Hiện Tiền Tu Học Thế Nào Mới Tự Tại Vãng SanhHôm nay tôi có duyên ở nơi đây, nhìn qua nhiều bạn đồng tu tôi cảm thấy vô cùng an ổn. Người học Phật ở Đài Loan ngày càng nhiều, đây là điều rất đáng mừng. Trong hai năm trở lại đây, tôi nhận thấy việc tu tập của nhiều bạn có tiến bộ rất lớn, đây là một nỗ lực đáng khen trong việc hoằng dương Phật pháp của các hội viên Tịnh Tông Học Hội. Tôi mới hỏi hội trưởng: “Ngày nay ông mời tôi đến đây giảng, mà tôi nên giảng đề tài gì?”. Ông nói: “Xin pháp sư giảng cho chúng con đề tài: “Hiện tiền tu học như thế nào mới được tự tại vãng sinh”. Đây là vấn đề không chỉ quan trọng cho người sơ cơ học đạo mà ngay cả những người học Phật lâu năm nữa. Và đó cũng chính là tiêu điểm chúng ta cần nhận thức cho rõ, có như thế tín tâm và nguyện lực mới có thể phát khởi được.

Đối với người sơ học Phật mà nói, chúng ta cần phải khái quát giới thiệu qua Phật pháp cho họ. Phần lớn mọi người trong xã hội ngày nay đều nhận thức sai lầm về Phật pháp, đây là một hiện tượng rất phổ biến. Là người học Phật, chúng ta cần phải phân biệt cho rõ ràng. Nói đến sự thành tựu viên mãn nhất và thù thắng nhất của Phật pháp, chính là nói đến sự lựa chọn thế giới Cực lạc, và được tự tại vãng sinh, đây là việc thù thắng không gì sánh bằng.

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Phật pháp, Đông Phương Mỹ tiên sinh dạy cho tôi, học Phật là sự hưởng thụ tối cao của đời người. Đạt đến trình độ tự tại vãng sinh, đó chính là sự hưởng thụ chân chính thù thắng, viên mãn nhất. Vậy thử hỏi, chúng ta có thể làm được việc này hay không? Đáp án khẳng định là được. Vấn đề đặt ra ở đây, là chúng ta có mong muốn hay không mong muốn. Nếu đã có lòng mong muốn rồi, thì giống như cổ đức nói: “Vạn người tu vạn người được”. Lời nói này rất đơn giản, rất dễ dàng, song vẫn có những điều kiện của nó.

Chúng ta đã từng đọc qua kinh Quán Vô Lượng Thọ. Phu nhân Vi Đề Hy do gặp phải biến cố của quốc gia, nói theo cách hiện đại là “chinh biến”. Bà hướng về đức Phật Thích Ca Mâu Ni cầu nguyện. Sự liên quan giữa bà và đức Phật rất rõ ràng. Bà có tâm niệm cầu Thế Tôn dạy đạo, đức Thế Tôn mới hiện thân trước mặt bà. Từ đó bà mới bạch lên đức Phật rằng thế gian sao quá nhiều đau khổ. Do đó, bà thưa hỏi đức Thế Tôn có thế giới nào an vui hay không? Nếu có, bà thật sự muốn sinh về đó. Sau đó, đức Phật dùng thần lực đem thế giới của mười phương chư Phật hiện ra trước mặt cho bà chọn. Cuối cùng, bà hướng về đức Thế Tôn mà thưa, trong các quốc độ chư Phật, thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà rất tốt, cho nên bà chọn thế giới này. Bà hỏi đức Phật làm sao có thể vãng sinh về nơi ấy. Đức Phật vô cùng hoan hỷ đối với sự chọn lựa đúng đắn của bà, vì trong thế giới chư Phật mười phương, không có thế giới nào thù thắng và sánh bằng thế giới Cực lạc.

Lý do thù thắng chúng ta có thể suy tư được, thế giới của tất cả chư Phật giống như trái đất hiện tại chúng ta đang sống vậy, đều là thuộc quốc gia cổ kính. Đã là quốc gia cổ kính thì tất nhiên, có tồn tại những vấn đề xưa cũ rất khó giải quyết. Trong khi đó, thế giới Cực lạc là đất nước mới thành lập, nơi đây có rất nhiều phương tiện. Đức Phật A Di Đà thành lập nên thế giới Tây phương, theo trong kinh nói cho đến ngày nay chỉ mới có mười kiếp thôi. Cho nên, đem so sánh với thế giới của chư Phật thì nó rất còn mới mẻ. Trong một đất nước mới thành lập thì không có dân thường trú mà phần lớn đều là dân di cư đến cư trú, chỉ có những quốc gia cổ kính mới có dân thường trú, có người lãnh đạo mà thôi. Những tập quán của họ không dễ dàng gì mà sửa đổi, đã sửa đổi không được nhất định sẽ có nhiều phiền não. Giống như thế giới Ta bà của chúng ta, do là thế giới cổ kính cho nên tập khí phiền não của chúng sinh rất nhiều. Phật khuyên răn dạy bảo hết lời mà họ vẫn không chịu nghe, không chịu học, cho nên muốn hóa độ cho họ là việc rất khó làm.

Thế giới Tây phương tuy là thế giới mới thành lập, song điều kiện để được sinh về nơi đó rất nghiêm khắc, và theo những tập khí phiền não cũ là điều không phải dễ, đó là việc rất hay. Vì thế mà phu nhân Vi Đề Hi một khi xem qua, bà xác nhận không có thế giới nào sánh bằng. Điều này trong kinh Vô Lượng Thọ đã có tán thán: “Ánh sáng tôn quý trong các ánh sáng, là vua trong các Phật’’ đây chính là lời ca ngợi về sự thù thắng của Phật Thích Ca đối với đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc. Đây là cơ sở mà chúng ta có thể đặt lấy niềm tin vậy. Vừa là quốc độ mới thành lập, lại có đầy đủ mười phương chư Phật, nếu người chân thật tu hành muốn sinh về nơi đó nhất định sẽ thành tựu.

Phật A Di Đà phát đại nguyện, kiến tạo nên đạo tràng Cực lạc để trợ giúp cho người tu hành. Như vậy, chúng ta phải làm gì để được sinh về nơi đó? Phật dạy cho bà Vi Đề Hi tức là dạy cho chúng ta, điều này chúng ta cần phải nhận thức cho rõ ràng. Trước tiên, Phật chưa dạy cho bà về phương pháp tu, mà Ngài chỉ nói người muốn sinh về nơi ấy phải thực hành ba phước tịnh nghiệp, còn được gọi là ba điều kiện. Phật dạy ba điều kiện này cũng chính là chánh nhân tịnh nghiệp của ba đời chư Phật. Câu nói này quan trọng và thiết yếu. Ba đời là chỉ cho đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai. Chúng sinh tu tập để thành Phật, pháp môn có vô lượng vô biên, thế nhưng dù cho người tu học phương pháp nào đều không thể xa lìa cơ sở này.

Ngày nay, người niệm Phật rất nhiều, song người được vãng sinh chẳng được bao nhiêu. Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu? Do chúng ta lơ là sơ suất, xem thường, không chú ý đến nền tảng ba phước tịnh nghiệp này. Phật từ bi vô hạn, chỉ rõ ràng minh bạch, bản thân chúng ta thì hồ đồ, không tin tưởng, không tiếp thọ. Nếu chúng ta dựa trên nền tảng này, lại y chiếu theo phương pháp Phật dạy mà tu, nhất định chúng ta sẽ thành tựu việc vãng sinh Tịnh độ.

Ba điều kiện bao gồm những gì? Điều thứ nhất là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ bi không sát sinh, tu mười nghiệp thiện. Những điều này chúng ta có làm được hay không? Có nhiều người cho rằng những điều này rất khó làm. Chúng ta làm không được, hay có làm mà lại không tới nơi tới chốn, hay không vui lòng để làm. Vì sao chúng ta không hoan hỷ thực hiện? Vì một khi chúng ta thực hiện thì trước mắt tổn thất và có rất nhiều sự mất mát. Xã hội hiện tại không còn như ngày xưa nữa. Chúng ta lúc nào cũng đối xử với người bằng lời nói và việc làm chân thật, trong khi mọi người lúc nào cũng lừa dối chúng ta. Liệu chúng ta còn có thể giữ lập trường chân thật của mình mà đối xử tốt với người hay không? Hay là người lừa dối ta, ta cũng lừa dối lại họ, rồi chúng ta cũng bắt chước học theo tính dối trá của người. Chỉ cần triển khai một sự lợi ích bé nhỏ như vậy thôi, song đó có thể là cũng là một chướng ngại lớn làm cho chúng ta đánh mất đi đại lợi ích vãng sinh Cực lạc. Ngày nay, tôi tận tâm tận lực đối xử hết lòng với người mà người lại lừa bịp tôi, đó là chuyện nhỏ. Người ta lừa đảo tôi nhiều lắm chỉ là một số tiền tài. Tính ra, nếu lừa gạt lấy hết của tôi, mà ngày mai tôi được vãng sinh là điều tốt, không thành vấn đề. Do đó có thể biết, vì sao chúng ta niệm Phật mà không nhiếp tâm được? Chính là ý niệm cầu vãng sinh của chúng ta không mạnh mẽ. Đối với thế gian, ta vẫn còn lưu luyến, vọng tưởng, phân biệt và chấp trước mà không chịu phóng hạ, đã không phóng hạ thì không thể đi được.

Nói đến đới nghiệp vãng sinh, là chúng ta mang theo nghiệp cũ chứ không mang theo những hành nghiệp mới, đây là đạo lý nhất định chúng ta cần phải hiểu. Vì thế, nền tảng của Phật pháp là bắt đầu từ việc hiếu thân tôn sư, viên mãn chung quy vẫn là hiếu thân và tôn sư. Cho nên, Phật pháp là đạo hiếu, là đạo tôn sư, mà muốn có được việc tôn kính sư trưởng, muốn làm thầy mọi người, tất cả đều phải được kiến tạo trên nền tảng là hiếu thuận. Một người bình thường đối với cha mẹ của mình mà không có hiếu thuận thì việc tôn trọng sư trưởng không thể thành tựu được. Như vậy, chúng ta thử quán xét lại xem hai việc này, hàng ngày chúng ta có làm trọn vẹn hay không? Nói một cách khác, ngay cả bổn phận con người mà thực hiện không tốt thì làm sao chúng ta có thể nói đến chuyện thành Phật. Bạn được vãng sinh về bất kỳ phẩm vị nào ở thế giới Cực lạc, đã đến thế giới Tây phương rồi tức là bạn đã làm Phật. Song muốn làm Phật, trước tiên bổn phận con người chúng ta phải làm cho tốt. Nếu có một chút sai lầm nào nhất định phải sửa đổi, không có gì phải lo lắng và sợ hãi, chỉ cần đem tâm ích kỷ, hẹp hòi mà phóng hạ đi.

Trên thực tế, đối với đạo lý nhân quả mà chúng ta không hiểu rõ sự thật và chân tướng của nó thì đó là một sai lầm rất lớn. Vì thế, những năm đầu Dân Quốc, Ấn Quang đại sư khuyên tất cả những người học Phật nên bắt đầu từ Liễu Phàm Tứ Huấn, là rất có đạo lý. Nội dung của Liễu Phàm Tứ Huấn là khuyên người tin sâu nhân quả. Một khi bạn đã thâm tín nhân quả rồi, thì mỗi một miếng ăn, thức uống bạn hiểu ra rằng không phải do tiền định và ngẫu nhiên mà có. Một khi bạn đã tin sâu nhân duyên quả báo, bạn nhất định không còn lo sợ nữa, tâm đã không có lo sợ đó chính là định lực. Mạng của tôi có phước báo và tài lộc, dù muốn vứt bỏ nó đi cũng không được. Bạn cứ bo bo cất giữ lấy nó, quan trọng là ở chỗ bạn có dám đem nó bố thí hay không? Làm thế nào bạn có thể biết được ngày mai mình sẽ không có gì để ăn uống? Nếu thực sự biết được chuyện ngày mai thì có lẽ bạn là siêu nhân, không phải là người bình thường rồi. Cho nên, là người học Phật, chúng ta phải tin sâu nhân quả, có tin sâu nhân quả thì chúng ta mới tin lời Phật dạy, mới y giáo phụng hành, thân tâm sẽ tự tại, một mảy trần không nhiễm. Tâm thanh tịnh thì Phật độ thanh tịnh.

TÍN (Lòng tin)

Điều kiện để được vãng sinh thế giới Cực lạc chính là tâm thanh tịnh. Tuy nhiên, Phật pháp nói có vô lượng, vô biên pháp môn, song rốt ráo vẫn quy về ba môn. Theo kinh Hoa Nghiêm nói, đó là tín giải, hành và chứng. Đối với người tu Tịnh độ, một khi đạt đến nhất tâm bất loạn thì cũng chỉ còn ba môn, đó là chánh, giác và tịnh. Ngày nay, chúng ta phát tâm quy y Tam bảo, mà Tam bảo là đại biểu cho chánh, giác, tịnh. Phật là đại biểu cho giác, Pháp là chánh tri, chánh kiến, Tăng là đại biểu cho thanh tịnh. Lục căn thanh tịnh mảy trần không đắm nhiễm, điều đó chúng ta có thực hiện được hay không? Hiện tại làm người xuất gia rất khó xử, những người cư sĩ tại gia cúng dường tiền tài cho bạn rất nhiều. Bạn mà không thanh tịnh lại cất giữ hoặc gởi ngân hàng thì rất nhiều phiền não. Nếu như đem những thứ đó mà xả sạch đi thì mới có thể chân chính đạt được tâm thanh tịnh. Nếu chúng ta muốn cho quốc độ của Phật thanh tịnh, thì chúng ta phải chân chính hiếu thuận với cha mẹ và tôn trọng sư trưởng đó là tất nhiên.

Cha mẹ đối với con cái đặt hết niềm tin và hy vọng, như người xưa thường nói: “Hy vọng con trai thành rồng, mong mỏi con gái thành phượng”, như vậy, câu nói này có ý nghĩa gì? Rồng và phượng là đại biểu Phật, Bồ tát. Mà bạn thành Phật, Bồ tát thì cha mẹ bạn rất hoan hỷ, thầy của bạn cũng rất vui. Vì thế mà mười phương, ba đời tất cả chư Phật đều mong muốn cho tất cả chúng sinh sớm thành Phật đạo. Phật là vị thầy rất tốt của chúng ta, chúng ta cần phải có nguyện vọng, có quyết tâm, thì mới xứng đáng là người học trò giỏi, người con chí hiếu. Trong ba phước tịnh nghiệp, thấp nhất là mười nghiệp thiện, mười nghiệp thiện này chúng ta phải thực hiện đầy đủ, thì trong kinh nói mới xứng đáng với tên gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhơn. Bình thường, lúc chúng ta mở kinh đều có thấy đọc đến câu thiện nam tử, thiện nữ nhơn. Thiện là có điều kiện của nó. Nếu mười nghiệp thiện mà bạn không làm được thì không được gọi là thiện nam tử hay thiện nữ nhơn, đây là nói đến tiêu chuẩn thấp nhất. Từ tiêu chuẩn này thăng tiến thêm một bước nữa là thọ trì Tam quy, đầy đủ chúng giới, không phạm oai nghi. Phước thứ hai này so với phước thứ nhất cao hơn một tầng, tầng thứ nhất là thuộc về Nhân, Thiên thừa, là hai trong năm thừa của Phật giáo. Từ Nhân, Thiên thừa thăng tiến lên bậc nữa là Thanh Văn và Duyên Giác thừa, tức là tầng thứ hai. Phước thứ hai trong tam phước chính là đại biểu cho Thanh Văn và Duyên Giác thừa. Rồi từ tầng thứ hai này, lại phải tiến thêm một bước nữa đó là phát tâm Bồ đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến tấn hành giả, đây là điều kiện của Bồ tát. Tin sâu nhân quả của Bồ tát không phải là loại nhân quả bình thường như phàm phu. Ví như ngày nay, chúng ta đang nói đến đề tài nhân quả của việc được tự tại vãng sinh, thì niệm Phật là nhân, thành Phật chính là quả, đó là chúng ta nói theo nhân quả của Bồ tát.

Hai chữ niệm Phật chúng ta phải nhận thức cho rõ. Niệm Phật không phải là miệng niệm. Nói như cổ nhân: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, dù niệm đến khan cổ họng cũng uổng công”. Như vậy, chúng ta phải niệm như thế nào? Chúng ta thử xét qua chữ niệm có ý nghĩa gì? Văn tự Trung Quốc rất khác xa với văn tự của các nước trên toàn thế giới. Văn tự Trung Quốc là ký hiệu cho trí tuệ, bạn xem qua có thể khai ngộ. Ví dụ như chữ niệm (念), đó là chữ Hội ý, trên là chữ kim (今), dưới là bộ tâm (心), nghĩa là trong tâm bạn lúc nào cũng nhớ Phật, tưởng Phật thì gọi là niệm Phật. Vì thế mới nói: “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Như vậy, hiện tại trong tâm bạn có Phật thì tâm bạn là Phật, mà trong tâm bạn có Phật thì bạn không phải Phật vậy là ai? Vì thế, nói không phải dùng miệng niệm chính là thế. Trong tâm có Phật thì tương ưng, như vậy cứu cánh Phật ở nơi đâu? Điều này chúng ta cần phải hiểu cho rõ. Phật là chỉ cho tự chân tâm, bản tính của chính mình. Chúng ta hiện tại nhất niệm tương ưng với tự tánh đây gọi là niệm Phật, niệm mà không tương ưng với tự tánh không phải là niệm Phật. Dẫu cho ngày ngày gọi A Di Đà đều không được tính là niệm Phật, đây là đạo lý rất khó hiểu. Cho nên, chúng tôi đem toàn bộ kinh luận Phật dạy quy nạp thành những chữ như sau: Chân thành là tự tánh, thanh tịnh là tự tánh, bình đẳng là tự tánh, chánh giác là tự tánh, từ bi là tự tánh.

Tâm của bạn phải tương ưng với chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi thì lúc đó gọi là tâm Phật, như vậy mới gọi là niệm Phật. Niệm Phật cũng chẳng phải là kêu Phật Thích Ca Mâu Ni, kêu gọi Ngài có tác dụng gì? Nếu niệm Phật Thích Ca Mâu Ni trên mặt sự tướng có tương ưng hay không? Có thể nói là tương ưng. Thích Ca có nghĩa là nhân từ, Mâu Ni là thanh tịnh, bình đẳng. Bạn xem có tương ưng không? Chúng ta niệm Thích Ca Mâu Ni, Thích Ca là từ tự tâm chúng ta lưu xuất ra thanh tịnh và bình đẳng, Mâu Ni là từ tâm lưu xuất ra từ bi, đây mới là niệm. “Một niệm là tương ưng với một niệm Phật”, không phải là niệm một con người nào, niệm một người nào là không có thành tựu. Như vậy, chúng ta phải hiểu ý nghĩa chân chính danh hiệu của Ngài là gì? Tự tâm chúng ta phải tương ưng với danh hiệu mới có thể phát tâm niệm được. Hiện tại chúng ta niệm danh hiệu Phật A Di Đà, danh hiệu này so với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni viên mãn hơn nhiều. Thích Ca trên thực tế chỉ có hai ý nghĩa chính: một là chân thành, từ bi; hai là thanh tịnh, bình đẳng. Mà A Di Đà Phật tự tính tánh đức viên mãn, không thiếu một điều gì, bao quát tất cả, trong kinh thường nói là đại viên mãn, đây chính là ý nghĩa của nó.

Ý nghĩa A Di Đà Phật, nói theo ngôn ngữ Trung Quốc có nghĩa là vô lượng giác, vô lượng trí tuệ, vô lượng giác ngộ, nó bao quát tất cả không thiếu một ý nghĩa. Đối với tất cả danh hiệu của chư Phật khác ý nghĩa còn có giới hạn, còn có cục bộ, song đối với danh hiệu Phật A Di Đà lại đặc biệt được nhấn mạnh. Vì sao Phật lại đản sinh vào thế giới Ta bà này để thành Phật? Chúng ta có cần xưng niệm danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni hay không? Tất cả đều là tùy bệnh mà cho thuốc. Chúng sinh sống trong thế giới Ta bà phần lớn tâm thiếu từ bi, chỉ biết tự tư tự lợi, tâm thiếu thanh tịnh, một ngày từ sớm đến tối chỉ có nghĩ bậy nghĩ bạ. Cho nên, đức Phật dùng danh hiệu để độ chúng sinh, đó cũng chính tôn chỉ của công tác dạy học thời hiện đại. Vậy chúng ta phải niệm như thế nào? Tuyệt đối bạn không được niệm đức Phật đã thành Phật tại Ấn Độ cách đây 3000 năm trước. Nếu bạn niệm vị Phật này thì bạn đã hoàn toàn sai lầm. Người là biểu pháp, danh hiệu chỉ là danh tự, bạn phải thông đạt được ý nghĩa của nó thì mới phát tâm chân chính niệm Phật được. Tâm của bạn quả nhiên đã chân thành, từ bi, thanh tịnh, bình đẳng rồi thì một ngày bạn không cần phải niệm một câu danh hiệu cũng được, đến lúc bạn muốn vãng sinh thì Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn bạn. Vì sao thế? Vì bạn thật sự thực hành đúng với ý nghĩa niệm Phật. Hiện tại, người niệm Phật hiểu được đạo lý sâu mầu này rất ít. Họ chỉ biết ngày ngày niệm, mà tâm ý lại buông lung phóng túng, dù niệm cho đến khan cổ họng, hết hơi cũng chẳng được vãng sinh. Bạn xem có oan uổng hay không? Đây là đạo lý chúng ta cần phải nhận thức cho minh bạch. Đã nhận thức rõ ràng rồi, như thế chúng ta có cần phải niệm A Di Đà Phật nữa hay không? Vẫn phải niệm. Niệm mà không niệm, không niệm mà niệm. Vì sao trên hình thức phải thường niệm Phật A Di Đà? Vì chúng ta muốn giúp đỡ, ủng hộ tha nhân. Tôi niệm A Di Đà Phật, người khác nghe được, nhất định sẽ hỏi: “Anh niệm Phật có những điều tốt gì? Đây chính là cơ hội mà bạn mới có lý do để đem những lợi ích của niệm Phật mà giới thiệu cho người. Người ta nghe xong, hiểu rõ minh bạch, quyết tâm thực hiện và họ ra sức niệm Phật, đây chính là bạn đã độ cho một người rồi. Vì thế, chúng ta niệm danh hiệu Phật phát ra tiếng chủ yếu là làm việc lợi tha, mới đúng là tâm Phật, mới đúng với ý nghĩa chân chính của việc niệm Phật. Sau khi đã chân chính liễu giải và giác ngộ, chúng ta ở tại thế gian, vậy phải cư xử với đại chúng xã hội như thế nào? Chúng ta phải lấy tâm Phật mà cư xử với đời, đây là điều cần phải ghi nhớ. Tôi giảng pháp có thể hiểu, cổ nhân nói chắc khó hiểu. Cổ nhân gọi là phát Bồ đề tâm, danh từ này chúng ta rất khó hiểu. Song, phát Bồ đề tâm là gì? Tôi nói là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, mọi người nghe qua có thể hiểu được một chút. Bồ đề tâm đã phát, nhưng đã đủ tư lương được vãng sinh hay không? Phải nhất hướng chuyên niệm. Chúng ta xem qua kinh Vô Lượng Thọ ba bậc vãng sinh, quan trọng nhất là quy nạp ở tám chữ: phát Bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm. Một là một phương hướng, một mục tiêu. Như vậy, làm sao có thể nhất hướng chuyên niệm? Chúng ta cũng quy nạp thành mười chữ: nhìn thấu, phóng hạ, tự tại, tùy duyên, niệm Phật. Nhìn thấu là nhận thức đúng bản chất của vũ trụ và nhân sinh, tất cả sự lý nhân quả bạn phải thông đạt rõ ràng, như vậy mới gọi là nhìn thấu. Sau khi rõ biết được chân tướng mọi vật rồi, bạn cần phải phóng hạ, phóng hạ cái gì đây? Đó là những tư tưởng tự tư tự lợi, phóng hạ đi những cái gì chẳng phải là ta, là của ta, là tự ngã của ta; phóng hạ đi tham lam, sân hận, si mê và kiêu mạn. Điều này trong kinh Phật gọi là đoạn phiền não kiến, tư hoặc, phiền não trần sa hoặc và vô minh phiền não. Đây là những danh từ đòi hỏi có rất nhiều thời gian giải thích mới hiểu được. Có người nghe qua chắc không hiểu, vì chúng ta không có thời gian nhiều. Cho nên, tôi đem những danh từ này dùng ngôn ngữ hiện đại nói qua. Kiến tư phiền não là gì? Là chấp trước. Cái gì gọi là trần sa phiền não? Là phân biệt. Cái gì gọi là vô minh phiền não? Chính là vọng tưởng. Nói theo phương pháp này có lẽ mọi người có thể hiểu được. Như vậy, phóng hạ là phóng hạ tất cả vọng tưởng, phân biệt và chấp trước. Phật dạy chúng ta phóng hạ không phải nói là phóng hạ đi công ăn việc làm, điều này có rất nhiều người nhận thức sai lầm. Nếu quả như đức Phật Thích Ca dạy chúng ta phóng hạ đi công tác thì hà tất gì suốt 49 năm trời Ngài phải khổ nhọc xuôi ngược khắp nước Ấn Độ để giảng kinh thuyết pháp? Bản thân của tôi ngày ngày cũng phải đến các nơi để thuyết pháp, vì sao tôi không phóng hạ đi? Như vậy, phóng hạ ở đây chính là vứt bỏ vọng tưởng, phân biệt và chấp trước. Đây là đạo lý chúng ta cần phải hiểu.

Trong công việc, chúng ta phải nỗ lực hơn và làm một cách viên mãn hơn. Tuy làm mà tâm được tự tại an lạc. Trước đây, làm việc có nhiều phiền não, thế nhưng ngày nay làm việc rất an lạc. Vì sao thế? Vì trước đây làm là để phục vụ cho tự kỷ, phục vụ cho chính mình. Đã có tự kỷ thì có phiền não, đánh mất đi nhân tâm; còn vì người khác mà làm việc thì không phiền não. Cho nên, sau khi giác ngộ rồi, chúng ta buông xả tất cả, ngày ngày sống trên thế gian làm những việc nghĩa cho chúng sinh, cho xã hội. Vì thế, tuy làm mà rất an lạc, làm việc lại được viên mãn, chúng sinh lại có phước. Ngược lại, bạn làm việc không hết mình, người khác không được an vui, bạn lại đánh mất đi nhân tâm, thiếu phước báo, như thế làm sao mà không an lạc? Vì thế, dù là hiện tại hay vị lai, bạn đang công tác ở đâu hay làm bất kỳ công việc gì, trong đời sống sinh hoạt, tất cả bạn điều phải biết tùy duyên mà không được phan duyên, như thế bạn sẽ được tự tại. Tuyệt đối không có suy tưởng là tôi làm cái này, tôi làm cái kia, như vậy bạn sẽ có phiền não. Chư Phật, Bồ tát bận rộn hơn chúng ta rất nhiều. Bạn nghĩ xem, chúng ta thường niệm Quán Thế Âm Bồ tát, Ngài đối với chúng ta rất quen thuộc. Đặc điểm của Ngài là nghìn xứ cầu nghìn xứ cảm ứng. Có rất nhiều người trong hư không pháp giới cầu sự giúp đỡ của Ngài. Ngài bận rộn đến tíu tít, chúng ta không bận rộn bằng Ngài. Chúng sinh cần thân gì để độ Ngài liền hiện ra thân đó, ai cần sự trợ giúp ra sao Ngài cũng tùy thuận theo mà giúp đỡ. Từ trước đến nay, Ngài chưa từng làm cho một người thất vọng, thế mà lúc nào Ngài cũng được tự tại, quả thật Ngài đã hoàn toàn buông xả và phóng hạ, không còn vướng mắc vào bất kỳ sự việc gì. Vì thế, trong kinh Kim Cang có dạy cho chúng ta hai câu: “Lìa tất cả tướng, tu tất cả điều thiện”. Xa lìa tất cả tướng đó là chính phóng hạ, buông xả. Ly khai tất cả tướng gì? Là lìa tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh và tướng thọ giả. Tướng ngã là chấp trước, tướng nhân, tướng chúng sinh là phân biệt, tướng thọ giả là vọng tưởng. Danh từ tuy không giống nhau nhưng chỉ là một. Phóng hạ thì có tự tại, sau đó là tu tất cả điều thiện, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Phàm làm việc gì có lợi ích cho chúng sinh, cho đại chúng và xã hội thì có tự tại. Trái lại, phàm làm việc gì mà có lợi ích cho tự kỷ bản thân đều là việc ác, đây là đạo lý nhất định bạn cần phải hiểu.

Vì sao phàm làm những việc có lợi ích cho riêng mình đều gọi là việc ác? Vì làm lợi ích cho chính mình là tăng trưởng trí tuệ yêu ma quỷ quái. Phật dạy bạn phóng hạ đi cái ta, cái ta bạn buông xả không được thì mọi hành động suy tư của bạn đều có cái ta trong đó. Đã có cái ta thì có luân hồi và không thể thoát ly khỏi luân hồi. Khi nào bạn mới có thể vượt thoát luân hồi? Khi cái ta không còn thì bạn ra khỏi luân hồi.

Gần đây, tôi biết được một bà tu nữ ở Singapore, chúng tôi có chụp hình bà đem về đây. Bà sinh năm 1900 mà đến nay là năm 2000. Trong Kinh Kim Cang có nói về bốn tướng, thế mà lúc nhìn qua bà tôi không thấy có một tướng nào, thật sự là bà không có tướng ngã, tướng nhân, không có tướng chúng sinh và tướng thọ giả. Bà năm nay 101 tuổi, song tôi nhìn qua cứ ngỡ bà không ngoài 50 tuổi hoặc chỉ có 40 mấy tuổi. Răng chỉ rụng có một cái. Lúc xem báo, bà không cần phải đeo kính, tai vẫn nghe bình thường, phản ứng rất linh hoạt. Một người ở độ tuổi 40 bình thường không thể sánh bằng, bà còn biểu diễn nhào lộn cho chúng tôi xem nữa. Như vậy, bà ta nhờ vào điều gì mà được như thế? Chính là phóng hạ và buông xả. Bà cho biết cả một đời bà tận tậm tận lực trông nom và chăm sóc cho người già ở mười mấy viện dưỡng lão. Theo nhà Phật nói bố thí có ba loại: tài thí, pháp thí và vô úy bố thí, tất cả bà đều làm trọn, tiền đồ của bà quả thật là tươi sáng và siêu việt tam giới. Bà xem kinh Phật và nghe băng giảng của tôi đại khái chỉ có hai năm nay mà thôi. Sự việc này cùng với cư sĩ Lý Lâm Nguyên có liên hệ mật thiết với nhau, cư sĩ Lý Lâm Nguyên đã cho tôi biết. Thật ra có được một người như vậy hay không? Tôi đi xem và tận mắt chứng kiến quả thật không sai lầm. Chúng tôi giảng tất cả phương pháp tu hành, bà đều làm được hết. Tôi giảng ba phước tịnh nghiệp bà cũng làm tròn. Bà là một tu nữ Thiên Chúa giáo mà cả một đời tu hành, điều này chứng tỏ thiện căn đời trước của bà thật sâu dày. Bà quả là một đại lực sĩ. Hỏi đến thân phận, bà cho biết một ngày bà ăn chỉ có một bữa mà tinh thần lại đầy đặn. Mỗi ngày vẫn làm việc bình thường, bà giúp đỡ những người khổ nạn và bệnh nhân. Hiện nay, tại Singapore quả thật có được một người tu hành như thế, nếu bạn không tin có thể sang đó mà xem. Vì thế chúng ta phải cố gắng buông xả và phóng hạ tất cả, vì chúng sinh mà phục vụ, nhất định sẽ được nhiều tự tại.

NGUYỆN (Ước muốn)

Chúng ta cần phải học tấm gương của chư Phật, Bồ tát. Chư Phật, Bồ tát là những người bị động, không phải là chủ động. Bạn không đi cầu các Ngài thì những vị ấy cũng không đến tìm bạn. Bạn cầu họ, họ nhất định sẽ đến giúp đỡ cho bạn. Phật, Bồ tát là những người bị động, không phải là chủ động, mà bị động thì lại có tự tại. Chủ động là bạn lại suy xét, tính toán phải làm cái gì, đi đâu?… Như vậy là bạn bị phan duyên, không phải là tùy duyên. Bạn đã phan duyên thì lao tâm và nhọc lòng, như thế sẽ có phiền não. Bạn tùy duyên thì không có phiền não, không có gì phải lo lắng. Tôi cả đời đều y theo lời giáo huấn của đại sư Chương Gia, tất cả đều tùy duyên, từ trước đến nay không có phan duyên, tự mình không tìm kiếm phiền não. Suốt đời không có một đạo tràng, cũng không có đệ tử. Bạn xem có nhiều người quy y với tôi, sau khi quy y rồi, tôi chưa bao giờ hỏi anh, chị tên gì, nhà ở đâu… như thế là có phiền não? Việc quy y Tam bảo của bạn đối với tôi đâu có quan hệ gì? Tôi chứng minh và truyền thọ Tam quy cho bạn là tốt. Bạn quy y là quy y với giác, quy y chánh, quy y tịnh. Nếu bạn cho rằng mình quy y với pháp sư Tịnh Không là đã sai lầm rồi. Thế nhưng, bạn nên nhớ đến hai chữ này, tâm địa thanh tịnh, không còn mảy may việc gì thì bạn mới chân chính là quy y với Tịnh Không. Nếu cho rằng quy y là quy y với mọi người thì như thế đã sai lầm. Vấn đề này rất quan trọng, cho nên ý nghĩa chân chính của việc quy y là không phải quy với một người nào. Bản thân tôi cả đời cũng học Tịnh học Không, có như thế mới phù hợp với tên gọi của chính bản thân mình vậy.

Niệm Phật là niệm cái gì đây? Hiện tiền luôn luôn phải nhớ đến mười tám chữ, niệm niệm phải tương ưng với chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác và từ bi; niệm niệm phải tương ưng với khán phá, phóng hạ, tự tại, tùy duyên, như thế lại thêm phần phát nguyện cầu sinh thế giới Cực lạc. Chẳng những quyết định vãng sinh mà còn được tự tại vãng sinh nữa, điều này ai ai cũng có thể làm được. Nhưng vấn đề được đặt ra là bạn có dám phóng hạ, buông xả hay không? Mọi người thường thường tặng tiền cho tôi, hiện tại tôi lại nhớ đến nó không thôi, như thế chẳng khác nào tôi tự mình đi tìm phiền não. Bà cụ tu nữ 101 tuổi, bà ta phát tâm quy y, tôi chứng minh truyền thọ Tam quy ngũ giới cho bà. Bà ta đều buông xả được tất cả, trong khi tôi vẫn còn có sổ tiết kiệm ở ngân hàng, trái ngược với lời mình dạy. Cho nên, từ trước đến nay, tôi đem toàn bộ tài sản tiền bạc liên quan đến ngân hàng giao cho cư sĩ Lâm làm quỹ giáo dục, quỹ phúc lợi, tôi không làm những việc đó mà ông ta thay thế tôi làm. Bạn cho rằng tôi có nhiều nhàn nhã, tất cả mọi thứ người ta cúng dường cho tôi ở bên này, nó được lưu tại Tịnh Tông Học Hội cho các bạn đồng tu làm công tác hoằng pháp lợi sinh, một phần tiền tôi cũng không mang theo. Mọi người muốn gửi tiền cho tôi cũng được, bằng không có thể gửi đến tài khoản của cư sĩ Lâm, hoặc gửi đến Tịnh Tông Học Hội tại Singapore, không nhất thiết phải đến được tận tay tôi, như thế rất phiền hà. Bản thân của tôi cũng muốn được thanh tịnh, tự nhiên và tôi cũng cầu tự tại vãng sinh. Cũng như bà cụ tu nữ đã nêu trên, sinh thời bà được tự tại, muốn đi khi nào thì có thể ra đi lúc đó, xét ra bà muốn ở lại trần gian này bao lâu cũng chẳng thành vấn đề. Sinh thời tự tại thì vãng sinh tự tại, bà ta có thể làm được, điều đó có thể chứng minh rằng người người đều làm được. Tôi nhìn qua tình trạng thân thể của bà hoàn toàn tương ưng với những lời trong Hoàng Đế Nội Kinh, Linh Xu Kinh mà y học cổ xưa của Trung Quốc đã từng nói. Thọ mạng bình thường của một người sống được 200 tuổi. Tại sao bạn sống không đến 200 tuổi? Vì bạn bình thường không biết cách bảo dưỡng, mà chỉ biết làm cho thân thể suy yếu đi. Điều gì làm cho thân thể tráng kiện? Đại tự nhiên thì thân thể tráng kiện. Cho nên, người người cần phải khôi phục lại đại tự nhiên thì tự nhiên thân thể được trường thọ. Bằng ngược lại, phá hoại tự nhiên sinh thái thì tuổi thọ con người sẽ giảm dần. Ngày nay, chúng ta đang đề cập đến tự nhiên sinh thái của thân thể. Như vậy, điều gì phá hoại tự nhiên sinh thái của con người? Chính là vọng tưởng, là phân biệt và chấp trước. Cổ nhân thường gọi là thất tình và ngũ dục, đó là những thứ đã phá hoại đi hoàn cảnh tự nhiên của chúng ta. Hoàn cảnh tự nhiên đã bị tổn thương thì cái bị phá hoại trầm trọng nhất trong mỗi chúng ta chính là tính tình, mà theo nhà Phật đó là tham, sân và si. Trong đó, sân là nguy hại nhất. Bà cụ tu nữ nói với chúng tôi, mỗi lần sân hận nổi lên chỉ trong một phút, phải cần đến ba ngày mới khôi phục lại được bình thường, đó là một lẽ thật không phải hư dối. Vì thế, ban đầu gặp bà tôi mới hỏi, bà có bao giờ trải qua sân hận không? Bà cho biết là cả đời chưa bao giờ có. Người khác đối xử bất đồng ý kiến với bà, bà chỉ biết tự trách mình tu dưỡng chưa tới đâu, trí tuệ chưa đầy đủ và làm chưa hết mình, từ đó bà không dám ôm lòng giận hờn bất kỳ một người nào. Điều này, trong Lục Tổ Đàn Kinh cũng có viết: “Nếu người thực sự là tu hành, không thấy lỗi của thế gian”. Những lời dạy này bà đều làm được. Bà là người Thiên Chúa giáo, trên thực tế bà thật siêu việt. Những năm gần đây, bà nhận thức được những lời dạy trong các kinh điển của tôn giáo, tất cả đều là những lời chỉ dạy rất có giá trị cho sự tu tập của bà. Tôi hỏi bà: “Có bao giờ bà nhìn thấy cảnh giới của loài ngạ quỷ hay chưa?”. Bà đáp rất hay, tôi xem thấy tất cả tôn giáo trên thế gian này đều là một vầng hào quang chiếu sáng. Điều này cho thấy bà thật siêu việt, đã chứng nhập được cảnh giới bình đẳng. Như hiện tại bà xem kinh Phật, nghe băng giảng của tôi, vô cùng hoan hỷ. Bà mới hỏi tôi bà có đủ tư cách để làm đệ tử Phật hay không? Tôi đáp bà rất xứng đáng. Bà thọ Tam quy, ngũ giới, tôi chỉ có việc đem chứng điệp Tam quy chứng thư cho bà không cần giảng giải. Bà làm được hoàn toàn thì bà được xem là đệ tử chân chính của Tam bảo. Trong tương lai, quý vị có cơ hội đi đến Singapore thì có thể tận mắt thấy được bà và chứng kiến được đời sống sinh hoạt của mọi người ở đó. Nếu chúng ta muốn thân thể được tráng kiện trường thọ, mai sau được tự tại vãng sinh thì bà là một tấm gương rất đáng cho chúng ta noi theo, học hỏi.

Đối với mọi thứ hệ lụy, hiềm ác, phiền não thế gian, bạn cần phải buông xả, vì bản chất của chúng vốn là hư giả. Trong kinh Phật dạy rất hay: “Phàm những vật có hình tướng đều là hư vọng” hay “tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn ảo ảnh”, đây là những điều kiện giúp cho bạn quán chiếu mà buông xả. Sau khi buông xả được, bạn sẽ không còn bị nhiễm trước, ngay đó được tự tại. Hiện tại, bạn muốn có được nhiều yếu tố trợ giúp. Bà tu nữ 101 tuổi mà chưa từng bị bệnh, điều này chúng ta có thể tin tưởng được. Nay tôi cũng đã hơn 70 tuổi, cũng chưa từng sinh bệnh. Bệnh tật sinh ra từ đâu? Từ vọng tưởng mà ra. Do đó, Phật giảng tham, sân, si là ba độc, là độc dược của bệnh tật. Trong tâm bạn có tham, sân, si, cộng thêm bên ngoài có ngũ dục, lục tình, làm sao mà không tránh được bệnh tật! Tâm thanh tịnh là điều kiện quan trọng để tráng kiện. Tâm từ bi có thể giải cứu được độc dược. Bất kỳ loại độc nào thì tâm từ bi cũng có thể hóa giải được. Bạn thường nuôi dưỡng, vun bồi tâm từ bi và thanh tịnh thì trăm thứ bệnh đều không phát sinh.

Thọ mạng và giàu sang là hai thứ trên đời này ai cũng mong cầu. Giàu sang ở đây không phải là nói đến bạn phải có nhiều tiền tài, mà giàu sang về cái gì? Đời sống vật chất sinh hoạt của bạn không thiếu thốn, không cần phải dư thừa đó chính là giàu sang. Phú quý về cái gì? Ở đây cũng không đề cập đến bạn phải làm quan to chức lớn, có địa vị cao mới gọi là quý, mà phú quý chính ở chỗ bất kể bạn làm gì, nếu mọi người nhìn thấy bạn mà ai nấy tâm đều hoan hỷ, đều tôn kính mới gọi là quý. Chúng ta cần phải hiểu được ý nghĩa chân chính này, cần phải phát tâm chân chính mà làm.

Hai năm trở lại đây, tôi rất biết ơn cư sĩ Cao Quý Minh. Sau khi Hàn Quản Trương vãng sinh, trong quá khứ, mọi công việc hoằng pháp tại đạo tràng của chúng ta đều do ông ta làm. Tôi từ trước đến nay chưa từng trải qua công việc này. Sau khi ông ta đi, chúng ta lại có đạo tràng ở Đài Loan, nơi đất Mỹ này cũng có một đạo tràng, ở Úc cũng có đạo tràng, tôi không biết phải làm sao, nhất định cần phải có người quản lý. Vì thế, mỗi năm tôi phân phối thời gian, ở Mỹ ba tháng, Đài Loan ba tháng, Úc châu ba tháng, Singapore ba tháng, đây chỉ là mới dự định. Cư sĩ Cao Quý Minh thu hồi lại thư viện, sau khi rời khỏi thư viện tôi cảm ơn ông ta. Ông bảo tôi hãy ở tại Singapore mà chuyên tâm hoằng pháp, không cần đến các xứ khác nữa. Cho nên, tôi đã không trở lại hai nước Đài Loan và Mỹ như trước đây, tâm định rồi thì tại nơi này tôi mới có thể bắt đầu giảng kinh Hoa Nghiêm. Giảng kinh Hoa Nghiêm là ước nguyện sau khi qua đời của Hàn Quản Trương, đồng thời đó cũng là cách để bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp.

Chúng ta chẳng những giảng giải kinh Hoa Nghiêm mà còn phải thực hành, đơn giản chỉ nói mà không thực hành thì không có ý nghĩa. Cho nên, chúng ta cần phải đem Kinh Hoa Nghiêm mà thực hiện. Kinh Hoa Nghiêm nói gì? Dùng ngôn ngữ ngày nay mà nói chính là thế giới hòa bình. Thế giới của Hoa Nghiêm so với thế giới của chúng ta lớn hơn vô cùng, không chỉ trong phạm vi trái đất mà nó bao trùm đến tận hư không pháp giới. Tất cả mười phương vô lượng vô biên quốc độ chư Phật đều không phân biệt quốc độ này hay quốc độ kia, không phân biệt về chủng tộc, tín ngưỡng tôn giáo, trong đó mọi người có thể sống hòa thuận, đối xử bình đẳng với nhau. Đây cũng là việc chúng ta cần phải thực hành.

Như vậy, chúng ta phải bắt đầu thực thi từ đâu? Trước tiên là từ tôn giáo. Vì thế, tôi đã thực hiện sự đoàn kết giữa chín tôn giáo tại Singapore. Hiện tại nơi đây, chín tôn giáo này đều là người trong một nhà rất hòa thuận, thật sự tôn trọng lẫn nhau, tương thân tương ái, phụ trợ hợp tác. Xã hội và chính phủ Singapore rất lấy làm vui mừng về điều này. Chúng tôi có chụp hình đem về đây, sau này quý vị có thể xem qua.

Vào năm âm lịch năm nay, khắp nơi thỉnh tôi đi ăn tết. Điều này có nên đi hay không? Tôi đến đây làm gì? Tôi đến Úc châu đắp đất, không thể nói là không có việc làm. Tôi đi đoàn kết sự bất đồng chủng tộc ở Úc châu, việc làm này tôi cũng dựa trên nền tảng của kinh Hoa Nghiêm đã dạy. Quý vị đọc kinh Hoa Nghiêm cần phải hiểu cho rõ. Khẩu hiệu hòa bình được kêu gọi trên toàn thế giới đã mấy nghìn năm qua rồi, song, hòa bình vẫn không được thực hiện toàn diện, nguyên nhân bắt nguồn từ đâu? Do không tìm được nền tảng của hòa bình, không có cơ sở lý luận, cho nên hòa bình không thực hiện được. Hô hào khẩu hiệu là không có tác dụng. Vì thế, tất cả chúng sinh tận hư không pháp từ đâu mà ra? Là xuất phát từ tự tâm chúng ta biến hiện. Cho nên, nhà Phật giảng là tự tánh, giảng là Như Lai. Như Lai cũng chính là tự tánh, như trong kinh Kim Cang có khi nói đến Như Lai, đôi khi lại nói đến chư Phật. Như Lai là giảng trên góc độ tánh, còn chư Phật là nói trên góc độ tướng, tánh và tướng là một chứ không phải hai. Cho nên, đầu tiên cần phải tìm ra cơ sở lý luận, đây là lý luận chân thật, không phải là hư vọng, kiên cố vĩnh hằng không thay đổi, là chân lý của thế gian. Danh từ chân lý, theo nhà Phật gọi là thật tướng, là bản tánh. Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo thường đề cập đến thượng đế. Ỷ Tư Lan giáo nói đến Allah, tên gọi tuy khác nhau nhưng chỉ là một chớ không có hai. Cho nên, khi tiếp xúc với các tôn giáo khác, giải thích cho họ, họ nói vì sao các anh lại học Phật? Các anh có thể lạy thượng đế của chúng tôi được không? Chúng tôi lạy thượng đế so với các bạn thì thành kính hơn nhiều. Bạn xem trong Phật giáo ngày mồng một tết, chúng ta thường cúng thiên, cúng thiên đó là lạy thượng đế, chúng tôi lạy so với bạn tha thiết và thành khẩn hơn nhiều. Vì sao? Vì thượng đế của các bạn, thần của các bạn, các bạn gọi là A Ná thì trong nhà Phật giảng là Như Lai, là hóa thân của Như Lai không phải là ai khác. Tôi nói như thế bạn suy ngẫm lại, bạn là tín đồ của Thiên chúa. Vạn vật trên thế gian này là do thượng đế tạo nên, Phật, Bồ tát cũng là hóa thân của thượng đế. Có như thế mới không có bất bình và mất bình đẳng, chúng ta muốn có hòa bình thì phải kiến lập trên cơ sở đó. Do vậy, tôi nói Phật là số một, Cơ Đốc giáo cũng số một, Thiên Chúa giáo cũng là đệ nhất, Y Kỳ Lan giáo cũng là số một, tất cả đều là số một không có số hai. Vì sao thế? Vì trong kinh Hoa Nghiêm giảng cho chúng ta, pháp giới vốn bình đẳng, nhất chân không hai không khác, có thứ hai là sinh ra bất bình. Kinh Phật là đệ nhất, kinh Cựu Ước, Tân Ước cũng là đệ nhất, kinh Cổ Lan cũng là đệ nhất. Phải thường tôn trọng lẫn nhau, thương yêu lẫn nhau mới có thể giúp đỡ, hợp tác, trở thành người trong một nhà. Cho nên, chúng ta phải hợp tác tôn giáo, đối xử hòa thuận lẫn nhau, như vậy trên thế giới này sẽ không còn chiến tranh giữa các tôn giáo, không còn xung đột chủng tộc. Nói một cách khác, con người sẽ không có tai họa, thậm chí ngay cả thiên tai cũng không có. Thiên tai từ đâu mà ra? Từ tai họa của con người mà ra. Vì thế, trong nhà Phật nói y báo phụ thuộc vào chánh báo mà chuyển đổi, trong đó, thiên nhiên thuộc về y báo. Y báo có liên quan mật thiết với việc khởi tâm động niệm của con người. Tâm con người không thiện thì tai họa sẽ không dừng, thiên tai dồn dập chính là như thế. Cho nên, khi tôi tiếp xúc với họ, họ vô cùng vui vẻ đón tiếp tôi, rất tôn trọng tôi. Hiện nay, tại Singapore này, không chỉ có Phật giáo, mà chín tôn giáo họp lại thỉnh tôi làm cố vấn. Tôi làm cố vấn của chín tôn giáo, tôi khuyên bảo họ chẳng những chú trọng trên mặt công tác mà còn quan tâm đến việc giáo dục.

Hiện nay, vì sao xã hội lại xem Phật giáo là mê tín? Bạn không có giáo lý, lại chú trọng trên mặt tín ngưỡng cảm tình như thế sẽ không thể giải quyết được vấn đề gì? Cho nên, cần chú trọng chỗ trí tuệ cao độ, giác ngộ viên mãn mới chân chính giải quyết được mọi vấn đề. Trong kinh điển của mỗi tôn giáo đều có cái hay của nó. Vì thế, tôi khuyến khích mọi người cần phải giảng kinh thuyết pháp, mỗi tôn giáo đều nên giảng kinh và thuyết pháp. Chúng ta phải cùng nhau làm, thường tiếp xúc, thường trao đổi ý kiến, như thế công tác giảng kinh thuyết pháp của chúng ta mới không có xung đột, không có ác ý phê bình.

Tôi đến đây ngày 18 thì trước đó hai ngày là ngày 16, tôi có tham dự một lễ hội được mùa của Hồi giáo, cũng là mùa tết của họ. Hồi giáo tại Singapore có hai giáo phái, một phái là Ấn Độ Hồi giáo, phái còn lại thuộc Mã Lai Hồi giáo. Phái Mã Lai Hồi giáo họ ăn tết vào ngày 12, tôi cũng có đi tham dự. Thật ra, vì nhiều năm qua tôi đã đối xử tốt với họ, cho nên mỗi khi ăn tết, các tôn giáo đều có thỉnh tôi. Mỗi một chư thần ăn tết cũng mời tôi. Vào ngày 12 là phái Hồi giáo Mã Lai ăn tết, họ mời cả tổng thống, tôi và tổng thống đều là khách quý của họ. Vào ngày 16 là phái Ấn Độ Hồi giáo ăn tết, khách mời của họ đại khái cũng hơn mười mấy bàn, tôi cũng là khách quý của họ. Con gái của tổng thống là Na Đan cũng có tham dự. Trưởng lão của phái Hồi giáo cùng tôi tâm sự. Ông ta nói Phật, Bồ tát của chúng tôi thật tốt, chúng tôi có nhiều tiền, vì chúng tôi thường giúp đỡ cho họ.

HẠNH (Thực hành)

Hiện tại, tín đồ của các tôn giáo đến cư sĩ Lâm ăn cơm, vì ăn cơm của cư sĩ Lâm là miễn phí. Mỗi ngày cúng dường 24 giờ, ngoài ba bữa điểm tâm sáng, trưa, vào buổi chiều có điểm tâm bánh mì, bánh bao, cà phê, nước trà cúng dường không gián đoạn. Vì bên cạnh niệm Phật đường là 24 giờ niệm Phật và trong nhiều năm qua không gián đoạn. Cho nên, lúc nào mà bạn đến cũng đều được chiêu đãi rất ngon. Mỗi ngày, nơi đây có hơn một nghìn người đến ăn uống. Nếu vào ngày chủ nhật hoặc những ngày pháp hội thì đại khái có đến ba, bốn nghìn người ăn. Vì thế, ông ta mới nói chúng tôi có rất nhiều tiền. Cách đây hai tháng, một phái đoàn Thiên Chúa giáo có hơn 50 nữ tu, từ 40 quốc gia trên thế giới đến thăm và tham quan. Chúng tôi đã tiếp đãi và cùng ăn cơm với họ, chúng tôi đã đem tình hình báo cáo cho họ nghe, họ rất lấy làm ngạc nhiên. Họ hỏi các anh chi tiêu tiền không ngừng, như vậy các anh lấy tiền từ đâu ra? Chúng tôi nói với họ, tiền mà chúng tôi chi tiêu là tiền của Thích Ca Mâu Ni giao cho chúng tôi. Phật giáo dạy bố thí nhiều thì càng được nhiều, những việc làm mà chúng tôi làm, các bạn có thể nhìn thấy được. Phản tỉnh lại họ, thu nhập của tôn giáo họ rất hữu hạn, một nửa nhân lực, tài lực và vật lực đều là do chúng ta cúng dường. Cho nên, họ đối với chúng tôi rất hoan hỷ, rất cung kính, rất tán thán. Họ nói Phật, Bồ tát của chúng tôi rất tốt, tôi mới nói lại với họ là A Ná của các bạn cũng tốt vậy, nhưng không thể sánh bằng về việc dấn thân hiện thực như Phật, Bồ tát chúng tôi. Vì sao các vị ấy không quan tâm đến các bạn? Vì các bạn không y theo lời dạy của các vị ấy mà thực hiện, mà tiến hành làm. Tôi đã nói cho họ, đạo tràng của cư sĩ Lâm là một thí dụ điển hình. Ở đây, tôi phải dốc hết toàn tâm toàn lực, xây dựng đạo tràng nơi đây để trở thành một đạo tràng gương mẫu trên toàn thế giới. Do đó, mỗi tuần chúng tôi đều hội họp kiểm thảo những khuyết điểm, nhanh chóng sửa đổi thì mới có được tiến bộ. Bạn xây dựng nên đạo tràng mô phạm thế giới, mọi người trên toàn thế giới sẽ đến tham học, họ đến học tập ngày càng nhiều thì nơi đây thịnh vượng, thì tiền đến. Nói chung, tiền của chúng tôi không phải chỉ có ở Singapore mà nó đến từ nhiều nơi trên toàn thế giới. Họ nghe tôi nói liền gật đầu. Đồng một đạo lý như thế, các bạn phải nghe lời dạy của A Ná, bạn phải đem đạo tràng Hồi giáo nỗ lực mà làm, biến nó trở thành một đạo tràng Hồi giáo mô phạm của thế giới. Từ đó giáo đồ Hồi giáo trên toàn thế giới sẽ về đây học tập, hành hương về đây, như thế, bạn có khác gì cư sĩ Lâm! Tôi dạy cho bạn một phương pháp là bạn phải chân thành nỗ lực mà làm, thực hiện đến trình độ đứng nhất thế giới, là một tấm gương sáng, như thế mọi người đều đến xếp hàng. Ngược lại, bạn không vui lòng nỗ lực mà thực hiện thì có Phật, Bồ tát nào mà hoan hỷ với bạn! Trong khi đó, trên thế giới có rất nhiều đạo tràng, như thế, Phật, Bồ tát có thiên vị hay không? Tuyệt đối là không có. Quan trọng là ở chỗ phải thường đem lời Phật dạy cho chúng ta để “thọ trì đọc tụng, vì người diễn thuyết”. Chúng ta cần phải hiểu chữ diễn là biểu diễn, nêu cao tấm gương cho người thấy. Mỗi ngày, đạo tràng có hai tiếng giảng kinh, một năm không gián đoạn. Mỗi ngày 24 giờ niệm Phật, một năm không gián đoạn, thời thời như thế. Ngoài hai tiếng giảng kinh, chúng ta mở băng đĩa giảng kinh 24 giờ không gián đoạn. Cho nên, bạn đến nơi đây, muốn nghe kinh gì ở bất kỳ thời gian nào, bạn đều có thể nghe được, muốn niệm Phật lúc nào cũng có thể. Bạn xây dựng đạo tràng sao cho thích hợp với không gian và thời gian là được. Sự thịnh vượng của cư sĩ Lâm cũng như sự giàu sang của ông cũng nhờ những yếu tố nêu trên. Do đó, ba loại bố thí chúng ta phải nỗ lực hết mình mà làm, quyết định sẽ có thành tựu. Đối với việc cúng dường mà nói, cư sĩ Lâm không có mua bất kỳ rau, trà, dầu v.v… Như thế, những thứ hàng ngày cúng dường cho mọi người từ đâu mà có? Vì người ta biết nơi đây cúng dường cho người khác đến ăn mà không lấy tiền, nên mọi người ra sức mang mọi thứ về đây cho chúng ta. Chúng ta dùng không hết, dùng không hết thì phải làm sao? Chúng ta mang cúng dường lại cho viện dưỡng lão, viện cô nhi của các tôn giáo khác. Chúng ta thường cúng dường cho họ, mỗi một tháng đều cho họ vật thực, cùng họ kết duyên. Cho nên, có thể biết được nguồn gốc thịnh vượng và nguồn vốn tăng trưởng của cư sĩ Lâm từ đâu mà có. Bạn có thể xem phong thái của nền kinh tế ở Đông Nam Á. Mỗi một tổ chức, ngành nghề và đạo tràng, sự thu nhập chẳng được bao nhiêu, thế mà cư sĩ Lâm thu nhập chẳng những không bị suy giảm mà còn tăng trưởng nữa.

Năm ngoái, tôi ăn tết lần đầu tiên tại Singapore. Tôi liền nghĩ đến những đứa trẻ mồ côi trong các cô nhi viện, những người nhà neo đơn trong những viện dưỡng lão. Những người này không có ai chăm sóc, rất đáng thương. Chúng tôi mời họ đến ăn tết một bữa, thỉnh đến 3800 người. Không phải chúng tôi mời theo tập thể mà mỗi một người già, trẻ em mồ côi đều chính thức nhận được một thiệp mời, tất cả chỉ là an ủi tinh thần cho họ. Họ ở trong viện dưỡng lão, cả đời không được ai mời làm khách, cho nên những thiệp mời đưa cho họ rất đúng lúc. Sau đó, họ giữ lại chúng làm kỷ niệm, họ còn cảm nhận được rằng xã hội ngày nay đã không quên họ. Tinh thần an ủi này so với vật chất thì vượt gấp nhiều lần. Năm ngoái thỉnh 3800 người, trong đó, người của chín tôn giáo cũng được mời. Âm lịch năm ngoái tôi làm chủ. Năm nay ăn tết thế nào? Chúng ta ăn tết dương lịch, chọn năm dương lịch chúng ta xuất tiền xuất lực, chúng ta thỉnh lãnh tụ của chín tôn giáo làm chủ nhân, lại có khách mời kết hợp thỉnh họ. Họ rất cảm động, họ nói tâm lượng của các anh quả thật rộng lớn. Năm nay, tham dự tiệc có hơn 8000 người, chúng ta có thỉnh tổng thống và phu nhân làm khách quý, thỉnh đại sứ quán của các quốc gia đóng tại Singapore, với hy vọng cho họ thấy được sự đoàn kết giữa các chủng tộc và tôn giáo ở Singapore, đồng thời đem tin tức này mà thông tin trên toàn thế giới biết. Trước một ngày chiêu đãi, chúng ta tiến hành một pháp hội cầu cho thế giới hòa bình. Mỗi ngày, ước lượng có khoảng 2000 người tham dự. Chúng ta bắt đầu cầu nguyện từ 8 giờ ngày 31 tháng 12 đến 8 giờ ngày mồng một tết. 20 giờ đồng hồ không gián đoạn cầu nguyện cho thế giới hòa bình. Số người tham gia đã vượt ra ngoài sự dự đoán của tôi. Đã có đến 6000 người tham gia, thật là thù thắng vô cùng. Sau việc làm đó, chúng tôi kiểm nghiệm lại thì nhận thấy được rằng lãnh đạo của chín tôn giáo đều có tham dự, họ rất hoan hỷ. Họ nói năm tới phải làm thật sự. Thế nào là làm thật sự? Họ phải xuất tiền ra. Năm nay họ không có xuất tiền, mà mọi chi phí đều do chúng ta xuất ra. Họ nói năm tới mỗi một tôn giáo đều phải xuất tài khoản, nếu thật sự họ làm như thế thì quá tốt. Cho nên cư sĩ Lý Lâm Nguyên tâm sự với tôi. Thầy bảo với lãnh tụ các tôn giáo, họ chân thành muốn bỏ tiền ra, chắc chắn số tiền sẽ không đủ. Chúng ta sẽ hoàn toàn đảm nhiệm để cho họ yên tâm, không phải lo ngại về việc phải xuất ra bao nhiêu tiền, mà chúng ta xin chịu trách nhiệm toàn bộ. Năm tới, dự đoán sẽ có hơn một vạn năm nghìn người tham dự, vì tất cả các tôn giáo đều đến. Cho nên, sức mạnh ảnh hưởng rất lớn. Đó là lời nhắc nhở của một số bạn đồng tu cho tôi, quả thật, tôi không có nghĩ đến điều này. Việc kiến nghị này rất tốt. Họ nói pháp hội của các anh quả thật có tính chất lịch sử, từ trước đến nay chưa bao giờ có chuyện các tôn giáo lại liên lạc tại một chỗ như thế. Trên thực tế, để đặt nền móng cho nền hòa bình của thế giới, chúng ta cần môi giới và cho mời các tòa báo trứ danh, cũng như các kênh truyền hình nổi tiếng đến. Đây là điểm mà trước đó chúng ta chưa từng nghĩ ra, chỉ có nghĩ về việc mời các đại sứ quán, đây chính là việc chúng ta cần phải sửa đổi kịp thời. Năm tới, chúng ta nhất định mời các đoàn thể truyền bá thông tin như tạp chí, báo chí… đến đưa tin. Mời họ đến Singapore tham dự đại hội nghìn năm hạnh phúc. Vì năm tới mới là chân chính nghìn năm hạnh phúc. Bạn tính toán như thế nào? Tính đến một nghìn mới là nghìn năm hạnh phúc. Một nghìn năm, không tính là 999 rồi, vẫn còn thiếu một năm nữa. Cho nên, năm 2000 tới mới thực sự là năm của thế kỷ, thế kỷ 21. Bắt đầu năm 2001, chúng ta chuẩn bị làm công tác viên mãn, làm cho tốt. Năm tới thật sự là năm thế giới giao hòa, chín tôn giáo đều phát tâm chân thành làm việc. Tôi cho rằng đây là việc làm rất khó thành tựu. Tôi làm việc hai năm nay tại Singapore, đoàn kết tất cả các tôn giáo, công việc đoàn kết là do tôi chủ động đi kết nghĩa với họ. Làm thế nào để thăm viếng họ? Như trên tôi đã nói, đó là chúng ta mở rộng phòng ăn phục vụ cho nhiều người. Rau, dầu, muối… thường xuyên cung cấp cho họ, cùng với họ kết tình bạn bè giao hảo. Đã có tình bạn bè với họ rồi, dựa trên nền tảng đó chúng ta tiến thêm một bước nữa, là chủ động thăm viếng họ. Họ có cô nhi viện, có viện dưỡng lão, có một số văn phòng từ thiện, giống như Hồi giáo có sở tiếp đãi và giúp đỡ người. Mỗi một tôn giáo, chúng ta đem cho họ mười vạn đồng bạc. Cho nên, có một số người trách tôi. Họ nói vì xem tôi là tín đồ Phật giáo nên cúng dường tiền cho tôi, sao tôi lại đem nó cho các tôn giáo khác. Tôi đã giải thích với họ, cũng chính là giải thích cho các bạn đồng tu, hy vọng mọi người không nên hiểu lầm. Trong kinh, Phật há chẳng dạy cho chúng ta là “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ” đó sao? Tín đồ của các tôn giáo khác không phải là chúng sinh hay sao? Đã là chúng sinh đều phải độ bình đẳng, Phật không có nói chúng sinh vô biên thệ nguyện độ là chỉ độ cho những người tin theo Phật, mà Ngài bảo chúng ta phải độ cho bình đẳng. Tâm lượng của bạn cần phải mở rộng như thế mới được. Đồng một đạo lý như thế, tôi nói với Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo, là thượng đế thương yêu nhân thế, không chỉ riêng cho tín đồ của thượng đế. Nhân thế ở đây, không nhất định là tín đồ của mình mà Ngài dạy bình đẳng, bác ái với mọi người sống trên thế giới này. Vì thế, chúng ta phải lấy tâm thanh tịnh và bình đẳng rộng độ tất cả chúng sinh, cúng dường rộng lớn. Nhà Phật dạy tâm bao quát thái hư, lượng châu sa giới, đó là chân tính, là bản tính vậy. Cho nên, Phật pháp là pháp bình đẳng, chúng ta không chỉ nỗ lực làm việc trong giáo hội, mà ngay cả những việc không thuộc phàm trù Phật giáo, hễ thế gian mong cầu thì chúng ta cũng cần phải làm. Họ lập viện dưỡng lão, lập cô nhi viện, chúng ta có cần giúp đỡ họ hay không? Chúng ta cần phải giúp đỡ cho họ xây dựng vì hiếm có ai làm được việc này. Tôi đầu tư vào mười vạn lạng bạc thì tôi có một phần, đây là một việc làm có ý nghĩa không phải là việc xấu. Tôi bỏ tiền ra cho họ xây dựng là việc tốt. Cho nên, chúng ta làm việc mà có tâm lượng quá nhỏ bé thì không có phước báo. Cổ nhân có nói: “Tâm lượng lớn thì phước báo lớn”. Vì thế, tâm lượng nhất định phải lớn, nhất định không được có giới hạn. Phải bao dung, sở hữu của tôn giáo đều xem thành người một nhà. Thần minh mà họ tôn thờ trong mắt của tôi đều là chư Phật, là Như Lai. Tôi ở chính giữa giáo đường của họ, tôi lễ bái không khác gì với họ. Họ rất lấy làm cảm động. Trái lại, nếu quán sát một cách tinh tế thì một người có phải là chư Phật hóa thân hay không? Tất cả đều duy tâm sở hiện và duy thức sở biến. Vì thế, mười pháp giới y báo, chánh báo trang nghiêm đều là do chư Phật biến hiện. Cho nên, trong kinh Đại thừa mới nói, Bồ tát thành Phật nhìn đến đại địa tất cả chúng sinh đồng thành Phật đạo, là đạo lý đó vậy. Cho nên tâm lượng lớn thì phước báo lớn, phước báo lớn rồi thì mới được tùy duyên tự tại vãng sinh.

Thời gian ngày nay đến đây đã hết, tôi có một vài điểm cúng dường các vị đồng tu, để mọi người thấy được những công tác chúng ta đã làm trong những năm vừa qua và phản tỉnh lại những gì mình đã làm được cho tha nhân.

Xin chân thành cảm ơn tất cả!

Hòa thượng Tịnh Không
Việt dịch: thích Tâm An