Sanh |
Tiên mẫu Lý thái phu nhân, húy là Nguyệt Phụng, pháp hiệu Tu Bích là con thứ của tiên sinh Lý Đăng ở thành phố Chương Hoá. Năm 24 tuổi, bà được gả cho họ Trịnh, vào đúng lúc sự nghiệp nhà họ Trịnh thất bại, cha chồng qua đời ở Hạ Môn. Bấy giờ, bất luận là quản lý việc nhà hay đãi người tiếp vật đều do tiên mẫu gánh vác. Hơn hai mươi năm, bà đã ngậm đắng nuốt cay, dưỡng nuôi bảy anh chị em tôi. Trong lúc gia cảnh ngày càng khá giả thì không ngờ năm tôi mười bốn tuổi, cha đột nhiên qua đời. Lúc đó, đứa em trai thứ ba năm tuổi, em trai thứ tư chỉ có hai tuổi. Gặp biến cố lớn lao này, mẹ tôi đau lòng rơi lệ máu, đến mức không muốn sống. Chỉ vì tôi và các em còn nhỏ dại không nơi nương tựa, mẹ đành nén đau thương nuôi dưỡng chúng tôi.
Sau khi cha tôi qua đời, kinh tế trong nhà cũng vì thế càng thêm túng quẩn, bữa cơm thường ngày cũng khó mà duy trì, bao nhiêu sự việc lớn nhỏ trong ngoài đều trông mong vào một mình mẹ đảm đương. Nhưng mà khó khăn, gian khổ cứ liên tục, tai họa bệnh tật cứ liên tiếp kéo đến, mẹ tôi nhẫn nhục chịu đựng, tình thế rất thê thảm, quả thật tôi chẳng thể nào thuật hết. Tôi đã từng giữ trẻ cho người ta. Mỗi lần gặp khó khăn không như ý, về nhà tôi đều chua xót thuật lại cho mẹ nghe. Mẹ thường rơi nước mắt khuyên tôi: “Bao gian khổ khó khăn này, chúng ta nhất định phải nhẫn nại kiên trì đến cùng, sau này mới mong có ngày nở mặt nở mày với thiên hạ”. Những lời nói hằng ngày ấy cũng là để khích lệ cho nhau.
Mẫu thân từ lúc được gả đến nhà cha tôi, bà đã chịu hết muôn nghìn nỗi đắng cay khổ nhọc, bà lại càng nhận rõ con người thế gian đều là khổ, không, vô thường. Vận may lớn nhất của bà là được sự tiếp dẫn học Phật của ân sư Tuyết Công. Suốt mười mấy năm bà ăn chay niệm Phật, chưa từng gián đoạn. Lòng tin của bà đối với Phật pháp ngày càng kiên định. Bất luận gió, mưa, lạnh, nóng nơi nào có cơ hội nghe kinh niệm Phật, bà nhất định tham gia, không bao giờ bỏ qua. Tôi thấy mẫu thân dù phải chịu bao gian nan khốn khổ nhưng vẫn không dao động được quyết tâm học Phật, niệm Phật và lòng tin Phật của bà. Sự kiên nhẫn và thái độ an lành ấy của bà, nhất định đã đạt đến chỗ tốt đẹp trong Phật pháp. Khi đó, tôi cũng phát khởi tâm hướng thượng, muốn học Phật pháp. Qua sự cảm hóa từ nơi Lão nhân gia, thế là cả nhà bắt đầu ăn chay.
Năm mười sáu tuổi, được sự hướng dẫn của mẹ, tôi đã tham gia lớp học bổ túc quốc văn của Hội liên xã thành phố Đài Trung tổ chức, nghe ân sư Tuyết Công giảng thuyết các môn Luận ngữ, Phật học v.v… đồng thời quy y Tam bảo, bắt đầu học Phật.
Năm mười chín tuổi, được ân sư Tuyết Công thương xót cho làm đệ tử thị giả theo hầu bên cạnh Lão nhân gia, tôi thường xuyên tiếp nhận được sự huấn luyện dạy dỗ, thu được nhiều lợi ích. Từ đó, tôi sửa đổi được những thói quen hư hỏng như: lời nói ngang tàng, mắng nhiếc người, uống rượu v.v… Đồng thời, tôi cũng hạ quyết tâm lĩnh thụ năm giới. Xét ra, ngày nay tôi có thể thâm tín Tam bảo, trường chay học Phật, nhận được sự lợi ích trong Phật pháp, là nhờ công lao của mẹ lấy bản thân mình làm gương dẫn dắt!
Bản tính của mẹ tôi luôn từ bi, trung hậu, dịu dàng, ngay thẳng, vui thích làm điều thiện, nhất là thích giúp đỡ người khác. Những ai có nhu cầu trợ niệm, bà không quản thời tiết lạnh nóng, sớm chiều, dù cho canh ba nửa đêm cũng đều đáp ứng. Bạn bè đều yêu thích điểm tốt của bà.
Dù mẹ tôi tiếp thụ nền giáo dục văn hoá của Nhật nhưng vẫn cố gắng học tiếng Trung Quốc. Hơn nữa, bà còn đem ba bản kinh “Phật thuyết A-di-đà kinh Phổ môn phẩm, Niệm Phật viên thông” v.v… làm khóa tụng thường ngày. Điều đáng quý nhất có thể nói là bà đã: “Dùng niệm Phật làm phương thuốc hay, giải tỏa ưu phiền của mình”. Suốt mười mấy năm, bà ít khi đau ốm, ngẫu nhiên gặp chút bệnh, bà không thích dùng thuốc, chỉ uống nước chú Đại-bi do chính mình trì tụng. Còn nhớ khi đứa em trai thứ hai tôi lên sáu tuổi, nó đau bàng quang, kết thành bệnh sạn, tiểu tiện rất khó khăn. Hằng ngày, nó đều đau đớn kêu khóc, nhà lại không có tiền cho thầy thuốc phẫu thuật trị liệu. Thế là, ngày nào mẹ cũng cầu nguyện, trì nước chú Đại-bi cho em trai tôi uống. Sáng sớm ba hôm sau, khi vào nhà xí tiểu tiện, đứa em cảm thấy bỗng nhiên hồi phục như thường, liền nhìn kỹ trong bồn thấy hai viên sỏi màu trắng lớn bằng hạt cơm. Từ đó về sau, cả nhà phát sinh lòng tin sâu sắc đối với nước chú Đại-bi, mẹ đã trì. Trong thôn có người bệnh hoặc khi trẻ em sợ hãi giật mình đều uống nước chú Đại-bi của mẹ trì tụng và đều có công hiệu đặc biệt. Thế là, người đến xin nước chú Đại-bi càng ngày càng nhiều. Tôi thường nói đùa: “Mẹ có thể làm bác sĩ, bệnh viện sẽ phải đóng cửa thôi!” Mẹ nói nghiêm túc mà chân thành: “Đức Phật là vị đại y vương, trị những bệnh nhỏ này, có gì kỳ lạ đâu?”
Mẹ không khéo nói, chỉ biết khuyên người niệm Phật, bất luận đối phương có học vấn hay không. Bà luôn bảo mọi người: “Niệm Phật thật sự rất tốt, Phật lực không thể nghĩ bàn! Phật Tổ không gạt người đâu!”.
Nếu như đối phương nêu câu hỏi, lúc không có cách nào trả lời thì bà liền cầm lấy quyển sách “Phật pháp thành tựu ngay trong đời sống” do ngài Tuyết Công trước tác, Hội liên xã xuất bản, mời đối phương xem thử, hoặc là bảo họ đợi con tôi về, nó sẽ trả lời cho ông.
Hai năm gần đây sức khỏe của mẹ không tốt, van tim hở rộng, lúc nghe kinh, niệm Phật, chỉ tịnh mẹ thường có hiện tượng hôn trầm, khiến tôi vô cùng lo sợ, rất sợ đại sự vãng sinh của mẹ gặp phải chướng ngại này. Vì thế, tôi luôn nhắc nhở bà không quên chính niệm. Mẫu thân vô cùng tin tưởng nói: “Không cần lo sợ, mẹ nhất định sẽ vãng sinh”. Cả đời mẹ gặp biết bao đả kích, lòng nhàm chán cõi Ta-bà rất ư bức thiết, gặp việc liền lễ Phật, cầu Phật. Cứ nhìn xem công phu niệm Phật, lòng tin sâu sắc, nguyện thiết tha thuần thục của bà, lại sự ưa giúp đỡ người khác của bà; từ cái tâm không hại người của bà, có thể gọi là chính-trợ song tu, tôi mới được chút an lòng.
Ngày mùng 7 tháng 6 năm Dân quốc 62 (1973), tôi tham gia thi tốt nghiệp của hệ ban đêm trường đại học Trung Hưng, khi đợt thi đầu tiên sắp xong, đột nhiên tôi cảm thấy trong lòng như có tảng đá đè nặng, tâm thần rất khẩn trương bồn chồn, chính mình cũng cảm thấy kỳ quái. Đến đợt thi thứ hai, tôi vẫn không cách nào bình tĩnh, đối mặt với đề thi, hoàn toàn không có cách nào phát huy, chuẩn bị làm bài cho tốt, cuối cùng nghĩ không ra, không biết mình làm đáp án như thế nào, thi xong trong lòng lại càng buồn bã.
Khi đến Thiện Quả Lâm để đón mẫu thân đi nghe kinh xong trở về nhà, tôi mới vừa xuống xe, liền nghe người bạn trong Liên xã bảo: “Khi nghe kinh, mẹ anh bị hôn mê, bất tỉnh nhân sự, đã đưa bà vào bệnh viện rồi”. Lúc đó, tôi mới biết nguyên nhân vì sao tâm thần bất an. Qua sự kiểm tra chẩn đoán của bác sĩ, mẹ tôi bị bệnh tai biến mạch máu não. Tuy đã được tiêm thuốc cấp cứu nhưng cũng không chuyển đổi. Lúc đó, tuy tôi vô cùng đau buồn nhưng cũng rất hiểu mình nên làm thế nào, lập tức tôi đến bên cạnh mẹ niệm Phật.
Ngày thứ hai, ân sư Tuyết Công đến thăm và nói: “Mẹ con phước báo rất lớn, hôn mê trong quá trình nghe kinh tại đạo tràng, ấn tượng lưu lại trong tâm thức vẫn là nghe kinh cầu đạo, nếu có thể trợ niệm tốt thì có thể vãng sinh”. Qua sự chẩn đoán của bác sĩ đã không còn cách nào cứu chữa, tôi đành phải dời mẹ đến Thánh Liên Thất chuyên tâm trợ niệm. Lúc ấy, các bạn trong Liên xã không ngừng đến trợ niệm. Đến chiều, các bạn học của lớp Trung Huệ và Minh luận xã đều phát tâm phân ban đến trợ niệm.
Trong khoảnh khắc buổi sáng ngày thứ ba, mẫu thân đột nhiên tỉnh táo khôi phục tri giác, niệm Phật theo đại chúng được vài câu, sau đó bà mỉm cười vãng sinh trong câu danh hiệu Phật…Ban đầu, tôi và chị thứ ba trong nhà bỗng nghe rất rõ ràng có tiếng niệm Phật tha thiết hòa trong tiếng niệm Phật của mọi người, liên tục mười mấy câu. Sợ âm thanh này sẽ ảnh hưởng đến chính niệm của mẹ, tôi lập tức tìm kiếm nguồn gốc của âm thanh tha thiết này, liền phát hiện mọi người đều chú tâm trợ niệm, hoàn toàn không có âm thanh hoặc biểu hiện nào bi thương, đây hẳn là mẹ đã niệm. Sau khi trợ niệm liên tục 12 giờ, lúc thay y phục cho mẹ mới phát hiện toàn thân mẫu thân mềm mại, gương mặt từ ái tươi hơn khi còn sống.
Sau khi hỏa táng mẹ xong, thu được xá lợi năm màu hình dáng như tượng Phật, cao hơn một tấc (bức tượng lớn nhất khoảng 4,2cm x 3cm), tượng Bồ-tát (tượng lớn nhất khoảng 4,5cm x 3,6cm) như ý, chim anh vũ, và hạt chuỗi lớn nhỏ gần vài trăm viên, chất màu như ngọc thúy, ánh sáng tươi đẹp ấm áp. Chúng tôi thỉnh ân sư Tuyết Công nhận định. Ân sư tán thán: “Những xá lợi này rất hiếm có, không thể chỉ đáng làm xá lợi nhà họ Trịnh các con, mà chính là sự việc hưng thịnh của nhà Phật, đáng được bảo tồn cúng dường tốt”. Những bạn trong Liên xã xem xong, đều tán thán nói mãi: “Pháp môn niệm Phật, quyết định không uổng phí công phu!”.
Ôi, khi mẹ còn sống, tuy có tâm độ người nhưng ngặt nỗi ăn nói vụng về, khó mà thu được hiệu quả. Sau khi vãng sinh, bà thị hiện các loại xá lợi thù thắng minh chứng, đồng thời lấy đây tiếp dẫn bạn đồng tu có tín nguyện thật tâm niệm Phật, cuối cùng đã đền bù được tâm nguyện trong bấy lâu nay.
Than ôi, từ 14 tuổi tôi đã mất cha, đến nay đã hơn 18 năm, mẹ cẩn thận chăm sóc nuôi dưỡng cả nhà, hy vọng không đến nỗi sai lầm, lấy thân làm gương khéo léo dẫn dụ, hướng dẫn tôi học Phật, hơn nữa được gần gũi đại thiện tri thức, hầu hạ ân sư Tuyết Công, tùy thời được lĩnh thụ, đào tạo trui rèn. Những ân đức này đều là do mẹ từ bi hướng dẫn ban cho đấy! Đáng thương mẫu thân từ khi vào nhà họ Trịnh, trải qua bao hoạn nạn, ngậm đắng nuốt cay! Suốt bốn mươi năm, mẹ không quản nhọc nhằn, không ngần ngại trách hờn, lúc nào cũng hy vọng con cái trưởng thành nên người, có thể tự lập; nhưng tôi bất tài, đã không thể gieo trồng cội đức lập nghiệp, để an ủi lòng Lão nhân gia, lại chưa thể làm tròn hết trách nhiệm của trưởng tử, chia buồn cùng mẫu thân, khiến cho mẹ phải nhọc nhằn quá độ, bỏ lại tình thân thương nhớ của con thơ mà từ biệt mãi cuộc đời. Đau lòng thay! Bất hiếu như Thắng Dương, Thắng Lô, Thắng Vinh, tội lỗi đầy trời, trăm thân khó chuộc, trời xanh mênh mông, làm sao có thể tận cùng! Thuật hết đức mẹ hiền trong muôn một, tang chế đớn đau, lời không mạch lạc, cúi xin mọi người minh giám.
Ngày mùng 7 tháng 6 năm Trung Hoa Dân quốc 62 (1973), đứa con mồ côi, Trịnh Thắng Dương rơi lệ kính thuật; Liễu Nhân sửa lại thành văn bạch thoại.
Tháng 2 năm 2003, thu thập tài liệu từ tin tức ở Tây phương.
Ghi chú:
1. Theo Nguyệt san Minh Luân, tuần thứ 22 đăng tin. Vào 7giờ 30 chiều ngày 07 tháng 6 Dân quốc năm thứ 62 (1973), cư sĩ Lý Nguyệt Phụng ở tại Thiện Quả Lâm Đài Trung đang ở pháp hội nghe ngài Tuyết Công[40] tuyên giảng kinh “Khuyến phát Bồ-đề tâm văn”, đột nhiên hôn mê bất tỉnh ngay đạo tràng. Qua sự trợ niệm của các Liên hữu, vào khoảng hơn 1 giờ sáng ngày 09 tháng 6, Lý cư sĩ đã hôn mê hơn một giờ rưỡi, bỗng nhiên hé môi niệm Phật. Sau khi niệm được mấy câu danh hiệu Phật với buồn vui xen lẫn, cư sĩ đã vãng sinh một cách rất an lành. Lúc đó, con trai con gái của cư sĩ từng thấy hai luồng ánh sáng, rồi còn nhìn thấy hoa sen xuất hiện trên không trung. Nhóm thanh niên trường Cao đẳng Phật học Minh luân xã đến tham gia trợ niệm, có người thấy ánh sáng rực đầy nhà, có người thấy hoa sen bay lên hư không, nhiều loại tướng đẹp, có thể nói là hiếm có. Trước đêm hỏa thiêu, em trai còn chưa học Phật của Lý cư sĩ, đột nhiên từ Chương Hóa điện về dặn dò chuẩn bị bình sạch đựng xá lợi; sau khi hỏa thiêu, quả nhiên lựa ra được khoảng mấy trăm viên xá lợi năm màu. Trong đó, có một số xá lợi như tượng Phật, tượng Quán Thế Âm, hoặc cầm thú, hạt chuỗi rất thù thắng đáng quý.
2. Cư sĩ Trịnh Thắng Dương nói: “Sau khi mẫu thân vãng sinh, từng báo cho tôi tin tức ở Tây phương. Vì đương thời tuy tôi rất tin mẫu từ đã vãng sinh, nhưng vẫn còn hy vọng nhận được tin tức. Do đó, sau khi mỗi chiều tắm gội xong, tôi liền ngồi xếp bằng niệm Phật đợi tin. Bấy giờ, đó chỉ là một tấm lòng thành ngu muội, kết quả qua ba ngày đều không có tin gì cả. Đến 3 giờ sáng ngày thứ tư, đột nhiên tôi nghe tiếng cánh cửa sắt dưới lầu bị kéo ra, tôi cho là kẻ trộm, nhất thời tinh thần chấn động, bỗng nhiên thấy ở phía tây có một luồng hào quang xẹt xuống. Ở mặt đất cũng có một luồng hào quang xông lên, cả hai giao tiếp nhau. Đây là cảnh thứ nhất. Tiếp đó, tôi thấy có một vị thân tướng to lớn nhìn không rõ mặt, chỉ thấy mảnh lụa trên đầu Ngài, trực giác bảo tôi đây chính là Bồ-tát Quán Thế Âm. Bên cạnh Bồ-tát có một người thân tướng hơi nhỏ. Ban đầu thì mờ mờ, sau đó dần hiện rõ, tôi mới thấy rõ ràng là mẫu thân. Tôi vội vã chạy tới nắm lấy tay mẫu thân, hỏi: “Có phải mẹ đã vãng sinh rồi không?” Mẫu thân gật đầu, khi ấy tôi chợt giật mình tỉnh giấc”.
Trích Niệm Phật Công Đức của pháp sư Tịnh Không
15 07 2010 | Gương Vãng Sanh |
Dõng mãnh tinh tấn, vãng sinh bất thoái: 9:23h chiều ngày mồng một tháng giêng năm 2000, cư sĩ Vân Liên ở Bành Tô, tám mươi sáu tuổi, ngồi kết già trên ghế sô-pha trong phòng thờ Phật tại nhà mình đã niệm Phật suốt hơn ba mươi tiếng đồng hồ. Lúc này, đôi mắt bà dán chặt vào thánh tượng của Đức Phật A-di-đà trước mặt, đồng thời vẫy tay ra hiệu bạn đồng tu hạ tượng Phật thấp xuống một chút. Trong khoảnh khắc, bà mở to đôi mắt chiếu ra luồng sáng lạ lùng. Hai tay duỗi ra đặt vào thành ghế sô-pha dường như muốn đứng dậy cung nghinh Đức Phật A-di-đà đến, trên môi vẫn luôn mấp máy niệm Phật. Sau khi giữ tư thế như vậy và liên tục niệm được mấy mươi phút nữa, cuối cùng bà nhắm mắt lại chỉ có đôi môi vẫn mấp máy chầm chậm không ngừng niệm Phật.
Những bạn đồng tu tham gia trợ niệm đứng gần bà, đột nhiên nghe một làn hương thoảng nhẹ từ trên người bà tỏa ra.
Cô con gái đang dốc lòng nhắm đôi mắt lại, ngồi bên cạnh niệm Phật, đột nhiên nghe bên tai văng vẳng tiếng nhạc trời trổi trên không trung. Cô cứ cho rằng ai đang chơi âm nhạc nên mở to đôi mắt ra nhìn, thấy bạn đồng tu đều đang ngồi đông đúc, quay quanh hai bên, chú tâm niệm Phật. Người mẹ ngồi kết già ngay thẳng bên cạnh được Phật tiếp dẫn đã nhắm mắt vãng sinh. Mẫu thân rốt cuộc đã thoát khỏi sự ràng buộc đi vào thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà mà ngày đêm bà nhớ tưởng.
Đây là việc thật người thật xảy ra vào năm 2000 tại Yagoona, Tuyết Lê, Úc Châu, một vị niệm Phật ba năm, phát nguyện cầu sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc, lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn vãng sinh.
Khi phát bốn mươi tám đại nguyện, Đức Phật A-di-đà nói: “Nguyện khi ta làm Phật, mười phương chúng sinh, nghe danh hiệu ta, phát Bồ-đề tâm, tu các công đức, thực hành sáu Ba-la-mật, bền bỉ không thoái chuyển; lại đem căn lành hồi hướng nguyện sinh vào nước ta, một lòng nghĩ đến ta, ngày đêm không nguôi thì lúc lâm chung, ta cùng chúng Bồ-tát hiện đến trước người ấy, trong khoảng sát na, liền sinh về cõi nước ta, thành Bồ-tát bất thoái chuyển. Nếu không được như lời nguyện này thì ta không thành Phật”. Đây là lời nguyện “Tiếp dẫn vãng sinh” của Đức Phật A-di-đà.
Nhưng chúng ta cũng thường nghe mọi người nói: Người niệm Phật thì nhiều nhưng người vãng sinh thành Phật thì ít. Cư sĩ Tô là người thế nào? Nhân duyên nào bà được vãng sinh như lời nguyện? Quá trình bà vãng sinh đã chỉ rõ cho chúng ta điều gì? Vì vậy, người bạn đồng tu tham gia trợ niệm của chúng tôi đã cùng người thân và con gái của cư sĩ Tô nhiều lần nói chuyện với nhau, tìm hiểu, hy vọng có thể tìm ra đáp án, để không phụ tấm lòng khổ nhọc của cư sĩ Tô thị hiện lúc lâm chung.
a) Kiếp người lận đận.
Cư sĩ Bành Tô Vân Liên là một người bên ngoài chất phác trung hậu, tính tình nhu hoà lương thiện có thể tùy duyên vui sống, nhưng nội tâm rất độc lập kiên cường.
Năm 1915, bà sinh ra trong một gia đình nông thôn thuộc huyện Phổ Ninh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Năm mười mấy tuổi, bà gầy ốm, là con gái lớn trong nhà. Do hoàn cảnh gia đình nghèo, vì vậy những công việc nặng nhọc lớn nhỏ, bất luận cày ruộng, lấy nước, nấu cơm, giặt áo, chăm sóc em v.v… bà đều chủ động gánh vác thay cho cha mẹ. Bà lặng lẽ làm việc, không từ khó nhọc, dù cuộc sống khổ sở đến đâu cũng không hề thốt lời oán trách. Chính trong sự nghèo khổ từ thuở nhỏ đã tôi luyện cho bà một cá tính chịu khó nhẫn nại, độc lập kiên cường.
Năm mười bảy tuổi, theo lời mai mối, bà được gả đến nhà họ Trương. Sau khi kết hôn, người chồng theo cha sang Việt Nam xa xôi mưu sinh. Hai năm sau, bà mười chín tuổi, bà cùng mẹ chồng di cư sang Việt Nam. Hơn ba mươi năm sinh sống ở Việt Nam, vì giúp chồng mưu sinh nên thân thể bà gấy yếu. Mỗi ngày phải dọn dẹp, vận chuyển các loại hàng hóa nặng nề để duy trì cuộc sống, lại phải phụng dưỡng mẹ chồng và nuôi dưỡng mười người con, bốn nam sáu nữ. Thật là đã nếm đủ mùi vất vả, gian nan, khó nhọc!
Bà đã từng có những chuỗi ngày rất gian khổ. Chồng bà say mê cờ bạc, mọi việc sinh nhai trong gia đình, dạy dỗ con cái nhỏ dại đều dồn hết cho bà, ông ta không để ý đến. Nhưng bà vẫn một lòng gánh vác chịu đắng cay khổ sở, nghĩ hết cách để duy trì cuộc sống. Cuộc sống không chỗ nương tựa; gánh vác một gia đình nặng nhọc, đã nuôi dưỡng thành một cá tính độc lập kiên cường của bà, làm việc không ngại vất vả, không hề oán trách. Dù chịu biết bao oan khuất cũng âm thầm đón nhận không bao giờ than khổ với người khác, tất cả gian khổ đều nuốt vào lòng. Mọi người hãy tìm hiểu kỹ, cảm nhận được cuộc sống cư sĩ Tô ở Việt Nam, thì có thể phát hiện ra những điều bà đã trải qua, đó không phải là sự rèn luyện và nỗi đau khổ mà người bình thường có thể nhẫn chịu. Tuy đương thời bà không cơ duyên tiếp xúc Phật pháp nhưng sự biểu hiện của bà lại ấn chứng trọn vẹn Lục độ Ba-la-mật trong Phật pháp.
Bố-thí! Bà đã không ngừng bỏ công sức đối với gia đình, cha mẹ chồng, chồng và con cái.
Trì giới! Làm việc vất vả mấy mươi năm như một ngày không hề biếng nhác, không một lời oán trách.
Nhẫn nhục! Dù chịu bao oan khuất vẫn làm tròn bổn phận không than thở với người.
Tinh tấn! Siêng năng quản việc nhà, dùng thân giáo làm gương cho các con, không hề ngơi nghỉ.
Thiền định! Cuộc sống dù khổ đến đâu, vẫn an nhiên không lay động, an phận giữ mình, tùy duyên vui sống, phụng dưỡng cha mẹ chồng, dạy dỗ con cái, hiền lành nhu hoà với người, khắc khổ cần kiệm với bản thân, trọn một đời không thay đổi.
Trí huệ! Trong cuộc sống, bà có thể tùy duyên vui sống, tùy duyên mà làm việc.
Vào thời điểm ấy, tuy mọi người không có cơ hội đọc sách biết chữ, tiếp nhận sự giáo dục nhưng bà quả thật được rèn luyện trong đời sống khốn khổ và đã thành tựu phẩm đức tốt đẹp, chứng minh cho những điều Cổ đức đã nói: “Cuộc sống chính là sự tu hành, tu hành không tách rời cuộc sống”.
b) Phước báo đến, được pháp môn niệm Phật, Tín Nguyện niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ.
Năm 1978, chính quyền Việt Nam thay đổi chính sách, cả nhà cư sĩ Tô dời về Đài Loan. Năm 1986, trong sự sắp xếp của hai cô con gái, bà và chồng lại từ Đài Loan sang Tuyết Lê, Úc Châu. Cuộc sống cuối đời của bà tại Úc Châu đã không còn vất vả nữa, đó là kết quả đạt được của cả đời bà, chịu khó tu phước đức. Cũng may nhờ những người con hiếu thuận này, bà mới có thể thụ hưởng phước thanh nhàn vui cùng con cháu. Hai người con gái học Phật, con rể đều vô cùng hiếu thảo, lại thêm một đàn cháu ngoại đều đáng yêu, thường làm bạn bên cạnh, khiến cho tính tình bà vốn đã ôn hoà lương thiện, lại càng biểu lộ nét từ bi, tươi sáng. Bất luận bà đi đến đâu thì nơi đó đều tràn ngập bầu không khí vui tươi, hoạt bát. Điều đáng quý hiếm là vào tuổi thất thập cổ lai hi[39], bà có duyên được nghe Phật pháp, tiếp nhận được sự đích thân hướng dẫn của Đại đức pháp sư Tịnh Không, tông Tịnh Độ đương thời, giống như giữa đêm đen mờ mịt tìm được ngọn đèn sáng soi đường. Từ đây, bà đã tìm được mục tiêu chân chính của đời người, tham gia vào hội “A-di-đà Phật cộng tu”, bà bắt đầu niệm Phật A-di-đà cầu vãng sinh thế giới Cực Lạc. Bao nhiêu thiện căn phước đức được gieo trồng từ vô lượng kiếp đến giờ, gặp được nhân duyên hiếm có này, rốt cuộc bà đã bước lên con đường bồ-đề thênh thang rộng lớn.
c) Dõng mãnh tinh tấn.
Hiểu rõ lợi ích công đức thù thắng của niệm Phật và kết quả rốt ráo viên mãn của thế giới Cực Lạc ở Tây phương. Từ đó, bà buông bỏ muôn duyên, nhất tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ. Bốn giờ sáng trong nhà đã vọng ra tiếng niệm Phật trong trẻo của bà. Mỗi chiều, sau khi bọn trẻ tan học trở về nhà, bà liền dẫn cả nhà lớn nhỏ và đàn cháu ngoại (đứa nhỏ nhất mới năm tuổi) xếp thành một hàng, cùng niệm Phật kinh hành, vòng quanh Phật, lễ Phật, giống như một hồ hoa sen nhỏ. Sau khi học Phật, bà cung kính Tam bảo, tôn thờ Sư trưởng; mỗi khi có pháp sư đến giảng kinh hoằng pháp, bà luôn đến dâng hoa, lễ bái và tham gia nghe kinh, nghe pháp không hề gián đoạn. Dù có một số pháp sư giảng tiếng bản xứ, nghe không hiểu, bà cũng ngồi cung kính ngay thẳng lắng nghe, không làm ảnh hưởng đến mọi người, không hề giữa chừng rời bỏ đạo tràng.
d) Tín nguyện kiên cố, vượt qua mối lo ung thư phổi.
Tháng 02 năm 1998, cư sĩ Tô do bệnh phải nằm viện kiểm tra, phát hiện đã vướng bệnh ung thư phổi, bà vừa tiếp nhận trị liệu hóa học, vừa cố gắng khẩn thiết niệm Phật. Hai tháng sau, bà đi kiểm tra lại, bác sĩ vô cùng kinh ngạc, phát hiện ra tế bào ung thư không còn nữa.
Tháng 05 năm 1998, sau khi hết bệnh, bà cùng con gái tổ chức một chuyến du lịch toàn cầu, đi thăm viếng bạn bè, bà con và con cái ở rải rác các vùng trên thế giới. Đồng thời, bà đem những kinh nghiệm từng trải của bản thân mình khuyên mọi người niệm Phật cầu vãng sinh Tây phương Tịnh Độ. Và cũng nhân cơ duyên này, bà nói lời giã biệt sau cùng với mọi người.
Đầu năm 1999, cư sĩ Tô do bị ho liền đi bệnh viện, sau khi kiểm tra mới biết bệnh ung thư phổi tái phát, hơn nữa bệnh đã sang thời kỳ thứ hai. Bà nói với bác sĩ: “Tôi cảm thấy rất tốt, không cảm thấy có bệnh nặng gì, cũng không cần chích thuốc, uống thuốc và làm hoá học trị liệu”. Đối với chứng bệnh hiểm nghèo này, bà không hề lo sợ, dường như bà không muốn làm gì cho chính mình. Trong khi những bạn đồng tu có một số việc nhỏ như đau lưng nhức mỏi, bà lại ghi nhớ trong lòng, nghĩ hết mọi cách tìm cho được phương thuốc nội địa phối hợp với thảo dược, đem biếu cho người bệnh dùng; dường như một chút bệnh nhỏ của người khác vẫn quan trọng hơn chứng bệnh ung thư của chính mình.
Sau khi biết bệnh ung thư của mình tái phát, bà càng tinh tấn niệm Phật hơn. Tâm nguyện cầu sinh Tịnh Độ càng bức thiết hơn. Bà vẫn tham gia hội “A-di-đà Phật cộng tu”. Mỗi cuối tuần, hội tổ chức 24 giờ, bà luôn tinh tấn niệm Phật, khiến cho những bạn đồng tu trẻ tuổi trông thấy đều hổ thẹn.
Ngày 26 tháng 10 năm 1999, trước ngày vãng sinh hai tháng, trong ngoài nhà của con gái, bà đều dọn dẹp sạch sẽ, những luống rau cải được trồng thường ngày cũng được nhổ dọn sạch sẽ. Sau đó, bà nói với con gái: “Sau này, mẹ không còn có thể giúp con trông nom việc nhà. Thường ngày con phải đi làm, rau cải cũng không thể chăm sóc được, vì vậy, mẹ phải dọn sạch hết”. Còn một số tiền dư, bà cũng phân chia hết. Từ điểm này có thể phát hiện ra, trước hai tháng, bà đã sớm tiết lộ cho mọi người trong nhà biết tin mình sắp vãng sinh.
Trong khoảng thời gian sau cùng, bà vẫn như thường lệ tham gia hội “A-di-đà Phật cộng tu”. Đồng thời ghi tên tham gia Phật thất từ ngày 24 tháng 12 đến ngày 31 tháng 12, do hội “A-di-đà Phật cộng tu” tổ chức. Suốt bảy ngày đêm, bà không ngừng tinh tấn niệm Phật. Vào ngày 26, bệnh tình bà nặng hơn. Theo sự khuyên nhủ của cô con gái, bà mới trở về nhà nghỉ ngơi qua đêm. Nhưng đến sáng hôm sau bà vẫn kiên trì đến đạo tràng Phật thất. Mãi đến ngày 29, khi bệnh tình trầm trọng hơn, bà mới trở về niệm Phật ở nhà.
Một bà cụ 85 tuổi, không màng đến cơ thể bị bệnh ung thư dày vò, từ chối lời đề nghị của bác sĩ, dừng tất cả thuốc men và trị liệu hoá học, toàn tâm toàn ý lao vào niệm Phật, ngày đêm không nghỉ, tinh tấn liên tục mấy ngày đêm, không chịu tiếp nhận lời khuyên dừng niệm. Niệm Phật dốc sức như thế, đủ để chứng minh tín tâm và nguyện lực cầu sinh Tịnh Độ của bà là kiên định không gì sánh bằng! Hiện thân thuyết pháp như thế, bảo cho chúng ta biết đây mới là Nhất tâm quy mạng chân chính Đức Phật A-di-đà nơi thế giới Tây phương Cực Lạc.
Ngày 30 tháng 12, khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện ra bộ phận phổi của bà đã chứa đầy nước. Một số bệnh nhân như thế thì đau đến nỗi không tự kiềm chế được. Vả lại, cần phải rút nước ra. Nhưng cư sĩ Vân Liên vẫn theo thường lệ ngồi niệm Phật, không hề có hiện tượng phổi trương nước. Bác sĩ vỗ nhẹ vào bộ phận phổi, hỏi bà: “Khó chịu không?” Bà gật đầu đáp: “Có”. Bác sĩ hỏi bà có đau không? Bà lắc đầu nói: “Chỉ cần nhất tâm niệm Phật thì không đau, lơ là một chút thì cái đau dấy lên”.
Trưa ngày 31 tháng 12, kết thúc Phật thất của hội “A-di-đà-Phật cộng tu”, các bạn đồng tu cùng đến thăm bà. Khoảng 10 giờ 30 phút, mọi người phát hiện, cư sĩ Tô đang ngồi trong Phật đường, đột nhiên chắp tay, tướng mạo trang nghiêm, một luồng hào quang vàng rực chiếu xuống đỉnh đầu bà, từ từ lan tỏa toàn thân, khoảng chừng 15 phút, mới dần dần biến mất. Những người trông thấy đều kinh ngạc. Vì vị trí Phật đường ở hướng Nam, so với thời tiết hiện tại, thì mặt trời hoàn toàn không thể chiếu vào. Trong khoảnh khắc này, họ hàng, con cháu đều kéo nhau đến thăm hỏi, an ủi, bao nhiêu tình cảm dâng tràn khó thể dùng lời diễn đạt.
Ngay chiều hôm ấy, đoàn trợ niệm của hội Tịnh Độ Tuyết Lê cùng với các bạn đồng tu của hội “A-di-đà-Phật cộng tu” bắt đầu trợ niệm, đồng thời yêu cầu tất cả thân bằng quyến thuộc đều phải tránh xa. Bởi vì các thành viên của đoàn trợ niệm đang vây quanh dốc lòng niệm Phật, để tránh tình thân làm trở ngại việc vãng sinh.
Mọi người đều hiểu rõ hiện giờ đã đến thời điểm quan trọng: Bà có vãng sinh được hay không? Vì vậy, bất luận thế nào cũng không thể có một chút sai sót.
e) Nhị lực pháp môn, tuy có trợ niệm nhưng tự lực phải phấn đấu, giúp đỡ nhau, thành tựu cho nhau.
Trong suốt 33 giờ niệm Phật, người trong đoàn trợ niệm đã mệt, có thể luân phiên thay đổi nghỉ ngơi. Nhưng cư sĩ Tô vẫn phải gượng đau niệm Phật, tập trung tinh thần, không thể lơ là và không người nào có thể thay thế. “Việc lớn sinh tử ai có thể thay thế! Con cái dù hiếu thuận cũng không thể làm gì, không thể nào nhận thay mình!”.
Đúng như kinh Vô Lượng Thọ đã nói: “Con người trong ái dục, sinh tử một mình, đến đi một mình, khổ vui tự gánh, không người thay thế”. Dù đã kiệt sức quá đổi, suýt chút nữa ngã quỵ nhưng bà lại lập tức niệm Phật theo mọi người. Có người hỏi: “Bà có cần nằm xuống nghỉ một chút không?” Bà lắc đầu cự tuyệt. Có người lấy xâu chuỗi niệm Phật trao cho bà, sau khi vừa duỗi năm ngón tay ra nhận lấy, bà chỉ lần chuỗi niệm một tiếng rồi đặt lên đùi, dường như muốn nói rõ: Hiện giờ đã là thời khắc quan trọng, không thể nhờ vào chuỗi, mà phải tập trung tinh thần phấn đấu đến cùng.
Nhìn thần sắc gắng gượng của bà, môi mím chặt răng, lộ vẻ niệm đến cùng một câu danh hiệu Phật. So với vẻ mặt đáng yêu khả kính trước kia của bà, một bà cụ gương mặt đầy đặn tươi tắn, giờ đây dường như trở thành hai người, khiến một số bạn tu vô cùng xúc động, không dằn lòng được, họ xoay người qua lễ Phật, cầu xin Phật và Bồ-tát mau đến tiếp dẫn cư sĩ Tô vãng sinh về Tây phương. Những nghiệp còn lại của bà, chúng con xin thay nhau gánh chịu. Tấm lòng trợ niệm, nhiệt tâm của những người bạn đồng tu chân thành tha thiết giống như cầu giúp cho cha mẹ ruột của mình vãng sinh Cực Lạc, không dám mảy may xao lãng. Thật đáng gọi là từng tiếng danh hiệu Phật đều biểu lộ sự chân thành cùng một cội nguồn không có ta, không có ai khác.
Tất cả những bạn đồng tu tham gia trợ niệm lần này, đều tán thán: “Trước giờ tham gia trợ niệm, nhưng chưa từng niệm đến mức chân thành tha thiết, trang nghiêm thanh tịnh như vậy. Niệm mãi đến cảnh giới tràn đầy pháp lạc mà cũng không muốn thôi”.
Trợ niệm liên tục 33 giờ, vào 9:23 phút chiều tối ngày 01 tháng giêng, mọi người đồng cầu mong Phật tiếp dẫn bà vãng sinh Cực Lạc. Sau 12 giờ đêm, bà vãng sinh. Khi bạn đồng tu bận rộn thay đổi y phục cho bà, họ mới phát hiện ra toàn thân bà mềm mại, đỉnh đầu nóng ấm, gương mặt thoáng nụ cười, tướng mạo trang nghiêm, đẹp hơn lúc sống. Một người bạn đồng tu lần đầu tham gia trợ niệm sau khi nhìn thấy đã kinh ngạc, yêu cầu cho chụp một bức ảnh lưu niệm để minh chứng.
f) Xá lợi thị hiện, khuyên tinh tấn tu.
Sau khi hỏa táng di thể của cư sĩ Bành Tô Vân Liên, mọi người phát hiện ra mấy trăm viên xá lợi nhiều màu rực rỡ. Bà dùng chuỗi niệm Phật, niệm đến xương đốt tay đều lõm xuống, đủ thấy sự thâm hậu trong công phu niệm Phật hằng ngày của bà..
Vô cùng cảm ơn sự thị hiện trong phút lâm chung đáng quý này của cư sĩ Tô khiến cho những người trợ niệm cảm nhận sâu sắc cái gọi là niệm Phật chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chính giác, từ bi. Sau khi trợ niệm xong, mọi người tràn đầy pháp hỷ, quên đi bao khó nhọc và cũng thể hội được rằng: Tuy pháp môn niệm Phật là pháp môn dễ tu hành trong tất cả pháp môn (chỉ cần nhất tâm niệm Phật A-di-đà), nhưng cũng không phải là dễ dàng như trong tưởng tượng (bình thường cũng phải đoạn ác, tu thiện, phát tâm bồ-đề dụng công tu hành). Cuộc trợ niệm lần này kéo dài đến 5 giờ 30 phút sáng ngày mùng 2, mới cho người khác thay thế. Lúc hồi hướng, mọi người đều hài lòng vui vẻ, chúc mừng nơi Hải hội Liên trì lại có thêm một vị Bồ-tát bất thoái chuyển, cầu mong Bồ-tát Bành Tô Vân Liên sớm nương nguyện lực, trở lại Ta-bà nguyện độ chúng sinh.
A-di-đà Phật!
Tháng 01 năm 2000, Học hội tông Tịnh Độ Tuyết Lê kính ghi.
Các Phúc Đáp Gần Đây