Hai Câu Chuyện Thật Minh Chứng Người Niệm Phật Thân Toả Ánh Sáng Ma Quỉ Đều Kính SợNgười xưng niệm ‘Nam-mô A-di-đà Phật’ thì người này đã được trăm nghìn lớp ánh sáng của Phật A-di-đà vây quanh bảo hộ. Vì thế, người niệm Phật đều có quang minh của Phật A-di-đà. Đã được quang minh của Phật A-di-đà đến bảo hộ, che chở chúng ta, thì nội tâm chúng ta cũng phát ra ánh sáng rực rỡ của Phật A-di-đà.

Câu chuyện niệm Phật phóng quang 1:

Trong đoạn văn này, tôi xin trích dẫn hai thí dụ để chứng minh.

Quyển Tịnh tông giảng nghĩa này tổng cộng phân thành mười chương, trong đó chương thứ 10 chính là ‘Niệm Phật phóng quang’ (Chú: Đã được đưa vào Niệm Phật cảm ứng lục, tập 1), cũng chính là nói, chỉ cần người xưng niệm danh hiệu, trên thân sẽ phóng ra ánh sáng của Phật A-di-đà. Chương thứ 10 phân làm mấy đoạn, trong đó ‘tâm niệm Di-đà, thân có ánh sáng’, người thực hành là Đại sư Liên Trì cuối triều đại nhà Minh, Tổ sư tông Tịnh Độ rất nổi tiếng. Ngài soạn Trúc song tùy bút (tác phẩm, 3 quyển, do ngài Châu Hoằng soạn vào năm 1615 đời Minh, Trung Quốc. Nội dung sách này có hơn 400 điều mục, phần lớn nói về sự lý của tông Thiên Thai, Thiền, Tịnh Độ) có một đoạn ghi chép như sau:

Thôn Hải Xương có một bà cụ chết, tuy thể xác chết nhưng linh hồn không chết. Linh hồn của cụ bà này có thể nương vào thân thể của người tại gia mà giảng nói một vài chuyện về báo ứng âm phủ, chịu những thống khổ cực hình ở địa ngục, mỗi lần như thế bà cụ nói rất rõ ràng và rất linh nghiệm. Vì thế, khi bà cụ gá vào thân nói chuyện thì không những người nhà mà ngay cả người hàng xóm cũng đều đến tò mò để nghe.

Có một lần, nghe trong chúng có người bỗng nhiên chuyên tâm niệm Nam-mô A -di-đà Phật. Bởi vì trong tâm người ấy niệm chứ không phải miệng niệm, nên người khác đương nhiên đều không biết, nhưng linh hồn thì biết, lập tức nói: “Anh gì đó ơi, nếu như anh thường xuyên niệm như vậy thì lo gì không thành Phật chứ!”.

Người đó hỏi lại bà ấy: “Ôi! Sao bà nói như vậy?”.

Linh hồn nói: “Bởi vì trong tâm của anh niệm Nam-mô A-di-đà Phật ạ!”.

Người đó hỏi vặn lại: “Trong tâm tôi niệm Phật, bà làm thế nào biết được?”.

Linh hồn nói: “Ái chà, biết rất rõ, bởi vì trên thân bạn có ánh sáng!”.

Đại sư Liên Trì nói: Người thôn này mù chữ, không biết chữ. Người trong thôn không biết chữ, nhưng ngay lúc đó chuyên tâm niệm Phật, có thể khiến cho hồn ma hướng về người ấy mà cung kính và khen ngợi như vậy, huống gì là người tu trì niệm Phật đã lâu! Đại sư Liên Trì nói: “Thế nên, công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn”.

Người này một chữ cũng không biết, có thể nói là người ngu si, nhưng chỉ cần trong tâm chuyên tâm niệm Phật thì có ánh sáng. Quỷ thần không những không dám hại người ấy mà còn kính trọng người ấy, thậm chí còn bảo hộ người ấy nữa.

Cần phải niệm Phật nhiều thì chuyển ánh sáng không tốt trở thành ánh sáng của Phật

Kỳ thật, trên thân chúng ta đều có ánh sáng (quyển sách này cũng có nêu ra), người thiện có ánh sáng thiện, người ác có ánh sáng ác, hiện tại khởi niệm nào thì có ánh sáng đó, trí huệ, phước báo lớn hay nhỏ, ánh sáng đều khác nhau.

Bất kể trí huệ, phước báo lớn hay nhỏ, chúng ta chỉ cần niệm Phật thì đều có ánh sáng của Phật. Nếu không như thế, nếu nói về ánh sáng của tự thân chúng ta thì có thể hiểu được là ánh sáng của chúng ta không thể khiến cho quỷ thần kính trọng, bởi vì chúng ta loạn tưởng vọng niệm, tự tư tự lợi, tham sân si sâu nặng, đâu có loại ánh sáng nào có thể được cung kính? Cho nên rất hổ thẹn. Vì thế, chúng ta cần phải niệm Phật nhiều, chuyển ánh sáng không tốt thành ánh sáng của Phật.

Niệm vọng tưởng cũng là niệm, niệm Phật cũng là niệm, nhưng vọng tưởng không tốt, chỉ tạo tội tạo nghiệp, quỷ thần xem thấy chán ghét. Như thế thì tại sao không dùng niệm vọng tưởng đó mà niệm Phật?

Cũng là niệm mà không niệm Phật thì nhất định sẽ niệm vọng tưởng.

Trên thân chúng ta đều có ánh sáng, dùng mắt thịt xem thì không thấy, người có mắt âm dương sẽ nhìn thấy, quỷ thần cũng nhìn thấy. Mắt âm dương và quỷ thần đều là phàm phu, nhưng có thể thấy được. Chư Phật, Bồ-tát, Hộ pháp long thiên dĩ nhiên nhìn thấy được.

Vì thế, chúng ta chỉ cần trong tâm niệm Phật, thì Hộ pháp Long thiên sẽ đến hộ trì, chư Phật, Bồ-tát xếp thành trăm lớp, nghìn lớp vây quanh bên thân bảo vệ chúng ta, khen ngợi chúng ta, đây là kinh A-di-đà nói.

‘Trong ánh sáng Hóa Phật vô số ức’ của Phật A-di-đà là Hóa Phật vô số ức; đồng thời ‘Hóa chúng Bồ-tát cũng vô biên’ là Bồ-tát vô biên. Hóa Phật, Hóa Bồ-tát cũng như nhau xếp thành trăm lớp, nghìn lớp vây quanh để bảo hộ chúng ta.

Trong mười hai thời, chúng ta đều được Phật A-di-đà, chư Phật, Bồ -tát, Hộ pháp long thiên ủng hộ, điều này quả thật làm cho chúng ta cảm thấy an ổn, an toàn và vui vẻ!

Câu chuyện niệm Phật phóng quang 2:

Lại nói một bài trong sách Niệm Phật cảm ứng lục, tập thứ nhất, trang 70. Đây là lời trích dẫn trong Khả hứa tắc hứa của cư sĩ Trần Hải Lượng soạn.

Trần Hải Lượng là vị cư sĩ tại gia tiếng tăm lừng lẫy thời cận đại, gia đình anh ấy là gia đình Phật hóa, và chuyên tu Tịnh Độ. Trong quyển sách này, Trần Hải Lượng nói: “Lúc tôi 29 tuổi (1937), vợ tôi tên là Viễn Tín, ở núi Xích Thành. Lúc này Viễn Tín mới 25 tuổi, sáng sớm một hôm nọ, cô ấy xuống núi, đi giữa đồng ruộng, dọc đường chuyên tâm niệm Phật. Lúc này, mặt trời vừa ló dạng nhô lên trên núi thì ánh sáng của mặt trời buổi sáng chiếu khắp đại địa. Cô ấy tình cờ thấy bóng dáng của mình, nên phát hiện trên đỉnh đầu có vầng sáng hình tròn, đường kính khoảng hai thước (o,66m), rộng bằng bả vai. Vầng sáng này tỏa sáng rực rỡ, giống như ánh sáng vòng tròn tuyệt đẹp trên tượng Phật, không thể hình dung (chúng ta xem trên đầu tượng Phật đều vẽ có vòng ánh sáng, có màu sắc, chỉ có điều vòng ánh sáng trên đầu tượng Phật mà chúng ta thấy, không thể so với ánh sáng chân thật mà Viễn Tín thấy, bởi vì đích thân cô ấy nhìn thấy). Trong tâm cô ấy cảm thấy kỳ lạ, vẫn tiếp tục vừa đi vừa niệm Phật, hơn nữa luôn chú ý đến bóng dáng của cô ấy. Vầng ánh sáng hình tròn này vẫn tỏa ra ánh sáng rực rỡ đẹp tuyệt vời. Cô ấy biết đây là cảnh tượng do niệm Phật mà được, do đó để thử xem, cô ấy dừng niệm Phật, chuyển qua niệm chuyện tạp nhạp của thế gian, đồng thời lại xem thử cái bóng ấy! Vầng ánh sáng đã biến mất”.

Ở đây, Trần Hải Lượng nói: “Vì thế, có thể biết niệm Phật có thể phát sinh ra ánh sáng vốn có của chúng ta, tiêu trừ được nghiệp chướng đen tối”. Viễn Tín là vợ của Trần Hải Lượng, cô mới 25 tuổi. Nói về tuổi tác thì cô còn rất trẻ, chẳng phải là sư thầy, cũng chẳng phải là người tu hành lâu, nhưng bởi vì cô ấy niệm Phật nên có vầng ánh sáng xuất hiện; không niệm Phật thì vầng ánh sáng tiêu mất. Có thể thấy, người niệm Phật tuy không biết, không cầu khẩn nhưng vẫn có ánh sáng. Nếu niệm việc khác, tuy cũng là niệm, nhưng không có vầng ánh sáng. Như vậy thì có thể biết, ánh sáng này chẳng phải từ bản tâm của cô ấy phát ra mà là ánh sáng từ bên ngoài đến.

Chỗ nào có danh hiệu thì chỗ đó có ánh sáng

Câu danh hiệu này chính là danh hiệu quang minh, chỗ nào có câu danh hiệu này thì chỗ đó có ánh sáng. Ở Đài Loan, câu danh hiệu sáu chữ này được dán trên cột điện, tường vách, dán nơi bờ ao và bờ biển từng có người chết đuối, hoặc đoạn đường nguy hiểm từng xảy ra những vụ tại nạn xe cộ. Sau khi dán sáu chữ danh hiệu lên, thì nơi đó tai nạn xe cộ giảm ít, thậm chí không còn nữa; có những vùng nước hằng ngày thường có người chết đuối, kết quả sau khi dán sáu chữ danh hiệu lên bên bờ, thì không có người chết đuối nữa. Câu danh hiệu này phóng quang ngay trong đó, tiêu trừ được nghiệp chướng của chúng sanh bị tai nạn nơi đó, khiến cho họ lìa khỏi, không làm trở ngại người đi đường, thậm chí tìm người thay thế (người chết oan sẽ tìm người thay thế).

Chúng ta không nên nói: “Ô kìa! Người ta là Viễn Tín, mới có vòng ánh sáng trên đầu”. Không chỉ Viễn Tín có mà mỗi người chúng ta đều có, nếu ai niệm một câu Phật thì đều có ánh sáng. Bởi vì tâm của chúng ta rất hẹp hòi, ngu si, có tạp niệm, có phiền não, không thanh tịnh, chúng ta cũng không có trí huệ cao sâu, cho rằng ‘giống như tôi đây, dù niệm Phật cũng chẳng được gì cả! Người được phóng ánh sáng, tâm phải rất thanh tịnh, vào sâu kinh tạng, tu hành nghiêm mật’, mọi người đều nghĩ như vậy sao? Thật ra không phải như thế!

Một niệm tâm của chúng ta tuy nhỏ, nhưng cũng trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới. Chúng ta khởi một niệm hoặc nói ra một câu đều có mặt khắp cả vũ trụ, lại quay về bên thân chúng ta, lúc nào cũng là thời gian nhân quả hưởng ứng. Bóng của chúng ta lúc bình thường nhìn không thấy có ánh sáng, nhưng nếu thời gian và không gian phối hợp tốt, tình hình trong tâm cũng dần dần tốt, sẽ xuất hiện hiện tượng này. Nhân như vậy, quả như vậy, tất cả đều là nhân duyên hòa hợp, muốn có vầng ánh sáng đó, cũng cần nhân duyên hòa hợp. Có thể biết loài người, thậm chí loài súc sanh (bởi vì trong tâm loài ấy cũng có tâm niệm), chỉ cần tâm niệm chuyển thành niệm Phật thì tự nhiên sẽ phát sinh hiện tượng đó. Vì thế, không chỉ Viễn Tín có mà bất kể người nào cũng có, nhân như vậy, quả như vậy. Giống như đài truyền hình chuyển đến kênh nào thì tiết mục của kênh đó tự nhiên hiện ra trên màn hình. Nếu bạn không chuyển đến thì nhân duyên không đầy đủ, quả đó không thể phát ra, cho nên ánh sáng thì mỗi người niệm Phật chúng ta đều có.

Phật quang soi sáng, lợi ích căn bản nhất là tiêu trừ nghiệp chướng lúc lâm chung

Quang minh của Đức Phật A-di-đà soi sáng chúng sanh niệm Phật, có công đức lợi ích rất lớn. Công đức lợi ích này rất nhiều, trong đó căn bản nhất là tiêu trừ được nghiệp chướng của chúng ta khi lâm chung. Bởi vì đương lúc chúng ta lâm chung thì thân thể phải chịu các thứ bệnh đau đớn dằn vặt, tâm chịu các sự dày vò bất an, có thể nói cả trong lẫn ngoài đều bị hành hạ, vừa đau đớn lại vừa chấp trước.

Trích: Đại Ý Ba Kinh Một Luận Tịnh Độ
Nguyên tác: Pháp sư Huệ Tịnh
Người dịch: Nhuận Hà
Hiệu đính: Định Huệ