Người Thế Gian Ý Niệm Vừa Khởi Tội Phước Liền Được Ghi Sổ Nơi Cõi ÂmNhà nhà đều có cửa, cửa đóng hay mở đều do ý của ta, mở cửa để đón khách vào, đóng cửa để không cho người lạ và trộm cắp vào. Nhưng họa và phúc thì không có cửa, mà do lòng người tự gây. Làm ác thì chuốc lấy họa, muốn tránh cũng không được. Hành thiện thì gặp phúc, dù không cầu nhưng phúc vẫn đến. Người xưa nói : “Hành thiện như cây cỏ mọc trong vườn xuân, tuy không thấy cây cao, nhưng mỗi ngày đều có sự tăng trưởng. Hành ác như đá mài dao, dù không thấy đá mòn trong một lúc nhưng càng mài càng giảm”.

Có người cho rằng nhiều kẻ làm ác mà vẫn giàu sang, không bị báo ứng. Chẳng phải là không có báo ứng, chỉ là thời cơ chưa đến, có biết đâu đức của tổ tiên hay của chính người đó vẫn còn, một khi đức hết rồi báo ứng sẽ đến. Cũng lẽ này, người hành thiện mà không được phúc báo là còn mang nặng nghiệp của tổ tiên hay của chính người đó, một khi nghiệp trước hết rồi thì phúc sẽ đến.

Đời Tống có vị quan Vệ Trọng Đạt, một hôm bị bệnh nặng, trong lúc mơ màng , linh hồn bị quỷ vô thường dắt đi gặp Diêm Vương. Diêm Vương sai Phán Quan lật sổ công quá của Vệ Trọng Đạt ra. Lúc đầu nhìn thấy phần lỗi quá nhiều Diêm Vương nộ rằng:

– Tội ác của ngươi quá nhiều , tuổi thọ bị giảm là phải.

Nhưng khi xem đến phần công lại phán rằng:

– Nhà ngươi có thể hoàn dương, vì công nhiều hơn tội, số trong dương gian chưa mãn.

Vệ Trọng Đạt ngạc nhiên hỏi:

– Tôi chưa từng làm chuyện ác nào sao lại phạm nhiều lỗi đến thế?

Diêm Vương đáp:

– Dù ác chưa làm nhưng khi có ý niệm bất chính thì quỷ thần đều ghi lục tội ác và gửi đến đây.

Vệ Trọng Đạt lại hỏi:

– Tôi cũng chưa làm một việc thiện nào tại sao có công đức lớn như vậy?

Diêm Vương đáp:

– Ngươi đã từng lên sớ tâu cho nhà vua giảm thuế cho dân trong làng. Mặc dù không được vua chấp thuận nhưng quỷ thần đã ghi công và gửi tới đây.

Sau đó , Vệ Trọng Đạt được hòan dương, và kể lại câu truyện của mình cho mọi người. Hình với bóng đi đôi với nhau, nhân quả báo ứng cũng thế.

Trích Thái Thượng Cảm Ứng Thiên
Lão pháp sư Tịnh Không giảng