Hộ Niệm Giúp Được Gì Cho Người Lâm Chung?

Hộ Niệm Giúp Được Gì Cho Người Lâm Chung?Hồi nhỏ, mỗi lần có duyên sự đến hộ niệm ở đâu đó, tôi đều được quý sư cho đi theo. Khi thì tụng kinh sám hối hoặc cầu an cho người đang bệnh nặng, lúc thì tụng kinh cầu siêu cho người vừa mới mất.

Lớn lên, đủ duyên xuất gia, thỉnh thoảng tôi cũng đi hộ niệm. Lúc này thì tôi hiểu thêm rằng, với tinh thần nhập thế “tùy duyên”, đạo Phật đã đi vào đời, dung nhiếp cả tín ngưỡng dân gian, hòa cùng phong tục tập quán, gắn bó tốt đẹp với truyền thống dân tộc mà vẫn giữ được tính “bất biến” của mình. Đồng thời tôi cũng thấy được việc có mặt một vị Tăng trong những lúc gia đình gặp hữu sự, người thân đang hấp hối hay vừa qua đời cũng là một tục lệ phổ biến của người Việt Nam ta.

Họ thỉnh vị sư về nhà, trước là để cho gia đình được yên tâm, kế nữa là để tụng kinh cầu nguyện cho thân nhân. Đối với người bệnh thì tụng kinh Phổ Môn để cầu cho họ được tai ách tiêu trừ, bệnh căn thuyên giảm. Đối với người hấp hối thì sám hối, khai thị cho họ thức tỉnh, xả tâm luyến ái để ra đi nhẹ nhàng, tránh sa đọa vào ba đường khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Đối với người qua đời thì tụng kinh Di Đà, giới thiệu cảnh giới Tây phương Cực lạc, niệm danh hiệu Phật A Di Đà, nhằm giúp cho thần thức vong linh hướng về Phật pháp, nhớ nghĩ các điều thiện lành và xả ly tham dục, để sớm được vãng sanh.

Tuy nhiên, hai chữ hộ niệm không chỉ hạn cuộc trong phạm trù của phương tiện cầu an hay cầu siêu thôi, mà còn bao gồm cả sứ mệnh “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” của hành giả tu Phật. Bởi lẽ, việc độ sanh mới là hoài bão của chư Phật, là nhiệm vụ của hàng xuất gia. Còn vấn đề độ tử chỉ là phương tiện dùng để độ sanh, gieo mối duyên lành, dẫn dắt thân nhân người mất quay về Chánh đạo.

Về ý nghĩa hộ niệm, Phật học tự điển của Đoàn Trung Còn giải thích: “Hộ là giúp đỡ, giữ gìn, che chở. Niệm là tưởng nhớ. Hộ niệm chính là giúp đỡ và tưởng nhớ. Như Phật và Bồ Tát hộ niệm các kinh và các nhà tu hành chơn chánh.

Đối với người chưa tin Phật pháp, thì đem giáo lý mà giảng cho họ phát khởi lòng tin, nhớ tới sự lành.
Đối với người mới phát tâm, thì phương tiện giáo hóa cho họ tinh tấn tu hành.
Đối với người tu lâu, thì trợ giúp cho họ bước lên đường bất thối.
Đối với người bệnh hoạn, thì cầu nguyện cho họ tránh khỏi sự đau đớn, tai ách.
Đối với người lâm chung, thì cầu nguyện cho linh hồn họ minh mẫn, biết niệm nhớ Phật pháp đặng khỏi sa vào các ác đạo.

Trong các kinh Phật thường có ghi rằng: Ai thường đọc tụng tôn kinh, ắt được chư Phật, Bồ tát và chư thiện thần hộ niệm, giữ gìn, che chở cho đặng dễ bề tu học. Trong kinh A Di Đà, Đức Phật nói với ngài Xá Lợi Phất rằng: “Như có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào nghe được kinh này mà thọ trì; và cũng nghe luôn danh hiệu chư Phật, thì các bậc thiện nam tử, thiện nữ nhơn ấy đều được tất cả chư Phật hộ niệm, đều chẳng thối bước đối với quả Phật”.

Nói chung, các phương thức trợ giúp, nhắc nhở đối tượng hộ niệm thức tâm tỉnh giác, quay về chánh niệm thì đều được gọi là hộ niệm. Thế nhưng, làm cách nào để việc hộ niệm đạt được kết quả? Tôi đem thắc mắc của mình thưa hỏi thì được nghe kể lại một giai thoại như vầy:

Bữa nọ, nhà sư đi làm pháp sự ở làng bên. Sau thời tụng kinh cầu siêu xong, có một người trong thân bằng quyến thuộc đã cung kính bày tỏ mối hoài nghi về việc tụng kinh siêu độ. Ông thưa:

– Bạch thầy! Kính xin thầy từ bi chỉ dạy, tụng kinh như thế có chắc được siêu thoát không?

Nhà sư nhìn ông ta, miệng nở nụ cười hiền hậu đáp:

– Về vấn đề này, cổ đức đã từng dạy:
“Tụng niệm làm sao đắc vãng sanh?
Đàn tràng thanh tịnh với tâm thành
Giới sư đức hạnh thanh cao thỉnh
Đàn chủ tâm trai dạ chí thành”.

Vâng! Chỉ bốn câu thơ thôi nhưng đã khai mở rõ ràng lối đi nẻo về cho người hộ niệm. Nhưng ở đây, chư Tổ không nói tới sự thức tỉnh, chuyển hóa tâm thức của chính vong linh, một yếu tố quyết định của sự vãng sanh cũng là để cho chúng ta thấy rằng, sự trợ duyên hộ niệm của chư Tăng và lòng thành của gia quyến cũng không kém phần quan trọng, nếu không nói là điều thiết yếu.

Cho nên, để phương pháp hộ niệm được thành tựu tốt đẹp, một buổi lễ cầu siêu có kết quả như nguyện thì phải hội đủ bốn yếu tố: 1- Chư Tăng trai giới nghiêm cẩn. 2- Phẩm vật cúng dường thanh tịnh. 3- Gia chủ thành tâm thành ý. 4- Tâm người quá vãng cảm ứng và biến chuyển.

Nói rõ hơn, nhờ bi nguyện độ sanh của chư Phật và Bồ tát, nhờ công năng tu hành và đức hạnh thanh tịnh của chư Tăng tác động, nhờ gia chủ thành tâm cung kính nguyện cầu và dốc lòng làm việc phước thiện trợ duyên, nhờ tự thân vong linh khai mở tâm thức, xả ly tham ái và chấp thủ mà sự vãng sanh, siêu thoát được thành tựu.

Đại sư Ấn Quang nói: “Trợ giúp thành tựu cho một chúng sanh được vãng sanh, tức là thành tựu cho một chúng sanh tương lai thành Phật. Công đức này thật không thể nghĩ bàn”. Thế thì còn ngần ngại gì không tích cực tham gia hộ niệm để tự tha đều lợi lạc. Nhưng cũng xin nhận hiểu rằng, việc hộ niệm cầu siêu không chỉ nhắm vào người đang hấp hối hay vừa từ giã cõi đời, mà còn phải tạo cơ duyên cho thân nhân, những người đang hiện hữu, biết bỏ tà về chánh, đồng tâm hiệp lực trợ niệm cùng nhau. Hơn thế nữa, có những chúng sanh cũng đang rất cần đến sự hộ niệm, bây giờ, ở đây, đó chính những chúng sanh tâm của chính chúng ta!

Khải Tâm

Bồ Đề Đạt Ma Khai Thị Pháp Môn Niệm Phật [Video]

Bồ Đề Đạt Ma Khai Thị Pháp Môn Niệm PhậtTrước khi Thiền tông hưng thịnh, Phật giáo Trung Hoa đã có nhiều pháp môn tu, trong đó pháp môn Niệm Phật, phát triển mạnh mẽ và phổ cập từ thời ngài Huệ Viễn (334 – 416). Đối với người đã am hiểu giáo lý và có kinh nghiệm tâm linh, thì dù Thiền hay Tịnh, đều là phương tiện tu tập để đạt được cứu cánh giải thoát. Thế nhưng, đối với nhiều người, nhất là những người mới học đạo, nền tảng căn bản giáo lý và mục đích tu tập chưa nắm vững, khi đối diện với nhiều pháp môn tu không sao tránh khỏi sự bỡ ngỡ, hoang mang, không biết chọn phương pháp nào để hành trì. đọc tiếp ➝

Chuột Vãng Sanh

Chuột Vãng SanhTrong thế kỷ hai mươi vừa qua, Ngài Hạ-Liên-Cư là một cư sĩ, Ngài chỉ niệm A-di-đà Phật, khi vãng sanh Ngài mời bạn bè tới dự tiệc chia tay rồi đứng giữa chánh điện chắp tay mà thoát hóa, vui vẻ thoải mái. Người biết trước ngày ra đi, đứng cười mà thoát hóa như trò đùa vậy, đây chẳng phải là chuyện “Thần-kỳ” sao?

Chuyện này cũng chưa lạ, thường ngày Ngài có nuôi một con chuột, khi Ngài kinh hành niệm Phật con chuột lắc lẽo đẽo theo sau, giống như ở quê trẻ em nuôi chim se sẻ, khi khôn lớn nó cứ nhảy nhảy theo sau vậy đó. Đến khi Ngài đứng vãng sanh thì thấy nó đã vô chiếc giày của Ngài và đứng vãng sanh theo. Đây đúng thật là chuyện “Thần-kỳ” của thế kỷ!

Trong kinh Phật nói, tất cả chúng sanh nhứt tâm xưng niệm A-di-đà Phật thì được vãng sanh. Chuột là chúng sanh, nó niệm Phật thì nó được vãng sanh và nó cũng được bình đẳng thành Phật ở Tây-phương. Đây là chuyện có thực. Con chuột này, chắc chắn trong đời trước nó là con người có tu Phật, niệm Phật thành thục rồi, nhưng lúc lâm chung sơ ý nẩy lên một niệm ngu si, dại dột nào đó mà lọt vào đường súc sanh, may mắn là gặp được Ngài Hạ-Liên-Cư cứu độ, chứ giả sử như sinh ra rồi đi lang thang, gặp phải chú mèo thì tiêu đời rồi, biết kiếp nào nữa mới thoát đây?…

Hỏi: Hộ niệm cho súc sanh có được không?

Trả lời: Trong kinh Vô lượng thọ, Phật A-Di-Đà có phát lời thệ rằng:

“Tất cả chúng sanh, cho đến những kẻ ở trong cõi Diêm-ma-la (tức là điạ ngục), trong ba đường ác, sanh về nước Ta, thọ giáo pháp của Ta, ắt Thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng đọa vào tam ác đạo nữa. (Nguyện 1 và 2)”

Như vậy, súc sinh nếu biết niệm Phật cầu vãng sanh cũng được vãng sanh. Chỉ có vấn đề khó khăn là liệu chúng có cơ duyên ngộ ra được đạo lý, niệm Phật cầu vãng sanh hay không mà thôi.

Nuôi con vật trong nhà, nếu ta tập cho chúng niệm Phật, thường xuyên hồi hướng công đức cho chúng, thường đến vuốt ve, tâm sự, khuyên giải, tập cho chúng niệm Phật, cầu cho chúng được vãng sanh… nhiều con vật có linh ứng tốt, chúng cũng hiểu được ý của mình và niệm Phật theo. Nếu được vậy thì mình cũng có thể cứu độ được chúng nó. Kết quả này, xét cho cùng, cũng là nhân duyên của chúng đã đến lúc thoát nạn vậy.

Ví dụ, con chuột lắt của Ngaì Hạ Liên Cư đã vãng sanh cùng ngày với Ngài, nó được Ngài nuôi và mỗi ngày đều theo Ngài đi kinh hành niệm Phật. Khi Cụ đứng vãng sanh, thì trong ngày đó, nó cũng đứng vãng sanh luôn.

Cho nên, khi con vật chết, chúng ta nên niệm Phật cho chúng, khai thị cho chúng, cầu nguyện cho chúng được vãng sanh về Tây phương. Đây là điều nên làm. Thành tâm làm, rất tốt. Còn chúng được vãng sanh hay không thì không ai dám quả quyết.

Hễ nó có linh cảm tốt, chúng biết niệm theo, cầu vãng sanh thì cũng có thể vãng sanh. Còn tâm trí chúng vẫn mê muội, thì hộ niệm sẽ kết thêm chủng tử Phật cho chúng, cầu cho tương lai được duyên lành với Phật pháp, thế thôi.

Ngay cả việc hộ niệm cho một người, đâu phải ai đuợc hộ niệm cũng được vãng sanh đâu! Chỉ người nào tin tưởng, tha thiết phát nguyện, và niệm hồng danh A-di-đà Phật mới được, còn người không tin tưởng, không chịu niệm, hoặc có niệm mà không muốn về Cực lạc thì cũng đành chịu thua!

Phật không độ kẻ vô duyên! Vô lượng vô biên chúng sanh chết bị rơi vào các cảnh giới đọa lạc, chư Phật biết vậy nhưng cũng không thể cứu được, vì họ không có duyên với Phật. Họ chống báng, bài xích, làm điều ngược lại với Phật pháp… Họ là hạng chúng sanh vô duyên với Phật vậy.

Hải Sơn muốn cứu con chó thì hãy thành tâm hồi hướng công đức cho nó, thành tâm đem hết tình thương mà khuyên giải nhiều lần, cầu mong cho nó được thoát nạn súc sanh, sanh thẳng về cõi Tịnh-độ có lẽ hay hơn cầu sanh làm người. Cứ làm vậy, được hay không, sanh về đâu… thì còn phải tùy duyên của nó.

Phật dạy, tất cả chúng sanh đều có Linh tánh, Hữu Tình thì có Phật tánh, Vô Tình thì có Pháp tánh. Phật tánh hay Pháp tánh đều là tánh linh.

Có tánh linh thì có thể giác ngộ. Hữu tình thì có thể tự giác ngộ. Vô tình thì nương theo sự giác ngộ của hữu tình mà được giác ngộ theo.

Trong kinh Hoa Nghiêm Phật nói, Y Báo nương theo Chánh Báo mà chuyển. Cháu hàng ngày đem tâm thương yêu, cứu độ… mà nói chuyện, khuyên giải con chó, thì Hải Sơn là Chánh Báo, con chó là Y Báo. Tâm Hải Sơn phải thành khẩn thì mới mong được cảm ứng. Hãy cố gắng thử coi. Chắc chắn còn nhiều thử thách trong việc cứu độ này!

Trích Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm Úc Châu

Niệm Phật 1 Tháng Được Phật A Di Đà Báo Trước Ngày Vãng Sanh

Niệm Phật 1 Tháng Được Phật A Di Đà Báo Trước Ngày Vãng SanhHôm nay ngày mồng 8 tháng 11 năm Tân mão (02 tháng 12/2011), kỷ niệm giáp năm ngày Phật tử Minh Thuận Vãng sanh. Được sự đồng ý của gia đình Phật tử Minh Thuận, tôi (lương y Phan Văn Sang) xin kể lại kỳ tích vãng sanh của Phật tử Minh Thuận.

Phật tử Pháp danh Minh Thuận tên là Diệc Trung Hòa (hình bên) sinh năm 1943. Cư ngụ tại 3381/54 Đường Phan Văn Trị Phường 11 Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng như bao nhiêu người sống trên thế gian này, Phật tử Minh Thuận khi chưa quy y, một đời bôn ba cho cuộc sống cho gia đình, chưa nghe chưa tin gì về Tam Bảo, về Phật pháp. Đến lúc về già Phật tử mang trong người chứng bệnh tiểu đường, trải qua bao nhiêu năm chạy chữa nhưng cuối cùng rồi biến chứng qua Ung thư gan giai đọan cuối, không còn cách chữa trị, Bác sĩ cho về nhà an dưỡng để chờ ngày ra đi.

Bà con, bè bạn quen biết, mọi người đến thăm rất nhiều, duyên may có cô Phật Tử tên Kiều Loan là người trong Ban Hộ Niệm, do quan hệ nhau về tình Thầy trò, và cũng ở cùng một phường nên cô thường xuyên lui tới an ủi, thăm nom và tặng chú Minh Thuận chiếc máy niệm Phật, khuyên ông hãy niệm theo cho bớt cơn đau. Chú Minh Thuận rất vui mừng thích thú với máy niệm Phật đó. Thấy thế Cô Kiều Loan khuyến khích gia đình nên mời Ban Hộ Niệm hằng đêm đến để niệm Phật trợ duyên.

Được gia đình vui vẻ đồng ý, thế là nhóm Phật tử Gò Vấp, nhóm Phật tử Bình Thạnh chúng tôi kết hợp với Ban hộ niệm của Đại Đức Quang Hùng, sau những ngày lao động, mỗi chiều đến, cơm nước xong chúng tôi tập trung nhà Phật tử Minh Thuận hợp với gia đình cùng nhau niệm Phật.

Được sự khuyến khích của các Phật tử trong Ban Hộ Niệm , gia đình hoan hỉ thỉnh Chư Tăng về nhà, đến tận giường bệnh của chú mà quy y Tam Bảo, được Thầy Quang Hùng cho chú Pháp danh là Minh Thuận.

Thưa quý vị: Phật tử Minh Thuận tuổi cũng đã về già, bệnh lâu ngày, biết mình không qua khỏi, nhưng nhờ thiện tri thức mỗi ngày đến hộ niệm và khai thị, nên Phật tử Minh Thuận mới nhận thức được cuộc đời là vô thường có lão ắt có bệnh, có sanh ắt có tử, niềm tin về thế giới Cực Lạc A Di Đà mãnh liệt nên Phật tử Minh Thuận phát tâm quyết chí cầu sanh về Tây Phương Tịnh Độ chỉ trong thời gian 1 tháng mà đã cảm ứng đến Phật A Di Đà.

Buổi tối hôm nọ nhằm ngày thứ bảy trong tuần, nhóm Phật tử chúng tôi tập trung như thường lệ, khóa niệm Phật vừa xong, Phật tử Minh Thuận kêu chúng tôi lại nói cho cả nhóm và gia đình cùng nghe :

– Tôi vừa thấy đức Phật A Di Đà có hào quang sáng lắm, hiện ra bảo tôi rằng thứ hai tuần sau mồng 8 Phật sẽ đến rước tôi về với Tây phương!

Chúng tôi hỏi : – Chú thấy Phật ra sao?

Phật tử Minh Thuận chỉ tay về hình A Di Đà trên tường bảo: – Phật giống y như hình đây nè!

Chúng tôi cứ nghĩ là chú Minh Thuận chắc bệnh quá mê sảng nói vậy chứ chắc gì đúng, nhưng rồi lại nghĩ “À, mà cũng có thể lắm!” Bởi tâm của chú luôn hướng về Phật, gắng gượng cơn đau luôn chắp tay quyết tâm niệm Phật theo chúng tôi, cũng như lúc chú nằm một mình.

Phật tử Minh Thuận một đời cực nhọc bôn ba dong ruổi với kế sinh nhai cho bản thân và gia đình, chưa một ngày biết đến Tam Bảo, chưa nghe đến một câu kinh . Giờ đây cuối cuộc đời nằm một chỗ thật là hối tiếc, nhưng may thay gặp được thiện tri thức khuyên bảo mới biết Phật Pháp, mới tin đến Tam Bảo nhưng đâu còn thời gian nào nữa mà để được xem Pháp đọc Kinh ?

Thôi thì cứ 1 câu mà chúng tôi trao truyền cho chú học thuộc lòng, giờ đây chính Phật tử Minh Thuận đã thấy Phật nên niềm tin càng mãnh liệt hơn, chú cứ thế mà luôn chắp tay tự phát nguyện:

Quy mạng lễ A Di Đà Phật
Ở Phương Tây thế giới an lành
Nay con là Phật tử Minh Thuận
Xin phát nguyện vãng sanh.
Cúi xin đức Từ Bi tiếp độ

Nam mô A Di Đà Phật… Nam mô A Di Đà Phật…Nam mô A Di Đà Phật

Chúng tôi những người Phật tử tu tại gia, chiều làm về cơm nước xong, hằng đêm vẫn luôn họp nhau đến nhà gặp chú Minh Thuận khai thị, diễn giải, khuyên nhủ, động viên, rồi cùng nhau vô dâng hương niêm Phật…

Cho đến ngày thứ hai đầu tuần (đúng vào ngày chú Minh Thuận đã nói trên) nhằm ngày mồng 8 tháng 11 năm Canh Dần âm lịch (2010) . Cũng buổi niệm Phật như thường lệ cho đến hơn 9 giờ tối, xong buổi công phu chúng tôi vây quanh giường bệnh của Phật tử Minh Thuận, thấy chú rất khỏe vui cười trò chuyện với chúng tôi hồi lâu, trước khi từ giã ai nấy đều cầu chúc sức khỏe và khuyên chú cứ tiếp tục niệm Phật, rồi chúng tôi lần lượt ra về hết.

Hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp, nhà Phật tử Minh Thuận ở vùng giáp ranh nhau, nhóm Hộ Niệm chúng tôi mỗi người nhà ở cách nhà chú Minh Thuận người ở xa , cũng có người gần.

Vừa cho xe máy vào nhà, cũng đã quá 10 giờ đêm vừa đặt lưng xuống giường định nghỉ thì tôi nhận điện thoại từ nhà Phật tử Minh Thuận gọi qua:

– Anh Sang ơi! Chú Minh Thuận lấy hơi lên rồi !

– Trời đất! Thấy chú còn khỏe vừa mới nói chuyện với mình đây mà!

Tôi tức tốc vớ chiếc áo tràng, nổ máy xe chạy vội qua, thấy cả gia đình đang vây quanh chú đồng chắp tay niệm Phật vang nhà.

Miệng tôi cũng niệm theo, tay tôi lấy chiếc mền Quang Minh màu vàng đã chuẩn bị sẵn nửa tháng nay trên bàn Phật, đắp từ chân lên đến cổ chú cũng là lúc Phật tử Minh Thuận vừa trút hơi thở cuối cùng lúc 22 giờ 45 phút, đúng vào ngày thứ Hai đầu tuần, ngày mồng 8 tháng 11 âm lịch (năm 2010, đúng như Phật tử Minh Thuận đã nói với chúng tôi trước đó 1 tuần), Phật tử Minh Thuận hưởng thọ 67 tuổi.

Phật tử Minh Thuận ra đi trong tiếng niệm Phật của những người thân trong gia đình và các Phật tử gần nhà như là cô Phật tử Diệu Tâm, chú Phương và mấy cô Phật tử nữa mà tôi không nhớ hết tên.

Những Phật tử khác vừa ra về hay tin tức tốc quay lại tiếp tục và kết hợp cùng Ban Hộ niệm Đại Đức Quang Hùng thay nhau niệm Phật cho đến sáng hôm sau.

Theo quy tắc của pháp hộ niệm là tuyệt đối không đụng chạm đến thân người vừa lâm chung trong khoảng thời gian 8 tiếng. Gia đình Phật tử Minh Thuận cũng tuân quy tắc đó. Phật tử Minh Thuận vừa lâm chung miệng há lớn, mắt cũng còn mở, nhưng qua tiếng niệm Phật của Ban Hộ Niệm miệng và mắt của Phật tử đã dần dần tự khép lại.

Trải qua một đêm niệm Phật của đại chúng. Sáng hôm sau Đại đức Quang Hùng và các Phật tử kiểm tra thoại tướng thấy thân thể tay chân Phật tử Minh Thuận mềm mại, hơi ấm tụ lại trên đỉnh đầu.

Nam mô A di Đà Phật! Phật tử Diệc Trung Hòa, Pháp danh Minh Thuận đã vãng sanh về Tây phương cực lạc !

Nhưng Phật tử Minh Thuận chỉ mới biết tin và niệm Phật có được 1 tháng mà tại sao được Phật A Di Đà báo cho biết ngày vãng sanh ?

Trong Kinh PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ có câu : “ Xá Lợi Phất! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhứt nhựt, nhược nhị nhựt, nhược tam nhựt, nhược tứ nhựt, nhược ngũ nhựt, nhược lục nhựt, nhược thất nhựt, nhứt tâm bất loạn. Kỳ nhơn lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng, hiện tại kỳ tiền, thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực lạc quốc độ”

Nghĩa là : Này Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào nghe nói về Phật A-di-đà mà chấp trì niệm danh hiệu ngài , hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, nhẫn đến bảy ngày, nhất tâm không tán loạn. Người ấy đến lúc lâm chung, Đức Phật A-di-đà cùng các Thánh chúng hiện ra ở trước mặt. Khi người này mạng chung, tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của Phật A-Di-Đà.

Có một chuyện kể rằng: Ngày xưa vào đời nhà Đường bên Trung Quốc có ông Trương Thiện Hòa một đời làm nghề đồ tể mổ thịt trâu bò làm kế sinh nhai, cuối đời đến lúc sắp chết thấy vô số trâu bò đến đòi mạng, trong lúc sợ hãi bèn nghĩ nhớ đến vị Tăng ở chùa có thể cứu mình, bèn gọi vợ lên chùa mời Tăng đến gấp, vị Tăng đến nơi bảo ông hãy an tâm niệm Phật A Di Đà, Trương Thiện Hòa nghe lời Tăng liền lớn tiếng niệm “Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật…”. Các hồn ma trâu bò dần biến hết , kế đến ông thấy Phật A Di Đà và thánh chúng hiện ra, Trương Thiện Hòa vui mừng la lớn lên “Phật đến rồi! Phật đến rồi! Rồi ông nhắm mắt vãng sanh trong tiếng niệm Phật của vị Tăng…

Vì sao một người đại ác như ông Trương Thiện Hòa mà cuối đời thức tỉnh với câu Phật hiệu A Di Đà mà được vãng sanh ?

Bỡi trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật A Di Đà có phát 48 lời đại nguyện , mà nguyện thứ 18 “ Nếu có chúng sinh nào trong giờ phút lấm chung tưởng nhớ đến danh hiệu ta xưng niệm từ 1 đến 10 niệm , nếu ta và các Thánh chúng không đến đưa tay tiếp dẫn người đó về tây Phương Cực Lạc, ta thề không nhận ngôi chánh giác !”

Trương Thiện Hòa một đời đồ tể giết bao nhiêu là trâu bò đáng lẽ phải đọa địa ngục, luân hồi đền mạng, nhưng nhờ vị Tăng khuyên bảo niệm Phật mà được “đới nghiệp vãng sanh” là vì lời đại nguyện thứ 18 của Phật A Di Đà.

Trở lại Chú Minh Thuận. Nhờ thiện tri thức, Phật tử Minh Thuận tuy cuối đời mới giác ngộ Phật Pháp, mà lại gặp đúng Pháp môn Tịnh Độ ( niệm Phật) là Pháp môn thù thắng, pháp môn tu tắt, nên Phật tử nhanh chóng vãng sanh về cõi Phật A Di Đà.

Trong Kinh A Di Đà, Phật dạy niệm Phật từ 1 ngày cho đến 7 ngày mà tâm bất loạn sẽ được vãng sanh về thế giới Tây phương cực lạc, còn như Phật tử Minh Thuận đây biết mình không qua khỏi, không còn cách nào khác hơn là chuyên tâm niệm Phật để cầu vãng sanh nên trong 1 tháng (thời gian hơn hẳn 7 ngày như trong Kinh Phật nói ), Phật tử Minh Thuận quyết một lòng trì niệm nên được vãng sanh là đúng như lời Phật dạy.

Kinh A Di Đà có đoạn Phật bảo “ Xá Lợi Phất! Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhơn duyên, đắc sanh bỉ quốc”. Nghĩa là “Xá Lợi Phất ơi, không thể lấy chút ít phước đức thiện căn mà được sanh về nước Phật đâu.”

Vậy thì Phật tử Minh Thuận mới chỉ có giác ngộ và niệm Phật trong 1 tháng thì có được Phước đức và thiện căn nào mà được vãng sanh nhanh chóng như vậy?

Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật Bổn sư Thích Ca chúng ta có dạy “Quán tưởng cảnh giới ở Tây phương cực lạc, với danh hiệu của Phật A Di Đà sẽ diệt trừ được trọng tội trong 80 ức kiếp sanh tử !”

Phật tử Minh Thuận chắc chắn nhờ có trồng chút duyên lành từ nhiều kiếp trước, để đến cuối đời mới được gặp được thiện tri thức nhắc nhở nên mới phát khởi niềm tin rồi tự lực niệm Phật phát nguyện cầu vãng sanh về cảnh giới Tây phương, chiêu cảm đến Phật A Di Đà và nhờ tha lực của Phật A Di Đà gia bị, nhờ tha lực của 10 phương chư Phật hộ niệm (như Kinh trong A Di Đà mà Bổn sư Thích Ca đã nói), kết hợp với tha lực niệm Phật của Ban Hộ Niệm mà Phật tử Minh Thuận được vãng sanh .

Cũng trong lúc đó, gia đình Phật tử Minh Thuận phát tâm in ấn tống trên trăm hình Phật A Di Đà gởi về miền quê hẻo lánh tặng cho các Phật tử vùng sâu vùng xa thỉnh về thờ phượng, chiêm ngưỡng, lễ bái. Kế nữa gia đình phóng sanh, cúng dường, bố thí…nên Phật tử Minh Thuận nhờ công đức nhân duyên đó mà vãng sanh về Tây phương cực lạc là điều tất nhiên rồi.

Sau khi Phật tử Minh Thuận vãng sanh, gia đình, bà con, và chòm xóm thấy được sự nhiệm mầu của câu Phật hiệu A Di Đà, mới tìm hiểu nhiều qua Kinh sách, băng giảng, mọi người bừng giác ngộ đúng nghĩa của PHẬT ĐẠO – TỪ BI – TRÍ TUỆ – GIẢI THOÁT.

Gia đình chú Minh Thuận mọi người giờ đây ngày lao động, tối về niệm Phật, đồng thời gia nhập theo Ban Trợ Niệm , bà con hàng xóm thì có người phát tâm về chùa tìm hiểu tu học.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Phật tử, Lương y PHAN VĂN SANG

Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp

Tịnh Độ Thực Hành Vấn ĐápNam-Mô A-Di-Đà Phật. Vâng lệnh thầy Trụ trì và thầy Giáo thọ, Minh Tuệ tôi ra thất chia sẻ kinh nghiệm niệm Phật cho Phật tử chùa Tịnh Luật từ năm 2009. Sau hai năm làm Phật sự, tôi nhận thấy Phật tử nắm vững phương pháp hành trì, riêng bản thân tôi bị khựng lại. Do đó tôi ngỏ ý với Phật tử, sẽ vô thất trở lại. Phật tử nói: “Thầy vô thất, chúng con có khó khăn trở ngại đường tu, chúng con biết hỏi ai?”. Tôi trả lời không được. Dù rằng chùa Tịnh Luật còn lắm thầy giỏi hơn tôi nhiều, nhưng mỗi thầy có pháp tu riêng, không ai giống ai, nên có thể giải đáp không thỏa đáng chăng? Phật tử nói tiếp: “Vậy thầy giải đáp sẵn những khó khăn trở ngại, chướng nạn mà chúng con có thể gặp, để chúng con nương theo đó mà hành trì”. Đề nghị này rất có lý, mặc dù đối với khả năng hạn hẹp của tôi, thì đây không phải việc dễ làm. Trước tình thế không thể từ chối, tôi nói: “Vậy thì quý vị đặt những câu hỏi, tập trung lại đưa tôi trả lời”. Đây là lý do quyển “Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp” ra đời.

Một lần nữa, hằng ngày tôi khấn cầu đức Từ phụ A-di-đà và chư Phật mười phương gia bị cho tôi giải đáp đúng nhƣ pháp. Được sự nhiệt thành cộng tác đắc lực của chư liên hữu đã nhập tâm, đạt Bất niệm tự niệm, cộng thêm sự khích lệ và giúp đỡ quý báu của quý Thầy, Sư Cô, quý liên hữu gần xa, tôi hoàn thành được quyển sách nhỏ bé này.

Chúng tôi ước mong quyển sách này được phổ biến rộng rãi, hy vọng những ai có duyên được đọc, áp dụng đúng lời giải đáp, chắc chắn sẽ thỏa chí nguyện là đạt Bất niệm tự niệm bảo đảm vãng sanh Cực Lạc, thành Phật độ chúng sanh.

Tôi vẫn biết: “Trực ngôn nghịch nhĩ”, “lời thật mích lòng”, nhưng với bổn phận, trách nhiệm, tư cách người hướng dẫn chuyên tu Tịnh nghiệp, bằng Bồ-đề tâm, vì đạo pháp, vì lợi ích chúng sanh, bắt buộc tôi phải nói thẳng, nói thật theo thiển ý của tôi. Vì bất đồng pháp tu, nên quyển sách này có thể có những điều không đúng ý của một số ít quí vị, tôi thành khẩn đê đầu chịu lỗi, ngưỡng mong chư liệt vị từ bi rộng lượng tha thứ. Thành kính tri ân chư liệt vị.

Tự thiết nghĩ đức trí hạ liệt, với kinh nghiệm nhỏ nhoi hạn hẹp, không sao tránh khỏi những lỗi lầm sai sót. Chúng con thành tâm kính đê đầu đảnh lễ, ngưỡng mong các bậc Tôn túc từ bi hoan hỉ chỉ dạy cho.

Chúng tôi cũng hết lòng cầu mong các liên hữu gần xa tự nguyện hoan hỉ góp ý xây dựng để tài liệu này ngày càng phong phú hơn, hầu thật sự đem lại nhiều lợi ích cho hành giả.

Việc làm này nếu có chút ít công đức, con nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sanh trong mười phương pháp giới đồng phát khởi, trưởng dưỡng, thành tựu Tín, Nguyện, Trì danh để cùng con đồng vãng sanh Cực Lạc, thành Phật độ chúng sanh.

Nam-mô A-di-đà Phật

Mùa an cư năm 2011
Tu viện Tịnh Luật
Thích Minh Tuệ kính ghi

Download sách Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp [Size: 1.59 MB]