Khinh Nhờn Giấy Có Chữ Bị Quỷ Vương Quở PhạtĐể khắc in sách vở, thời cổ dùng hãn giản (là những thanh tre tươi, hơ nóng qua lửa cho chảy nhựa, rồi dùng dao khắc chữ lên. Thuở trước khi chưa phát minh ra giấy, cổ nhân dùng phương pháp này để ghi chép sử sách), về sau biến thành dùng gỗ cây dó [làm giấy] và mực. Lại biến đổi thành khắc ván, khiến cho [việc ấn loát] khá thuận tiện, văn tự được lưu thông càng rộng rãi hơn. Phương pháp khắc ván là trước hết dùng giấy để viết lại [văn bản muốn in], dán lên tấm gỗ, sau đó chà sát mặt sau giấy, khiến cho chữ dính vào ván [rồi thợ sẽ khắc chữ theo những chữ ấy]. Giấy bị chà bỏ ấy vẫn còn hình dạng chữ viết, chớ nên khinh nhờn, làm bẩn.

Vào mùa Thu năm Ất Sửu (1805) đời Gia Khánh, tại cầu Bảo Hựu thành Hàng Châu, có người thợ khắc họ Kim, trong khi bị bệnh, thấy hai con quỷ bắt đi, dẫn đến bái yết một vị thần trong đại điện. Thấy thần giống như một vị quan sang trọng. Thần bảo: “Ngươi làm ô uế giấy có chữ, theo pháp, phải trách phạt nặng nề”. Họ Kim thưa: “Con do nghề nghiệp, chẳng thể không làm như vậy”. Thần dạy: “Nếu chẳng phải là như vậy thì trong khi ngươi chà giấy, những mảnh giấy rớt xuống hãy nên thu nhặt, đặt ở chỗ sạch, khi nào có dịp sẽ đốt đi. Chứ ngươi vẫn quăng lung tung nơi bậc thềm, thậm chí quăng vào đống rác, không chỗ nào chẳng có, chẳng phải là ô uế, khinh nhờn thì là gì?” Họ Kim không nói gì được nữa, đành chịu phạt. Đến khi tỉnh giấc, mông và đùi đau đớn quá mức. Ôi! Thần răn nhắc thiết tha, lại vì người làm nghề ấy, mở ra một pháp môn nhằm tiêu trừ đầu mối gây nên tội, người ta còn sợ gì mà chẳng phụng hành ư? Do vậy, chép lại chuyện này, xếp vào trang cuối của [bộ Bất Khả Lục], nguyện những người làm nghề khắc chữ, thấy chuyện này như vết xe đổ trước để răn dè, kính cẩn tuân theo lời thần dạy thì may mắn lắm thay.

Trần Hải Thự ghi

Trích Thọ Khang Bảo Giám
Ấn Quang đại sư tăng đính
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa (theo bản in của Giai Phương Ấn Loát Hữu Hạn Công Ty, năm 1991)
Giảo duyệt: Đức Phong và Huệ Trang