Người Tu Tịnh Nghiệp Đợi Đến Lúc Lâm Chung Mới Buông Bỏ Thì E Rằng Đã TrễMục đích học pháp của chúng ta là ở chỗ nào? Phật ở thế gian mục đích giáo hóa chúng sanh là dạy cho bạn phải ra khỏi lục đạo tam đồ, dạy bạn phải ra khỏi thập pháp giới. Đó là lợi ích chân thật. Cho nên ngày nay chúng ta dựa vào năng lực của chính mình để đoạn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Những thứ này ở trong Phật pháp đều gọi là phiền não. Vọng tưởng là vô minh phiền não; phân biệt là trần sa phiền não; chấp trước là kiến tư phiền não. Đoạn phiền não chứng bồ đề khó. Quá khó! Quá khó!

Phàm phu chúng ta trong thời mạt pháp có ai làm được hay không? Có thể nói là không có người nào. Chư Phật Như Lai từ bi đến cùng cực, biết được trong tất cả chúng sanh vô lượng kiếp tu hành có thiện căn, nên trong thời đại này đã mở ra 1 pháp môn đặc biệt là đới nghiệp vãng sanh. Phiền não tập khí của bạn không cần phải đoạn, nhưng mà quý vị phải nhớ: không cần đoạn nhưng bạn phải có khả năng khống chế được nó. Đừng để cho nó khởi tác dụng, như vậy mới có thể vãng sanh.

Nếu như phiền não vẫn khởi hiện hành, vậy thì không được. Vậy là không thể vãng sanh. Chúng ta niệm Phật, gặp được cái pháp môn này có thể sanh tâm hoan hỷ, điều này đã nói rõ bạn không phải là trong đời này mới bắt đầu tu học. Nói là trong đời này mới bắt đầu tu học là không phải, mà nhiều đời nhiều kiếp, vô lượng kiếp đến giờ đã niệm Phật. Tại sao nhiều đời nhiều kiếp đã niệm Phật mà hôm nay vẫn là như vậy?

Chính là lúc lâm chung không hàng phục được phiền não tập khí, cho nên mới trở thành như vầy. Điều này không thể không biết. Rất là quan trọng, ngay trong đời này phải cố gắng nổ lực mà làm. Không còn tái phạm lỗi lầm trong quá khứ thì ngay trong đời này của chúng ta mới có thể thành tựu. Vậy phải làm như thế nào?

Biện pháp tốt nhất cũng là biện pháp duy nhất hiện tại phải buông bỏ, không thể chờ đợi. Hiện tại vẫn chưa chịu buông bỏ, đợi đến lúc lâm chung mới buông bỏ thì không kịp, e là đã trễ rồi. Nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ chính là đã khởi cái vọng tưởng này, cho nên mỗi 1 lần tu đều thất bại. Hiện tại phải nên đề cao cảnh giác, hiện tại thì ta phải buông bỏ. Hiện tại buông bỏ, công việc có cần phải làm không? Công việc không có trở ngại. Trong kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng: “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”. Chướng ngại ở chỗ nào? Chướng ngại ở chỗ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước! Cho nên buông bỏ không phải là buông bỏ công việc mà là buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Công việc vẫn phải làm chỉ cần bạn không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì cái gì cũng không có chướng ngại.

Cái gọi là “làm mà không làm, không làm mà làm”, không làm chính là trong tâm không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Công việc vẫn phải làm, làm được càng viên mãn, làm được càng thù thắng, không có tâm riêng tư, không có vọng niệm. Giống như Thế Tôn ứng hóa trong thế gian vậy, giống như tổ sư đại đức thị hiện cho chúng ta vậy. Người xuất gia làm được, người tại gia cũng làm được.

Trích từ bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác (Tập 361-362)
Pháp sư Tịnh Không giảng