Một Đề Thi Hay Cho Hành Giả Tu Tịnh NghiệpThầy tôi kể lại lúc xây chùa Thừa Thiên, ai cũng góp sức [vào công tác này]. Một hôm, sau khi làm việc suốt ngày đến nửa đêm ai cũng mệt đừ, lão hòa thượng lấy một hộp đinh đã phân loại xong, rồi đem đinh trong đó [đổ ra và] trộn lẫn vào nhau, sau đó kêu mọi người đem đinh này phân loại lớn nhỏ trở lại. Thầy tôi kể lại lúc đó thầy khởi lên một tâm niệm:

‘Úi chà! Lão hòa thượng ơi, tại sao ngài lại chọn ngay đúng lúc tụi con đang mệt đừ như vầy mà kêu chúng con đi phân loại đinh?’

Lão hòa thượng nghiêm nét mặt lại và nói: “Không lẽ lúc lâm chung còn để cho các cô lựa chọn thời giờ hay sao?”.

Thầy tôi hiểu được ý của lão hòa thượng, lập tức quỳ xuống và đáp: “Ðệ tử đi làm ngay bây giờ”.

Sau đó thầy ráng chấn tỉnh tinh thần, tự khích lệ mình rồi chọn đinh một phân, hai phân, và phân loại lớn nhỏ ra. Làm đến quá khuya mới xong, rồi đi trình với lão hòa thượng: “Ðệ tử đã phân loại xong”.

Lão hòa thượng nói: “Muốn chọn là việc của cô; không muốn chọn cũng là việc của cô!”.

Khổ, đau, mệt, già… đều phải chánh niệm phân minh (rõ ràng). Lâm chung tức là ngày [mà mình] già nhất, mệt nhất. Lúc lâm chung chúng ta không có biện pháp gì để lựa chọn thời điểm nào cho thoải mái, khoẻ khoắn một chút, không kể 30 tuổi hoặc 80 tuổi mới chết, lúc đó đều là ngày [mà mình] già nhất và mệt nhất. Vì vậy nên lúc bình thường phải nỗ lực luyện tập, không kể đau khổ mệt nhọc như thế nào, đều phải ‘chánh niệm phân minh’ (rõ ràng).

…Lúc chúng ta rất mệt, nếu có người kêu mình đi làm một chuyện gì đó, có thể chúng ta sẽ cảm thấy họ rất vô lý, không lịch sự. Thí dụ lúc chúng ta đang ngủ ngon giấc bị người khác kêu thức dậy đi làm, chúng ta sẽ rất bực bội và sẽ trợn mắt ‘kên’ người đó. Nhưng lão hòa thượng thường huấn luyện đệ tử bằng cách này! Ðương nhiên sẽ có người không vui, không nể lão hòa thượng, cứ tiếp tục ngủ. Nhưng cũng có người hiểu được tu hành là phải rèn luyện mình, thời thời khắc khắc tỉnh giác, họ sẽ không kể chuyện này có lý hay không có lý, đều khởi lên chánh niệm và làm theo việc mình nên làm, nộp bài của mình phải nộp. Lão hòa thượng dạy tu hành không phải ở nơi thảo luận chuyện có lý hay không có lý mà là lúc gặp cảnh giới bạn có thể nhẫn chịu hay không!

Ði Tây phương là việc của mình. Lúc kiệt sức chịu hết nổi cũng phải cười lên rồi phấn chấn tinh thần trở lại, cũng như trong đêm khuya phân loại đinh vậy. Biến đau khổ thành quang minh, thành hoa sen.

Chúng ta phải chú ý lời của lão hòa thượng: ‘muốn chọn là chuyện của bạn, không chọn cũng là chuyện của bạn’. Thiệt đó: ‘Muốn đi Tây phương là chuyện của bạn, không đi Tây phương cũng là chuyện của bạn!’.

Phải thường đề cao tinh thần, chánh niệm phân minh là chuyện của bạn, nếu bạn muốn hồ đồ, muốn vọng tưởng phiền não cũng là việc của bạn!

Lúc tôi bị bịnh rất đau đớn, thầy tôi đến bên giường kể lại lời khai thị của lão hòa thượng và quá trình tu hành của thầy, nghe xong tôi rất cảm động nên chấn tỉnh trở lại, ngồi dậy niệm Phật, bởi vì muốn niệm là việc của tôi, không niệm cũng là việc của tôi. Muốn niệm Phật vãng sanh Tây phương là sự giải thoát vui sướng của tôi, không niệm Phật và đau khổ luân hồi cũng là việc của tôi, cũng là tự mình chịu khổ.

Chúng ta đều là phàm phu, sức nhẫn nại còn chưa thành tựu, tuy biết các sự giày vò thân tâm là nghiệp báo mình phải chịu, cũng có lúc không thể mỉm cười an vui, chịu đựng hết nổi, nhưng chỉ cần khởi lên tín nguyện, cũng giống như nửa đêm phấn chấn tinh thần phân loại đinh vậy, khởi lên tín tâm niệm Phật nhất định có thể trở về Tây phương Cực Lạc thế giới. Con đường này là con đường phải không ngừng khởi tín tâm, nguyện lực, là con đường biến đau khổ thành quang minh và hoa sen.

Trich Đề Thi Tu Hành Của Lão Hòa Thượng Quảng Khâm
Pháp Sư Ðạo Chứng thuyết giảng