Ngày nay nhiều người than rằng: “Tôi là người tốt, vì sao lại không được phúc báo? Tôi cũng cố gắng làm việc thiện, đối xử tốt với mọi người, nhưng sao lại gặp nhiều chuyện xui xẻo thế này? Ông Trời sao thật quá bất công!”.
Phật gia thường giảng: “Ở hiền gặp lành ở ác gặp ác”, “gieo nhân nào thì gặt quả ấy”. Nhưng nhiều khi, người ta lại thấy điều trái ngược hiện diện trong cuộc sống này. Tức là, có người ăn ở rất hiền lành, suốt đời làm việc tốt nhưng phúc phận chẳng thấy đâu, có khi còn gặp xui xẻo; ngược lại có người xấu thì lại giàu có, may mắn. Chính vì vậy đã làm không ít người đâm ra hoài nghi, hoang mang về sự công bằng, không còn tin luật Nhân – Quả trong đời.
Nhưng những gì chúng ta vẫn nhìn thấy có phải là chân thực hay không? Câu chuyện dưới đây sẽ cho bạn lời giải đáp:
Dưới thời Khang Hy, có một người đàn ông tên là Lưu Hoành sinh sống ở ven sông. Vào một mùa mưa lũ, có một đợt mưa lớn liên tiếp nhiều ngày không ngớt khiến nước sông dâng cao. Những con thuyền nhẹ, không chịu được gió lớn, rất hay bị lật úp mà gặp tai ương. Một hôm trời mưa rất to, Lưu Hoành bỗng nhìn thấy dưới sông có một phụ nữ mang thai, đang gắng sức ôm lấy mái chèo đã bị sóng đánh vỡ một miếng lớn, giãy giụa giữa sóng nước, miệng thất thanh kêu cứu.
Lúc ấy, bên bờ sông có rất nhiều người nhìn thấy nhưng vì sóng gió quá mạnh nên không ai dám mạo hiểm nhảy xuống dòng nước xiết để cứu người phụ nữ ấy. Lưu Hoành trong lòng bất bình nói: “Các vị có đúng là nam tử hán đại trượng phu không? Đâu có đạo lý thấy chết mà không cứu?”.
Vừa dứt lời, Lưu Hoành không một chút do dự kéo chiếc thuyền nhỏ xuống sông rồi xuôi theo dòng. Bởi vì sóng cao nên chiếc thuyền của Lưu Hoành chòng chành gần chút nữa là bị lật úp. Cuối cùng anh cũng đến được chỗ người phụ nữ ấy và cứu cô lên bờ an toàn.
Một vài ngày sau, người phụ nữ hạ sinh được một bé trai. Cùng lúc ấy Lưu Hoành cũng đột nhiên mắc bệnh nặng, không thể đi lại và ăn uống được, rất thống khổ. Anh dặn dò vợ con mình chuẩn bị lo việc hậu sự.
Mọi người thấy vậy, ai nấy đều thương Lưu Hoành và oán trách trời đất rằng: “Tại sao người làm việc thiện lại không được phúc báo mà còn gặp tai ương, còn những kẻ vô cảm đứng trên bờ sông thì đều sống khỏe mạnh như vậy? Ông trời thật không có mắt!”.
Lưu Hoành liền nói: “Mọi người đừng vội oán trách! Vào đúng đêm hôm cứu được người phụ nữ kia, tôi đã gặp một giấc mộng. Trong giấc mộng ấy, tôi vô cùng hoảng hốt”.
“Trong lúc hoảng hốt, tôi được đưa đến trước cửa quan phủ. Tôi thấy một vị quan đang mở cuốn sổ sinh tử ra. Vị quan này chỉ tay vào tôi và nói: ‘Ngươi cả đời đã tích đủ loại ác nghiệp, vốn là năm nay sẽ phải chết và đầu thai thành heo, sau 5 đời làm heo đều bị đồ tể giết mổ thì mới có cơ hội đầu thai làm người. Nhưng may mắn là ngươi vừa cứu sống được hai sinh mạng, đã lập được đại âm đức’.
‘Căn cứ luật của âm phủ, ngươi sẽ được kéo dài thọ mệnh thêm 24 năm. Thọ mệnh được kéo dài này bù vào những ác nghiệp mà ngươi đã gây ra, cho nên năm nay ngươi vẫn phải chết, tuy nhiên năm đời bị chuyển sinh thành heo và bị giết mổ sẽ được miễn trừ’.
‘Hiện tại tử kỳ của ngươi đã đến, chỉ e thế nhân không rõ chân tướng mà hoài nghi nói rằng người làm việc tốt lớn thế mà vẫn chết sớm. Cho nên, nay ta triệu ngươi đến đây để nói rõ cho ngươi biết, nhà ngươi hãy tranh thủ thời gian nói lại để mọi người hiểu. Nhân quả đời này của ngươi coi như kết thúc, đời sau chuyển sinh làm người cố gắng hành thiện tích công đức!’.
Sau khi tôi tỉnh lại, cảm thấy giấc mộng này thật kỳ lạ nên đã không kể cho bất kỳ ai. Hiện tại đến tử kỳ, tôi quả nhiên bị bệnh nặng, nên tôi tin vào giấc mộng đó!”. Không lâu sau, Lưu Hoành thực sự qua đời.
Qua câu chuyện có thể thấy rằng, việc nhân quả báo ứng cho người làm việc thiện, việc ác là rất phân minh, một chút cũng không mờ ám. Vận mệnh của một người tốt hay xấu luôn là dựa vào hành vi của người ấy qua nhiều đời mà định đoạt. Không nên dựa vào một số việc xảy ra mà nghĩ rằng Trời không có mắt, không có Thiên đạo. Nhân quả báo ứng là không sai lệch một điểm; không phải làm việc ác là không có báo mà chỉ là chưa đến thời điểm mà thôi!
Rất nhiều người khi nghe đến kiếp trước kiếp sau thì đều tỏ ra hoài nghi. Nhưng, đây là điều đã được Phật Thích Ca nhìn thấy sau khi chứng đạo quả. Khi phổ độ những chúng sinh đang đắm chìm trong vô minh mà tạo nghiệp, Đức Phật đã thuyết giảng về Nhân – Quả. “Muốn biết nhân đời trước, hãy nhìn vào kết quả thọ báo hiện tại; muốn biết kết quả thọ báo của đời sau, hãy nhìn vào những tạo tác của hiện tại”. Cho nên, ở kiếp hiện tại, con người không những bị nghiệp mới tạo ra chi phối mà còn phải trả nghiệp duyên của những kiếp trước mà họ còn đang “nợ”.
Cũng chính vì thế mà trong kiếp này có người ở hiền, sống tốt đời đẹp đạo nhưng vẫn chưa được phúc báo, đó là bởi họ đang trả những thứ mà chính họ đã đi “vay” ở tiền kiếp. Và ngược lại, những người có phước dày từ kiếp trước thì kiếp này sung sướng. Nhưng sau khi hưởng hết phần phước ấy thì họ sẽ phải trả nợ nghiệp đã tạo tác trong kiếp này. Đến một lúc nào đó, khi nhân duyên hội tụ đủ đầy, thì nghiệp đó sẽ chuyển thành quả.
Trong Kinh Pháp Cú, Phật Thích Ca cũng có bài kệ rằng:
“Người gieo thiện, quả lành chưa có
Chính là do giờ trổ còn xa
Đủ duyên, cây thiện trổ hoa
Ở hiền gặt phúc hẳn là lý chân” (Pháp Cú số 120).
“Kẻ làm ác quả sầu chưa trổ
Chẳng phải do nhân quả không thiêng
Đến khi quả xấu kề bên
Ác thời gặp ác, khổ phiền ngày đêm” (Pháp Cú 119).
Vì vậy, khi đủ duyên lành thì người tốt sẽ được phúc báo, ở ác sẽ gặp ác không hề sai lệch. Đúng như cổ nhân từng nói: “Dù cho trăm nghìn kiếp, nghiệp đã tạo cũng không mất. Đến lúc nhân duyên gặp gỡ nhau thì trở lại nhận lãnh quả báo”.
Chân Tâm
Khai Thị Giao Thừa
Hôm nay là giao thừa, trong nhà Phật làm cho người ta đột nhiên cảm động lời nói đầu vào 30 tháng Chạp, ý nghĩa 30 tháng Chạp trong nhà Phật chính là một ngày cuối cùng ở thế gian này của một người, gọi là 30 tháng Chạp, vì sao vậy? Sau này không còn nữa. Làm cho chúng ta hồi tưởng lại rất nhiều những năm tháng không đạt được gì, thói xấu tập khí vẫn như cũ mà không hề giảm bớt, không nhớ lại thì thôi, vừa nghĩ lại thì sẽ làm cho ta rất kinh sợ.
Nếu như 30 tháng Chạp thật sự đến gần, chúng ta có cảnh giác được lúc đó sẽ làm sao không? Khóa công phu tối mỗi ngày của chúng ta đều đọc Kệ Cảnh Chúng “Một ngày đã qua, mạng cũng giảm dần”. Các vị Tổ sư Đại đức lập ra thời khóa, để cho chúng ta đọc câu này cảnh giác bản thân. Vậy năm nay của chúng ta đã qua rồi, thọ mạng thế nào?
Vì vậy con người sống ở đời, trước kia giảng kinh tôi cũng thường nhắc đến, một người trong một đời chỉ có một việc họ tinh tấn nhất, một phút một giây không ngừng trôi qua, tinh tấn biết bao. Tinh tấn việc gì? Tinh tấn vào phần mộ, con người từ khi sinh ra thì từng ngày từng ngày bước gần phần mộ, đây là lời nói thật. Có ai chịu dừng lại một giây?
Nếu như đổi việc này thành tu đạo, tu đạo cũng tinh tấn giống như vậy, thế thì có thể nói không một người nào không thành tựu. Việc qua rồi thì cũng đã qua, người xưa nói “Lai giả khả truy [việc tương lai vẫn có thể theo kịp]”, quan trọng nhất là chúng ta bước vào tuổi mới, chúng ta là đệ tử của đức Phật, nhất định phải cảnh giác, nhất định phải biết phấn chấn lên.
Chúng tôi nghĩ đến những lời đã giảng trong “Thọ Tân Tuế Kinh”, “Thọ Tân Tuế Kinh” chính là nói vào dịp năm mới, năm xưa Phật tại thế cũng từng giảng. Năm xưa vào dịp năm mới Thế Tôn tập hợp đại chúng, tứ chúng đồng tu tụ họp cùng nhau, người Trung Quốc chúng ta gọi là giao thừa chúc tết, Phật cũng không ngoại lệ.
Nhưng khi giao thừa Phật cùng với mọi người công khai kiểm điểm lại lỗi lầm của bản thân, không nói lỗi của người, đây là Phật làm tấm gương cho chúng ta xem. Phật nói “Bây giờ ta muốn thọ tuổi mới”, đây là lời nói trên kinh văn, “Ta không có lỗi lầm với đại chúng chăng? Cũng không phạm thân khẩu ý ư?” Trong “Thọ Tân Tuế Kinh” có những câu nói này, bản thân Phật nói.
Ý nghĩa của câu thứ nhất, hôm nay vào dịp năm mới, nghĩ thử tôi đối với đại chúng, đối với tất cả chúng sanh, tôi có lỗi lầm gì không? Tôi có phạm thân khẩu ý không? Có ý gì vậy? Thập thiện nghiệp, thân là ba nghiệp, khẩu là bốn nghiệp, ý là ba nghiệp, tôi có phạm hay không? Thân thì sát, đạo, dâm; khẩu thì vọng ngữ, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, ác khẩu; ý thì tham, sân, si, kiểm điểm hằng ngày, phản tỉnh hằng ngày, đây là Phật! Không phải người bình thường.
Làm cho chúng ta nghĩ đến Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đối với sự cảnh giác của thời gian, tinh tấn của đạo nghiệp mà còn như thế, vậy bản thân chúng ta nghĩ thử xem, bản thân là phàm phu sanh tử, tiền đồ một màu đen tối, còn có thể phóng dật? Còn có thể giãi đãi? Mặc cho 30 tháng Chạp đến, tay chân bận rộn thì lúc đó trễ rồi, không kịp nữa.
Nhất định phải nhân lúc thân thể chúng ta còn khỏe mạnh, đầu óc còn sáng suốt, hãy cứ siêng năng sám hối, thay đổi triệt để. Học Phật thì ít nhiều cũng phải có mấy phần giống Phật, như vậy mới là người thông minh thật sự, đây là tấm gương của Phật vào dịp tết cho chúng ta xem.
Cố lão hòa thượng Tịnh Không khai thị 30 tháng chạp năm Đinh Hợi
Diệu Hiệp chuyển ngữ