25 06 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Làm sao để ứng chiếu được vãng sanh? Căn cứ vào các sách có liên quan đến việc trợ niệm thì sau khi tắt thở 12 giờ nếu sờ lên đỉnh đầu thấy nóng là sanh Tây Phương, xin Pháp sư giải thích cho.
Đỉnh đầu nóng nghĩa là gì? Là nói người này lúc ra đi thần thức của họ, thường thì chúng ta nói là linh hồn ra đi ở nơi nào sẽ sanh về nơi ấy; Từ đỉnh đầu ra thì rất là thù thắng. Vãng sanh là ra từ đỉnh đầu, sanh Thiên cũng là từ đỉnh đầu, phước báu của trời rất là lớn, họ đi từ đỉnh đầu, còn phần dưới là sáu đường, càng xuống thì càng thấp. Nếu từ lòng bàn chân đi ra thì đó là đọa vào địa ngục. Từ đầu gối là đường súc sanh. Đây là cách nói của những người bình thường nhưng tốt nhất là đừng nên chạm vào người họ. Tại sao vậy? Vì nếu như thần thức của họ chưa ra khỏi xác, nếu bạn chạm vào, họ sẽ đau đớn, họ sẽ nổi sân, họ sẽ khó chịu. Chúng ta nhìn thấy người vãng sanh này sau khi mình trợ niệm cho ho rồi, dung mạo, nhan sắc của họ thẩy đều thay đổi, dung mạo trông rất là hiền từ, sắc mặt trở nên hồng hào, cũng giống như ngủ, không giống như người bị bệnh, không có cái dáng bệnh, thấy đều là tướng tốt, nhất định là phước báu trời người trở lên. Chúng ta bắt đầu dịch từ đây thì tâm sẽ an. Ngay như có được Vãng sanh hay không còn phải xem công hạnh của họ hàng ngày, có hợp với tướng lành mà họ ra đi hay không? Việc này rất là rõ. Ngay khi việc sau khi hỏa táng rồi còn giữ lại xá lợi cũng không chắc chắn xác định rõ là họ có vãng sanh hay không? Bạn hãy hiểu điều này. Vậy thì đáng tin nhất là khi họ sắp tắt thở họ sẽ báo với người bên là Phật đến tiếp dẫn tôi rồi, đây chắc chắn là vãng sanh, bạn không cần chạm vào họ để làm gì. Nếu người có sức tu tốt hơn thì trước mấy ngày họ đã biết, ba ngày sau Đức Phật sẽ đến đón tôi, một tuần sau Phật sẽ đến tiếp dẫn tôi thì đó nhất định là vãng sanh.
Điều kiện vãng sanh cũng không có khác, là nhất tâm, nhất ý mong được vãng sanh Cực Lạc, mong được gần gũi Đức Phật. Những việc của thế gian đều buông bỏ, không để nó trong lòng. Người nào được như vật thì nhất định được vãng sanh. Vừa muốn được vãng sanh, vừa bỏ không được vậy thì không tin nổi, hãy xả cho sạch.
Mấy năm nay chúng tôi đã đề xướng việc thuần thiện, thuần tịnh trong cuộc sống. Thuần thiện mọi thứ còn tùy duyên, tuyệt không phan duyên. Nếu trong lòng mình nghĩ thế này thế nọ thì đó là phan duyên rồi. Tùy duyên thì mọi thứ đều tốt, còn phan duyên thì không tốt chút nào, cứ sống cho vui vẻ, không cần để ý cái gì trong lòng cả, để ở trong lòng chỉ có A Di Đà Phật chỉ có Tây Phương thế giới y chánh trang nghiêm. Đọc kinh thuộc lòng, thường quán tưởng tới cảnh giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu như không thể quán tưởng mà chỉ niệm A Di Đà Phật, nghĩ đến Đức A Di Đà Phật là tốt. Trong lòng ngoài Đức Phật A Di Đà ra không còn có gì khác thì không có lý nào mà không vãng sanh đâu. Tu vậy là muôn người tu, muôn người vãng sanh.
Trích Pháp sư Tịnh Không khai thị trợ niệm lúc lâm chung
23 06 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Trong phần trước tôi đã trình bày với các đồng tu, trong tất cả các pháp môn quý vị mà nhận biết pháp môn này, có thể tuyển chọn pháp môn này. Đây chính là cách tuyển chọn trí huệ cao nhất. Cho thấy cái trí huệ này trong pháp môn Tịnh Tông rất là quan trọng, vừa mở đầu thì Đại Sư Ngẫu Ích nói với chúng ta rằng Tín Nguyện là huệ hạnh, đây là nói trí huệ. Người niệm Phật rất là có phước. Phước huệ song tu. Vây có được vãng sanh hay không? Đây là một vấn đề hiện tại, là vấn đề hiện tại của chúng ta rất nghiêm túc, có được vãng sanh hay không là quyền quyết định ở nơi chính mình, không phải ở nơi người khác, cũng không phải ở nơi Phật, Bồ Tát. Đại Sư Ngẫu Ích nói rất đúng tự hỏi mình có tín và nguyện hay không? đọc tiếp ➝
09 05 2012 | Gương Vãng Sanh, Suy Gẫm & Thực Hành |
Ngài Ngẫu ích Đại sư nói: “Được vãng sanh hay không là do Tín Nguyện có hay không; còn phẩm vị vãng sanh cao hay thấp là tùy việc trì danh sâu hay cạn”
Ở đây, chưa bàn đến phẩm vị cao thấp sau khi vãng sanh. Vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết là có được vãng sanh hay không đã. Vì vậy mà chưa bàn đến vấn đề hành trì sâu hay cạn, mà chỉ nên bàn đến tín nguyện có hay không mà thôi.
Tín, Nguyện, Hạnh là ba tư lương sanh về Tịnh độ. Nếu tư lương không đủ, quyết không được vãng sanh. Sở dĩ vì thế mà sự phát nguyện chiếm một địa vị tối quan trọng trong pháp môn tu Tịnh độ.
Đức Phật A Di Đà ngày xưa phát 48 lời nguyện làm duyên khởi tạo thành Thế giới Cực lạc. Từ đó về sau, chúng sanh trong mười phương đều lấy sự phát nguyện vãng sanh làm căn cứ tu hành của tông Tịnh độ. Một đằng Phật nguyện tiếp dẫn, một đằng chúng sanh nguyện vãng sanh, hai nguyện gặp nhau, hai lực lượng tự, tha, hỗ trợ nhau mới đủ sức kết thành quả vãng sanh. Vì thế, người tu tịnh nghiệp quyết phải phát nguyện dũng mãnh.
Trong 48 lời đại nguyện của đức A Di Đà, lời đại nguyện thứ 19 nói một cách rõ ràng, rằng nếu có người chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước Ngài, lúc lâm chung nhất định Ngài sẽ đến tiếp dẫn. Cho nên, hễ có phát nguyện là quyết định phải được vãng sanh.
Lại nữa, trong kinh “Phật thuyết A Di Đà” đức Phật Thích Ca bảo ngài Xá Lợi Phất: “Nếu có người đã phát nguyện, đương phát nguyện, sắp phát nguyện, nguyện sanh về thế giới đức Phật A Di Đà, các người ấy tất đã sanh, hoặc đương sanh hoặc sắp sanh tại thế giới kia, và, hết thảy đều được quả bất thoái chuyển vô lượng Chánh đẳng Chánh giác.” Đoạn trích dẫn đây cũng thuyết minh rằng phàm hễ có nguyện tức có vãng sanh vậy.
Lại nữa, trong kinh Hoa nghiêm cũng từng dạy rằng: “Người ấy khi gần lâm chung, trong sát na tối hậu, tất cả các căn thảy đều bại hoại, tất cả thân thuộc thảy đều xa rời, tất cả uy thế đều tan rã … chỉ còn nguyện vương là hằng cùng theo dõi, hướng dẫn trước mắt; trong một khoảnh khắc, liền được vãng sanh thế giới Cực lạc.” Căn cứ vào các kinh văn trích dẫn trên đây, ta thấy công dụng của phát nguyện là như thế nào rồi vậy.
Bây giờ, trên thực tế, đây là câu chuyện mà thầy Bạch Sa ở Quy Nhơn đã kể cho tôi nghe:
Bà Thái Xương, vợ một Hoa kiều nguyên buôn bán ở Quy Nhơn, là một đàn việt chùa Bạch Sa và đã giúp thầy ấy kiến tạo ngôi chùa Bạch Sa hiện nay. Bà chuyên tu pháp môn niệm Phật và chỉ phát nguyện khi thọ chung được gặp ngày vía đức A Di Đà (tức là ngày 17 tháng 11 âm lịch) và được biết trước giờ phút thọ chung ấy. Năm bà mất, đã 80 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Đầu tháng 11 năm ấy, bà đến xin thầy Bạch Sa tụng cho một bộ kinh Thủy Sám và một bộ kinh Pháp Hoa để kịp đến ngày 17 tháng ấy bà về chầu Phật. Thầy Bạch Sa lấy làm kinh ngạc vô cùng, nhưng vì bà là bổn đạo thuần thành đã lâu năm nên thầy cũng phải chiều theo. Cái tin ấy đã làm cho bà con và đạo hữu kinh ngạc. Đến ngày 17, họ tu tập đến nhà bà rất đông để thỏa mãn tánh hiếu kỳ. Suốt buổi sáng hôm ấy, bà vẫn khỏe mạnh và bình tĩnh như thường ngày, khiến thầy Bạch Sa trong thâm tâm e sợ, không khéo phen này làm trò cười cho thiên hạ. Bỗng đâu đến khoảng quá 10 giờ sáng, bà bảo người giúp việc in một in cơm đem lên nhờ thầy cúng Phật rồi đem xuống cho bà, bà chắn in cơm làm hai phần, tự mình ăn một nửa, còn một nửa bảo người giúp việc ăn mà từ tạ rằng: “Gọi là đền đáp công ơn mụ giúp đỡ tôi trong mười mấy năm trường, nay đến ngày vĩnh biệt, xin biếu mụ ăn nữa phần cơm này để sau nhờ Phật tiếp dẫn mụ về Tây phương.” Nói xong, rửa mặt súc miệng và thay áo quần thì đúng 12 giờ trưa, bà chào tất cả mọi người, ngồi xếp bằng, hai tay chấp trước ngực mà hóa một cách vui vẻ trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người trong nhà. Năm ấy ở Quy Nhơn, thiên hạ xôn xao bàn tán rất nhiều về cái chết của bà Thái Xương, tiếng đồn bà thành Phật lan ra khắp các tỉnh.
Xem đó đủ biết sự phát nguyện vãng sanh Cực lạc là một điều tối cần thiết cho người tu theo pháp môn Tịnh độ. Phát nguyện là một nhu kiện không thể không có, ta không nên suất lượt để phải mất công hiệu và lợi ích rất đồng, nhưng lớn về sau.
Từ xưa nay, người tu theo pháp môn Tịnh độ đã làm ra rất nhiều bài văn phát nguyện vãng sanh Cực lạc. Mỗi bài đều có một ý nghĩa hoặc sâu hoặc cạn nhưng mục đích chung vẫn là: “Nguyện khi thân mạng gần chung, biết trước giờ chết mà thân tâm vẫn được an vui, được thấy Phật và Bồ tát đến tiếp dẫn.”
Trong các bài phát nguyện, nổi tiếng nhất là bài “Khể thủ Tây phương” của ngài Liên Trì đại sư, bài “Nhứt tâm quy mạng” của ngài Từ Vân Sám chủ, bài “Thập phương tam thế Phật” của ngài Đại Từ Bồ Tát. Bài nào bài nấy, lời văn rất hay, ý nghĩa rất đầy đủ và hàm xúc. Trong quốc văn ta thì có bài “Đệ tử chúng con tư vô thủy” và bài “Đệ tử kinh lạy.” Sau một thời kinh và trì niệm danh hiệu Phật, ta nên vận hết thành tâm đọc một trong những bài ấy, hoặc đọc tiếp hai ba lần cũng được. Đọc như thế tức là mượn lời văn để tự mình phát lời nguyện rồi vậy. Lúc lâm chung, nhất định sẽ được nhờ Phật tiếp dẫn vãng sanh Thế giới Cực lạc
Nếu không muốn lắp theo khuôn cơ sẵn, ta có thể tự mình viết lấy bài phát nguyện riêng cho thích hợp cũng được. Đại cương lời phát nguyện không ngoài việc cầu vãng sanh, cầu Phật tiếp dẫn, cầu chứng quả, để trở lui tam giới cứu độ chúng sanh đồng sanh Lạc quốc. Còn nếu muốn thêm những chi tiết nào thâm thiết khác, ấy là tùy hoàn cảnh và sở nguyện riêng từng người.
Trong văn phát nguyện bao giờ cũng có câu cầu Phật và chúng Bồ tát đến tiếp dẫn là vì lẽ gì ? Xin thưa: Người tu Tịnh độ, nếu công phu chưa được thuần thục, thường hay bị hãm vào trong những trạng thái sau đây, nên khi lâm chung không niệm được, hoặc lắm khi cũng không kịp mời người khác hộ niệm giùm. Các trạng thái ấy có thể là: hoặc vì bệnh khổ bức bách nên sinh hôn mê, hoặc bị bà con thương tiếc khó bề xả bỏ nên sinh si luyến, hoặc vì sự nghiệp của tiền khó đứt lòng tham đắm nên sinh bi ai, hoặc vì thù hận đầy dẫy khó giải nỗi lòng nên sinh sân hận v.v… Đó là chưa kể cả trường hợp hoạnh tử, miệng chưa kịp niệm đã vong.
Nếu lúc gần lâm chung mà không được Phật hiện đến tiếp dẫn thì không được vãng sanh, lại còn vì các sự đau khổ tham sân luyến tiếc mà bị đọa lạc ba đường dữ nữa là khác. Vì các lý do ấy nên trong văn phát nguyện, bao giờ cũng phải cầu Phật đến rước để tiếp dẫn mới là chu đáo. Sự phát nguyện hằng ngày có thể ở tại chùa vào bất luận giờ nào cũng được, miễn là sau khi lễ Phật xong thì quỳ ngay trước điện Phật mà đọc lời phát nguyện. Nếu ở nhà có bàn thờ Phật thì hằng ngày nên đốt hương lạy Phật rồi phát nguyện. Hoặc giả, nếu không tiện thờ Phật thì viết câu: “Nam mô Thập phương Tam thế Phật Bồ tát” dán lên trên vách, hằng đêm trước khi đi ngủ, đối mặt vào vách mà đốt hương phát nguyện. Gặp khi đi đường, chưa kịp trở về thì nên xây mặt về hướng tây chắp tay niệm năm, mười hiệu Phật rồi lâm râm đọc lời phát nguyện. Ta lại có thể phát nguyện mỗi khi làm được một việc thiện nào, bất luận lớn nhỏ v.v…
Trong nghi lễ phát nguyện, điều tuyệt đối cấm hẳn là không được đối trước đền tháp thờ thần thánh ma quỷ mà phát nguyện.
Trích Pháp Môn Tịnh Độ
HT. Thích Trí Thủ
03 05 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
a) So với thiền: Phép niệm Phật, khi chưa đạt được Nhứt tâm bất loạn, so với phép tu thiền định hai bên khác nhau rất xa. Buổi sơ phát tâm, với phép tu thiền định, hành giả không được có tâm ưa, chán, thủ, xả; với phép tu niệm Phật, hành giả lại phải ưa thủ cảnh cực lạc và mong xả cảnh Ta bà. Với phép tu thiền định, tâm không được trú trước vào cảnh giới, nếu còn trú trước tức là sai lạc; với phép tu niệm Phật, tâm lấy cảnh làm đối tượng, tâm năng duyên và cảnh sở duyên phải rõ ràng. Với phép tu thiền định tâm phải xa lìa pháp chấp; với phép tu niệm Phật, hành giả cần phải lợi dụng pháp chấp. Với phép tu thiền định, hành giả phải thể nhận được tánh pháp thân ngay trong thế gian này; với phép tu niệm Phật, hành giả khởi tưởng sẽ chết ở thế gian này này và sẽ sanh về thế giới bên kia. Vì các lý do trên, thiền Tông và niệm Phật có chỗ bất đồng.
Nhưng khi niệm Phật đã đến chỗ nhất tâm bất loạn, nghĩa là đã đắc định rồi, thì lại là việc khác. Đạt được cảnh giới Tam muội, tức thời hư không tan rã, đại địa lấp bằng, hiện tiền một niệm dung hợp được với pháp thân chư Phật trong mười phương như trăm ngàn ngọn đèn cùng dung hợp ánh sáng và cùng chiếu chung trong một căn nhà, không tan mất, không lẫn lộn. Lúc ấy, ý thức phân biệt ly khai. Cảnh giới này so với cảnh giới chơn như Tam muội của thiền Tông không hai không khác. Xem thế thì đủ biết rằng Tịnh độ tức là thiền Tông, kết quả của hai bên nào có khác gì nhau?
b) So với Luật: Tác dụng của Giới luật là giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý được trong sạch. Mục đích là làm điều lành, tránh điều dữ. Khi tu theo pháp môn Tịnh độ, thân lễ Phật, miệng niệm Phật, ý tưởng nghĩ đến Phật, cả ba nghiệp đều tập trung, hết thảy sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều thâu nhiếp. Nếu nói làm lành thì chẳng có lành nào hơn. Nếu nói bỏ ác thì thử hỏi khi ba nghiệp đã tập trung hết vào Phật, đâu còn có chỗ nào hở nữa để làm ác ? Như thế, vì sao lại không nói được rằng tu Tịnh độ tức là tu Giới Luật?
c) So với Giáo: Còn nói đến Giáo nghĩa thì tuy câu: “Nam mô A Di Đà Phật” chỉ có sáu chữ mà thôi, nhưng nếu bàn đến tác dụng thì 3 Tạng 12 Bộ giáo lý của Đức Phật thuyết pháp suốt trong 45 năm đều hàm chứa trong đó cả.
Vả lại, mục đích nghiên cứu giáo lý là cốt để hiểu rõ lý nghĩa mà phát lòng chánh tín, thiết thực tu trì để thật chứng quả Phật. Mục đích của pháp môn niệm Phật là cắt đứt vọng tâm, duy trì chánh niệm, vãng sanh Cực lạc, lên bậc bất thoái rồi cuối cùng cũng chứng quả Vô thượng bồ đề. Vì thế nên hành giả phát tâm thành thật tu niệm thì không cần phải nhọc công nghiên cứu giáo lý mà tựu trung tất cả giáo lý đều đã đầy đủ. Như vậy, vì sao không nói được rằng tu Tịnh độ tức là tu theo Giáo nghĩa ?
d) So với Mật: Phép tu của Mật tông chú trọng về “Tam mật gia trì.” Tam mật gia trì nghĩa là giữ gìn thân mật (thân bắt ấn), khẩu mật (miệng đọc chú) và ý mật (ý quán tưởng tự mẫu). Nếu tinh tấn hành trì đúng ba phép mật ấy thì “tức thân thành Phật” và chứng được 6 món vô úy. Đó là điểm đặc sắc của Mật Tông. Nhưng với pháp môn Tịnh độ thì khi ba nghiệp đã tập trung, kết quả thật tế so với tam mật gia trì của Mật Tông không khác nhau mấy. Vả lại, tác dụng của các pháp môn niệm Phật có công năng khiến tâm ta và tâm Phật dung hợp làm một, liền chứng được niệm Phật Tam muội. Trong lúc Tam muội hiện tiền, Phật và ta không hai không khác, không thể phân biệt rằng đó là ta hay là Phật. Vì vậy, trong lúc đương niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, tự thân ta chính là A Di Đà rồi vậy. Như thế cũng có thể nói là “tức thân thành Phật.” Dù cho chưa đạt được niệm Phật, được sự cảm ứng đạo giao và được hào quang Phật nhiếp thọ, thì bản thân hành giả có oai lực thần thông của Phật gia bị, có cái gì đáng sợ hãi nữa đâu ? Như vậy, vì sao lại không nói được rằng Tịnh độ tức là Mật Tông ?
Tóm lại, căn cứ vào các ý nghĩa như trên, ta có thể thấy lý do vì sao xưa nay các bậc cao tăng, đại đức, các hàng cư sĩ đại nhơn khi tu học Phật pháp đều đề xướng pháp môn Tịnh độ. Phạm Cổ Nông tiên sanh cũng nói: “Học thì nên theo Duy thức, Hành thì nên quy về Tịnh độ.” Vì vậy cho nên, hễ cứ hành giả càng thâm nhập kinh tạng chừng nào thì lại càng tán dương pháp môn Tịnh độ chừng ấy. Chỉ có những ai còn đứng ngoài cửa nhìn vào mới xem thường Tịnh độ. Phải có con mắt tinh vi mới phân biệt được ngọc và đá; biết được ngọc Biện hòa dễ có mấy ai ?
Hòa Thượng Thích Trí Thủ
29 04 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Trong sự chuyển tiếp từ kiếp nọ sang kiếp kia, cái niệm chót (nhất niệm tối hậu) có một lực lượng mãnh liệt quyết định cho việc chuyển sanh. Vì lý do đó nên lúc lâm chung, người tu hành phải làm thế nào để chỉ còn nhớ Phật niệm Phật thì chắc chắn sẽ sanh về cõi Phật.
Kinh “Phật thuyết A Di Đà” dạy rằng: “Nếu người nào niệm Phật trong bảy ngày được nhất tâm bất loạn, lúc lâm chung, có Phật và Thánh chúng hiện ra trước mặt: người ấy, tâm không còn điên đảo và liền được vãng sanh.” Nhất tâm bất loạn nghĩa là ngoài sự nhớ Phật, tưởng Phật, không có một vọng niệm nào xen lẫn ở trong lòng: lòng mình và lòng Phật đã xứng hợp làm một. Kinh văn đã dạy rõ ràng như thế, đương nhiên tuyệt đối chúng ta phải tin. Có e ngại chăng là e ngại tịnh nghiệp tu chưa tinh tấn nên phút lâm chung, tâm còn điên đảo khiến khó thấy được Phật tiếp dẫn. Tâm còn điên đảo thì cũng khó mà vãng sanh. Vì vậy, trong khi gần lâm chung rất cần có người hai bên trợ niệm. Có kẻ trợ niệm mới dẫn phát được tâm người bệnh niệm Phật, lý do cần thiết lập các ban hộ niệm là thế.
Hiện tại ở các khuôn hội đều có thiết lập ban Hộ niệm. Bất luận trai gái già trẻ, là Phật tử, ai ai cũng nên gia nhập vào ban ấy càng đông càng tốt. Hễ khi nào gặp một bệnh nhân lâm nguy, trong ban nên cắt phiên thay nhau đến nơi phòng người bệnh, đốt hương niệm Phật. Như vậy, mắt trông thấy tượng Phật, tai nghe tiếng niệm Phật, mũi ngửi mùi hương thơm từ bàn Phật xông ra, người bệnh có đủ duyên sanh khởi tịnh niệm, rất hữu ích cho sự vãng sanh Tịnh độ.
Nay xin đem những biện pháp của người tu hành cần gìn giữ trong phút lâm chung, sơ lược giải bày như sau, để các ban hộ niệm y cứ hành trì. Mong rằng các đạo hữu lưu ý, công đức sẽ vô lượng, vì nó quyết định cho tương lai của cả một đời tu hành.
a) Lúc bệnh nặng sắp lâm chung
Khi có một đạo hữu bệnh nặng sắp lâm chung, thân thuộc nên tin cho ban hộ niệm và mời đến nhà hộ niệm. Nếu tinh thần người bệnh còn tỉnh táo, ban hộ niệm nên nhất thiết khuyên thân thuộc đừng khóc lóc và cũng đừng đem việc nhà ra nói với người bệnh làm gì nữa. Khóc lóc hay hỏi về việc nhà lúc ấy không giải quyết được gì hết mà chỉ khiến cho người bệnh sanh khởi niệm luyến tiếc việc đời một cách vô ích.
Nên khuyến khích bệnh nhân đem tâm phóng xả tất cả, chỉ nhớ Phật và niệm Phật mà thôi. Nên nói với bệnh nhân rằng: “Thế giới Cực lạc rất là an vui sung sướng. Nay ngươi nên xả bỏ tất cả, nguyện sanh về thế giới kia. Được sanh về đấy sẽ không còn có hạnh phúc nào bằng. Hiện tại sở dĩ bị bệnh hoạn đau đớn là do ác nghiệp nhiều kiếp tích lũy gây nên. Tạm thời nên chịu khó nhẫn nại.”
Nếu thản hoặc bệnh nhân có việc gì khổ tâm lắm, nhứt đáng không thể xả bỏ được, nên tìm mọi phương tiện thuyết pháp giải trừ. Hoặc dùng lời dịu ngọt vui vẻ để khuyến khích an ủi; hoặc đem bao nhiêu điều hay việc tốt hay công đức tu hành mà bình sanh người ấy đã làm để tán thán ngợi khen. Các phương tiện ấy sẽ có công năng khiến bệnh nhân hoan hỷ và tin tưởng rồi nhờ đó mà sẽ được vãng sanh Tịnh độ.
Nếu gặp phải bệnh nhân thần trí hôn mê không còn biết gì nữa, ban hộ niệm đứng bên cạnh trợ niệm hoặc đánh chuông mõ hết sức nhẹ nhàng, đừng cho tiếng xẳng và ồn, khiến gây nên trạng huống lộn xộn trong thần thức của bệnh nhân. Nếu như phút lâm chung kéo dài quá lâu, nên luân phiên tụng niệm, thế nào cho tiếng niệm Phật đừng dứt đoạn. Niệm đến khi nào bệnh nhân hết thở và toàn thể châu thân lạnh đều mới thôi.
b) Sau khi lâm chung
Khi bệnh nhân đã hết thở rồi, ban hộ niệm vẫn tiếp tục niệm Phật và tuyệt đối không nên cho bà con khóc lóc. Cũng không nên đụng đến thi thể hoặc vội tắm rửa thay áo quần. Tránh đừng nên đụng chạm gây ra huyên náo hay nói to tiếng cho vong giả kinh loạn.
Sở dĩ phải tuyệt đối giữ thanh tịnh là vì dù ngực hết thở, quả tim hết đập, nhưng thần thức (thức thứ 8) của người chết vẫn chưa lìa khỏi xác. Nếu xung quanh có tiếng khóc lóc hoặc ồn ào va chạm, thi thể còn cảm giác sẽ sanh lòng sân hận, rồi có thể vì đó mà bị đọa lạc. Kinh chép khi vua A Kỳ Đạt chết, vì người giữ thây dùng quạt đuổi ruồi, rủi đụng nhằm mặt nhà vua, khiến nhà vua phẫn nộ do đó nhà vua đọa làm thân con rắn!
Vì những lẽ trên nên cần phải thận trọng trong giờ phút trước và sau khi lâm chung. Tốt hơn hết là nên luôn luôn có người ngồi bên cạnh tiếp tục niệm Phật không hở, khiến cho chánh niệm được liên tục. Nếu không làm được như vậy thì nên đuổi hết mèo chó, cấm hẳn người ra vào và đóng kín cửa phòng lại. Chí như muốn tắm rửa, thay quần áo và uốn nắn tay chân cho người chết để nhập liệm thì nên đợi sau tám tiếng đồng hồ mới chắc chắn không làm hại cho người chết.
Trong Duy thức học có dạy rằng muốn biết một người chết sẽ thác sanh về thế giới nào, hãy xem thần thức người đó lìa khỏi xác tại điểm nào. Điểm mà thần thức xuất tức là điểm còn hơi nóng cuối cùng, sau khi toàn thể châu thân đã lạnh buốt. Bài kệ sau đây sẽ cho ta biết cảnh giới tương lai của người chết sắp đầu thai:
Đảnh Thánh, nhản sanh thiên
Nhơn tâm, ngạ quỷ phúc
Bàn sanh túc hạ hành
Địa ngục khước đề xuất
Nghĩa là: Thân thức xuất ở đảnh đầu là sanh về cõi Thánh, xuất ở chặng con mắt thì sanh về cõi trời, xuất ở trên chấn thủy thì sanh về cõi người, xuất ở dưới bụng thì sanh về cảnh giới ngạ quỷ; xuất ở đầu gối thì sanh về cảnh giới súc sanh, xuất ở dưới bàn chân thì sanh về cảnh giới địa ngục. Vì thế, trong khi thần thức sắp rời khỏi xác, mà ví như sẽ được sanh về cõi trời thì chỗ còn nóng sau cùng là ngang khoảng con mắt. Nếu không khéo, để cho thi thể va chạm hoặc để cho tiếng ồn ào kinh động khiến thần thức tán loạn sanh phiền não, phải bị đọa lạc thì thật là oan uổng cho người chết biết chừng nào!
Thiết tha mong toàn thể tín đồ Phật tử hãy lưu tâm điểm này để cứu giúp nhau trong giờ phút lâm chung, giờ phút nghiêm trọng có ảnh hưởng cho cả một kiếp sau. Mong thay!
c) Cứu độ thân trung ấm
Thân thể con người do năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức tạo thành. Năm uẩn lại cũng gọi là năm ấm. Vì thế thân thể hiện còn gọi là tiền ấm sau khi chết rồi và đã thác sanh gọi là hậu ấm, nằm ở khoảng giữa tiền ấm và hậu ấm (chết rồi mà chưa đầu thai lại) gọi là trung ấm.
Thân trung ấm bắt đầu từ giây phút thức thứ 8 mới lìa khỏi thể xác người chết. Theo luận Cu xá thì thân trung ấm của người ở dục giới lớn bằng em bé, 5, 6 tuổi, nhanh sáng, có sức thông đạt, có sức ký ức nhậy hơn chín phần, so với lúc sanh tiền.
Sau khi người chết, tuy thần thức ly khai thân xác chuyển thành thân trung ấm, nhưng thân trung ấm ấy trừ trường hợp quá dày phúc đức hay quá nhiều tội ác thì trong giây phút hoặc được sanh nhơn thiên hoặc bị đọa ác thú liền, ký dư trong các trường hợp bình thường thì thần thức vẫn còn loanh quanh lưu luyến bên cạnh thây cũ. Cho nên, nếu quyến thuộc khóc lóc hoặc tắm rửa, thay áo quần cho người chết v.v… thần thức đều biết cả. Bấy giờ thần thức tưởng như mình còn sống nên nó vẫn đến hỏi việc này việc khác, nhưng ngặt vì không ai thấy nghe mà đáp lại, vì vậy vô cùng bực tức, sợ hãi, bối rối, rồi giận dữ bỏ ra đi. Vì thế đối với người chết rồi, thân thể tuy đã lạnh cứng, nhưng người sống không nên nói điều gì hay làm việc gì có tánh cách khêu gợi lòng tham, sân si, khêu gợi sự luyến tiếc cho người chết. Như là người sắp chết thì chỉ nên thuyết pháp, an ủi, khuyến khích nhất tâm cầu nguyện vãng sanh Cực lạc; nếu người ấy đã chết rồi thì nên tụng kinh niệm Phật cho thân trung ấm nghe.
Nếu người chết lúc sanh tiền chưa từng niệm Phật, trong giờ phút gần lâm chung, lòng không chốn nương tựa, thân không còn là chủ tể, hoàn cảnh thật là hết sức thê lương ảm đạm. Trong giờ phút ấy, nếu được nghe một tiếng niệm Phật, một lời thuyết pháp, người chết nhờ nhất niệm đó mà có thể vãng sanh Tịnh độ. Cho nên, đối với vong nhân, không kể sanh tiền có tin Phật hay không tin Phật, có tu Tịnh độ hay không tu Tịnh độ ban hộ niệm đều nhất thiết nên đến giúp đỡ và cao tiếng niệm danh hiệu Phật. Đó là phương pháp cứu độ thân trung ấm, hết sức hữu ích và cần phải thi hành.
d) Cúng vong, cầu siêu
Đám tiệc nên tùy nghi phương tiện. Cốt nhất phải thanh tịnh, không nên bày vẽ rộn ràng, sát sanh cúng tế một cách linh đình. Trong kinh Phật dạy: “hình thức người chết (thân trung ấm) chỉ dùng mùi hương làm thức ăn.” Vì thế ta chỉ nên dùng hương thơm, hoa đẹp đèn sáng mà cúng là đủ. Nhất là tiếng niệm Phật và lời thuyết pháp thì rất bổ ích cho vong linh
Sau khi đám tiệc xong xuôi, người con hiếu thảo nên vì vong linh làm các Phật sự để cầu siêu độ, bất luận vong giả đã vãng sanh hay chưa. Nếu đã vãng sanh rồi thì lại càng được tăng thêm phước huệ, nếu chưa vãng sanh thì có thể nhờ đó mà túc nghiệp tiêu trừ, sanh về các cõi thiện. Đó là cách báo ân hay nhất của người con hiếu thảo.
Làm Phật sự thì không gì hơn là chuyên tụng kinh bái sám và trì niệm danh hiệu Phật. Có thể tự trong gia thuộc mình tụng lấy, hoặc mời đạo hữu tụng thêm. Các kinh thường tụng là Di Đà. Kim cang hoặc Đại bi thần chú v.v… Tụng niệm xong, nên hồi hướng công đức cho vong giả làm tư lương cầu sanh Cực lạc. Gián hoặc như trong gia thuộc mình không ai tụng kinh được thì chuyên niệm hiệu Phật cũng đủ rồi.
Còn như di sản của vong giả để lại, nếu là của cải thì nên đem làm việc phước thiện như; bố thí, giúp đỡ kẻ nghèo khó, giúp đỡ người tàn phế, cấp dưỡng cô nhi quả phụ hay phụ nữ sanh đẻ, hoặc làm chùa chú tượng, ấn tống kinh điển, cúng dường chúng tăng v.v… Làm các việc phước thiện ấy rồi đem công đức hồi hướng cầu cho vong giả tội diệt phước sanh vãng sanh Cực lạc. Như thế thì người còn kẻ mất, thảy đều công đức lớn lao không thể kể siết. Kinh địa tạng nói: “Trong khi vì người chết mà làm việc công đức thì người sống đã hưởng hết sáu phần mà người chết chỉ nhờ được một phần thôi.”
Hòa Thượng Thích Trí Thủ
31/68Đầu«...10...303132...40...»Cuối
Các Phúc Đáp Gần Đây