Làng Phú Thành (tên địa danh đã được thay đổi) có nhiều người hành nghề đồ tể. Nhưng nổi đình nổi đám nhất vẫn là gia đình anh Trung (tên nhân vật đã được thay đổi vì lí do tế nhị) có truyền thống ba đời làm nghề sát sinh. Ông nội Trung vốn là người chuyên giết mổ gia súc, chế biến thức ăn cho binh lính Pháp tại các doanh trại thời Pháp thuộc.
Thừa hưởng nét tài hoa của ông nội, bố Trung nấu nướng rất ngon. Quán lòng lợn tiết canh của ông trên con đê đầu làng lúc nào khách cũng đông nườm nượp. Nổi tiếng thế nhưng phải đến đời Trung cơ nghiệp của gia đình đồ tể giàu truyền thống ấy mới thực sự phất. 6 tuổi đầu Trung đã được bố tẩm bổ mỗi sáng một bát tiết tươi và quả mật lợn nóng hổi. Không biết có phải nhờ công dụng của cả núi mặt lợn khổng lồ ấy không mà Trung lớn nhanh như thổi, khỏe như trâu. Và nghiễm nhiên, Trung trở thành người kế thừa nghiệp đồ tể của tổ tiên. Kỹ năng giết mổ lợn của Trung đạt đến trình độ thượng thừa. Nhanh như chớp, một nhát chày ngang gáy, con lợn quay lơ, không kịp kêu một tiếng. “Đốp”. Con thứ hai đổ gục. Cứ thế chỉ trong vài tích tắc cả đàn lợn nằm lăn quay. 19 tuổi Trung đã đòi cưới vợ. Vợ Trung tên Hương 18 tuổi, đảm đang, tháo vát, con ông chủ tiệm thịt chó nổi tiếng làng bên.
Lấy Hương, Trung như hổ mọc thêm cánh. Kinh doanh càng phát đạt. Dịp gần Tết, mỗi ngày thịt cả chục con, Trung kiếm tiền như nước. Năm 2000, vợ chồng Trung xây cất ngôi biệt thự 3 tầng rộng rãi, với lối kiến trúc nửa Tây nửa Tàu vênh váo vươn khỏi lũy tre làng.
Ở một làng thuần nông như Phú Thành, ngôi biệt thự đó hoành tráng, rực rỡ, xa xỉ như cung vua phủ chúa. Có điều, trầm trồ với vẻ lạ mắt của ngôi biệt thự hoành tráng thế thôi, chứ nói về gia đình Trung, người dân Phú Thành nổi tiếng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa, nhiều người thành danh trong xã hội, vẫn có gì đó khinh miệt:
– Ối dào! Dân đồ để ý mà. nhiều tiền thật đấy nhưng thất học thì cũng chẳng vẻ vang gì.
Các bậc cao niên trong làng thì ngồi uống trà với nhau rủ rỉ:
– Cái nghề sát sinh là bạc phúc lắm. Tôi cứ ngấm ngầm theo dõi suốt mấy chục năm nay, ở cái làng này, phần lớn gia đình làm nghề đồ tể đều có hậu vận không tốt, gặp họa cho đời sau. Như vợ chồng ông Long mổ lợn ở đầu thôn. Hai vợ chồng ở với nhau suốt mấy chục năm mà không có nổi mụn con. Về già, cả hai vợ chồng đều bị tai biến nằm liệt giường liệt chiếu, thối tha thối thịt. Đến lúc chết, chính quyền xã phải đứng ra lo tổ chức ma chay. Rồi anh Trí, chủ cửa hàng thịt chó gần chùa làng, 39 tuổi đã mắc bệnh ung thư gan. Bộ xương to như cái trống. Nằm kêu rên ư ử suốt ngày đêm. Đau đớn vật vã đến tận lúc chết. Mà nói đâu xa, ông nội tay Trung kia, sáng sớm tinh mơ nồi đun chảo nước sôi làm lợn. Chả biết trúng phong hay ngủ gật, ngã vật xuống đất, đầu vùi vào chảo lửa. Đến lúc vợ con phát hiện, nhấc dậy thì cả cái mặt bị lột da, trắng bệch như phủ lợn vừa cạo lông. Cả nhà chết khiếp. Ông bố Trung, khi đó mới ngoài 50 tuổi. Buổi trưa, ra đình làng uống nước với cụ thủ từ. Vừa rít điếu thuốc lào, ông kêu tức ngực, khó chịu trong người. Ông lững thững đi về nhà nằm nghỉ. Lát sau, nghe tiếng kêu cứu thất thanh của bà vợ: ”Ôi làng nước ơi! ông nhà tôi bị làm sao thế này.” Hàng xóm chạy đến, thấy ông nằm bất động trên giường, lay không cựa, gọi chẳng thưa. Khi bác sĩ đến kiểm tra mạch, đo huyết áp, bỗng dưng toàn thân ông co giật đùng đùng, rồi học ra một đống máu. Ông chết một lúc rồi mà dòng máu tươi vẫn rỉ ra từ miệng. Nhìn cảnh ấy, ai cũng hãi. Cho nên, mọi thứ trên đời đều rất vô thường và đều có nhân có quả. Sung túc như vợ chồng tay Trung đấy nhưng chẳng biết hiểm họa ập đến lúc nào đâu.
Trung thất học từ bé, lại sớm tiếp xúc với máu me, giết chóc nên ăn nói lỗ mãng. Trung chẳng có thú vui gì ngoài thú bia rượu và đàn bà. Đam mê nhục dục, Trung không tiếc tiền cho việc bồi bổ sức khỏe. Sau này, kết thân với mấy tay lái buôn ngựa ở Bắc Giang, Sơn La, nghe họ quảng cáo về công dụng của cao ngựa bạch, Trung đâm mê, chuyển sang sưu tầm loại cao này. Cứ chủ nhật cuối cùng của tháng, Trung mua cả con về, giết mổ tại nhà. Thịt đem ra chợ bán. Xương nấu cao. Một phần để dùng. Một phần bán.
Một hôm, tay lái buôn từ Sơn La đem xuống cho Trung một con ngựa trắng. Mắt thau đồng , móng trắng, môi trắng hồng, không có đốm đen, buổi tối soi trước bóng đèn thì thấy hai mắt ngựa đỏ rực như than lửa. Bộ phận sinh dục, mũi, mõm có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc. Đây là giống ngựa rất quý hiếm. Trung sướng rơn như bắt được vàng. Tay lái buôn dặn:
– Con này đang có chửa. Nếu bác sợ thì hãy chờ khi nó đẻ xong hãy thịt.
Ngót 30 năm làm nghề giết mổ, lại vốn vô thần vô thánh, Trung không biết sợ là gì. Tối hôm đó, vợ Trung đi xuống nhà dưới, cạnh chuồng nhốt ngựa. Nghe qua cửa sổ, bỗng chị hét toáng lên. Trung hớt hải chạy xuống, quát lớn:
– Cái gì thế? Có sao không?
Chị vợ mặt cắt không còn giọt máu, nói hổn hển qua hơi thở đứt quãng:
– Mình ơi! Tôi vừa nhìn xuống chuồng, thấy có người đàn bà đang nằm ôm con khóc. Rướn mắt nhìn kỹ lần nữa, tôi vẫn thấy họ. Người mẹ ấy nhìn tôi ánh mắt như van lơn, trông tội nghiệp lắm. Sợ quá, tôi mới hét lên. Tôi nghĩ đó là điềm xấu. Mình đừng giết con ngựa bạch ấy nhé.
Trung ngửa cổ cười ha hả:
– Bà xem phim ma cho lắm vào rồi nhìn người tưởng ngựa, nhìn ngựa tưởng người. Chưa biết chừng, có ngày, bà nhìn tôi lại tưởng là chó, cho một nhát dao là toi đời. Thôi, lên giường đi ngủ. Bà bị điên đến nơi rồi!
Tờ mờ sáng, mọi người đã tụ tập đông đủ ở sân nhà Trung. Dụng cụ giết mổ đã chuẩn bị xong. Chảo nước sôi reo ùng ục. Thằng Kiên, con trai út của Trung, 16 tuổi, lực lưỡng như bố, hăm hở vào chuồng dắt ngựa. Nó kéo mũi, rồi đánh, chửi, con ngựa vẫn nằm im, không chịu đứng lên. Thấy vậy, Trung và mấy người bạn huỳnh huỵch vội chạy vào. Vừa nhìn thấy Trung, con ngựa bỗng nhổm dậy, hai chân trước quỵ xuống như van xin. Từ trong đôi mắt màu thau đồng của nó, hai dòng nước mắt ứa ra. Anh Chiến, bạn của Trung thấy vậy liền khuyên Trung không nên thịt nhưng Trung phủi tay, không tin vào chuyện nhảm nhí.
“Đốp”. Cánh tay lực sĩ buồn cuộn cơ bắp của Trung vung chiếc vồ thép nhanh như một tia chớp giáng thẳng xuống đầu ngựa. Con ngựa ngã khụy xuống nền gạch. Nhanh như cắt, Trung rút con dao nhỏ xíu, cỡ hai đầu ngón tay, xiên một nhát thật ngọt ở cổ. Tính ra mất 15 phút, con ngựa to tướng chỉ còn lại đống bầy nhầy lòng phèo nằm giữa sân, thịt xương đã thành đống riêng biệt. Tội nghiệp chú ngựa con chưa thành hình, Trung sai vợ đem rửa sạch với nước gừng rồi cho vào chiếc bình ngâm rượu.
Buổi chiều hôm ấy, như thường lệ, vợ Trung sai thằng con thứ chở xe máy đi đến các đại lý thu gom tiền. Trung ở nhà mở tiệc linh đình. rượu cao ngựa bạch, uống với thịt bắp ngựa bạch. Bỗng nghe tiếng ngoài ngõ lao xao. Tiếng ai đó gào to:
– Ông Trung ra ngoài đường quốc lộ mà nhận xác vợ con về.
Trung vội vã buông bát, leo lên xe phóng như điên. Ra đến đầu làng, giáp đường quốc lộ, đã thấy đám đông xúm đen xúm đỏ. Cố hết sức chen, lách, vừa vào đến bờ mương, Trung đứng chết lặng. Dưới lòng mương, xác hai mẹ con nằm bẹp. Hai bánh trước xe ô tô tải đè ngang ngực. Máu mũi, máu mồm, máu tai chảy lênh láng. Giữa lòng xe tải chiếc xe Honda Lead vỡ vụn. Sau này, người tài xế xe tải trình báo với công an huyện: “Đang lái xe với tốc độ 50km/h, đột nhiên, anh nhìn thấy con ngựa trắng cao lớn đứng ngay đầu xe. Anh hốt hoảng đánh vô lăng sang trái, đúng lúc chiếc xe Lead chở vợ con Trung vừa tới. Xe lao đầu xuống mương.”
Lái xe may mắn thoát chết. Run run mở cửa xe bước xuống, tài xế rợn người khi nhìn thấy xác hai người bị bánh trước của xe ô tô đè lên. Hắn vội vã bỏ chạy. Vụ tai nạn rùng rợn với cái chết thương tâm của hai vợ con Trung xảy ra vào cuối tháng 9 thì đến đầu tháng 11, người con trai cả của Trung sinh năm 1974 tự dưng lăn đùng ra chết. Cậu này không làm nghề mổ. Được ăn học tử tế, làm giám đốc một doanh nghiệp ở Quảng Ninh. Đang tuổi sung sức làm ăn, người vâm váp, khỏe mạnh, không bệnh tật gì. Thế mà một đêm, đang ngồi xem ti vi anh đột nhiên kêu mệt, đau đầu nên vào buồng ngủ. Nửa đêm, anh lên cơn co giật. Máu mũi, máu mồm ộc ra. Gia đình vội vàng đưa đến bệnh viện nhưng anh đã chết trên đường đi cấp cứu. Cái chết của cậu con trai trả khiến Trung hoang mang.
Trung đi xem bói. Thầy phán rằng gia đình bị một oan hồn báo oán. Trung kể lại việc giết con ngựa bạch mang thai cho thầy nghe. Thầy bảo, đó là do linh hồn con ngựa báo oán. Từ hôm đó, Trung bắt đầu sì sụp cúng bái. Sắm đủ lễ lạt, rước các thầy chùa về lập đàn giải nghiệp oán, cầu siêu cho linh hồn con ngựa, tốn kém hàng trăm triệu đồng. Mọi thứ tạm yên được một thời gian. Ăn tết xong, người con trai thứ 3 của Trung lăn đùng ra ốm. Cậu này đô con như lực sĩ, mổ lợn nhanh thoăn thoắt, tương lai kế thừa ngôi vị đồ tể của Trung. Đêm cậu kêu mất ngủ. Ngày chán ăn. Người cứ mệt rũ ra. Thỉnh thoảng, chợp mắt được một tí thì nằm mơ toàn ác mộng, ngựa đá, chó cắn, xe đâm, la hét ầm ĩ. Gia đình đưa đi khắp các bệnh viện Đông y, Tây y điều trị nhưng các bác sĩ chẳng phát hiện ra bệnh gì. Người càng gầy yếu. Mùa hè năm đó, cậu trút hơi thở cuối cùng.
Cái chết của cậu khiến Trung sợ hãi. Trung bắt đầu nghĩ đến những lời đồn thổi của dân làng về hậu vận của mình, bắt đầu tin vào luật nhân quả. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm mà gia đình Trung mất 4 mạng người : Vợ và ba thằng con trai. Bây giờ, chỉ còn mỗi thằng con trai út, 17 tuổi, đang học lớp 11 trường huyện. Tạm gác lại chuyện mổ xẻ, giết thịt, Trung chăm sóc con từng bước. Đích thân ngày 2 buổi đưa đón con đi học. Về nhà, Trung giữ rịt nó ở nhà. Không bóng đá, không đi bơi. Thế rồi, buổi trưa nọ, trong lúc Trung ngủ say, cậu út lẻn ra ngoài đi bơi cùng đám bạn. Trước cửa đình làng có hồ ba mẫu rất rộng, nước trong. Mùa hè đám thanh niên và trẻ con trong làng ra hồ bơi ì ùm suốt ngày. Cậu út của Trung bơi rất giỏi. Vậy mà hôm ấy chẳng hiểu sao nó lại bị chết đuối. Mãi chiều muộn mới vớt được xác nó lên bờ. Vừa nhìn thấy xác con bụng trương phềnh, da trắng bợt như con lợn vừa bị cạo lông, Trung hộc lên một tiếng: “Ối con ơi!” Đột nhiên, máu đen từ mũi, từ miệng xác con ộc ra như tháo cống. Ai chứng kiến cảnh đó cũng phải khiếp đảm.
Cái chết tang thương của đứa con cuối cùng khiến Trung hoàn toàn suy sụp. Trung suốt ngày ngập chìm trong rượu. Rượu vào là khóc, là chửi, là than. Cho đến một ngày không thấy tiếng khóc, tiếng chửi, tiếng than của Trung, hàng xóm kế bên chạy qua nhòm qua khe cửa. Họ hốt hoảng khi nhìn thấy Trung nằm sõng soài trên nền gạch, máu chảy lênh láng. Phá của vào, mọi người rùng mình khi nhìn thấy trên yết hầu Trung một vết cắt ngọt, sâu, máu vẫn còn đang đùn ra. Tay phải Trung vẫn nắm chặt con dao nhỏ, sắc nhọn bằng hai ngón tay, con dao mà chủ nhật cuối tháng ấy, Trung đã dùng để xỉa một nhát thật ngọt vào yết hầu con ngựa bạch.
Trích: Những chuyện có thật về Nhân Quả và Phật Pháp nhiệm màu
Hoàng Anh Sướng
Mình muốn hỏi là, mình niệm phật mà ăn thịt có hết bệnh mất ngủ được không? Vì mình đọc trên mạng họ nói là nên ăn chay mà mình thì không ăn chay được vì thèm thịt.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Sương Sương,
*Muốn chuyển hóa bệnh bạn phải tìm nguyên nhân bạn mất ngủ do đâu?
– Do trong tâm có quá nhiều lo âu, toan tính, phiền muộn…
– do làm việc, học tập quá sức?
– do quen thức đêm hay những lý do nào khác?
*Nếu bạn tìm đến pháp niệm Phật chỉ để giải quyết chuyện mất ngủ thì sẽ vô cùng khó, bởi đó là pháp chống đối chứ không vì giác mà hành trì. Mọi sự chống đối đều có tác dụng ngược.
*Bạn chưa ăn được chay vẫn có thể niệm được Phật, chỉ cần trước khi niệm nên vệ sinh răng miệng là được.
*Thèm ăn thịt là chuyện bình thường của người chưa tu học Phật. Nhưng nếu bạn thực phát tâm niệm phật để chuyển hóa nghiệp thì phải dũng cảm chuyển hóa cả nghiệp ham ăn thịt của mình. Đơn giản: Phật là người giác ngộ muốn cứu độ chúng sanh, ra khỏi đau khổ. Vì thế bạn muốn thoát khổ buộc phải nghe theo lời Phật dạy phải ráng giảm bớt lượng thịt ăn hàng ngày. Vì thịt bạn đang ăn là thịt của những chúng sanh đang phải trả nghiệp sát sanh từ quá khứ, vì thế họ cũng là những chúng sanh đang rất đau khổ như bạn. Bạn niệm Phật là muốn thoát khổ nhưng niệm xong lại thưởng thức sự đau khổ của người khác như vậy là trái nhân quả.
Bạn rà soát lại những câu hỏi TN đặt ra bên trên xem mình đang kẹt chỗ nào rồi tiếp tục chia sẻ cho TN và các Liên Hữu biết, mọi người sẽ giúp bạn nhé. Chúc tinh tấn.
TN
Kiếp người ngắn ngủi mấy chục năm, thoáng chốc đã chỉ là cát bụi. Con người đối với nhau lại thường xuyên ganh đua, đấu đá, trong “tình, danh, lợi” mà ngày đêm hao tâm tổn chí, cuối cùng mang theo được những gì?
Người xưa thường nói: Có lương thực ngàn gánh cũng chỉ ăn một ngày 3 bữa, có căn nhà lớn 10 tầng cũng chỉ ngủ ở một gian, báu vật trăm xe ngựa trong lòng vẫn có buồn phiền, quan to lộc hậu cũng là đi làm hàng ngày, vinh hoa phú quý cũng chỉ là thoảng qua như mây khói! Vậy, sống trên đời tranh giành làm gì?
Con người “tranh giành” rốt cuộc là vì điều gì?
Trong thế giới ồn ào này, người ta lừa gạt, oán trách nhau, đố kỵ nhau đều là kết quả của sự tranh giành. Công khai tranh giành, âm thầm tranh giành, tranh giành lợi ích lớn, tranh giành lợi ích nhỏ, hôm qua tranh giành, hôm nay tranh giành. Rốt cuộc, suy cho cùng, “tranh giành” cũng chỉ để thỏa tâm ích kỷ mà thôi.
Khi tấm lòng rộng mở một chút sẽ không còn chỗ cho tranh giành tồn tại. Xem nhẹ “được và mất” một chút, tranh giành sẽ tan biến. Mục tiêu giảm bớt đi một chút, tranh giành sẽ không trỗi dậy. Xem nhạt tâm danh lợi đi một chút, tranh giành sẽ không còn. Cân nhắc vì người khác nhiều hơn một chút, tranh giành sẽ giảm đi một chút. Trong cuộc sống, có thể có vô số lý do để không tranh giành, nhưng chính vì dục vọng đã khiến cho mỗi người trở thành một chú “sư tử” đói nằm trong bụi cỏ, kìm nén không được.
Một khi tranh giành được “quyền và tiền” trong tay thì hạnh phúc sẽ mất đi. Tranh giành được “thanh danh” thì niềm vui sẽ mất. Những thứ không thuộc về bản thân mà tranh giành được sẽ khiến tâm bất an. Nói cách khác, những thứ mà con người “vắt hết óc” để suy nghĩ cách tranh giành được, không phải là “hạnh phúc, niềm vui và an tâm”. Mà chỉ là “phiền não, thống khổ, thù hận và mệt mỏi” về thể xác và tinh thần.
Không tranh giành không tốt sao? Cho dù chỉ giảm tranh giành xuống một chút, coi nhẹ những thứ mà mình cho là quan trọng đi một chút, mọi người sẽ phát hiện rằng nhân tâm của mình thoáng chốc đã trở nên rộng rãi, thế giới thoáng chốc trở nên to lớn. Cũng bởi vì ít một chút tranh giành, khuôn mặt người ta sẽ tươi cười nhiều hơn, nắm tay nhau nhiều hơn, nhường nhịn nhau nhiều hơn, chân thành nhiều hơn, nhiệt tình nhiều hơn, bạn bè sẽ nhiều hơn, tình cảm nồng đậm hơn, tâm nguyện sâu sắc hơn và tình yêu thương sẽ nhiều hơn, thật hơn.
Để giảm bớt “tranh giành”, hãy quan niệm:
Người nhiều tiền hay ít tiền, đủ ăn là được rồi!
Người xấu hay đẹp, vừa mắt là được rồi!
Người già hay người trẻ, khỏe mạnh là được rồi!
Gia đình giàu có hay nghèo túng, hòa thuận là được rồi!
Chồng về sớm hay về muộn, có về là được rồi!
Người vợ phàn nàn nhiều hay ít, lo việc nhà là được rồi!
Con cái dù làm tiến sĩ hay bán hàng ngoài chợ cũng được, an tâm là được rồi!
Nhà to hay nhà nhỏ có thể ở được là được rồi!
Trang phục có thương hiệu hay không, có thể mặc được là được rồi!
Ông chủ không tốt, có thể chịu được là được rồi!
Hết thảy phiền não, có thể giải được là được rồi!
Cả đời người, bình an là được rồi!
Không phải có tiền nhiều mới là tốt, tâm tính lương thiện giúp đỡ người khác thì số mệnh có thể thay đổi được tốt.
Ai đúng ai sai trời biết là được rồi!
Nói nhiều nói ít, hiểu được là được rồi!
Rất nhiều chuyện nghĩ thoáng ra sẽ tốt, mọi người đều tốt, vạn sự đều tốt!
Người tốt, mình tốt, thế giới đều tốt. Nói ngắn gọn lại, biết đủ là tốt nhất!
Không tranh giành là cảnh giới cao của nhân sinh!
Theo Secretchina
biên dịch Mai Trà
Cảm ơn thầy Thiện Nhân, con sẽ cố gắng giảm bớt lượng thịt ăn hàng ngày.
Tại sao công phu tu hành của chúng ta vẫn mãi không tiến triển vậy?
Nguyên nhân là do không triệt để buông xuống. Mặc dù ngày ngày công phu, ngày ngày tu tập, sai ở chỗ nào?
Sai ở chỗ không tinh tấn, không dũng mãnh, không kiên định, không trường kỳ, không có tâm trường kỳ. Không thể nói các vị không phát tâm, nhưng sau khi phát tâm thì rất dễ thoái chuyển, thói xấu của chúng ta là ở chỗ này. Sai ở chỗ nào có biết không? Biết. Biết nhưng không thể sửa. Thiện có biết hay không? Biết. Biết nhưng không chịu làm.
Vì sao biết mà các vị không chịu làm? Điều này chúng tôi cũng thường kể, khi tôi mới học Phật, khoảng hai mươi mấy tuổi đã từng thỉnh giáo với Chương Gia Đại sư việc này. Chương Gia đại sư nói với tôi rằng: “Là do biết không triệt để”. Tôi ngẫm thấy rất đúng, Ngài nói với tôi, giáo học của nhà Phật “biết khó hành dễ”. Tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc về lời nói này.
“Biết”, thật sự là quá khó. Thế Tôn thuyết pháp 49 năm, chính là mong muốn mọi người biết được chân tướng sự thật này, hiểu rõ đạo lý này. “Hành” thực ra chỉ cách nhau một niệm, ý niệm vừa xoay chuyển thì ngay lập tức thành Phật. Thế Tôn đã làm tấm gương cho chúng ta, chúng ta nhìn thấy Thiện Tài Đồng Tử một đời thành tựu. Trong Kinh Pháp Hoa, Long nữ tám tuổi thành Phật, điều này cho thấy hành không khó. Vì sao các vị lại không chịu thực hành? Là do biết không thấu triệt, chỉ nửa hiểu nửa không. Nếu như hiểu thấu triệt, sáng tỏ rồi thì làm gì có đạo lý không buông xả được? Người thực sự thông suốt thì triệt để buông xuống, vĩnh viễn không thay đổi. Trong kinh điển Phật tán thán người như vậy thật sự là bậc trượng phu, đại trượng phu! Chân thật là anh hùng hào kiệt.
Thế nhưng chúng ta tỉ mỉ quan sát người tu hành trên thế gian này, có mấy người có thể duy trì không thay đổi? Thiền sư Thiên Như nói rất hay: “Trong mười người thì có chục người đều thối thất đạo tâm.” Ngài nói thối thất đạo tâm là nguyên nhân gì? Có nhân duyên của thối thất.
“Nhân” chính là điều khi nãy nói, họ đối với đạo lý của vũ trụ nhân sanh, chân tướng sự thật không thực sự hiểu thấu, đó là nhân. “Duyên” là bên trong có phiền não tham sân si, tự tư tự lợi; bên ngoài thì có sự mê hoặc của ngũ dục lục trần, đây đều là duyên. Nội duyên ngoại duyên đều bất thiện thì họ làm sao có thể không thối chuyển?
Thiền sư ở nơi này giảng cho chúng ta ba loại duyên, thảy đều là sự tướng chân thật. Ngài nói thứ nhất là “Vi thân khẩu sở lụy” (trói buộc vì thân, miệng), vì để ăn ngon hơn một chút, trải qua tháng ngày thoải mái. Chúng ta ngày nay nói là hưởng thụ vật chất, truy cầu danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, bị những thứ này liên lụy. Tại gia hay xuất gia cũng đều có ở trong đó.
Thứ hai là nói người tại gia, họ có người thân họ hàng, “vi quyến thuộc sở lụy” (trói buộc bởi quyến thuộc), họ phải nuôi sống gia đình. “Vi gia kế sở lụy” (trói buộc vì sinh kế gia đình). Sau khi xuất gia đáng lẽ họ phải từ bỏ hết thảy, đáng tiếc là thân xuất gia mà tâm vẫn chưa xuất gia, vẫn không buông xuống được danh văn lợi dưỡng, cả ngày đều tính toán danh văn lợi dưỡng, thế là đánh mất đạo tâm.
Những phiền não tập khí này “trói buộc, giết chết người trong thiên hạ”, khiến cho họ “bận rộn một đời, náo loạn một đời, khổ đau một đời”, đáng tiếc sau cùng lại “uổng qua một đời”. Hơn nữa trong một đời này, “khởi vô lượng tham sân si, tạo vô lượng ác nghiệp lớn nhỏ”. Ác nghiệp đều có quả báo, quả báo trong tam đồ. Tam đồ bát nạn khổ hải, sanh tử luân hồi, chịu vô lượng vô biên khổ não, không được giải thoát.
TRÍCH THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN,TẬP 70
TÔN SƯ TỊNH KHÔNG CHỦ GIẢNG